Điều tra, xử lý hình sự các vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm
Ngày 9-5, Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP.
Tại Chỉ thị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh, kiểm tra đột xuất về ATTP đối với ngành hàng được phân công, quản lý chặt chẽ các vật tư liên quan đến ATTP, giải quyết kịp thời các sự cố mất ATTP; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm và các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý ATTP.
Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương nắm chắc tình hình các tuyến, địa bàn trọng điểm về vi phạm tập thể, cá nhân, điều tra, xử lý hình sự các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực ATTP theo quy định của pháp luật hình sự.
Trước ngày 20/5/2016, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phương án kinh phí cho công tác quản lý ATTP theo hướng cho phép các địa phương sử dụng toàn bộ số tiền phạt vi phạm hành chính về ATTP và bổ sung kinh phí từ ngân sách nhà nước đáp ứng yêu cầu công tác này, đặc biệt là kinh phí cho công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, trang thiết bị kỹ thuật, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn; tổ chức, cá nhân vi phạm phải trả chi phí xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn.
Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP của cơ quan nhà nước cấp dưới; kiên quyết xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Lãnh đạo các cấp từ xã đến tỉnh phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn. Sài gòn giải phóng (trang 7), Hà nội mới (trang 1)
Giám sát dịch Zika tại nơi bệnh nhân Hàn Quốc từng tạm trú
Liên quan trường hợp phụ nữ 25 tuổi người Hàn Quốc bị nhiễm Zika sau khi về từ Việt Nam, chiều 9.5, Bộ Y tế cho biết đã thực hiện các biện pháp giám sát dịch tại khu vực bệnh nhân làm việc và tạm trú.
Trong thời gian từ 10.4 - 30.4, bệnh nhân nói trên đã làm việc tại Trường Quốc tế Hàn Quốc (địa chỉ 21, Tân Phú, Q.7, TP.HCM) và tạm trú tại Khu đô thị Sky Garden 2 (Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM).
Viện Pasteur TP.HCM và Sở Y tế thành phố này đã triển khai các hoạt động giám sát, điều tra, xác minh dịch, đồng thời chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại khu vực bệnh nhân làm việc và lưu trú như đối với xử lý ổ dịch. Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế của Hàn Quốc xác định các thông tin liên quan khác để hỗ trợ cho quá trình điều tra, xác minh ổ dịch tại Việt Nam.
Bộ Y tế nhấn mạnh, người đi/đến/về từ vùng có dịch bệnh do vi rút Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày. Nếu có biểu hiện bệnh, cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, điều trị.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp: Áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy. Thanh niên (trang 2)
Bệnh viện quận đầu tiên can thiệp tim mạch thành công
Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, giám đốc Bệnh viện Q.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết các bác sĩ Đơn vị tim mạch can thiệp Bệnh viện Q.Thủ Đức lần đầu tiên đã can thiệp mạch vành thành công cho ông Lê Văn N., 57 tuổi, ở Q. Thủ Đức, với sự hỗ trợ của các bác sĩ chuyên khoa tim mạch BV Đại học Y Dược (TP.HCM). Thanh niên (trang 2)
Cứu sống bệnh nhân 10 lần ngừng tim và bị tổn thương đa phủ tạng
Lần đầu tiên Bệnh viện đa khoa Quảng Nam tiếp nhận, chữa trị thành công bệnh nhân rung thất ngừng tim đến 10 lần sau đó lại bị tổn thương đa phủ tạng.
Chiều nay 9.5, Bệnh viện đa khoa Quảng Nam tổ chức lễ ra viện đặc biệt, sau 40 ngày điều trị giành lại sự sống cho bệnh nhân Nguyễn Văn Dũng (56 tuổi) với 10 lần rung thất ngừng tim và 3 lần lọc máu.
Ông Nguyễn Văn Dũng (trú thôn Vĩnh Phú, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình) nhập viện khoảng 11 giờ trưa ngày 31.3 trong tình trạng đau ngực, có dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp, được can thiệp đặt stent.
Tuy nhiên, 4 ngày sau, bệnh nhân đột ngột ngưng thở, rung thất (loạn nhịp) ngừng tim khi đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc. Ê kíp gồm khoa Nội tim mạch, Hồi sức tích cực chống độc đã kịp sốc điện, hồi sinh tim phổi để cứu bệnh nhân.
Tổng cộng, bệnh nhân Dũng đã trải qua 10 lần ngưng tim, có đêm ngừng tim đến 3 lần, và đều được phát hiện kịp thời để chữa trị. Các khoa Nội tim mạch, Hồi sức tích cực chống độc đã phải hội chẩn hằng ngày.
Khi tim ổn định, đến lượt bệnh nhân chuyển sang tổn thương đa phủ tạng, gồm suy giảm chức năng gan, thận… cần được hỗ trợ lọc máu thêm 3 lần nữa. Quá trình can thiệp lọc máu thành công nhờ vào thiết bị máy siêu lọc được Bệnh viện đa khoa Quảng Nam trang bị 6 tháng trước, trị giá 1,4 tỉ đồng, từ nguồn tiết kiệm của bệnh viện.
Đến 20.4, bệnh nhân Dũng hồi phục sức khỏe, hoàn toàn không cần thở máy và chính thức xuất viện chiều nay (9.5) sau 40 ngày “chống chọi” với bệnh tật.
Tại lễ ra viện, thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Ngọc Ẩn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quảng Nam, đánh giá rất cao tinh thần và trách nhiệm của ê kíp y bác sĩ khi tham gia điều trị cho bệnh nhân Dũng. “Có đến 10 lần ngừng tim, mà lần nào cũng phát hiện kịp thời và chữa trị hiệu quả. Đối với tình trạng rung thất ngừng tim, chỉ cần chậm phát hiện chừng 5 phút thôi là bệnh nhân tử vong hoặc chết não”, bác sĩ Ẩn nói.
Theo thạc sĩ Lê Tự Định, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, đây là trường hợp cực kỳ hiếm gặp và cũng là lần đầu tiên Bệnh viện đa khoa Quảng Nam tiếp nhận bệnh nhân ngừng tim 10 lần, biến chứng phải lọc máu 3 lần.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Lâm, Trưởng khoa Nội tim mạch, cũng tỏ ý rất xúc động khi “cảm ơn quả tim của bệnh nhân Dũng đã chiến đấu rất kiên cường”. Thanh niên (trang 3)