Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 10/8/2021

  • |
T5g.org.vn - Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, xử lý nghiêm tiêu cực; Bắt đầu thử nghiệm văc-xin Covivac giai đoạn 2; Vì sao số liệu các ca mắc COVID-19 ở Hà Nội thường rất thấp từ đêm về sáng?; Nhiều ca mắc COVID-19 tử vong, Bình Dương đề nghị hỗ trợ; Cảnh báo khẩu trang dỏm làm lây nhiễm COVID-19; Tại sao Bình Dương tiêm nhanh hết vắc xin?

 

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, xử lý nghiêm tiêu cực

Chiều 9-8, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành về tiến độ triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ, thời gian qua, Bộ Y tế đã phân bổ cho các viện và địa phương khoảng 18 triệu liều vaccine Covid-19 để triển khai tiêm chủng.

Tuy nhiên, có tình trạng một số địa phương triển khai tiến độ tiêm vaccine chậm so với số lượng vaccine được phân bổ. Đến ngày 8-8, cả nước đã tiêm được khoảng 10,4 triệu liều, trong đó hơn 8,4 triệu người đã được tiêm liều 1. TPHCM hiện được phân bổ hơn 4,97 triệu liều (bao gồm cả đợt 19 và 20) và đã tiếp nhận hơn 4,6 liều, trong đó phân bổ cho CDC TPHCM là hơn 4,25 triệu liều và các đơn vị trực thuộc là hơn 400.000 liều. Một số địa phương có tốc độ tiêm chủng vaccine chậm là: Đồng Nai, Tây Ninh, Trà Vinh, Bình Dương, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang và Thanh Hóa.

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thông báo đến các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine để từng bước đảm bảo miễn dịch cộng đồng. Các đơn vị, địa phương không được trông chờ, lựa chọn vaccine mà vaccine về đợt nào, triển khai ngay tiêm đợt đó. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu chậm nhất ngày 15-8, các địa phương phải phê duyệt kế hoạch tiêm chủng.

Cùng với đó, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý, các địa phương cần tiêm chủng theo hình thức cuốn chiếu, tránh tình trạng có nơi nhận vài chục ngàn liều vaccine nhưng tiêm cả tuần không xong. Đồng thời không giới hạn số người tiêm trong một điểm tiêm. Nếu để xảy ra tiêm chậm, tiêu cực trong tiêm chủng thì phải chịu trách nhiệm.

“Nếu địa phương nhận 1 đợt phân bổ dưới 100.000 liều thì trong 3 ngày phải tiêm xong. Sau 3 ngày là chậm, Bộ Y tế sẽ công bố trên phương tiện thông tin đại chúng. Theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế sẽ chủ động điều chuyển vaccine ở nơi tiêm chậm về nơi có tốc độ tiêm nhanh. Các đợt phân bổ vaccine tiếp theo, Bộ Y tế sẽ xem xét đối với các tỉnh tiêm chậm”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ và khẳng định quan điểm Bộ Y tế là ưu tiên vaccine cho TPHCM và các tỉnh, thành phía Nam đang có dịch diễn biến phức tạp (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Bắt đầu thử nghiệm văc-xin Covivac giai đoạn 2

Hôm nay, Covivac, vắc-xin nội thứ 2, bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên 375 tình nguyện viên ở Thái Bình.

TS. Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC), cho biết, Hội đồng đạo đức, Bộ Y tế đã họp đánh giá giai đoạn 1 của vắc-xin phòng COVID-19 Covivac, kết luận vắc-xin an toàn, dung nạp tốt, có tính sinh miễn dịch, đủ điều kiện chuyển sang giai đoạn 2. PGS.TS Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng (Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư), cho biết, tình nguyện viên phải đảm bảo từ trên 18 tuổi, có thể lên tới 70-80 tuổi, gồm cả những người mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp… nhưng đang được điều trị ổn định.

Nếu giai đoạn 2 diễn ra suôn sẻ, đến cuối tháng 9, nhóm nghiên cứu sẽ thu được mẫu máu của tình nguyện viên ở thời điểm ngày thứ 42 sau mũi đầu tiên để đánh giá tính sinh miễn dịch và hiệu giá kháng thể trung hoà của vắc-xin. Ngày thứ 57, tình nguyện viên sẽ tiếp tục được khám sức khoẻ, lấy mẫu máu để đánh giá, phân tích trước khi nhóm nghiên cứu đề xuất thử nghiệm giai đoạn 3a trên 1.000 tình nguyện viên.

Covivac hiện là vắc-xin phòng COVID-19 thứ hai của Việt Nam đang được thử nghiệm lâm sàng. Covivac được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 từ ngày 15/3 trên 120 tình nguyện viên. Nghiên cứu do Đại học Y Hà Nội phối hợp Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư thực hiện.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, nói: “Tôi đề nghị các đơn vị triển khai cần nghiêm túc thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật triển khai thử nghiệm lâm sàng vắc-xin và theo dõi chặt chẽ sau tiêm đối với các tình nguyện viên. Bộ Y tế sẽ chỉ đạo và tổ chức đoàn công tác giám sát toàn bộ quy trình triển khai nghiên cứu và xem xét kết quả giữa kỳ thử nghiệm giai đoạn 1 để phê duyệt việc triển khai giai đoạn 2 nhằm đảm bảo an toàn cho các tình nguyện viên tham gia”.

TS. Dương Hữu Thái cho biết, Covivac sử dụng công nghệ vector virus, tương tự vắc-xin AstraZeneca nhưng sử dụng giá thể khác nhau. Covivac sử dụng vector NewCastle trên phôi trứng gà theo dây chuyền sản xuất vắc-xin cúm mùa, còn AstraZeneca sử dụng vector adenovirus tinh tinh tái tổ hợp.

Trước đó, tại Hội thảo trực tuyến tham vấn chuyên gia về thẩm định dữ liệu nghiên cứu lâm sàng và phê duyệt vắc-xin COVID-19 trong trường hợp khẩn cấp do Bộ Y tế phối hợp Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức, nhóm nghiên cứu kỳ vọng, cuối quý III, đầu quý IV sẽ có kết quả đánh giá thử nghiệm lâm sàng của giai đoạn 2 để bước sang giai đoạn 3 (Tiền phong, trang 3).

 

Vì sao số liệu các ca mắc COVID-19 ở Hà Nội thường rất thấp từ đêm về sáng?

Theo bản tin 6h sáng nay 9/8 của Bộ Y tế, Hà Nội có 4 ca mắc COVID-19, tuy nhiên Sở Y tế Hà Nội lại công bố TP có 9 ca. Ngày hôm qua (8/8), Bộ Y tế công bố Hà Nội có 114 ca nhiễm COVID-19, nhưng Hà Nội công bố chỉ có 56 ca, gồm 34 ca cộng đồng và 22 ca tại khu cách ly.

Trước đó, bản tin 6h sáng ngày 7/8 của Bộ Y tế, Hà Nội không có ca mắc mới nhưng vào sáng cùng ngày, Hà Nội công bố có 18 ca mắc COVID-19. Tổng số ca mắc trong ngày 7/8 của Hà Nội công bố là 82 trường hợp, nhưng Bộ Y tế công bố chỉ có 10 ca. Sự vênh nhau quá lớn giữa công bố ca bệnh của Bộ Y tế và Hà Nội đã khiến một bộ phận người dân hoang mang, không biết tin vào số liệu của cơ quan nào.

Lý giải về sự chênh lệnh này, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, có sự sai số này là do thời điểm cập nhật của Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội là khác nhau, còn về tích lũy ca bệnh là giống nhau.

Bà Hà cho biết, việc công bố ca bệnh của Hà Nội là hoàn toàn chính xác để công khai, minh bạch ca mắc mới trong ngày cho người dân được biết. CDC Hà Nội cập nhật 3 lần/ngày vào lúc 6h, 12h và 18h. Còn Bộ Y tế công bố cũng đúng nhưng thời gian cập nhật dài hơn và công bố 2 lần/ngày. Bộ Y tế công bố ca bệnh vào lúc 6h sáng nhưng thực tế cập nhật số liệu ca mắc vào 23h của ngày hôm trước. Còn số ca từ 23h trở đi, Bộ Y tế sẽ cập nhật ở bản tin tối. Trong khi đó, bản tin 6h sáng của Hà Nội thì cập nhật từ 18h ngày hôm trước đến 6h sáng hôm sau.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế cho biết, về tổng số ca mắc của Hà Nội không thay đổi, chỉ có khác thời điểm công bố. Giải thích thêm, ông Nguyễn Đình Anh cho biết, qua trao đổi với đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thì được biết số liệu của Cục Y tế dự phòng là số liệu của địa phương nhập dữ liệu để cấp mã quốc gia, nếu có sai số là do các địa phương nhập sai vì cấp mã tự động. Nhưng tổng số ca mắc của Hà Nội sẽ không đổi.

“Sự khác nhau ở đây là thời điểm công bố số liệu, Bộ Y tế công bố số liệu ngày 2 lần (6h và 18h), Cục Y tế dự phòng chốt số liệu trước 23 giờ đêm cho bản tin sáng và 17 giờ chiều cho bản tin 18h. Cục lấy số liệu dựa trên hệ thống cấp mã tự động, các tỉnh nhập về bao nhiêu họ sẽ tổng hợp và báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế và gửi thông tin cho chúng tôi để gửi báo chí. Hiện nay, các tỉnh tự công bố vào những thời điểm khác nhau nên chắc chắn sai lệch. Thông thường các tỉnh công bố sớm hơn Bản tin của Bộ Y tế nhưng số liệu của Bộ Y tế công bố được công nhận là số liệu chuẩn quốc gia”, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng nói.

Trước đó, để công khai kịp thời, chính xác thông tin, diễn biến dịch COVID-19, ngày 4/8, Bộ Y tế ban hành công văn số 6289/BYT-KCB đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, TP chủ động công bố thông tin dịch bệnh COVID-19 trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Cụ thể, giao cho cơ quan chức năng chủ động công bố số ca mắc mới, ca đang điều trị, ca khỏi bệnh, ca tử vong trong ngày và cộng dồn từ đầu dịch qua Cổng thông tin chức thức của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 của Bộ Y tế để kịp thời tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan (Công an nhân dân, trang 4).

 

Nhiều ca mắc COVID-19 tử vong, Bình Dương đề nghị hỗ trợ

Có nhiều ca mắc COVID-19 diễn biến nặng và tử vong, Bình Dương đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị, thành lập bệnh viện hồi sức cấp cứu. Tỉnh đang tranh thủ thời gian vàng lọc quét F0 nhiều lần với quyết tâm đến tháng 9 trở về trạng thái bình thường mới.

Trong đợt dịch thứ tư này, Bình Dương ghi nhận 27.639 người mắc COVID-19, trong đó có 176 ca tử vong. Trong số bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị ở Bình Dương, có 77 phụ nữ mang thai, 236 người trên 65 tuổi, 402 người có bệnh lý nền, 514 người có diễn biến nặng.

Ðề nghị thành lập bệnh viện hồi sức

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 9/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nhận định, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại địa phương đang phức tạp và số ca mắc dự kiến những ngày tới còn tăng thêm. Theo ông Minh, hầu hết số bệnh nhân COVID-19 tử vong những ngày qua có bệnh nền nặng và cao tuổi. Ông đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thành lập Bệnh viện Hồi sức cấp cứu bệnh nhân COVID-19 với quy mô 500 giường.

“Trước đó, Bình Dương được Bộ Y tế hỗ trợ thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU). GS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, được giao làm giám đốc trung tâm này. Đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, làm việc rất tích cực, đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ sinh mệnh bệnh nhân COVID-19 nặng. Tuy nhiên, trong bối cảnh địa phương ghi nhận nhiều ca mắc với diễn biến nặng, cần được xây dựng thêm bệnh viện hồi sức tích cực”, ông Minh nói.

Để đáp ứng yêu cầu thành lập Bệnh viện Hồi sức tích cực, Bình Dương đề nghị Bộ Y tế cử lãnh đạo phụ trách chuyên môn cho bệnh viện; bố trí đội ngũ y bác sĩ gồm 304 bác sĩ và 760 điều dưỡng, đồng thời hỗ trợ một số trang thiết bị y tế.

Theo GS.TS Nguyễn Lân Hiếu, cùng đi với ông vào hỗ trợ Bình Dương còn có 10 bác sĩ, chuyên gia, 5 điều dưỡng đã tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng để làm nhiệm vụ hồi sức cấp cứu. “Việc tuân thủ điều trị bệnh theo tháp đồ 3 tầng và sự ra đời của Trung tâm và Bệnh viện Hồi sức tích cực sẽ hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong của bệnh nhân mắc COVID-19”, ông Hiếu nhận định.

Lọc quét F0 nhiều lần

Bình Dương phân loại các địa phương vùng xanh, vàng, đỏ trên bản đồ COVID-19. Theo đó, các địa phương vùng đỏ tập trung khoanh vùng, xét nghiệm nhanh, xử lý sớm, thu hẹp phạm vi có dịch, dập dịch nhanh. Các địa phương vùng vàng quyết liệt xét nghiệm sàng lọc tìm F0, giảm thiểu số F1, F2 để nhanh chóng chuyển sang vùng xanh. Các vùng xanh tập trung các biện pháp bảo vệ bằng được để sớm ổn định tình hình, đồng thời làm cứ địa, vùng đệm vững chắc cho các địa phương phía Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết, trong thời gian áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tranh thủ thời gian vàng, triển khai nhanh công tác sàng lọc quét F0 nhiều lần để đưa ra khỏi cộng đồng, doanh nghiệp.

“Bình Dương quyết liệt bảo vệ các vùng xanh, khoanh chặt các vùng đỏ, vùng vàng để tiếp tục xét nghiệm sàng lọc tìm F0 với quyết tâm đến 30/8, địa phương cơ bản kiểm soát được dịch bệnh”, ông Lợi nói. Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, để giảm tải cho các khu điều trị, địa phương đang thí điểm cách ly tại nhà F1 ít nguy cơ và F0 phát hiện trong cộng đồng mà đủ điều kiện. Họ được theo dõi thường xuyên có biện pháp ứng cứu kịp thời, không để trường hợp tử vong xảy ra tại nhà. Trong tổng số ca mắc COVID-19 ở Bình Dương, Tổ công tác đặc biệt Bộ Y tế đánh giá có khoảng 80% nhẹ, không triệu chứng.

Hiện nay, cách làm của Bình Dương với những F0 nhẹ, không triệu chứng mới phát hiện là đưa vào khu cách ly tạm thời có theo dõi y tế để phân tầng điều trị mức độ, tình trạng của các ca F0 (F0 nhẹ, không triệu chứng, không bệnh nền, tải lượng virus thấp vào các bệnh viện dã chiến, tầng 2 là tầng điều trị F0 có triệu chứng trung bình, tải lượng virus lớn và tầng 3 là tầng bệnh nhân nặng cần cấp cứu hồi sức).

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bình Dương vừa có công văn đề nghị Bộ Y tế phân bổ thêm 1 triệu liều vắc-xin để tiêm phòng cho người dân, công nhân lao động tránh đứt gãy chuỗi sản xuất. Trước đó, Bộ Y tế phân bổ 570.000 liều vắc-xin, nhưng Bình Dương đã tiêm hết sau 3 ngày huy động lực lượng. “Dân số Bình Dương trên 2,5 triệu người, trong khi đó, lượng vắc-xin được cấp về 570.000 liều. Lượng vắc-xin được phân bổ chủ yếu tập trung tiêm cho những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao để tăng cường kết quả phòng, chống COVID-19. Địa phương đề xuất với Trung ương cho phép chi ngân sách mua lượng vắc-xin đủ để tiêm cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp”, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương nói (Tiền phong, trang 3).

 

Cảnh báo khẩu trang dỏm làm lây nhiễm COVID-19

Hôm nay 9-8, Bệnh viện Việt Đức có thông tin cho biết trong tình hình dịch COVID-19 nóng bỏng, khó lường, nhiều nhà tài trợ, nhóm hảo tâm, bè bạn đã kêu gọi và quyên góp mua tặng khẩu trang, thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế.

"Tuy nhiên khi kiểm tra các trang bị bảo hộ, đặc biệt khẩu trang N95 - một lá chắn quyết định trong ngăn ngừa virus SARS-CoV-2, thì rất nhiều trong số khẩu trang nhận được từ các nguồn tài trợ là không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy hầu hết các trường hợp lây nhiễm cho nhân viên y tế trong khi chăm sóc, điều trị người bệnh là do mang khẩu trang không đạt chuẩn" - ông Bình Giang cho biết.

Theo ông Giang, đây là nguy cơ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của cán bộ y tế. 

Trước đó ngày 6-8, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội phối hợp Đội quản lý thị trường số 22 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra Công ty cổ phần Thiết bị nguyên phụ liệu khẩu trang Việt Nam.

Đoàn kiểm tra phát hiện 143 thùng khẩu trang với số lượng gần 20.000 chiếc khẩu trang 3M không có hóa đơn chứng từ do công ty mua lại để bán có dấu hiệu bị giả nhãn hiệu.

