Mua thuốc trên mạng, cẩn thận kẻo tiền mất, tật mang
Hiện nay, việc dễ dàng mua thuốc trên mạng xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ khôn lường. Đối với những bệnh nhân thận mạn tính, việc tùy ý mua và sử dụng các loại thuốc không qua kê đơn, kiểm soát của bác sĩ chuyên khoa sẽ vô tình khiến bệnh nặng hơn.
Suy thận mức độ 5 sau 3 tháng uống cỏ mực và đậu đen xanh lòng
Anh P.V.H (47 tuổi, Vĩnh Long), vốn là bệnh nhân suy thận độ 3 thăm khám và điều trị tại Bệnh viện Bình Dân, TPHCM. Các bác sĩ hướng dẫn anh dùng thuốc để bảo tồn chức năng thận giúp ngăn chặn sự tiến triển của bệnh thận mạn tính. Tuy nhiên, bệnh nhân sau đó đã không tái khám theo lịch hẹn.
Đầu tháng 10.2023, anh H quay lại bệnh viện khám, vì ăn uống kém, da xanh xao, chân đau nhức không rõ nguyên do và cơ thể mệt mỏi. Tại đây, bác sĩ chỉ định anh thực hiện các xét nghiệm đánh giá chức năng thận. Kết quả cho thấy, anh đã rơi vào suy thận cấp trên nền suy thận mạn tính, độ lọc cầu thận chỉ còn 4ml/phút/1,73m2, anh H được chẩn đoán suy thận giai đoạn 5 - giai đoạn nghiêm trọng nhất của bệnh thận mạn tính.
Bệnh nhân được tư vấn nhập viện để lọc máu nhằm tránh nguy cơ hôn mê, tử vong do các biến chứng suy thận cấp gây ra.
Anh H cho biết: “Tôi được người quen mách bảo uống cỏ mực và đậu đen xanh lòng mua trên mạng để trị bệnh, mỗi ngày uống khoảng một nắm tay cỏ mực và 2-3 muỗng đậu đen xanh lòng”.
Sau 3 tháng uống liên tục, anh H rơi vào tình trạng suy thận nặng, cơn đau chân xuất hiện cũng có thể do tình trạng gout trên người suy thận.
Theo BS.CKII Lê Thị Đan Thùy - Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu Bệnh viện Bình Dân: “Tại thời điểm nhập viện, anh H vẫn cho rằng, sức khỏe của mình không có gì nghiêm trọng và muốn về nhà đi làm kiếm tiền nuôi con. Chúng tôi giải thích kỹ, anh mới hiểu rõ là mình đang trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm tính mạng và nguy cơ phải chạy thận suốt đời. Sau 2 ngày điều trị, tình trạng đau nhức chân cùng các triệu chứng suy thận khác của anh H đã giảm, chức năng thận được cải thiện. Tuy nhiên, nếu đáp ứng điều trị bằng thuốc kém, chức năng thận không phục hồi tốt hơn, anh H sẽ phải lọc máu định kỳ suốt đời”.
Thuốc chưa rõ nguồn gốc tiềm ẩn nguy cơ bệnh nặng
Hiện nay, trên các trang mạng xã hội có nhiều quảng cáo bài viết cam kết điều trị các bệnh thận mạn tính dứt điểm. Tuy nhiên, ghi nhận tại Bệnh viện Bình Dân TPHCM, từ đầu năm đến nay, bệnh viện liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp suy thận mức độ nặng do tổn thương thận cấp trên nền bệnh thận mạn, có liên quan đến các loại thuốc chưa rõ nguồn gốc để sử dụng.
Bác sĩ Lê Thị Đan Thùy cho biết: “Người suy thận cần tuân thủ điều trị và có chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý thì mới kiểm soát tốt biến chứng trên thận. Những bệnh nhân tuân thủ điều trị có thể bảo tồn chức năng thận ổn định dù phát hiện suy thận nhiều năm”.
Thực tế có những bệnh nhân tự ngưng điều trị, tự thay thế hoặc uống kèm thêm các loại lá cây không rõ nguồn gốc theo lời mách bảo trên internet. Ngoài cỏ mực thì hiện nay trên mạng còn lan truyền nhiều bài thuốc lợi tiểu, tốt cho thận như cây rễ gió, cây mộc thông, cây nhạc ngựa, mộc phòng kỷ... Tất cả các cây này đều có chứa chất độc acid aristolochic gây tổn thương thận, suy thận, đáng ngại là những loại cây này đang được một số người lấy ngâm rượu uống với mục đích chữa bệnh, tẩm bổ.
