Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 10/9/2015

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế lý giải việc học sinh không được đóng BHYT theo hộ gia đình; Hà Nội: 55% bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là người thuê trọ; Giám sát công tác quản lý hoạt động Nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn; Trao đổi kinh nghiệm quân y Châu Á-Thái Bình Dương...

 Bộ Y tế lý giải việc học sinh không được đóng BHYT theo hộ gia đình

Trước vấn đề dư luận quan tâm liên quan đến phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT) của học sinh, sinh viên (HSSV) tăng cao hơn cả phí tham gia BHYT theo hộ gia đình, ngày 9-9, đại diện Bộ Y tế đã lý giải vì sao không cho HSSV tham gia BHYT theo hộ gia đình cũng như vì sao lại quyết định tăng mức đóng BHYT vào thời điểm này. 

*Phí tham gia BHYT có thể tiếp tục tăng

Ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế cho biết, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã phân rõ từng nhóm đối tượng tham gia BHYT, trong đó HSSV được xếp vào một nhóm riêng, hộ gia đình là một nhóm riêng. Vì thế, dù Bộ Y tế rất khuyến khích người dân thực hiện việc tham gia BHYT theo hộ gia đình để được giảm dần mức đóng theo quy định của Luật, song không thể gộp 2 nhóm đối tượng HSSV và nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình vào một được. Hơn nữa, việc HSSV bắt buộc phải tham gia theo hình thức BHYT HSSV còn nhằm đảm bảo cho các em được hưởng quyền lợi tốt nhất.
Cụ thể, theo quy định của Luật BHYT mới, HSSV được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng, trong khi đó nếu tham gia BHYT hộ gia đình thì HSSV không được hỗ trợ mức đóng này. Ngoài ra, khi tham gia BHYT ở nhà trường, HSSV còn được chăm sóc sức khỏe ban đầu như truyền thông các biện pháp chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh truyền nhiễm, các tật về mắt, cong vẹo cột sống, béo phì...
Trước thông tin phản ánh có tình trạng cơ quan bảo hiểm trích lại phần trăm cho nhà trường trong công tác thu BHYT, ông Lê Văn Khảm cho biết, đúng là Quỹ BHYT sẽ trích lại 7% cho các nhà trường nhưng số tiền trích lại này nhằm để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV. Bản thân các nhà trường, lãnh đạo nhà trường không liên quan gì tới công tác này, cũng không được trích lại “hoa hồng”. 
Về phản ánh mức thu BHYT của các nhà trường không thống nhất khiến nhiều phụ huynh học sinh bức xúc, ông Lê Văn Khảm lý giải, theo quy định mức thu BHYT của HSSV là 70% của 4,5% mức lương cơ sở, nếu trường nào không tuân thủ mức thu này thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ có biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý.
Trả lời câu hỏi tại sao lại quyết định tăng mức đóng BHYT vào thời điểm này khi mà Quỹ BHYT hiện còn kết dư tới hơn 20.000 tỷ đồng,  Phó Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế cho biết, số kết dư Quỹ BHYT nói trên là tạm thời, còn sự ổn định của quỹ BHYT không tồn tại trong thời gian dài. Bên cạnh đó, Luật BHYT cho phép việc thu BHYT có thể lên tới 6% mức lương cơ sở, trong khi hiện nay chúng ta mới chỉ đề xuất mức thu là 4,5%. Thời gian tới, nếu quỹ BHYT có nguy cơ vỡ, mức đóng BHYT sẽ được điều chỉnh tăng lên  6% mức lương cơ sở. (An ninh Thủ đô trang 1)

Hà Nội: 55% bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là người thuê trọ

Sáng 9-9, Sở Y tế Hà Nội tổ chức Hội nghị tăng cường phòng chống sốt xuất huyết (SXH) 4 tháng cuối năm 2015. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại 51 ổ dịch SXH. Dự báo trong 4 tháng cuối năm, tình hình bệnh SXH trên toàn thành phố sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, số mắc có thể tăng cao.
Theo báo cáo của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, hiện nay tình hình bệnh SXH đang diễn biến phức tạp. Tính đến hết ngày 6-9, trên địa bàn thành phố ghi nhận hơn 1.530 trường hợp mắc (tăng 3,5 lần so với cùng kỳ). Bệnh nhân phân bố trên diện rộng tại 29/30 quận, huyện, thị xã (trừ Phúc Thọ). Trong đó, 237/584 (chiếm 40%) xã, phường, thị trấn, nhiều tuýp virus cùng gây bệnh xác định được là D1 và D2. Tổng số ổ dịch SXH đã ghi nhận là 323 (tăng 5 lần so với cùng kỳ) tại 26 quận, huyện của 132 xã, phường, thị trấn với 815 bệnh nhân (chiếm 53% tổng số bệnh nhân toàn thành phố). Hiện tại, còn 51 ổ dịch đang hoạt động. Các quận, huyện gồm: Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và Hà Đông là 4 đơn vị dẫn đầu về số mắc SXH.
Để hạn chế ca mắc, khống chế dịch bệnh bùng phát trong thời gian tới, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm yêu cầu, biện pháp cần thiết là tăng tần suất giám sát phát hiện ca bệnh nghi SXH tại các cơ sở y tế, trạm y tế, phòng khám đa khoa đã được phân cấp, đảm bảo tần suất 4-5 lần/tuần. Khi phát hiện ca bệnh phải thông báo ngay cho Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội tiếp tục chuyển giao kỹ thuật xét nghiệm nhanh SXH cho các quận, huyện, thị xã, đảm bảo 100% các đơn vị có thể thực hiện chẩn đoán nhanh dịch bệnh SXH.
Đề cập đến những khó khăn trong công tác phòng chống SXH, nhiều đại biểu cho rằng, khó khăn trước hết là vấn đề di biến động dân cư lớn. Số bệnh nhân mắc SXH chủ yếu tập trung ở các khu trọ. Cụ thể 55% bệnh nhân SXH là người thuê trọ. Thêm vào đó là vấn đề đô thị hoá hiện nay, xen kẽ các bãi đất trống không có chủ ở tạo thuận lợi cho các ổ bọ gậy tồn tại, khó kiểm soát. Nguy cơ bùng phát tại ký túc xá, nơi thuê trọ là rất lớn. Cùng với đó, ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân chưa cao. Do vậy nếu các địa phương không quyết liệt trong công tác phòng chống dịch thì nguy cơ bùng phát dịch sẽ rất lớn.
Theo Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, trong tháng 9 sẽ triển khai công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch SXH tại 50 xã, phường trọng điểm. Trong tháng 10 sẽ tiếp tục triển khai vệ sinh môi trường 52 xã, phường. Từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tổ chức 140 chiến dịch vệ sinh môi trường và 100 chiến dịch phun hoá chất phòng dịch.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh, chúng ta phải kiên quyết phòng chống dịch, trong đó tập trung vào các quận trọng điểm, đồng thời kiểm soát tình trạng lây nhiễm tại các bệnh viện. Cùng với đó, tổ chức buổi truyền thông về phòng chống dịch bệnh SXH tại các cụm dân cư có ổ dịch hoặc nguy cơ bùng phát dịch dưới hình thức họp tổ dân phố hoặc họp trưởng các ban ngành đoàn thể, đồng thời phát tờ rơi cùng tuyên truyền trực tiếp tận hộ gia đình với mục tiêu tăng cường ý thức của người dân trong phòng dịch, từ đó khống chế không để dịch bệnh lây lan rộng. (Hà Nội mới, An ninh Thủ đô trang 1)

Hà Nội tạm đình chỉ hoạt động một phòng khám tư nhân

Chiều 9-9, theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, ngay sau khi tiến hành thanh kiểm tra Phòng khám (PK) chuyên khoa ngoại (địa chỉ tại 62, ngõ Trung Tiền, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa), Thanh tra Sở Y tế Hà Nội vừa ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động của PK này vì trong quá trình thanh kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm.
Trước đó, ngày 8-9, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành thanh tra đột xuất hoạt động của PK chuyên khoa ngoại nêu trên. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn thanh kiểm tra đã phát hiện ra các sai phạm tại cơ sở như: thay đổi về cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế trong quá trình hoạt động không đúng với biên bản thẩm định, cấp giấy phép hoạt động của Sở Y tế Hà Nội; không thực hiện phân loại rác thải y tế theo quy định. Thanh tra Sở Y tế đã tạm đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh của PK, đồng thời yêu cầu khắc phục ngay các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế theo nguyên trạng đúng với biên bản thẩm định, cấp phép của Sở Y tế. Trên cơ sở các vi phạm nêu trên, Thanh tra Sở Y tế sẽ xử lý vi phạm theo đúng các quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian này, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đang tập trung tăng cường thanh kiểm tra các PK tư nhân trên địa bàn, trong đó đặc biệt chú ý đến các cơ sở khám chữa bệnh có yếu tố nước ngoài, tập trung vào những nội dung như: Hồ sơ pháp lý hoạt động của cơ sở, phạm vi hành nghề, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, tình hình nhân sự, bằng cấp chuyên môn của thầy thuốc, công khai giá dịch vụ và không được thu cao hơn giá đã niêm yết công khai, bảo quản sử dụng thuốc, giá thuốc, giấy phép quảng cáo, nội dung quảng cáo và các quy chế chuyên môn khác.
Cũng theo ông Nguyễn Việt Cường, thời gian qua, qua kiểm tra hoạt động PK có yếu tố nước ngoài phát hiện thấy sai phạm chủ yếu là quảng cáo quá phạm vi chuyên môn, gây hiểu nhầm cho người bệnh và Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kịp thời chấn chỉnh.
Theo Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô, hoạt động hành nghề y tư nhân vẫn là điểm nóng. Chính vì vậy, Sở Y tế Hà Nội liên tục tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm nếu có để tăng cường chất lượng của hoạt động y tế tư nhân. Sở Y tế Hà Nội sẽ kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm, áp dụng mức độ đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hoạt động, đồng thời tăng cường kiểm tra đột xuất các phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài. (An ninh Thủ đô, Hà Nội mới trang 7)

Giám sát công tác quản lý hoạt động Nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn

Chiều 9-9, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội đã giám sát công tác quản lý hoạt động Nhà tang lễ bệnh viện Thanh Nhàn - Hà Nội.
Kết luận buổi làm việc, Đoàn giám sát cho rằng, Bệnh viện Thanh Nhàn là một trong 5 đơn vị có nhà tang lễ. Thời gian qua, bệnh viện xây dựng nội quy, quy định, quy chế chi tiêu, bảng giá dịch vụ, tạo thuận lợi cho nhân dân. Đoàn đề nghị, bệnh viện tiếp tục rà soát quy chế hoạt động, hoàn thiện theo đúng thẩm quyền thành phố phê duyệt; sử dụng hiệu quả tài sản, trang bị sẵn có phục vụ tốt nhất nhu cầu của nhân dân trong việc tang. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng quan tâm đến đối tượng xã hội; thường xuyên kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những hành vi chưa nghiêm túc, vi phạm quy chế chi tiêu nội bộ nếu có. (Hà Nội mới trang 5)

Việt Nam đăng cai hội nghị quan chức cao cấp về y tế ASEAN

Hội nghị các quan chức cao cấp về phát triển y tế (SOMHD) lần thứ 10 sẽ được Việt Nam đăng cai tổ chức tại Đà Lạt từ ngày 14 đến 17/9.

Đây là hội nghị rất quan trọng nhằm xác định xác vấn đề y tế ưu tiên triển khai.

Tại cuộc họp báo ngày 9/9, ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Thi đua –Truyền thông của Bộ Y tế cho biết, hội nghị SOMHD gồm nhiều nội dung:  Chương trình phát triển y tế của ASEAN sau năm 2015, nhằm thúc đẩy một cộng đồng ASEAN khỏe mạnh, được chăm sóc về y tế với 18 lĩnh vực được ưu tiên: Tăng cường lối sống lành mạnh với việc phòng chống các bệnh không lây nhiễm, giảm tiêu thụ thuốc lá và rượu bia; phòng chống tai nạn thương tích vv…; Ứng phó với mọi nguy cơ và mối đe dọa bệnh dịch với việc phòng chống các bệnh truyền nhiễm, các bệnh truyền nhiễm mới nổi và các bệnh bị lãng quên; giải quyết vấn đề kháng thuốc... (An ninh Thủ đô, Công an Nhân dân trang 5)

Trao đổi kinh nghiệm quân y Châu Á-Thái Bình Dương

Chiều 9-9, tại Hà Nội, Cục Quân Y (Bộ Quốc phòng) tổ chức họp báo giới thiệu hội nghị trao đổi quân y châu Á - Thái Bình Dương năm 2015 (APMHE-2015), do Quân y Việt Nam phối hợp Quân y Hoa Kỳ tổ chức từ ngày 14 đến ngày 18-9, tại TP Đà Nẵng, với chủ đề “Hợp tác y tế toàn cầu”.

Tham dự hội nghị có hơn 500 đại biểu, trong đó khoảng 350 đại biểu là khách quốc tế đến từ 28 nước và vùng lãnh thổ. Hội nghị nhằm tạo điều kiện để các nhà khoa học, nhà chuyên môn thuộc lĩnh vực y học các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu thế mạnh của mỗi nước, qua đó tiến tới hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau trong lĩnh vực quân y. Đây cũng là dịp thúc đẩy hợp tác quân y giữa các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong phòng, chống thảm họa, dịch bệnh và hỗ trợ nhân đạo, trao đổi kinh nghiệm tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình, nhất là những lĩnh vực liên quan đến an ninh y tế toàn cầu. (Nhân dân, Tuổi trẻ trang 3)

Đà Nẵng có 1.333 ca mắc tay chân miệng, cao nhất miền Trung

Theo Trung tâm y tế dự phòng TP Đà Nẵng, từ đầu năm đến ngày 6-9, có 1.333 ca mắc tay chân miệng và dự báo sẽ tiếp tục tăng vì đang vào đỉnh thứ 2 trong năm (từ tháng 9 đến tháng 11).

Sáng 9-9, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã có cuộc họp với các cơ sở y tế trên địa bàn về công tác phòng chống dịch trên địa bàn. 

Ngay khi nghe báo cáo về kết quả phòng, chống dịch 8 tháng đầu năm 2015 và kế hoạch 4 tháng cuối năm, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến - giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng đã yêu cầu các đơn vị tập trung thảo luận, tìm giải pháp xử lý 2 bệnh hiện đang diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng là tay chân miệng và sốt xuất huyết.

Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, bệnh sốt xuất huyết trong tuần từ ngày 31-8 đến 6-9 có 19 ca mắc trong khi tuần trước đó chỉ có 8 ca (tăng 11 ca) nhận định bệnh đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Đặc biệt là khu vực Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc (Liên Chiểu, Đà Nẵng) và Khuê Trung (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) có nguy cơ bùng phát thành dịch trong thời gian tới. Nhất là khi mùa mưa sắp đến.

Đặc biệt, theo Trung tâm y tế dự phòng TP Đà Nẵng, bệnh tay chân miệng diễn biến đáng báo động. Từ đầu năm đến ngày 6-9 ghi nhận có 1.333 ca mắc tay chân miệng (trong khi cùng kỳ năm 2014 chỉ 808 ca) tăng 65 % so với cùng kỳ 2014.

Tình hình bệnh truyền nhiễm tại 11 tỉnh miền Trung trong 8 tháng năm 2015 thì Đà Nẵng đang đứng đầu về số ca mắc tay chận miệng với 1.291 ca, trong khi các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận số ca tay chân miệng tương đối thấp, ví dụ như Quảng Trị 7 ca, Thừa Thiên Huế 17 ca, Khánh Hòa 863 ca…

Theo đánh giá của Trung tâm y tế dự phòng TP Đà Nẵng, dự báo số ca mắc tay chân miệng sẽ tiếp tục gia tăng vì đang vào đỉnh thứ 2 trong năm (từ tháng 9 đến tháng 11).

Trước tình hình bệnh tay chân miệng diễn biến rất phức tạp, Trung tâm y tế dự phòng Đà Nẵng đề nghị sẽ sử dụng Cloramin B để sử lý các ổ dịch mạnh mẽ hơn, phun thuốc trong bán kính 100m xung quanh khu vực có dịch. Đồng thời sẽ cấp Cloramin B cho các gia đình có dịch bệnh để xử lý vệ sinh môi trường. (Tuổi trẻ trang 14)

 Sẽ thu bảo hiểm y tế theo năm học

Ngày 9/9, trả lời PV Tiền Phong, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (thuộc BHXH Việt Nam) cho biết, Bộ Y tế đang chủ trì cùng với Bộ Tài chính sửa nhiều nội dung Thông tư 41, trong đó sẽ sửa quy định thu BHYT đối với HSSV theo năm học.

Học sinh được chi bao nhiêu?

Ông Phạm Lương Sơn cho biết, dự kiến, các bên liên quan sẽ sửa Thông tư 41 theo hướng: Sửa thu BHYT theo năm học như trước đây (không thu một cục theo năm tài chính 15 tháng như hiện nay - PV). Ngoài ra, còn dự kiến sẽ sửa nhiều nội dung tại Thông tư 41 nữa như điều chỉnh phân bổ kinh phí cho các trạm y tế xã theo hướng tăng lên, tối thiểu là 10% tổng quỹ khám chữa bệnh…

“Trước quy định mới, đáng lẽ khâu tổ chức thực hiện phải có hướng dẫn cụ thể để phân kỳ nộp ra, giảm thiểu các khoản đóng đầu năm học cho phụ huynh học sinh. Vì thế, BHXH Việt Nam đang hướng dẫn là thu 3 tháng cuối năm 2015 cho trọn năm tài chính; 12 tháng năm 2016, có thể phân ra thu 6 tháng - 6 tháng hoặc 9 tháng - 3 tháng, 3 tháng - 9 tháng tùy sự linh hoạt của mỗi địa phương”.

Về việc tăng thu BHYT đối với HSSV lên mức 4,5%, ông Sơn cho biết, theo Luật BHYT hiện hành, phải quy định một tỷ lệ phần trăm theo hướng thống nhất giữa các đối tượng tham gia. Riêng với HSSV, trước đây do được Nhà nước ưu tiên nên chỉ thu 3%, nay tăng đồng loạt lên 4,5% cùng với các đối tượng khác nhằm đảm bảo tính thống nhất về tỷ lệ đóng. Việc quy định mức đóng 4,5% là theo nguyên lý hỗ trợ chéo từ người có mức sống cao cho những người có mức sống thấp, người khỏe mạnh hỗ trợ người bị bệnh...

Theo ông Sơn, riêng với HSSV, có quyền lợi đặc thù mà các đối tượng khác không có đó là được chăm sóc sức khỏe ban đầu. 

“Việc điều chỉnh mức đóng từ 3% lên 4,5% là đã được cân nhắc, tính toán thận trọng đến tất cả các yếu tố để giảm tối đa khó khăn cho người dân”, ông Sơn nói. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay, đó là năm học 2015 là năm quá độ nhưng Thông tư 41 lại quy định thu theo năm tài chính, nên phụ huynh học sinh phải đóng 15 tháng BHYT (3 tháng năm 2015 và 12 tháng năm 2016).

Ốm nặng, điều trị dài ngày mới thấy BHYT giá trị

Ông Phạm Lương Sơn cho rằng, chuyện một số phụ huynh (chủ yếu là nhà giàu) thắc mắc tại sao mua BHYT thương mại rồi lại phải bắt buộc mua BHYT của nhà nước là không thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và không tuân thủ pháp luật. “Việc anh đi mua bảo hiểm thương mại là quyền của anh, nhà nước không cấm; nhưng việc anh là người giàu, anh phải có trách nhiệm hỗ trợ chéo cho người nghèo hơn”, ông Sơn nói.

Ông Sơn khẳng định, Luật BHYT là luật chung của xã hội, chính sách BHYT là chính sách an sinh quốc gia chứ không phải của riêng cơ quan BHXH. “Trong Luật, quy định rất rõ trách nhiệm của các bộ ngành liên quan, trong đó có trách nhiệm của ngành Giáo dục là phải tiến hành thu BHYT chứ không phải thu hộ cho cơ quan BHXH”, ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Đình Khương, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, theo thông báo, mỗi học sinh sẽ phải đóng 543.700 đồng, cao gấp đôi năm học trước. Nhưng đây là mức thu cho 15 tháng, chứ không phải 12 tháng như mọi năm. Mọi năm, học sinh mua BHYT theo năm học, từ tháng 9 năm nay sang tháng 9 năm sau. Nhưng từ năm nay, cách đóng BHYT sẽ theo năm (từ 1/1 đến 31/12). Như vậy, các học sinh phải đóng cả 3 tháng còn lại của năm 2015 và thẻ BHYT sẽ có giá trị từ tháng 9/2015 đến tháng 12/2016. Tuy nhiên, chính việc thu gộp lại không được giải thích cặn kẽ trước khi tiến hành, đã khiến nhiều người lầm tưởng số tiền BHYT tăng gấp đôi.

Ông Khương cũng cho rằng, việc các phụ huynh cho rằng thẻ BHYT gần như không sử dụng nên không cần thiết là quan niệm vô cùng sai lầm. Ông Khương lý giải: BHYT có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó là người khoẻ nộp để chi trả cho người bệnh... “Nhiều phụ huynh không sử dụng thẻ BHYT là vì con họ đang ở mức độ đi khám, còn trường hợp ốm nặng, phải điều trị dài ngày, lúc đó mới thấy BHYT vô cùng quan trọng. Lúc đó, số tiền BHYT chi có thể lên tới hàng tỷ đồng mà không một bảo hiểm thương mại nào có thể bù đắp nổi”, ông Khương nói.

Theo ông Khương, khi trẻ phải nhập viện, bị mắc những bệnh hiểm nghèo, thời gian điều trị dài, trừ một số ít gia đình giàu có, còn lại, với đại đa số người dân, BHYT vẫn có ý nghĩa như “phao cứu sinh” để có điều kiện trị bệnh đến cùng mà không lo gánh nặng về tài chính. (Tiền phong trang 4)

 25.000 người sốt xuất huyết, 12 ca tử vong

Thống kê của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho thấy, đến hết tháng 8, cả nước có gần 25.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 12 người tử vong do SXH. Bộ Y tế nhận định, dịch SXH đang có những diễn biến phức tạp.

Dễ nhầm SXH với bệnh khác

Theo Cục Y tế Dự phòng, số ca mắc SXH năm 2015 trên toàn quốc tính tới thời điểm này chưa phải ở mức báo động mặc dù có sự gia tăng hơn so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng cảnh báo, dịch SXH đang bước vào thời kỳ cao điểm. Hơn nữa, SXH đang có diễn biến phức tạp và sẽ kéo dài đến hết mùa mưa, tức tháng 10 tới. Ông Bắc cho biết thêm, trước đây, SXH thường có những đỉnh dịch theo chu kỳ khoảng 4-5 năm một lần, nhưng hiện nay, tính chu kỳ hầu như không còn tồn tại. Nguyên nhân của thực trạng này là do thời điểm hiện tại đang là mùa mưa tại các tỉnh miền Nam nên nguy cơ mắc bệnh SXH sẽ tăng cao hơn.

Cảnh báo về mức độ nguy hiểm của bệnh, các chuyên gia cho biết, SXH có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virus thông thường nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tới các trung tâm y tế khám bệnh dẫn tới bệnh nặng. Nhiều người có biến chứng như: xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, đe dọa tới tính mạng.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết, đối tượng mắc SXH bao gồm cả người lớn lẫn trẻ em. Tuy nhiên, ở miền Bắc, những trường hợp tử vong do SXH đa số rơi vào người lớn. Những trường hợp tử vong ở người lớn do chủ quan và nhầm lẫn triệu chứng với các bệnh lý khác (viêm đường hô hấp, sốt virus). Trước đây 80% SXH tập trung ở trẻ em (dưới 15 tuổi), đến nay SXH gia tăng ở người lớn với tỷ lệ hơn 43%. Điều này cho thấy SXH ngày càng có chiều hướng “người lớn hóa” và diễn biến khá phức tạp.

Tại Hà Nội, đang có tình trạng gia tăng bệnh nhân SXH. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến ngày 6/9, trên toàn địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 1.537 trường hợp mắc SXH, đứng thứ 6 trong toàn quốc, tăng hơn 3,5 lần so với con số 439 ca mắc của năm ngoái và hiện chưa có trường hợp nào tử vong. Hiện nay SXH đã xảy ra tại 29/30 quận huyện của Hà Nội (trừ huyện Phúc Thọ). Trong đó Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông là những địa bàn mắc nhiều nhất. Tuy nhiên trên địa bàn chưa xuất hiện ổ dịch lớn, nhiều nhất là 5-10 ca. Đáng chú ý, số ca mắc SXH tăng từ 359 ca trong tháng 7 lên 633 ca trong tháng 8. Ông Hạnh nhận định, trong 4 tháng cuối năm, tình hình SXH trên địa bàn Hà Nội sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do tình hình thời tiết diễn biến bất thường, nóng bức, mưa nhiều, thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.

Chi 140-160 tỷ đồng/năm điều trị SXH

SXH đang là gánh nặng kinh tế cho người dân và cộng đồng. Theo nghiên cứu của Bộ Y tế tại một số bệnh viện thuộc khu vực miền Nam, trung bình mỗi người bệnh SXH dengue phải nghỉ từ 7-14 ngày để điều trị bệnh, người thân phải nghỉ việc từ 7-9 ngày để chăm sóc người bệnh. Chi phí cho một người bệnh SXH dengue dao động từ 900.000 đến 2.700.000 đồng, tùy theo độ nặng và tuổi của người bệnh.

Chỉ tính riêng số bệnh nhân nhập viện điều trị, giai đoạn 2010 - 2012, với gần 95.000 người bệnh mỗi năm, ước tính người dân đã phải chi phí khoảng 7-8 triệu đô la Mỹ tương đương 140 - 160 tỷ đồng Việt Nam một năm cho việc điều trị bệnh SXH tại bệnh viện. Ngoài ra còn một số lượng lớn người bệnh tự điều trị tại cộng đồng không đến cơ sở y tế nên chưa được thống kê. Với mức chi phí như trên, người dân sẽ giảm được gần 16 tỷ đồng chi phí cho mỗi 10.000 trường hợp mắc bệnh nếu được phòng ngừa. (Tiền phong trang 14)

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang