Chênh lệch giới tính khi sinh của Hà Nội là 112,8 bé trai/100 bé gái
Sáng 9-7, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thanh Trì tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số thế giới (11-7), với chủ đề “Việt Nam - 25 năm thực hiện chương trình hành động Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm nay, dù tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh của Hà Nội là 112,8 bé trai/100 bé gái (giảm so với năm 2018 là 113 bé trai/100 bé gái và năm 2017 là 113,5 bé trai/100 bé gái), nhưng vẫn trên mức báo động.
Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục tập trung nhiều giải pháp với mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh dần về mức cân bằng tự nhiên (từ 103 đến 107 bé trai/100 bé gái), đồng thời tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, góp phần phát triển Thủ đô nhanh và bền vững. (Hà Nội mới, trang 5)
Bé 5 tuổi tử vong khi phẫu thuật tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108: nhiều khả năng do sốc phản vệ khi tiêm thuốc tế
Bị gãy chân do tai nạn giao thông, cháu bé được đến cấp cứu tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108 trong tình trạng tỉnh táo, nhưng sau đó cháu bị tử vong khi đang phẫu thuật.
Theo Bệnh viện trung ương Quân đội 108, cháu L.Đ.K (5 tuổi, ở Hòa Nam, Ứng Hòa, Hà Nội) bị tai nạn giao thông, được cấp cứu từ Ứng Hòa lên Bệnh viện trung ương Quân đội 108 vào cuối giờ chiều 7-7. Tuy nhiên, cháu đã tử vong khi đang được phẫu thuật.
Sau khi sự việc xảy ra, sáng 8-7, Ban Giám đốc Bệnh viện đã chỉ đạo thành lập Hội đồng chuyên môn liên viện, trưng cầu giám định pháp y để làm rõ nguyên nhân tử vong một cách khách quan.
Chiều cùng ngày, Hội đồng chuyên môn, gồm các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, Học viện Quân y, Đại học Y Hà Nội, đã họp để xem xét, đánh giá cẩn trọng từng vấn đề. Bệnh viện đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và đã đề nghị giải phẫu bệnh lý tìm nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc.
Hội đồng chuyên môn kết luận, đây là một sự cố y khoa ngoài mong muốn, nhiều khả năng do sốc phản vệ không hồi phục khi tiêm thuốc tê hoặc ngộ độc thuốc tê. Để kết luận được chính xác, cần có thêm kết quả giải phẫu thi thể.
Quá trình nhập viện, việc chẩn đoán, chỉ định can thiệp và phương pháp vô cảm cho bệnh nhân tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108 là phù hợp với tình trạng bệnh lý. Khi tai biến xảy ra, quá trình phát hiện và cấp cứu, xử trí là hợp lý, nhưng do diễn biến quá nhanh và nặng nên bệnh nhân không qua khỏi.
Quan điểm của bệnh viện là làm rõ, cầu thị, xử lý đúng với thực tế và có trách nhiệm. (Hà Nội mới, trang 7)
Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 8: “Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 lên tiếng vụ bé 5 tuổi tử vong sau mổ gẫy chân”
Sớm đưa cơ sở 2 BV Bạch Mai và Việt Đức vào hoạt động
Trước phản ánh về việc cơ sở 2 của hai bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức ở TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam bị chậm tiến độ đưa vào hoạt động, vào cuối giờ sáng ngày 9/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thị sát trực tiếp tại 2 cơ sở này.
Tại cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai- nơi hiện đang vận hành Khoa khám bệnh ngoại trú. Thông tin cho biết, hiện nay trung bĩnh mỗi ngày Khoa Khám bệnh khám cho khoảng 380-400 bệnh nhân.
Để đảm bảo hoạt động của Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai các phương án về cửa hàng phục vụ ăn uống cho người bệnh, người nhà bệnh nhân và cả nhân viên. Song song với đó, các máy bán hàng tự động cũng được lắp đặt để phục vụ các nhu cầu của bệnh nhân, người nhà.
Kiểm tra thực tế một số hạng mục, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu lãnh đạo bệnh viện và ban quản lý dự án cùng các nhà thầu, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ của những hạng mục công trình còn chưa hoàn thiện.
Đồng thời Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai điều tiết công tác khám chữa bệnh giữa cơ sở 1 (tại Hà Nội) và cơ sở 2 để tránh tình trạng nơi thì quá đông bệnh nhân, nơi lại chưa phát huy hết công năng.
Còn tại cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức, hiện nay nhiều hạng mục vẫn đang thi công dang dở, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đưa ra yêu cầu đối với ban Quản lý dự án y tế trọng điểm của Bộ, phối hợp với đơn vị thi công và các đơn vị liên quan tiến hành công tác vệ sinh sạch sẽ để lắp đặt trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác khám chữa bệnh tại những khoa, phòng đã hoàn thành.
Với những hạng mục công trình còn dang dở, Bộ trưởng yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ đảm bảo công trình được hoàn thiện và đưa vào sử dụng một cách sớm nhất.
Về phía các nhà thầu thi công công trình Bệnh viện Việt Đức, ông Lê Tiến Ngọc - thuộc Tổng Công ty xây dựng Hà Nội cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ để cuối tháng này có thể bàn giao mặt bằng cho Bệnh viện Việt Đức làm các thủ tục lắm đặt trang thiết bị sớm đưa vào vận hành.
Vào cuối tháng 10/2018, cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 được khánh thành giai đoạn 1 tháng 10/2018.
Liên quan đến cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức, trước đó GS.TS Trần Bình Giang- Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cũng cho biết, lãnh đạo Bệnh viện đã ký quyết định điều động hơn 200 cán bộ y bác sĩ là lãnh đạo các khoa, phòng và điều dưỡng, nhân viên y tế sẽ xuống làm việc tại cơ sở 2; đồng thời, danh mục khám chữa bệnh, cũng như hồ sơ xin cấp phép hoạt động của cơ sở 2, Bệnh viện Việt Đức đã chuẩn bị sẵn và gủi về Cục Khám chữa bệnh để chờ xin cấp phép.
Đối với cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho hay, hiện Cục đã nhận được hồ sơ 364 danh mục khám chữa bệnh của Bệnh viện Việt Đức cũng như các hồ sơ liên quan.
“Tất cả đều chuẩn bị sẵn sàng để khi có mặt bằng, có trang thiết bị và hoàn thiện thì chúng tôi sẽ tiến hành cấp phép hoạt động của Khoa Khám bệnh cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức theo quy định”- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho hay
Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám mỗi ngày, với tổng diện tích sàn xây dựng trên 123.000 m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 6 tầng nổi. Đây là một bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hiện đại để chữa các bệnh nặng, chuyên khoa sâu như: tim mạch, nội khoa, ung bướu, thận tiết niệu, hô hấp.
Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 3.500 lượt khám mỗi ngày, tổng diện tích sàn xây dựng trên 125.000 m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 9 tầng nổi. Đây là một bệnh viện ngoại khoa hoàn chỉnh chữa trị các chấn thương: xương, sọ, não, đầu mặt, cổ, lồng ngực, cột sống, vi phẫu tim mạch.
Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức là công trình trọng điểm ngành Y tế Việt Nam. Khi đưa vào sử dụng các 02 bệnh viện này có cơ sở vật chất hiện đại như các nước tiên tiến, vừa phục vụ tốt về dịch vụ y tế để người bệnh coi đây là điểm đến chăm sóc sức khỏe, đặc biệt không phải lãng phí tiền của và công sức ra nước ngoài trị bệnh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)
Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 2 : “Cần sớm đưa cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai vào hoạt động”
Xử phạt hành chính 29 cơ sở hành nghề y dược tư nhân tại quận Long Biên
Các đoàn kiểm tra quận Long Biên, Hà Nội đã phát hiện 43 trường hợp vi phạm, trong đó xử phạt vi phạm hành chính đối với 29 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 160 triệu đồng; đình chỉ hoạt động 3 nhà thuốc, 11 phòng khám hành nghề không phép.
Hiện nay, trên địa bàn quận Long Biên có 513 cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập. Từ đầu năm đến nay, đoàn kiểm tra của quận và các phường đã kiểm tra 274 lượt cơ sở.
Theo đó, các đoàn kiểm tra đã phát hiện 43 trường hợp vi phạm, trong đó xử phạt vi phạm hành chính đối với 29 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 160 triệu đồng; đình chỉ hoạt động 3 nhà thuốc, 11 phòng khám hành nghề không phép.
Phòng y tế quận đã phối hợp với Sở Y tế Hà Nội trong hoạt động thẩm định, cấp giấy phép hoạt động cho 12 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; kiểm tra, cấp giấy chứng nhận thực hành tốt nhà thuốc GPP cho 38 nhà thuốc; tổ chức hướng dẫn thực hiện phần mềm quản lý cơ sở cung ứng thuốc tại các nhà thuốc.
Để thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động hành nghề y dược ngoài công lập trên địa bàn, đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần tiếp tục đảm bảo các phòng khám bệnh, các buồng bệnh thông thoáng, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác sơ cấp cứu.
Đặc biệt xử trí các trường hợp say nắng say nóng, xử lý chất thải y tế, phòng chống nhiễm khuẩn, niêm yết và thu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Các nhà thuốc tiếp tục thực hiện đúng các tiêu chuẩn thực hành tốt nhà thuốc GPP, vận hành thường xuyên các trang thiết bị (điều hòa, tủ lạnh, nhiệt kế, quạt thông gió,…) để đảm bảo các điều kiện bảo quản thuốc trong mùa nắng nóng; cập nhật đầy đủ hoạt động mua thuốc, bán thuốc trên cơ sở dữ liệu dược Quốc gia. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)
Nguy hiểm sốt xuất huyết ở người lớn
Ngày 9-7, một nam thanh niên 24 tuổi (Vũng Tàu) tử vong do sốt xuất huyết. Bệnh nhân trước đó có bệnh nền là lao hạch.
