Công tác Y tế: Lấy người bệnh là trung tâm để phục vụ
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2015 được ngành Y tế tập trung chỉ đạo là “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng người bệnh” từ các cơ sở y tế tuyến Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, nhiều thành tựu về khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, công tác DS-KHHGĐ tiếp tục được đẩy mạnh, đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả hơn.
Khống chế thành công các dịch bệnh nguy hiểm
Trong năm 2015, ngành Y tế tiếp tục thực hiện chương trình phát triển y tế trên nhiều lĩnh vực. Ngành đã chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch, tăng cường công tác dự báo, giám sát, phát hiện sớm, ngăn chặn và khống chế kịp thời dịch bệnh trong tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, trong đó có những dịch bệnh lớn như MERS - CoV, các dịch cúm A (H5N1, H1N1, H7N9)…
Một thành tựu đáng tự hào khác là tháng 6/2015, sau 14 năm chuẩn bị kỹ càng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công nhận Việt Nam là một trong 39 nước đạt chứng nhận Hệ thống quản lý Quốc gia về vaccine (NRA), trong khi đây vẫn là thách thức của nhiều nước phát triển, mở ra cánh cửa xuất khẩu vaccine Việt Nam cho thế giới. Với việc tự sản xuất được 10/11 vaccine phục vụ Chương trình Tiêm chủng Quốc gia, các nhà sản xuất đã tiết kiệm cho nhà nước hàng ngàn tỉ đồng do không phải nhập khẩu.
Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng, dù ngân sách cho công tác này bị cắt giảm tới 50% so với năm trước. Ngộ độc thực phẩm giảm trên cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người mắc và số người nhập viện. Đặc biệt, ngành Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định về việc triển khai thí điểm Mô hình Thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận/huyện, xã/phường tại 20 xã/phường thuộc 10 quận/huyện của hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có hệ thống thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm xuống tận các cơ sở. Qua đó, kỳ vọng sẽ tạo được đột phá trong công tác giám sát, thanh kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.
Thay đổi diện mạo các cơ sở khám, chữa bệnh
Trong công tác khám, chữa bệnh, năm 2015, nhiều kỹ thuật y khoa tiên tiến, hiện đại đã được triển khai, cứu chữa hàng nghìn bệnh nhân mắc các bệnh lý phức tạp. Nhiều kỹ thuật vươn tầm thế giới, đưa nền y học Việt Nam tiến thêm những bước cao hơn. Mô hình Phòng khám Bác sĩ gia đình hiện đang được tích cực triển khai thí điểm, bước đầu thu được kết quả đáng khích lệ. Các chuyên gia dự báo, nếu phát triển mô hình này sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.
Bên cạnh việc thay đổi diện mạo về cơ sở vật chất, xây dựng các mô hình khám, chữa bệnh, nâng cao trình độ tay nghề, ngành Y tế đã đi sâu vào xây dựng hình ảnh, phong cách, rèn luyện y đức của người thầy thuốc, nhân viên y tế. Đề án Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh theo Quyết định số 2151 - QĐ/BYT ngày 4/6/2015 đã được chỉ đạo, triển khai rộng rãi, từ Trung ương tới địa phương. Bước đầu, Đề án đã tạo nên một bước đột phá mới, được đông đảo nhân dân, người bệnh ghi nhận, đánh giá cao. Bởi vấn đề cốt lõi nhất vẫn chính là từ bên trong người cán bộ y tế, xuất phát từ nhận thức, tình cảm, nhiệt huyết, cán bộ y tế phải có ý thức đổi mới và phải coi người bệnh là trung tâm để phục vụ.
Một trong những nội dung trọng tâm của Đề án mà ngành Y tế đã và đang triển khai là tiếp tục duy trì đường dây nóng, thực hiện Thông tư về qui tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp; duy trì hòm thư góp ý, hòm thư nóng; qui định về trang phục đối với những chức năng khác nhau; thành lập đơn vị chăm sóc khách hàng để giải đáp những thắc mắc của người bệnh; có đội tình nguyện của sinh viên, bác sĩ trẻ giúp người bệnh trong quá trình khám bệnh được nhanh, gọn; ký cam kết để đổi mới toàn diện thái độ như: Niềm nở khi bệnh nhân đến – Tận tụy khi bệnh nhân ở - Chu đáo khi bệnh nhân về…
Để việc triển khai Đề án này không phải là phong trào, Bộ Y tế cũng tổ chức nhiều đoàn kiểm tra công tác thực hiện tại các bệnh viện. Đã ký cam kết, kiểm tra đột xuất các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc theo kiến nghị, phản ánh trực tiếp, gián tiếp của công dân qua “đường dây nóng”, hòm thư góp ý và qua các phương tiện thông tin đại chúng. Cũng liên quan đến chủ trương lấy người bệnh là trung tâm phục vụ, cuối năm qua, Bộ Y tế đã bổ sung, sửa đổi hàng chục tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện. Gia đình & xã hội (trang 1)
Quinvaxem miễn dịch tốt hơn vaccine vô bào
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine 5 trong 1 Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng thay vì bị động chờ đợi vaccine dịch vụ, bởi trẻ không được tiêm phòng đúng thời hạn quy định sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ và gây nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.
Quinvaxem là vaccine phối hợp phòng 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib trong một mũi tiêm. Đây là những bệnh gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi – đối tượng dễ mắc những bệnh này ở Việt Nam.
Cục Y tế dự phòng nêu rõ: Vì Quinvaxem có chứa thành phần toàn tế bào nên có thể xảy ra các phản ứng sau tiêm chủng như sốt, đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc... Tuy nhiên, hiệu quả miễn dịch của vaccine này tốt hơn vaccine chứa thành phần vô bào. Trong khi đó, tỷ lệ phản ứng nặng và trường hợp tử vong so với vaccine chứa thành phần vô bào (Pentaxim) là như nhau.
Trên toàn thế giới, Quinvaxem được sử dụng phổ biến tại 94 quốc gia với hơn 450 triệu liều đã được cung cấp, giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chống lại các dịch bệnh nguy hiểm. Tại Việt Nam, vaccine Quinvaxem được triển khai trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm chủng miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi từ tháng 6/2010. Vaccine được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cung ứng cho Việt Nam và phân bổ đến các địa phương để sử dụng đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi trên toàn quốc theo lịch tiêm chủng 3 mũi vào các thời điểm 2 tháng, 3 tháng và 4 tháng tuổi.
Từ khi triển khai đến nay, đã có khoảng 25 triệu mũi tiêm Quinvaxem được thực hiện với tỷ lệ tiêm chủng 3 mũi vaccine hàng năm đạt trên 90%. Trong năm 2015, cũng đã có 4,8 triệu liều vaccine được tiêm chủng cho trẻ tại tất cả các điểm tiêm chủng xã, phường trên cả nước.
Các kết quả nghiên cứu đánh giá cho thấy hơn 97% trẻ em được bảo vệ chống lại bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà và bệnh do vi khuẩn Hib gây ra sau tiêm chủng 3 liều cơ bản với Quinvaxem. Hơn 91% trẻ em được bảo vệ chống lại bệnh Viêm gan B sau khi tiêm chủng vaccine theo lịch mà chưa được tiêm chủng vaccine viêm gan B vào lúc sinh.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên cho trẻ đi tiêm vaccine 5 trong 1 Quinvaxem tại các điểm tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ trên cả nước. Vaccine xin Quinvaxem đã được đảm bảo an toàn và hiệu quả. Vì vậy, phụ huynh có trẻ đến thời gian cần tiêm chủng mà chưa tiêm vaccine hoặc chưa đăng ký được vaccine dịch vụ nên đến ngay các điểm tiêm chủng tại xã, phường để được tiêm Quinvaxem kịp thời, bảo vệ sức khỏe của trẻ, phòng tránh nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng. Gia đình & xã hội (trang 2)
Khủng hoảng vắc-xin, vì đâu?
Đâu là nguyên nhân sự cố hỗn loạn đăng ký tiêm vắc-xin dịch vụ, khan hiếm vắc-xin? Phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với bác sĩ, TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng xung quanh vấn đề này.
TS Trần Tuấn nói: Điều này cho thấy, có một sự mất cân đối nghiêm trọng về cung và cầu. Người dân thực sự lo lắng cho sức khỏe của con mình mà phải lặn lội đêm tối trời rét để hy vọng giành được cơ hội. Về phía các cơ sở cung cấp dịch vụ bộc lộ khả năng đánh giá nhu cầu của người dân chưa khoa học nên cũng chưa có kế hoạch chủ động.
Rõ ràng ở đây là bị động, nước đến chân mới nhảy. Nhìn lại tổng thể, theo tôi, đây là hệ quả của tình trạng diễn tiến dần dần từ vài năm nay mà không giải quyết ngay khiến “cái sẩy nẩy cái ung”, cứ tăng dần lên thành một đám rối ngày càng khó giải quyết. Tôi cảm giác những người có trách nhiệm vận hành hệ thống tiêm chủng đang đứng trước một mớ bòng bong. Muốn gỡ rối lúc này phải kiên trì, bình tĩnh. Còn đi sâu phân tích căn nguyên thì tôi nghĩ sự việc xảy ra là hệ quả của một tiến trình bắt đầu từ vắc-xin Quinvaxem tiêm xong có hiện tượng trẻ tử vong. Câu hỏi đặt ra là nguyên nhân từ đâu?
Ông từng có ý kiến rằng: Nói “chết ngẫu nhiên” là khái niệm phi khoa học. Cái chết nào cũng có nguyên nhân, với một đứa trẻ bình thường, không có cái chết nào ngẫu nhiên, chỉ là có tìm ra hay không và cần có nghiên cứu đánh giá độc lập về tỷ lệ này. Nói như vậy phải chăng ngành y tế chưa làm hết trách nhiệm của mình?
Có thể nói cách thức lý giải nguyên nhân tử vong sau tiêm vắc-xin trong những năm qua chưa được xã hội đồng thuận. Đỉnh điểm là năm 2013 khi xảy ra một loạt trường hợp tử vong sau tiêm Quinvaxem và Bộ Y tế đã phải cho ngừng tiêm để điều tra. Khi kết quả điều tra cho rằng, hoàn toàn không liên quan tới Quinvaxem thì phải giải thích rõ cái chết đó là vì sao, nhưng chúng ta lại không đi tiếp bước đó mà cho rằng, cái chết đó xảy ra do trùng hợp, là “chết ngẫu nhiên”. Việc dùng từ “chết ngẫu nhiên” càng làm cho người dân hoang mang.
Trong bối cảnh đó lẽ ra cần có những nghiên cứu đánh giá độc lập thì chúng ta không thực hiện, vì thế tiếng nói đơn độc bên ngành y tế, bên cung cấp dịch vụ đã không tạo được niềm tin của một bộ phận người dân, để rồi sau đó lại xảy ra những trường hợp tử vong liên quan tới tiêm Quinvaxem. Sự mất lòng tin đó lớn dần, đồng thời những thông tin liên quan tới Quinvaxem ở các nước ra sao, nơi sản xuất có dùng không… rất nhanh chóng được các mạng xã hội truyền tải và cái đó làm cho những băn khoăn của người dân về Quinvaxem với những trường hợp tử vong lớn dần lên, gây ra hiện tượng một bộ phận người ta quay lưng với Quinvaxem. Vì thế việc tiêm vắc-xin dịch vụ trở nên nóng, cùng với việc khan hiếm vắc-xin.
Đến mức đó đáng lẽ Bộ Y tế, hệ thống thực hiện tiêm chủng thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, xem xét cho đúng tâm lý của người dân, đồng thời tìm cách hóa giải tâm lý người dân thay cho việc tiếp tục chỉ có một thông điệp đã quá quen: Tiêm vắc-xin Quinvaxem an toàn, không thuyết phục. Khi không lý giải nổi tại sao những cái chết trùng hợp cứ xảy ra khi tiêm Quinvaxem thì khó trấn an được dư luận. Ngành y tế không lý giải được, đồng thời không thực hiện hệ thống đánh giá giám sát, theo dõi về tình trạng đáp ứng cho người dân, nhu cầu của người dân về tiêm vắc-xin dịch vụ để rồi tiếp tục tuyên truyền rằng, chỉ có thể tiêm Quinvaxem mà thôi, còn vắc-xin dịch vụ trong thời gian tới lại tiếp tục khan hiếm. Điều này đã đẩy sự lo lắng của người dân lên cao trào.
Theo ông vì sao Bộ Y tế đã lý giải nhiều nhưng người dân vẫn không tin vào vắc-xin Quinvaxem?
Tôi nghĩ rằng, việc người dân không tin những thông điệp của Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế, sự an toàn của Quinvaxem cần được lý giải từ thực tế. Nhưng thực tế lại có những trường hợp hoàn toàn bình thường trước khi đi tiêm nhưng sau khi tiêm lại tử vong. Các ông bố bà mẹ rất trông mong chờ đợi lý giải căn nguyên.
Câu trả lời từ Bộ Y tế vẫn là trong phạm vi cho phép. Chữ “cho phép” ở đây nên hiểu là cho phép về những tác dụng phụ như bỏ bú, quấy khóc, sốt… thì các ông bố bà mẹ vẫn chấp nhận được, nhưng lại để chữ “cho phép” đó với xác suất tử vong thì quả thực vượt quá sức chịu đựng của các ông bố bà mẹ. Cái tôi kiến nghị là khi có tử vong đối với trẻ tiêm vắc-xin thì phải hiểu rằng, điều đó là không cho phép. Các ông bố bà mẹ cho phép tác dụng phụ vì nguy cơ không tiêm chủng cao hơn rất nhiều, nhưng nếu nói tử vong thì họ không dám đặt cược tính mạng con họ vào đó.
Trên diễn đàn báo chí ông từng bày tỏ, sự hỗn loạn vừa qua là khủng hoảng niềm tin, sự bất an của người dân khi con em mình tiêm vắc-xin. Vậy, ngành y tế cần làm gì để lấy lại niềm tin đó?
Chỉ khi nào những người làm chính sách hiểu được, và thực sự thấy rằng câu “tỷ lệ tai biến cho phép” nó không bao gồm vấn đề tử vong. Đấy là điều thực sự không mong muốn. Với bất kỳ trường hợp tử vong nào chúng ta cũng cố gắng làm hết sức mình để chỉ ra căn nguyên và bằng mọi cách sẽ quyết tâm loại trừ tử vong trong vấn đề tiêm vắc-xin… Khi đó mới đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân. Cách hành xử tới đây phải như vậy.
Muốn thoát ra khỏi tình trạng này cần tổ chức một nhóm đánh giá độc lập và để họ lên tiếng. Những người tham gia đánh giá phải có chuyên môn, có tri thức khoa học lĩnh vực đó nhưng không có quan hệ lợi ích, trách nhiệm với tiến trình tổ chức dịch vụ tiêm chủng, có như thế người dân mới tin. Với cuộc khủng hoảng hiện nay, nếu chỉ quy cho bên y tế thì chưa thấu đáo, vì những gì ngành y tế làm nó liên quan với các đường lối chính sách khác, các bộ khác. Cho nên chúng ta phải nhìn vấn đề này như một vấn đề của hệ thống đang cần điều chỉnh, thay đổi.
Một thực tế dễ nhận thấy là tính minh bạch, công khai từ nguồn gốc, giá cả, chất lượng, xuất xứ của từng vắc-xin phải nói ngành y tế còn thiếu và yếu. Người dân như lạc vào ma trận, nên sự hoang mang ấy đẩy người dân phải phản ứng theo đám đông. Ông có đồng ý với nhận xét đó?
Chính xác. Chúng ta phải thiết lập thị trường về vắc-xin. Toàn bộ nhu cầu vắc-xin nhà nước nên đứng ra thương thảo, đấu thầu quốc tế một cách công khai, minh bạch. Người dân cũng đặt câu hỏi tại sao cơ sở sản xuất Quinvaxem không hề có bất cứ động thái nào khi báo chí nói rất nhiều việc vắc-xin là thủ phạm gây tử vong cho trẻ. Đến lúc này, điều đầu tiên chúng ta phải dũng cảm minh bạch thông tin để xóa đám mây che phủ những điều khi ngờ về Quinvaxem, về việc đặt hàng, phân bố, giá cả của vắc-xin dịch vụ.
Cảm ơn ông. Tiền phong (trang 6)
2 người chết não hiến đa tạng cứu 7 bệnh nhân
BV Chợ Rẫy cho biết đã có hai người chết não hiến bốn quả thận, hai giác mạc và một lá gan để cứu được bảy bệnh nhân khác. Theo bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho biết, bệnh viện vừa thực hiện 7 ca phẫu thuật ghép tạng cho 7 bệnh nhân. Tất cả các trường hợp trên đã nhận được tạng hiến từ hai người tử vong (chết não) do tai biến mạch máu não. Theo bác sĩ Thu, cả hai người hiến tạng đều đã trên 50 tuổi, ngụ tại TP.HCM. Trong đó một trường hợp là cán bộ quân đội.
Bác sĩ Thu cho biết, trong năm 2015, đã có 7 trường hợp hiến tạng. Trong đó có 3 trường hợp hiến đa tạng. Với nguồn tạng hiến quý giá này các bác sĩ đã cứu sống và giúp sáng mắt cho 23 người… Thanh niên (trang 5)
“Bác sĩ” robot cứu nhiều bệnh nhi
Robot phẫu thuật tưởng chỉ có trong phim viễn tưởng, giờ đã “bước ra” ngoài đời thực. Bệnh viện Nhi T.Ư là cơ sở y tế đầu tiên trong cả nước sử dụng máy vào phẫu thuật nhiều ca bệnh hiểm nghèo cho trẻ em.
“Bàn tay” xoay 540 độ
PGS-TS Lê Thanh Hải – Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, robot phẫu thuật nội soi được sử dụng tại bệnh viện vào cuối năm 2013, đến nay đã phẫu thuật thành công cho hơn 80 bệnh nhi. Nhiều ca bệnh khó, bác sĩ khó thực hiện được nhưng đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của robot đã thực hiện thành công. Đặc biệt, kỹ thuật đã được ứng dụng trên những bệnh nhi nhỏ tuổi, cân nặng thấp mà không để lại rủi ro hay biến chứng.
Bệnh nhi được robot phẫu thuật gần đây nhất là bé Nguyễn Gia Bảo (1 tuổi, trú tại Lạng Sơn) bị u nang ống mật chủ. TS- bác sĩ Nguyễn Duy Hiền – Phó Trưởng khoa Ngoại (Bệnh viện Nhi T.Ư), người trực tiếp điều khiển robot phẫu thuật cho bé Bảo cho biết, u nang ống mật chủ là một bệnh lý phức tạp, nguy hiểm. Nếu không được điều trị bệnh nhân thường đau đớn, nhiễm trùng đường mật kéo dài dai dẳng, nguy cơ dịch tụy tràn lên đường mật gây thủng đường mật, gây viêm tụy cấp, biến chứng viêm đường mật ngược dòng nguy hiểm, thậm chí gây ung thư. Bé Bảo khá nhỏ tuổi nên các bộ phận cơ thể còn quá bé, sức đề kháng kém. Nếu dùng kỹ thuật mổ mở bình thường, bác sĩ phải rạch trên bụng một đường dài, cắt nhiều cơ, rất đau đớn. Bệnh nhân cũng phải nằm viện ít nhất 10-14 ngày, chưa kể các biến chứng nhiễm khuẩn, mất thẩm mỹ vì vết sẹo rất dài…
“Ca phẫu thuật này là thách thức của nhiều bác sĩ vì đường mật là nơi tập trung nhiều động mạch, tĩnh mạch, nếu dùng dao không khéo, động chạm vào các mạch máu này sẽ gây chảy máu dữ dội. Trong quá trình phẫu thuật, bóc tách u cũng dễ tổn thương các bộ phận gần đó như tụy, đường mật trong gan… Còn các bệnh nhi lại quá bé, càng khó để thực hiện các thao tác chính xác hơn” – bác sĩ Hiền phân tích.
Tuy nhiên, robot chỉ cần mổ một đường rạch nhỏ trên bụng, luồn các cánh tay vào trong và thực hiện phẫu thuật cắt bỏ nang trong ống mật rất nhanh chóng. Bé Bảo không bị đau hay mất máu nhiều, chỉ phải nằm viện 5 ngày.
Trường hợp bệnh nhi nhẹ cân nhất được bác sĩ robot cứu sống là bé Nguyễn Thị Ngọc Diệp (Đại Đồng, Thuận Thành, Bắc Ninh), 28 tháng tuổi, nặng 11kg. Bệnh nhi cũng được chẩn đoán u nang ống mật chủ. Bệnh nhi quá nhỏ khiến các bác sĩ lo ngại, tuy nhiên robot phẫu thuật lại thực hiện thành công ca mổ, bệnh nhi tỉnh sau vài tiếng phẫu thuật, không để lại biến chứng gì.
“Lợi thế của robot phẫu thuật là nhờ những camera gắn ngay ở đầu các cánh tay, cho hình ảnh 3D phóng đại 12 lần, phẫu thuật viên điều khiển máy có thể nhìn rõ các mạch máu nhỏ, dây thần kinh rất nhỏ để đưa lưỡi dao tới. Đặc biệt, khi khâu nối, cánh tay của robot có thể quay 540 độ luồn vào các ngóc ngách để thao tác mà ít va chạm với các bộ phận khác, giảm thiểu tổn thương cho bệnh nhi. Đây là điều không tưởng mà bác sĩ không thể thực hiện được” – bác sĩ Hiền cho biết.
Phẫu thuật bằng robot chính là kỹ thuật hiện đại nhất trong lĩnh vực nội soi nhi khoa, và ở Việt Nam hiện mới chỉ có Bệnh viện Nhi T.Ư có robot phẫu thuật.
Giải phóng bác sĩ
Theo bác sĩ Hiền, với sự trợ giúp của cánh tay robot, các bác sĩ được giải phóng rất nhiều. “Trước đây, đối với những bệnh nhi nhỏ tuổi, nhẹ cân, khi phẫu thuật chúng tôi phải dán mắt vào bệnh nhân, phải cúi gập người rất mệt mỏi, đã thế các ca mổ kéo dài dễ dẫn đến căng thẳng, run tay. Còn bây giờ, chúng tôi có thể ngồi ghế, nhìn màn hình 3D rất rõ nét, thoải mái nhìn rõ các mạch máu để điều khiển cánh tay robot tới đúng vị trí mình cần. Các phẫu thuật viên cũng không cần rửa tay, mặc áo, đi găng tay. Ngoài ra, robot cũng không hề bị run tay trong quá trình mổ nên độ chính xác rất cao” – bác sĩ Hiền tâm sự.
Nhưng điều mà các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư tâm đắc nhất chính là robot đã thực hiện được các kỹ thuật khó để cứu sống bệnh nhi mà nhiều lúc bác sĩ phải đau lòng bó tay. Đồng thời, cũng giảm được nỗi đau cho những bệnh nhi nhỏ tuổi. “Chứng kiến các em thoát khỏi hiểm nghèo, bớt đau đớn, nhanh nở nụ cười là hạnh phúc lớn nhất của các bác sĩ nhi chúng tôi” – bác sĩ Hiền cảm động nói.
Theo PGS Hải, sử dụng robot là kỹ thuật phẫu thuật hiện đại nhất hiện nay. Camera rõ nét, khớp tay robot linh hoạt giúp các động tác khâu, nối, luồn lách tới nhiều bộ phận khuất… Robot này đặc biệt hữu ích cho việc phẫu thuật khối u ở ổ bụng hoặc lồng ngực… Tuy nhiên kỹ thuật khá đắt đỏ, chi phí lên đến 50-80 triệu đồng/ca. Ca bệnh này lại chưa được bảo hiểm y tế thanh toán. Do đó hiện nay, kỹ thuật này mới chỉ được áp dụng cho 4 bệnh lý phức tạp cần phẫu tích và khâu nối tỉ mỉ- u nang ống mật chủ, bệnh phình đại tràng bẩm sinh, hội chứng hẹp khúc nối niệu quản bể thận và cuối cùng là các bệnh lý ở trong lồng ngực như cắt thùy phổi và cắt u trung thất. Ngoài ra, Bệnh viện Nhi T.Ư cũng đang thử nghiệm robot vào phẫu thuật cắt khối u ổ bụng, cắt thận…
Cho dù chi phí phẫu thuật bằng robot có đắt hơn các kỹ thuật mổ khác nhưng so với thế giới, giá phẫu thuật bằng robot ở Việt Nam chỉ bằng 1/5-1/10 (giá ca mổ bằng robot ở Singapore khoảng 500-800 triệu đồng/ca), thời gian nằm viện rút ngắn, đỡ biến chứng, đỡ chi phí thuốc men.
“Hơn 80 bệnh nhi đã được phẫu thuật thành công, ít đau đớn, thời gian nằm viện giảm 2-3 lần so với phẫu thuật mổ mở. Hy vọng với những ưu thế nổi bật này, Việt Nam có thể phát triển kỹ thuật này để nhiều bệnh nhân có bệnh lý phức tạp được hưởng lợi từ kỹ thuật tiên tiến này, nhanh khỏi bệnh, giảm đau đớn” – PGS Hải chia sẻ.
PGS Hải cũng cho biết, robot cũng có thể ứng dụng trong phẫu thuật từ xa, lúc đó người dân nơi hải đảo, trên tàu thuỷ, núi cao cũng có thể được các giáo sư đầu ngành chỉ đạo mổ thông qua các cánh tay robot. Nông thôn ngày nay (trang 13)
Chờ con từ bụng... người khác
Cho phép mang thai hộ là sự kiện đáng chú ý, đầy tính nhân văn mà Bộ Y tế đã đấu tranh thành công để đưa vào Luật Hôn nhân gia đình (sửa đổi) năm 2015. Rất nhiều phụ nữ tuy không trải qua cảm giác mang thai nhưng lại đang nghẹn ngào đếm từng ngày chờ đứa con của mình chào đời.
Chị T.T.H (32 tuổi, Hà Nội) sinh ra đã bị dị tật không có tử cung. Tuy nhiên, chỉ sau khi kết hôn 3 năm không có con, chị đi khám mới phát hiện chị có trứng, khoẻ mạnh nhưng lại không “có tổ” để mang thai. Đau lòng đến mức tuyệt vọng nhưng chị cũng không có cách nào để có được đứa con.
Ngay khi Luật Hôn nhân gia đình (sửa đổi) cho phép mang thai hộ, chị H đã nhận được sự đồng ý của chị họ nên bàn bạc với chồng, nộp hồ sơ đăng ký mang thai hộ. Thủ tục, giấy tờ đều có luật sư giúp đỡ nên không có rắc rối gì. Chị họ khoẻ mạnh nên việc thụ tinh nhân tạo cũng rất thuận lợi. Đến nay, con của vợ chồng chị H đã được 25 tuần. Hàng ngày chị đều dành nhiều thời gian để trò chuyện với đứa con trong bụng chị họ. “Tôi hy vọng dù con không từ “núm ruột” của tôi nhưng cũng có thể hiểu được tình yêu mà tôi dành cho cháu lớn đến nhường nào” – chị H xúc động. Chị cho biết, việc cho phép mang thai hộ thật sự đã đem lại hạnh phúc cho những phụ nữ không có điều kiện sinh nở như chị, giúp chị có được đứa con một cách hợp pháp, khoẻ mạnh.
Cùng niềm vui này, chị N.M.C (30 tuổi, Bắc Ninh) đang khấp khởi chờ đợi đứa con của mình do chị dâu mang thai hộ. Cách đây 4 năm, chị bị mang thai đứa con đầu tiên nhưng đến khi sinh thì bị tai biến sản khoa, con mất, bản thân chị phải cắt bỏ tử cung. “Tôi đã quyết tâm vận động người thân và may mắn chị dâu đồng ý. Chị ấy đã sinh 2 đứa con khoẻ mạnh, bụ bẫm nên con tôi chắc chắn cũng sẽ đáng yêu lắm” – chị C cho biết.
Theo bác sĩ Hồ Sĩ Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), kể từ khi việc mang thai hộ có hiệu lực pháp luật, đến nay riêng Bệnh viện Phụ sản T.Ư đã thực hiện hơn 50 ca mang thai hộ thành công, trong số hơn 70 hồ sơ nộp đến Bệnh viện. Ca mang thai hộ lớn nhất cũng đã 33 tuần tuổi, đứa trẻ dự định sẽ ra đời trong mùa xuân tới.
Theo bác sĩ Hùng, một số trường hợp phải loại hồ sơ là vì không đầy đủ giấy tờ chứng minh các điều kiện để được mang thai hộ, hoặc người mang thai hộ không đủ điều kiện sức khoẻ để mang thai an toàn. Các bác sĩ chưa gặp trường hợp nào mà người mang thai hộ đến phút chót lại từ chối. Nông thôn ngày nay (trang 13)
Y tế gần dân
Xác định y tế cơ sở là gốc rễ của ngành y tế, là tuyến y tế gần dân nhất, đảm bảo cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, góp phần xóa đói giảm nghèo. Nhiều năm qua ngành y tế các địa phương đã có nhiều chương trình hành động hướng về cơ sở và đã có những đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tuyến đầu này.
Khi y tế cơ sở được dân tin tưởng
Trước đây, nhiều trạm y tế xã chỉ có giường không, phòng trống, các y sĩ cũng chỉ có cái ống nghe “làm bạn”, nhiều trạm y tế chỉ tồn tại cho có, còn người dân thì hờ hững. Nhưng giờ đây, điều đó không còn nữa, nhiều trạm y tế xã khang trang, đủ thiết bị khám chữa bệnh ban đầu, giúp bà con yên tâm hơn khi khám bệnh “tại nhà”. Đã 3 năm nay, khi thấy có vấn đề về sức khỏe là chị Nguyễn Thị Th. ở xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình lại đến trạm y tế xã để được thăm khám. Chị Th. cho biết, từ nhà đến trung tâm y tế huyện chỉ hơn 5km nhưng từ ngày được tư vấn và chăm sóc sức khỏe tại trạm, chị cảm thấy yên tâm và sức khỏe của mình cũng theo đó mà ổn định hơn. “Thật tiếc vì trước đây chỉ hơi hắt hơi sổ mũi đã chạy lên tuyến trên mà bỏ quên mất trạm y tế gần gũi, sạch sẽ thân thiện ngay tại nhà, các cô nhân viên y tế tư vấn nhiệt tình...” - chị Th. chia sẻ. Cũng giống như chị Th, 3 năm nay, sức khỏe của bà con xã Thịnh An, huyện Vĩnh Thạnh được nâng cao và cải thiện rõ rệt vì giờ đây bà con đã chăm đến Trạm Y tế thị trấn để khám bệnh. Trước đây, nếu đau ốm, bà con phải lên tận Trung tâm Y tế huyện để khám. Nhưng từ khi trạm y tế xã được trang bị máy siêu âm, máy đo đường huyết, máy điện tim, lại có bác sĩ trên huyện, trên tỉnh luân phiên về khám sức khỏe cho bà con, chẩn bệnh chính xác, kê đơn thuốc hiệu quả, rẻ tiền..., bà con bị đau ốm sẵn sàng tranh thủ ra xã khám, sức khỏe đảm bảo hơn. Là người gắn bó với y tế cơ sở hơn 10 năm nay, BS. Bùi Văn Đầy, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thịnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ chia sẻ: “Từ ngày trạm y tế được trang bị các thiết bị tương đối đầy đủ như máy siêu âm, máy điện tim, máy đo đường huyết... đặc biệt, trong số đó có máy siêu âm là niềm mong mỏi không chỉ của chúng tôi nhiều năm nay mà còn rất nhiều bệnh nhân... nhiều trường hợp qua khám bệnh siêu âm, các thầy thuốc phát hiện bệnh nhân bị một số bệnh lý cấp cần được cấp cứu, xử trí kịp thời. Nhiều người đã được cứu sống vì được phát hiện bệnh sớm và chuyển lên tuyến trên kịp thời.
Cùng với sự tin tưởng khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến xã, nhiều bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện được các kỹ thuật tuyến tỉnh, có bệnh viện thực hiện được những kỹ thuật tuyến trung ương... Hoặc như trước đây, chạy thận nhân tạo chỉ có ở Hà Nội, bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh thì giờ đã có hàng chục bệnh viện tuyến huyện, thậm chí cả một số bệnh viện miền núi cũng đã thực hiện chạy thận nhân tạo... Sự nỗ lực không ngừng của ngành y tế đã và đang xóa dần khoảng cách chăm sóc y tế giữa các tuyến, giúp người dân tiếp cận với thành tựu y tế hiện đại ngay tại quê nhà.
Xóa dần khoảng cách
Xác định rõ y tế cơ sở là nơi đầu tiên người dân tiếp cận khi ốm đau, vì vậy ngành y tế luôn chú trọng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân tại tuyến y tế cơ sở và đầu tư cho y tế cơ sở là một xu hướng thiết yếu. Theo nhận định của lãnh đạo Bộ Y tế tại Hội nghị Các giải pháp phát triển và xây dựng y tế cơ sở trong tình hình mới do Bộ Y tế tổ chức, nhiệm vụ đặt ra: y tế cơ sở là “màng lọc” tốt để giúp dân phòng ngừa dịch bệnh và làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, tránh để nhân dân phải vượt tuyến khi gặp những bệnh nhẹ.
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay 100% số xã, phường, thị trấn có cán bộ y tế với 78% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc. Với mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đã đạt hiệu quả đáng khích lệ, Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là một điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về y tế. Tuy nhiên, hiện nay, mới chỉ có hơn 60% số trạm y tế xã trên cả nước đạt tiêu chí quốc gia về y tế tuyến xã khi xây dựng thành công mô hình 2 trong 1 (kết hợp cả chức năng dự phòng và khám chữa bệnh). Mặt khác, theo nghiên cứu của Bộ Y tế, hơn 70% số bệnh nhân vượt tuyến ở Trung ương có thể điều trị ngay ở tuyến dưới; 81,8% số bệnh nhân vượt tuyến ở tỉnh có thể điều trị ở huyện, xã và 67,9% số bệnh nhân vượt tuyến ở huyện có thể điều trị ở ngay tuyến xã. Theo đó, để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đã triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh tới nhiều tỉnh. Từ năm 2013 đến nay đã có hàng trăm bệnh viện tuyến huyện được chuyển giao kỹ thuật, hàng nghìn kỹ thuật đã được ứng dụng tại cơ sở, đem lại lợi ích cho người bệnh. Cùng với việc nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho tuyến dưới, Bộ Y tế đã huy động nhiều nguồn vốn để từng bước nâng cấp hệ thống y tế cơ sở, giúp xóa dần khoảng cách với y tế tuyến trên. Tuy nhiên, quan điểm của ngành là không đầu tư dàn trải, cào bằng mà chỉ tập trung cho một số trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa, cách xa các trung tâm y tế quận, huyện... Bộ Y tế cũng cho biết, ngành cũng sẽ tăng cường đội ngũ bác sĩ về tuyến xã, chỉ đạo các bệnh viện tuyến trên tích cực chuyển giao kỹ thuật theo các gói dịch vụ để nâng cao trình độ cho cán bộ ở các trạm y tế. Nhờ được quan tâm đầu tư, đến nay, cơ sở y tế xã, tuyến huyện đã khang trang, rộng rãi hơn, các bệnh viện được trang bị thêm các thiết bị cần thiết cho chuyên môn, tăng thêm hàng chục ngàn giường bệnh, đặc biệt là nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế. Theo đó, bước đầu đã giảm được số bệnh nhân chuyển tuyến lên tuyến trên, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ nhân dân. Sức khỏe đời sống (trang 19)
Dấu ấn trong hành trình làm hài lòng người bệnh
Năm 2016 đã mở ra, khép lại một năm 2015 với nhiều dấu ấn nổi bật của ngành y tế được dư luận xã hội, người dân ghi nhận và đánh giá cao.
Năm 2016 đã mở ra, khép lại một năm 2015 với nhiều dấu ấn nổi bật của ngành y tế được dư luận xã hội, người dân ghi nhận và đánh giá cao. Ðó không chỉ là ngành y tế cả nước đã rất nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong sứ mệnh cao cả: bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; rồi những thành công về triển khai, ứng dụng kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh; công tác phòng chống dịch, mà quan trọng hơn cả là giúp người dân đi khám bệnh, nằm viện “dễ thở” hơn bởi số giường bệnh được tăng lên và phong cách phục vụ của cán bộ y tế cũng có sự đổi mới...
Năm 2015 – Năm của những công trình giảm tải
Giữa tiết lạnh giá của ngày cuối cùng trong năm 2015, hai công trình tòa nhà điều trị khang trang, hiện đại với hệ thống phòng mổ một chiều, phòng điều trị, chăm sóc sau mổ rộng rãi đã được khánh thành và đưa vào sử dụng, đó là công trình tòa nhà 19 tầng của bệnh viện (BV) Bạch Mai và tòa nhà 9 tầng của BV Châm cứu TW. Để có được hai công trình này, không chỉ là sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước mà đó còn là sự nỗ lực, là quyết tâm chính trị của toàn ngành y tế, của tập thể hai BV này với người bệnh.
Có thể gọi năm 2015 là năm của những công trình giảm tải, bởi ngay từ đầu năm, liên tiếp các công trình y tế hiện đại, đồng bộ về trang thiết bị y tế với hệ thống phòng mổ hiện đại, khu chăm sóc sau mổ, khu điều trị “như khách sạn”. Sự xuất hiện của các công trình này thực sự khiến cho “bộ mặt” của nhiều BV có sự thay đổi rõ rệt. Phải kể đến là tòa nhà kỹ thuật cao của BV Việt Đức, BV Nhi TW, BV Nội tiết TW, BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí nâng cấp sửa chữa BV Việt Đức, BV Bạch Mai, BV Nhi TW, BV Lão khoa... Rồi cơ sở 2 của BV Nhiệt đới TW tại Đông Anh cũng bắt đầu đi vào hoạt động. Nhờ đó, số giường của các BV này đều tăng lên.
Có được kết quả này không chỉ thể hiện sự quyết tâm chính trị của toàn ngành y tế với cam kết đã đưa ra mà còn thể hiện sự thấu hiểu được mong muốn từ nhân dân không phải nằm ghép khi vào viện của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến qua những lần đi thực tế tại các BV chuyên khoa, BV tuyến đầu... Chính vì thế “tư lệnh ngành y” cùng các cộng sự luôn đau đáu làm sao có thêm nhiều công trình khám chữa bệnh nữa được xây dựng, để người bệnh có thêm giường nằm bởi “thêm một giường bệnh là vất vả vì nằm ghép của người bệnh được vơi đi”. Từ quyết tâm đến hành động cụ thể, theo đó, các giải pháp đã thực hiện như luân phiên cán bộ tuyến trên về tuyến dưới để nâng cao chất lượng KCB cho tuyến dưới, giúp người dân không phải vất vả vượt tuyến; triển khai Đề án BV vệ tinh... xây mới và đưa vào sử dụng một số công trình, hạng mục khang trang, hiện đại của một số BVĐK, chuyên khoa tuyến tỉnh như BV Sản Nhi Bắc Ninh, BV Sản Nhi Thái Bình, BVĐK Hà Tĩnh, BVĐK Nghệ An...
Nhờ Đề án BV vệ tinh, Đề án 1816, hiện nay BV Nhi Hải Phòng, BV Nhi Thanh Hóa đã làm chủ kỹ thuật can thiệp tim mạch cho trẻ em, BV Ung bướu Đà Nẵng, Nghệ An đã chữa nhiều bệnh nhân ung bướu, BVĐK Phú Thọ, BVĐK Lào Cai, BVĐK Khánh Hòa đã phẫu thuật sọ não, ghép thận... Những thành công này không chỉ giúp người dân được khám chữa bệnh ngay tại tuyến dưới với khả năng chữa trị tương đương tuyến trên mà còn góp phần làm cho quyết tâm giảm tải của ngành y đang dần thành hiện thực...
Để thực sự nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, làm người bệnh hài lòng khi đi khám chữa bệnh, song song với quá trình thực hiện các giải pháp giảm tải BV, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã rất quyết liệt trong việc chỉ đạo ngành dọc tinh giản các thủ tục hành chính, đặc biệt là trong khám chữa bệnh BHYT nhằm giảm bớt thời gian chờ đợi cho người dân. Nhờ cải tiến quy trình khám bệnh, tăng số bàn khám lên gấp đôi, qua đó thời gian chờ đợi khám trung bình của một bệnh nhân được giảm đi. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã tiến hành cải cách quy trình khám chữa bệnh, giảm từ 9 chữ ký xuống còn 4 chữ ký, từ 12 quy trình xuống còn 4-5 quy trình... Đến nay thời gian chờ đợi khám lâm sàng đơn thuần cũng như có các chỉ định kèm theo của người bệnh đã giảm được 48,5 phút so với trước, giúp giảm thời gian chờ đợi của người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Người bệnh được đón nhận nhiều hơn những nụ cười...
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, trong các diễn đàn chuyên môn cũng như với truyền thông, Bộ trưởng Bộ Y tế luôn trăn trở, ngành y đã và đang ngày càng làm tốt hơn công tác chuyên môn nhưng cũng cần phải nâng cao hơn nữa tinh thần thái độ phục vụ người bệnh để người bệnh ngày càng hài lòng hơn về ngành. Từ trăn trở đến quyết tâm hành động. Quyết định 2151/QĐ-BYT ban hành kế hoạch thực hiện “Đổi mới phong cách, tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh” đã được Bộ trưởng ký ban hành và hiện đã triển khai tại không chỉ các BV trực thuộc Bộ mà còn xuống đến địa phương, đến cơ sở. Bước đầu, theo khảo sát của chúng tôi, người dân đã bày tỏ sự chia sẻ, đồng hành và cảm thông hơn với những vất vả, với áp lực của thầy thuốc bởi họ đã nhận được nhiều hơn nụ cười và sự nhã nhặn của thầy thuốc mỗi lần đi khám chữa bệnh.
Trò chuyện với chúng tôi, bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc (40 tuổi, Ninh Bình) đang chờ người nhà làm thủ tục xuất viện tại BV Việt Đức đã chia sẻ, trong hơn một tuần chị nằm điều trị tại BV Việt Đức, chị luôn nhận được sự quan tâm của các y bác sĩ Khoa Phẫu thuật cột sống, rồi sự hướng dẫn chu đáo về cách uống thuốc, tập vận động sau mổ ra sao, đi lại thế nào của các y tá, điều dưỡng. Và quan trọng hơn cả là trong phòng bệnh có hơn 10 bệnh nhân mà chị nằm, chưa lần nào chị thấy bác sĩ hay y tá, điều dưỡng có thái độ không tốt với người bệnh mà chủ yếu là sự ân cần, là nụ cười chia sẻ khi người bệnh kêu than đau đớn, là sự quan tâm khi người nhà bệnh nhân chưa kịp có mặt. Trường hợp khác bác K. Đ. T. (65 tuổi ở Hoàng Quốc Việt - Hà Nội) đang chờ khám tại BV Nội Tiết TW chia sẻ, đây là lần thứ 6 ông đến tái khám tại BV, những lần trước ông đã được chờ đợi và hướng dẫn khám tận tình, tuy nhiên lần này ông còn bất ngờ hơn khi ngay từ nhân viên bảo vệ ở cổng BV cũng cười tươi khi ông qua cổng. Rồi khi vào chờ khám thì được các cán bộ y tế của phòng công tác xã hội hướng dẫn ông đến phòng khám mặc dù với ông, đường đến các phòng khám của BV Nội tiết TW đã không còn xa lạ...
Theo TS. Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, cuộc vận động thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” là một trong những đột phá của ngành y tế sau khi ngành triển khai một loạt các chính sách đồng bộ về đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới cơ chế tài chính, BHYT toàn dân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thông qua Đề án giảm tải BV và Đề án BV vệ tinh chuyển giao kỹ thuật cao cho BV tuyến dưới...
Được biết, đến thời điểm này, nhiều địa phương, đơn vị đã tích cực triển khai thực hiện chủ trương “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” của Bộ Y tế. Cả nước đã có gần 34 tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch Đổi mới phong cách thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh; khoảng 20 Sở Y tế, 29 BV trực thuộc Bộ đã ký cam kết thực hiện với Bộ Y tế. Bộ Y tế đã quán triệt, hướng dẫn Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm túc các nội dung của kế hoạch để làm sao cho người bệnh luôn được hài lòng theo mọi khía cạnh khi đi khám chữa bệnh, và sự hài lòng đó là đích thực, chứ không mang tính hình thức...
Trong năm qua, ngành y tế đã chủ động cùng với các cơ quan liên quan đẩy mạnh thực hiện chính sách ưu việt của một trong những trụ cột an sinh xã hội - chính sách BHYT, nhằm hướng đến lộ trình BHYT toàn dân, giúp người dân, nhất là người dân nghèo yên tâm khi đi khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng triển khai đồng bộ những “thành lũy” bảo vệ sức khỏe người dân qua việc kiểm soát và ngăn ngừa không để các dịch bệnh nguy hiểm như dịch MERS-CoV, Ebola, cúm A/H7N9, cúm A/H5N6 xâm nhập Việt Nam; triển khai trên quy mô toàn quốc chương trình tiêm chủng mở rộng và các biện pháp ngăn chặn dịch sốt xuất huyết, ho gà, dịch hạch... Nhờ vậy, không có dịch bệnh lớn xảy ra và giảm tỷ lệ tử vong của hầu hết các bệnh truyền nhiễm. Thêm dấu ấn nổi bật và rất đáng tự hào của ngành năm 2015 là Tổ chức Y tế Thế giới đã chứng nhận dây chuyền sản xuất vắc-xin của Việt Nam đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Kết quả này đã mở ra cơ hội xuất khẩu vắc-xin cho Việt Nam.
Năm 2015 đã khép lại, cánh cửa năm 2016 đã mở ra với những nhiệm vụ mới, thời cơ mới và cũng sẽ có nhiều thách thức mới cho ngành y tế. Ngành y tế đã chủ động, đã mở cửa để cung cấp thông tin về ngành cho cộng đồng, cũng là để cộng đồng hiểu rõ thêm về ngành, sẻ chia với những khó khăn của ngành để từ đó đồng hành cùng ngành trong hành trình hướng đến nền y tế nhân văn, nền y tế vì dân, do dân và của dân... Trên chặng đường dài, ngành y tế đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng. Những công việc ấy không phải lúc nào cũng được diễn tả bằng lời để cộng đồng có thể hiểu, chia sẻ và cảm thông. Có những khó khăn đã được tháo gỡ, có những thách thức còn hiển hiện trước mắt, nhưng tựu trung, sâu thẳm trong mỗi cán bộ ngành y đều hướng về nhân dân với mong muốn được cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân... Sức khỏe đời sống (trang 3)