Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 11/12/2015

  • |
T5g.org.vn - Tăng cường an ninh bệnh viện để tránh kẻ gian bắt cóc trẻ sơ sinh; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác y tế tại Trà Vinh…

Tăng cường an ninh bệnh viện để tránh kẻ gian bắt cóc trẻ sơ sinh

Thời gian qua, tại một số cơ sở y tế tuyến tình, thành phố đã xảy ra việc kẻ xấu trà trộn vào các cơ sở y tế dùng các thủ đoạn để bắt cóc trẻ sơ sinh với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có việc buôn bán trẻ sơ sinh

PGS.TS Lưu Thị Hồng- Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ bà mẹ- trẻ em (Bộ Y tế) vừa ký công văn số 9624/BYT- BM-TE gửi Sở Y tế các tình, thành phố đề nghị triển khai một số nội dung nhằm hạn chế việc buôn bán trẻ sơ sinh. Công  văn của Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, tại một số cơ sở y tế tuyến tình, thành phố đã xảy ra việc kẻ xấu trà trộn vào các cơ sở y tế dùng các thủ đoạn để bắt cóc trẻ sơ sinh với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có việc buôn bán trẻ sơ sinh.

Do đó, nhằm đảm bảo an ninh Nhằm đảm bảo an ninh, trật tự trong các cơ sở y tế, an toàn cho trẻ sơ sinh và đảm bảo sức khỏe cho bà mẹ, Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế tăng cường kiểm tra giám sát đối với các cơ sở y tế trên địa bàn để chấn chỉnh việc thực hiện quy chế chuyên môn, quy chế bệnh viện.

Tăng cường công tác bảo vệ an ninh, trật tự trong các cơ sở y tế theo dõi phát hiện để phối hợp xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến trẻ sơ sinh trong các cơ sở y tế. Ngoài ra, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, thông tin về âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu để sản phụ và người nhà nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa phối hợp đấu tranh trấn áp tội phạm.

Công văn của Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, trong quá trình triển khai nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em) để có biện pháp xử lý.

Trước đó, tại một số bệnh viện tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã từng xảy ra việc bắt cóc trẻ sơ sinh ngay tại bệnh viện. Điển hình là vụ việc bắt cóc trẻ sơ sinh tại BV Phụ sản Trung ương. heo đó, ngày 2/11/2011, sản phụ Trần Thị Thơm sinh mổ bé trai nặng 3,4kg tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Đến trưa ngày hôm sau, Nguyễn Thị Lệ (29 tuổi, ở Bắc Giang) mặc áo blouse, đeo thẻ và bịt khẩu trang vào khoa sản phụ 2.

Lệ khai khi lang thang ở khoa này gặp chị Thơm bế bé trai kháu khỉnh nên dừng lại hỏi chuyện và được người mẹ bảo "con vừa tắm, chưa tiêm phòng". Ít phút sau, Lệ vào phòng của sản phụ Thơm vờ là nhân viên y tế bế con của chị này đi.

Cô ta ra khỏi tòa nhà bằng cửa sau, thuê xe ôm chở đến khu vực Ô Cách (quận Long Biên) và bắt taxi về nhà bố mẹ đẻ ở Bắc Giang. Sau 3 ngày ở đây, Lệ quay lại nhà chồng ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Nhận được tin báo của tài xế taxi chở Lệ hôm đó, cảnh sát đã tiếp cận được nhà của cô ta ở Đông Anh, giải cứu con của chị Thơm.

Điển hình như vụ Nguyễn Thị Bích Trâm giả dạng thân nhân lẻn vào Bệnh viện quận 7, TP Hồ Chí Minh bắt cóc bé trai mới sinh được một ngày. Điều tra cho thấy Trâm liên quan đến đường dây mua bán trẻ em cực lớn tại Sài Gòn, chỉ trong thời gian ngắn nhóm đối tương đã thực hiện trót lọt 20 vụ.

Mới đây nhất, vào tháng 8/2015, dư luận tiếp tục sục sôi khi đối tượng Nguyễn Thị Vân (51 tuổi, ngụ xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) dùng dao đâm xuyên trán cháu bé 11 tuổi tại bệnh viện. * Sức khẻo & Đời sống (trang 2).

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác y tế tại Trà Vinh

Ngày 10/12/2015, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có chuyến công tác thăm, làm việc tại tỉnh Trà Vinh. Tham gia đoàn công tác còn có lãnh đạo các vụ, cục, viện và các đơn vị thuộc Bộ Y tế.

Sáng ngày 10/12, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác đã đến thăm và kiểm tra hoạt động một số cơ sở y tế của tỉnh Trà Vinh tại Phòng khám đa khoa khu vực xã Nhị Long, huyện Càn Long, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, Bệnh viện đa khoa huyện Châu Thành và Bệnh viện đa khoa tỉnh Trà Vinh. Bộ trưởng đặc biệt quan tâm đến công tác chuyên môn ở cả 3 tuyến y tế về số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực, vấn đề tài chính và cơ sở vật chất khám chữa bệnh ở những nơi này. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Tiếp và làm việc Bộ trưởng có đồng chí Đồng Văn Lâm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, lãnh đạo các sở, ban ngành và các đơn vị ngành y tế tham dự. Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Trà Vinh cho biết: Trong năm 2015, hoạt động ngành y tế tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 6,0%; tỷ lệ dược sĩ/vạn dân đạt 0,7%. Giường bệnh trên/vạn dân đạt 18,5%. Số lượt khám bệnh là 2.050.000. Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế của các bệnh viện tỉnh được đầu tư lớn nhất từ sau khi được nâng cấp lên thành phố, đã làm thay đổi bộ mặt y tế tỉnh. Hoạt động y tế dự phòng được tăng cường, giám sát dịch chặt chẽ, khống chế và ứng phó kịp thời với các dịch bệnh. Công tác khám - chữa bệnh ngày càng được nâng cao từ tỉnh đến xã, nhiều kỹ thuật chuyên môn mới triển khai tại bệnh viện trung tâm. Tích cực thực hiện Đề án 1816 và công tác chỉ đạo tuyến, thực hiện tốt việc luân phiên cán bộ hỗ trợ tuyến dưới, nhiều kỹ thuật mới được áp dụng thành công trong chẩn đoán và điều trị; tinh thần thái độ phục vụ chăm sóc người bệnh luôn được chấn chỉnh và nâng cao. Tuy nhiên còn những khó khăn, hạn chế cần tập trung giải quyết: cơ sở vật chất đã cũ; tình trạng quá tải vẫn còn xảy ra ở bệnh tuyến tỉnh; thiếu kinh phí để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động khám - chữa bệnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Trà Vinh đối với việc triển khai các nhiệm vụ, công tác y tế trên địa bàn. Mặc dù ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn nhưng để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tốt hơn, tỉnh đã cố gắng ưu tiên bố trí kinh phí cho ngành y tế cùng với ngân sách Trung ương để đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho hoạt động khám chữa bệnh từ tỉnh đến cơ sở. Tuy nhiên Bộ trưởng đề nghị tỉnh cần tập trung: nâng cấp bệnh viện tỉnh, xây mới khu khám chữa bệnh để đảm bảo phục vụ cho người dân. Về nhân lực hiện nay tỷ lệ bác sĩ/vạn còn thấp so với toàn quốc, chưa kể sắp tới Bệnh viện đa khoa tỉnh sẽ nâng cấp từ loại 2 lên bệnh viện loại 1 và thêm một số khoa mới như: ung bướu, chấn thương chỉnh hình, can thiệp tim mạch... thì nhu cầu bác sĩ còn thiếu nhiều hơn. Vì vậy tỉnh cần sớm xây dựng Đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phối hợp với các trường đại học y dược để liên kết đào tạo chính quy theo địa chỉ và phải có chính sách ưu đãi thu hút đặc biệt thì mới có được nguồn nhân lực trình độ cao về địa phương công tác. Bên cạnh đó, xem xét lại vấn đề kết hợp giữa trung tâm y tế huyện và bệnh viện đa khoa huyện, đẩy mạnh công tác truyền thông và cần chú trọng hơn đến phong cách phục vụ của cán bộ ngành y đối với người dân. Về công tác bảo hiểm y tế hiện tỷ lệ bao phủ đạt khá cao so với các tỉnh trong khu vực là điều rất tốt nhưng cần chỉ đạo chặt chẽ, sát sao để nâng cao thêm tỷ lệ bao phủ tiến tới lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân...  (Sức khẻo & Đời sống (trang 2).

Loạn đào tạo y dược và hệ lụy: Nghề y của tôi: Kỳ 1:  Kiên trì và khổ luyện

Hưởng ứng loạt bài “Loạn đào tạo y dược và hệ lụy”, Tiến sĩ - Bác sĩ Đỗ Hoàng Dương (BV Đại học Y Hà Nội) vừa gửi tới Tiền Phong bài viết nhan đề “Nghề y của tôi” như một tâm sự của một người trong cuộc về quá trình học tập, khổ luyện để trở thành một thầy thuốc đích thực. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. Năm nay tôi đã tốt nghiệp đại học y khoa 20 năm, sắp đến một mùa tuyển sinh vào đại học, rất nhiều em học sinh phổ thông, rất nhiều bậc cha mẹ học sinh có mơ ước học và làm thầy thuốc, tôi xin chia sẻ một vài suy nghĩ từ trải nghiệm cá nhân của mình trên con đường học ngành y và hành nghề y.

Mẹ tôi kể: Khi tôi mới được 3 tháng tuổi, bị tiêu chảy cấp nặng, bệnh viện huyện chuyển đi Hà Nội, gia đình tôi không có điều kiện, bố mẹ đưa tôi về nhà lúc nửa đêm, bố tôi đã đến gõ cửa ông lang Tiến trong vùng, ông không quản ngại đêm tối, đến xem mạch cho tôi và cùng bố tôi đi đào cây thuốc giữa đêm khuya, tôi sống được nhờ những bát thuốc của ông lang Tiến và các thìa cơm nhai mớm của bố mẹ tôi.

Năm tôi học lớp 6, mẹ ốm nặng, các khớp sưng vù, không đi lại được, tôi đã cùng bố xách một bao tải chè xuống Hà Nội xuống bán ở bến Nứa, sau đó tìm địa chỉ một ông thầy thuốc ở phố Nguyễn Khắc Nhu để kể bệnh và lấy thuốc cho mẹ. Ông thầy thuốc đó đã cho thuốc chữa khỏi bệnh mẹ tôi, ông hiền từ, ân cần khiến tôi rất ngưỡng mộ. Lần khác, năm tôi học lớp 8, bố tôi ốm nặng, phải nhập viện. Tôi lên thăm bố, được chứng kiến các bác sĩ chữa khỏi bệnh cho bố, tôi rất khâm phục và biết ơn họ.

Mặc dù tôi say mê học vật lý, mơ ước trở thành nhà nghiên cứu vật lý, nhưng từ những kỷ niệm kể trên,  khi thi đại học tôi quyết tâm chuyển sang thi khối B và bắt đầu nghiệp Y từ đó.

Học Y có đặc trưng như thế nào?

Chắc những ai đã từng được nhận bằng bác sĩ đều cảm thấy đó là một quá trình thật sự không dễ dàng chút nào.

Thời gian học rất dài, tôi học đại học Y khoa 6 năm liên tục không có ngày nghỉ kể cả dịp hè và tết, học chuyên khoa 2 năm, nghiên cứu sinh 5 năm, sau đó mới gọi là bắt đầu hành nghề, về chuyện vừa hành nghề vừa học tôi sẽ nói sau.

Số bài học quá nhiều, chắc những người thông minh hơn tôi có thể học ít, còn tôi, tôi thấy các bài học cứ dài dằng dặc, toàn chữ là chữ, các cuốn sách giáo khoa dày hàng ngàn trang, các hình vẽ giải phẫu quá phức tạp, các tên thuốc thì rất giống nhau, các cây thuốc vô cùng dễ lẫn, các chất có trong cơ thể thì không thể nhớ hết nổi… tôi rất sợ trượt, vì trượt là mất học bổng, là về địa phương và không bao giờ được học nữa, thế là cứ mài mông suốt ngày trên giảng đường, thư viện.

Học y khoa là học đi đôi với thực hành, thực tập, kiến tập, hai năm đầu chỉ học lý thuyết thôi, (đã thấy già người rồi), đến năm thứ 2 bắt đầu đi học bệnh viện thực tập và kéo dài cho đến lúc ra trường.

Các môn học cơ sở như giải phẫu, mô học, vi sinh y học, sinh hóa, sinh lý học, dược lý học, sinh lý bệnh học, phôi thai học, giải phẫu bệnh học, sinh học, lý sinh y học... là cứ học lý thuyết sáng, chiều lại lên phòng thí nghiệm triền miên, không ngừng nghỉ. Ai chỉ cần nghỉ một buổi là rất nguy hiểm, vì mỗi bài thực tập, nhà trường phải tốn nhiều hóa chất, động vật, bệnh phẩm, nhân viên chuẩn bị… rất tốn kém, rất khó tổ chức một buổi khác chỉ cho một sinh viên thực tập, cho nên ốm nhẹ là cũng phải đi. Học các môn này cực kỳ quan trọng vì là cơ sở để hiểu về con người, về bệnh con người, thiếu nó không bao giờ trở thành bác sĩ!

nghĩa là các môn chữa bệnh, học rất thú vị, nhưng rất khó và tốn nhiều công sức. Cứ buổi sáng phải đi học tại phòng bệnh, đi theo các anh chị, các bác sĩ, các nhân viên điều dưỡng để học cách khám, cách tập chẩn đoán bệnh, ai mà không học sẽ không bao giờ trở thành thầy thuốc.

Đã đi học lâm sàng ở bệnh viện là phải trực đêm, cứ 5 ngày hoặc 6 ngày sẽ phải trực bệnh viện một ngày, có tuần trực hai buổi, đã trực là thức suốt đêm. Muốn học được lâm sàng tốt, phải có bệnh nhân và phải có thầy thuốc giỏi, thiếu một trong hai thuộc tính trên, không thể học lâm sàng tốt được. Trong việc học lâm sàng, có nhiều bước mà sinh viên phải vượt qua từ chỗ hiểu đến chỗ làm được gồm có: Phải học thuộc lòng thủ thuật, phẫu thuật mình sẽ làm, ví dụ “tiêm” thì phải học lý thuyết tiêm thật thuộc; phải tập tiêm trên các chất liệu nhân tạo để cho thạo các động tác; phải nhìn xem các bác sĩ bậc thầy tiêm thật nhiều lần, đứng xem không được hỏi, vì lúc đó các bậc thầy đang tập trung cho kết quả thủ thuật; xem nhiều lần sẽ ghi nhớ hình ảnh vào trong đầu.

Phải làm sao cho các thầy biết là “mình biết”, thật khó đấy, một lớp 50 sinh viên, ông thầy không thể biết hết, cho nên phải là sinh viên nổi trội, chăm chỉ, hiểu bài khi thầy truy bài. Khi đã tin tưởng, các thầy sẽ chỉ cho bí quyết từng động tác để thực hiện chính xác. Nếu may mắn, sẽ được thầy cho phép làm dưới sự giám sát của thầy và sự sẵn sàng ủng hộ của bệnh nhân. Sau vài lần giám sát thấy học trò làm tốt, không sơ suất, các sinh viên ưu tú sẽ được giao những công việc nho nhỏ. Dần dần như vậy, mới tích lũy được kỹ năng thực hiện các kỹ thuật y khoa.

Còn những sinh viên không được làm, thì sẽ chỉ là bác sĩ chữa bệnh trên giấy thôi, trên bệnh nhân thật, không thể thành công, không ai dám giao tính mạng cho các thầy thuốc chỉ mới biết lý thuyết.

Sau nhiều năm thực hiện các kỹ thuật y khoa như trên, các thầy thuốc tiếp tục phải đúc rút kinh nghiệm, đọc sách cập nhật, tham khảo đồng nghiệp, ghi nhận phản hồi từ bệnh nhân, tất cả những điều đó mới kết tinh thành kỹ năng thầy thuốc. Trong quá trình xây dựng hình thành các kỹ năng y khoa, sự thông minh chỉ là một loại phương tiện thôi, còn đam mê, sự chặt chẽ trong tư duy, cẩn trọng trong động tác và đức tính chăm chỉ mới là quyết định.

Vai trò người Thầy trong y khoa là yếu tố quyết định nhất. Suy ngẫm về trải nghiệm học Y khoa của tôi, tôi có thể tóm tắt lại một vài thuộc tính mà cá nhân tôi cho rằng không có nó tôi không bao giờ thành thầy thuốc.(Tiền phong (trang 6).

Huế: Trung tâm Y học Gia đình đi vào hoạt động

Sáng nay (10/12), Trường Đại học Y Dược Huế đã tổ chức lễ khánh thành Trung tâm Y học Gia đình tại số 51, đường Nguyễn Huệ, TP. Huế. Đến tham dự buổi lễ có PGS.TS Lê Ngọc Trọng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Bác sĩ Gia đình Việt Nam. Về phía lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, có PGS.TS Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện một số ban ngành liên quan.

Trung tâm Y học Gia đình được xây dựng 7 tầng với tổng diện tích sàn hơn 3600m2. Đây là một trung tâm đa chức năng bao gồm: Đào tạo, nghiên cứu khoa học và khám chữa bệnh.

Sau khi đưa vào hoạt động, trung tâm sẽ triển khai các dịch vụ khám chữa bệnhtheo nguyên lý Y học Gia đình – toàn diện, liên tục, phối hợp, hướng dự phòng, tư vấn, sàng lọc và phát hiện sớm, phối hợp với các chuyên khoa giúp điều trị bệnh hiệu quả và tư vấn, chăm sóc sau khi xuất viện.

Đặc biệt, trung tâm có được sự cố vấn và hỗ trợ trực tiếp của Khoa Y học gia đình thuộc Đại học Boston (Hoa Kỳ) và nhóm chuyên gia từ các trường ĐH Ghent, ĐH Leuven, ĐH Brussel (Vương quốc Bỉ).

Phát biểu tại lễ khánh thành, GS. Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng trường ĐH Y Dược Huế nhấn mạnh: “Đây sẽ là mô hình điểm để nhà trường vừa làm công tác đào tạo, vừa làm công tác chuyển giao kỹ thuật. Đồng thời, cũng là nơi triển khai các hoạt động liên quan đến bác sĩ gia đình trong hệ thống chăm sóc sức khỏeban đầu cho nhân dân”. (Tuổi trẻ (trang 14).

Nhật ký Blouse trắng: Bệnh nhân nước ngoài và ca điều trị khó

Tôi cảm thấy rất vui bởi các bạn đã hoàn thành xạ phẫu khối u trong não của tôi một cách an toàn', bệnh nhân người Thái Lan chân thành bày tỏ với các bác sĩ Trung tâm ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Khỏe sau một ngày xạ phẫu

Ngày 17.11 vừa qua, ông P.M đến Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng mất thính lực tai trái, liệt nửa mặt trái. Trước đó, bệnh nhân P.M có tiền sử mổ u dây thần kinh số 8 bên trái, tại một bệnh viện của Thái Lan. Tuy nhiên, khối u không giảm mà tái phát tại chỗ, kích thước 34x17 mm, đã chèn ép bịt kín ống tai trong trái, gây điếc hoàn toàn tai trái. Không những vậy, nó còn xâm lấn dây thần kinh số 7 bên trái, gây liệt mặt trái.

Trước khi quyết định lựa chọn sang VN, ông P.M đã được các GS, chuyên gia hàng đầu của Thái Lan thăm khám, tư vấn các giải pháp điều trị. Với thể trạng, tuổi tác và kích cỡ của khối u thì các phương pháp phẫu thuật bằng ngoại khoa là không khả thi. Sau khi được hội chẩn nhiều lần ở nước sở tại, ông P.M quyết định sang VN, đến điều trị tại Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu.

Theo GS-TS Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: “Hôm 18.11, bệnh nhân P.M đã được xạ phẫu bằng dao gamma quay. Sau xạ phẫu, bệnh nhân không nôn ói, không đau đầu, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, mọi sinh hoạt trở lại bình thường”. GS Khoa là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân P.M, rất vui mừng khi bệnh nhân đến từ nơi xa xôi đã có kết quả tốt đẹp.

Chỉ hai ngày sau xạ trị, trung tâm này đã tổ chức lễ ra viện cho ông P.M lúc này đã bình phục. Ông P.M tâm sự: “Quả thật đây là biện pháp điều trị tốt, tôi hoàn toàn cảm thấy bình thường, không đau đớn gì. Các bạn thật giỏi về chuyên môn, nhiệt tình. Tôi sẽ trở lại khám định kỳ theo hẹn”.

Bệnh nhân người Thái Lan chân thành: “Một số GS hàng đầu của Thái Lan về bệnh của tôi đã khuyên tôi nên sang đây để điều trị. Tôi cảm thấy rất vui và may mắn bởi các bạn đã hoàn thành xạ phẫu khối u trong não của tôi một cách an toàn, tôi đã trở lại sinh hoạt một cách bình thường chỉ sau một ngày xạ phẫu bằng công nghệ của các bạn. Bệnh viện của các bạn sẽ là một địa chỉ tin cậy đối với các bệnh nhân Thái Lan như tôi”.

Điều trị nhiều ca khó

Theo GS-TS Mai Trọng Khoa, xạ phẫu bằng dao gamma quay (rotating gamma knife) là phương pháp sử dụng các chùm tia bức xạ rất mảnh được hội tụ và khu trú một cách chính xác vào vùng khối u hoặc vùng não bệnh lý. Các chùm tia bức xạ này vừa hội tụ vừa được quay trên các quỹ đạo khác nhau, do đó khối u và vùng tổn thương sẽ được nhận liều bức xạ cao nhất, các tổ chức não lành xung quanh khối u chỉ nhận một liều bức xạ thấp nên an toàn cho người bệnh. “Xạ phẫu bằng dao gamma quay là phương pháp điều trị an toàn, thời gian nằm viện ngắn, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân u não và một số bệnh lý sọ não. Kỹ thuật này rất thích hợp cho những trường hợp u não hoặc một số bệnh lý sọ não tái phát sau điều trị, khối u ở những vị trí đặc biệt như thân não... rất khó hoặc không thể phẫu thuật được”, GS-TS Mai Trọng Khoa cho biết.

Kể từ khi ứng dụng xạ phẫu bằng dao gamma năm 2007, đã có 3.425 bệnh nhân u não và một số bệnh lý sọ não (u màng não; dị dạng mạch não; ung thư di căn não; u tuyến yên; u dây thần kinh số 8; u sọ hầu; u tuyến tùng...) được điều trị an toàn. (Thanh niên (trang 14).

Mua que thử ung thư: Mất tiền mua bệnh vào người

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin bán que thử phát hiện ung thư. Do lo lắng về sức khỏe, không ít người đã bỏ tiền ra mua sản phẩm này dù chưa biết thực hư công dụng của chúng ra sao.

Một que thử các loại ung thư?!

Khảo sát tại một số tuyến phố chuyên bán thuốc và các thiết bị y tế như Quán Sứ, Ngọc Khánh, Phương Mai… khi chúng tôi hỏi mua que thử ung thư, hầu hết các chủ cửa hàng đều lắc đầu hoặc trả lời “đã hết hàng”, “phải đặt tiền trước”, chỉ có 2 cửa hàng ở phố Phương Mai cho biết có bán thiết bị này. Theo nhân viên bán hàng, que thử ung thư có nhiều loại, từ đại tràng đến gan, dạ dày… Giá trung bình 20.000-30.000 đồng/que.

Do mỗi hộp có hàng trăm que thử nên cửa hàng chỉ bán buôn, không bán lẻ. Tuy vậy, khi chúng tôi bày tỏ sự băn khoăn về chất lượng cũng như xuất xứ của sản phẩm, nhân viên bán hàng ngập ngừng: “Hàng của Mỹ nhưng sản xuất tại Trung Quốc, còn chất lượng phụ thuộc vào cơ địa từng người và phải thử mới biết”.

Kiểm tra giá thành sản phẩm, chúng tôi tiếp tục gọi điện đến số điện thoại của một cá nhân (ở đường Giáp Bát, quận Hoàng Mai) rao bán que thử ung thư đăng công khai trên mạng. Thấy chúng tôi có nhu cầu mua que thử với số lượng lớn, người phụ nữ nghe điện thoại thao thao bất tuyệt: “Que thử sử dụng đơn giản, tương tự như que thử thai, thuận tiện, nhanh chóng với chất lượng tốt nhất, cho kết quả chính xác nhất. Loại que thử này đã được kiểm tra lâm sàng ở nhiều nước châu Âu, châu Á và hiện đang được sử dụng trong các bệnh viện. Giá  1 triệu đồng/que, mua nhiều chỉ còn 850.000 đồng/que”. Cũng theo người phụ nữ này, đây là que thử đa năng, chỉ cần 1 que có thể phát hiện được mầm mống của mọi loại ung thư trong cơ thể?!

 

Là người đã từng mua và sử dụng que thử ung thư, bà Nguyễn Thị Hồng ở đường Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa cho biết, chồng bà đã tuổi cao sức yếu, thời gian gần đây ông bị ho nhiều kèm tức ngực, khó thở, sức khỏe suy giảm nên gia đình nghi bị ung thư phổi. “Do chồng tôi đi lại khó khăn, trong khi đó đến bệnh viện kiểm tra mất khá nhiều thời gian và tiền bạc nên con gái tôi mua que thử về thử tại nhà trước. Để chắc chắn, con tôi đã mua 3 loại que thử của 3 hãng với các mức giá khác nhau. Tuy vậy, khi thử mỗi que lại cho kết quả một kiểu nên chẳng biết đường nào mà lần. Từ hôm thử xong, không chỉ chồng tôi lo lắng mà cả nhà cứ thấp thỏm không yên. Đúng là bỏ tiền mua lo vào người. Ít ngày nữa, có lẽ tôi phải đưa ông ấy tới bệnh viện kiểm tra xem thế nào” - bà Hồng chia sẻ.

Nên đến cơ sở y tế để kiểm tra

Hiện chi phí kiểm tra, xét nghiệm chẩn đoán bệnh ung thư tại các cơ sở y tế khá cao nên thông tin có que thử ung thư giá rẻ trên thị trường đã thu hút được sự quan tâm của nhiều gia đình với mong muốn kiểm tra sức khỏe, phát hiện bệnh sớm từ giai đoạn đầu. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm đang được bày bán trên thị trường đều có nguồn gốc từ nước ngoài, chưa có tài liệu nào công bố về độ chính xác, chưa được cơ quan chức năng nào khẳng định về chất lượng.

Về quá trình chẩn đoán bệnh ung thư, GS.TS Nguyễn Bá Đức - Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam - nguyên Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, để biết chính xác một người có mắc căn bệnh hiểm nghèo hay không họ phải đến cơ sở y tế có uy tín kiểm tra theo một quy trình y học chặt chẽ từ thấp đến cao, từ đơn giản đển phức tạp, từ cận lâm sàng đến lâm sàng. Tại các cơ sở y tế, với phương tiện kỹ thuật ngày càng hiện đại, việc chẩn đoán ung thư ngày càng nhanh và chính xác hơn. Ngoài khám lâm sàng, bệnh nhân có thể được chỉ định đi chụp X-quang, chụp nhiệt, siêu âm hay chụp cắt lớp vi tính, chẩn đoán tế bào học hoặc làm các xét nghiệm huyết học… Các công đoạn này là vô cùng cần thiết, giúp bệnh nhân hiểu rõ về giai đoạn bệnh của mình.

Hiện nay, trên thị trường  có bán một số loại que thử  được quảng cáo có khả năng phát hiện bệnh ung thư với nhiều loại giá và nguồn gốc xuất xứ khác nhau, không loại trừ khả năng có cả hàng giả, nhái. Bên cạnh đó, việc tự ý sử dụng các thiết bị y tế tại nhà khi không có chỉ định của bác sỹ cũng có thể dẫn tới những hậu quả khó lường. “Để phát hiện ung thư sớm và được điều trị kịp thời, người dân cần tới các bệnh viện để kiểm tra sức khỏe định kỳ, không nên tin vào các sản phẩm, thiết bị được quảng cáo có khả năng phát hiện và điều trị bệnh ung thư, kẻo vừa mất tiền, vừa gây hại cho sức khỏe” - GS.TS Nguyễn Bá Đức đưa ra lời khuyên. (An ninh thủ đô (trang 8).

14 bệnh viện ở Đăk Lăk nợ lương người lao động: Giám đốc Sở Y tế nói gì?

Sự việc 14 bệnh viện thuộc Sở Y tế Đăk Lăk nợ lương người lao động đang là một trong những vấn đề dư luận quan tâm. Vậy, nguyên nhân sâu xa của vấn đề nằm ở đâu? Phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc phỏng vấn BS. Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế Đăk Lăk để hiểu rõ vấn đề này.

: Dư luận đang xôn xao vì chuyện 14 bệnh viện của tỉnh Đăk Lăk hết tiền trả lương nhân viên y tế, là tư lệnh ngành y tế Đăk Lăk, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

BS. Doãn Hữu Long: Với trách nhiệm của người đứng đầu ngành, ngay từ khi sự việc chưa được báo chí đăng tải, nhận được văn bản đề nghị của các đơn vị trong ngành tôi đã chỉ đạo các bộ phận có liên quan khẩn trương rà soát, tổng hợp có kiến nghị với Sở Tài chính, đề nghị trình UBND tỉnh bổ sung kinh phí cho ngành y tế để bù lại khoản hụt thu năm 2015 (Công văn số 319/SYT-TCKT ngày 30/11/2015). Hiện nay thiếu hụt quỹ lương tại 14 bệnh viện khoảng 15 tỷ đồng. Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng đây là sự việc xảy ra ngoài ý muốn, việc thu không đạt chủ yếu là do các yếu tố khách quan, Sở Y tế có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung kinh phí cho các đơn vị thu không đạt để đảm bảo chi trả lương cho cán bộ, viên chức.

PV: Có ý kiến cho rằng, sở dĩ không có đủ tiền chi trả là do lạm chi?

BS. Doãn Hữu Long: Nếu nói đến lạm chi, tôi xin khẳng định không có việc này do kinh phí chi thường xuyên cho sự nghiệp y tế tỉnh Đăk Lăk còn eo hẹp (định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương theo Nghị quyết số 22/2010/NQ-HĐND ngày 10/12/2010 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Đăk Lăk  được thực hiện từ năm 2011 đến nay vẫn chưa được thay đổi, trong khi tình hình giá cả thị trường đã có nhiều biến động theo chiều hướng tăng... Đặc biệt 2 năm gần đây chi phí cho các hoạt động bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, rác thải đều tăng.

Nguyên nhân chính ở đây là kinh phí chi sự nghiệp y tế tại Đăk Lăk được giao tương đối thấp so với tình hình biến động của giá cả thị trường, so với các tỉnh lân cận có các điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng. Mức thu dịch vụ y tế chưa tương xứng với chi phí cơ sở y tế bỏ ra, trong khi nguồn thu không đạt so với dự toán dẫn đến thiếu quỹ lương. Mặt khác, các khoản chi cho tiền trực, tiền phẩu thuật, thủ thuật... cũng phải tính vào trong các nguồn thu của bệnh viện, trong khi đó tỉnh chưa quyết định việc tính giá giường năm, tiền dịch vụ phẩu thuật, ký thuật như trong Thông tư liên tịch số 10/2014/TTLT-BYT-BNV-BTC-BLĐTBXH. Hiện ngân sách chỉ mới bố trí chi trả phần chênh lệch giữa mức hưởng cũ theo QĐ 155/2003/QĐ-TTg và mức hưởng mới theo Quyết định 73/2011/QĐ-TTg. Sở Y tế đã trình UBND tỉnh cho chủ trương kết cấu phụ cấp trực, phẫu thuật, thủ thuật vào khung giá thu dịch vụ y tế, nhưng chưa nhận được sự đồng thuận của BHXH nên UBND tỉnh vẫn chưa có ý kiến đồng ý thực hiện.

PV: Trước tình trạng này, Sở Y tế có động thái gì để giải quyết dứt điểm tình trạng này, chẳng lẽ cứ để tình trạng này kéo dài?

BS. Doãn Hữu Long: Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tích cực phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh có các giải pháp:

- Đề nghị Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương theo Nghị quyết số 22/2010/NQ-HĐND để phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh xem xét cho điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế còn thấp, chưa tính đúng, tính đủ để bù đắp chi phí mà cơ sở y tế phải chi trả. Trình UBND tỉnh cho chủ trương kết cấu phụ cấp trực, phẫu thuật, thủ thuật vào khung giá thu dịch vụ y tế. Triển khai các giải pháp đồng bộ, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh nhằm thu hút bệnh nhân. Bên cạnh đó là tăng cường đầu tư đồng bộ trang thiết bị y tế, cử cán bộ đi đào tạo chuyên sâu để vận hành tốt trang thiết bị, triển khai dịch vụ kỹ thuật mới, hiện đại... (Sức khẻo & Đời sống (trang 2). 

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Quy định mới về chế độ ốm đau, thai sản của Luật BHXH

Luật BHXH có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006 đã đánh dấu sự hoàn thiện của những nội dung quy định về các chế độ BHXH bắt buộc, trong đó có chế độ ốm đau, thai sản. Xin gửi đến bạn đọc những thay đổi ưu việt này.

Những nội dung sửa đổi, bổ sung trong các quy định về chế độ ốm đau

Thời gian hưởng chế độ ốm đau: Đối với bệnh dài ngày, bổ sung, sửa đổi quy định nếu hết thời gian hưởng 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng mức thấp hơn tối đa bằng thời gian đóng BHXH. Quy định hiện hành tại Luật BHXH năm 2006 thì thời gian hưởng tiếp sau 180 ngày/1 năm với mức thấp hơn tỷ lệ phần trăm tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH của người lao động mà không hạn chế thời gian tối đa hưởng. Việc quy định khống chế thời gian hưởng 180 ngày cho cả đợt điều trị với mức tối đa 75% mức tiền lương thay cho 180 ngày/1 năm và quy định chặn mức thấp hơn không vượt quá thời gian đóng theo quy định mới được bổ sung tại Luật BHXH 2014 cũng nhằm đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng và phòng tránh lạm dụng đối với những trường hợp chỉ khi phát hiện bệnh mới tham gia BHXH.

Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau được quy định bổ sung cụ thể về thời gian trong một năm “cho mỗi con” so với quy định hiện hành không có sự chỉ dẫn cho mỗi con mà chỉ phân biệt số ngày nghỉ cho con dưới 3 tuổi và từ 3-7 tuổi. Luật BHXH năm 2014 đã bổ sung quy định số ngày nghỉ tối đa được tính cho mỗi con, như vậy là cứ mỗi một con sẽ được hưởng tối đa số ngày trong một năm nêu trên mà không khống chế số con ốm. Sửa đổi quy định đối với trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của mỗi người cha hoặc người mẹ được hưởng theo chế độ của mỗi người. Có nghĩa cả cha và mẹ cùng có thể lựa chọn nghỉ chăm sóc con ốm đau cùng một thời điểm nếu cùng tham gia BHXH.

Về mức hưởng chế độ ốm đau: Sửa đổi tăng mức hưởng đối với trường hợp bệnh dài ngày hưởng tiếp sau thời gian 180 ngày, mức hưởng thấp nhất được điều chỉnh bằng 50% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng BHXH dưới 15, năm so với quy định hiện hành thì mức hưởng cho đối tượng này là bằng 45%.

Về cách tính mức hưởng trợ cấp ốm đau theo ngày, cụ thể một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày thay cho quy định hiện hành chia cho 26 ngày.

Những nội dung sửa đổi, bổ sung trong các quy định về chế độ thai sản

Luật BHXH bổ sung điều kiện về đối tượng hưởng là lao động nam đóng BHXH có vợ sinh con được hưởng trợ cấp thai sản một lần: “Trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH, khi mẹ sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 tháng tiền lương cơ sở cho mỗi con”. Bổ sung quy định lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con. Để đảm bảo quyền lợi lao động nữ đã có quá trình đóng BHXH đến khi mang thai gặp vấn đề về sức khỏe, Luật BHXH năm 2014 đã bổ sung thêm quy định điều kiện hưởng đối với đối tượng đã có thời gian tham gia BHXH là 12 tháng, khi mang thai vì lý do sức khỏe phải nghỉ việc thì chỉ cần có thời gian tham gia BHXH đủ 3 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh sẽ được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Bổ sung quy định đối với lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản: 5 ngày làm việc; 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày làm việc khi vợ sinh đôi, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc; 14 ngày làm việc trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính kể từ 30 ngày đầu vợ sinh con.

Bổ sung chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ. Theo đó thì lao động nữ mang thai hộ được hưởng chế độ khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu và chế độ khi sinh con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian theo chế độ sinh con; người mẹ nhờ mang thai hộ hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi... (Sức khẻo & Đời sống (trang 7). 

Mổ nội soi cắt bướu gan cho bệnh nhi

Chiều 10-12, Ths-BS Đào Trung Hiếu, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết lần đầu tiên bệnh viện này đã mổ nội soi cắt khối bướu lớn cho bé gái Đ.M.A, 18 tháng tuổi (ở Tiền Giang), nặng 8kg.  Trước đó, gia đình bé A. thấy cháu biếng ăn, bụng lớn hơn bình thường nên đưa cháu đến Bệnh viện Đa Khoa Tiền Giang khám. Tại đây, cháu được siêu âm và phát hiện vùng gan có một khối bướu lớn. Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang đã chuyển cháu lên bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiến hành mổ nội soi để cắt bướu gan cho bệnh nhi. Trước đây, những trường hợp này đều phải mổ hở.

Sau gần 4 giờ phẫu thuật, một bướu gan to đã được lấy ra. Điều các bác sĩ lo lắng là khi phẫu thuật cắt bướu gan dù bằng phương pháp mổ nội soi hay mổ hở đều có nguy cơ chảy máu ồ ạt. Trong lúc mổ nội soi, bệnh nhi cũng bị chảy máu nhưng các bác sĩ đã cầm máu được.  Hiện nay sức khỏe của bệnh nhi tốt, cháu đã ăn uống được.

Sau khi cắt được khối bướu, các bác sĩ đã gửi khối bướu gan đi giải phẫu bệnh lý xem bướu gan lành tính hay ác tính. Trong trường hợp lành tính bệnh nhi không cần phải điều trị tiếp. Còn nếu ác tính, bệnh nhi sẽ được chuyển qua Bệnh viện Ung bướu để được hóa trị liệu. (Tuổi trẻ (trang 14), Thanh niên (trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang