Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 10/4/2016

  • |
T5g.org.vn - Tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi - rubella cho gần ba triệu trẻ 16 đến 17 tuổi; Gia hạn thẻ BHYT cho 5 nhóm đối tượng

Tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi - rubella cho gần ba triệu trẻ 16 đến 17 tuổi

Gần 100 học sinh Trường Phổ thông dân tộc Nội trú Tây Nguyên vừa được Trạm y tế phường Thành Nhất (TP Buôn Ma Thuột) phối hợp nhà trường thực hiện tiêm phòng vắc-xin nhanh gọn và an toàn. Đây là một trong những điểm tiêm đầu tiên trên cả nước triển khai Kế hoạch tiêm bổ sung vắc-xin sởi - rubella cho nhóm đối tượng trẻ 16 đến 17 tuổi.

Theo kế hoạch, từ tháng 3 đến tháng 5-2016, Bộ Y tế triển khai Kế hoạch tiêm bổ sung vắc-xin sởi - rubella cho nhóm đối tượng và trẻ 16 đến 17 tuổi (sinh năm 1998 - 1999) tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Việc triển khai tiêm vắc-xin lần này để chủ động khống chế bền vững bệnh sởi (tiến tới loại trừ bệnh sởi vào năm 2017) và rubella thông qua việc cắt đứt nguồn lây truyền, giảm số mắc, tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng. Dự kiến sẽ có gần ba triệu trẻ trong độ tuổi sẽ được tiêm vắc-xin đợt này.

Các nghiên cứu cho thấy, trong các vụ dịch sởi và rubella những năm trước đây những đối tượng mắc bệnh tập trung chủ yếu ở nhóm thanh niên và trẻ em. Trong khi đó, chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - rubella (triển khai trong hai năm 2014 - 2015) đã được triển khai thành công với gần 20 triệu trẻ từ 1 đến 14 tuổi được tiêm vắc-xin sởi - rubella. Sau chiến dịch, số ca mắc bệnh sởi đã giảm hàng chục lần. Kết quả phân tích tuổi mắc sởi các tháng đầu năm 2015 cho thấy, số mắc bệnh ở nhóm trẻ từ 1 đến 14 tuổi giảm mạnh, tuy nhiên tại một số địa phương dịch đã xảy ra ở lứa tuổi lớn hơn. Trên cơ sở đó, để chủ động khống chế bền vững bệnh sởi và rubella thông qua việc cắt đứt nguồn lây truyền, giảm số mắc, tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, cần triển khai tiêm bổ sung vắc-xin sởi - rubella cho nhóm đối tượng 16 đến 17 tuổi trên phạm vi cả nước.

Tại bốn tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đác Lắc, Đác Nông) thì Đác Lắc là địa phương triển khai chiến dịch sớm nhất. Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên TS Phạm Thọ Dược cho biết: Ngay sau khi Bộ Y tế ban hành kế hoạch triển khai, Viện đã phối hợp ngành y tế các địa phương làm tốt công tác chuẩn bị, từ bảo đảm chất lượng vắc-xin, vật tư tiêu hao đến tập huấn kỹ thuật tiêm, xử lý phản ứng sau tiêm. Trạm y tế từng xã, phường, thị trấn đã cùng các trường học và chính quyền địa phương tổ chức điều tra, thống kê toàn bộ số trẻ trên địa bàn để có phương án tổ chức tiêm hợp lý cũng như bảo đảm mục tiêu chiến dịch đề ra. Dịp này, trên địa bàn bốn tỉnh Tây Nguyên sẽ có 160 nghìn trẻ được tiêm vắc-xin sởi-rubella.

Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Trưởng Văn phòng Dự án Tiêm chủng TS Dương Thị Hồng cho biết: Kế hoạch tiêm bổ sung vắc-xin sởi - rubella đã được triển khai đến tuyến khu vực. Trên cơ sở đó sẽ triển khai tại 63 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, ngành y tế cũng có văn bản đề nghị ngành giáo dục và đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp triển khai cho từng khu vực cụ thể.

Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế các địa phương phối hợp chặt chẽ ngành giáo dục lập danh sách tiêm chủng theo lớp đối với các học sinh hiện đang học lớp 11, 12 trường trung học phổ thông, trường dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên... Với những học sinh đang theo học lớp 11, 12 tại các trường nêu trên nhưng nằm ngoài độ tuổi sinh năm 1998 - 1999 vẫn được lập danh sách và được tiêm vắc-xin sởi - rubella trong đợt này. Cần trao đổi với Ban giám hiệu các trường về kế hoạch phối hợp triển khai với trạm y tế, đề nghị nhà trường bố trí giáo viên, cán bộ y tế học đường (nếu có) thống kê, đăng ký đầy đủ học sinh trong độ tuổi theo từng lớp. Đồng thời tổ chức điều tra, thống kê đối tượng ngoài cộng đồng tại vùng nguy cơ, vùng hay xảy ra dịch để có phương án tiêm phù hợp.

Bộ Y tế lưu ý, không tiêm vắc-xin sởi - rubella cho những đối tượng đã được tiêm vắc-xin sởi hoặc sởi - rubella hoặc vắc-xin sởi - quai bị - rubella trong vòng một tháng trước ngày tiêm. Không tiêm vắc-xin sởi - rubella cho nữ nghi ngờ mang thai hoặc đang mang thai.

Sởi và rubella là những bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút sởi và vi-rút rubella gây nên. Bệnh sởi có nhiều biến chứng nguy hiểm ở trẻ nhỏ như viêm phổi, tiêu chảy, suy dinh dưỡng, viêm não... và có thể gây tử vong. Đáng chú ý, nếu người mẹ nhiễm rubella trong ba tháng đầu của thai kỳ có thể gây ra sảy thai, thai chết lưu, hội chứng rubella bẩm sinh (CRS) và nhiễm rubella bẩm sinh ở đối tượng trẻ em. Hội chứng rubella bẩm sinh bao gồm các dị tật tim, đục thủy tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, đái tháo đường ở đối tượng trẻ nhỏ, vàng da, xuất huyết, xương thủy tinh... và nhiều trường hợp mắc đa dị tật. Nhân dân (trang 5)

Gia hạn thẻ BHYT cho 5 nhóm đối tượng

Sáng ngày 9/4/ Bệnh viện quận 2 TPHC đã tổ chức ra quân tăng cường nhân lực y tế tại trạm y tế năm 2016. Thực hiện đề án của Sở Y tế, bệnh viện đã triển khai chương trình hỗ trợ cho các trạm y tế phường thông qua việc hợp tác giữa bệnh viện và Trung tâm Y tế Dự phòng quận.

Theo kế hoạch, mô hình đưa bác sĩ tuyến quận về trạm y tế khám chữa bệnh sẽ bước đầu được triển khai tại bệnh viện quận Thủ Đức và bệnh viện Quận 2 sau đó tiếp tục nhân rộng sang các quận huyện khác. Trong kế hoạch thực hiện, bệnh viện quận 2 đã cử 10 bác sĩ thuộc các chuyên khoa Bác sĩ Gia đình, Nội tổng hợp, Nội tim mạch, Ngoại tổng quát, Mắt, Chấn thương Chỉnh hình, Răng Hàm Mặt, Tai Mũi Họng… về công tác tại ba trạm y tế gồm: Thạnh Mỹ Lợi, Bình Khánh và Thảo Điền.

BS Trần Văn Khanh, Giám đốc bệnh viện Quận 2 cho hay, các bác sĩ sẽ hưởng chế độ theo quy định của nhà nước tại bệnh viện nhưng đảm nhận nhiệm vụ khám chữa bệnh cho bà con nhân dân tại các trạm y tế. Mỗi bác sĩ thực hiện nhiệm vụ của mình tại trạm y tế phường trong vòng một năm sau đó sẽ tiến hành luân phiên. Bên cạnh việc đưa bác sĩ về tuyến dưới, bệnh viện đã xây dựng danh mục chuyên môn kỹ thuật, thuốc, phác đồ điều trị và phần mềm kết nối giữa trạm y tế và bệnh viện để quản lý, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

PSG.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho hay, hiện nay các trạm y tế phường đã bước đầu được trang bị phương tiện hiện đại phục vụ chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, đa số các bác sĩ tại trạm y tế đều phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên ít có thời gian khám chữa bệnh. Việc tăng cường bác sĩ tuyến quận huyện về trạm y tế là một trong những chiến lược nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở để thu hút bệnh nhân, giảm quá tải theo hướng bền vững cho bệnh viện tuyến trên, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận với dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chuyên môn sâu ngay tại tuyến cơ sở. Sài gòn giải phòng (trang 4)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang