Khẩn trương điều tra ổ dịch tại hai địa phương có người nhiễm Zika
Ngày 10-10, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Bình Dương và TP Hồ Chí Minh về điều tra và xử lý ổ dịch do vi rút Zika.
Theo đó, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế hai địa phương nói trên khẩn trương tổ chức điều tra ổ dịch, nếu phát hiện các trường hợp nghi ngờ thì phải lấy mẫu để gửi về Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh để chẩn đoán, xác định sớm ca bệnh, đồng thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn...
Trước đó, ngày 8-10, Bộ Y tế đã thông báo về hai trường hợp dương tính với vi rút Zika tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương, trong đó có một phụ nữ 28 tuổi đang mang thai (cư trú tại quận 9, TP Hồ Chí Minh). Như vậy, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã phát hiện 5 trường hợp dương tính với vi rút Zika. (Hà Nội mới (trang 5).
Trẻ điếc vì mẹ mang thai mắc bệnh truyền nhiễm
Theo nghiên cứu ở Việt Nam và trên thế giới, cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có 3-4 trẻ bị giảm thính lực bẩm sinh. Tỷ lệ này tăng gấp 4-5 lần ở trẻ có nguy cơ cao như trẻ sinh non với cân nặng rất thấp, mẹ mắc các bệnh truyền nhiễm trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Trung tâm Thính học (Bệnh viện Nhi T.Ư) như ngôi nhà nhỏ thứ 2 của nhiều trẻ không may mắc bệnh khiếm thính. Bé N.T.P. (5 tuổi, Nam Định) đã gắn bó với các cô giáo ở đây được gần 3 năm. Anh Nguyễn Khắc Trường, bố bé P. cho biết, khi bé khoảng 10 tháng tuổi, anh nhận thấy con trai chậm nói, không phản ứng với các tiếng động ở phía sau. Khi ấy, cả gia đình cứ nghĩ bé chỉ chậm bình thường nên không đưa cháu đi khám ngay. Đến khi con được 2 tuổi, thấy con không đáp lời khi bố mẹ gọi, không hứng thú chơi với các bạn cùng tuổi, phải nói rất to thì con mới nghe thấy, anh Trường mới đưa bé đến khám tại Trung tâm thính học. Bé P. được chẩn đoán nghe kém, được điều trị và luyện nghe nói từ đó. Bệnh nhi L.P.Th. (Hà Nội) cũng là một trường hợp như bé P., khi bé được 15 tháng tuổi, bố mẹ bắt đầu lo lắng vì thấy con trầm lặng khác thường. Th. không quay lại khi người khác gọi tên, không giật mình khi có tiếng động lớn và cũng không bi bô những tiếng quen thuộc như trẻ cùng lứa tuổi. Gia đình đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi T.Ư và Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư và đều được chẩn đoán điếc mức độ sâu.
Bác sĩ Lại Thu Hà, khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện Nhi T.Ư), cho biết, cả hai trường hợp bệnh nhi kể trên nằm trong nhóm nguy cơ cao do mẹ các cháu đều mắc rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Ngoài ra, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghe kém ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Những yếu tố nguy cơ được xác định trên trẻ sơ sinh có thể kể đến: Trẻ sơ sinh dưới 28 ngày tuổi, trong gia đình có người bị nghe kém bẩm sinh hoặc tiến triển, bị nhiễm trùng trong thời kì mang thai, những bệnh liên quan đến nghe kém như: toxoplasmosis, rubella, herpes, giang mai. Bất thường sọ mặt bao gồm những bất thường về hình thái học của vành tai, ống tai, không có nhân trung, đường chân tóc thấp. Cân nặng khi sinh dưới 1.500 g. Bilirubin máu cao ở ngưỡng phải chỉ định thay máu. Dùng kháng sinh nhóm aminoglycosis hơn 5 ngày (gentamycin, tobramycin, kanamycin, streptomycin) và dùng thuốc lợi niệu phối hợp với nhóm aminoglycosis, Viêm màng não mủ. Những trẻ rất yếu khi sinh, có thể bao gồm những trẻ không tự thở trong 10 phút, những trẻ thở máy kéo dài từ 10 ngày trở lên.
Đối với trẻ từ 29 ngày đến 2 tuổi thì nguy cơ nghe kém có thể là bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ có vấn đề về nghe, nói, ngôn ngữ hoặc chậm phát triển, Viêm màng não mủ. Những yếu tố nguy cơ từ thời kì sơ sinh có liên quan đến nghe kém tiếp nhận (thở máy kéo dài và các bệnh di truyền). Chấn thương đầu đặc biệt với những chấn thương gẫy dọc và ngang xương thái dương. Có dấu hiệu hoặc những triệu chứng liên quan đến những hội chứng có suy giảm sức nghe như hội chứng Waardenburg hoặc Usher. Dùng kháng sinh nhóm aminoglycosis hơn 5 ngày (gentamycin, tobramycin, kanamycin, streptomycin) và dùng thuốc lợi niệu phối hợp với nhóm aminoglycosis. Trẻ có những bệnh thoái hóa thần kinh như u xơ thần kinh, động kinh, những trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng có gây ra nghe kém như quai bị, sởi.
Cần sàng lọc nghe kém sớm
Bác sĩ Hà cho biết, trẻ bị suy giảm thính lực nếu không được phát hiện và can thiệp sớm (tốt nhất là trước 2 tuổi) sẽ không thể phục hồi ngôn ngữ như trẻ bình thường. Đây là nguyên nhân dẫn tới khó khăn trong học tập, giao tiếp và ảnh hưởng đến tâm lý xã hội của trẻ. Vì vậy, sàng lọc nghe kém sớm là vô cùng cần thiết đối với quá trình phát triển của trẻ. Sàng lọc thính giác cho trẻ sơ sinh nên được tiến hành trong vòng 1 tháng sau khi sinh, chẩn đoán xác định trong vòng 3 tháng sau sinh và tiến hành can thiệp (nếu trẻ bị nghe kém) trong vòng 6 tháng sau sinh.
Theo bác sĩ TS Nguyễn Tuyết Xương, Trưởng khoa Tai-Mũi-Họng (Bệnh viện Nhi T.Ư), các bác sĩ đã tiến hành sàng lọc khiếm thính bằng phương pháp đo âm ốc tai (OAE) kết hợp điện thính giác thân não (ABR). Nếu trẻ được phát hiện mất thính lực muộn (từ 2 – 3 tuổi) có thể gặp khó khăn trong phát âm, phát triển ngôn ngữ và nhận thức so với các trẻ bình thường, có thể phải gánh chịu những khuyết tật vĩnh viễn như bị câm, điếc. Theo nhận định của các chuyên gia thính học, đối với các gia đình có con bị khiếm thính, hành trình tìm kiếm lại âm thanh, khôi phục lại âm thanh để trẻ nghe được nói được thực sự rất kỳ công và đòi hỏi sự kiên trì của các bậc làm cha mẹ. Bác sĩ Xương khuyến cáo, gia đình nên cho bé tham gia sàng lọc khiếm thính sớm. Trong trường hợp nghi ngờ trẻ khiếm thính phải đi khám chuyên sâu để được những chuyên gia về thính học tư vấn chứ không tự ý tìm hiểu nghe tin xung quanh bởi thời gian để chăm sóc trẻ hiệu quả chỉ khoảng 3 đến 5 năm đầu đời.
Sàng lọc thính giác cho trẻ sơ sinh nên được tiến hành trong vòng 1 tháng sau khi sinh, chẩn đoán xác định trong vòng 3 tháng sau sinh và tiến hành can thiệp (nếu trẻ bị nghe kém) trong vòng 6 tháng sau sinh. (Tiền phong (trang 6).
Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về mổ chuyển gốc động mạch
Bệnh viện Nhi T.Ư vừa phẫu thuật thành công ca chuyển gốc động mạch thứ 300. Con số này đưa Việt Nam trở thành nước có số lượng bệnh nhi chuyển gốc...