Thông tin ban đầu công ty này đặt mua lô khẩu trang này trên mạng, không rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Đại diện một đơn vị cung cấp trang thiết bị y tế cho biết hiện đã có một danh mục các mặt hàng khẩu trang "dỏm", với mã Lot Codes dỏm bệnh viện sẽ trả hàng, không tiếp nhận.

Vị này cũng cho biết các đoàn thiện nguyện có nhu cầu mua hàng tặng y bác sĩ nhưng do thị trường có nhiều loại khẩu trang giá dao động rất khác nhau, trên khẩu trang đều có chữ 3M trên nhãn nên bị nhầm lẫn. "Nếu khẩu trang 3M chính hãng phải 50.000-55.000 đồng/chiếc, dưới giá đó đều là hàng dỏm".

"Khi mua khẩu trang loại dùng cho cán bộ y tế, khách hàng có thể xem mã Lot Codes (lô sản xuất), đồng thời yêu cầu nhà cung cấp gửi giấy tờ, hồ sơ, ai có đủ hóa đơn chứng từ mới mua, hoặc cài app soi mã vạch, nếu sản phẩm có mã vạch trùng với mã vạch nhà cung cấp khẩu trang 3M của Mỹ thì mới mua" - công ty cung cấp thiết bị y tế kể trên hướng dẫn.

Ngoài khẩu trang đặc chủng dùng cho y bác sĩ bị làm giả, thị trường còn có cả quần áo bảo hộ dỏm. Trong đó, những bộ bảo hộ cấp 4 - cấp cao nhất mặc trong phòng hồi sức tích cực, thông thường giá trên 100.000 đ/bộ, thì đã có loại chỉ 50.000đ/bộ nhưng các đường may rõ mũi chỉ. 

Theo thông tin từ các đơn vị cung cấp, đây là hàng Trung Quốc đóng thương hiệu Việt Nam, người bình thường không thể nhận biết được sự khác biệt. Phải kiểm tra thật kỹ và là dân may chuyên nghiệp, nhìn vào vải mới có thể phân biệt được (Tuổi trẻ, trang 4).

 

Tại sao Bình Dương tiêm nhanh hết vắc xin?

Bình Dương cho rằng vắc xin đã tiêm nhiều hơn con số cập nhật của Bộ Y tế. Nhiều khu công nghiệp triển khai tiêm cho công nhân sản xuất '3 tại chỗ'... Ngày 9-8, liên quan các số liệu "vênh" nhau giữa công bố của Bộ Y tế và địa phương, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã lên tiếng giải thích.

Triển khai nhanh nhờ "xã hội hóa"

Về số liệu tiêm vắc xin, theo công bố của Bộ Y tế thì Bình Dương mới tiêm được gần 143.000 liều trong tổng số gần 570.000 liều được phân bổ. Tuy nhiên, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho hay tới nay đã phân bổ cho tuyến tỉnh, huyện và các xã phường tiêm được khoảng 420.000 liều. 

Còn 150.000 liều đã phân bổ cho các khu công nghiệp để tiêm cho người lao động và việc tiêm vắc xin cũng đang được triển khai nhanh với hình thức "xã hội hóa", nên có thể hoàn thành trong vòng vài ngày tới.

Hiện nay nhiều xã phường tại Bình Dương phải hoãn tiêm vì thiếu vắc xin nên UBND tỉnh đã có văn bản hỏa tốc đề nghị Bộ Y tế phân bổ thêm.

Không chỉ "vênh" nhau về số liệu người tiêm vắc xin mà về số ca mắc COVID-19, công bố trong ngày 8-8 của Bình Dương chỉ thêm 2.395 ca trong khi công bố của Bộ Y tế thì tỉnh này tăng thêm tới 3.210 ca (chênh nhau tới 815 ca). 

Bác sĩ Nguyễn Hồng Chương - giám đốc Sở Y tế - cho biết sở dĩ có sự chênh lệch vì khoảng thời gian mà bộ và tỉnh thống kê có khác nhau. Về số liệu ngày 8-8, Bộ Y tế công bố cả những ca đã phát hiện trong buổi chiều và tối ngày trước đó mà bộ chưa công bố, trong khi các ca đó đã được Sở Y tế Bình Dương công bố rồi. 

"Số liệu công bố mỗi ngày có thể không giống nhau do khoảng thời gian thống kê khác nhau, nhưng tổng số ca mắc thì số liệu của Bình Dương và Bộ Y tế là trùng khớp" - bác sĩ Chương cho biết.

Tiêm cho công nhân sản xuất "3 tại chỗ"

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ trong ngày 9-8, hàng loạt khu công nghiệp như các khu VSIP 1, 2; Đồng An 1, 2; Sóng Thần 2, 3... triển khai tiêm vắc xin cho công nhân, người lao động. 

Cách làm là Nhà nước cung cấp vắc xin, giám sát đối tượng; còn việc tiêm thì mượn địa điểm và giao cho các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ, thuê hoặc nhờ các cơ sở y tế thực hiện việc tiêm. Vì vậy, số lượng vắc xin tiêm tại các khu công nghiệp của Bình Dương khá nhanh chóng.

Cũng trong ngày, tại huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, một bệnh viện dã chiến 3.000 giường đã được Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh đưa vào hoạt động. 

Đây là bệnh viện dã chiến được cải tạo dựa trên nhà xưởng của Công ty TNHH Hoàng Hùng. Chi phí xây dựng và các trang thiết bị cơ bản do doanh nghiệp tài trợ rồi bàn giao cho Nhà nước vận hành (Tuổi trẻ, trang 13).

 

Chiều tối 9-8, cả nước có thêm 4.423 người khỏi bệnh

Chiều tối 9-8, Bộ Y tế cho biết, trong hơn 12 giờ qua, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.185 ca mắc mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 4.183 ca ghi nhận trong nước. Trong đó có 770 ca trong cộng đồng. Trong số các tỉnh thành có ca mắc mới, TPHCM có (1.642 ca), Bình Dương (1.162), Đồng Nai (355), Tiền Giang (251), Tây Ninh (133), Hà Nội (74), Cần Thơ (71), Bà Rịa - Vũng Tàu (65), Đà Nẵng (60), Đồng Tháp (59), Phú Yên (53), Bình Định (45), Bình Thuận (34), Khánh Hòa (33), Lâm Đồng (30), Quảng Ngãi (18), Trà Vinh (15), Hà Tĩnh (15), Nghệ An (12), Quảng Nam (11), Ninh Bình (10), Thừa Thiên-Huế (10), Hải Dương (7), Bình Phước (5), Quảng Bình (3), Đắk Lắk (3), Hậu Giang (3), Thái Bình (2), Kiên Giang (1) và Bắc Giang (1). Tính đến chiều cùng ngày, Việt Nam có 219.745 ca mắc Covid-19 trong đó có 2.362 ca nhập cảnh và 217.383 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27-4 đến nay là 215.813 ca, trong đó có 73.146 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Về điều trị, cả nước có thêm 4.423 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi lên 75.920 ca. Hiện có 509 ca bệnh nặng đang điều trị ICU và 23 nguy kịch điều trị ECMO.

Đáng chú ý, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo có thêm 360 ca tử vong do Covid-19 (từ ca bệnh 3.398-3.757) tại TPHCM (269 ca), Tiền Giang (39), Đồng Nai (38), Long An (3), Thành phố Cần Thơ (2), Bình Định (2), Đồng Tháp (2), Vĩnh Long (2), Thành phố Hà Nội (1), Khánh Hòa (1) và Tây Ninh (1).

Về tiêm chủng vaccine Covid-19, cả nước đã được tiêm 9.405.819 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 8.460.013 liều, tiêm mũi 2 là 945.806 liều (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Tăng cường sản xuất, nhập khẩu, trữ thuốc phòng chống Covid -19

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế về việc tăng cường sản xuất, nhập khẩu, tồn trữ thuốc phòng chống Covid -19.  

Dịch Covid-19 tại Việt Nam cũng như trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ gián đoạn, đứt gãy nguồn cung toàn cầu có thể xảy ra. Để đảm bảo nhu cầu thuốc phòng chống dịch Covid-19 nói riêng và thuốc nói chung tại Việt Nam, Cục Quản lý dược đề nghị lãnh đạo các đơn vị chủ động rà soát tồn trữ thuốc tại cơ sở và khả năng cung ứng của các nhà cung cấp để có giải pháp phù hợp đảm bảo nguồn cung thuốc tại đơn vị, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là bệnh nhân Covid-19 (Sài Gòn giải phóng, trang 4). 

 

Ứng dụng Telehealth vào điều trị Covid-19

Dịch Covid-19 đang rất phức tạp khiến việc đi lại giữa các địa phương vô cùng khó khăn. Trong khi đó, với những người mắc các bệnh hiểm nghèo đang điều trị ở tuyến dưới, thì “thời gian vàng” hết sức quan trọng trong điều trị. Với sự phát triển nhanh và trợ giúp tích cực của hệ thống khám chữa bệnh từ xa - Telehealth, nhiều bệnh nhân đã được cứu sống.

Xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến

Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm ngoái, lường trước được hoạt động khám chữa bệnh của người dân sẽ bị ảnh hưởng, Bộ Y tế phối hợp với Bộ TT-TT, Tập đoàn Viettel cùng các đơn vị chức năng đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, trong đó tập trung đẩy mạnh Telehealth.

Bắt đầu từ tháng 6-2020 với cơ sở đầu tiên là Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, sau đó lan tỏa ra nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội, TPHCM, Huế, Đà Nẵng, đến nay hệ thống Telehealth đã kết nối được hơn 1.500 điểm cầu trong toàn quốc.

Không chỉ bệnh viện tuyến trung ương kết nối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến tỉnh kết nối với tuyến huyện mà ở những vùng xa xôi, biên giới hải đảo như Cô Tô,  Mường Nhé, Côn Đảo, Bạch Long Vĩ cũng có thể kết nối Telehealth. 

Trước biến chủng Delta làm gia tăng rất nhanh số ca mắc Covid-19 tại phần lớn tỉnh thành trong cả nước, được sự cho phép của Chính phủ cùng sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế và Bộ TT-TT, chỉ trong hơn 2 ngày, các doanh nghiệp công nghệ Viettel, VNPT đã ra quân thần tốc hoàn thành triển khai lắp đặt hệ thống Telehealth cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố. Đây là các cơ sở y tế cấp huyện chưa được kết nối với hệ thống theo danh sách do Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cung cấp. 

Từ việc kết nối tới tất cả bệnh viện tuyến huyện qua hệ thống Telehealth, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã hội chẩn, tư vấn kịp thời các phương pháp điều trị, theo dõi, chăm sóc cho các bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ (TPHCM), Bệnh viện Đa khoa Hậu Nghĩa (Long An), Bệnh viện Thuận An (Bình Dương)…

Theo các y bác sĩ tại các điểm cầu, đây là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm bớt tiếp xúc giữa bệnh nhân với bác sĩ. Đồng thời giúp các y bác sĩ tại các vùng sâu, vùng xa yên tâm, tự tin hơn trong điều trị bệnh nhân nặng.

Chi viện lực lượng từ xa 

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đề án khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025, thông qua Telehealth, các bác sĩ, chuyên gia hàng đầu có thể tham gia hội chẩn, chữa trị, can thiệp kịp thời đối với các ca bệnh khó, giúp nắm bắt “thời gian vàng” trong điều trị, mang đến kết quả tốt nhất cho bệnh nhân.

Đặc biệt, trong cuộc chiến với dịch Covid-19, cùng với các thầy thuốc trực tiếp chiến đấu, giành giật sự sống bên giường bệnh thì sự chi viện của các thầy thuốc giỏi ở mọi miền đất nước qua Telehealth cũng vô cùng quan trọng, góp phần vào việc điều trị thành công cho các bệnh nhân nặng. 

GS-TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, thông tin, ngay sau khi khánh thành Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 16, bệnh viện đã thiết lập hệ thống camera trung tâm có khả năng theo dõi bệnh nhân và các thiết bị hỗ trợ 24/7 kết nối với các trung tâm giám sát và điều hành, làm giảm gánh nặng cho nhân viên y tế trực tiếp điều trị cho bệnh nhân.

Để hội chẩn các ca bệnh nặng tốt nhất, các y bác sĩ cũng nắm chắc phương pháp hội chẩn trực tuyến. Bệnh viện đã thiết lập hệ thống Telehealth kết nối trực tuyến với Bộ Y tế, Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bệnh viện Bạch Mai...

“Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 đặt tại Bệnh viện Dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 16 đảm bảo công tác theo dõi liên tục bệnh nhân cũng như công tác quản lý, điều hành, hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành từ Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai… Đồng thời hệ thống này sẽ là một kênh đào tạo hiệu quả của Bệnh viện Bạch Mai dành cho các nhân viên y tế tham gia chống dịch tại TPHCM và các tỉnh phía Nam”, GS-TS Nguyễn Quang Tuấn cho biết.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu sở y tế các tỉnh thành chỉ đạo các bệnh viện điều trị Covid-19 thuộc phạm vi quản lý thực hiện nhiệm vụ được giao trong đề án, ưu tiên triển khai ngay kết nối Telehealth giữa các khoa, phòng trong bệnh viện và giữa bệnh viện với bệnh viện.

Các bệnh viện được giao nhiệm vụ Trung tâm hồi sức tích cực quốc gia và vùng khẩn trương thiết lập mạng lưới tư vấn, hội chẩn từ xa với các bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19 theo phạm vi phụ trách bằng các phương tiện thông tin thuận lợi nhất (mạng Viettel, VNPT, Zoom, Zalo, Viber, điện thoại...) để hướng dẫn phân loại tình trạng người bệnh, tư vấn cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị, chuyển viện phù hợp, kịp thời.

Đối với các bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19 tuyến dưới bố trí nhân lực, trang thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền... và cử đầu mối liên hệ, kết nối ngay với các bệnh viện phụ trách vùng, quốc gia để được hướng dẫn, hội chẩn từ xa theo định kỳ và đột xuất (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Trở lại tuyến đầu

Khi TPHCM dốc toàn lực vào cuộc chiến chống dịch Covid-19, các y bác sĩ (BS) đã về hưu xung phong quay lại “chia lửa” cùng đồng nghiệp nơi tuyến đầu. Không chỉ là hưởng ứng lời kêu gọi của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, mà với họ, đã khoác áo blouse trắng thì suốt đời có trách nhiệm với chuyện cứu người.

1. Tại điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Trường THCS Lê Anh Xuân (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú), trong khâu khám sàng lọc, đo huyết áp, người quen mấy cũng khó nhận ra BS Phạm Biên - một BS đã 71 tuổi, qua bộ đồ bảo hộ và khẩu trang kín mít.

Chiều 24-7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn có thư kêu gọi các y BS chung tay chống dịch, BS Phạm Biên liền đăng ký trực tuyến. Ông kể lại: “Trong danh sách đăng ký, tôi ở vị trí 149 đó nha! Đọc trên báo thấy thư kêu gọi của Thứ trưởng thì chung tay liền thôi, mình còn khỏe, có chuyên môn y tế, lúc này thành phố cần, phải sẵn sàng chứ chần chừ gì nữa”. Dù sức khỏe còn tốt, nhưng khi BS Phạm Biên đăng ký trở lại tuyến đầu vẫn khiến cả gia đình lo lắng.

“Lúc đầu, người nhà không chịu, rồi tôi thuyết phục mọi người: Mình có chuyên môn y tế, cẩn trọng trong mọi việc và làm việc vừa sức mình, không có lo lắng gì hết. Việc lớn hay việc nhỏ, lúc này, đỡ được việc nào là phải làm ngay”, BS Phạm Biên tâm sự.

Một ngày của BS Biên bắt đầu từ 7 giờ 30, nghỉ ngơi và ăn trưa tại điểm tiêm vaccine, đến 17 giờ 30 gần như xong công việc. Từng là bác sĩ và công tác tại 3 bệnh viện ở TPHCM là Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Bình Dân, Viện Y dược học dân tộc, nhưng hiện tại, ông chỉ khoát tay, cười: “Hãy gọi tôi như một tình nguyện viên tham gia chống dịch. Mọi người ở đây có dặn tôi, là hôm nào khỏe thì tham gia, mệt thì nghỉ. Y BS là lực lượng ở tuyến đầu kìa, họ làm việc ngày đêm có nghỉ ngơi gì đâu”.

Trò chuyện với ông trong một ngày ông xin tạm nghỉ để chăm sóc bác gái và hai đứa cháu ở nhà, rỉ rả nói về lý do đăng ký trở lại tuyến đầu lần này, BS Phạm Biên chia sẻ: “Nói là trở lại tuyến đầu, chứ phần việc của tôi cũng chỉ ở khu vực khám sàng lọc cho người dân trước khi tiêm vaccine. Tôi mong muốn tham gia để động viên và chia sẻ một chút cùng đồng nghiệp trẻ và nhất là các đoàn y BS từ miền Bắc, miền Trung vào Nam tham gia chống dịch lần này. Tôi đi làm rồi chiều về nhà, chứ họ xa gia đình, xa con cái rồi trực tiếp ở những khu điều trị, bệnh viện dã chiến suốt mấy tháng qua, mà đâu có nề hà. Nghĩ mà thương quá chừng!”.

Khoác áo ngành y từ những năm tháng đất nước còn bom đạn, BS Phạm Biên kể: “Hồi năm 1969, tôi vượt Trường Sơn vào Nam, lúc đó tôi là y sĩ, đi ngày đi đêm chỉ mong ngày giải phóng. Bây giờ, có đội ngũ y BS đi vào tâm dịch, mong ngày cùng thành phố vượt qua khó khăn, thì lẽ nào mình còn khỏe mà làm ngơ, không tham gia cùng mọi người. Mình là BS mà, làm sao quên trách nhiệm cứu người được”.

Sau những câu chuyện của mình, ông lại cười: “Sáng nay, đọc tin mừng quá cháu ơi, số ca F0 có vẻ chững lại rồi, mong thành phố sớm kiểm soát được dịch”. Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, BS Biên khẽ dặn: “Các tình nguyện viên trẻ, đội ngũ y BS tuyến đầu, họ xứng đáng được ghi nhận đó cháu, còn tôi già rồi, làm được chút gì thì làm thôi…”.

2. Cách đây chưa lâu, một đoạn video ghi lại hình ảnh người BS hướng dẫn các trường hợp F0 tập thở được nhiều người chia sẻ lên mạng xã hội. Cộng đồng mạng bày tỏ xúc động bởi sự tận tâm của đội ngũ y tế tuyến đầu và trân quý hơn khi biết đó là sự tận tâm của một BS đã về hưu. Rời đơn vị công tác Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, BS Trần Văn Thành mở phòng khám riêng.

Sau khi đọc thư kêu gọi của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, ông đăng ký trở lại tuyến đầu hỗ trợ các đồng nghiệp trẻ. BS Thành biết rằng, ngày công tác đã có nhưng ngày về chưa định rõ, bởi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Gia đình lo lắng, bác sĩ Thành động viên: “Lúc này, không tham gia thì day dứt lắm”.

Trong tháp 5 tầng điều trị Covid-19 ở TPHCM, khu cách ly, thu dung điều trị Covid-19 tại Trường THCS thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi được xem như tầng 1. Ngoài công việc theo dõi sức khỏe và điều trị cho F0, BS Thành trăn trở nhất là tâm lý bệnh nhân: “Có người lo lắng rồi bỏ ăn cả tuần, có người sợ cứ đòi về nhà, những lúc như vậy, ngoài chuyện điều trị phải động viên bệnh nhân. Tâm lý lúc này quan trọng lắm, phải tìm cách trò chuyện, thuyết phục để mọi người giữ được bình tĩnh, không hoang mang, sợ hãi thì quá trình điều trị mới nhanh chóng phục hồi được”.

Một ngày 2 lần thăm khám bệnh nhân, hướng dẫn những bài tập thở, xử lý cấp cứu, theo dõi sức khoẻ để chuyển những ca bệnh có dấu hiệu chuyển nặng kịp thời đến các tầng cao hơn và điều phối hoạt động chung để bảo đảm an toàn cho ê kíp cùng làm việc…

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi, BS Thành mới kể câu chuyện của mình: “Tôi nghỉ hưu từ năm 2017 và tập trung vào phòng khám tư, nên chuyên môn y tế vẫn đều đặn, khi đăng ký tham gia cũng không có lo lắng gì. Điều tôi quan tâm lúc này là sức khỏe và tâm lý của bệnh nhân”.

Có những ngày xe cấp cứu dừng lại, tiếp nhận những ca mắc Covid-19 là người già, trẻ em, BS Thành xúc động: “Nhìn bệnh nhân mà thương lắm, nhất là các cháu còn nhỏ xíu, bộ đồ bảo hộ mặc còn không vừa. Chúng tôi phải luôn miệng động viên để mọi người vững tâm, hợp tác điều trị cho tốt. Những ngày này không về nhà được, với tôi, bệnh nhân cũng là người thân vậy, còn nơi đây như mái nhà của mình…”.

3. Trở lại Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Chợ Rẫy với mong muốn choàng bớt áp lực công việc cho những đồng nghiệp đã lên đường chi viện cho các bệnh viện điều trị Covid-19 ở TPHCM, nữ BS Nguyễn Thị Kim Tùng tâm sự: “Tôi gắn bó với Bệnh viện Chợ Rẫy gần 30 năm và nơi này, tôi coi như đại gia đình của mình. Vai trò của tôi cũng chỉ rất nhỏ, nhưng tôi muốn đóng góp một chút công sức, để chia sẻ phần công việc ở đây, để lực lượng của Bệnh viện Chợ Rẫy còn điều phối đi nhiều nơi, hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh trong thành phố lúc này”.

Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Chợ Rẫy mùa dịch, một nữ BS về hưu quay lại và tỉ mẩn với công việc cùng các đồng nghiệp trẻ. Ngoài việc thăm khám và chăm sóc sức khỏe bệnh nhân ở khoa, chị đều dành thời gian để nhắc nhở từng bệnh nhân tự bảo vệ sức khỏe của mình. Vì bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo thường có sức đề kháng kém, lớn tuổi và có nhiều bệnh nền kèm theo, nên rất dễ gặp biến chứng nặng nếu chẳng may mắc Covid-19.

Kết nối cùng chị trong phút nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, BS Kim Tùng chia sẻ: “Ban đầu, tôi tham gia và muốn kêu gọi nhiều đồng nghiệp khác đã về hưu cùng quay lại hỗ trợ ngành y tế lúc này. Bây giờ, nhiều y BS như tôi tham gia lắm rồi, nên ai nấy vào việc thôi, chỉ mong sao dịch bệnh qua nhanh và không để lại những hậu quả quá nặng nề”.

Và chị cũng đề nghị kết thúc nhanh buổi trò chuyện với chúng tôi để kết nối điện thoại tư vấn cho các F0, F1 đang điều trị và cách ly tại nhà. “Thôi đừng buồn nghen! Chiều nay, chị có hẹn tư vấn qua điện thoại cho F0 đang điều trị tại nhà, để người bệnh chờ lâu, tâm lý sẽ hoang mang, bất ổn thì không hay”… 

Lý do mà chị từ chối làm sao chúng tôi có thể buồn cho được, khi những y BS về hưu như các chị, các bác cùng nhiều y BS khác mà chúng tôi chưa kịp biết hết… trước tình huống cấp bách, khi đồng nghiệp cần, bệnh viện cần và người dân thành phố cần, trái tim người thầy thuốc vang lên những nhịp đập thôi thúc (Sài Gòn giải phóng, trang 6).

 

Nhóm của ‘bác sĩ Khoa’

Nhóm của "bác sĩ Khoa" với người có tên Phong Lam thường dựng lên những câu chuyện lấy nước mắt cư dân mạng, từ đó kêu gọi quyên góp từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh mà nhóm này tự vẽ ra.

Câu chuyện về nhóm của Lam nuôi một bà cụ bán vé số không nơi nương tựa, sau khi chồng và con mắc bệnh ung thư qua đời, bà cụ sau đó cũng bị đột tử. Một facebook trong nhóm đăng đàn kêu gọi ủng hộ, quyên góp tiền làm đám tang cho cụ. Dưới lời kêu gọi kèm theo số tài khoản của một người tên Nguyễn Thị Minh Thy. Rất nhiều người đã chuyển tiền ủng hộ sau lời kêu gọi đẫm nước mắt này.

Thậm chí, cả câu chuyện chính bản thân Lam bị ung thư máu từ nhỏ, câu chuyện về người anh trai bị bệnh mất từ lúc mới sinh ra, ước mơ làm bác sĩ và được ba hiến tuỷ để cứu sống mình và sau đó Lam sang Singapore theo đuổi giấc mơ bác sĩ như thế nào… đều được Lam tổng hợp cả mấy trang như một tấm gương vượt lên số phận gửi cho tất cả những người mà cô ta quen được. “Trong bản tóm tắt cuộc đời dài cả chục trang giấy, mà Lam gửi cho tôi, Lam kể bố đã quyết tâm bán nhà đưa con gái sang Singapore chữa bệnh, làm đủ mọi nghề từ phụ hồ đến bán gà rán, hiến tuỷ cứu con gái nên bị liệt chân. Tất cả, nhằm mục đích kêu gọi từ thiện dưới cái danh nghĩa quỹ ung thư 82”- Chị T, một doanh nhân đã đưa ra lá thư dài chục trang giấy mà Lam đã gửi cho chị và cho biết, chị đã ủng hộ vào quỹ này 5 triệu đồng và kêu gọi bạn bè ủng hộ nữa. Chiều 9/8, trao đổi với Tiền Phong, chị Nguyễn K.L, ở TPHCM cho biết chị là nạn nhân của nhóm “bác sĩ Khoa”. Theo chị L. vào đầu tháng 7/2020, chị đọc trên facbook của một người bạn học cùng khoá thì phát hiện Phong Lam vào comment trên facebook của bạn mình. “Tôi vào facebook PhongLam xem thì thấy người này toàn viết những câu chuyện về cuộc đời mình, bố của mình bị ung thư. Sau đó, tôi có trao đổi với người này về một số bệnh tật”- chị L. kể lại. Cuối tháng 7/2020, PhongLam nhắn cho chị L. chuẩn bị tổ chức trung thu cho các cháu mắc bệnh ung thư máu, và chị cùng nhóm “thiện nguyện 82” sẽ làm bánh bán để quyên tiền cho các em trị bệnh.

Thấy việc làm ý nghĩa nên chị L. ủng hộ 5 triệu đồng, kêu gọi các bạn bè ở TPHCM ủng hộ người 1 triệu, người 2-3 triệu đồng. “Số tiền ủng hộ của nhóm tôi đều thông qua tài khoản có tên Nguyễn Thị Minh Thy ở Bến Tre. Đến tháng 8/2020, Thy còn gọi cho tôi để trình bày rằng nhóm đang tổ chức hoạt động nhưng thiếu 300 phần quà, tôi ủng hộ qua tài khoản của Thy 2 triệu đồng và nhiều người quen của tôi cũng ủng hộ”- chị L. kể lại. Theo chị Nguyễn K.L, đầu năm 2021, nhóm này còn kêu gọi nhiều người quyên góp vào các chương trình ung thư của “quỹ 82” nhưng sau khi tìm hiểu thấy có nhiều bất thường nên chị L. không tham gia.

Theo thông tin cùng số điện thoại của PhongLam và Nguyễn Thị Minh Thy mà chị L. cung cấp cho phóng viên, chúng tôi liên lạc thì tất cả đã khoá máy, facebook và zalo đều không tồn tại. Câu chuyện về “bác sĩ Trần Khoa” rút ống thở của mẹ để nhường sự sống cho sản phụ nguy kịch sắp sinh lan trên facebook, cũng là một trong vô số những chiêu lừa đảo đó. Hình ảnh đại diện trên facebook của “bác sĩ Khoa” là của một tiến sĩ chuyên về nha khoa của Singapore có tên là Toh Wei Seong làm việc tại đại học NUHS bên Singapore. Các thành viên mà “bác sĩ Khoa” sau khi đăng bài rồi tag các facebook như PhongLam, Thy Nguyễn… vào đều đã “biến mất”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tất cả những facebook trong nhóm đều có chung một đặc điểm, phần lớn là lấy hình của các giáo sư đầu ngành về y khoa của Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) hay Úc ghép vào (Tiền phong, trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang