Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 11/11/2017

  • |
T5g.org.vn - Bệnh viện Thạch Thất cứu sống mẹ con sản phụ vỡ tử cung trong đêm; Tỉ lệ trẻ em Việt Nam suy dinh dưỡng và béo phì là… ngang nhau….

 

Tỉ lệ trẻ em Việt Nam suy dinh dưỡng và béo phì là… ngang nhau

Tại Hội thảo dinh dưỡng cho trẻ em từ 2 đến 6 tuổi do Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức ngày 10-11 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo gánh nặng kép về dinh dưỡng mà trẻ em Việt đang gặp phải là suy dinh dưỡng và béo phì.

Theo ông Trương Hồng Sơn- Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, muốn trẻ phát triển toàn diện, cần quan tâm tới yếu tố dinh dưỡng cho trẻ. Nhưng hiện nay yếu tố này vẫn chưa được các bậc phụ huynh hiểu đúng, dẫn đến tỷ lệ không nhỏ trẻ thừa cân, đồng thời, có một tỷ lệ lớn trẻ suy dinh dưỡng, tạo ra gánh nặng kép về dinh dưỡng ở trẻ.

Thống kê chưa đầy đủ của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, ở một số thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng… số trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân có khoảng 100.000 cháu, trẻ thừa cân béo phì cũng xấp xỉ con số đó. Như vậy trẻ thừa cân béo phì và trẻ suy dinh dưỡng ở các thành phố lớn gần như ngang nhau.

Bà Lê Bạch Mai – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, nghiên cứu thực tế cho thấy khẩu phần ăn của trẻ trong độ tuổi 2 – 5 chưa đảm bảo đa dạng. Tỷ lệ năng lượng do protein cung cấp chiếm 16% nhưng protein động vật còn thấp, năng lượng do lipid < 25% ở một số vùng. Khẩu phần canxi còn thấp, tỷ số canxi/photpho mất cân đối và chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị về một số chất dinh dưỡng quan trọng như Vitamin A, Fe, Zn,….\

Theo bà Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), tình trạng thừa cân béo phì ở tuổi học đường đang ở mức đáng báo động. Chưa kể, từ 2- 6 tuổi là độ tuổi có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao ở tất cả các thể (nhẹ cân, thấp còi, gầy còm).

Bà Nhung cho biết thêm về hệ lụy của tình trạng trẻ béo phì: Kết quả điều tra trên 500 trẻ béo phì của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, tỷ lệ rối loạn mỡ máu ở tuổi 6- 10 khá cao. Đái tháo đường cũng đang bị trẻ hóa nhanh chóng, cá biệt có bệnh nhân mắc đái tháo đường khi mới 8 tuổi.

Bên cạnh đó, ông Trương Hồng Sơn cũng cho rằng, Việt Nam cần đưa ra khuyến nghị bổ sung canxi cao hơn. Hiện phụ nữ Việt Nam sau tuổi 45 có nguy cơ loãng xương rất cao. Vì thế, các chuyên gia dinh dưỡng có khuyến nghị phụ nữ đến tuổi này uống sữa có bổ sung canxi và coi đây là giải pháp tốt. Nhưng đó chỉ là giải pháp phòng chống loãng xương, giảm mật độ xương. Do đó, chúng tôi đề nghị đẩy đỉnh xương của Việt Nam (vốn thấp so với thế giới) cao nhất là ở độ tuổi 20-25 để từ giai đoạn này, người Việt chú trọng đến bổ sung cho xương.

Dinh dưỡng cho trẻ là vấn đề lớn ở Việt Nam

Tuy nhiên, nhiều bà mẹ tự ý bổ sung canxi không có sự tư vấn kỹ càng của các chuyên gia dinh dưỡng cũng rất nguy hiểm. Theo ông Sơn, cách bổ sung canxi an toàn nhất là bằng thức ăn. Với trẻ em, dùng canxi phải theo chỉ định, để không quá liều, không làm ảnh hưởng đến các vi chất khác trong cơ thể. Bổ sung đa vi chất tốt hơn đơn chất, đề phòng các vấn đề thiếu hụt khi có chất tăng đột biến.

Nên bổ sung canxi theo khuyến nghị, người lớn không quá 500mg/lần, không quá hai lần/ngày. Nếu sử dụng liều canxi lớn, sẽ khiến cơ thể tự giảm hấp thu hoặc khi canxi bổ sung nhiều quá đến mô mềm, đến mạch máu làm ảnh hưởng xấu đến các bệnh lý về mạch, gây sỏi thận.

Điều được các chuyên gia nhấn mạnh tại hội thảo là Việt Nam cần các can thiệp ưu tiên giải quyết gánh nặng kép về dinh dưỡng, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng và có giải pháp đặc thù cho từng vùng; đảm bảo chế độ ăn của phong phú, đa dạng, cân đối, giàu dinh dưỡng. Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều đường, muối, khuyến khích trẻ tập luyện thể thao và hình thành những thói quen ăn uống tốt ngay trong giai đoạn này

Đối với trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân, thấp còi, cần cho trẻ sử dụng sữa có đậm độ năng lượng cao; có thể sử dụng một số sản phẩm bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết như protein, canxi và các vi chất dinh dưỡng khác nhằm góp phần cải thiện tốc độ tăng trưởng và tầm vóc của trẻ em Việt Nam.

Cần rèn luyện cho trẻ có chế độ luyện tập hợp lý như: Hoạt động thể chất ít nhất 60 phút/ngày thông qua hình thức đi bộ, bơi lội, ném bóng,…; hạn chế thời gian trẻ ngồi một chỗ xem ti vi, nghịch điện thoại, máy vi tính (dưới 2 tiếng/ngày); nên để trẻ tiếp xúc với tự nhiên nhiều hơn…

 “Dinh dưỡng hợp lý kết hợp với hoạt động thể chất là nền tảng của sức khỏe, và cần phải có sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho trẻ" - ông Trương Hồng Sơn khuyến cáo. (Công an Nhân dân, trang 2)

 

Việc cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi khó thực hiện

Hiện Việt Nam đang tiêu thụ đồ uống có cồn đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới. Thị trường nội địa tiêu thụ khoảng 200 triệu lít rượu do người dân tự nấu.

Thực trạng lạm dụng rượu bia ở nước ta đã đến mức báo động, khiến cho nhiều người phải bỏ mạng. Không ít trẻ vị thành niên đã sử dụng rượu bia gây ra những hệ luỵ khó lường.

Chính những điều này dẫn tới sự ra đời của Nghị định 105/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1-11-2017), trong đó các hộ gia đình không được sản xuất rượu thủ công, đặc biệt nghiêm cấm các hộ kinh doanh bán rượu cho người dưới 18 tuổi. Nghị định này được cho là một hành lang pháp lý đến gần hơn với quy định của các nước tiên tiến trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em.

Hơn một tuần sau khi Nghị định 105 có hiệu lực nhưng đa số các cửa hàng bán rượu đều lúng túng không biết làm cách nào để xác minh độ tuổi của khách hàng. Do chưa có quy định người mua rượu phải chứng minh mình trên 18 tuổi nên người bán không thể tuỳ tiện hỏi tuổi của khách.

Ông Nguyễn Quốc Đạt, chủ cửa hàng tạp hoá trên phố Tuệ Tĩnh (Hà Nội) cho biết: Việc xác định tuổi của khách hàng đã đủ 18 hay chưa là rất khó. Qua ngoại hình bên ngoài rất khó để biết được. Nếu chỉ mua hàng mà mình lại hỏi tuổi của khách thì không hay, đây là vấn đề tế nhị.

Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, quản lý hệ thống bán lẻ rượu của Halico cho biết: “Kinh doanh như chúng tôi thì cứ có khách đến là chúng tôi bán hàng. Muốn kiểm soát được độ tuổi chỉ có cách buộc khách hàng phải xuất trình chứng minh thư nhưng điều này chưa có trong quy định nên rất khó để áp dụng. Mong các cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể chúng tôi làm theo, thuận tiện cho cả người mua và bán”.

Quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng các loại đồ uống có cồn, ảnh hưởng đến thể lực, tư duy, trí tuệ, khả năng lao động của con người, đặc biệt là giới trẻ. Một ngụm nhỏ rượu chưa có tác hại ngay lập tức đối với trẻ vị thành niên, nhưng mỗi tuần uống vài ngụm sẽ gây hậu quả khó lường tới các cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể con người như hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp và nhất là tới não bộ.

Theo các chuyên gia, người ở tuổi vị thành niên chưa hoàn thiện thể chất và tinh thần, khả năng nhận thức và làm chủ hành vi còn nhiều hạn chế, cho phép nhóm đối tượng này sử dụng rượu là rất nguy hiểm. Tuy nhiên nhiều người cũng tỏ ra lo ngại về tính khả thi của Nghị định này.

Chị Nguyễn Kim Giang, nhân viên cửa hàng bán lẻ Vinmart cho rằng: Cái khó để thực hiện Nghị định này chính là ý thức của mỗi người. Người bán có thể vì lợi nhuận, họ sẵn sàng bán cho khách dưới 18 tuổi. Còn người sử dụng khi họ đã có nhu cầu họ sẽ có nhiều cách để mua được rượu. Họ có thể "lách luật" một cách đơn giản bằng cách nhờ người khác mua hộ. Điều quan trọng nhất là cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương để phát hiện các trường hợp vi phạm, từ đó Nghị định có thể triển khai khả thi trong thực tế. (Công an Nhân dân, trang 2)

 

Con suýt mù mắt, hôn mê... vì cha mẹ tự điều trị bệnh

Nhỏ sữa mẹ vào mắt con khiến con bị thủng giác mạc; cho con uống thuốc tiểu đường khiến con hôn mê… là những sai lầm khủng khiếp về chữa trị bệnh của nhiều người làm cha làm mẹ...

Nhỏ sữa vào mắt để trị ghèn, phù nề

Ngày 10.11, lãnh đạo Bệnh viện Mắt T.Ư cho biết, bé Đinh Phương Thảo (16 ngày tuổi, ở xã Mường Bang, huyện Phù Yên, Sơn La) nhập viện hôm 5.11 trong tình trạng mắt bị nhiễm trùng nặng. Bác sĩ chẩn đoán bé Thảo có nguy cơ bị loét thủng giác mạc 2 mắt.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam - phụ trách khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo để tránh nhiễm độc chì cho trẻ, các bậc phụ huynh không nên tự ý dùng các loại thuốc, nhất là thuốc cam, thuốc nam mua của những ông lang, bà mối bán ở chợ, không rõ nguồn gốc, không có giấy phép kinh doanh. Nếu có biểu hiện bất thường, nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.

 Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Thu Hương - khoa mắt Trẻ em (Bệnh viện Mắt T.Ư), bệnh nhi Thảo vào viện trong tình trạng mắt không thể tự mở, có dấu hiệu loét, thủng giác mạc. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng loét thủng giác mạc của bệnh nhi Thảo là do nhiễm trùng nặng, gia đình không hiểu biết đã dùng phương pháp điều trị dân gian nhỏ sữa mẹ vào mắt cho con làm tình trạng bệnh diễn biến nặng rất nhanh.

Theo chị Đinh Thị Sinh (mẹ của bệnh nhi Thảo), bé Thảo sinh ra hoàn toàn bình thường, bú sữa mẹ tốt, 2 ngày đầu bé mở mắt được. Tới ngày thứ 3, chị Sinh thấy mắt con có nhiều rỉ nên nhờ bác sĩ tại Trung tâm Y tế Phù Yên khám. Bác sĩ kê cho bé 2 lọ nước muối sinh lý và một lọ thuốc điều trị đau mắt cho bé.

Sau 7 ngày chị Sinh nhỏ thuốc mắt cho con, thấy mắt con sưng phù nề có nhiều rỉ, không mở được, lúc này chị Sinh được mọi người mách nhỏ sữa mẹ vào mắt con sẽ giúp khỏi. Nghe theo thời mọi người, chị Sinh hàng ngày nhỏ 3-4 giọt sữa vào mắt con. Sau vài ngày, thấy mắt con sưng to, chảy mủ, chị mới đưa con đến Bệnh viện Mắt T.Ư.

