TP.HCM: Sốt xuất huyết vào tháng cao điểm, tay chân miệng tiếp tục tăng nhanh
Cao điểm dịch sốt xuất huyết đã bắt đầu tăng vào tuần thứ 24, sẽ tăng cao trong tháng 7 và dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 10. Số ca mắc bệnh tay chân miệng và số ca nặng sẽ tiếp tục gia tăng trong những tuần sắp tới.
Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong tháng 6 năm 2023, số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng trên địa bàn Thành phố đều tăng nhanh.
Cụ thể, trong tháng 6, toàn Thành phố ghi nhận 758 ca bệnh sốt xuất huyết nâng tổng số ca mắc 6 tháng đầu năm 2023 lên 8.519 ca (giảm 61,5% so cùng kỳ năm 2022). Không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết (cùng kỳ năm 2022 ghi nhận 12 trường hợp). Tình hình thu dung, điều trị trong tháng 6 là 331 ca sốt xuất huyết.
Hiện có 111 trường hợp đang điều trị nội trú, trong đó có 10 trường hợp sốt xuất huyết nặng (tỷ lệ bệnh nhân nặng từ tỉnh chuyển đến chiếm khoảng 70%), và có 04 ca đang thở máy.
Số ổ dịch được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2023 giảm 62% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù số ca mắc và số ổ dịch ghi nhận thấp hơn năm trước nhưng đã có dấu hiệu dịch bệnh bắt đầu gia tăng từ tuần 24 đến nay.
Theo quy luật diễn tiến dịch bệnh hàng năm tại Thành phố, mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết đã bắt đầu tăng vào tuần thứ 24, dịch sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng 7 và dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 10 hàng năm.
Đồng thời, qua giám sát điểm nguy cơ, tỷ lệ phát hiện có lăng quăng tại các điểm nguy cơ được giám sát là gần 48% (49/103 điểm), đây là con số đáng báo động, tỷ lệ này sẽ cao hơn nữa khi Thành phố mưa nhiều hơn và không có những biện pháp quyết liệt để kiểm soát các điểm nguy cơ.
Bên cạnh đó, trong tháng 6 Thành phố đã ghi nhận 2.690 ca bệnh tay chân miệng. Trong đó, có 569 ca nội trú và 2.121 ca ngoại trú. Trong số 569 ca nhập viện điều trị trong tháng 6, có 118 ca nặng (tỷ lệ bệnh nhân từ các tỉnh chuyển đến chiếm gần 76%) và tất cả đều là trẻ em dưới 6 tuổi. Chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng của TP.HCM.
Tổng số ca mắc tay chân miệng trong 6 tháng đầu năm 2023 là 4.500 ca (thấp hơn 47% so với cùng kỳ năm 2022). Tuy số ca mắc thấp hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng với nguyên nhân gây bệnh là Enterovirus (EV71) - chủng virus có độc lực cao, có thể gây bệnh nặng và thậm chí tử vong, là tác nhân gây ra các vụ dịch lớn vào các năm 2011 và 2018. Ngành Y tế dự báo số ca mắc và số ca nặng sẽ tiếp tục gia tăng trong những tuần sắp tới và có thể kéo dài nếu không quyết liệt có các biện pháp dự phòng bệnh.
Theo ghi nhận, số ca mắc tay chân miệng đã bắt đầu tăng liên tục từ tuần 19 đến nay, số ca bệnh nặng cũng gia tăng theo. Số ca mắc trong tháng 6 cao hơn rất nhiều so với số ca mắc hàng tháng từ tháng 01 đến tháng 5.
Cùng với sốt xuất huyết, tổng số ổ dịch tay chân miệng trong 6 tháng là 125 (70 ổ dịch trong trường học và 55 ổ dịch tại cộng đồng) cũng tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022 (64 ổ dịch).
Trước dự báo tình hình dịch bệnh sẽ gia tăng, Ngành Y tế đã chủ động triển khai hàng loạt các biện pháp phòng chống dịch bệnh ngay từ tháng 5 và tập trung nhiều hoạt động trong tháng 6.
Theo Sở Y tế TP.HCM, để giảm số ca mắc sốt xuất huyết thì một trong các giải pháp quan trọng là phân loại đúng, xử lý dứt điểm các điểm nguy cơ gây dịch tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
Đồng thời, ngành y tế tổ chức các lớp tập huấn về điều trị cũng như can thiệp phòng bệnh tại cộng đồng. Tiếp tục vận dụng mô hình phân tầng vào công tác thu dung điều trị sốt xuất huyết, tăng cường duy trì hoạt động tổ chuyên gia điều trị sốt xuất huyết Dengue của Sở Y tế để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời; tiếp tục triển khai quy trình báo động đỏ đối với người bệnh sốt xuất huyết.
Sở Y tế đã xây dựng kịch bản ứng phó dịch tay chân miệng bao gồm 03 cấp độ, thực hiện phân tầng điều trị với tầng cuối là các bệnh viện chuyên khoa Nhi và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng thành lập tổ chuyên gia điều trị bệnh tay chân miệng nhằm tăng cường công tác hội chẩn các ca nặng cần chuyển tuyến hoặc ca khó với các đơn vị (trong Thành phố và các tỉnh/thành phố phía Nam) đảm bảo công tác chuyển viện an toàn. Phân công các Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp tục hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện thuộc tỉnh/thành phố phía Nam về công tác điều trị bệnh tay chân miệng để điều trị kịp thời và hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong.
Tăng cường tuyên truyền, giám sát công tác phòng chống bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết trong trường học và cộng đồng.
Sở Y tế thông tin, để phòng bệnh sốt xuất huyết, mỗi người, mỗi nhà chủ động truy tìm và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh. Người dân khi phát hiện các điểm nguy cơ, có thể phản ánh lên ứng dụng Y tế trực tuyến.
Để phòng bệnh tay chân miệng, người chăm sóc trẻ và trẻ em cần thường xuyên rửa tay, vệ sinh các vật dụng, đồ chơi của trẻ, bàn ghế, sàn nhà... Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, phụ huynh hãy đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8)
Lời khuyên của bác sĩ để phòng, điều trị đột quỵ não ngày nắng nóng
BVĐK Đức Giang (Hà Nội) vừa cứu sống 2 ca đột quỵ não ở giờ thứ 2 và giờ thứ 1, bác sĩ Khoa Cấp cứu của bệnh viện đã đưa ra những khuyến cáo với người dân để phòng đột quỵ ngày nắng nóng.
Bệnh nhân thứ nhất tên là N.V.D, sinh năm 1962, trú tại Lương Tài – Bắc Ninh. Ngày 5/7, ông D. nhập viện trong tình trạng tê bì sau gáy, lan xuống tay, yếu liệt người trái, nói khó.
Ngay lập tức ông D. được người nhà đưa tới Khoa Cấp cứu - BVĐK Đức Giang. Bệnh nhân được khám và làm các xét nghiệm liên quan tới đột quỵ và được chẩn đoán đột quỵ não thể nhẹ. Ông D. được chỉ định dùng thuốc kháng tiều cầu kép, kiểm soát huyết áp, kiểm soát mỡ máu.
Với những bệnh nhân đột quỵ não nhẹ hoặc cơn đột quỵ thoáng qua, không có chỉ định dùng thuốc tiêu huyết khối, sẽ được sử dụng các thuốc dự phòng đột quỵ não như: thuốc kháng ngưng tập tiểu cầu, kiểm soát huyết áp, kiểm soát mỡ máu... và được làm các thăm dò chức năng khác như siêu âm tim, siêu âm Doppler hệ thống mạch cảnh, mạch đốt sống, đeo holter điện tim, holter huyết áp để phát hiện các yếu tố nguy cơ về tim mạch....
Từ đó các bác sĩ đưa ra các liệu trình điều trị và theo dõi cho bệnh nhân để ngăn ngừa nặng lên và đột quỵ tái phát...
Sau dùng thuốc khoảng 30 phút ông D. đã có thể tự nói được, cơ lực cải thiện rõ rệt, tay và chân bên phải có thể vận động nâng lên khỏi giường, ý thức tỉnh táo.
Được cấp cứu thành công, ông D. tiếp tục nằm theo dõi tại Khoa Cấp cứu và điều trị nguyên nhân dự phòng tái phát lâu dài. Hiện tại, sức khỏe ông D đã phục hồi tốt, và sinh hoạt gần như bình thường.
Trường hợp bệnh nhân thứ 2 là ông N.Đ.T, ở Gia Lâm (Hà Nội), 63 tuổi. Chiều ngày 30/6, nhập viện trong tình trạng nói khó, liệt nửa người trái. Cách nhập viện khoảng 2 giờ, bệnh nhân đột ngột xuất hiện tê bì nửa mặt trái, kèm theo yếu liệt nửa người trái, nói khó. Ông T. có tiền sử cao huyết áp nhiều năm.
Sau đó ông N.Đ.T tự đo huyết áp được 140/90mmHg, ông liền uống 1 viên thuốc huyết áp nhưng triệu chứng không cải thiện. Sau khoảng 2,5 giờ, bệnh nhân được người nhà đưa tới Khoa Cấp cứu, BVĐK Đức Giang.
Tại đây, bệnh nhân được các bác sĩ khám đánh giá, chụp CT, làm các xét nghiệm liên quan đến đột quỵ cấp. Ngay khi có kết quả chụp CT, bệnh nhân đc chẩn đoán, nhồi máu não cấp với thang điểm quy đổi đột quỵ NIHSS 10 điểm.
Bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, sau khoảng 10 phút sử dụng thuốc, cơ lực tay của bệnh nhân đc cải thiện. Sau khoảng 30 phút dùng thuốc gần như các triệu chứng đã được cải thiện, bệnh nhân tự đứng dậy đi lại tốt, điểm NIHSS từ 10 điểm giảm xuống còn 5 điểm. Hiện tại, sức khỏe ông T. đã phục hồi và đã được ra viện.
BS Nguyễn Văn Hùng, Khoa Cấp cứu, BVĐK Đức Giang (Hà Nội) cho hay: Đột quỵ não là nguyên nhân hàng đầu gây ra tàn phế ở người trưởng thành.
Trong số các biện pháp hiện có, sử dụng thuốc tiêu sợi huyết (rt-PA) đang là một trong những phương pháp tối ưu nhất trong điều trị đột quỵ nhồi máu não cấp để giảm thiểu di chứng do đột quỵ gây ra.
Tuy nhiên, thời gian là yếu tố quan trọng quyết định thành công và mang lại cơ hội sống cho người bệnh, vì thuốc tiêu sợi huyết khối đường tĩnh mạch chỉ có tác dụng tối ưu với những người bệnh nhồi máu cấp tính trong vòng 4,5 giờ kể từ khi xuất hiện các triệu chứng đột quỵ đầu tiên.
Trong khi đó, theo tâm lý phổ biến ở người Việt Nam người dân thường tự ý dùng thuốc hay dùng các biện pháp dân gian như: cạo gió, chích máu ngón tay,… thay vì đến các cơ sở y tế, họ vô tình đã bỏ lỡ khung giờ vàng quý giá để điều trị đột quỵ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phục hồi của người bệnh.
"Qua 2 trường hợp bệnh nhân kể trên, rất may bệnh nhân đều được đưa đến viện sớm và cấp cứu kịp thời, tránh được những di chứng đáng tiếc khi quá giờ vàng" - BS Hùng nói. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 14)
TP. HCM: Cứu sống ngoạn mục 2 trẻ nguy kịch do bệnh não cấp hiếm gặp
Bệnh viện Nhi Đồng 2 vừa tiếp nhận và cứu sống thành công 2 bệnh nhi mắc hội chứng động kinh co giật nửa người - liệt nửa người (hemiconvulsion-hemiplegia-epilepsy (HHE) syndrome).
Chia sẻ về 2 ca bệnh này, BSCKII. Đỗ Châu Việt – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, đầu tháng 5/2023, Khoa Hồi sức tích cực Nhiễm tiếp nhận ca đầu tiên là bé gái L.T.N (18 tháng tuổi, trú tại TP. Thủ Đức).
Trước khi tiếp nhận, bé N. được gia đình phát hiện sốt cao 39 độ C kèm co giật toàn thân. Sau đó, bé được gia đình đưa đến bệnh viện địa phương. Do cơn co giật kéo dài, bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng lơ mơ, co giật toàn thân và xuất hiện những đợt co giật nửa người bên phải.
Ngay sau khi tiếp nhận, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã đặt nội khí quản, chuyển khoa Hồi sức tích cực Nhiễm. Kết quả MRI sọ não cho thấy, bé có tổn thương hạn chế khuếch tán lan tỏa ở bán cầu não trái trong khi vỏ não phải bình thường. Do kết quả xét nghiệm khác của bé âm tính với các tác nhân viêm não như Herpes simplex, viêm não Nhật Bản, soi và cấy không có vi khuẩn nên bệnh nhi được điều trị với steroid liều cao, giúp thở, chống phù não.
Sau 3 ngày điều trị, tri giác của bé có dấu hiệu cải thiện và dần được cai máy thở. Dù còn yếu nửa người phải, bé tiếp tục điều trị thuốc động kinh, vật lý trị liệu vận động. Hiện, bé N. đã phục hồi hoàn toàn về tri giác, sức cơ, trương lực cơ toàn thân.
Về trường hợp thứ 2, BSCKII Đỗ Châu Việt thông tin, đó là bệnh nhi N.H.X (nữ, sinh năm 2020, trú tại TP. HCM), nhập viện vào cuối tháng 5. Trước khi nhập viện, bé X. có tiền sử động kinh toàn thể từ 14 tháng tuổi và đang điều trị Depakin.
Tại Bệnh viện, bé tiếp tục co giật nhiều lần với cơn toàn thể xen kẽ co giật miệng và tay phải. Sau co giật, bé X. mê, suy hô hấp và được cho thở máy.
"Kết quả MRI sọ não của bé X. cũng cho thấy có tổn thương kèm phù não gần như toàn bộ nửa bán cầu trái, đẩy lệch đường giữa sang phải, bán cầu não phải bị ép xẹp. Các bác sĩ của khoa nhanh chóng hội chẩn và sử dụng steroid liều cao 30mg/kg/ngày trong 5 ngày, đồng thời dùng kháng thể Globulin 1gram/kg/ngày truyền tĩnh mạch trong 2 ngày", BSCKII Đỗ Châu Việt chia sẻ.
Qua 10 ngày tích cực điều trị, tri giác bé X. có cải thiện chậm, có nhịp tự thở tốt và cai được máy thở, tiếp tục kiểm soát động kinh và vật lý trị liệu vận động. Tuy nhiên, do bé còn di chứng, mở mắt kém tiếp xúc, cử động hạn chế và yếu nửa người phải. Dù được ra viện, X. vẫn cần được theo dõi, tái khám để can thiệp khi cần thiết.
Chứng kiến 2 bé đã được hồi sinh và xuất viện trong niềm hạnh phúc của gia đình, BSCKII Đỗ Châu Việt cho hay: "Đây là 2 trường hợp hội chứng co giật nửa người – liệt nửa người nặng phải thở máy và cần hồi sức tích cực. Cả 2 nhập viện trong bệnh cảnh là sốt, co giật và rối loạn tri giác. Cùng với sự phối hợp chặt chẽ của nhân viên y tế khoa lâm sàng, khoa cận lâm sàng, bệnh nhi đã nhanh chóng được chẩn đoán và điều trị và sớm phục hồi".
Theo BSCKII Đỗ Châu Việt, hội chứng HHE là một bệnh hiếm gặp, được phát hiện lần đầu vào năm 1960. Bệnh có trạng thái co giật nửa người kéo dài trên trẻ sốt dưới 4 tuổi, gây liệt nửa người cùng bên co giật và teo não bán cầu đối bên.
"Ở giai đoạn cấp tính, bệnh nhân xuất hiện nhiều cơn co giật khó kiểm soát, tổn thương và phù não một bên bán cầu não. Nếu không kiểm soát tốt, bệnh nhân có thể liệt nửa người suốt đời, di chứng não và sống đời sống thực vật, thậm chí có thể tụt não dẫn đến tử vong",BSCKII Đỗ Châu Việt nói.
Bệnh HHE được chẩn đoán xác định dựa vào hình ảnh học não đặc trưng trên MRI. Trong giai đoạn cấp tính có biểu hiện tổn thương phù nề nửa bán cầu não, tiếp đến là teo não không tương quan với bất kỳ vùng mạch máu nào.
Nguyên nhân và tác nhân hiện tại của bệnh vẫn chưa rõ ràng. Nhiều giả thuyết đặt ra có thể do miễn dịch và chuyển hóa. Không chỉ là bệnh hiếm, chuyên gia nhận định người mắc hội chứng HHE thường tiên lượng xấu, di chứng thần kinh và khả năng kháng thuốc động kinh cao. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2)
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói gì về thực hiện hướng dẫn mới giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu?
"Theo Thông tư 13 dải giá khám bệnh theo yêu cầu rộng, tối đa là 500.000 đồng/lượt, chúng tôi đang nghiên cứu để có thể xây dựng mức giá phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân, không áp dụng đồng loạt giá cao mà người dân có sự lựa chọn dải giá khi tới khám chữa bệnh theo yêu cầu tại Bệnh viện Bạch Mai".
PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã nhấn mạnh thông tin này khi chia sẻ với Phóng viên Báo Sức khoẻ & Đời sống về những nội dung liên quan đến Thông tư 13/2023/TT-BYT Quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cung cấp.
Cơ hội để 'giữ chân' người bệnh có nhu cầu sử dụng dịch vụ theo yêu cầu không ra nước ngoài khám chữa bệnh
- Với khung giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu Bộ Y tế vừa ban hành kèm theo Thông tư 13, theo ông Thông tư này tạo hành lang pháp lý như thế nào cho các bệnh viện nói chung, Bệnh viện Bạch Mai nói riêng trong hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu?
PGS.TS Đào Xuân Cơ: Có thể nói thời gian qua hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu đã được triển khai tại nhiều cơ sở y tế, tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể về khung giá chung nên thực hiện mỗi nơi một cách khác nhau, chưa thống nhất.
Vì vậy, Thông tư 13 Quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cung cấp đã hướng dẫn chi tiết cho các bệnh viện về các nội dung liên quan đến khám chữa bệnh theo yêu cầu; đồng thời là cơ sở hành lang pháp lý quan trọng để các bệnh viện dựa vào đó ban hành giá kỹ thuật cho dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Thông tư 13 rất mở cho bệnh viện vì không quy định, cố định giá mà có dải giá từ mức tối thiểu đến tối đa để các bệnh viện căn cứ vào điều kiện của mình và người bệnh xây dựng giá phù hợp với từng bệnh viện, điều kiện cơ sở vật chất.
Thông tư này theo đánh giá của tôi là hết sức quan trọng để thực hiện nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng cao. Trên thực tế hiện nay nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng cao, một bộ phận người dân đi nước ngoài khám chữa bệnh tiêu tốn nguồn lực kinh tế lớn. Nếu các bệnh viện công thực hiện khám chữa bệnh theo yêu cầu tốt, người dân không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh, như vậy sẽ tiết kiệm được nguồn lực cho người dân, đất nước.
Thực tế chuyên môn của các bác sĩ và bệnh viện ở nước ta, nhất là bệnh viện tuyến cuối ở nước ta không hề thua kém các bệnh viện trên thế giới, tuy nhiên chúng ta chưa phát huy được hết tiềm năng, khả năng của mình.
Một điểm mới tiếp theo của Thông tư này là tạo điều kiện cho phép các cơ sở khám chữa bệnh công lập có thể hợp tác công tư và liên doanh kiên kết. Theo đó, các bệnh viện có thể mời chuyên gia nước ngoài khám chữa bệnh cho người dân trong nước, đồng thời qua đó chúng tôi cũng học hỏi được các chuyên gia nước ngoài về kinh nghiệm, kỹ thuật tiên tiến để từ đó phục vụ người bệnh tốt hơn, tiết kiệm được nguồn lực tài chính lớn khi 'giữ chân' được người dân ở lại điều trị, không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh.
Giá khám bệnh theo yêu cầu của Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 15/8 thế nào?
- Vậy theo ông, đâu là những căn cứ để Bệnh viện Bạch Mai nói riêng cũng như các bệnh viện khác triển khai các vấn đề liên quan đến khám chữa bệnh theo yêu cầu, nhằm đảm bảo quyền lợi của người bệnh khi đến khám chữa bệnh?
PGS.TS Đào Xuân Cơ: Thông tư 13 là tiền đề của việc thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực về tính đúng, tính đủ giá khám chữa bệnh.
Thực tế tại Thông tư này cho thấy Bộ Y tế cho phép dải giá khám bệnh cũng như giường bệnh rộng để các bệnh viện áp dụng theo điều kiện của mình, tuy nhiên tôi nhấn mạnh chỉ áp dụng ở nhóm đối tượng tự nguyện đăng ký khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Thông tư cũng nêu rõ, các chuyên gia y tế đặc biệt là bác sĩ giỏi dành 30 % thời lượng làm việc phục vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, còn cơ bản thời gian vẫn phục vụ khám chữa bệnh chung cho tất cả người dân. Đây là điểm các bệnh viện cần thực hiện.
Điểm khác nữa phải kể đến là Thông tư cũng quy định số giường khám chữa bệnh chỉ được thực hiện dưới 20%. Hiện Bệnh viện Bạch Mai đang rà soát điều kiện tiêu chuẩn thế nào là giường theo yêu cầu, theo định mức được phép; các khoa phòng của Bệnh viện đã bắt đầu triển khai rà soát số giường bệnh để thực hiện đúng yêu cầu của Thông tư.
Chúng tôi không cho phép các đơn vị thực hiện vượt quá 20% giường bệnh thực hiện khám chữa bệnh theo yêu cầu bới nếu vượt quá, lạm dụng, sẽ ảnh hưởng, gây thiệt thòi đến bệnh nhân nghèo, khám chữa bằng BHYT.
Nếu lợi dụng, lạm dụng quá chỉ tiêu cho phép của Thông tư thì người bệnh không có điều kiện khám chữa bệnh theo yêu cầu sẽ thiệt thời. Ban Giám đốc của Bệnh viện Bạch Mai sát sao thực hiện các quy định này. Khi người bệnh tới khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, không có nhu cầu khám chữa bệnh theo yêu cầu thì khám thông thường như bình thường và cần giải thích để nếu họ có nhu cầu sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu thì họ lựa chọn.
- Trong dải giá của khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu hiện nay quy định mức thấp nhất ở bệnh viện hạng 1 và đặc biệt là 100.000 đồng/lượt và cao nhất là 500.000 đồng/ lượt. Vậy sắp tới giá khám chữa bệnh theo yêu cầu của Bệnh viện Bạch Mai sẽ như thế nào thưa ông?
PGS.TS Đào Xuân Cơ: Tại Bệnh viện Bạch Mai trong 3 năm qua hầu hết giá khám và giá dịch vụ khác đều là theo giá BHYT. Giá khám của GS, PGS là 150.000 đồng/ lượt; TS và BSCKII là 120.000 đồng/lượt; Thạc sĩ và BSCK 1 là 70.000 đồng/ lượt, tuy nhiên mức thu như vậy ở một bộ phận người dân khám theo yêu cầu.
Theo Thông tư 13 dải giá rộng, tối đa là 500.000 đồng/lượt khám, chúng tôi đang nghiên cứu để có thể xây dựng mức giá phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân, không áp dụng đồng loạt giá cao mà người dân có sự lựa chọn dải giá khi tới khám chữa bệnh theo yêu cầu tại Bệnh viện Bạch Mai.
Hiện Bệnh viện đang rà soát, để sớm bàn thảo, xây dựng và ban hành mức giá khám bệnh theo yêu cầu để thực hiện từ ngày 15/8/2023 khi Thông tư 13 có hiệu lực.
Xin trân trọng cảm ơn Ông! (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3)
Bố trí ngân sách mua vaccine để tiêm chủng mở rộng
Ngày 10-7, Chính phủ ban hành Nghị quyết 98/NQ-CP về việc bố trí ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Chính phủ quyết nghị năm 2023, ngân sách trung ương tiếp tục bố trí cho Bộ Y tế để mua vaccine tiêm chủng mở rộng cho tất cả các địa phương trên toàn quốc từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương. Chính phủ giao Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương lập kế hoạch, xác định nhu cầu vaccine theo từng chủng loại, cơ cấu vaccine cần thiết, danh mục, lộ trình tiếp nhận từng loại vaccine đảm bảo lộ trình tăng số lượng vaccine trong tiêm chủng mở rộng thống nhất trong toàn quốc để làm cơ sở xác định nhu cầu, bố trí kinh phí; quản lý và sử dụng vaccine theo quy định.
Căn cứ kế hoạch, nhu cầu vaccine tiêm chủng mở rộng năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 của UBND các tỉnh thành, Bộ Y tế xây dựng dự toán kinh phí đảm bảo vaccine tiêm chủng mở rộng cho toàn quốc năm 2023 gửi Bộ Tài chính trước ngày 15-7 để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế thực hiện. Trong tháng 7, Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi Nghị định số 104/2016/NĐ-CP quy định về hoạt động tiêm chủng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Chính phủ giao UBND các tỉnh thành căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế, rà soát, báo cáo nhu cầu vaccine tiêm chủng mở rộng năm 2023 gửi Bộ Y tế trước ngày 12-7 để tổng hợp.
Trên cơ sở nghị quyết của Chính phủ, nhu cầu kinh phí mua vaccine tiêm chủng mở rộng cho toàn quốc năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 do Bộ Y tế báo cáo, Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; thời gian trình trước ngày 20-7. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)
Hơn 80% cơ sở y tế chưa kê đơn thuốc điện tử
Theo Thông tư 27/2022/TT-BYT của Bộ Y tế, ngày 30/6/2023 là hạn cuối cùng cho các cơ sở y tế khám, chữa bệnh trên toàn quốc triển khai kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có khoảng 20% các cơ sở y tế, trong đó chủ yếu là các đơn vị công lập thực hiện.
Theo lộ trình, đến ngày 31/12/2023 các bệnh viện từ hạng 3 trở lên phải thực hiện kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử, đối với các cơ sở khám, chữa bệnh khác phải hoàn thành trước ngày 30/6/2023. Đến đầu tháng 7/2023, theo thống kê từ các Sở Y tế, hiện chủ yếu mới có bệnh viện hạng 3 trở lên liên thông và khối các trạm y tế xã phường với khoảng gần 14 nghìn cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc thực hiện liên thông đơn thuốc.
Theo báo cáo thống kê từ các cơ sở y tế trên toàn quốc, tới thời điểm này mỗi Sở Y tế trung bình đã liên thông khoảng 700.000 đơn thuốc, kho đơn thuốc quốc gia đã quản lý hơn 40 triệu đơn thuốc được kê gửi về. Chủ yếu khối đơn thuốc này được gửi về từ các bệnh viện công lập hạng 3 trở lên. Hiện Việt Nam có hơn 60 nghìn cơ sở khám chữa bệnh, nhưng mới có gần 1/3 số cơ sở thực hiện liên thông đơn thuốc.
Ngay kể cả các cơ sở đã liên thông đơn thuốc về hệ thống, việc triển khai gửi đơn đầy đủ, đúng quy định vẫn chưa đầy đủ. Việc xử phạt trong lĩnh vực này còn khá nhẹ, nên vẫn còn nhiều cơ sở chưa thực hiện. (Công an nhân dân, trang 1)..