PGS.TS.BS Phạm Văn Bùi - Hội trưởng Hội Lọc máu TPHCM - cho biết, việc bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị bệnh thận không theo chỉ dẫn của thầy thuốc là cực kỳ nguy hiểm, dù thuốc đó là thuốc tây y hay thuốc đông y.
“Tôi đã gặp nhiều bệnh nhân đang điều trị ổn định, nhưng lại tự ý đi cầu cứu nhiều nơi, đến khi tình trạng chuyển nặng mới vào bệnh viện điều trị vì chức năng thận suy sụp. Việc dùng thuốc truyền tai nhau nên tránh, vì mỗi một bệnh nhân có một đặc điểm cơ thể riêng, từ đó thầy thuốc kê toa từng bệnh lý” - PGS.TS.BS Phạm Văn Bùi nhấn mạnh (Lao động, trang 3).
Vợ chồng vướng vòng lao lý, bệnh viện triệu USD tại Nghệ An bỏ hoang
Bệnh viện Đa khoa Thành An - Sài Gòn tại TP Vinh (Nghệ An) được đầu tư hàng chục triệu USD, sau khi đi vào hoạt động một thời gian đã cửa đóng then cài từ năm 2018.
Bệnh viện triệu đô trở thành bãi đỗ xe
Ngày 31.10, phóng viên có mặt tại 54 Lý Thường Kiệt, TP Vinh (Nghệ An) ghi nhận tình trạng một cơ ngơi đồ sộ với những khối nhà cao tầng và hệ thống cơ sở vật chất ở trung tâm TP Vinh đóng cửa. Nhiều hạng mục của bệnh viện đã xuống cấp, hư hỏng.
Chủ tịch UBND phường Lê Lợi (TP Vinh) - ông Lê Văn Long xác nhận sự việc và cho biết thêm, do chủ đầu tư nợ nần kéo dài, bệnh viện ngừng hoạt động và bỏ hoang cơ sở vật chất, ngoài ra còn liên quan đến tài sản thế chấp tại ngân hàng.
“Là cán bộ địa phương, tôi thấy tình trạng này quá lãng phí. Nhưng do đây là tài sản riêng thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp, nên địa phương không thể làm gì” - ông Long nói.
Ngừng hoạt động do quản lý yếu kém
Bệnh viện Đa khoa Thành An - Sài Gòn được thành lập năm 2009 do Công ty TNHH TM Minh Khang (Công ty Minh Khang) làm chủ. Tổng mức đầu tư ban đầu lên tới 10 triệu USD (175 tỉ đồng), trong đó đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế là 75 tỉ đồng. Bệnh viện đã đi vào hoạt động nhiều năm, bắt đầu gây dựng được uy tín.
Tuy nhiên, do chủ đầu tư nợ nần, quản lý tài chính yếu kém, bệnh viện ngày càng khó khăn. Ngày 30.7.2016, cán bộ, y bác sĩ và người lao động của bệnh viện đã đồng loạt nghỉ việc do lãnh đạo thất hứa trong việc trả lương.
Sở Y tế Nghệ An đã tổ chức buổi làm việc, yêu cầu lãnh đạo bệnh viện cam kết trả lương; ngoài ra đảm bảo ít nhất 2 tỉ đồng để bổ sung đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Nguyên nhân sâu xa của việc nợ lương kéo dài là do Công ty Minh Khang đầu tư nhiều nơi cùng một lúc, nhưng hiệu quả kém, thua lỗ. Cùng thời điểm công ty đang đầu tư một loạt bệnh viện ở các địa phương khác như: Bệnh viện Thăng Long (Bắc Ninh), Bệnh viện Thành An ở Phnôm Pênh (Campuchia), Bệnh viện Đa khoa Thành An - FHS (Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh).
Năm 2018, Sở Y tế Nghệ An đã kiểm tra bệnh viện Thành An - Sài Gòn. Tại thời điểm đó, bệnh viện không thực hiện hoạt động khám chữa bệnh, không có nhân viên y tế làm việc, nợ lương, nợ bảo hiểm của hàng chục lao động. Sở Y tế Nghệ An đã yêu cầu bệnh viện làm thủ tục ngừng hoạt động khám chữa bệnh; Kiến nghị Bộ Y tế thu hồi giấy phép; Đề nghị BHXH tỉnh Nghệ An chấm dứt hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm Y tế tại bệnh viện Thành An - Sài Gòn (Lao động, trang 1).
Sức mạnh cho “tuyến đầu”
Hiện nước ta có hơn 11.400 trạm y tế xã, phường, thị trấn, thôn, bản... Đây là mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất, là tuyến đầu trong phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe, cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật.
Tuy nhiên, có một thực trạng đáng buồn là nhiều người dân khi bị bệnh lại chẳng mấy ai lựa chọn tới y tế xã, phường để khám, chữa bệnh mà chỉ muốn “lao” lên tuyến trên, dẫn đến tình trạng quá tải của những bệnh viện tuyến trên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng có thể thấy, nguyên nhân mấu chốt là do chất lượng của hệ thống y tế cơ sở chưa bảo đảm nên chưa tạo được niềm tin với người dân. Vẫn còn 22,1% số trạm y tế xã chưa đầu tư kiên cố; số nhân lực y tế ở cơ sở thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế.
Với quan điểm y tế cơ sở là nền tảng, phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở, xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân để chăm sóc tốt nhất sức khỏe cho nhân dân, vừa qua Ban Bí thư Trung ương Ðảng đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TƯ (ngày 25-10-2023) về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.
Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 25-CT/TƯ, trước mắt cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; sơ cấp cứu, khám chữa bệnh; quản lý sức khỏe cá nhân và bệnh không lây nhiễm; phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe nhân dân. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng và kết nối với y tế cơ sở trong quản lý sức khỏe cá nhân. Bên cạnh đó, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy y tế cơ sở. Thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo mô hình y học gia đình; kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại; kết hợp quân y và dân y; gắn với y tế trường học.
UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo cơ quan, đơn vị sự nghiệp y tế công lập thuộc địa phương quản lý thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng viên chức theo đúng vị trí việc làm; có chính sách đột phá để thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi làm việc, gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở, nhất là vùng khó khăn, biên giới, hải đảo; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả việc luân phiên, luân chuyển, điều động nhân lực y tế để hỗ trợ thường xuyên cho y tế cơ sở.
Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển. Chính vì vậy cần đổi mới cơ chế, phương thức hoạt động, gia tăng sức mạnh cho y tế cơ sở để thực sự là tuyến đầu trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời, nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, đó là đến năm 2030, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số; hơn 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được bảo hiểm y tế chi trả; trên 95% dân số được quản lý sức khỏe; người có nguy cơ cao mắc bệnh được kiểm tra sức khỏe ít nhất mỗi năm một lần (Hà Nội mới, trang 1).
Ngỡ ngàng hội nhóm khuyến khích tự tử
Thay vì động viên nhau thoát khỏi căng thẳng hay trầm cảm, hiện nay có nhiều hội nhóm với số lượng hàng chục ngàn thành viên trên mạng lập ra, chia sẻ những thông tin tiêu cực, thậm chí xúi giục, rủ rê, hướng dẫn các hình thức tự tử. Sau dịch COVID-19, tỉ lệ người mắc rối loạn tâm thần không ngừng tăng lên, vì vậy việc xúi giục này tác động tiêu cực, có thể dẫn đến những hành vi nguy hiểm.
Hiển nhiên xúi giục nhau tự tử
Nhiều hội nhóm trên Facebook có hàng chục ngàn đến hàng trăm ngàn thành viên tham gia, xúi giục nhau tự tử. Các nhóm này hình thành và lấy nhiều tên gọi như: "Hội những người muốn tự tử", "Hội những người tìm cách tự tử không đau", "Hội những người chán ghét cuộc sống, muốn tự tử", "Hội những người muốn tự tử sau khi biết điểm thi"...
Mặc dù được ghi rõ thông tin nhóm tự tử không hẳn là để tự tử mà đặt tên nhóm thế này để nhắm vào những người có ý định tự tử, để chia sẻ nỗi buồn và lo âu, giải tỏa áp lực, nhưng sau khi có bài viết được đăng tải, thay vì động viên, nhiều người lại "nhảy vào" xúi giục những chủ nhân các bài viết tìm đến cái chết.
Các bài viết được đăng tải với nội dung chủ yếu chia sẻ về những hoàn cảnh khó khăn mình gặp phải như: gia đình bị phá sản, ngoại hình không như mong muốn, trầm cảm trong thời gian dài, điểm thi thấp, bị cô lập trong lớp học..., đang chán nản lại bị "chỉ dạy" nên dễ có hành vi làm hại bản thân hơn.
Nhiều tài khoản còn xúi giục cụ thể những cách tự tử như: sử dụng các loại thuốc độc, uống thuốc quá liều, thậm chí tác động hành vi để nhanh chết.
Một bài viết của tài khoản T.D. đăng tải trên nhóm "Hội những người muốn tự tử" với hơn 117.000 thành viên với nội dung tìm đến cái chết êm nhẹ, không gây ra đau đớn.
Dưới bài viết có đến hàng trăm bình luận của nhiều người khuyến khích tìm đến cái chết từ việc dùng thuốc, xúi giục thực hiện hành vi nguy hiểm. Thậm chí, nhiều tài khoản còn bán cả các loại... chất độc.
Không thể xem thường!
Thạc sĩ Trần Quang Trọng - khoa tâm lý lâm sàng Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết đối với những bệnh nhân gặp phải các rối loạn tâm lý như trầm cảm, sang chấn tâm lý luôn muốn tìm hiểu xem xung quanh có ai bị những vấn đề giống mình không. Đa phần họ sẽ tìm tới những nguồn lực xung quanh để có được sự đồng cảm, chia sẻ.
Tuy nhiên, nếu không có được những nguồn lực xung quanh, họ có thể tham gia những hội nhóm trên mạng xã hội để tìm sự xoa dịu một phần cảm xúc mà họ đang gặp phải. Ngoài ra, trên thực tế việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng khó khăn hơn việc tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội.
Trong những lúc rơi vào trạng thái trầm cảm bệnh nhân rất bế tắc, để giải thoát, người bệnh có thể rất dễ thực hiện hành vi tự sát nếu được xúi giục.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ái Vân - viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - cho hay những người có ý định tự sát thường nói về tự tử, chết chóc, không có lý do để sống. Họ dành nhiều thời gian bận tâm với cái chết; thu rút khỏi bạn bè hoặc hoạt động xã hội; mất hứng thú với sở thích, công việc, trường học và chuẩn bị cho cái chết.
"Những người này thậm chí sẽ cho đi những tài sản có giá trị cao; hoặc mất sự quan tâm đến diện mạo cá nhân của họ; tăng cường sử dụng rượu hoặc ma túy; phải đối mặt với tình trạng bị kỳ thị hoặc thất bại; có tiền sử bạo lực hoặc thù địch; không có thiện ý "kết nối" với những người giúp đỡ tiềm năng", bác sĩ Vân nêu.
Cần cứu người có nguy cơ tự tử
ThS Đặng Thị Hải Yến - phòng tâm lý lâm sàng, viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - cũng cho rằng việc phát hiện sớm người có nguy cơ tự tử rất quan trọng.
Khi phát hiện người có vấn đề về tâm lý, stress, trầm cảm... cần được can thiệp sớm. Nếu tình trạng rối loạn trầm cảm, sang chấn tâm lý kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến tự sát.
Các bác sĩ khuyến cáo khi gặp vấn đề về tâm lý, người bệnh nên đến gặp chuyên gia tâm lý và tâm thần để được trợ giúp, hoặc khi thấy người thân của mình có ý định tự tử có thể liên hệ cơ quan y tế để được trợ giúp.
Trong trường hợp nhận thấy người thân có những biểu hiện trên, cần chăm sóc cho họ cả nhu cầu về tinh thần và thể chất. Tốt nhất, hãy đưa người thân đến cơ sở y tế để nhận được sự hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần, y tế liên tục.
Hướng dẫn họ kỹ năng giải quyết vấn đề, giải quyết xung đột và cách xử lý tranh chấp phi bạo lực.
Đặc biệt, cần ngăn họ tiếp cận với những nguồn thông tin xúi giục, phương tiện có nguy cơ gây chết người (Tuổi trẻ, trang 14).
Đẩy mạnh y tế số, người dân sẽ không còn phải khai bệnh sử khi đi khám
Ngành y tế đang đẩy mạnh các nền tảng y tế số, trong đó tập trung 4 nền tảng là: hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; quản lý tiêm chủng; hồ sơ sức khỏe điện tử và quản lý trạm y tế, từ đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.
Trao đổi với báo chí tại triển lãm Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ y tế trong chăm sóc sức khoẻ diễn ra trong khuôn khổ triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cơ sở Hoà Lạc từ 28/10-1/11, ông Đỗ Trường Duy - Giám đốc Trung tâm Thông tin Y tế quốc gia (Bộ Y tế) cho hay, hiện Trung tâm đang được giao nhiệm vụ xây dựng thông tin số lĩnh vực y tế, để góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số y tế.
"Chúng tôi đang đẩy mạnh các nền tảng y tế số, trong đó tập trung 4 nền tảng là: hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; quản lý tiêm chủng; hồ sơ sức khỏe điện tử và quản lý trạm y tế, từ đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Trong đó, nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử và nền tảng quản lý trạm y tế được thực hiện song hành. Trong năm 2023 đã có 30 địa phương đăng ký thực hiện ứng dụng hai nền tảng này để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân"- ông Đỗ Trường Duy cho hay.
Chia sẻ cụ thể hơn về đồng bộ dữ liệu trong hồ sơ sức khỏe toàn dân, ông Nguyễn Trường Nam, phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia cho hay với ứng dụng này nhân viên y tế từ tuyến cơ sở có thể quản lý người bệnh trên ứng dụng. Sau khi có dữ liệu, trung tâm sẽ đồng bộ hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, giúp người dân cũng như y bác sĩ tiết kiệm thời gian.
Ông Nam ví dụ, khi bệnh nhân đến thăm khám tại Bệnh viện Bạch Mai, sau khi khám xong nhân viên y tế sẽ cập nhật thông tin cơ bản về các bệnh lý lên hồ sơ sức khỏe điện tử. Hồ sơ này sẽ được đẩy lên hệ thống dữ liệu y tế toàn dân. "Khi đến thăm khám tại các bệnh viện khác, người dân không cần khai bệnh sử, cán bộ y tế cũng có thể tra cứu thông tin trên hồ sơ bệnh án để đưa ra chỉ định, điều trị phù hợp"- ông Nam nói.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo trung tâm để nhân rộng ứng dụng này cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương bố trí nguồn lực thực hiện dự án.
Về nền tảng hồ sơ sức khoẻ đang được Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia triển khai, các chuyên gia cho hay, hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình. Khi đi khám bệnh, thông qua hồ sơ sức khỏe, người bệnh cung cấp cho thầy thuốc hồ sơ sức khỏe, tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị của thầy thuốc.
Đối với thầy thuốc, hồ sơ sức khỏe điện tử cung cấp cho người thầy thuốc đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó kết hợp với thăm khám hiện tại, người thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh của mỗi người dân.
Hơn nữa, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp người thầy thuốc chăm sóc sức khoẻ cho người dân liên tục, toàn diện theo nguyên lý của y học gia đình tốt hơn.
Khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh thông suốt, minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm (nếu có)...
Ngành y tế lấy người dân làm trung tâm, lấy nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử là cốt lõi để tập trung số hóa dữ liệu sức khỏe của người dân trên cơ sở thúc đẩy triển khai bệnh án điện tử, hình ảnh số y khoa, các ứng dụng phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc và cung cấp, chia sẻ dữ liệu cho các nền tảng số y tế nhằm phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế...
Theo Kế hoạch triển khai nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử năm 2023 do Bộ Y tế ban hành hồi tháng 4/2023, trong năm 2023 ban hành yêu cầu, tiêu chí và thực hiện việc tích hợp các hệ thống thông tin quản lý hồ sơ sức khỏe của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp để đảm bảo quản lý thống nhất và làm giàu dữ liệu hồ sơ sức khỏe cá nhân (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).