TP - Bệnh viện Nhi T.Ư vừa phẫu thuật thành công ca chuyển gốc động mạch thứ 300. Con số này đưa Việt Nam trở thành nước có số lượng bệnh nhi chuyển gốc động mạch được phẫu thuật thành công nhiều nhất khu vực Đông Nam Á.
Hiện nay tại Trung tâm tim mạch trẻ em (Bệnh viện Nhi T.Ư), tỷ lệ phẫu thuật thành công cho bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp đạt được hơn 93%. Những bệnh nhân này sau mổ ra viện khỏe mạnh và có khả năng phát triển như người bình thường.
Trước năm 2010, phần lớn các cháu bé nhập viện với bệnh lý này đều tử vong do không có khả năng phẫu thuật hoặc phải ra nước ngoài để được phẫu thuật. Đây là thành công đáng khích lệ với tỷ lệ sống sót cao nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia hoặc Thái Lan (90%) mặc dù điều kiện làm việc còn rất nhiều khó khăn. (Tiền phong (trang 6).
850 tỷ xây bệnh viện lớn nhất Vĩnh Long phục vụ cho dân nghèo
Bệnh viện có quy mô lớn nhất tỉnh Vĩnh Long đã được triển khai xây dựng với quy mô 800 giường, tổng mức đầu tư 850 tỷ nhằm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho hàng triệu người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 10/10, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long đã chính thức được khởi công xây dựng tại Thành phố Vĩnh Long.
Tham gia buổi lễ có nhiều cán bộ lãnh đạo Bộ Y tế, UBND tỉnh Vĩnh Long, Sở Y tế TP HCM, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long…
Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long có quy mô xây dựng 10 tầng trên diện tích 40.000m2 có thể đáp ứng 800 giường bệnh với tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành vào năm 2017.
Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, khi đưa vào sử dụng, bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long sẽ là bệnh viện có quy mô lớn nhất tại địa phương này. Đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của hàng triệu người dân tại tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh lân cận như Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang.
Bác sĩ Nguyễn Văn Châu – Tổng giám đốc bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết, bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long có thể đáp ứng cho 2.000 lượt khám bệnh ngoại trú mỗi ngày. Nhiều trang thiết bị hiện đại được đầu tư như hệ thống cộng hưởng từ (MRI) 1.5 Tesla, hệ thống CT Scanner 160 lát, máy tán sỏi ngoài cơ thể…
Theo bác sĩ Châu, mặc dù nhiều trang thiết bị hiện đại hàng đầu được đưa về bệnh viện nhưng giá viện phí sẽ rất thấp nhằm phục vụ chủ yếu cho người dân nghèo có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, người có thu nhập khá và cao cũng sẽ rất thoải mái với dịch vụ y tế kỹ thuật cao tại bệnh viện.
Ngoài ra, các kỹ thuật chuyên sâu như phẫu thuật cột sống, phẫu thuật sọ não, can thiệp mạch máu, phẫu thuật tim hở…sẽ được thực hiện ngay sau khi bệnh viện đi vào vận hành nhằm giải quyết nhu cầu rất lớn của người bệnh.
Ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, nhiều bệnh lý khó, phức tạp sẽ được các bác sĩ can thiệp ngay tại Vĩnh Long giúp người dân đỡ mất thời gian di chuyển lên các bệnh viện tuyến trên ở TP HCM đang trong tình trạng quá tải. Mỗi ngày, số lượng người dân từ các tỉnh miền Tây đổ về các bệnh viện ở TP HCM để khám chữa bệnh là rất lớn, đây là sự bất cập ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân cũng như ảnh hưởng đến mô hình phát triển chung của nghành y tế. (Tuổi trẻ (trang 2), Công an nhân dân (trang 2).
Phục hồi điều tra vụ án Bệnh viện Đa khoa Tây Đô
Viện trưởng VKSND TP Cần Thơ vừa ký quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra, phục hồi điều tra lại vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Tây Đô. Ngày 10-10, tin từ Viện Kiểm sát nhân dân TP Cần Thơ cho biết ông Nguyễn Thống Nhất - Viện trưởng VKSND thành phố này vừa ký quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra của cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ, phục hồi điều tra lại vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Bệnh viện Tây Đô (Bệnh viện Đa khoa Tây Đô), tọa lạc ở quận Cái Răng, TP. Cần Thơ.
Đây là vụ án từng gây xôn xao dư luận tại Cần Thơ vì Bệnh viện đa khoa Tây Đô là một trong những bệnh viện tư nhân có quy mô lớn đầu tiên tại địa phương.
Theo hồ sơ vụ án, bệnh viện xây dựng với quy mô 100 giường, khởi công vào tháng 12-2004 và bắt đầu hoạt động từ tháng 8-2007. Trong đó, kinh phí đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị khoảng 300 tỉ đồng do nhiều thành viên góp vốn.
Bệnh viện đi vào hoạt động một thời gian đã xảy ra mâu thuẫn giữa các thành viên góp vốn. Sau đó, UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật tại doanh nghiệp này.
Kết quả thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm tại bệnh viện, xác định các cá nhân chịu trách nhiệm trong việc sử dụng trái phép tài sản tại bệnh viện.
Ngày 14-10-2013, cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án “Sử dụng trái phép tài sản” tại Bệnh viện đa khoa Tây Đô.
Ngày 14-6-2014, cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố bổ sung vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” tại bệnh viện này.
Sau một thời gian điều tra, ngày 11-6-2015, cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án do không có dấu hiệu tội phạm, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang Viện KSND cùng cấp để kiểm sát điều tra theo quy định của pháp luật.
Kể từ khi bắt đầu tranh chấp từ tháng 10-2012 đến nay, Bệnh viện đa khoa Tây Đô phải đóng cửa.
Khoảng 150 nhân viên y tế mất việc, bệnh viện bỏ hoang, thiết bị y tế bị hư hỏng và công trình xây dựng xuống cấp…
Sốt ruột trước tình trạng bệnh viện bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng, khoảng tháng 6-2016 một số thành viên góp vốn của bệnh viện này đã rao bán bệnh viện nhưng đến nay vẫn chưa tìm được người mua. (Tuổi trẻ (trang 2).
Phấn đấu 100% người dân vùng biển, đảo có thẻ BHYT
BHXH Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 317/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2020”. Theo Kế hoạch, trong giai đoạn 2016-2020 ngành BHXH đặt mục tiêu: Bảo đảm 100% người dân sinh sống ở vùng biển đảo có thẻ BHYT; được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu cấp cứu, KCB và nâng cao sức khỏe, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; đảo đảm nguồn kinh phí KCB BHYT kịp thời cho khu vực biển đảo và khả năng cân đối quỹ KCB BHYT.
Để đạt được những mục tiêu này, BHXH Việt Nam đưa ra 6 Nhóm giải pháp thực hiện gồm:
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện chính sách BHYT
BHXH Việt Nam sẽ tham mưu đề xuất và phối hợp với các bộ,ngành trong xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến khu vực biển đảo, bảo đảm thuận lợi trong công tác thu và cấp thẻ BHYT đối với người dân đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; thủ tục KCB đơn giản, thuận tiện; đảm bảo quyền lợi KCB BHYT và khả năng cân đối quỹ BHYT.
BHXH các tỉnh, TP phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tham mưu với UBND các tỉnh, TP về việc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020 theo quy định tại Quyết định số 1559/QĐ-TTg ngày 5/8/2016 ban hành tiêu chí xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020.Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu với UBND các tỉnh, TP về việc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục xã đảo theo quy định tại Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 22/4/2014 ban hành tiêu chí, điều kiện, thủ tục công nhận.
Thứ hai, tăng tỉ lệ bao phủ BHYT tại xã đảo, huyện đảo
Đối với nhóm đối tượng là NLĐ trong các doanh nghiệp, thực hiện thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT ở các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm; rà soát đối với các đơn vị chưa tham gia hoặc tham gia BHYT chưa đầy đủ để thực hiện thu và cấp thẻ BHYT.
Đối với nhóm đối tượng do quỹ BHXH đóng, thực hiện rà soát để đảm bảo 100% đối tượng có thẻ BHYT.
Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, hướng dẫn cha mẹ, người giám hộ về quyền được cấp thẻ BHYT cùng với Giấy khai sinh và đăng ký thường trú; quyền lợi về đăng ký nơi KCB ban đầu và KCB của trẻ em dưới 6 tuổi.
Đối với các nhóm đối tượng khác được ngân sách nhà nước đóng, ngoài nhóm người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo, phối hợp với đơn vị quản lý đối tượng trong việc rà soát, lập danh sách cấp thẻ BHYT để tránh cấp trùng hoặc bỏ sót đối tượng; đảm bảo 100% đối tượng được cấp thẻ BHYT.
Đối với nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng và nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình: Hướng dẫn chuyển đổi đối tượng thuộc các nhóm này sang nhóm người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo theo đúng quy định của Luật BHYT; đảm bảo 100% đối tượng được cấp thẻ BHYT.
Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT
Cơ quan BHXH sẽ tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chính sách, pháp luật về BHYT mang tính đặc thù cho đối tượng sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; trong đó lưu ý tổ chức cho NLĐ tại các doanh nghiệp tham gia cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về BHYT trên truyền hình, trên báo đài và tại các địa phương, cơ sở.
Công tác truyền thông, tuyên truyền cần được tiến hành với tất cả các nhóm đối tượng, bao gồm cả các cấp chính quyền, đoàn thể, trường học, các chi bộ, đảng viên... và thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phù hợp, bảo đảm các đối tượng được tiếp cận đầy đủ với thông tin về chính sách BHYT và cách thức tham gia BHYT.
Thứ tư, đảm bảo quyền lợi KCB BHYT
Hướng dẫn người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo nhưng thuộc nhóm đối tượng khác (NLĐ, nhóm do quỹ BHXH đóng…) được đổi thẻ BHYT sang mã mức hưởng có ký hiệu số 2, ban hành kèm theo Quyết định số 1351/QĐ-BHXH ngày 16/11/2015 của BHXH Việt Nam ban hành mã số ghi trên thẻ BHYT.
Hướng dẫn người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo được đăng ký KCB ban đầu tại một cơ sở KCB thuận lợi nhất trên đất liền nếu trên các xã đảo, huyện đảo không có cơ sở KCB tuyến xã, huyện, tỉnh và trung ương theo đúng quy định.
Hướng dẫn người dân được thông tuyến KCB BHYT tại Bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương theo đúng quy định của Luật BHYT;
Hướng dẫn người dân được hưởng chi phí vận chuyển từ tuyến huyện đảo lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.
Thứ năm, cân đối và bảo toàn Quỹ BHYT
Tăng cường công tác giám định BHYT cả về số lượng và chất lượng; đổi mới phương pháp giám định theo hướng giám định tập trung và mở rộng thực hiện giám định hồ sơ thanh toán chi phí KCB BHYT theo tỉ lệ; tăng cường ứng dụng hệ thống CNTT trong giám định BHYT.
Thứ sáu, một số nhóm giải pháp khác
Nâng cao năng lực của hệ thống tổ chức thực hiện chính sách BHYT; ứng dụng CNTT đối với lĩnh vực BHYT.
Theo Kế hoạch, BHXH Việt Nam sẽ tổ chức như thành lập Ban Chỉ đạo tại BHXH Việt Nam; thành lập Ban Chỉ đạo tại BHXH 28 tỉnh, TP ven biển trực thuộc Trung ương. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Vụ, Ban, đơn vị trực thuộc để triển khai các 6 Nhóm giải pháp nêu trên./. (Lao động (trang 3):
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ BYT bác bỏ thông tin hầu đồng
Ngày 9/10, một tờ báo đăng tải thông tin phản ánh: Vào ngày 1/10, ông Phạm Văn Tác đã cùng đoàn xe 7 chiếc đến đền Bảo Lộc (tỉnh Nam Định) để hầu đồng.
