Cần tạo cơ chế gì cho ngành y tế phát triển?
Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã để lại hậu quả nặng nề, nhưng năm 2022, ngành y tế đưa ra giải pháp nào để vừa phát triển chuyên môn bảo vệ sk người dân, vừa bảo vệ được thầy thuốc có tay nghề giỏi?
Đề cao quản lý nguy cơ - giảm thiểu xử lý hậu quả
Là đại biểu Quốc hội, đồng thời là Giám đốc Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy hạng đặc biệt, TS-BS Nguyễn Tri Thức cho rằng để tạo điều kiện cho ngành y tế phát triển để khám, chữa bệnh và bảo vệ được cán bộ thì chúng ta nên chú trọng nâng tầm “quản lý nguy cơ” và từ đó giúp giảm thiểu tối đa phải “xử lý hậu quả”. Theo đó, ở tầm chiến lược vĩ mô, ông đã đưa ra nhiều đề xuất cho năm 2022.
Thứ nhất, điều chỉnh và củng cố lại cơ chế mua sắm thiết bị y tế, thuốc, vật tư y tế tiêu hao… theo hướng đảm bảo công khai - minh bạch - rõ ràng, dễ dàng áp dụng trong thực tiễn và đảm bảo đáp ứng kịp thời cho cấp cứu và điều trị người bệnh. Nên đặt vấn đề và xem xét đến việc sửa, bổ sung chương đấu thầu riêng cho ngành y tế và giáo dục (vì tính đặc thù của các lĩnh vực này).
Thứ hai, cần ban hành hướng dẫn một cách rõ ràng, chi tiết trong liên doanh; liên kết trang thiết bị y tế; tăng cường xã hội hóa, hợp tác công - tư trong lĩnh vực y tế, nhằm giúp các bệnh viện kịp thời có trang thiết bị hiện đại mang tầm khu vực và thế giới để phục vụ điều trị người bệnh, phục vụ nghiên cứu khoa học và nâng tầm chuyên môn cho các bác sĩ VN. Bên cạnh đó giúp tiết kiệm chi phí khi bệnh nhân phải ra nước ngoài điều trị. Hiện có nhiều nhà đầu tư rất thiết tha đầu tư trang thiết bị y tế để phục vụ người bệnh với phương châm cống hiến cho xã hội, cho đất nước (chứ không đơn thuần chỉ là kinh doanh).
Thứ ba, thay đổi cơ chế giá viện phí sao cho đảm bảo đầy đủ cơ cấu giá. Đảm bảo tính đúng, tính đủ và không được lạm thu người bệnh. Bao gồm cả chính sách viện phí nhằm kích thích phát triển kỹ thuật mới cho các BV (ngay khi mới triển khai thí điểm thì BV có cơ chế thu theo quy định hoặc bệnh nhân được hưởng BHYT). Viện phí hợp lý sẽ giúp các BV có nguồn lực tái đầu tư phục vụ người bệnh, giúp thu nhập nhân viên y tế được cải thiện, phù hợp với mặt bằng chung của xã hội. Từ đó sẽ giúp nhân viên y tế tận tâm, tận lực phục vụ cho BV, cho bệnh nhân và giảm tối đa các nhũng nhiễu, tiêu cực.
Thứ tư, đầu tư phát triển y tế cơ sở hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Nhất là các trạm y tế xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… xứng đáng là pháo đài vững chắc trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, tránh đầu tư lãng phí và không phù hợp với chức năng nhiệm vụ của trạm y tế. Tránh “tư duy” xây dựng và đầu tư trạm y tế như một “bệnh viện”. Một trong những giải pháp nên xem xét là đưa các phòng mạch tư vào hệ thống khám, chữa bệnh BHYT.
Thứ năm, tăng cường phối hợp giữa BYT và BHXH VN nhằm tạo sự thống nhất cao trong chi trả BHYT cho người bệnh, đảm bảo khách quan - công bằng - tuân thủ pháp luật tuyệt đối giữa cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan BHXH. Tránh những vấn đề mâu thuẫn và chưa thống nhất giữa hai bên sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người bệnh.
Thứ sáu, rất mong Quốc hội; Chính phủ và Bộ Y tế ban hành các cơ chế, chính sách quy định cụ thể, rõ ràng hơn để bảo vệ những cán bộ dám nghĩ; dám làm; dám đột phá, sáng tạo vì lợi ích chung của ngành; của đơn vị; vì tính mạng của người bệnh (theo tinh thần chỉ đạo của Kết luận số 14-KL/TW ngày 22.9.2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung). Phát huy tối đa vai trò cấp ủy cùng cấp trong việc đề ra quyết sách phù hợp với tình hình thực tế nhưng có thể chưa phù hợp hoàn toàn theo quy định, nhằm kịp thời tháo gỡ các vướng mắc cấp bách trong thực tiễn hoạt động của các BV, kịp thời cứu chữa bệnh nhân (tất nhiên không trái hoàn toàn với quy định của pháp luật và không có yếu tố tư lợi, tiêu cực).
Mặt khác, ở trạng thái bình thường mới, TS-BS Nguyễn Tri Thức đề xuất thanh toán chi phí cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 khám tầm soát di chứng của Covid-19. Cụ thể là Bộ Y tế ban hành hướng dẫn và danh mục khám. Bình thường hóa dần cuộc sống thích ứng an toàn với dịch Covid-19 thì đơn giản hóa 5K thành 3K: khẩu trang - thói quen khử khuẩn - ý thức không tập trung (trong thực tế 2K còn lại không sử dụng hoặc sử dụng hình thức).
TP.HCM với nhiều chiến lược trong năm 2022
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết năm 2022, thành phố nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng về công tác y tế năm 2022. Theo đó, toàn thể nhân viên ngành y tế TP.HCM sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng, không thể tách rời: Đảm bảo đạt hiệu quả tốt nhất trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời phải đảm bảo không làm gián đoạn công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân với chất lượng khám, chữa bệnh tốt nhất có thể của các cơ sở y tế.
Với 2 nhiệm vụ này, ngành y tế TP.HCM đưa ra trong 9 nhóm hoạt động trọng tâm, ưu tiên hàng đầu vẫn là chống dịch, nâng cao năng lực chống dịch và khám, chữa bệnh. TP.HCM củng cố nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe ban đầu và chuyên khoa sâu. Triển khai hiệu quả đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở. Theo đó, thành phố thực hiện Đề án chuyển đổi Trung tâm y tế và BV quận, huyện, TP.Thủ Đức từ Sở Y tế về UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức quản lý. Đào tạo và pt nguồn nhân lực chuyên khoa của các BV đa khoa, chuyên khoa của thành phố hướng đến phát triển các kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Triển khai các giải pháp thu hút nguồn nhân lực đối với các vị trí việc làm khó tuyển dụng tại các cơ sở y tế và các BV.
TP.HCM đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả. Cụ thể, năm 2022, TP.HCM hoàn thành và đưa vào hoạt động hiệu quả các công trình xây dựng mới: BV Truyền máu Huyết học, BV Nguyễn Trãi, BV Nhi đồng 1, BV Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp, Trung tâm pháp y. Đưa các công trình xây dựng đã hoàn thành đi vào hoạt động, bao gồm: BV Ung bướu (cơ sở 2), Khu kỹ thuật cao của BV Nhân dân 115.
Để ngành y tế phát triển, TP.HCM đề xuất - kiến nghị những chính sách cần thay đổi. Theo đó, có cơ chế chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, nhất là thu hút nhân lực y tế đến công tác tại các trạm y tế. Bổ sung thêm các loại hình nhân viên y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân, như loại hình chuyên viên cấp cứu ngoài BV. Bổ sung thêm các loại hình khám, chữa bệnh được BHYT thanh toán như: khám, chữa bệnh tại nhà, khám, chữa bệnh từ xa. Cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh để y tế tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch, nhất là dịch bệnh Covid-19 (Thanh niên, trang 5).
Cả nước không còn tỉnh thành vùng cam, vùng đỏ
Chiều tối 9-2, Bộ Y tế cho biết, trong 24 giờ qua, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 23.956 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 23.953 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.052 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 16.608 ca trong cộng đồng). Đồng thời có thêm 69.825 người khỏi bệnh và 93 ca tử vong.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (2.949), Nghệ An (1.900), Hải Phòng (1.295), Bắc Ninh (1.246), Hải Dương (1.120), Hà Tĩnh (1.019), Thanh Hóa (988), Nam Định (938), Đà Nẵng (925), Vĩnh Phúc (853), Bình Định (809), Phú Thọ (800), Thái Nguyên (527), Ninh Bình (500), Bắc Giang (499), Thái Bình (450), Quảng Bình (423), Lào Cai (419), Quảng Nam (417), Lâm Đồng (357), Quảng Trị (333), Bình Phước (312), Sơn La (291), Quảng Ninh (283), Thừa Thiên - Huế (275), Hưng Yên (259), Tuyên Quang (259), Đắk Lắk (234), Khánh Hòa (232), Hà Nam (219), TPHCM (219), Gia Lai (215), Quảng Ngãi (200), Phú Yên (198), Đắk Nông (187), Cà Mau (187), Kon Tum (169), Yên Bái (154), Cao Bằng (131), Bà Rịa - Vũng Tàu (124), Lạng Sơn (115), Hà Giang (115), Lai Châu (91), Bình Thuận (91), Vĩnh Long (88), Bạc Liêu (82), Điện Biên (77), Bến Tre (72), Bắc Kạn (62), Bình Dương (32), Tây Ninh (31), Trà Vinh (26), Đồng Tháp (21), Long An (20), Cần Thơ (19), Đồng Nai (19), Hòa Bình (18), Kiên Giang (16), Hậu Giang (16), Ninh Thuận (12), An Giang (8 ) và Tiền Giang (7). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.584 ca/ngày (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Dấu hiệu “thổi giá” robot phẫu thuật tại bệnh viện Thanh Nhàn
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình (QLDA) Văn hóa- Xã hội TP Hà Nội là tổ chức sự nghiệp công lập. Sau khi được thành lập, Ban QLDA Văn hóa - Xã Hội TP Hà Nội có chức năng làm chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa, y tế, thể thao và du lịch..., sử dụng vốn trong và ngoài ngân sách Nhà nước khi được thành phố giao.
Thời gian gần vừa qua, TP Hà Nội đầu tư nhiều tỷ đồng để cải thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng, một số bệnh viện trên địa bàn. Ban QLDA Văn hóa - Xã hội TP Hà Nội được giao làm chủ đầu tư, mời thầu, lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án.
Theo đó, lãnh đạo Ban phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thành ủy, UBND thành phố, người dân TP Hà Nội về việc quản lý hiệu quả nguồn vốn đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.
Theo kết luận thanh tra việc sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh giai đoạn 2014-2018 tại Bộ Y tế vừa công bố mới đây, TTCP đã chuyển hồ sơ và đề nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an làm rõ việc mua sắm robot hỗ trợ phẫu thuật sọ não tại Ban QLDA Văn hóa- Xã hội TP Hà Nội.
Căn cứ vào các tài liệu thu thập trong quá trình thanh tra, TTCP cho rằng, việc mua sắm thiết bị y tế nêu trên có dấu hiệu “thổi giá”.
Từ năm 2018, Ban QLDA Văn hóa - Xã hội Hà Nội đã ký hợp đồng với doanh nghiệp mua sắm thiết bị robot hỗ trợ phẫu thuật sọ não với mức giá gần 39 tỷ đồng để lắp đặt tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Tuy nhiên, TTCP xác định, thiết bị robot nói trên có cấu hình tương tự như robot phẫu thuật rosa từng bị “thổi giá” tại Bệnh viện Bạch Mai.
“Giá trị theo hợp đồng của hệ thống robot mà Ban QLDA Văn hóa - Xã hội Hà Nội mua là quá cao so với giá trị thực tế của hệ thống robot đã đưa vào liên doanh liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai là 10,9 tỷ đồng, cần tiếp tục điều tra làm rõ”, kết luận thanh tra nêu.
Trước đó, đầu năm 2021, cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh tại một số cơ quan chức năng Hà Nội có liên quan đến một số dự án mua sắm trang thiết bị y tế theo hợp đồng liên doanh liên kết xã hội hóa tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Động thái này diễn ra sau khi cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai.
Được biết, Ban QLDA Văn hóa - Xã hội Hà Nội đầu tư nâng cấp Bệnh viện Thanh Nhàn giai đoạn 2. Theo đó, Bệnh viện Thanh Nhàn được thụ hưởng một Phòng mổ kỹ thuật cao do ngân sách TP Hà Nội cấp.
Một trong những thiết bị đắt tiền nhất của phòng mổ này là Robot Maizor, có xuất xứ từ Israel. Đáng chú ý, thiết bị này được cung cấp bởi Công ty CP Công nghệ y tế BMS - doanh nghiệp từng bị khởi tố trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai.
Cụ thể, năm 2018, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội TP.Hà Nội đã ký hợp đồng kinh tế với liên danh nhà thầu Công ty CP Công nghệ y tế BMS - Công ty TNHH xuất nhập khẩu thiết bị y tế Đại Phát để mua sắm Hệ thống Robot Mazor với mức giá 38,788 tỷ đồng, trong khi giá nhập khẩu của thiết bị này chỉ khoảng gần 11 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lãnh đạo Bệnh viện Thanh Nhàn từng thừa nhận Robot Mazor phải “đắp chiếu” trong thời gian dài bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có việc lãnh đạo đối tác là Công ty CP Công nghệ BMS bị “xộ khám”, khiến việc bảo hành, bảo trì cũng nhưng hỗ trợ kỹ thuật gặp nhiều vấn đề (Tiền phong, trang 11).
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị buộc thôi việc
Văn phòng Chính phủ hôm qua (9.2) cho biết Thủ tướng vừa có các quyết định kỷ luật liên quan đến TT BYT Trương Quốc Cường và nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang.
Cụ thể, tại Quyết định 152/QĐ-TTg, Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với ông Trương Quốc Cường, do đã có vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong công tác; Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng. Hiện ông Cường đã bị bắt, bị khởi tố để điều tra về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tại Quyết định 151/QĐ-TTg, Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đối với ông Cao Minh Quang, do đã có vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong công tác; Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng.
Trước đó, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trương Quốc Cường. Ban Bí thư cũng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Cao Minh Quang (Thanh niên, trang 5; Tiền phong, trang 2).