Bệnh tay chân miệng vào mùa, nhiều ca nặng
Sáng 9-8, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho biết bệnh tay chân miệng đã bắt đầu vào mùa và dự báo bệnh sẽ tiếp tục tăng cho đến tháng 11-2017.
Hiện nay, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nằm điều trị mỗi ngày tại khoa Nhiễm- Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 là khoảng 50 trẻ, ngày cao điểm lên đến 60 trẻ trong khi lúc trước chỉ có khoảng hơn 20 đến hơn 30 trẻ nằm điều trị/ngày. Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng hiện đã tăng gần gấp đôi.
Cũng theo hiện có nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng nặng. Trong số những trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện có nhiều trẻ mắc bệnh ở độ 3, có một trẻ đang phải thở máy.
Hiện nay bệnh này chưa có thuốc đặc trị do vậy việc phòng bệnh cho trẻ là rất quan trọng. Phần lớn những trẻ chưa đi học mà bị mắc bệnh tay chân miệng là do người lớn mang bệnh về cho trẻ.
Bác sĩ Khanh khuyên người lớn và trẻ em nên có thói quen rửa tay. Riêng người lớn nên có thói quen rửa tay trước khi về nhà và trước khi chăm sóc trẻ.
Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở TP trong hai tuần gần đây nhất (tuần 30 và tuần 31), đã là 160 trẻ/tuần tăng khoảng 10-20 ca so với hai tuần trước đó.
Theo ThS.BS Lê Hồng Nga, trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, bệnh tay chân miệng đã bắt đầu tăng. Sắp tới, các trường sẽ vào năm học nên cần phải tăng cường giám sát để tránh lây lan mầm bệnh (Tuổi trẻ, trang 2; Thanh niên, trang 2).
Cách chức giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình
Quyết định cách chức giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình với ông Trương Quý Dương vừa được Sở Y tế Hòa Bình công bố chiều 9-8 tại bệnh viện.
Theo đó, ông Trương Quý Dương bị cách chức có thời hạn một năm, tính từ ngày 9-8-2017. Ông Dương bị cách chức do không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành bệnh viện, để xảy ra tai biến y khoa nghiêm trọng làm 8 người tử vong khi đang chạy thận nhân tạo tại bệnh viện hôm 29-5.
Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cũng giao ông Quách Thiên Tường - phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, điều hành bệnh viện.
Trước đó, tại phiên họp với cán bộ chủ chốt Bệnh viện đa khoa Hòa Bình cuối tháng 7 vừa qua, ông Dương nhận mức kỷ luật khiển trách, tuy nhiên 100% thành viên hội đồng kỷ luật Sở Y tế Hòa Bình sau đó đã bỏ phiếu đề nghị kỷ luật ông Dương mức cách chức. (Tuổi trẻ, trang 2;Thanh niên, trang 2; Nhân dân, trang 5; Tiền phong, trang 2).
Hà Nội: Bệnh viện nghẹt cứng người khám sốt xuất huyết
Các bệnh viện lớn ở Hà Nội phải tăng ca, tăng giường bệnh, tăng phòng khám, trưng dụng cả khoa Viêm gan… để đối phó với dịch sốt xuất huyết (SXH). Để chống dịch, các bác sĩ đã phải làm ngoài giờ, làm việc cả ngày nghỉ, hủy bỏ nghỉ phép, tuân thủ mọi lệnh điều động, nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa của người bệnh.
Khám 1.000 bệnh nhân/ngày
11 giờ 30 trưa 9/8, hành lang tầng 3 tòa nhà Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khu vực thuộc Khoa Viêm gan vẫn còn hàng trăm người chờ đến lượt được tái khám sốt xuất huyết. Đây là số bệnh nhân được bệnh viện cho điều trị tại nhà. Đội ngũ y bác sĩ làm việc rất khẩn trương, tuy nhiên rất nhiều bệnh nhân vẫn phải chờ đến lượt khám. Trong tuần qua, số bệnh nhân sốt xuất huyết tăng đột biến với 800-1.200 người mỗi ngày. Để giảm tải cho Khoa Khám bệnh, bệnh viện đã mở thêm 10 phòng tái khám sốt xuất huyết tại khoa Viêm gan.
Bà Nguyễn Thị Đào (Ngõ Chợ, Khâm Thiên, quận Đống Đa) đang chờ tới lượt tái khám nhận xét: “Hôm nay, còn đỡ đông, các ngày cuối tuần và đầu tuần có hàng nghìn người đến khám”. Bà Đào là người đầu tiên “dính” sốt xuất huyết trong gia đình. “Cách đây hơn 1 tuần, sau khi bị ướt mưa, tối về sốt cao 40 độ, chỉ nghĩ do cảm lạnh thông thường nên tôi chỉ uống hạ sốt nhưng đo vẫn 39 - 40 độ suốt 3 ngày liền. Sang ngày thứ 4 mẩn đỏ khắp người, gia đình mới hốt hoảng đưa đi viện. Kết quả xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết. Hôm nay, tôi đi kiểm tra lại”. Trong một xét nghiệm mới nhất, tiểu cầu của của bà đã xuống dưới 5.000/ml, nên được chỉ định truyền tiểu cầu gấp. Sau 3 ngày điều trị, sức khỏe của bà đã dần hồi phục. Bà Đào nhẩm tính, phải sang đầu giờ chiều hôm nay mới đến lượt mình được khám lại.
Trong khi đó ở tầng 6, hội trường chính của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã thành khu “dã chiến” khi trở thành nơi khám chữa bệnh. Trưa ngày 9/8, hơn 20 giường bệnh tạm thời đều đã kín bệnh nhân. Những bệnh nhân nằm điều trị tại đây đều mắc sốt xuất huyết. Được biết, khu điều trị tạm thời này được mở ra từ ngày 7/8 do số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám chữa bệnh tại bệnh viện tăng gấp 4 đến 5 lần bình thường. Từ khi khu điều trị được mở tại Hội trường Bệnh viện, ở đây không lúc nào có giường bệnh trống.
Chiều 7/8 đã có thêm một bệnh nhân ở Hà Nội tử vong do sốt xuất huyết nặng. Đó là chị N.T.N 36 tuổi, ở quận Hoàng Mai – một điểm nóng về dịch sốt xuất huyết hiện nay. Chị N. nhập viện ngày 23/6 trong tình trạng sốt cao, đau tức hạ sườn và bị sốc. Mặc dù được điều trị tích cực nhưng do bệnh diễn biến nặng nên từ cuối tháng 7/2017, bệnh nhân đã bị hôn mê, rối loạn đông máu, não tổn thương không hồi phục, thận tổn thương nặng, suy đa tạng rồi qua đời.
Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thông tin, mỗi ngày có tới 800 - 1.000 bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám, số nhập viện chỉ chiếm 5-8%. Hội trường của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã được trưng dụng thành khu điều trị SXH ban ngày để điều trị bệnh nhân trong giai đoạn đầu, bị sốt cao, mệt mỏi, phải truyền dịch. Nếu không có dấu hiệu nặng, buổi tối bệnh nhân được về nhà, hôm sau đến tái khám.
Trao đổi với chúng tôi, ThS.BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, trước tình hình dịch bệnh SXH gia tăng như hiện nay, nhân viên y tế đã phải làm việc hết công suất để phục vụ người bệnh. Để chống dịch, các bác sĩ đã phải làm ngoài giờ, làm việc cả ngày nghỉ, hủy bỏ nghỉ phép, tuân thủ mọi lệnh điều động đáp ứng cho nhu cầu khám chữa của người bệnh.
Nhiều bệnh viện... quá tải
Không chỉ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương mà các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội tiếp tục gia tăng bệnh nhân, chịu áp lực rất lớn về việc điều trị người mắc SXH. Phương án phổ biến ở những điểm nóng trị SXH là phải huy động tối đa nhân viên y tế để phục vụ người bệnh, bác sĩ làm việc hết công suất, không chỉ trong giờ, các bác sĩ đều phải làm cả ngoài giờ, làm ngày nghỉ, không được nghỉ phép trong thời điểm căng thẳng này.
Ghi nhận tại Bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh nhân SXH tính đến chiều 9/8 chưa có chiều hướng giảm, tiếp tục làm tình hình căng thẳng. Các ngày 7, 8 và 9/8, mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận và điều trị trung bình 300 bệnh nhân SXH. Bệnh nhân chủ yếu đến từ của hai "điểm nóng" SXH là 2 quận Hoàng Mai và Hai Bà Trưng. Đại diện Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, do số lượng bệnh nhân nhập viện tăng đột biến, có khoảng hơn 500 bệnh nhân SXH nội trú. Các khoa, phòng điều trị nội trú của BV Thanh Nhàn phải kê thêm giường bệnh, dành riêng một khu khám và điều trị để thu dung bệnh nhân SXH. Chiều 9/8, có mặt tại đây, chúng tôi cũng chứng kiến cảnh một số khoa, nhân viên y tế vẫn phải dồn phòng, kê thêm giường bệnh, tăng cường bác sĩ trực. Khoa Cấp cứu, trước đây một kíp trực chỉ 3 bác sĩ trực, hiện nay tăng lên 5 bác sĩ.
Bệnh viện Đống Đa cũng trong tình trạng quá tải, một nửa số bệnh nhân đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Đống Đa là bị SXH. Số giường thực kê của bệnh viện khoảng 330-350 giường; trong khi có đến 210 bệnh nhân SXH. Chỉ tính khoa Truyền nhiễm từ 50 giường được kê thành 85 giường để điều trị cho 150 bệnh nhân nội trú. Ngoài ra, bệnh viện còn phải bố trí bệnh nhân SXH nằm điều trị tại một số khoa khác để giảm tải. Đại diện bệnh viện này cũng cho hay mỗi ngày, khoảng 400-500 người mắc SXH đến khám và 20% số đó nhập viện mỗi ngày. (Gia đình & Xã hội, trang 3; An ninh Thủ đô, trang 3; Tuổi trẻ, trang 14).
Bệnh viện đầu tiên của Hà Nội đưa vào sử dụng máy chụp PET/CT tầm soát sớm ung thư
Sáng nay, 9-8, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đã chính thức đưa vào sử dụng hệ thống máy chụp PET/CT giúp tầm soát sớm bệnh ung thư, trở thành bệnh viện đầu tiên của thành phố trang bị hệ thống máy kỹ thuật cao này.
PGS.TS Trần Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, hiện nay Việt Nam là quốc gia thuộc nhóm có tỷ lệ mắc ung thư cao thứ hai trên thế giới. Bình quân mỗi năm cả nước có thêm 200.000 ca mắc ung thư mới và 115.000 bệnh nhân tử vong do căn bệnh này. Điều đáng nói là tỷ lệ điều trị thành công căn bệnh này ở nước ta chưa cao do đa số bệnh nhân phát hiện bệnh khi đã bước vào giai đoạn muộn.
Với vai trò là bệnh viện hạng I của TP Hà Nội và cũng là bệnh viện tuyến cuối trong điều trị ung thư cho các tỉnh phía Bắc, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đã hợp tác với Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư y tế Hà Nội (CMI) để đầu tư hệ thống máy chụp PET/CT theo phương thức xã hội hóa. Đây là một trong những thiết bị chẩn đoán hình ảnh sử dụng kỹ thuật y học hạt nhân hiện đại nhất hiện nay và đặc biệt có ý nghĩa trong điều trị ung thư.
PGS.TS Trần Đăng Khoa lý giải, các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để tầm soát ung thư thông thường như: CT, MRI, X-quang hay siêu âm chỉ phát hiện và đánh giá được các tổn thương đã có thay đổi về cấu trúc, giải phẫu, mật độ của tổ chức… nên thường gặp khó khăn hoặc dễ bỏ sót các tổn thương có đường kính nhỏ hơn 1cm.
Trong khi đó, chụp hình toàn thân bằng PET/CT có thể phát hiện các bất thường về chuyển hóa, ghi được những hình ảnh bệnh lý còn sớm, còn nhỏ khi chưa có thay đổi cấu trúc. Kết quả chụp PET/CT phản ánh chính xác giai đoạn bệnh, giúp bác sĩ đưa ra quyết định về phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân, đồng thời giúp dự báo sớm kết quả điều trị và mức độ đáp ứng điều trị của một hay nhiều phương pháp.
Phát biểu tại buổi khai trương hệ thống máy chụp PET/CT của Bệnh viện Ung bướu Hà Nội sáng nay, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đề nghị Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cần quản lý chặt chẽ, minh bạch giá dịch vụ, nhất là phải kết hợp chặt chẽ giữa bác sĩ lâm sàng và cận lâm sàng để chỉ định chiếu chụp bằng PET/CT hợp lý, tránh lạm dụng.
Đồng thời, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu Bệnh viện Ung bướu Hà Nội chủ động phối hợp với cơ quan bảo hiểm y tế để tạo thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho người bệnh được tiếp cận với dịch vụ kỹ thuật cao này, giúp giảm được tình trạng người bệnh phải ra nước ngoài điều trị. Mặt khác, phải tiếp tục đổi mới, nâng cao thái độ phục vụ người bệnh, đáp ứng sự hài lòng người bệnh (An ninh Thủ đô, trang 3).
Hà Nội sẽ phun hóa chất diệt muỗi từ vùng lõi dịch sốt xuất huyết
Ngày 9-8, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã kiểm tra công tác điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.
Hiện cơ sở I của bệnh viện có 346 bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó có 242 bệnh nhân sốt xuất huyết. Còn tại cơ sở II, trong số 290 bệnh nhân đang điều trị có 29 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Ngoài ra, 80% số bệnh nhân đến khám mỗi ngày bị sốt xuất huyết. Riêng trong sáng 9-8 đã có 500 bệnh nhân đến khám sốt xuất huyết. Cùng với việc kê thêm giường bệnh, bệnh viện cũng công khai số điện thoại đường dây nóng (0969241616) để các bác sĩ trao đổi, tư vấn về bệnh sốt xuất huyết cho người bệnh.
Tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Trọng Khoa đề nghị bệnh viện bố trí thêm 50 giường bệnh ở cơ sở II (tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh) để tiếp nhận thêm bệnh nhân, đồng thời nghiên cứu bố trí giường điều trị ban ngày tại các khoa lâm sàng. Trong điều kiện khó khăn về nhân lực, bệnh viện có thể đề nghị Trường Đại học Y Hà Nội cử sinh viên, học viên hỗ trợ thêm trong thời ian này.
Cùng ngày, tại Hội nghị về công tác dự phòng và điều trị sốt xuất huyết, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị rà soát các phòng khám đa khoa có thể tiếp nhận điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, các bệnh viện cần tăng cường tổ chức điều trị ban ngày, điều trị tại nhà và công khai số điện thoại đường dây nóng để người bệnh có thể liên lạc, nhờ bác sĩ tư vấn.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, tính đến hết ngày 8-8, thành phố ghi nhận 13.274 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 5 trường hợp tử vong. Bắt đầu từ ngày 14-8 cho đến hết tháng 8, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội sẽ tập trung phun hóa chất tại quận Đống Đa, Hai Bà Trưng và một số phường thuộc quận Ba Đình, Hoàn Kiếm. Lộ trình phun từ vùng lõi của dịch ra phía ngoài. Trung tâm Y tế dự phòng huy động 15-20 máy phun/phường để phun ban ngày, còn phun hóa chất bằng ô tô sẽ được thực hiện từ 1 đến 5h sáng. (Hà nội mới, trang 1).
Thành công mới trong phẫu thuật nội soi cắt gan
Nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Ðại học Y dược TP Hồ Chí Minh được trao giải nhất Vi-đê-ô phẫu thuật nội soi cắt gan tại Hội nghị của Hội Phẫu thuật nội soi cắt gan thế giới vừa tổ chức lần đầu tại Pa-ri (Pháp). Thành công này đã tạo dấu ấn của ngành y tế Việt Nam trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi cắt gan, đồng thời là động lực để bệnh viện này tiếp tục phát triển nhiều kỹ thuật mới, đem lại thêm cơ hội sống cho người bệnh.
Tại Việt Nam, ung thư gan là một loại bệnh ác tính gặp khá nhiều tại các cơ sở y tế. Nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh này là do viêm gan, xơ gan và một số bệnh lý khác. Bệnh tiến triển thầm lặng, khó nhận biết sớm, do đó, khi người bệnh đến cơ sở y tế thì thường ở giai đoạn muộn, dẫn đến việc tiên lượng xấu, điều trị khó khăn.
Bệnh viện Ðại học Y Dược TP Hồ Chí Minh (BV ÐHYD) hiện là một trong những trung tâm tầm soát, chẩn đoán và điều trị ung thư gan theo mô hình hiện đại. Với phương pháp điều trị đa mô thức, mỗi năm, bệnh viện này tiếp nhận khoảng 1.000 trường hợp ung thư gan mới, các bác sĩ phẫu thuật cho khoảng 20% số người bệnh; dùng kỹ thuật hủy khối u bằng sóng điện cao tần (RFA) cho 20% số người bệnh; bơm hóa chất và làm thuyên tắc mạch máu nuôi khối u - TACE cho khoảng 40% số người bệnh... Với mục tiêu an toàn, triệt để và nhẹ nhàng, Ðơn vị Ung thư gan mật BV ÐHYD có nhiều bước đột phá trong điều trị ung thư gan với các phương pháp hiện đại như tính thể tích gan còn lại, thủ thuật thuyên tắc tĩnh mạch cửa và kỹ thuật đo độ thanh lọc ICG của gan...
Phẫu thuật cắt gan là phương pháp điều trị triệt để, được áp dụng phổ biến cho người bệnh bị ung thư gan. Tuy nhiên, hầu hết ung thư gan xuất hiện ở người bệnh viêm gan mãn tính, xơ gan, do đó, việc điều trị bằng phẫu thuật luôn cần được cân nhắc, đánh giá cẩn trọng. Việc đánh giá chức năng gan, tính toán phần gan còn lại luôn được xem là thách thức lớn đối với các chuyên gia. Do vậy, BV ÐHYD đã chủ động thực hiện kỹ thuật đánh giá chức năng gan và tính toán thể tích gan giữ lại cho người bệnh.
Theo TS, BS Trần Công Duy Long, Phó trưởng khoa Gan mật tụy (BV ÐHYD), cắt bỏ một phần gan mang khối u là một trong những biện pháp điều trị triệt để nhất, tốt nhất cho người bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia BV ÐHYD phải tính toán, xác định phần gan còn lại bao nhiêu là đủ, vừa loại bỏ được các tế bào ung thư vừa bảo đảm độ an toàn và chất lượng sống cho người bệnh. Trong một số trường hợp không bảo đảm an toàn khi cần cắt một phần gan mang u, hoặc gan không đủ lớn, thì thủ thuật thuyên tắc tĩnh mạch cửa được xem là giải pháp tối ưu, giúp gan tăng sinh, từ đó, người bệnh có cơ hội phẫu thuật, nâng cao hiệu quả điều trị ung thư.
TS, BS Trần Công Duy Long cho biết: Có từ 25 đến 30% số lượng người bệnh phẫu thuật cắt gan được thực hiện bằng phẫu thuật nội soi. Thay vì đường mổ dài dưới xương sườn, người bệnh chỉ phải chịu vết mổ nhỏ từ 4 đến 10 mm, thời gian nằm viện từ bốn đến sáu ngày. Ðến nay có hơn 300 ca phẫu thuật nội soi cắt gan được thực hiện tại BV ÐHYD. Kết quả này được đăng tải trên nhiều tạp chí quốc tế, báo cáo tại các hội nghị trong và ngoài nước, đoạt nhiều giải thưởng khoa học nổi tiếng. Và điểm nhấn là nhóm nghiên cứu BV ÐHYD vừa được trao giải nhất Vi-đê-ô phẫu thuật nội soi cắt gan tại Hội nghị của Hội Phẫu thuật Nội soi cắt gan thế giới, được tổ chức lần đầu tiên tại Pa-ri (Pháp). Hội nghị có sự tham dự của tất cả các chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật nội soi cắt gan. PGS, TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc BV ÐHYD, Trưởng trung tâm huấn luyện phẫu thuật nội soi nhận định: Thành quả vừa đạt được của nhóm nghiên cứu BV ÐHYD đã tạo dấu ấn của ngành y tế Việt Nam đối với thế giới trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi cắt gan. Thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục phát huy các thế mạnh sẵn có, phát triển nhiều kỹ thuật mới, tạo thêm cơ hội sống cho người bệnh.
Bên cạnh hai phương pháp trên, đơn vị phẫu thuật nội soi BV ÐHYD đã và đang phát triển kỹ thuật đo độ thanh lọc ICG của gan. Ðây là một trong những kỹ thuật đánh giá chức năng gan chính xác nhất, được thực hiện lần đầu tại Việt Nam. Với kỹ thuật này, các bác sĩ có thể xác định được trường hợp người bệnh nào có thể cắt gan, mức độ cắt gan cho phép bao nhiêu. Từ đó, độ an toàn của người bệnh khi phẫu thuật điều trị ung thư gan được nâng lên cao nhất. (Nhân dân, trang 5).