Theo tờ báo này, ông Tác đã làm lễ 190 triệu đồng cầu thăng quan tiến chức. Trong 4 tháng qua, ông cũng từng nhiều lần đi hầu đồng. Cũng theo thông tin này, việc ông Tác đi hầu đồng đã vi phạm quy định 47 về những điều đảng viên không được làm.
Trả lời báo chí, ông Tác phủ nhận những thông tin trên báo chí và mạng xã hội đã đưa. Ông cho biết cuối tuần gia đình ông đến đền thờ đức thánh Trần Hưng Đạo để đi lễ cầu an, là chuyện hết sức bình thường.
Vị Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ khẳng định ngày 10/10 sẽ gửi đơn đến Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Y tế và Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị làm rõ và xử lý những người tung tin thất thiệt… (Sài Gòn Giải phóng (trang 7):
Cứu cụ ông 83 tuổi mang khối u tuyến tiền liệt hiếm gặp
Sáng 10-10, bác sĩ (BS) Ngô Minh Tuấn, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, trưởng đơn vị can thiệp mạch máu Bệnh viện (BV) Trưng Vương cho biết, cụ ông Ch.(83 tuổi, ngụ tại TP. Hồ Chí Minh) được người nhà đưa tới nhập viện trong tình trạng bí tiểu cấp. Kết quả chẩn đoán, xét nghiệm cho thấy, cụ ông bị phì đại tuyến tiền liệt, mang một khối u khổng lồ chèn ép niệu đạo khiến cụ ông không thể đi tiểu được. BS Đoàn Trí Dũng, Trưởng khoa Ngoại Thận - Tiết niệu BV Trưng Vương cho biết, khối u của cụ ông khá lớn, có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay mà các BS từng gặp. Các trường hợp bị bệnh tương tự được xử lý trước đây có khối u tuyến tiền liệt bình thường chỉ khoảng 30g, của cụ ông Ch. lên đến khoảng 140g.
Thông thường, bệnh tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt được áp dụng các phương pháp phổ biến như điều trị nội khoa hoặc can thiệp phẫu thuật cắt đốt nội soi. Tuy nhiên, khi phẫu thuật bệnh nhân phải gây mê, hồi sức sau phẫu thuật, đối mặt với các nguy cơ sau mổ: tiểu không kiểm soát, xuất tinh ngược dòng … làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
Trong trường hợp cụ ông Ch. lớn tuổi, lại có nhiều bệnh nền (cụ ông có tiền sử tai biến và đái tháo đường) nên việc phẫu thật cắt bỏ khối u sẽ rất nguy hiểm, nguy cơ để lại nhiều biến chứng. Do vậy, sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định dùng phương pháp "can thiệp thuyên tắc động mạch tiền liệt tuyến" không cần phẫu thuật, nhằm hạn chế tăng sinh và khối u sẽ nhỏ lại.
Phương pháp mới này sẽ hạn chế được các nguy cơ, rủi ro do phẫu thuật mở, cải thiện chất lượng cuộc sống, đồng thời người bệnh có thể xuất viện trong ngày sau khi thực hiện thủ thuật. Trước đó, cả nước chỉ có 2 nơi áp dụng là BV Nhân dân 115 TP.Hồ Chí Minh và BV Bạch Mai (Hà Nội).
Theo các bác sĩ, tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt thường gặp ở nam giới trong độ tuổi 45 - 75 với các triệu chứng: tắc nghẽn, kích thích đi tiểu nhiều lần về đêm, tiểu són, tiểu gấp, tiểu không hết, đôi khí bí tiểu,… gây cho người bệnh suy giảm sức khoẻ, chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng. Ở những trường hợp nặng bệnh còn gây tạo sỏi, suy thận và có thể tử vong. (Công an nhân dân (trang 2).