Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 10/8/2023

  • |
T5g.org.vn - Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; Đa chấn thương, mù mắt vì điện thoại phát nổ; Tổn thương gan, suy thận vì thuốc giảm cân; Mức sinh con thứ 2 tại TP.HCM rất thấp, vì sao?; Kịp thời nhập thuốc điều trị bệnh tay chân miệng nặng

 

Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

Bảo hiểm y tế là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của quốc gia để chăm sóc sức khỏe người dân. Do vậy việc mở rộng đối tượng tham gia và hoàn thiện chính sách nhằm bảo đảm phát triển bền vững bảo hiểm y tế cần có bước đi, lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,03% số dân. Nhưng việc phát triển bền vững và vận động tỷ lệ 8% số dân còn lại tham gia bảo hiểm y tế đang là bài toán cần có lời giải...

Tỷ lệ bao phủ tăng nhưng chưa ổn định

Bà Trần Thị Trang, Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho hay: Sau 31 năm triển khai chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), đến nay Việt Nam đã trở thành một trong các quốc gia dẫn đầu về tỷ lệ người dân tham gia BHYT công cộng tại khu vực châu Á. Tính đến tháng 12/2022, toàn quốc có trên 91,067 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 92,03% số dân.

Tổng chi từ Quỹ BHYT tăng từ 0,85 tỷ USD năm 2010 đến năm 2022 đã đạt hơn năm tỷ USD. Diện bao phủ BHYT tập trung vào các nhóm yếu thế như: nhóm người lao động; nhóm hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội; nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ như hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên và trên 17,5 triệu người tham gia theo hình thức hộ gia đình.

Chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt đối với nhóm người yếu thế trong xã hội. Nhiều trường hợp đã được quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lên đến hàng tỷ đồng. Chính sách BHYT đã phát huy hiệu quả vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như chia sẻ gánh nặng cho gia đình các bệnh nhân khi không may gặp phải ốm đau, bệnh tật.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa chia sẻ, tham gia BHYT, mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản bình đẳng mà không phụ thuộc vào khả năng chi trả của mình. Chất lượng khám, chữa bệnh BHYT ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ y tế hiện đại, thuốc mới, hiệu quả cao, giúp nhiều người vượt qua ốm đau, bệnh tật.

Danh mục thuốc được Quỹ BHYT chi trả khi người có thẻ BHYT khám, chữa bệnh lên tới hơn 1.000 hoạt chất hóa dược, sinh phẩm và hàng trăm thuốc đông y, thuốc từ dược liệu. Trong đó, có nhiều thuốc điều trị ung thư, bệnh hiếm, bệnh máu không đông, tim mạch… Nhiều người bệnh được chỉ định sử dụng dài ngày, có thuốc dùng suốt đời cho quá trình điều trị bệnh. Danh mục thuốc BHYT hiện nay đã cơ bản đáp ứng nhu cầu điều trị đối với các bệnh hiểm nghèo.

Những người thường xuyên đau ốm như chị Nguyễn Thị Vượng, nhà ở thị trấn Đồi Ngô, Lục Ngạn (Bắc Giang) mới hiểu rõ giá trị của tấm thẻ BHYT. Chồng mất sớm, một mình phải lo cho cuộc sống của cả gia đình, nhưng hai năm nay chị Vượng bị tiểu đường và tăng huyết áp khiến sức khỏe kém, đi làm không đều, thu nhập lúc có, lúc không. Cuộc sống vất vả, nay lại thêm khoản kinh phí chi trả cho khám, điều trị bệnh đã tạo ra gánh nặng lớn đối với chị và gia đình. Nhờ tham gia BHYT, gánh nặng chi phí đã giảm rất nhiều. Chị Vượng tâm sự, BHYT đã trở thành phao cứu sinh đối với gia đình chị.

Lợi ích của người dân khi tham gia BHYT là rất lớn, tuy nhiên, hai năm 2021 và 2022 tỷ lệ bao phủ BHYT vẫn là con số “ổn định” 92,03%. Đến hết năm 2022, cả nước mới có 10 tỉnh có tỷ lệ đối tượng tham gia BHYT đạt 95%, còn hai tỉnh là Gia Lai và Bạc Liêu tỷ lệ tham gia BHYT đạt 83,8%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ người dân tham gia BHYT chưa cao, đó là việc chưa thực hiện được quy định “BHYT là hình thức bắt buộc”; chi cho BHYT chưa thật sự đạt hiệu quả như mong muốn của người dân; chế tài chưa đủ mạnh trong xử lý các tổ chức vi phạm trong quá trình khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT; chính sách có xu hướng thu hẹp số người được ngân sách nhà nước chi trả... Việc vận động tham gia BHYT hộ gia đình còn thấp so với tiềm năng; nhiều người bỏ tham gia BHYT vì không thấy bị đau ốm...

Mở rộng đối tượng

BHYT là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của quốc gia để chăm sóc sức khỏe nhân dân. Do vậy, mở rộng đối tượng tham gia và hoàn thiện chính sách BHYT cần có bước đi, lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho rằng, trong quá trình vận động phát triển đối tượng, cơ quan Bảo hiểm xã hội cần luôn chú trọng phân tích tình hình để tiếp tục nâng tỷ lệ bao phủ. Số người tham gia BHYT đạt tỷ lệ cao nhưng chưa bền vững, có thể biến động, trong đó, nhiều thành phần được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua thẻ. Các địa phương thực hiện phương thức chỉ đạo linh hoạt, khắc phục những bất cập hiện có, tạo đòn bẩy phát triển đối tượng.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiến nghị, cần nâng mức hỗ trợ cho một số nhóm còn có tỷ lệ tham gia thấp, thiếu ổn định; hỗ trợ người mới ra khỏi nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT chuyển sang nhóm tự đóng BHYT; nghiên cứu thu gọn các nhóm đối tượng để đơn giản và thuận tiện trong tổ chức thực hiện. Mức đóng BHYT cần rõ ràng và công bằng giữa các nhóm, giữa người tuân thủ tham gia và người chậm tham gia BHYT; không khuyến khích cung ứng dịch vụ được BHYT bao phủ và không được BHYT bao phủ trên cùng một người bệnh (trừ các dịch vụ tiện ích)...

Theo bà Trần Thị Trang, giải pháp trước mắt của ngành y tế là cần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh; cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh…; kiện toàn các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị; lựa chọn thuốc, công nghệ, vật tư sử dụng trong các hướng dẫn cần càng cụ thể càng tốt, trên nguyên tắc chi phí đi đôi với hiệu quả (Nhân dân, trang 8).

 

Đa chấn thương, mù mắt vì điện thoại phát nổ

Khoảng 2 giờ 30 phút ngày 6/8, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận trường hợp người bệnh T.T.C (37 tuổi, Bắc Giang) vào viện trong tình trạng đa chấn thương, chấn thương biến dạng hàm mặt, vỡ nhãn cầu mắt phải, vết thương ngang khí quản do có mảnh nhựa cắm sâu. Ngoài ra, bệnh nhân có rất nhiều vết thương ngực, bụng, hai bên đùi; cụt chấn thương dập nát toàn bộ ngón 2-5 bàn tay phải.

Chồng người bệnh chia sẻ, khi vợ vừa sử dụng điện thoại vừa sạc chiếc điện thoại phát nổ làm cho chị gặp nhiều chấn thương nghiêm trọng.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, người bệnh đã được các bác sĩ tiến hành mổ cấp cứu kịp thời, kết hợp đa chuyên khoa và xin tham vấn để đưa ra hướng điều trị cho người bệnh.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Tài, Khoa Khám xương và Điều trị ngoại trú, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, người bệnh được khâu vết thương khí quản, khâu vết thương phần mềm hàm mặt. Các bác sĩ chấn thương gắp dị vật, làm sạch vết thương.

Các bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá nội soi thăm dò ổ bụng để phát hiện các thương tổn sâu bên trong các tạng bụng nếu có. Đồng thời, bệnh viện cũng mời các bác sĩ từ Bệnh viện Mắt Trung ương qua phẫu thuật cho người bệnh, lấy nhãn cầu phải bị vỡ.

Chuyên khoa tạo hình vi phẫu và chấn thương chỉnh hình đã tiến hành phẫu thuật tạo hình mỏm cụt bàn tay phải do bị dập nát hoàn toàn.

Hiện tại, sau mổ tình trạng người bệnh tương đối ổn định, được chăm sóc hậu phẫu tại Khoa Phẫu thuật Chấn thương chung. Tuy nhiên, chức năng chi thể của người bệnh bị hạn chế, tay phải gần như không còn khả năng lao động.

Bác sĩ Tài cảnh báo, hai năm gần đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận 4-5 trường hợp nổ điện thoại khi đang sạc tuy nhiên đây là trường hợp nặng nhất, đa số các trường hợp trước đây bị vết thương ở phần mềm, dập nát một vài ngón tay. Do đó, người dân cần chú ý khi sử dụng điện thoại, không vừa dùng vừa sạc pin để tránh những tai nạn đáng tiếc gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng (Nhân dân, trang 7).

 

Tổn thương gan, suy thận vì thuốc giảm cân

Nặng 77kg, sau một tháng uống thuốc giảm cân, bé gái 13 tuổi giảm liền 10kg. Thế nhưng, chưa kịp mừng vì cân nặng giảm, trẻ phải nhập viện với chỉ số men gan cao gấp 10 lần chỉ số bình thường.

Men gan tăng 10 lần

Theo bác sĩ La Tiến Cương, khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, cháu N.K. (13 tuổi, trú tỉnh Lạng Sơn) vào viện trong tình trạng sạm da, đau tức ngực và khó thở.

Qua thăm khám và làm các xét nghiệm lâm sàng, trẻ được chẩn đoán tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, phát hiện tổn thương tế bào gan cấp nghi do sử dụng thuốc.

Đặc biệt, chỉ số xét nghiệm men gan của trẻ cao gấp 10 lần chỉ số bình thường. Theo người nhà bệnh nhi, do trẻ thừa cân nên đã mua thuốc giảm cân cho trẻ uống.

Hay mới đây, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cũng tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân (38 tuổi) bị ngộ độc sau một tuần uống thuốc giảm cân mua trên mạng.

Sau uống thuốc giảm cân, chị này có biểu hiện ăn ngủ ít, mệt mỏi, tức ngực, nói nhảm. Qua kết quả xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán ngộ độc cấp, suy thận, loạn nhịp tim, nghi do thuốc giảm cân.

Các bác sĩ hồi sức tích cực xác định tình trạng ngộ độc rất nguy kịch, tim loạn nhịp nặng, biểu hiện suy thận, hạ kali máu nặng. Bệnh nhân được chuyển tuyến để tiếp tục điều trị.

Thực tế không ít những trường hợp nhập viện vì sử dụng các loại thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc.

Trước đó, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận bệnh nhân nữ (37 tuổi) nhập viện trong tình trạng tổn thương não, hôn mê sau bốn ngày uống cà phê giảm cân.

Điều đáng nói gói cà phê giảm cân của bệnh nhân đã được gửi tới Viện Pháp y quốc gia xét nghiệm và kết quả cho thấy có chứa sibutramine - một thuốc giảm cân đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong tân dược, thực phẩm chức năng vì những tác hại nguy hiểm tới sức khỏe người dùng.

Cẩn trọng với thuốc hỗ trợ giảm cân

Theo bác sĩ Cương, loại thuốc giảm cân mà bé gái 13 tuổi đã sử dụng có thành phần Garcinia cambogia (GC), là một loại trái cây nhiệt đới thường được dùng khá thông dụng trong các thực phẩm hỗ trợ giảm cân. Tuy nhiên, trên thực tế nghiên cứu lại không mang lại kết quả khả quan.

Bác sĩ Cương dẫn chứng theo nhiều nghiên cứu từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), khi sử dụng Garcinia cambogia có thể dẫn đến chóng mặt, khô miệng, đau đầu, khó chịu ở bụng hoặc tiêu chảy; một số người sau khi dùng gặp các vấn đề nghiêm trọng về gan.

Theo PGS Nguyễn Anh Tuấn - chủ nhiệm khoa phẫu thuật ống tiêu hóa Bệnh viện 108 - dựa theo cơ chế tác dụng, thuốc giảm cân được chia thành 4 nhóm: thuốc tác động lên quá trình hấp thu chất béo trong đường tiêu hóa, các đồng vận thụ thể GLP-1, các thuốc phối hợp (nhiều hoạt chất), các thuốc cường giao cảm (Sympathomimetic).

"Mặc dù có tác dụng trong việc giảm cân, tuy nhiên những loại thuốc này cũng có tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, rối loạn hấp thu vitamin tan trong dầu, tổn thương thận, viêm tụy, bệnh túi mật, suy thận, tăng nhịp tim và tăng huyết áp… Các loại thuốc giảm cân này phải được bác sĩ chỉ định kèm theo thay đổi lối sống.

Đặc biệt, hiện nay với các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân tràn lan trên mạng, không rõ nguồn gốc xuất xứ rất dễ chứa chất cấm, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Vì vậy, người thừa cân béo phì nên được sự tham vấn của bác sĩ chuyên khoa trong việc sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng giảm cân tránh để ảnh hưởng đến sức khỏe", bác sĩ Tuấn khuyến cáo (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Mức sinh con thứ 2 tại TP.HCM rất thấp, vì sao?

Áp lực bủa vây, phụ nữ không muốn sinh con thứ 2. Theo các chuyên gia y tế, việc hoãn sinh con có thể vô sinh thứ phát.
Thời gian gần đây, số phụ nữ ở độ tuổi 25 - 35 e dè, thậm chí có người còn quyết định không sinh con thứ 2. Thực tế này thể hiện qua tổng tỉ suất sinh ở nước ta ngày càng thấp, nhất là ở các thành phố lớn.

Theo kết quả Điều tra biến động dân số năm 2021, TP.HCM là địa phương có tổng tỉ suất sinh thấp nhất cả nước với 1,48 con trên một người phụ nữ. Mức sinh thấp kéo dài sẽ làm quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh hơn, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội...

"Tập trung nuôi dạy một con cho tốt"

Có con gái duy nhất đang 5 tuổi, chị N.T.C.N. (33 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) đã quyết định không sinh đứa thứ hai. "Nếu sinh nữa thì phải gánh thêm nhiều áp lực tài chính, hai vợ chồng chắc phải gồng gấp đôi thì mới lo cho con chu toàn", chị N. chia sẻ.

Chị N. cho biết thêm hiện bản thân luôn "đầu tắt mặt tối" dù đã được chồng san sẻ việc nhà và nuôi dạy con. Mỗi ngày chị thức dậy lúc 5h, đi ngủ khoảng 23h30. Điều khiến chị N. đau đầu nhất là áp lực tài chính, và không có nhiều thời gian nuôi dạy thêm một đứa con.

"Nội ngoại cũng giục hai vợ chồng sớm có đứa thứ hai. Hai vợ chồng đã suy nghĩ điều này. Cuộc sống nhiều thứ lo toan, mức chi ở thành phố cao, trong khi lương hai vợ chồng vừa đủ chi tiêu thì không thể mặc nhiên nói "trời sinh voi sinh cỏ" được. Dù không như kỳ vọng của ông bà nhưng vợ chồng sẽ tập trung nuôi dạy đứa con gái duy nhất ăn học đàng hoàng", chị N. giãi bày lý do.

Tôn trọng quyết định của vợ, anh Nguyễn Ngọc Tú (ngụ quận 5, TP.HCM) đồng ý và không áp đặt vợ phải sinh đứa thứ hai để tập trung phát triển sự nghiệp. Hiện hai vợ chồng anh có một đứa con trai 8 tuổi, ở tại một chung cư quận 5. Gia đình ba người với hàng trăm khoản chi, chỉ vừa đủ sống.

Không chỉ ở thành thị, ý định chưa muốn sinh đứa con thứ hai cũng ngày càng thấy nhiều ở nông thôn. Có một đứa con trai chuẩn bị lên lớp mẫu giáo, hiện chị P.T.T.G. (29 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định) chưa có ý định sinh đứa con tiếp theo. Chị G. cho biết có nhiều lý do khiến hai vợ chồng trì hoãn việc có con thứ hai, trong đó có sức ép lớn về kinh tế.

TP.HCM mức sinh rất thấp

Theo báo cáo của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, hiện nay tổng tỉ suất sinh của TP.HCM là 1,39 con/phụ nữ, hiện đang ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế trên toàn quốc là 2,09 con/phụ nữ.

Bên cạnh đó, TP đang bước sang giai đoạn già hóa dân số với chỉ số là 49,4%, cao hơn so với cả nước là 48,8%. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa bắt kịp với tốc độ già hóa dân số.

Chính vì vậy, TP.HCM cần đưa ra định hướng để cải thiện các vấn đề này trong thời gian tới, phấn đấu đến năm 2030 tổng tỉ suất sinh là 1,4 con, tỉ số giới tính là 103 - 107 bé trai/100 bé gái…

Ông Nguyễn Doãn Tú, tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), nêu áp lực của công việc và cuộc sống khiến xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con, thậm chí không muốn sinh con, ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó, với gánh nặng lớn về kinh tế cho mỗi gia đình, từ áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt đến chi phí nuôi dạy và chăm sóc con, chi phí giáo dục cao… đều làm hạn chế mức sinh.

Ngoài ra, việc phụ nữ không tự tin về khả năng kết hợp gia đình với các cơ hội học tập, việc làm, thăng tiến cũng làm giảm nhu cầu sinh con.

Liên quan khi tổng tỉ suất sinh của TP.HCM đang ở mức rất thấp, bà Lê Thiện Quỳnh Như - chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cho biết trong dự thảo về chính sách dân số tại TP đến năm 2030 (dự định sẽ trình UBND TP trong kỳ họp gần nhất), có một số hướng dẫn để địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số.

Cụ thể, ưu tiên hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần đối với cặp vợ chồng đã sinh đủ hai con; hỗ trợ viện phí, kinh phí đồng chi trả ngoài BHYT thanh toán cho các cặp vợ chồng ở lần sinh con thứ hai; hỗ trợ chi phí khám sức khỏe trước khi kết hôn để nâng cao chất lượng dân số…

Cạnh đó, các gợi ý sẽ đề xuất tập trung hỗ trợ toàn diện cho các cặp vợ chồng an tâm sinh con, nuôi dạy con. Chẳng hạn, hoàn thiện hệ thống chăm sóc y tế, giáo dục như miễn giảm học phí; thay đổi hình thức, thời gian trông trẻ mầm non; miễn giảm thuế thu nhập cá nhân; điều chỉnh chế độ nghỉ thai sản...

Theo bà Như, đây là những giải pháp không đơn giản và đòi hỏi sự cố gắng thực hiện để phù hợp với điều kiện thực tiễn của TP. Hiện nay dự thảo chính sách đang trong quá trình lấy ý kiến ban ngành có liên quan, theo lộ trình việc tổng hợp lấy ý kiến góp ý hoàn chỉnh dự thảo sẽ hoàn tất trong quý 3 năm 2023 và sẽ trình HĐND TP.HCM vào cuối năm 2023 (Tuổi trẻ, trang 14).


Kịp thời nhập thuốc điều trị bệnh tay chân miệng nặng

Sở Y tế TP.HCM cho biết, 21.000 ống thuốc phenobarbital dạng tiêm vừa về đến Việt Nam sau thời gian dài gián đoạn, kịp thời bổ sung nguồn thuốc quan trọng cho công tác điều trị bệnh tay chân miệng đang trong giai đoạn đỉnh điểm.
Ngày 9.8, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có 21.000 ống thuốc phenobarbital dạng tiêm vừa về đến Việt Nam sau thời gian dài gián đoạn, kịp thời bổ sung nguồn thuốc quan trọng cho công tác điều trị bệnh tay chân miệng (TCM) đang trong giai đoạn đỉnh điểm.

Trước đó cũng đã có thêm 1.000 lọ gamma globulin được nhập về.

Thuốc phenobarbital do Công ty CP Phẩm Trung ương CPC1 nhập khẩu từ nhà sản xuất Incepta Pharmaceutical Ltd (Bangladesh) về Việt Nam và cung ứng ngay cho 3 bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Trước đó, nguồn thuốc này gián đoạn từ cuối năm 2020, Sở Y tế TP.HCM đã chọn lựa các thuốc an thần khác hiện có trên thị trường như Diazepam, Midazolam… để tạm thay thế trong thời gian chờ đợi các doanh nghiệp dược Việt Nam tìm nguồn cung ứng.

Hiện, để chủ động nguồn cung trong nước, Cục Quản lý dược cũng đã cấp phép nhập khẩu nguyên liệu phenobarbital cho Công ty CP dược Danapha (Đà Nẵng) để thực hiện sản xuất phenobarbital dạng tiêm và công ty đang triển khai kế hoạch sản xuất để sớm cung ứng cho các bệnh viện.

Tính từ đầu năm 2023 đến ngày 8.8, TP.HCM có 16.824 ca mắc TCM. Hiện, các bệnh viện trên địa bàn TP đang điều trị cho 453 ca, trong đó có 25 ca nặng, hơn 2/3 trong số ca nặng là ở các tỉnh chuyển lên. 

Thời gian qua, UBND TP.HCM đã gửi tin nhắn qua điện thoại cho người dân khuyến cáo để phòng bệnh TCM, người chăm sóc trẻ và trẻ em cần thường xuyên rửa tay, vệ sinh các vật dụng, đồ chơi của trẻ, bàn ghế, sàn nhà… Nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh tay chân miệng, hãy đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế (Thanh niên, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang