Hạn chế rủi ro trong đấu thầu mua sắm thiết bị y tế
Sau hơn 1 tuần Thông tư số 14/2023/TT-BYT có hiệu lực, nhiều lãnh đạo bệnh viện cho biết đã giúp khắc phục triệt để các vấn đề khó khăn, vướng mắc về đấu thầu, mua sắm thiết bị...
Sau hơn 1 tuần Thông tư số 14/2023/TT-BYT (quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập) có hiệu lực, nhiều lãnh đạo bệnh viện cho biết đã giúp khắc phục triệt để các vấn đề khó khăn, vướng mắc về đấu thầu, mua sắm thiết bị, vật tư y tế tại các bệnh viện; mang lại dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng nhất cho người bệnh.
Theo bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM), Thông tư 14 giải quyết được điểm “nghẽn” lớn nhất trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, đó là quy định phải mua giá thấp nhất. Việc cho phép “lựa chọn giá cao nhất” sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc cho bệnh viện. “Thêm nữa, trong Thông tư 14 cũng có nói trách nhiệm của các nhà cung ứng sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề giá cả mà họ đưa ra”, bác sĩ Trần Văn Khanh thông tin.
PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng, đây là văn bản hợp pháp quan trọng nhằm hướng dẫn các bệnh viện thực hiện mua sắm vật tư, thiết bị y tế. “Chính phủ đã xem xét phê duyệt khẩn cấp cho bệnh viện nguồn tài chính 1.000 tỷ đồng để mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế. Do đó, ngay khi Thông tư 14 ra đời và có hiệu lực thi hành từ đầu tháng 7-2023, bệnh viện đã khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai đấu thầu, mua sắm các thiết bị khẩn cấp, bổ sung máy móc, linh kiện thay thế thiết bị hỏng hóc”, PGS-TS Đào Xuân Cơ thông tin và cho biết, trước mắt bệnh viện sẽ mua được những trang thiết bị y tế cơ bản để đưa vào phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo bệnh viện cho rằng, thông tư được ban hành nhằm thể chế hóa Nghị quyết 30 của Chính phủ, có hiệu lực rất ngắn - đến hết năm 2023, nên đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, chỉ gỡ cho một số bệnh viện đang có gói dự án mua sắm đã lên kế hoạch từ trước. Theo BSCK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, về lâu dài ngành y cần thông tư mang tính bền vững, giải quyết căn cơ hơn. Cùng với đó, nếu muốn hạn chế tính rủi ro trong đấu thầu thiết bị y tế, đòi hỏi ban giám đốc các bệnh viện có quy định chặt chẽ trong đấu thầu. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Tiêm vắc xin an toàn để bảo vệ mình và người thân
Thời gian gần đây, nhiều người dân đã nâng cao ý thức tự đi và đưa người dân của mình đi tiêm vắc xin phòng bệnh.
Trong đó, lựa chọn cơ sở có hệ thống bảo quản vắc xin chất lượng và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tiêm chủng an toàn được người dân đặt lên hàng đầu.
Mới đây, ông Trương Hữu Phúc đưa mẹ là bà Lê Thị Bông (91 tuổi) đến tiêm ngừa vắc xin cúm tại Trung tâm tiêm chủng VNVC Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Mong mẹ luôn khỏe mạnh, sống lâu cùng con cháu
Bà Bông tự hào chia sẻ: "Đã hơn 10 năm nay, năm nào con trai cũng dẫn tôi đi tiêm vắc xin cúm, không sót mũi nào, các loại vắc xin khác tôi đã được tiêm đầy đủ, người khỏe mạnh, không bị bệnh vặt gì". Bà còn cho biết cứ 3 tháng bà lại được con trai đưa đi khám bệnh tổng quát.
Ông Phúc bày tỏ: "Bản thân tôi cũng tiêm vắc xin hằng năm để hạn chế các mầm bệnh lây nhiễm. Với những người lớn tuổi như mẹ tôi thì một mũi vắc xin đáng giá hơn rất nhiều tiền bạc.
Tôi hy vọng mẹ tôi sẽ luôn khỏe mạnh để sống lâu dài với con cháu. Tôi nghĩ đây là sự quan tâm thiết thực nhất đối với những người thân trong gia đình vì các bệnh lây nhiễm trong cộng đồng ngày càng tăng".
Còn chị Trần Thu Hà, 35 tuổi, ngụ ở TP Thủ Đức, TP.HCM, cho hay chị có một bé gái 3 tuổi. Có loại vắc xin nào cho trẻ chị đều đăng ký tiêm hết cho con với mong muốn con chị được bảo vệ, không mắc các bệnh đã có vắc xin phòng ngừa và nếu có lỡ mắc thì thường nhẹ, không gây nguy hiểm gì đến sức khỏe.
Ngoài tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch cho con, vợ chồng chị cũng tiêm vắc xin hằng năm cho chính mình. "Tôi chọn tiêm ở VNVC vì VNVC có sự đầu tư lớn và công khai về hệ thống bảo quản vắc xin đạt chuẩn quốc tế.
Tôi được hướng dẫn cùng các điều dưỡng giám sát quy trình tiêm chủng, đặc biệt kiểm tra rất kỹ về loại vắc xin, hạn sử dụng, liều lượng và các thông tin quan trọng khác. Điều này làm tôi rất yên tâm", chị Hà chia sẻ.
Không chỉ những người dân khu vực ở TP mới có ý thức cao về việc tiêm vắc xin mà ngay cả những người dân ở vùng xa cũng đã ý thức được việc tiêm vắc xin chính là bảo vệ sức khỏe cho mình và những người thân của mình.
Trung tâm tiêm chủng VNVC Yên Bái tiếp nhận chị Giàng Thương, 38 tuổi, dân tộc Mông, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) cùng gần 20 gia đình khác trong thôn bản đã vượt 120km để đến tiêm vắc xin phòng cúm và phế cầu khuẩn vào tháng 3-2023.
Chị Thương kể cán bộ ở địa phương thông tin bệnh cúm A rất nguy hiểm, nguy cơ bùng thành dịch.
Những năm trước đã có nhiều người trong địa phương mắc bệnh, có người còn bị bệnh nặng phải chuyển lên bệnh viện trung ương điều trị, thậm chí có người mắc cúm A/H1N1 đã tử vong nên dân làng ai cũng lo, bàn nhau cùng đi tiêm vắc xin, phòng bệnh.
Hạn chế nguy cơ mắc bệnh
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc - UNICEF, vắc xin đã cứu sống gần 3 triệu người mỗi năm. Trung bình cứ mỗi 5 phút trôi qua, có 5 người được cứu sống nhờ vắc xin.
Tuy nhiên, việc gián đoạn tiêm chủng do dịch bệnh hay thiếu nguồn cung vắc xin đã khiến hàng triệu trẻ em không được bảo vệ. Vấn đề này được xem là một trong những nguy cơ y tế công cộng. UNICEF cũng thống kê 1,5 triệu ca tử vong có thể ngăn ngừa được nếu tăng độ bao phủ của tiêm chủng trên toàn cầu.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP, cho biết tại Bệnh viện Nhi đồng TP vẫn gặp những bệnh nhi mắc bệnh sởi, thủy đậu, quai bị... do không tiêm vắc xin ngừa các bệnh này trước đó.
Những trường hợp này đã phải nhập viện, điều trị kéo dài, thậm chí đã để lại những ảnh hưởng về sau ở trẻ. Cụ thể, những trẻ mắc bệnh thủy đậu nặng có thể nhiễm trùng huyết, viêm não, sẹo xấu, còn những trẻ mắc bệnh quai bị nặng có nguy cơ gây viêm tinh hoàn, gây vô sinh... Do vậy, bác sĩ Minh Tiến khuyên các bậc cha mẹ nên chích ngừa cho trẻ đầy đủ.
Còn theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, trẻ em nhờ tiêm đầy đủ các loại vắc xin cần thiết nên tỉ lệ mắc các loại bệnh như ho gà, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, rubella hoặc sởi, quai bị có dấu hiệu giảm rõ rệt.
Được bảo vệ sức khỏe từ bé tới lớn, trẻ nhỏ có cơ hội phát triển toàn diện, đảm bảo sức khỏe ổn định, hạn chế nguy cơ mắc bệnh, gây ảnh hưởng tới thể chất cũng như trí não.
Không những vậy, sau khi tiến hành tiêm phòng bệnh, chúng ta thấy rõ ràng trẻ nhỏ sẽ giảm tỉ lệ đối mặt với nguy cơ bị biến chứng, dị tật hoặc tử vong. Đây là dấu hiệu tốt và đáng mừng mà các bậc phụ huynh nên biết và cho con em đi tiêm chủng.
Bác sĩ Tuấn Quy nhấn mạnh trẻ em rất ít khi bị biến chứng nguy hiểm sau khi tiêm phòng vắc xin. Nếu không may mắc bệnh, nhờ có tiêm chủng mà việc điều trị trở nên dễ dàng hơn, khả năng phục hồi cao hơn, tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm chi phí điều trị so với những người không được tiêm chủng.
Tọa đàm "Tiêm chủng vắc xin an toàn và nâng cao nhận thức cộng đồng"
Theo các chuyên gia, tiêm chủng an toàn là tiêm chủng vắc xin chất lượng, được bảo quản nghiêm ngặt bởi hệ thống kho lạnh đạt chuẩn GSP, hệ thống dây chuyền lạnh Cold Chain và tuân thủ sử dụng trong quy trình an toàn.
Hiện nay, thực trạng các cơ sở tiêm chủng không thực hiện đầy đủ tiêu chí bảo quản vắc xin an toàn trong điều kiện của kho lạnh và dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin đạt chuẩn GSP và không tuân thủ quy trình tiêm chủng nghiêm ngặt là một vấn đề đáng lo ngại.
Vậy quy trình thực hành tiêm chủng như thế nào mới đảm bảo an toàn? Vắc xin phải được bảo quản ra sao mới đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả phòng bệnh? Làm thế nào để lan tỏa nhận thức của cộng đồng về tiêm vắc xin an toàn? Đây là những điều mà người dân luôn quan tâm.
Nhằm góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, giúp người dân hiểu rõ những nội dung trên, báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, tổ chức buổi tọa đàm và tư vấn trực tuyến về vắc xin và tiêm chủng vào lúc 9h sáng ngày 10-7, tại khách sạn Sheraton Hà Nội. Tọa đàm có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành, như:
• PGS.TS Lê Việt Dũng - phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế).
• TS Đinh Bích Thủy - trưởng khoa khám theo yêu cầu Bệnh viện Phụ sản trung ương.
• TS Lưu Thị Dung - phó trưởng khoa quản lý hệ thống chất lượng Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế.
• TS Đặng Thanh Huyền - phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia.
• PGS.TS.BS Phạm Quang Thái - phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.
• BS CK1 Bạch Thị Chính - giám đốc y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC.
• Cùng các chuyên gia uy tín khác. (Tuổi trẻ, trang 8).
Tọa đàm, giao lưu trực tuyến: Tiêm chủng vắc xin an toàn và nâng cao nhận thức cộng đồng
Sáng nay 10-7, báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC tổ chức tọa đàm, giao lưu trực tuyến 'Tiêm chủng vắc xin an toàn và nâng cao nhận thức cộng đồng'.
Để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tiêm chủng vắc xin an toàn, trả lời những câu hỏi tiêm vắc xin có làm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch tự nhiên của trẻ; việc khám trước và theo dõi sau tiêm chủng sẽ thực hiện ra sao; tại sao trẻ cần tiêm chủng đủ liều, đúng lịch..., báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC tổ chức buổi tọa đàm và giao lưu trực tuyến"Tiêm chủng vắc xin an toàn và nâng cao nhận thức cộng đồng".
Câu hỏi của bạn đọc sẽ được các khách mời - là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tiêm chủng, y tế dự phòng - giải đáp:
- Bà Đặng Thanh Huyền, phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia.
- Ông Phạm Quang Thái, phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.
- Bà Bạch Thị Chính, giám đốc y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC.
- BS Đinh Bích Thủy, trưởng khoa khám theo yêu cầu, Bệnh viện Phụ sản trung ương.
- TS Lưu Thị Dung, phó trưởng khoa quản lý hệ thống chất lượng, Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế.
Chương trình còn có sự tham gia của các khách mời là ông Lê Việt Dũng, phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế); bà Vũ Thị Thu Hà, giám đốc cung ứng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC; bà Ngô Thị Tuyết Sương, giám đốc chất lượng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC và đại diện UNICEF tại Việt Nam.
Nội dung buổi tọa đàm và phần trả lời giao lưu trực tuyến được cập nhật trên tuoitre.vn từ 9h - 11h sáng 10-7, kính mời bạn đọc đón xem.
Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể
Báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC đang tổ chức cuộc thi viết "Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể". Đây là cơ hội để mọi người chia sẻ câu chuyện của mình, truyền cảm hứng và nâng cao ý thức về tầm quan trọng của tiêm chủng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ban tổ chức cho biết cuộc thi mở cho tất cả mọi người từ 16 tuổi trở lên, không giới hạn quốc tịch hay nghề nghiệp. Cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) được phép viết bài để hưởng ứng cuộc thi nhưng không được chấm giải.
Về dung lượng, tác phẩm dự thi là bài viết ngắn bằng tiếng Việt, tối đa 800 từ, khuyến khích tác phẩm có hình ảnh, chùm ảnh hoặc video clip minh họa.
Nội dung là một câu chuyện liên quan đến chủ đề "tiêm chủng" và tầm quan trọng của tiêm chủng trong việc duy trì, nâng cao sức khỏe cộng đồng, như kỷ niệm đẹp về tiêm chủng của bạn hoặc người thân;
Kỷ niệm về việc bạn đã cân nhắc lý do và đưa ra quyết định tiêm chủng; Cảm nhận và trải nghiệm cá nhân trong, sau khi tiêm chủng hoặc những ảnh hưởng của tiêm chủng đối với cuộc sống cá nhân và cộng đồng xung quanh.
Người tham gia có hai cách để nộp bài viết dự thi: Gửi email đến địa chỉ tiemngua@tuoitre.com.vn. Trong email, cần cung cấp thông tin cá nhân đầy đủ: tên, tuổi, quốc gia, địa chỉ email và số điện thoại liên lạc; Hoặc vào chuyên trang của cuộc thi ở địa chỉ tuoitre.vn, sau đó điền thông tin và tải file chứa bài dự thi theo yêu cầu.
Những tác phẩm dự thi tốt sẽ được ban tổ chức chọn lựa, đăng tải trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (bài được chọn đăng không đồng nghĩa là bài sẽ đoạt giải). Thời gian nhận bài viết: Ngày 10-6 đến 30-7-2023, bất kỳ tác phẩm nào gửi sau thời hạn này 30-7-2023 sẽ không được xem xét.
Các tác phẩm dự thi sẽ được đánh giá bởi ban giám khảo gồm các chuyên gia y tế, nhà báo, nhân vật có tầm ảnh hưởng xã hội.
Giải thưởng gồm 2 giải đặc biệt trị giá 30 triệu đồng/giải; 10 giải nhất trị giá 10 triệu đồng/giải; 15 giải nhì trị giá 5 triệu đồng/giải; 20 giải ba và 100 giải khuyến khích. (Tuổi trẻ, trang 8).