Kiểm tra thông tin đũa dùng một lần có chất gây ung thư
ANTĐ - Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế cho biết, đơn vị này vừa nhận được thông tin về việc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm - Bộ Y tế Đài Loan (Trung Quốc) phát hiện 1 sản phẩm đũa dùng một lần nhập khẩu từ Việt Nam (trong số 250 mẫu đũa được kiểm tra năm 2015) có chứa chất gây ung thư.
Cụ thể, khi kiểm nghiệm, mẫu đũa dùng một lần này có chứa chất biphenyl (0.22ppm), ngoài ra còn 3 mẫu đũa khác có chứa chất hydrogen peroxide, tất cả đều có nguồn gốc từ Việt Nam.
Được biết, biphenyl và hydrogen peroxide là 2 chất tẩy trắng được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp, nếu tiếp xúc lâu dài sẽ nguy hại đến sức khỏe, có nguy cơ dẫn đến ung thư gan và các khối u ác tính. Hiện tại, Cục ATTP đã liên hệ với Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội đề nghị cung cấp thông tin chi tiết các doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn trên để kiểm tra và xử lý nếu có vi phạm. An ninh thủ đô (trang 4), Sức khỏe đời sống (trang 2)
Xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N6
Ngày 9.1, Trung tâm y tế H.Ngọc Hồi phối hợp với Trạm thú y, Phòng Nông nghiệp và UBND xã Đăk Kan, H.Ngọc Hồi (Kon Tum) tổ chức tiêu hủy 990 con gia cầm bị dịch cúm H5N6 của ông Hoàng Trung Đoàn ở xã Đăk Kan (ảnh); đồng thời tổ chức phun hóa chất khử trùng tiêu độc chuồng trại và trích ngân sách địa phương hỗ trợ về con giống cho gia đình ông Đoàn.
Trước đó, ngày 6.1, đàn gà của gia đình ông Đoàn xuất hiện tình trạng ủ rũ; khoảng 2 giờ đồng hồ sau đồng loạt lăn ra chết. Ngay lập tức, gia đình ông Đoàn đã báo cáo Trạm thú y H.Ngọc Hồi lấy mẫu gửi về Cơ quan Thú y Vùng 5 (TP.Buôn Ma Thuột) để xét nghiệm. Đến ngày 9.1, kết quả cho thấy đàn gia cầm (cả gà và vịt) của gia đình ông Đoàn dương tính với vi rút cúm A/H5N6. Thanh niên, Công an nhân dân (trang 4)
Lãnh đạo BV Bạch Mai nói gì vụ tuồn rác thải y tế ra ngoài?
SKĐS - Trước thông tin rác thải y tế của Bệnh viện Bạch Mai được tuồn ra các cơ sở chế biến đồ nhựa gây hoang mang dư luận, lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai đã có buổi cung cấp thông tin cho báo chí.
Thừa nhận có việc bán rác thải y tế
Tại buổi họp báo cuuối giờ chiều ngày 8/1, ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Bạch Mai thừa nhận việc Khoa có bán chất thải y tế ra thị trường nhưng là chất thải y tế không độc hai, không ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Viện chỉ bán các chai nhựa đựng các dung dịch không có chất hóa học nguy hại (NaCl 0,9%, glucose, natri bicacbonate, ringer lactat, dung dịch cao phân tử, dịch lọc thận...); các chai thủy tinh, lọ nhựa không chứa thành phân nguy hại, Giấy, báo, bìa, thùng các-tông, vỏ hộp thuốc.
Theo ông Hùng, những quy định này đã được cho phép như Quyết định của Bộ Y tế ban hành năm 2007 quy định danh mục chất thải được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế. Hơn nữa, điều này không vi phạm pháp luật vì Nghị định 38năm 2015 của Chính phủ có quy định: “chất thải lây nhiễm sau khi khử khuẩn thì được xử lý như đối với chất thải thông thường bằng phương pháp phù hợp”.
Ông Hùng cho biết, chất thải y tế bao gồm chất thải y tế thông thường và chất thải y tế nguy hại. Chất thải y tế có 80-90% là chất thải y tế thông thường, khoảng 10-20% là chất thải y tế nguy hại (chất thải lây nhiễm và chất thải hóa học nguy hại). Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo tăng cường tái chế chất thải y tế nhằm mục đích tránh lãng phí, hạn chế gây ô nhiễm môi trường và lợi ích về kinh tế.
Còn về quy trình xử lý rác thải của Bệnh viện, ông Hùng khẳng định, Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Bạch Mai đã tuân thủ đầy đủ các quy trình và những quy định của cơ quan chức năng. Đã có quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế về 3 loại chất thải đó là chất thải thông thường, chất thải nguy hại và chất thải tái chế. “Mỗi ngày, Bệnh viện Bạch Mai có khoảng 500 - 700 thùng rác thải. Trong đó, tỷ lệ thùng sai quy trình dưới 3%.... Chúng tôi đã thuê công ty Urenco 8 và Urenco10 xử lý chất thải và là nhà trúng thầu theo quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, BV cũng đã ban hành ISO về các quy định và chúng tôi đã thực hiện rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thừa nhận có một số nhân viên chưa tuân tuân thủ và có thời điểm không tốt. Cá nhân tôi xin chịu trách nhiệm trước ban lãnh đạo Bệnh viện”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng cho biết thêm, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn đang tiến hành một thử nghiệm khử trùng rác thải y tế nguy hại bằng lò hấp tiệt trùng trước khi đưa ra bên ngoài. Theo đó, trước khi khử trùng phải cắt nhỏ rác thải y tế và việc thử nghiệm này đã tiến hành được mấy tháng nay. Qua thử nghiệm 30 mẻ, thấy không còn vi khuẩn nên khoa mới bán rác thải y tế đã qua xử lý cho các cơ sở tái chế.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về những xe chở rác thải y tế từ bệnh viện bán ra ngoài, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, những loại rác thải được chở từ bệnh viện đi bán không phải là loại nguy hại và bị cấm: “Tại BV có những loại rác thải vẫn thường xuyên bán cho các đơn vị tái chế như chai dịch truyền bằng nhựa trung bình 71 kg/1 ngày, giấy vụn 140 cân, chai, lọ thủy tinh đựng các chất thải không nguy hại, chúng tôi kiểm soát chặt chẽ nhất có thể để đảm bảo khi ra môi trường không còn nguy hại nữa” ông Hiền khẳng định.
Sẽ xử lý nghiêm nếu xác định rõ sai phạm
Về phía ban lãnh đạo BV, ông Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, ngay trong sáng nay sau khi tiếp nhận thông tin về rác thải tuồn ra thị trường trên báo chí, Ban Giám đốc bệnh viện đã cho dừng việc sơ chế rác thải y tế của khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn để kiểm tra lại các khâu thu gom, phân loại, vận chuyển rác thải y tế. Nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó.
Ông Châu cũng cho biết thêm, Bệnh viện nhận sai sót vì đã để xảy ra hiện tượng như báo chí đã đăng, Bệnh viện không có chủ trương làm như vậy, những việc làm chưa đúng sẽ phải xem xét nghiêm túc, chấn chỉnh nghiêm túc. Đây là bài học cho Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn. Công tác quản lý rác thải nói riêng, quản lý trong bệnh viện nói chung sẽ được chấn chỉnh. Bên cạnh đó, những nhân viên làm việc không đúng sẽ được nghiêm túc xử lý. Sức khỏe đời sống (trang 3)
Tăng cường kiểm tra ATTP hàng Tết
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra ATTP, tập trung vào các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016. Phó Thủ tướng yêu cầu, trong năm 2016 cần có giải pháp cho vấn đề ATTP một cách căn cơ, tập trung giải quyết từ gốc, bắt đầu từ khâu thúc đẩy, mở rộng sản xuất nông sản an toàn. Sức khỏe đời sống (trang 2)
Người bệnh vẫn mong muốn các bệnh viện giảm thời gian chờ khám
SKĐS - Hầu hết người bệnh, người nhà bệnh nhân được hỏi đều hài lòng về thái độ phục vụ của nhân viên y tế. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng các BV này cần cải tiến quy trình khám chữa bệnh hơn nữa tăng thêm bàn khám, khám sớm hơn, tăng bàn siêu âm, trả kết quả siêu âm nhanh hơn…
Sáng 8/1, đoàn kiểm tra số 8 của Bộ Y tế đã đột xuất tới đến thanh tra về về việc thực hiện đổi mới phong cách phục vụ của cán bộ y tế hướng đến sự hài lòng của người bệnh tại hai các bệnh viện (BV) là: BV Xanh Pôn (Hà Nội), BV Phụ sản Trung ương và BV Thanh Nhàn.
Tại các BV này, đoàn kiểm tra do TS Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã trực tiếp hỏi một số người bệnh, người nhà bệnh nhân có hài lòng về thái độ phục vụ của nhân viên y tế không. Hầu hết người bệnh, người nhà bệnh nhân được hỏi đều hài lòng về thái độ phục vụ của nhân viên y tế. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng các BV này cần cải tiến quy trình khám chữa bệnh hơn nữa tăng thêm bàn khám, khám sớm hơn, tăng bàn siêu âm, trả kết quả siêu âm nhanh hơn…
Do công tác kiểm tra được tiến hành đột xuất nên khi đoàn kiểm tra số 8 tới BV Xanh Pôn trong sáng nay, BV bất ngờ, hầu như chưa có sự chuẩn bị. Trong buổi sáng, các thành viên đoàn trực tiếp kiểm tra, hỏi thăm bệnh nhân, thân nhân tại khu vực đón tiếp bệnh nhân và ghi nhận một số phản ánh của người bệnh về tình trạng phải chờ khám và thời gian khám bệnh quá lâu, thời gian chờ kết quả xét nghiệm cũng lâu.
Tại BV Xanh Pôn, bà Vũ Thị Xuyến ở Giảng Võ (Hà Nội) cho hay, bà đã khám lâu năm tại viện. Khi được hỏi về độ hài lòng, bà Xuyến cho hay: “Bệnh viện yêu cầu phải chính tôi có mặt đăng ký, bác sỹ phải nhìn thấy mặt tôi thì mới cho đăng ký khám. Trong khi, tôi đi lại rất khó khăn. Vì vậy, tôi mong muốn, ngành y tế có thể linh động với những trường hợp như tôi, sẽ được đặc cách ở ngoài phòng khám, không phải thân chinh vào đăng ký mà con gái bà có thể xếp hàng đăng ký lấy số thay.”
Trong cuộc họp đánh giá với BV Xanh Pôn, TS Phạm Văn Tác đã đề nghị BV khi gặp những trường hợp đi lại khó khăn như trường hợp của bệnh nhân Xuyến thì BV cần phải có sự linh động.
Tại BV Phụ sản Trung ương, đoàn công tác cũng tiến hành đi kiểm tra, chấm điểm 10 tiêu chí nằm trong quy định về thay đổi thái độ phục vụ. Trò chuyện với phóng viên, sản phụ Nguyễn Thanh Hải ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, so với vài năm trước khi chị đến khám thai để sinh con đầu lòng, hiện nay vào khám tại BV Phụ sản Trung ương đã “dễ thở” hơn, hầu như không còn tình trạng chen ngang khám mà theo thứ tự trên bảng điện tử; chỗ ngồi cũng thoáng mát hơn. Đặc biệt là tinh thần, thái độ của nhân viên y tế, nhất là bộ phận thu tiền, lấy máu xét nghiệm đã nhẹ nhàng, niềm nở hơn chứ không cáu gắt như trước. Bảng chỉ dẫn các khoa phòng khám/siêu âm cũng rõ ràng hơn. Tuy nhiên, chị Hải cũng chia sẻ, thời gian chờ lấy kết quả xét nghiệm vẫn lâu, có khi phải sang buổi chiều mới có.
Tại buổi khảo sát, đại diện Bộ Y tế yêu cầu bệnh viện Phụ sản Trung ương giảm bớt biển hiệu ở khu vực chờ khám bệnh, bởi hiện nay tại đây có quá nhiều biển hiệu chỉ dẫn cho người đến khám và tư vấn với quá nhiều biển hiệu chữ nhỏ và dày đặc chữ khiến người khám bệnh không thể đọc hết được.
Tại BV Thanh Nhàn, khi thấy đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đi khảo sát thực tế, bác Bùi Luân Lãnh – 74 tuổi ở Đống Đa (Hà Nội) đã “níu” lấy TS Phạm Văn Tác kể chuyện: “Tôi đã khám và là bệnh nhân của BV Thanh Nhàn khoảng 10 năm nay. So với trước đây, hiện nay đến khám tại BV sướng hơn nhiều. Người bệnh đã có ghế ngồi ở khu vực thoáng mát, chứ không phải chen chân để có chỗ đứng đợi khám như cách đây vài năm. Thái độ của nhân viên y tế cũng đã có sự thay đổi theo chiều hướng tốt hơn”. Đặc biệt, ông Lãnh cho biết “suốt nhiều năm là bệnh nhân của BV Thanh Nhàn nhưng ông chưa có cơ hội hối lộ bác sĩ bao giờ vì chưa lần nào ông bị gây khó khăn khi khám bệnh hay nằm viện”.
Mặc dù vậy, bệnh nhân Cao Thị Lành ở Hoàng Mai lại phàn nàn với PGS.TS NGuyễn Tuấn Hưng- Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ là chị rất bức xúc khi ngày 7/11/2015 vừa qua, chị đưa cháu đi đẻ tại BV Thanh Nhàn. Mặc dù cháu chị đã mở 4 phân, nhưng do cửa vào khu phòng chờ đẻ đóng, chị không thể đưa giấy nộp viện phí cho nhân viên của phòng đẻ nên cháu chị đã bị yêu cầu ra ngoài để đóng viện phí rồi mới vào phòng đẻ. “Lúc đó thấy cháu ra kể thế, tôi rất bực, đưa giấy đóng viện phí cho cháu mà tôi cứ nghĩ, nếu không may trong lúc cháu tôi ra tìm tôi mà đẻ rơi thì sao?” “Giá như nhân viên y tế linh động hơn thì tốt”- chị Lành mong muốn.
Tại buổi kiểm tra, TS Tác cho biết, thời gian vừa qua, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, đã thành lập 8 đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra tại các cơ sở y tế trên toàn quốc. Theo ghi nhận bước đầu của các đoàn kiểm tra, mặc dù vẫn còn có những thiếu sót trong công tác thực hiện ở các BV nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, đã thấy được tính ưu việt của việc thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng đến sự hài lòng của người bệnh”, thu hút được sự đồng tình của người dân, có thể thấy được sự khả thi và chuyên nghiệp trong tương lai sắp tới.
Tuy nhiên, cũng theo TS. Phạm Văn Tác, từ thực tiễn hiện nay, từ thông tin trên báo chí, hay từ thông tin qua đường dây nóng, qua trang fanpage của Bộ trưởng Bộ Y tế vẫn còn có những ý kiến chưa hài lòng của người bệnh. Do đó, các BV cần quyết liệt, nghiêm túc triển khai các đầu mục của Kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng đến sự hài lòng của người bệnh” mà Bộ Y tế đã đưa ra, tiến hành tập huấn thường xuyên, đầy đủ cho tất cả cán bộ y tế của BV, lắng nghe những ý kiến của người bệnh/ người nhà bệnh nhân để ngày càng hoàn thiện hơn, làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh.
“Mục tiêu lớn nhất của kế hoạch này là mong muốn nhân viên y tế và người bệnh/ người nhà bệnh nhân ngày càng hiểu nhau, gần nhau hơn”- TS Tác nói.
Theo tiêu chí chấm điểm Đánh giá mức độ thực hiện "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế" năm 2015 của Bộ Y tế, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (từ 90 điểm trở lên); Hoàn thành tốt nhiệm vụ (từ 70 - 89 điểm); Hoàn thành nhiệm vụ (từ 50 - 69 điểm); Không hoàn thành nhiệm vụ (dưới 50 điểm). Kết quả buổi thanh tra, Bệnh viện Xanh Pôn đạt tổng số điểm là 86/100 điểm - xếp ở mức đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. BV Phụ sản Trung ương đạt số điểm là 82/100 điểm - xếp ở mức đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Riêng BV Thanh Nhàn đạt mức cao nhất với 88 điểm. Sức khỏe đời sống (trang 2)
Thời tiết thất thường, trẻ ào ào nhập viện
GiadinhNet - Miền Bắc, Bắc Trung bộ những ngày qua trong trạng thái giao mùa đông – xuân, thời tiết liên tục thay đổi. Trời chuyển nóng - lạnh thất thường khiến hàng loạt trẻ trở bệnh, nhập viện với các triệu chứng cơ bản như sốt cao, ho nhiều, khó thở.
Hàng loạt trẻ trở bệnh
Ghi nhận của PV Báo GĐ&XH tại Bệnh viện Nhi Trung ương vào hai ngày cuối tuần cho thấy, rất đông bệnh nhi đến khám và điều trị. Khu vực Khoa Khám bệnh luôn trong tình trạng chật cứng người. Nhiều phụ huynh phải bế trẻ đứng chờ khám. Khu vực trước cửa phòng chụp X-quang luôn trong tình trạng quá tải. Nhiều ông bố, bà mẹ ôm con ngồi chờ với gương mặt lo lắng, mệt mỏi.
Ngồi trông cháu ở hàng ghế chờ, ông Tạ Quang Hữu (quê ở TP Hải Phòng) cho biết, hai cháu nội của ông đều bị sốt cao, ho nhiều kèm đờm, thỉnh thoảng khó thở. Trong đó, cháu thứ hai (3 tuổi) có dấu hiệu nặng hơn anh trai (5 tuổi) vì cháu thở khó, tần suất ho cũng dày hơn. “Thời tiết chuyển mùa, ẩm thấp, người lớn còn dễ “dặt dẹo”, nói gì đến trẻ con. Cả xóm tôi trẻ ốm hàng loạt”, ông Hữu vừa dỗ dành cháu, vừa nói.
Kế bên ông Hữu, chị Nguyễn Thị Hương (quê Việt Trì, Phú Thọ) cho biết: “Cách đây gần một tháng, con trai tôi (11 tháng tuối) bị ho nhiều, sốt cao. Điều trị gần khỏi rồi, nhưng mấy ngày gần đây, cháu lại ho nhiều, đêm đến ho còn dai dẳng hơn. Sốt, ho… nên cháu trông teo tóp hẳn đi”.
Tại Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), dù không đông như Bệnh viện Nhi Trung ương nhưng số bệnh nhi tới khám cũng tăng đáng kể do thời tiết chuyển mùa. Tại Phòng Cấp cứu nhi, các bác sĩ cho biết, đa phần những trường hợp nhập viện đều do trẻ mắc các vấn đề liên quan đến đường hô hấp như ho nhiều, khó thở, viêm phế quản, viêm phổi…
Trường hợp bé Hoàng Phương Thảo (20 ngày tuổi), nhập viện do ho nhiều, khó thở, thở khò khè. Chị Hà Thị Ngoan (mẹ bé, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết, cách đây vài ngày, thấy con sổ mũi, ho nhiều nên chị đã hấp mật ong và lá hẹ cho con uống. Tuy nhiên, tình trạng của bé vẫn không cải thiện, thậm chí còn nặng hơn.
Nhập viện cấp cứu, bé Thảo được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm phổi nặng, phải nhập viện để theo dõi và điều trị. Chị Ngoan cho biết thêm, cậu con trai 5 tuổi nhà chị cũng thường bị ho, sốt mỗi khi chuyển mùa. Trước đây, cháu cũng đã từng phải nhập viện vì bị viêm phế quản. Còn bé Thảo, do bị sinh non, nhẹ cân (1,9kg) nên bị suy hô hấp khi mới chào đời. Do sức đề kháng yếu, lại gặp thời tiết nóng lạnh thất thường, khi về nhà được vài ngày, bé Thảo hay quấy khóc, ho nhiều nên phải đưa trở lại viện. Hiện bé Thảo đang được hỗ trợ thở bằng oxy và được các bác sĩ theo dõi.
Ngưng thở, thổ huyết vì dùng thuốc hạ sốt sai cách
TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, mùa đông - xuân với đặc điểm là nhiệt độ lạnh, độ ẩm cao, nhất là những nước như ở Việt Nam, sự biến đổi nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, thuận lợi cho một số loại virus tồn tại và phát triển. Sức đề kháng của cơ thể, đặc biệt là hàng rào bảo vệ tự nhiên ở niêm mạc mũi, đường hô hấp dễ bị tổn thương, tạo điều kiện cho tác nhân gây bệnh xâm nhập.Trong mùa đông - xuân, mọi người thường có xu hướng tập trung đông trong phòng kín, thiếu thông khí. Bên cạnh đó, đây cũng là khoảng thời gian có nhiều dịp lễ hội tập trung đông người, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh đường hô hấp lây lan và phát triển.
Theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, một trong những tâm lý phổ biến mà phụ huynh thường mắc phải khi thấy con bị các triệu chứng như sốt, ho hắng là tức tốc tự tìm mua thuốc giảm sốt cho con. Theo BS Bạch Văn Cam - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), bình thường nhiệt độ của cơ thể con người là từ 36,5 – 37,50C. Ở trẻ em, do trung tâm điều hòa chưa hoàn chỉnh nên trẻ dễ bị sốt và sốt cao. Còn BS Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, không ít cha mẹ đang cho con dùng thuốc paracetamol rất lành, nhưng hạ sốt không sâu, thời gian tái sốt nhanh, lại tìm ngay loại thuốc khác thay thế cho yên tâm. Tuy nhiên, có những nhóm thuốc hạ sốt vốn bị hạn chế sử dụng vì nhiều nguy cơ. “Như thuốc hạ sốt chứa hoạt chất ibuprofen, tốt với bệnh nhi mắc tay - chân - miệng do vừa hạ sốt, vừa chống viêm, giảm phản ứng viêm. Còn với sốt do nguyên nhân khác, dùng thuốc này không đúng rất nguy hiểm. Nhiều trường hợp em bé ho, nôn ra máu vì uống loại thuốc này”, BS Đỗ Thiện Hải cho biết.
Đơn cử với trẻ bị sốt xuất huyết, theo BS Đỗ Thiện Hải, trẻ bị bệnh này tiểu cầu giảm mạnh, dùng thuốc chứa hoạt chất ibuprofen sẽ ảnh hưởng đến đông máu, nguy cơ chảy máu càng cao hơn, thậm chí có em bé chảy máu ào ạt. BS Đỗ Thiện Hải nói: “Tôi đã từng tiếp nhận bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết ngày 3 - 4, sốt cao 39 - 400C, dùng paracetamol hạ sốt không hiệu quả, mẹ em bé đã chủ động đổi thuốc. Đến ngày thứ hai bé nôn ra máu, vào viện dừng thuốc là hết bởi may mắn bị chảy máu nhẹ vùng họng. Còn nếu chảy máu nặng, ở cả đường tiêu hóa, chảy 1 - 2 tiếng gây tụt huyết áp, em bé sốc có thể tử vong”.
Theo BS Đỗ Thiện Hải, khi trẻ sốt, các hoạt động chuyển hóa của cơ thể tăng lên, huy động hệ thống bảo vệ cơ thể. Nếu người lớn can thiệp hạ sốt nhanh thì khả năng bảo vệ này sẽ kém đi. Với bệnh sốt virus thông thường, các bác sĩ không khuyến khích hạ sốt quá sâu, chỉ xuống dưới 38,50C để tránh nguy cơ co giật. Vì thế, thuốc chứa hoạt chất ibuprofen cũng không được khuyến cáo dùng.
Loại thuốc hạ sốt khác mà các bác sĩ cảnh báo, đó là nhóm thuốc chứa chlorpheniramine. Loại thuốc này được sử dụng rất phổ biến ở các vùng nông thôn vì giá rẻ, hạ sốt tốt. BS Đỗ Thiện Hải đã từng gặp hai trường hợp bệnh nhi ngưng thở vì uống loại thuốc hạ sốt này. Đây là nhóm thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ, không nên dùng, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi vì thuốc có cơ chế có thể gây ngừng thở. Gia đình & xã hội (trang 1), Nông thôn ngày nay (trang 2)
Nghiên cứu về kháng sinh của Bệnh viện Chợ Rẫy nhận giải Kova
SKDS-Công trình “Xây dựng, áp dụng và đánh giá hiệu quả của chương trình quản lý sử dụng kháng sinh tại Bệnh viện Chợ Rẫy” vừa được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao giải thưởng Kova
Đây là nghiên cứu đầu tiên ở phía Nam cũng như Việt Nam liên quan đến quản lý sử dụng thuốc kháng sinh. Công trình được tiến hành từ tháng 9/2013 trên 800 bệnh nhân, với sự tham gia của gần 50 bác sĩ.
Tháng 6/2015, công trình được Sở Khoa học Công nghệ TP. HCM nghiệm thu loại xuất sắc khi giảm 57,8% tỷ lệ sử dụng kháng sinh trên nhóm đối tượng nghiên cứu, giảm chi phí, thời gian điều trị. tỷ lệ mang gen kháng thuốc giảm đáng kể, hạn chế nhiễm khuẩn bệnh viện… Công trình đang được phát triển thành đề tài đa trung tâm, chuyển giao và áp dụng rộng rãi cho nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Đây là công trình tập thể duy nhất nhận giải thưởng Kova ở hạng mục Kiến tạo. Giải thưởng cá nhân được trao cho 4 cá nhân xuất sắc gồm:
BS. Nguyễn Minh Tiến - Trưởng Khoa Hồi Sức Tích Cực – Chống Độc (BV Nhi đồng 1 TP HCM) với “Kỹ thuật lọc máu liên tục trong điều trị bệnh tay chân miệng biến chứng nặng và lọc máu liên tục trong suy đa cơ quan do ong đốt”;
TS. Phạm Văn Phúc - Phó Phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc ĐH Tự nhiên TP.HCM với "Nghiên cứu chế tạo Kit tách chiết tế bào gốc từ mô mỡ và huyết tương giàu tiểu cầu ứng dụng trong điều trị bệnh".
“Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ chế biến thực phẩm từ rong sụn Kappaphycus Alvarezii và sản phẩm nước uống từ rong Porphyra” của GS.TS Đống Thị Anh Đào - Chủ tịch Hội tế bào gốc TP HCM, Giảng viên ĐH Bách Khoa TP.HCM;
Đặc biệt, bác nông dân 85 tuổi Đinh Công Viên (Hà Nam) cũng được vinh danh. Bác đã vượt qua mọi khó khăn, miệt mài sáng chế các loại máy phục vụ nông nghiệp;
Giải thưởng Kova lần thứ 13 cũng đã trao tặng nhiều cá nhân, tập thể ở hạng mục sống đẹp những người có nhiều đóng góp lớn cho xã hội và hơn 100 suất học bổng cho các sinh viên nghèo vượt khó, đạt học lực giỏi trở lên, là tấm gương sáng về nghị lực trong cuộc sống.
Giải thưởng Kova là giải thưởng thường niên uy tín được khởi xướng từ năm 2002 do PGS.TS Nguyễn Thị Hòe – Chủ tịch Tập đoàn Sơn KOVA sáng lập. Năm 2002, Uỷ ban Giải thưởng KOVA được thành lập do Bà Nguyễn Thị Bình – Nguyên Phó Chủ tịch nước làm Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng KOVA. Từ năm 2012, vị trí Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng KOVA được chuyển giao cho Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.
Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh giá cao những thành tích, đóng góp của các nhà khoa học, các tấm gương sống đẹp cũng như dành những lời khen ngợi, động viên sự nỗ lực vươn lên, không đầu hàng số phận của các em sinh viên nghèo từ khắp nơi trên cả nước về nhận giải.
Giáo sư Nguyễn Thị Hòe, Giám đốc Quỹ giải thưởng Kova, cho biết thêm, dự kiến thời gian tới giải thưởng sẽ mở rộng phạm vi, trao học bổng cho những sinh viên xuất sắc tại Malaysia và Singapore. Sức khỏe đời sống (trang 2)