Tôn vinh người hiến máu tiêu biểu Thủ đô năm 2017
Ngày 9-6, tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP Hà Nội tổ chức “Lễ tôn vinh người hiến máu tiêu biểu Thủ đô năm 2017”.
Đây là hoạt động thường niên nhân Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu (14-6) với chủ đề “Hiến máu cứu người - Xin hiến thường xuyên”. Phó Chủ tịch UBND TP - Trưởng ban Chỉ đạo vận động hiến máu TP Hà Nội Ngô Văn Quý tới dự.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý trân trọng biểu dương và cảm ơn những hành động thiện nguyện của những người hiến máu tiêu biểu của Thủ đô, đồng thời nhấn mạnh, Hà Nội là địa phương đầu tiên phát động phong trào hiến máu tình nguyện vào năm 1994 và trong những năm qua, hoạt động hiến máu đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, số lượng người hiến máu tăng hằng năm. Riêng năm 2016, toàn thành phố đã tiếp nhận trên 193 nghìn đơn vị máu từ người hiến máu tình nguyện (đạt tỷ lệ 2,4% tổng số dân). 6 tháng đầu năm 2017, thành phố đã tiếp nhận được gần 110 nghìn đơn vị máu.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý khẳng định, với thông điệp của Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu (14-6) năm nay “Hiến máu cứu người - Xin hiến thường xuyên” chính là những ghi nhận và đánh giá cao của xã hội đối với những hành động cao cả của những người hiến máu tình nguyện. Họ đã sẻ chia một phần máu của mình và thời gian quý giá để cứu người bệnh. Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý khuyến khích, kêu gọi mọi người hiến máu, sẵn sàng hiến máu và hiến máu thường xuyên để cứu giúp người bệnh.
Vào năm 2005, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hiệp hội Truyền máu quốc tế và Hiệp hội Người hiến máu thế giới đã thống nhất lấy ngày 14-6 là Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu. Đây là ngày sinh của Giáo sư Karl Lendsteiner - người Áo, được chọn để tưởng nhớ người đã phát hiện ra nhóm máu A, B, O năm 1900 (đạt giải Nobel Y học), mang lại bước tiến quan trọng cho lịch sử truyền máu thế giới.
Dịp này, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tặng Bằng khen cho 20 gia đình và 30 cá nhân; UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen cho 5 gia đình và 10 cá nhân; Thường trực Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP Hà Nội tặng Giấy khen cho 34 gia đình và 110 cá nhân có đóng góp tích cực trong phong trào hiến máu tình nguyện. (Hà Nội mới, trang 1)
Sẽ kiểm tra đột xuất các đơn vị chạy thận nhân tạo
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 9-6, Sở Y tế Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất các đơn vị chạy thận nhân tạo. Những đơn vị không bảo đảm đủ điều kiện mà vẫn hoạt động sẽ kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo đơn vị và các bộ phận liên quan.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cũng yêu cầu các đơn vị có đơn nguyên thận nhân tạo trên địa bàn rà soát lại quy trình chuyên môn kỹ thuật đã được phê duyệt; các bước, thời gian chạy, thời gian bảo dưỡng máy; bảo đảm quy trình vô khuẩn cho từng bệnh nhân. Các đơn vị phải thực hiện đúng phạm vi chuyên môn được phê duyệt và đáp ứng về số giường, cơ sở vật chất, nguồn nước, số cán bộ được đào tạo.
Cũng theo ông Nguyễn Khắc Hiền, cơ sở y tế nào chưa đủ điều kiện nêu trên thì sẽ phải tạm dừng để đầu tư, nâng cấp và bổ sung nguồn nhân lực chuyên môn kỹ thuật phù hợp. Về trang thiết bị, nếu hết khấu hao thì phải thanh lý, không được sử dụng vì không bảo đảm an toàn cho người bệnh.
Hiện ngành Y tế Thủ đô có 12 bệnh viện trong và ngoài công lập có khoa thận nhân tạo hoặc đơn nguyên thận nhân tạo với 249 máy thận nhân tạo, đang điều trị cho 1.120 bệnh nhân. (Hà Nội mới, trang 6)
Tôn vinh 752 cá nhân hiến máu tình nguyện
Sáng 9-6, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TPHCM đã tổ chức Lễ tôn vinh người hiến máu tiêu biểu năm 2017 nhằm biểu dương, động viên và ghi nhận thành tích các cá nhân đã tham gia và hưởng ứng trong công tác vận động hiến máu tình nguyện trong thời gian qua.
Tại lễ tôn vinh, 752 cá nhân hiến máu tình nguyện được biểu dương. Cụ thể, trao tặng 74 Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp nhân đạo" cho người đã hiến máu 40 lần; trao 186 Bằng khen Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho người hiến máu 30 lần và trao 492 bằng khen UBND TPHCM cho người hiến máu tình nguyện 20 lần.
Theo bác sĩ Lê Quang Ninh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TPHCM, Trung tâm Hiến máu nhân đạo chính thức thành lập từ ngày 31-12-1994. Đến nay, toàn TP đã có hơn 2 triệu lượt người dân tham gia hiến máu tình nguyện, đạt trên 2,3 triệu đơn vị máu.
Dịp này, Bác sĩ Lê Quang Ninh cũng bày tỏ lòng tri ân đến hơn 2 triệu người dân TPHCM - những người đã hiến máu góp phần quan trọng giúp ngành y tế cứu sống nhiều bệnh nhân, nhất là đảm bảo đủ số lượng máu cho cấp cứu và điều trị trên toàn TP.
Đồng thời cũng hoan nghênh và biểu dương đội hiến máu dự bị 10.000 người của Trung tâm Hiến máu nhân đạo thành phố và 24 quận/huyện trong tư thế sẵn sàng hiến máu cho những bệnh nhân cần máu khẩn cấp. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)
Tăng niềm tin của dân vào y tế cơ sở
Sau gần 1 tháng đưa vào hoạt động Trạm Y tế xã hội hóa tại phường 11 (quận 3, TPHCM), người dân đã tích cực đến cơ sở y tế tuyến đầu này để khám và chữa bệnh.
Đây là một trong những hướng đi mà ngành y tế TPHCM hướng tới nhằm giải quyết tình trạng quá tải cho các bệnh viện (BV) tuyến trên, đồng thời tạo niềm tin cho người dân đối với y tế cơ sở.
Trạm y tế hiện đại
Nghe tin Trạm y tế phường 11 mới mở thêm phòng khám đa khoa, ngày 4-6, bà Lê Thị Vân (55 tuổi), một người dân sinh sống trên địa bàn phường 11, đã đến khám bệnh. Bà Vân hài lòng cho biết: “Không ngờ trạm y tế lại khang trang như vậy, thiết bị máy móc hiện đại, thái độ phục vụ niềm nở mà giá khám chỉ có 70.000 - 80.000 đồng/lượt, thật vô cùng tiện lợi”. Còn anh Nguyễn Thanh Vũ, ngụ tại hẻm 436 đường Cách Mạng Tháng Tám, cũng khá bất ngờ khi mới đây đưa con gái 2 tuổi đến trạm chích ngừa vaccine. “Cùng một địa điểm nhưng rõ ràng bộ mặt của trạm y tế đã thay đổi hẳn so với trước, ngay cả việc chích ngừa thôi cũng đã thấy chuyên nghiệp hơn nhiều”, anh Vũ cho hay.
Bắt đầu từ ngày 19-5, thay cho mô hình trạm y tế với cơ sở vật chất nghèo nàn, thiết bị cũ kỹ, nhân sự thiếu thốn trước kia, là một phòng khám khang trang, với đầy đủ các dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, Trạm Y tế phường 11, quận 3 là mô hình đối tác công - tư được TPHCM thực hiện thí điểm. Theo đó, trạm y tế này sẽ có 2 chức năng song song là phòng chống dịch bệnh, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và khám, chữa bệnh theo mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Ngoài các nhiệm vụ được thực hiện thường xuyên như tiêm chủng, phòng ngừa, kiểm soát dịch, khám chữa bệnh cho gia đình thuộc diện chính sách, phòng khám còn có thêm các dịch vụ chưa từng có tại các trạm y tế như xét nghiệm bậc cao tầm soát hầu hết các ung thư, bệnh di truyền, chẩn đoán trước sinh, chẩn đoán sau sinh…
Trước đó, Công ty cổ phần Y tế Việt Anh đã đầu tư 20 tỷ đồng chỉnh trang, cải tạo và mua sắm trang thiết bị hiện đại cho Trạm Y tế phường 11. Bên cạnh 2 bác sĩ cơ hữu của trạm trước đó, phòng khám được bổ sung thêm 2 bác sĩ và có sự tham gia khám chữa bệnh của một số bác sĩ BV Đại học Y Dược, BV Chợ Rẫy…, nhằm tăng chất lượng hoạt động tại tuyến y tế phường, xã, nâng cao niềm tin của người dân vào trạm y tế.
Nỗ lực vì người bệnh
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, xã hội hóa trạm y tế là bước đột phá với mục tiêu hướng tới tất cả người dân được chăm sóc sức khỏe, thụ hưởng các dịch vụ y tế tốt nhất. Tuy nhiên, mô hình phối hợp công - tư này phải làm tốt công tác khám chữa bệnh ban đầu, khám bảo hiểm y tế, quản lý chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, đặc biệt phát huy hoạt động mô hình bác sĩ gia đình; đồng thời vẫn phải giữ nguyên các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của một trạm y tế như tiêm chủng, phòng ngừa, kiểm soát dịch, khám chữa bệnh cho gia đình thuộc diện chính sách. “Nhà nước phải quản lý giá dịch vụ ở mức phù hợp với mức sống của người dân và phải đảm bảo các chức năng vốn có của trạm y tế”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu.
Còn trong lần thị sát mới đây tại TPHCM, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã hoan nghênh TPHCM đi tiên phong trong việc thí điểm mô hình xã hội hóa trạm y tế. Song, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý TP cần nghiên cứu kỹ, rút kinh nghiệm từ việc thí điểm mô hình này để định hình được mô hình đầu tư trong giai đoạn tiếp theo. “Bước đầu, TPHCM đã làm rất tốt việc kêu gọi xã hội hóa trạm y tế, nhưng phải tính toán làm sao để đảm bảo hoạt động lâu dài, tái đầu tư và không ngừng nâng chất lượng để đáp ứng nhu cầu, tạo niềm tin cho người dân”. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng kêu gọi nhà đầu tư hướng tới mô hình không vì lợi nhuận, tái đầu tư tiếp tục phát triển hệ thống. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chưa được tuyển sinh cả nước: Hơn 12.000 thí sinh lao đao
Việc thông báo dừng tuyển sinh trên phạm vi cả nước của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) không chỉ vi phạm quy chế tuyển sinh mà còn làm cho hơn 12.000 thí sinh (hộ khẩu tại các tỉnh, thành khác) hoang mang trước kỳ thi THPT quốc gia cận kề.
Điều chỉnh thì từ năm sau
Trước văn bản thông báo dừng tuyển thí sinh (TS) trong phạm vi cả nước của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch ngày 8.6, sáng qua 9.6, Bộ GD-ĐT đã ra văn bản yêu cầu trường phải thực hiện đúng quy chế tuyển sinh và đúng các nội dung trong đề án tuyển sinh mà nhà trường đã công bố trước đó, tức phải tuyển sinh trong phạm vi cả nước.
Văn bản của Bộ nêu rõ, tại khoản 3 điều 3 Quy chế tuyển sinh ĐH và CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên chính quy hiện hành, tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ trước khi TS đăng ký dự thi THPT quốc gia. Trường cũng phải chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của đề án.
Bộ GD-ĐT yêu cầu Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch phải tuyển sinh toàn quốc
Bộ GD-ĐT vừa gửi công văn cho Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đề nghị trường này thực hiện đúng quy chế tuyển sinh, như đề án mà trường đã công bố là tuyển sinh trong phạm vi toàn quốc.
Trên công văn hướng dẫn công tác tuyển sinh của Bộ, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã xây dựng đề án tuyển sinh và nêu rõ phạm vi tuyển sinh trong toàn quốc. Điều này đã công khai trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ cũng như trang web của trường. Đây là thông tin căn bản để 16.429 TS của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đăng ký xét tuyển vào trường (trong đó có khoảng 12.000 TS không có hộ khẩu tại TP.HCM).
Từ đó, Bộ cho rằng, vào thời điểm này khi các TS đã hoàn thành đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển và ngày thi đã đến rất gần thì việc thay đổi khu vực tuyển sinh của trường là không phù hợp với quy chế tuyển sinh. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi và gây băn khoăn, lo lắng cho nhiều TS ở các tỉnh, thành ngoài TP.HCM đã đăng ký xét tuyển vào trường.
Trao đổi thêm với phóng viên Báo Thanh Niên, GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nói rằng thay đổi này rất quan trọng, sẽ gây xáo trộn trong công tác tuyển sinh và ảnh hưởng tới TS. Ông Ga nhấn mạnh: “Khi xây dựng đề án, Bộ không bắt buộc trường phải mở rộng tuyển sinh trong cả nước, trường tự công bố và phải thực hiện. Nếu muốn điều chỉnh, trường có thể công bố để áp dụng cho đợt tuyển sinh năm sau”.
Cũng theo ông Ga, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đang hiểu chưa đúng về quy định điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi. “Việc điều chỉnh nguyện vọng là tạo cơ hội cho TS thay đổi nguyện vọng nếu muốn, còn trường bắt buộc TS phải điều chỉnh nguyện vọng vì không điều chỉnh là không được. Hai việc này hoàn toàn khác nhau”, ông Ga nói.
Có phải thực sự chưa đủ điều kiện tuyển sinh cả nước?
Trong văn bản gửi Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch ngày 6.6, UBND TP.HCM chưa chấp thuận việc mở rộng đối tượng tuyển sinh trong năm học này bởi điều kiện chuẩn bị của trường chưa chu đáo gồm: cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và cơ chế tài chính.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào chỉ tiêu tuyển sinh không đổi của năm nay so với trước đó có thể thấy nguyên nhân này chưa thực sự hợp lý. Theo phương án tuyển sinh đã công bố, năm nay trường tuyển 1.200 chỉ tiêu, giảm 60 chỉ tiêu so với năm ngoái. Trong đó, riêng ngành y đa khoa tuyển 850 chỉ tiêu, giảm 100 so với 2016. “Chỉ tiêu giảm trong khi cơ sở vật chất và đội ngũ không có biến động thì điều kiện tuyển sinh của trường không đổi. Bởi dù tuyển TS có hộ khẩu TP.HCM hay của địa phương khác, số sinh viên nhập học khóa mới vẫn như nhau”, một cán bộ của trường cho biết.
Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh được các trường thực hiện dựa trên điều kiện đảm bảo chất lượng cụ thể (cơ sở vật chất, đội ngũ...). Trong khi số người học giảm, điều kiện đảm bảo chất lượng không đổi thì chất lượng phải tăng lên. Tuy nhiên, theo ông Ga, việc tăng số lượng và mở rộng đối tượng tuyển chọn người học là 2 việc khác nhau. Theo đó, việc mở rộng phạm vi tuyển sinh sẽ giúp trường tuyển được nhiều TS giỏi hơn.
Nhận định này khá hợp lý khi nhìn vào thực tế lịch sử tuyển sinh của trường. Trước đây, để chọn ra trên 1.000 sinh viên, trường chỉ được tuyển lựa trong khoảng trên 3.000 TS có hộ khẩu tại TP.HCM. Trong khi với trên 16.400 TS cả nước đăng ký xét tuyển năm nay cho 1.200 chỉ tiêu, mức độ cạnh tranh đầu vào tăng lên nhiều lần. Điều này có thể thấy rõ nếu so sánh với điểm đầu vào ngành y đa khoa giữa trường này và Trường ĐH Y Dược TP.HCM vốn có phạm vi tuyển sinh cả nước. Cụ thể, năm 2015 điểm chuẩn ngành y đa khoa của trường là 24 và đợt 1 năm 2016 là 22,8 trong khi Trường ĐH Y Dược TP.HCM cao hơn nhiều với 28 điểm 2015 và 26,75 năm 2016.
Như vậy có thể nói, việc mở rộng đối tượng tuyển sinh sẽ giúp nâng cao chất lượng người học của trường nói riêng và đội ngũ nhân lực y tế nói chung.
Buộc phải thực hiện đúng quy chế
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy, tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy 2017 do Bộ GD-ĐT ban hành, sẽ cảnh cáo hoặc có hình thức kỷ luật cao hơn đối với hiệu trưởng hoặc chủ tịch hội đồng tuyển sinh và những người khác liên quan nếu tổ chức tuyển sinh không đúng với các quy định trong đề án tuyển sinh đã công bố, đồng thời buộc nhà trường phải thực hiện đúng quy chế.
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ trang 13: “Việc tuyển sinh của trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch: Phải thực hiện đúng quy chế tuyến sinh”. (Thanh niên, trang 17)
Bệnh viện Vinmec Central Park đạt chứng chỉ chất lượng JCI
Ngày 9.6, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Central Park (thuộc Tập đoàn Vingroup) tại TP.HCM đã được công nhận đạt chuẩn y tế toàn cầu JCI sau khi đã đáp ứng 285 tiêu chuẩn và 1.166 tiêu chí đánh giá.
Đây là bệnh viện thứ 4 tại VN được công nhận chuẩn này. JCI là bộ tiêu chuẩn uy tín thế giới trong lĩnh vực thẩm định chất lượng y tế, tập trung vào mục tiêu đảm bảo an toàn và mang lại hiệu quả điều trị, chăm sóc cho người bệnh.
Vinmec Central Park được ghi nhận là một trong những bệnh viện có cơ sở vật chất và trang thiết bị tốt nhất được JCI thẩm định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Về vận hành, bệnh viện được các chuyên gia của JCI đánh giá rất cao trong việc đảm bảo toàn diện các tiêu chí quốc tế về an toàn người bệnh, ngăn ngừa tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn; tôn trọng và bảo vệ quyền lợi để người bệnh và gia đình an tâm chăm sóc sức khỏe... Vì vậy, Vinmec Central Park không chỉ vượt qua các quy định gắt gao của JCI ngay trong lần thẩm định đầu tiên với số điểm 9,84/10, mà còn trở thành bệnh viện đầu tiên đạt được chứng chỉ trong thời gian kỷ lục - chỉ 15 tháng sau khi đi vào hoạt động.
Bệnh viện Vinmec Central Park được phát triển với vốn đầu tư 2.000 tỉ đồng, gồm 16 chuyên khoa được trang bị hệ thống thiết bị y tế cao nhất hiện nay và quy tụ đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng trình độ chuyên môn cao. Trước đó, vào năm 2015, Bệnh viện Vinmec Times City ở Hà Nội cũng thuộc hệ thống y tế Vinmec đã trở thành bệnh viện đa khoa đầu tiên tại VN đạt chứng chỉ JCI. (Thanh niên, trang 6)