Bộ Y tế xếp đậu mùa khỉ vào bệnh truyền nhiễm nhóm B
Bộ Y tế vừa có quyết định bổ sung bệnh đậu mùa khỉ vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm B - gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Quyết định số 3044/QĐ-BYT của Bộ Y tế bổ sung bệnh đậu mùa khỉ vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B do PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương ký ban hành ngày 9/11 căn cứ trên đề xuất của Cục Y tế Dự phòng; Các hoạt động phòng, chống bệnh được thực hiện theo quy định của luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và căn cứ vào tính chất nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong của bệnh đậu mùa khỉ.
Tại nước ta, các bệnh truyền nhiễm được phân làm 3 nhóm.
Trong đó, nhóm A là các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh bao gồm các bệnh bại liệt, cúm gia cầm A(H5N1), bệnh đậu mùa, bệnh COVID-19, bệnh sốt vàng…
Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong gồm bệnh do virus Adeno, bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bạch hầu, cúm, bệnh dại, ho gà, lao phổi, sốt xuất huyết, sốt rét, sởi, bệnh tay chân miệng, thuỷ đậu…
Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh (giang mai, lậu, bệnh sốt mò, sán lá gan, sốt xuất huyết do virus Hanta…).
Tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Việt Nam cũng đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh về từ nước ngoài.
Đậu mùa khỉ (monkeypox) không phải là bệnh mới, ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu.
Trường hợp bệnh đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Công Gô, kể từ đó bệnh đậu mùa khỉ ở người trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi.
Năm 2003, đợt dịch đầu tiên bên ngoài châu Phi là ở Mỹ liên quan đến cầy thảo nguyên (chó đồng) đã dẫn đến hơn 70 ca mắc và sau đó bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo rải rác.
Từ tháng 5 đến nay dịch có diễn biến bất thường, lan ra nhiều quốc gia. Thời gian ủ bệnh thường 6-13 ngày, nhưng có thể dao động từ 5-21 ngày. Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa.
Các triệu chứng thường thấy như là: sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).
Không có bảo hiểm y tế, bệnh nhân sốt xuất huyết nặng phải chi trả hàng trăm triệu đồng
Họ đều là những bệnh nhân nghèo mắc sốt xuất huyết nặng với thời gian nằm viện kéo dài, phải tự chi trả tổng chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng do không có bảo hiểm y tế.
Chiều 8/11, trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung (ngụ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) giọng phấn khởi cho biết, con gái bà là chị Nguyễn Thị Mỹ Phương (33 tuổi) đã "vượt cửa tử" sốt xuất huyết Dengue nặng. Chị Phương đã được xuất viện về nhà và sức khỏe hiện ổn định, được bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM hẹn tái khám vào thứ Hai tuần tới (12/11).
Trước đó 1 tháng, chị Phương đang bình thường thì đột ngột sốt cao và nhức đầu. Bà Dung thấy vậy nên kêu chồng chị Phương đưa vợ đi cấp cứu. Ban đầu, chị Phương được chẩn đoán sốt siêu vi nhưng diễn tiến bệnh rất nhanh.
Chị Phương nôn ói, choáng váng, kiệt sức và được chuyển lên Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), tiếp đó được chuyển tới khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM trong tình trạng sốt xuất huyết nặng thể sốc, tổn thương gan nặng, suy thận, viêm phổi. Tại đây, bệnh nhân phải thở máy, truyền máu, dùng kháng sinh... để giành giật lại sự sống.
Sau hơn hai tuần điều trị tích cực tại khoa Cấp cứu - hồi sức tích cực chống độc người lớn, tình trạng bệnh nhân được cải thiện. Bệnh nhân được cai máy thở, ngưng lọc máu và được chuyển về khoa nội B để tiếp tục điều trị. Sau gần một tháng điều trị, bệnh nhân đã hồi phục, chức năng thận đã cải thiện, ăn uống tốt và đã xuất viện ngày 7/11 vừa qua.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Lan, Trưởng Khoa Nội B, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho hay, bệnh nhân Phương đã phải điều trị hồi sức do tình trạng rất nặng, phải điều trị bằng chế phẩm máu, truyền máu, tiểu cầu đậm đặc, thở máy, lọc máu, dùng kháng sinh đặc biệt và thời gian điều trị kéo dài nên tổng chi phí lên đến gần 300 triệu đồng. Tuy nhiên, bệnh nhân lại không có bảo hiểm y tế (BHYT) nên phải tự chi trả toàn bộ số tiền này, gánh nặng đối với gia đình rất lớn.
"Bệnh nhân không có BHYT. Với chi phí điều trị lớn như vầy là gánh nặng của gia đình khi không có khả năng chi trả. Bệnh viện đã liên hệ Phòng Công tác xã hội của bệnh viện, kêu gọi mạnh thường quân... để hỗ trợ người bệnh", bác sĩ Lan cho biết.
Được biết, hoàn cảnh gia đình của bệnh nhân Mỹ Phương rất khó khăn. Trước đây chị Phương làm phụ bếp, tuy nhiên sau khi sinh hai con xong thì ở nhà nội trợ. Tất cả chi phí sinh hoạt kinh tế gia đình là trông chờ vào lương làm thợ sơn nước của chồng chị Phương.
"Do điều kiện khó khăn, con gái tôi không có mua bảo hiểm. Khi bác sĩ thông báo chi phí điều trị bệnh lên đến gần 300 triệu, tôi bị sốc bởi không ngờ là lại cao đến vậy. Hôm xuất viện, con gái tôi vẫn còn nợ gần 100 triệu tiền viện phí, theo đó hàng tháng làm dư được bao nhiêu sẽ trả bệnh viện bấy nhiêu", bà Dung nói.
Chị Phương không phải là bệnh nhân duy nhất tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới bị sốt xuất huyết phải trả chi phí lớn mà không có bảo hiểm y tế thời gian qua.
Mới đây, bệnh nhân nam Lê Trung Kiên, 22 tuổi, ngụ Vĩnh Long bị sốc sốt xuất huyết, suy gan và thận. Các bác sĩ đã chống sốc cho bệnh nhân, truyền máu, thay huyết tương... Tương tự với trường hợp chị Phương, bệnh nhân Kiên cũng không có BHYT. Được biết, điều kiện kinh tế gia đình Kiên rất chật vật. Bố mất sớm, mẹ làm nghề gia công may tại nhà, Kiên mới từ quê lên Bình Dương làm xưởng gỗ, thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng nên không có điều kiện mua bảo hiểm. Do đó, gia đình phải tự chi trả hoàn toàn với số tiền khoảng 140 triệu đồng.
Tương tự, BS.CK2 Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Hồi sức nhiễm và COVID-19 Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, vừa qua, đơn vị anh cũng tiếp nhận một ca sốt xuất huyết nặng mà tổng chi phí lên đến hơn 120 triệu đồng.
Đó là bệnh nhân nữ 14 tuổi, quê ở An Giang, nhà nghèo phải nghỉ học, theo cha mẹ lên Bình Dương làm giầy da. Em bị sốt xuất huyết nặng, suy đa cơ quan tại Bệnh viện tỉnh Bình Dương, sau đó chuyển Bệnh viện Nhi đồng 2.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh nhi phải lọc máu và thay huyết tương 5 chu kỳ, truyền các chế phẩm máu, sử dụng nhiều loại kháng sinh chống bội nhiễm vi trùng nên chi phí điều trị rất cao, lên đến trên 120 triệu đồng. Trước hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhi, bệnh viện phải hỗ trợ và nhờ thêm mạnh thường quân giúp đỡ. Tuy nhiên, do tình trạng bệnh quá nặng, sau thời gian dài điều trị không cải thiện, gia đình bệnh nhân đã tự nguyện xin về.
Các bệnh nhi bị sốt xuất huyết nặng thường trên 6 tuổi (không còn được hưởng chế độ miễn phí BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi của nhà nước nên cần mua bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên. Nếu đi học sẽ có bảo hiểm y tế học sinh. Tham gia BHYT sẽ giảm gánh nặng chi phí điều trị nếu không may mắc bệnh, đặc biệt là bệnh nặng với thời gian nằm viện điều trị kéo dài", bác sĩ Đỗ Châu Việt chia sẻ. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8).
Tiếp tục chủ động bám sát diễn biến dịch COVID-19, sự xuất hiện các biến chủng mới
Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch COVID-19, sự xuất hiện các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng; Bệnh viện Xây dựng tổ chức lại thành Bệnh viện Đại học Y Dược.
Bệnh viện Xây dựng tổ chức lại thành Bệnh viện Đại học Y Dược, trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1376/QĐ-TTg ngày 9/11/2022 chuyển Bệnh viện Xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng về Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo đó, Bệnh viện Xây dựng thuộc Bộ Xây dựng được chuyển nguyên trạng về Đại học Quốc gia Hà Nội để quản lý và tổ chức lại thành Bệnh viện Đại học Y Dược trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Quyết định nêu rõ các Bộ, cơ quan: Tài chính, Nội vụ, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, UBND thành phố Hà Nội căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp và có văn bản hướng dẫn thực hiện việc chuyển giao và tiếp nhận nguyên trạng Bệnh viện Xây dựng theo đúng quy trình, thủ tục và quy định.
Bộ Xây dựng và Đại học Quốc gia Hà Nội chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, khẩn trương thực hiện việc chuyển giao và tiếp nhận Bệnh viện Xây dựng theo đúng quy định và hướng dẫn của các cơ quan chức năng.
Đại học Quốc gia Hà Nội hiện có một bệnh viện là Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội, quy mô 100 giường bệnh. Theo quy hoạch, bệnh viện này sẽ có quy mô 1.000 giường bệnh, trụ sở tại khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội ở Hoà Lạc.
Như vậy, với việc có thêm Bệnh viện Xây dựng (sắp tới thành Bệnh viện Đại học Y dược), Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ có thêm một bệnh viện thực hành tại nội thành.
Ca mắc COVID-19 tăng nhẹ
Bộ Y tế cho biết ngày 9/11 có 468 ca mắc COVID-19, tăng nhẹ so với ngày trước đó. Trong ngày có hơn 300 bệnh nhân khỏi, tiếp tục không có bệnh nhân tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.507.124 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.288 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi: 10.605.315 ca, trong số hơn 850 nghìn người mắc COVID-19 đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở ô xy là 66 ca - giảm nhẹ so với ngày 8/11, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 52 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy xâm lấn: 10 ca.
Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng.
Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và triển khai Chương trình tiếp tục phối hợp tăng cường triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em, học sinh. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).
Nhiều địa phương khẩn trương tiêm vaccine COVID-19 mũi 4
Nhiều địa phương như: Lâm Đồng; Khánh Hòa đang khẩn trương tiêm vaccine COVID-19 mũi 4 nhằm tăng tỷ lệ bao phủ ngay trong năm 2022 này.
Tại Lâm Đồng, thời gian qua đã triển mạnh rất mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp tiêm vaccine COVID-19 để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Việc tiêm được triển khai xuống tận các xã/phường, các điểm tiêm lưu động. Tỷ lệ người dân hiểu rõ về tác dụng của vaccine COVID-19 ngày càng nâng cao.
Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống dịch bệnh COVID-19 Lâm Đồng, tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho người từ 18 tuổi trở lên của tỉnh Lâm Đồng mới đạt 73,9% (tỷ lệ chung toàn quốc hiện nay đã đạt 83,2%). Một số địa phương thuộc Lâm Đồng hiện nay có tỷ lệ tiêm mũi 4 thấp như: huyện Bảo Lâm đạt 65,8%, thành phố Đà Lạt đạt 67%, thành phố Bảo Lộc đạt 68,6%...
Để đảm bảo các đối tượng từ 18 tuổi trở lên tiêm vaccine COVID-19 mũi 4 đạt tỷ lệ 85% (tương đương với tỷ lệ chung của toàn quốc), Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng dự kiến trong tháng 11 và 12/2022 sẽ khẩn trương tổ chức tiêm và hoàn thành 38.000 mũi tiêm cho nhóm đối tượng này.
Ban chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị các địa phương trong tỉnh này phối hợp với ngành y tế và các lực lượng liên quan "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" vận động người dân đi tiêm theo lịch của ngành Y tế.
Tại Khánh Hòa, công tác tiêm vaccine COVID-19 cũng liên tục được đốc thúc. Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, việc tuyên truyền về tiêm chủng được làm thường xuyên, bền bỉ. Các điểm tiêm vaccine COVID-19 đều được bố trí thuận lợi nhất cho người dân. Nhiều thời điểm còn tiêm vào cuối tuần, ngày lễ. Việc phối hợp giữa các trường học, ngành giáo dục với ngành y tế trong vận động tiêm chủng được làm chặt chẽ, nhịp nhàng, có hiệu quả. Tiêm vaccine COVID-19 là để phòng, chống dịch.
Để tăng tỷ lệ bao phủ, nhiều tổ trưởng dân phố ở Nha Trang (Khánh Hòa) còn đốc thúc đến từng hộ dân đi tiêm vaccine COVID-19 thông qua việc nhắn tin, gọi điện thông báo thời gian, địa điểm tiêm chủng.
Một số hộ dân ở Tổ 1 (phường Vĩnh Hòa, Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết, cùng với vận động trực tiếp, tổ trưởng dân phố nhắn tin đốc thúc đến các hộ dân như vậy chính là một trong những biện pháp tuyên truyền tiêm vaccine COVID-19 hiệu quả.
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 Khánh Hòa, đến chiều 9/11, các nhóm đối tượng từ 12 tuổi trở lên ở Khánh Hòa đều đã tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ mũi 1 và 2.
Đối tượng từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 3 đạt 93,04%; mũi 4 đạt 87,71%. Đối tượng từ 12 đến 17 tuổi đã tiêm mũi 3 đạt 59,7%. Đối tượng từ 5 đến dưới 12 tuổi đã tiêm mũi 1 đạt 93,80%, mũi 2 đạt 53,69%.
Tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19/tổng số vaccine thực nhận ở Khánh Hòa là 99,23% (3.410.309/ 3.435.769 liều). (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8).
Việt Nam công bố ca song thai cùng trứng nhưng khác kiểu hình và kiểu gene
Sau khi siêu âm và chọc ối, các chuyên gia đã phát hiện thai A phù thai, giới tính nữ, kiểu gene nữ Turner (45,X); Thai B bình thường về mặt hình thái và giới tính trên siêu âm là nam, kiểu gene nam (46,XY).
Song thai nhưng khác kiểu hình, kiểu gene
Ngày 9/11, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã công bố ca bệnh hiếm gặp: "Phát hiện song thai cùng trứng, nhưng khác nhau về kiểu hình và kiểu gene. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam và thế giới phát hiện ca song thai đặc biệt như vậy.
TS. Nguyễn Thị Sim, Trung tâm can thiệp bào thai (Bệnh viện Phụ sàn Hà Nội) cho biết, thai phụ 23 tuổi (trú tại Nam Định), mang song thai, mang thai lần đầu bằng phương pháp tự nhiên. Thai phụ được chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khi đang ở tuần thứ 16 của thai kỳ.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, kết quả siêu âm cho thấy cặp song thai chung một bánh rau, hai buồng ối từ tuần thai thứ 8. Ca bệnh được hội chẩn tư vấn kỹ, chỉ định các xét nghiệm di truyền chuyên sâu hiện đại ngay từ trong bụng mẹ ra được kết quả bất thường trước sinh. Từ ca bệnh này cho thấy khi có những ca bất thường cần xét nghiệm di truyền.
Bác sĩ Sim cho biết, sau khi hội chẩn, siêu âm và chọc ối, các chuyên gia đã phát hiện thai A phù thai, giới tính nữ, kiểu gene nữ Turner (45,X); Thai B bình thường về mặt hình thái và giới tính trên siêu âm là nam, kiểu gene nam (46,XY).
Các xét nghiệm di truyền chuyên sâu khác cũng đã được thực hiện và chứng minh rằng 2 thai này cùng chung trứng nhưng có kiểu gene khác nhau.
Tuy nhiên, do thai bị khiếm khuyết về mặt di truyền cùng khả năng duy trì thai khó nên gia đình đã xin đình chỉ thai nghén. Đáng chú ý, ở thai nam do bất thường về gene nên sẽ không có khả năng sinh sản nếu được chào đời và trưởng thành.
Trường hợp đầu tiên được ghi nhận
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, đây là trường hợp cực hiếm, lần đầu tiên được Bệnh viện phát hiện.
Cũng theo PGS. Nguyễn Duy Ánh, y văn thế giới ghi nhận mang thai đôi cùng trứng xuất hiện khi trứng sau khi được thụ tinh thì phân chia thành hai phôi. Sau đó, sẽ phát triển thành hai cá thể riêng rẽ. Quá trình này hình thành ngay từ giai đoạn đầu tiên, khi phôi thai chỉ là một chùm tế bào. Trẻ sinh đôi cùng trứng sẽ giống nhau hoàn toàn về hình thức, giới tính.
"Phát hiện này của bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho thấy không phải cứ sinh đôi cùng trứng là giống nhau để rồi bỏ qua những ca bệnh hiếm, những bất thường về mặt di truyền", PGS. Nguyễn Duy Ánh nói.
Theo PGS. Nguyễn Duy Ánh, hiện nay, nhiều bác sĩ sản vẫn có mặc định: sinh đôi cùng trứng giống nhau như 2 giọt nước. Tuy nhiên, trong quá trình phân chia bào có sự đột biến. Do đó, các bác sĩ sản cần phải có trách nhiệm chẩn đoán, chăm sóc bào thai như một người bệnh để thận trọng hơn trong chẩn đoán, điều trị, tư vấn về di truyền”, bác sĩ Ánh nói.
Bác sĩ Sim cũng cho biết, tỷ lệ truyền máu song thai rất hiếm gặp, trong 10.000 người thì mới gặp một trường hợp. Tuy nhiên, tình trạng này rất nguy hiểm đối với cả thai nhi lẫn sản phụ. Đó là bởi máu từ thai này truyền sang cho thai kia thông qua các cầu nối mạch máu trong bánh rau. Thai nhi cho máu sẽ thiếu máu, có kích thước nhỏ hơn và bị thiểu ối. Trong khi thai nhận sẽ nhận được nhiều máu nên hệ tuần hoàn luôn phải làm việc dẫn đến quá tải, làm suy giảm chức năng tim mạch gây phù thai.
Đặc biệt, khi mắc hội chứng truyền máu song thai này, nếu không được điều trị thì từ 90% đến 100% thai sẽ chết. Số còn lại sống sót cũng bị di chứng thần kinh nặng nề, khoảng 30%.
PGS. Trần Đức Phấn, Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam cho biết, rất khó để xác định được nguyên nhân dẫn đến bất thường như trường hợp song thai nhưng khác kiểu hình, kiểu gene như trường hợp này. Tuy nhiên, chúng ta có thể loại trừ nguyên nhân có sẵn từ bố mẹ mà đây là những trường hợp đột biến mới phát sinh. Có thể, đây là trường hợp hiếm của hiếm khi kết hợp nhiều bất thường về di truyền, PGS. Trần Đức phấn nói. (Phụ nữ Việt Nam, trang 10).