Bỏ tiêm vắc-xin cho trẻ: Nhiều nguy cơ khiến trẻ “rước” bệnh nặng
Mặc dù các chuyên gia y tế đã liên tục khuyến cáo biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm cho trẻ là tiêm vắc-xin đúng độ tuổi, liều lượng,
nhưng thời gian gần đây, hiện tượng “chống” tiêm vắc-xin, “bài trừ” tiêm vắc-xin cho trẻ bỗng diễn ra trong cộng đồng mạng khiến không ít phụ huynh lo lắng, băn khoăn về việc có nên tiêm vắc-xin đối với trẻ nữa hay không? Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, các bậc phụ huynh cần biết rằng nếu chỉ cần bỏ tiêm vài mũi vắc-xin, trẻ sẽ phải gánh chịu hậu quả không nhỏ về sức khỏe…
Nhiều trẻ có di chứng trầm trọng vì không tiêm vắc-xin
Tại Khoa Truyền nhiễm - BV Nhi TW, bé trai Nguyễn Quốc Đ. (4 tuổi, Bắc Ninh) nhập viện hồi đầu tháng 6, sau 17 ngày điều trị bằng thở ôxy, dùng thuốc chống phù não, cháu Đ. đã tỉnh táo, không còn sốt nhưng có di chứng vận động. Người nhà cho biết, cháu Đ. chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh này.
Theo lời người nhà, trước đó 3 ngày, cháu Đ. xuất hiện sốt cao 400C. Gia đình đã cho con dùng thuốc hạ sốt song không hiệu quả. 2 ngày sau, cháu trở nên li bì, co giật nhiều. Trẻ được đưa đến BV Nhi TW khi đã rơi vào tình trạng hôn mê, liệt nửa người phải. Sau khi tiến hành thăm khám, chọc dịch não tủy, làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bé Đ. mắc viêm não Nhật Bản.
Được chuyển lên BV Nhi đồng 1, TP. Hồ Chí Minh từ tháng 10/2016 nhưng đến tháng 7/2017, bé Thái Quốc H. (12 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) vẫn phải nằm ở phòng cấp cứu đặc biệt của khoa Nhiễm - Thần kinh. Theo các bác sĩ, bệnh nhân H. mắc viêm não Nhật Bản và dù đã được điều trị trong thời gian dài nhưng vẫn chưa thể bỏ được máy thở. “Phụ thuộc vào máy thở kéo dài như thế này, tiên lượng bệnh nhi sẽ bị bội nhiễm dẫn đến tử vong” - BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1, TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Chị Trần Thị Yến Ng., mẹ của bệnh nhân H. cho biết, bé chưa được tiêm phòng bất cứ loại vắc-xin nào và bản thân chị cũng chưa từng nghe nói đến bệnh viêm não Nhật Bản. Đây là một trong nhiều trường hợp trẻ bị mắc bệnh vì không tiêm phòng vắc-xin đang điều trị tại BV Nhi đồng 1.
Tại khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh), hình ảnh người mẹ H.T.H. (Gia Nghĩa, Đăk Nông) liên tục tự trách mình, hao gầy vì bệnh tật của đứa con trai 12 tuổi khiến người khác đau xót. Con trai chị bị động kinh, yếu tay chân vì viêm màng não đã hơn 6 tháng nay. Từ ngày con mắc bệnh, chị H. không dám rời khỏi con vì sợ xảy ra chuyện nguy hiểm.
Chị H. cho biết, do chị cứng nhắc không nghe lời mọi người, bỏ qua việc tiêm vắc-xin viêm não cho con vì sợ con bị tai biến sau tiêm. “Bây giờ hối hận quá rồi, không biết làm gì bù đắp cho tuổi thơ của thằng bé” - chị H. nói trong nước mắt.
Không chỉ ảnh hưởng sức khỏe con em mình mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe cả cộng đồng
Thống kê của Bộ Y tế cho biết, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe của nhân dân. Hơn 30 năm triển khai công tác tiêm chủng mở rộng, hàng trăm triệu liều vắc-xin đã được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ với nhiều loại vắc-xin được sử dụng. Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi,... đã giảm hàng trăm đến hàng nghìn lần so với trước đây.
Ấy vậy mà vẫn có nhiều bậc phụ huynh vì nghe những thông tin bài trừ vắc-xin đã cả tin không cho con em mình tiêm phòng. PGS.TS. Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho rằng, khi phụ huynh do dự, không tiêm phòng cho con là bỏ qua mất thời điểm phòng bệnh tốt nhất cho con mình. Đồng thời, việc chống lại vắc-xin, không tiêm vắc-xin không những ảnh hưởng đến đứa trẻ đó, gia đình đó mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe cả cộng đồng vì bệnh sẽ lây lan cho cộng đồng.
Cũng theo Viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, trong nhiều năm qua, hệ thống tiêm chủng của Nhà nước đã rất nỗ lực để đưa tỷ lệ tiêm chủng lên cao không phải nhằm bảo vệ cho một vài cá thể mà để bảo vệ cho cả cộng đồng. Do vậy, xã hội càng làm tốt công tác tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh bao nhiêu thì dịch bệnh càng giảm xuống ở ngưỡng thấp bấy nhiêu. Nếu không thực hiện tiêm chủng thì dịch bệnh sẽ trở lại và bùng phát rất nhanh bởi việc giao lưu, đi lại hiện nay rất phổ biến.
Còn trên trang Facebook cá nhân, BS. Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, BV Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh đã bức xúc: “Không có vắc-xin thì trẻ em chết nhiều và tàn tật cả đời nhiều, bị đậu mùa rỗ mặt cả đời tuổi trẻ, sốt bại liệt teo hẳn một chân cả đời. Nếu tự anti vắc-xin cho một bé, một gia đình nhỏ thì chỉ tội cho bé. Nếu anti vắc-xin kiểu nhóm, kiểu hùa thì có tội với một thế hệ”.
BS. Khanh cũng cho biết, hơn 20 năm làm trong ngành nhiễm, ông là người thấu hiểu rất nhiều về tầm quan trọng của vắc-xin. Nhìn thấy một đứa trẻ ho gà ho sặc sụa xanh mặt; nhìn một đứa trẻ bị viêm màng não đến yếu tay yếu chân hay thậm chí động kinh; nhìn một đứa trẻ mắc bạch hầu viêm cơ tim đến chết, rồi phải sống đời sống thực vật... mới có thể hiểu được nỗi đau của việc không tiêm vắc-xin nặng nề như thế nào... (Sức khỏe & Đời sống trang 3)
Cứu 2 ca u gan vỡ bằng phương pháp điện quang can thiệp
BVĐK Trung ương Quảng Nam tiếp nhận hai bệnh nhân là ông Đ.X (57 tuổi, ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) nhập viện lúc 12 giờ ngày 3/7 và ông P.H.D (76 tuổi, ở huyện Núi Thành), nhập viện lúc 14 giờ cùng ngày đều trong tình trạng tụt huyết áp nghiêm trọng và đau bụng dữ dội.
Ngay lập tức bệnh nhân được làm các xét nghiệm cần thiết như siêu âm, chụp CTscan ổ bụng, được chẩn đoán khối u gan (chưa rõ bản chất) đã vỡ, gây xuất huyết ào ạt vào ổ bụng.
Xác định tình trạng khẩn cấp và nguy kịch tới tính mạng của bệnh nhân, Khoa Cấp cứu đã nhanh chóng hội chẩn với Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê - Hồi sức và xin ý kiến trực lãnh đạo. Trong vòng chưa đầy 30 phút sau nhập viện từng ca, bệnh nhân được đưa vào Phòng can thiệp mạch (Phòng DSA) để tiến hành nút mạch cầm máu bằng kỹ thuật TACE (TransArteral ChemoEmbolization).
Tính đến 9/7, 2 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, huyết áp ổn định, có thể xuất viện trong vài ngày tới. Trước đây, các tình trạng bệnh này bắt buộc phải phẫu thuật để cầm máu với tỷ lệ thất bại và tử vong rất cao.
Hệ thống DSA tại BVĐK Trung ương Quảng Nam được đưa vào sử dụng từ năm 2012. Ngoài việc được sử dụng thường quy cho việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch, Bệnh viện đã triển khai nhiều ứng dụng khác trong lĩnh vực điện quang can thiệp như chấn thương nặng gãy xương hàm mặt, khung chậu phức tạp không thể phẫu thuật cầm máu; các bệnh nhân ung thư gan, ung thư tử cung; các bệnh lý sỏi mật, sỏi thận gây nhiễm trùng nặng,... đạt được những hiệu quả khả quan. (Sức khỏe & Đời sống trang 5)
Ða dạng, kết hợp BHYT cơ bản với các gói bảo hiểm thương mại
Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế về công tác chuẩn bị Đề án về công tác chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân và dân số trong tình hình mới…
Coi y tế cơ sở, y tế dự phòng là gốc rễ, nền tảng
Điểm nổi bật của đề án lần này là đánh giá đúng, đầy đủ hơn vai trò của y tế cơ sở, y tế dự phòng trong hệ thống y tế để đưa ra những giải pháp đổi mới, dành nguồn lực mạnh mẽ cho hai lĩnh vực được coi là “người gác cổng”, là “gốc” của ngành y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, bên cạnh những điểm nổi bật như mạng lưới/hệ thống dự phòng đã sớm hình thành và rộng khắp; khống chế kiểm soát được dịch bệnh, thay đổi được cơ cấu bệnh tật; tuổi thọ cao và cải thiện được chiều cao..., hiện nay y tế dự phòng, y tế cơ sở đang gặp rất nhiều khó khăn, không được coi trọng đúng mức.
Vấn đề lớn nhất là các cơ chế, chính sách đang được thiết kế theo hướng ưu tiên cho điều trị, coi “bộ mặt của ngành y tế là bệnh viện”. Điều đó dẫn đến thực tế dù có rất nhiều bệnh viện được đầu tư, xây mới, hiện đại nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Còn hệ thống y tế cơ sở, dù đã được đầu tư nhưng hoạt động không hiệu quả, chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, khoảng 30% người dân chưa đi khám bệnh định kỳ, khi phát hiện có bệnh thì đã nặng.
“Những bất cập này đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, chính sách theo hướng sử dụng ngân sách nhà nước tập trung cho dự phòng, còn lĩnh vực điều trị, khám chữa bệnh sử dụng quỹ BHYT. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến y tế cơ sở sử dụng từ nguồn BHYT và ngân sách nhà nước”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý và nhấn mạnh trọng tâm của đề án phải coi y tế cơ sở, y tế dự phòng là gốc rễ, nền tảng, tập trung đầu tư cho những vùng thật sự khó khăn.
Kiên quyết chuẩn hóa lại hệ thống phân phối thuốc
Một lĩnh vực khác được thảo luận sâu là hoạt động phân phối thuốc, quản lý giá thuốc đang gây bức xúc trong xã hội, làm công nghiệp dược trong nước chậm phát triển. Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, vấn đề bán thuốc không theo đơn đang là tồn tại lớn nhất của ngành dược. Không kiểm soát được thuốc kê đơn tại hơn 40.000 nhà thuốc trên toàn quốc là nguyên nhân chính gây ra tình trạng kháng thuốc, lạm dụng thuốc đáng báo động tại nước ta.
Vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng cần kiên quyết chuẩn hóa lại hệ thống phân phối, từ bệnh viện đến nhà thuốc; đẩy mạnh cơ chế đấu thầu thuốc vừa bảo đảm không khan hiếm thuốc và người bệnh được dùng loại thuốc phù hợp nhất, có chất lượng tốt nhất với giá cả phù hợp nhất. Việc quản lý các nhà thuốc bán lẻ theo hướng tất cả các nhà thuốc phải có thiết bị đọc quét mã vạch các loại thuốc, thực hiện bán thuốc theo đơn.
Đặc biệt, cần xem xét đẩy mạnh đấu thầu thuốc tập trung, quản lý xuyên suốt các loại thuốc từ đầu vào, phân phối đến từng nhà thuốc. Đơn cử sau khi đổi mới cơ chế đấu thầu thuốc từ năm 2013, giá thuốc biệt dược đã giảm gần 50%.
Liên quan đến mảng điều trị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt nhấn mạnh bức xúc lớn nhất hiện nay là tình trạng phân biệt giữa khám dịch vụ và khám BHYT cùng với những tiêu cực từ việc đặt máy móc, thiết bị y tế xã hội hóa và một trong những nguyên nhân quan trọng là do cơ chế tài chính. Tuy nhiên, giải pháp xã hội hóa cách đây gần 30 năm nhằm khắc phục vấn đề tài chính lại đang tiếp tục gây ra các vấn đề mới như sự quá tải; đầu tư mất cân đối, không tách bạch công tư, tình trạng lạm dụng xét nghiệm…
Bàn về giải pháp, Phó Thủ tướng khẳng định, cần bóc tách rành mạch giữa công tư; khuyến khích tư nhân đầu tư vào khám chữa bệnh đặc biệt là khuyến khích đầu tư phi lợi nhuận.
Ngành y tế cần giữ vững lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; tập trung cho những vùng thật sự khó khăn, đồng thời phát huy hiệu quả cơ sở đã đầu tư. Để đảm bảo nguồn tài chính y tế bền vững cần có cơ chế huy động, chi tiêu phù hợp, trong đó BHYT ngoài tăng diện bao phủ phải đa dạng gói bảo hiểm, kết hợp giữa BHYT cơ bản với các gói bảo hiểm thương mại, giảm bớt chi tiêu từ tiền túi người dân. (Sức khỏe & Đời sống trang 5)
Thông qua 23 phương án đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 60/NQ-CPthông qua Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế.
Theo Nghị quyết, có 23 nội dung phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế đã được Chính phủ thông qua gồm: Thủ tục về cấp và cấp lại Giấy chứng nhận là lương y được quy định tại Thông tư số 29/2015/TT-BYT ngày 12/10/2015; các thủ tục về khám sức khỏe được quy định tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 6/5/2013; các thủ tục về xuất khẩu, nhập khẩu thuốc theo đường phi mậu dịch được quy định tại Thông tư số 39/2013/TT-BYT ngày 15/11/2013; thủ tục đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, thủ tục đề nghị thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được quy định tại Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/1/2015; các thủ tục xét tặng danh hiệu thầy thuốc được quy định tại Nghị định số 41/2015/NĐ-CP ngày 5/5/2015...
Chính phủ giao Bộ Y tế căn cứ nội dung Phương án đơn giản hóa được Chính phủ thông qua, trong phạm vi thẩm quyền chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ, bãi bỏ thủ tục hành chính quy định tại văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thành, vận hành và có thể khai thác được đầy đủ 15 trường thông tin của công dân Việt Nam. (Sức khỏe & Đời sống trang 2)
Siết chặt an ninh tại các bệnh viện
Thời gian gần đây, tại Nghệ An nói riêng và tại nhiều địa phương trong cả nước nói chung, liên tiếp xảy ra các vụ việc đe dọa trực tiếp đến không chỉ bệnh nhân mà cả những người đang làm nhiệm vụ cứu người, trong đó bao gồm cả đội ngũ y, bác sĩ và những người làm công tác đảm bảo ANTT trong bệnh viện, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề bạo lực ngành Y tế hiện nay.
Mất an ninh ở bệnh viện
Những ngày vừa qua, sự việc ông Lô Minh Hương (60 tuổi), quê quán tại xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, là bảo vệ tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, bị đối tượng Nguyễn Văn Thái (40 tuổi) trú tại xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ, là người nhà của bệnh nhân đang điều trị tại đây đâm chết đã khiến dư luận hoang mang.
Theo báo cáo ban đầu của Sở Y tế, Thái có con là Nguyễn Mạnh Tường (8 tháng tuổi) nhập viện ngày 16/5/2017 với chẩn đoán viêm phổi/não nước, đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc. Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan CSĐT Công an tỉnh, Nguyễn Văn Thái là đối tượng nhiễm HIV và nghiện ma túy, đã có 1 tiền án liên quan đến ma túy.
Nguyên nhân dẫn đến vụ việc có thể là do mâu thuẫn cá nhân phát sinh trong thời gian Thái chăm sóc con đang điều trị tại đây. Theo đó, sáng 30/6, Thái dùng dao đâm ông Hương 4 nhát. Đến trưa 1/7, nạn nhân tử vong do vết thương gây thủng tim, thủng phổi, đứt động mạch cảnh.
Nghiêm trọng nhất có lẽ là vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quế Phong vào đêm 5/10/2014. Thời điểm đó, trong lúc đang nỗ lực cấp cứu cho 1 bệnh nhân bị tai nạn giao thông thì bất ngờ y sĩ Nguyễn Văn Quyết bị người nhà nạn nhân nhảy lên bàn làm việc và đá vào mặt khiến y sĩ Quyết ngã xuống sàn nhà. Cùng lúc đó, nhóm người đi cùng nạn nhân lao vào hành hung khiến anh Quyết bị chấn thương sọ não, tay trái bị rạn xương, khuôn mặt gần như biến dạng, hai mắt bị tụ máu.
Siết chặt công tác đảm bảo ANTT tại các bệnh viện
Thực tế từ trước đến nay cho thấy, tại nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh, có hiện tượng đối tượng xấu trà trộn vào để trộm cắp tài sản, móc túi, thậm chí các băng nhóm giang hồ kéo nhau đến gây chiến.
Mặc dù lực lượng Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động nắm bắt, điều tra và phối hợp giữ gìn trật tự, trị an nhưng tình hình ANTT trong và ngoài các bệnh viện vẫn diễn biến phức tạp. Giữa ngành Công an và ngành Y tế cũng đã có quy chế phối hợp đảm bảo ANTT. Thông qua đó, những vụ việc liên quan đến ANTT ở các bệnh viện, Công an các đơn vị, địa phương đã nhanh chóng có mặt, hỗ trợ kịp thời để không xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ.
BS CKI. Phạm Ngọc Quy, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Nghệ An cho biết thêm: Thực hiện quy chế phối hợp này, Công an tỉnh đã phối hợp với ngành Y tế để thực hiện các nhiệm vụ như trao đổi thông tin trong công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trên lĩnh vực y tế; đảm bảo an ninh, an toàn và công tác đảm bảo ANTT, đặc biệt là công tác phòng, chống gây rối và mất ANTT, trộm cắp tài sản, chiếm đoạt trẻ sơ sinh; giải quyết các vấn đề khiếu nại, tố cáo và xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế.
Kết quả cho thấy, sau gần 4 năm thực hiện quy chế phối hợp, đã giảm tối đa tình trạng mất trộm tài sản trong các cơ sở y tế. Ngành Y tế cũng đã phối hợp kịp thời với Công an tỉnh trong việc phát giác, xử lý các trường hợp hành hung cán bộ, nhân viên y tế.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Sở Y tế, tại một số bệnh viện hiện nay, các biện pháp bảo vệ an ninh chưa thực sự được quan tâm, đội ngũ bảo vệ chưa chuyên nghiệp, hệ thống camera an ninh chưa đồng bộ. Do tình trạng quá tải, môi trường làm việc phức tạp dẫn đến thái độ ứng xử của một số cán bộ y tế chưa chuẩn mực, gây bức xúc cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, dẫn đến vẫn còn tình trạng hành hung cán bộ nhân viên y tế.
Trước thực trạng này, nhiều bệnh viện đã chủ động trong công tác an ninh, thông qua bố trí lực lượng bảo vệ mạnh và chuyên nghiệp, bố trí camera quan sát ở những nơi trọng yếu. Tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, ngoài đội ngũ bảo vệ tài sản vòng ngoài, đơn vị này còn thuê Công ty vệ sỹ INVICO với 29 thành viên túc trực tại các cửa ra vào.
Ngoài những biện pháp nói trên, các bệnh viện cũng cần nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Ngoài giỏi chuyên môn, bác sĩ cần linh hoạt trong ứng xử, phù hợp với từng đối tượng xã hội. Cùng với việc cần nâng cao kỹ năng giao tiếp với người bệnh và người nhà bệnh nhân, đội ngũ y, bác sĩ cũng cần có kỹ năng giải quyết khi có các mâu thuẫn, xung đột xảy ra. Có như vậy, ANTT tại các bệnh viện nói chung và bạo lực ngành y mới thực sự không còn là mối lo ngại như hiện nay. (Công an Nhân dân trang 5)
Từ vụ 8 người chết vì sự cố chạy thận nhân tạo: Lỗ hổng về quản lý chất lượng và an toàn người bệnh
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, ngành liên quan khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021” đã được phê duyệt.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo UBND các cấp thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bệnh dại ở người và động vật.
Người đứng đầu UBND các cấp chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại; xử lý cán bộ công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. (An ninh Thủ đô trang 6).