Liên tục thời gian gần đây người bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng cao, số ca tử vong nhiều. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, TP.HCM có năm người tử vong do SXH, trong đó hai ca tử vong ngay trong tháng 6.
Tăng mạnh ca bệnh nặng người lớn
Ghi nhận tại khoa nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) vào sáng 9-7, tất cả giường bệnh ở các buồng bệnh chật kín bệnh nhân. Dọc lối đi hành lang, nhiều giường bệnh được kê thêm cho những bệnh nhân mắc SXH.
Nhập viện từ ngày 7-7 vì mắc SXH, đến nay toàn thân nam sinh N.H.Q. (16 tuổi) vẫn còn ê ẩm, khắp chân tay nổi nhiều mẩn đỏ, miệng khô nứt nẻ, ngồi dậy còn khó khăn...
Anh P.Q.H. (35 tuổi) cũng mắc SXH và nhập viện trễ vào ngày 6-7. Trước đó vào ngày 3-7, anh H. có biểu hiện sốt, lạnh, đau đầu. Tưởng sốt thông thường, anh H. đến tiệm thuốc tây, tại đây dược sĩ chẩn đoán sốt siêu vi và kê thuốc uống trong vòng 3 ngày nhưng bệnh không thuyên giảm.
BS CKI Trần Thị Đông Viên - phó khoa nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) - cho biết trước tình trạng gia tăng bệnh nhân mắc SXH, các khoa, phòng của bệnh viện đã bố trí khoa nhiễm D thêm 22 giường bệnh để tiếp nhận các ca điều trị nội trú.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), trong 6 tháng đầu năm 2019, số ca SXH bệnh viện này điều trị tăng 41% (5.161 ca) so với cùng kỳ năm 2018 (2.136 ca). Đáng chú ý, các ca bệnh nặng cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là người lớn.
Tại Đồng Nai, bệnh SXH cũng tăng sớm hơn mọi năm. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, số mắc SXH cũng tăng mạnh trong 2 tuần trở lại đây. Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cả 2 khoa nhiễm đều chật kín bệnh nhân nằm điều trị.
"Trước đây trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng 50 bệnh nhân nằm điều trị nhưng từ đầu tháng 7 trở lại đây, không ngày nào dưới 60 bệnh nhân, cao điểm tới gần 70 bệnh nhân nằm điều trị. Mỗi ngày khoa tiếp nhận thêm 20-30 ca mới, 2/3 trong đó mắc SXH với nhiều ca nặng, vào viện trong giai đoạn sốc, không bắt mạch, đo huyết áp được" - BS Đồng Minh Hùng, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết.
Theo BS Hùng, nguyên nhân do một số bệnh nhân khá chủ quan, khi cảm thấy sốt, mệt thì ra tiệm mua thuốc về uống. Đến lúc bị nặng mới vào bệnh viện cấp cứu khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Tăng ào ạt
Bác sĩ Đỗ Châu Việt, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, cho biết số trẻ mắc SXH nhập viện điều trị tại khoa tăng hơn một tháng nay và ngày càng nhiều.
Ngày 9-7, tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 có đến 65 trẻ mắc, trong đó 11 trẻ bị SXH nặng (một ca phải thở máy). Có những trẻ bị SXH nhập viện trong tình trạng sốc, mạch và huyết áp không đo được.
Trong những tuần vừa qua, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã cứu sống nhiều trẻ mắc bệnh SXH nặng. Siêu vi SXH không đơn thuần gây sốc ở trẻ em mà còn tấn công vào cơ quan trẻ như gan, gây suy gan nặng, ngoài ra còn làm tổn thương đa cơ quan như suy tim, suy thận... Bác sĩ Đỗ Châu Việt dự báo bệnh SXH sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Cũng theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, hiện bệnh SXH đã bắt đầu vào mùa dịch năm 2019-2020. Từ những tuần đầu tháng 6 khi mùa mưa bắt đầu, số ca SXH điều trị ngoại trú, nhập viện đều gia tăng hằng tuần. Tính từ đầu năm đến nay, TP đã có 24.768 ca SXH, tăng 176% so với số ca bệnh của cùng kỳ năm 2018 (8.959 ca).
Theo các bác sĩ, SXH ở người lớn nguy hiểm nhất là gây tụt huyết áp và sinh ra các biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu... Khi nghi ngờ bị SXH, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. (Tuổi trẻ, trang 14)