Theo bác sĩ Hương, bệnh nhi Thảo được chuyển tới Bệnh viện Nhi T.Ư để phối hợp điều trị tai, mắt và theo dõi tình trạng toàn thân. Bệnh nhi  yếu, cân nặng chỉ 2,5kg và mới chỉ 16 ngày tuổi nên việc điều trị cho bệnh nhi không chỉ về mắt mà còn phải điều trị phối hợp toàn thân. Bác sĩ Hương cho rằng tiên lượng bệnh của bệnh nhi rất dè dặt.

Trước đó, ngày 7.11, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cũng đã điều trị cho bệnh nhi 12 tuổi bị hôn mê, rối loạn tri giác do mẹ cho uống thuốc điều trị hạ đường huyết tùy tiện. Khi tiến hành xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện đường huyết bệnh nhi đã hạ xuống khá thấp, chỉ còn 30 mg/dl. Bệnh nhi được chích ngay một mũi đường và cho uống sữa. 30 phút sau, bé gái dần hồi tỉnh, tri giác ổn định.

Người mẹ cho biết, bản thân chị bị tiểu đường nhiều năm nên có sẵn máy đo đường huyết ở nhà. Chị đã đo thử đường huyết cho con và thấy đường huyết của con cao. Do đó, chị đã tự ý bẻ nửa viên thuốc điều trị tiểu đường cho con gái uống.

Đừng tự tiện điều trị cho con

Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, nhỏ sữa mẹ điều trị đau mắt là một phương pháp phản khoa học. Rất nhiều bệnh nhi sau khi được nhỏ sữa mẹ vào mắt thị bệnh đã tiến triển rất nặng và nhanh, do sữa là môi trường nhiều dinh dưỡng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển nặng lên.

TS Nguyễn Xuân Tịnh - quyền trưởng khoa Mắt trẻ em (Bệnh viện Mắt T.Ư) cũng khẳng định, nhỏ sữa mẹ vào mắt để chữa rỉ cho trẻ là hoàn toàn sai lầm. Thực tế trẻ khỏi đau mắt là do miễn dịch của cơ thể khỏe lên chứ không liên quan tới nhỏ sữa vào mắt.

Tại khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cũng thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhi bị ngộ độc chì nặng do cha mẹ, người thân cho các bé uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Cuối tháng 6.2017, bệnh nhi Bùi Anh D được chuyển đến viện. Theo lời người nhà, trẻ có tiền sử bị viêm da cơ địa từ lúc 1 tháng tuổi và đã được khám, điều trị theo đơn của bác sĩ tư nhân. Mặc dù được dùng cả thuốc bôi và uống theo đơn nhưng bệnh vẫn tái đi tái lại nên gia đình đã chuyển sang dùng thuốc đông y dạng thuốc cam đã 24 ngày. Cách 2 ngày trước khi vào viện, trẻ nôn nhiều, da xanh, co giật toàn thân, mỗi cơn kéo dài khoảng 5 phút, 5-6 cơn trong 2 ngày.

Qua khai thác bệnh sử và các biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ của khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Ma)i đã nghĩ đến bệnh nhi bị ngộ độc chì cấp do dùng thuốc cam không rõ nguồn gốc. Kết quả xét nghiệm cho thấy, nồng độ chì trong máu lên đến 105 microgam/100ml (cao gấp nhiều lần mức cho phép). Các bác sĩ đã cho bệnh nhi được lọc chì, ổn định sức khoẻ. Tuy nhiên những di chứng do ngộ độc chì có nguy cơ sẽ kéo dài.

Theo các chuyên gia y tế, chì là một chất cực độc, nhất là trong trường hợp ngộ độc cấp tính. Chì khó thải loại, khi vào cơ thể sẽ theo máu đến các cơ quan: Gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ, tiêu hóa… gây các triệu chứng đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, liệt chi, liệt thần kinh mắt, mất tiếng nói…. Để tự thải trừ chì ra khỏi cơ thể đôi khi phải mất hàng chục năm hoặc lâu hơn, khi đó hậu quả sẽ rất nặng nề do không kiểm soát được.  (Nông thôn Ngày nay, trang 13)

 

Thích ứng với già hóa dân số

Việt Nam hiện có hơn 10 triệu người cao tuổi (NCT), dự báo đến năm 2030, nước ta sẽ có gần 19 triệu và năm 2050 là hơn 28 triệu NCT. Sự chuyển đổi nhân khẩu này mang đến những cơ hội và cả những thách thức lớn, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của quốc gia và từng địa phương, cộng đồng và mỗi gia đình.

Việt Nam có tốc độ già hóa top 5 thế giới

Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và nằm trong tốp 5 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo Việt Nam chỉ mất 22 năm chuyển từ “già hóa dân số” sang “dân số già”.

Trong khi đó, các nước có nền kinh tế phát triển mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số (nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 10%) sang giai đoạn dân số già (nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 20%). Ví dụ: Australia mất 73 năm, Mỹ 69 năm, Canada 65 năm… Dự báo đến năm 2030, NCT Việt Nam chiếm 17% dân số và sẽ lên 25% vào năm 2050 (28 triệu người).

Với đời sống kinh tế - xã hội và hệ thống y tế phát triển, tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng cao, với mức trung bình là 75,6 tuổi, đứng thứ hai trong khu vực và đứng thứ 56 trên thế giới. Tuy nhiên, gánh nặng bệnh tật của người Việt cũng lớn, thời gian đau ốm trong cả cuộc đời khoảng 15,3 năm. Hiện nay, chúng ta đang phải đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, trung bình một NCT Việt Nam mắc 3 bệnh với khoảng 95% NCT có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của NCT.

Bên cạnh những khó khăn trong chăm sóc sức khỏe thì một khó khăn lớn nhất có thể thấy được là đời sống vật chất của NCT Việt Nam còn thấp. Có tới 68% NCT Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. 72,3% số NCT sống cùng với con cháu, trong khi xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Tình trạng NCT sống không có vợ/chồng chiếm tỷ lệ cao, số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông; phụ nữ cao tuổi sống ly hôn, ly thân gấp 2,2 lần so với nam giới. Với sức khỏe của NCT còn nhiều hạn chế, thì việc phải sống một mình là một điều rất bất lợi với NCT, bởi gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi thành viên khi về già.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, già hóa dân số tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội như tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tích lũy, lao động, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, thiết kế hạ tầng, dòng di cư quốc tế… Điều này đặt ra những thách thức lớn, có tác động lâu dài cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, trong đó có công tác chăm sóc sức khỏe NCT.

Triển khai toàn diện mô hình chăm sóc NCT

Thực tế cho thấy, hệ thống cơ sở chăm sóc sức khỏe NCT bước đầu được hình thành và phát triển từ Trung ương cho tới địa phương. Nhiều mô hình chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng được nhân rộng. Tuy nhiên, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT hiện vẫn chưa bắt kịp với sự chuyển đổi nhân khẩu học mạnh mẽ này. Hiện cả nước có một Bệnh viện Lão khoa Trung ương và 49/63 bệnh viện tỉnh, thành phố có khoa Lão, 3 cơ sở đào tạo bộ môn Lão khoa.

Theo GS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, NCT thường mắc các bệnh mạn tính như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, ung thư, đột quỵ… cần nhiều thời gian điều trị hay thậm chí phải điều trị suốt đời. Mặt khác, NCT sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc, do đó, chi phí y tế cho người già cao gấp 7 - 10 lần so với người trẻ tuổi. Theo GS Phạm Thắng, việc thành lập khoa Lão tại các bệnh viện là rất cần thiết bởi đặc điểm bệnh lý của NCT khác với các lứa tuổi khác như: Cơ quan bị lão hóa, nhiều bệnh cùng một lúc, dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ, rối loạn đi và ngã, giảm hoạt động chức năng, lú lẫn, trầm cảm, sử dụng nhiều thuốc, nguy cơ tai biến cao… đòi hỏi phải được chăm sóc một cách toàn diện và liên tục.

Đứng trước thực trạng và thách thức, ngày 30/12/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Quyết định số 7618/QĐ-BYT phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025 với mục tiêu đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia về NCT, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Để triển khai Đề án ở địa phương, ngày 22/3/2017, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 1376/BYT-TCDS về hướng dẫn kế hoạch về công tác DS-KHHGĐ năm 2017, trong đó giao chỉ tiêu cơ bản là 15% NCT được chăm sóc toàn diện, khám sức khỏe định kỳ và được điều trị khi ốm đau tại cơ sở y tế. Tăng thêm 10% NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm. Ngày 24/3/2017, Bộ Y tế tiếp tục gửi Công văn 1439/BYT-TCDS tới UBND các tỉnh, thành phố kèm theo hướng dẫn xây dựng Đề án/Kế hoạch hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2015. Đề án do Tổng cục DS-KHHGĐ chủ trì, điều phối và chịu trách nhiệm thực hiện. Hiện đã có 17 tỉnh, thành phố xây dựng và trình phê duyệt Đề án/Kế hoạch hành động. Ngày 28/8/2017, Tổng cục DS-KHHGĐ đã tổ chức Hội thảo tập huấn hướng dẫn triển khai Đề án và có lễ ký kết Kế hoạch phối hợp thực hiện Đề án với Trung ương Hội NCT Việt Nam.

Để thích ứng với xu hướng già hóa dân số, ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: Cần xây dựng hệ thống lão khoa trên toàn quốc nhằm bắt kịp sự biến đổi nhân khẩu học và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn của NCT, bao gồm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, đội ngũ y bác sĩ lão khoa; xây dựng các mô hình chăm sóc tại gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn vay của NCT để NCT đầu tư sản xuất, kinh doanh, đồng thời xem xét lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu nhằm phát huy vai trò của NCT, nhất là NCT có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, năng lực quản lý tốt.

Già hóa dân số tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, cộng đồng, quốc gia. Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho NCT cần được tiến hành toàn diện. Để làm được điều đó, không chỉ ngành DS-KHHGĐ mà cần có sự vào cuộc của các Bộ, ngành, đoàn thể, nhằm thích ứng với một xã hội già hóa dân số, đáp ứng tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT.

Phát biểu tại Hội nghị gần đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Việt Nam cần chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng; phát triển mô hình y học gia đình; đồng thời củng cố hệ thống bệnh viện chuyên về lão khoa và nhân lực trong chăm sóc NCT. Bên cạnh đó, cần phát triển nhiều mô hình như nhà dưỡng lão phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt. Đẩy mạnh phát triển y tế cơ sở để không chỉ phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu mà đặc biệt là chăm sóc NCT tập trung vào các bệnh mãn tính. (Gia đình & Xã hội, trang 6)

 

Bé trai 2 tuổi bị máy làm miến cắt đứt lìa bàn chân được nối thành công

Ngày 10-11, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện này vừa tiếp nhận một bé trai 2 tuổi nhập viện trong tình trạng bàn chân phải bị cắt gần như đứt lìa, do tai nạn trong lúc đang mải nghịch ở nhà…

Ngày 10-11, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện này vừa tiếp nhận một bé trai 2 tuổi nhập viện trong tình trạng bàn chân phải bị cắt gần như đứt lìa, do tai nạn trong lúc đang mải nghịch ở nhà…

Bệnh nhi là bé Duy (ở Hà Nội). Gia đình bé có nghề làm miến. Sáng 24-10, trong lúc không có người để ý, bé đã trèo lên máy làm miến của gia đình để nghịch, không may bị máy cứa gần đứt lìa bàn chân phải.

Bé được cấp tốc đưa vào Bệnh viện Quân y 103 sơ cứu rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng sốc chấn thương, bàn chân phải gần đứt lìa, mất nhiều máu, đứt xương, đứt động mạch, đứt dây thần kinh gân cơ.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành hội chẩn và quyết định phẫu thuật nối bàn chân phải cho bé Duy ngay trong sáng cùng ngày. Ca mổ kéo dài hơn 2 tiếng với sự phối hợp xử lý đồng bộ của các bác sĩ chuyên khoa Chấn thương – Chỉnh hình nhi, Gây mê hồi sức…

Sau ca phẫu thuật, bàn chân bé Duy đã hồng ấm trở lại và hiện tình trạng sức khỏe của cháu bé đã ổn định, các bác sĩ đã chỉ định cho bé Duy xuất viện.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, với các chấn thương đứt lìa một phần cơ thể hiện đã có thể phẫu thuật nối liền với tỷ lệ thành công lên đến trên 80%, với điều kiện các bộ phận chi đứt lìa được bảo quản đúng cách, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện kịp thời. (An ninh thủ đô, trang 2)

 

Bệnh viện Thạch Thất cứu sống mẹ con sản phụ vỡ tử cung trong đêm

Ngày 10-11, Bộ Y tế đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho tập thể và 6 cá nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất vì có thành tích đột xuất, xuất sắc cứu sản phụ bị vỡ tử cung đột phát trong đêm.

Ngày 10-11, Bộ Y tế đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho tập thể và 6 cá nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất vì có thành tích đột xuất, xuất sắc cứu sản phụ bị vỡ tử cung đột phát trong đêm.

Tối 6-11 vừa qua, sản phụ Nguyễn Thị Tuyết (22 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất cấp cứu trong tình trạng tử cung bị vỡ, ổ bụng ngập máu và nước ối. Lúc này, sản phụ đang mang thai lần đầu, thai được 37 tuần, dự sinh vào cuối tháng 11 này.

Bác sĩ Phạm Phi Long, Trưởng kíp trực ngoại-sản của bệnh viện tối 6-11 cho biết, qua thăm khám thấy sản phụ Tuyết có dấu hiệu vỡ tử cung: sốc mất máu, tử cung nhão nên đã xin hội chẩn khẩn cấp với ban giám đốc. Thai phụ được chẩn đoán bị vỡ tử cung tự phát. Nhận định tính mạng sản phụ và thai nhi đang bị đe doạ từng phút, lãnh đạo bệnh viện đã chỉ đạo mổ cấp cứu khẩn cấp.

“Bệnh nhân được đưa thẳng lên phòng mổ khi chưa kịp làm bệnh án, xét nghiệm cũng như thủ tục tối thiểu cho một ca mổ cấp cứu. Tổng thời gian từ lúc sản phụ vào viện đến khi lên bàn mổ là 11 phút. Trong quá trình phẫu thuật, chúng tôi thấy mặt sau tử cung có 2 đường vỡ, ổ bụng ngập máu và nước ối. May mắn thai nhi vẫn còn cử động” - bác sĩ Long kể.

Kíp phẫu thuật tiến hành lấy thai ngay, bé gái chào đời nặng 2,5 kg. Sau đó, một đội xử trí cấp cứu thai nhi ổn định, đội khác cố gắng bảo tồn tử cung vì sản phụ còn rất trẻ, lại mang thai lần đầu. Sau khi hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Thạch Thất đã quyết định khâu tử cung cho sản phụ Tuyết, thay vì cắt bỏ.

Ca mổ kéo dài 90 phút, hiện sức khoẻ của cả mẹ và con sản phụ đều ổn định. Các bác sĩ cho biết, trong trường hợp này, rất may nhà sản phụ gần bệnh viện, nếu chỉ chậm vài phút có lẽ sẽ khó cứu cả hai mẹ con.

Theo lời kể từ sản phụ Nguyễn Thị Tuyết, tối 6-11, sau khi ăn cơm và rửa bát xong, chị thấy đau nhẹ ở bụng, nghĩ do rối loạn tiêu hóa nhưng đi ngoài thấy không đỡ. Mẹ chồng thấy con dâu đau bụng, thai tụt xuống nên giục vào viện ngay dù thai phụ trẻ không hề nghĩ mình chuyển dạ.

“Em không nghĩ nghiêm trọng thế; chồng chở xe máy đưa em đi viện cách nhà 9 phút. Em còn đi bộ từ tầng 1 lên tầng 3- khoa Sản. Vừa leo lên giường, thì bác sĩ khám, vội vàng hô “mổ cấp cứu ngay”. Lúc đó em mới thấy sợ” – chị Tuyết kể. (An ninh thủ đô, trang 9)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong trang 10: “11 phút cứu sống mẹ con sản phụ vỡ tử cung”; Báo Hà Nội mới trang 6: “Khen thưởng Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất đã kịp thời cứu sống một sản phụ”

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang