Làm rõ nguyên nhân thiếu nhân lực, thuốc, thiết bị y tế
Ngày 9/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với Bộ Y tế về tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lí, đầu thầu thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế…
Theo Phó Thủ tướng, nhiều cơ chế, chính sách trước đây đã bộc lộ không ít bất cập, hạn chế, tồn tại sau khi “cơn bão” COVID-19 đi qua. Mô hình tự chủ bệnh viện vốn là điểm sáng cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không còn phù hợp. Công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, xã hội hoá trong cơ sở y tế công lập… nảy sinh những vấn đề không lường trước được. Phó Thủ tướng đề nghị ngành y tế "xốc lại với quyết tâm mới, một tinh thần làm việc, công hiến tận tụy", làm rõ nguyên nhân tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, thuốc, trang thiết bị vật tư y tế, giải ngân vốn đầu tư công, từ đó xác định những vấn đề cần giải quyết cấp bách hoặc xử lí một cách căn cơ, bài bản.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tập hợp ý kiến của các địa phương, cơ sở y tế nhằm đưa hết các vấn đề vướng mắc vào những nghị định, thông tư đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung; nghiên cứu, đề xuất phương án “một luật sửa nhiều luật” hoặc “một nghị định sửa nhiều nghị định” đối với những vấn đề cấp bách, cần tháo gỡ ngay thay vì “ngồi chờ sửa toàn diện”; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành đang chủ trì xây dựng những luật có liên quan đến lĩnh vực y tế. Đồng thời, sớm đề xuất, chủ động xây dựng nghị định, văn bản hướng dẫn thực hiện luật phù hợp với chuyên môn, đặc thù của ngành y tế.
Về tự chủ bệnh viện công lập, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Y tế tổng kết, đánh giá toàn diện các mô hình đã có, làm cơ sở để tiếp tục triển khai chủ trương này cùng với thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và các chính sách khuyến khích xã hội hóa y tế, hợp tác công - tư… Phó Thủ tướng nói rằng, tự chủ bệnh viện phải bảo đảm công bằng, bình đẳng của người bệnh khi sử dụng dịch y tế được bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám chữa bệnh theo yêu cầu; bảo đảm chế độ, chính sách, thu nhập của y bác sĩ; phù hợp với quy luật thị trường. Bộ Y tế cần thúc đẩy tự chủ bệnh viện mức độ cao tại những đô thị, địa bàn có điều kiện về kinh tế để dành nguồn lực cho các bệnh viện vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn.
Gia hạn gần 8.880 thuốc, vắc xin và sinh phẩm y tế
Cục Quản lí Dược (Bộ Y tế) vừa có quyết định gia hạn gần 8.880 thuốc, vắc xin và sinh phẩm y tế. Theo đó, số thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc xin và sinh phẩm y tế này được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Đây là đợt gia hạn đầu tiên của năm 2023 theo Nghị quyết số 80 của Quốc hội.
Việc gia hạn giúp khắc phục tình trạng thiếu thuốc cung ứng cho các cơ sở điều trị đảm bảo quyền lợi người bệnh. Năm 2022, hàng ngàn thuốc hết hạn số đăng ký nhưng chưa kịp thời được thẩm định, gia hạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, do đó các đơn vị cung ứng không thể tham gia đấu thầu, các bệnh viện bị thiếu hụt thuốc khiến nhiều người bệnh bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc điều trị.
Tại cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 9/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề xuất cho phép xây dựng để ban hành cơ chế đặc thù dự trữ một số loại thuốc hiếm, thuốc cần thiết (Tiền phong, trang 3).
TPHCM thành lập Hội đồng Giám định Y khoa
Ngày 9-2, Sở Y tế TPHCM cho biết, vừa có quyết định thành lập Hội đồng Giám định Y khoa thành phố (gọi tắt là Hội đồng).
Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng là: khám giám định lần đầu và khám giám định lại theo quy định của pháp luật cho các đối tượng đang làm việc hoặc cư trú, sinh sống trên địa bàn TPHCM; không giám định lại các trường hợp đã được Hội đồng cấp Trung ương kết luận.
Theo đó, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế làm Chủ tịch Hội đồng; ông Trần Kim Tân, Giám đốc Trung tâm Giám định Y khoa thành phố trực thuộc Sở Y tế làm Phó Chủ tịch Thường trực; ông Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi làm Phó Chủ tịch chuyên môn (Sài Gòn giải phóng, trang 2).
Xét xử vụ thông thầu tại Sở Y tế Cần Thơ: Thỏa thuận hợp thức hóa hồ sơ dự thầu
Ngày 9.2, ngày đầu tiên phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Y tế Cần Thơ, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 32,6 tỉ đồng, HĐXX của TAND TP.HCM đã thẩm vấn 15/20 bị cáo.
Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định các bị cáo trong vụ án đã thông thầu với nhau, nhằm mục đích để Công ty NSJ và Công ty Bình An của bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (47 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn hành trình Thành công mới - NSJ Group) trúng thầu 4 gói thầu tại Bệnh viện Tim và Bệnh viện Nhi đồng (TP.Cần Thơ). Đáng chú ý, các bị cáo thông thầu từ khâu đề xuất chủ trương đầu tư dự án, lập dự án, lập dự toán, bố trí vốn, thẩm định giá, lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu.
Trong đó, nhóm thuộc Sở Y tế Cần Thơ có 4 bị cáo, gồm 2 cựu Giám đốc Sở là Bùi Thị Lệ và Cao Minh Chu, 2 cựu chuyên viên Ban Quản lý dự án Sở là Lương Tấn Thành và Hồ Phương Quỳnh; nhóm bị cáo thuộc nhà thầu, gồm: Hoàng Thị Thúy Nga (vừa bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 12 năm tù trong đại án AIC xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) và 9 đồng phạm; các bị cáo còn lại thuộc Công ty CP thẩm định giá BTCVALUE, Công ty TNHH tư vấn y tế Mediconsult (đơn vị tư vấn lựa chọn nhà thầu).
Tự thiết lập "quân xanh"
Tại tòa, 2 bị cáo Lương Tấn Thành, Hồ Phương Quỳnh đều khai nhận, trước khi thực hiện dự án, các bị cáo được bà Bùi Thị Lệ Phi, ông Cao Minh Chu giao gặp bị cáo Lê Thành Hưng (Công ty NSJ) để xin báo giá, thông số kỹ thuật, lập hồ sơ, báo cáo, đề xuất dự án theo nhà thầu. "Mục đích là để 2 công ty của bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga trúng thầu", bị cáo Thành khai.
Đối với nhóm bị cáo tại Công ty NSJ và Công ty Bình An, nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu khác, tạo lợi thế cho 2 công ty này trúng thầu, theo chỉ đạo của bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, các bị cáo đồng phạm còn cung cấp sẵn một số doanh nghiệp (có quan hệ làm ăn với bị cáo Nga) tham gia dự thầu với vai trò "quân xanh", chào giá có lợi cho Công ty NSJ; không đáp ứng được tiêu chí hồ sơ kỹ thuật, sau đó nhờ các pháp nhân này đóng dấu hợp thức hóa, chuyển cho Ban Quản lý dự án Sở Y tế Cần Thơ sử dụng.
Đối với nhóm bị cáo Công ty CP thẩm định giá BTCVALUE, các bị cáo thừa nhận ký phát hành chứng thư thẩm định giá, theo giá thỏa thuận, áp đặt trước giữa Sở Y tế Cần Thơ với Công ty NSJ, không khảo sát giá thị trường của thiết bị để ấn định giá hàng hóa. Từ chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý này, Sở Y tế Cần Thơ đã sử dụng để đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán, và kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xác định giá của các gói thầu.
Tòa không chấp nhận ông Võ Thành Thống vắng mặt
Trước đó, trong phần thủ tục phiên tòa, qua kiểm tra thành phần được HĐXX triệu tập, thư ký phiên tòa thông báo có 25/136 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt. Trong đó, đối với nguyên Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ nhiệm kỳ 2011 - 2016, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Thành Thống, thư ký phiên tòa thông báo ông Võ Thành Thống vắng mặt nhưng có ủy quyền cho người khác tham gia phiên tòa.
Tuy nhiên, HĐXX nêu rõ không chấp nhận ủy quyền này. Bởi HĐXX triệu tập cá nhân ông Võ Thành Thống để làm rõ hành vi của ông trong vụ án, nên buộc ông Thống phải có mặt tại phiên tòa. Chủ tọa yêu cầu người đại diện ủy quyền thông báo lại cho ông Võ Thành Thống rõ.
Theo cáo trạng, ông Võ Thành Thống (nguyên Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ giai đoạn Sở Y tế TP.Cần Thơ thực hiện 4 gói thầu sai phạm) trong quá trình chỉ đạo, phê duyệt các văn bản chưa có căn cứ xác định có tác động đến cá nhân nào để làm sai khi thẩm định chủ trương đầu tư, dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu và dự toán; chưa có căn cứ xác định ông Thống có hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; không có căn cứ xác định ông Thống có động cơ vụ lợi.
Tài liệu điều tra đến nay chỉ có lời khai của bị cáo Bùi Thị Lệ Phi và 1 bị cáo khác về việc Hoàng Thị Thúy Nga có nhờ ông Thống tác động để bị cáo Phi tạo điều kiện giúp công ty của bà Nga tham gia các gói thầu; nhưng bà Nga và ông Thống đều không thừa nhận, và không có chứng cứ điện tử, chứng cứ vật chất chứng minh nội dung này. Do vậy, hành vi của ông Thống chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự.
Hôm nay (10.2), HĐXX tiếp tục thẩm vấn các bị cáo còn lại là nhóm bị cáo thuộc Công ty Mediconsult, bị cáo Bùi Thị Lệ Phi, Cao Minh Chu, Hoàng Thị Thúy Nga. Theo cáo trạng, bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga đã "lại quả" cho bị cáo Bùi Thị Lệ Phi 3 tỉ đồng, cho Sở Y tế Cần Thơ 200 triệu đồng (Thanh niên, trang 5).
Tự chủ tài chính: Nhiều bệnh viện miền núi gặp khó
Nhiều bệnh viện công lập ở khu vực miền núi Thanh Hóa đang gặp khó khăn khi vận hành theo cơ chế tự chủ tài chính. Theo Quyết định số 2584/QĐ-UBND ngày 26/7/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá về phê duyệt giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh giai đoạn 2022-2025, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện Quan Hóa thuộc nhóm tự đảm bảo chi thường xuyên từ 30-70% và được cấp 2,8 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Lợi, Giám đốc BVĐK huyện Quan Hoá, cho biết bệnh viện đang bị mất cân đối tài chính khi thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính.
Cụ thể, theo hạch toán sơ bộ năm 2022 của BVĐK huyện Quan Hoá, nguồn thu từ viện phí, dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) sau khi trừ chi phí thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm... còn khoảng 2,7 tỷ đồng. Cộng với nguồn từ ngân sách cấp, tổng thu của bệnh viện khoảng 5,8 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn chi lương, phụ cấp cho 84 cán bộ, viên chức và 4 hợp đồng trong năm là 8,4 tỷ đồng (chưa tính chế độ làm thêm ngoài giờ, phẫu thuật, thủ thuật...).
Do không cân đối được thu - chi, BVĐK huyện Quan Hoá phải sử dụng hết quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và phúc lợi đã trích lập từ những năm trước để chi trả chế độ con người. Hiện tại bệnh viện còn thiếu bác sĩ các chuyên khoa mắt, tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt, da liễu, tâm thần... nhưng không dám tuyển thêm người. Tương tự, ông Ngô Công Nghiêm, Giám đốc BVĐK huyện Lang Chánh, cho biết, bệnh viện đang nợ chế độ làm thêm ngoài giờ, phẫu thuật, thủ thuật của cán bộ, y bác sĩ năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022. Bệnh viện còn nợ tiền thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm của nhà cung ứng. Trong khi đó, các quỹ phúc lợi và phát triển hoạt động sự nghiệp của bệnh viện đã cạn. Định biên của BVĐK huyện Lang Chánh là 201 người, nhưng hiện tại mới chỉ có 96 cán bộ, viên chức. Trong các năm 2020-2021, đã có 4 bác sĩ của bệnh viện viết đơn xin nghỉ công tác.
Về việc này, ông Đỗ Thái Hoà, Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa, cho biết, BVĐK các huyện như Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh là những đơn vị thuộc nhóm khó khăn nhất ở các bệnh viện công lập khu vực miền núi trong thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính. Nguyên nhân của thực trạng này có thể kể đến cơ chế thanh quyết toán dịch vụ KCB BHYT còn bất cập. Liên tục từ 2020 đến đầu năm 2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lưu lượng bệnh nhân đến bệnh viện giảm mạnh so với giai đoạn trước, ảnh hưởng đến nguồn thu. Trong khi đó, các bệnh viện vẫn phải đảm bảo chi hoạt động thường xuyên, như chế độ con người, văn phòng phẩm, điện, nước... và chi phát sinh cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 ở địa phương. Ngoài ra, tỷ lệ người dân tham gia BHYT ở khu vực miền núi giảm sâu (do không còn được Nhà nước hỗ trợ BHYT), gây khó khăn về nguồn thu KCB BHYT cho các bệnh viện...
Để giảm bớt những khó khăn trên, theo ông Hoà, các bệnh viện phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành để tăng thu, tiết kiệm chi thông qua nhiều giải pháp như lựa chọn những dịch vụ kỹ thuật mới phù hợp, chi phí hợp lý nhưng mang lại hiệu quả cao; nâng cao chất lượng hoạt động KCB BHYT để giảm thiểu việc từ chối và xuất toán trong thanh quyết toán BHYT; lựa chọn, sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư, sinh phẩm an toàn, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm... Sở Y tế đã có văn bản góp ý, đề nghị sửa đổi quy định về tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT gửi ngành chức năng (Tiền phong, trang 14).
Đề xuất tích hợp đăng ký hiến tạng trên căn cước công dân, bằng lái xe
Đề xuất này là của ông Nguyễn Hoàng Phúc - phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - tại hội thảo gần đây về đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người do Bộ Y tế tổ chức.
Theo ông Phúc, việc đăng ký hiến tạng qua bằng lái xe và CCCD sẽ giúp tiếp cận với mọi công dân đến tuổi trưởng thành. Việc này đã được thực hiện ở nhiều nước.
Người đồng tình, người phản đối
Do đặc thù công việc, chị Mã Thị Yến Nhi (27 tuổi, ngụ TP.HCM) từng chứng kiến nhiều bệnh nhân suy thận mỏi mòn chờ được ghép thận, hay bệnh nhi bị mù chỉ hy vọng được một lần nhìn rõ mặt mẹ cha. Năm 2018, chị Nhi quyết định đăng ký hiến mô, tạng. "Khi tôi dừng lại một cuộc đời này, nhưng những điều ý nghĩa và nhân văn sẽ được tiếp nối cho những cuộc đời khác", chị Nhi chia sẻ nguyện vọng.
Chị Nhi cho biết bản thân mình đồng ý trước đề xuất tích hợp đăng ký hiến tạng trên CCCD vì giúp hạn chế tình huống lạc mất thẻ hiến tạng. Điều quan trọng nhất là khi có thông tin đã đăng ký hiến tạng trên CCCD, các bác sĩ có thể lấy tạng người chết trong thời điểm tốt nhất, mang lại ý nghĩa nhiều nhất cho người nhận. Nếu phải chờ thêm thời gian xác minh thì nội tạng lúc này chưa chắc còn ghép được.
Trước nhiều ý kiến cho rằng việc hiến tạng là riêng tư, nếu công khai thì không đảm bảo quyền riêng tư của chủ nhân, chị Nhi cho rằng mình không lo ngại điều này vì đây là nghĩa cử cao đẹp và nhân văn nên càng phải được lan tỏa.
Trong sinh nhật 22 tuổi, chị Giang Châu (hiện 26 tuổi, Hà Nội) đã đăng ký hiến tạng. Về đề xuất tích hợp hiến mô, tạng vào CCCD, chị Châu cho rằng việc này sẽ giúp nhiều người biết đến hiến tạng nhiều hơn và có thể dễ dàng đăng ký tham gia.
Trong khi đó, anh Nguyễn Ngọc Trường (30 tuổi, Hà Nội) và anh T.T. (TP.HCM) lại cho rằng việc hiến tạng là việc của cá nhân nên phải đảm bảo quyền riêng tư tuyệt đối và không nên tích hợp với những giấy tờ khác.
"Khi thi bằng lái xe hay làm CCCD lại được hỏi về việc hiến tạng, với nhiều người Á Đông thì việc này sẽ có thể là "điềm báo", được coi là chuyện "nhạy cảm", thậm chí có thể gây kỳ thị đối với những người không đăng ký hiến tạng. Tôi nghĩ rằng việc này nên được tách riêng biệt, ai có nguyện vọng có thể đăng ký hiến tạng" - anh Trường nói.
Để thực hiện, không dễ dàng
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam - nguyên phó chủ nhiệm bộ môn phẫu thuật lồng ngực và tim mạch, Trường đại học Y Dược TP.HCM - cho rằng hiến tạng sau khi chết là nghĩa cử cao đẹp nhưng là việc riêng tư và tùy thuộc vào suy nghĩ, tâm lý mỗi giai đoạn của cuộc đời từng người.
Việc ghi thông tin hiến tạng cố định vào thẻ CCCD có thể phù hợp với một số quốc gia phát triển..., nhưng với hoàn cảnh xã hội, phong tục và tập quán Việt Nam hiện tại thì không.
"Thời điểm thi bằng lái xe hoặc làm CCCD thì chúng ta không muốn hiến tạng, nhưng về sau muốn hiến tạng thì phải làm sao? Khi đưa thông tin hiến tạng công khai, có thể xảy ra tranh chấp, xung đột không đáng có. Nói chung hiến tạng vẫn là quyền riêng tư, không thể luật hóa, công khai trong thời điểm hiện nay", bác sĩ Hoài Nam đặt vấn đề.
Bác sĩ Hoài Nam cũng cho rằng việc tích hợp quá nhiều giấy tờ vào CCCD là không cần thiết. Theo đó, chỉ cần tích hợp giấy tờ phù hợp với thông lệ quốc tế, riêng sức khỏe thì cần thông tin về nhóm máu, thẻ BHYT. Nếu lạm dụng, thông tin trong CCCD sẽ dày đặc, dễ gây rối và không cần thiết.
Theo bác sĩ Hà Ngọc Cường, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, để thực hiện tích hợp hiến tạng vào bằng lái xe, CCCD không chỉ đơn giản là việc "tích" vào một câu hỏi "bạn có đồng ý hiến tạng hay không?" mà cần có chuẩn bị đầy đủ về đội ngũ tư vấn, pháp lý liên quan.
Bác sĩ Cường nêu đến nay việc đăng ký hiến tạng tại tỉnh Phú Thọ cũng chưa được triển khai đầy đủ. "Mới đây, một số bác sĩ tại bệnh viện đã được tập huấn về đăng ký hiến tạng cho người chết não, thế nhưng việc thực hiện cũng không dễ dàng. Hồ sơ đăng ký vẫn phải gửi đến Trung tâm Đăng ký hiến tạng quốc gia để thực hiện.
Chúng ta không thể làm đơn thuần là khi người dân thi bằng lái xe hay làm CCCD sẽ được hỏi về việc có đồng ý hiến tạng hay không để "tích" vào hồ sơ. Để người dân hiểu về hiến tạng cần có đội ngũ có chuyên môn tư vấn, nêu rõ những vấn đề pháp lý sau khi đăng ký hiến tạng. Trong khi đội ngũ có chuyên môn tư vấn về hiến tạng ở các địa phương còn nhiều hạn chế, để thực hiện việc tích hợp này cần có thêm thời gian", bác sĩ Cường nói (Tuổi trẻ, trang 14).
Bám sát thực tiễn khám bệnh, chữa bệnh cho người dân
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua và sẽ sớm đi vào thực tế cuộc sống của người dân. Việc Quốc hội lựa chọn xem xét, biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 đã cho thấy Quốc hội đã bám sát thực tiễn cuộc sống, của ngành y tế.
Qua đó, góp phần để ngành y thực hiện tốt hơn công tác khám, chữa bệnh, trong đó hỗ trợ các bệnh viện công lập có thể giảm bớt khó khăn đã và đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ có những tác động rất lớn tới công tác chăm sóc sức khỏe của người dân cũng như việc khám, chữa bệnh thực tế của mỗi người trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, để Luật thật sự phát huy hiệu quả và mong đợi, các cơ quan chức năng, người dân cần tiếp tục quan tâm những vấn đề có thể phát sinh để tiếp tục rà soát và có hướng khắc phục kịp thời, hiệu quả.
Trong quá trình xây dựng Luật những năm qua, một trong những nội dung được quan tâm là việc kiểm soát chặt chẽ điều kiện, chất lượng hành nghề. Trong đó, một trong những công cụ để kiểm soát là quy định cụ thể các trình tự, thủ tục hành chính, các yêu cầu về khám, chữa bệnh. Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã có bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính trong quản lý dịch vụ khám, chữa bệnh ở một số nội dung, như: Kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề, điều chỉnh chứng chỉ hành nghề, gia hạn chứng chỉ hành nghề, thử lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh…
Tuy nhiên, đây mới chỉ là các thủ tục hành chính có liên quan giữa cơ quan nhà nước và cơ sở khám, chữa bệnh. Trong thực tế, việc rút ngắn thủ tục hành chính giữa cơ sở khám, chữa bệnh với người bệnh lại đang là vấn đề rất được quan tâm. Vì khi có nhu cầu chữa bệnh, khám bệnh, việc nhập viện cũng như xuất viện khiến người nhà hay người bệnh gặp phải nhiều thủ tục, thời gian làm các thủ tục rất lâu.
Có giấy tờ, thủ tục tại các bệnh viện lớn, một người nhà của người bệnh phải xếp hàng, chờ đợi ba đến bốn giờ đồng hồ vẫn chưa xong. Vì vậy, đây là một nội dung cần được các cơ sở y tế, nhất là những nơi có đông người bệnh và người nhà đến thăm khám lưu tâm, xử lý kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng hơn nữa cho việc làm các thủ tục nhập và xuất viện.
Bên cạnh đó, ở nước ta hiện nay còn khoảng 10% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế, phần lớn trong số họ là những người có thu nhập trung bình thấp, không ổn định và cơ sở khám, chữa bệnh công lập là nơi chủ yếu mà họ sẽ đến khi cần khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe…
Đây sẽ là nhóm đối tượng cần được tiếp tục quan tâm, hỗ trợ bởi đối với các dịch vụ khám, chữa bệnh ngoài phạm vi bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế công lập thì mức chi phí y tế sẽ vượt quá khả năng của những người dân; nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nhưng không thuộc đối tượng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh có nhiều quy định liên quan các luật khác nhau, như: Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Đấu thầu, Luật Giá... Vì vậy, sự thống nhất, hỗ trợ, bổ sung cho nhau của các luật nêu trên là rất quan trọng đối với quá trình triển khai công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Những quy định trùng lặp, chưa thống nhất, khác nhau cần được rà soát, xử lý kịp thời để bảo đảm sự thông suốt, không trùng chéo (Nhân dân, trang 4).