Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 1/12/2015

  • |
T5g.org.vn - Cả làng điêu đứng vì sốt xuất huyết; Bình Định: Dịch sốt xuất huyết bùng phát, bệnh viện quá tải

Cả làng điêu đứng vì sốt xuất huyết

Dịch sxh đang được các lực lượng chức năng tăng cường phun diệt muỗi ở các nơi có ổ dịch. Tuy nhiên, sau những đợt cao điểm phun trừ muỗi của bên y tế dự phòng, số lượng người mắc bệnh ở phường Phú Lương, Hà Đông, HN vẫn tăng lên, thậm chí có gia đình 7 người thì cả 7 người cùng nhập viện vì sxh.(Chi tiết xem báo). (Công an nhân dân (trang 1).

 

Bình Định: Dịch sốt xuất huyết bùng phát, bệnh viện quá tải

Ngày 30/11, ông Lê Quang Hùng, Phó GĐ Sở Y tế Bình Định cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết sở đã gửi công văn đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp với ngành Y tế triển khai các hoạt động phòng chống dịch.

Hiện, số ca được phát hiện khoảng trên 1.400 ca (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ) trong đó có 1 trường hợp đã tử vong. Số ca bệnh được phát hiện ở 11 huyện, thị xã, trong đó tập trung nhiều ở thành phố Quy Nhơn (342 ca), huyện Phù Cát (226 ca), Vân Canh (213 ca)…

Tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, số bệnh nhân tăng mạnh dẫn đến quá tải. Bệnh nhân phải nằm ghép. Khoa Nhi mỗi ngày tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân, trong đó nhiều trường hợp đã biến chứng nặng phải cho thở máy, truyền dịch. (Tiền phong (trang 2).

Báo động 'loạn' đào tạo Y dược

Mấy năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra nhiều vụ khiếu nại về đào tạo, có nguyên nhân từ việc quá nhiều trường được cấp phép đào tạo đủ các ngành, trong đó có Y dược, nhưng lại không chịu sự giám sát chặt chẽ về chất lượng dạy và học.

Một trong những trường để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng, tai tiếng hơn cả, là trường trung cấp Y dược Hà Nam (YDHN). Được cấp phép mở phân hiệu II tại Đắk Lắk từ tháng 1/2013, văn phòng bé tí tựa lưng ngay vào tường rào của trường Đại học Tây Nguyên, ban đầu YDHN tự giới thiệu tuyển sinh 2 ngành Y sĩ, Điều dưỡng với quy mô tăng dần, từ 250 học viên (HV) năm 2012-2013, đến 1.200 học viên năm 2015-2016.

Tuy nhiên, dù thiếu thốn cả đội ngũ giáo viên lẫn phòng ốc, trang thiết bị, chỉ tới tháng 5/2014, YDHN đã có báo cáo lên Sở GD-ĐT Đắk Lắk là ngay trong năm 2012-2013 YDHN đã tuyển sinh và đào tạo tới 1.300 HV, và “nhân tiện” đề nghị Sở tham mưu cho UBND tỉnh cho phép trường “được gửi đào tạo 60 chỉ tiêu đại học chính quy, gồm 50 bác sĩ đa khoa và 10 dược sĩ đại học”.

Đặc biệt dễ dãi với “ca lạ” này, lãnh đạo các cấp gồm Sở GD-ĐT Đắk Lắk, UBND tỉnh, Bộ GD-ĐT đã lần lượt thực hiện các thủ tục liên quan, với kết quả sau cùng là bổ sung 15 chỉ tiêu đào tạo bác sĩ đa khoa cho trường Đại học Tây Nguyên, trong đó có 5 chỉ tiêu do YDHN giới thiệu. Chỉ trong vòng 6 ngày từ khi được tỉnh phân bổ 5 chỉ tiêu này, YDHN đã tuyển xong 5 sinh viên mà không cần lập hội đồng xét tuyển, không thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tiếp đó, UBND tỉnh lại đồng ý cho YDHN liên kết với trường trung cấp Tổng hợp Hà Thái đào tạo 300 học viên Sư phạm Mầm non, dù trên địa bàn tỉnh đã có trường Trung cấp Sư phạm Mầm non Đắk Lắk đầy đủ cơ sở đào tạo khang trang và bề dày thành tích hoạt động. Rốt cục, phi vụ “liên kết” giữa Hà Nam và Hà Thái đã không tuyển được HV nào.

Hơn thế nữa, ông Trịnh Văn Toàn quyền trưởng phân hiệu II của YDHN lại cùng ông Phan Gia Đức nhân viên thuộc quyền tự ý sửa hồ sơ, phết thêm điểm cho thí sinh Y Tem Niê không có tên trong danh sách trúng tuyển đầu vào nhưng vẫn được dự thi tốt nghiệp ngày 18/10/2014.

Tai tiếng lan ra, Sở GD-ĐT Đắk Lắk đã thu hồi và hủy bằng tốt nghiệp đã cấp cho học viên Y Tem Niê, khẳng định YDHN đã vi phạm quy chế đào tạo. Ông Toàn bị kỷ luật thôi chức từ tháng 12/2014, nhưng cho tới kỳ tuyển sinh 2015 YDHN vẫn lấy hình ảnh ông này kèm chức danh trưởng phân hiệu II để quảng cáo; còn ông Đức vẫn “cố đấm ăn xôi” gây thêm 1 vụ ra giá bán điểm bị học viên ghi âm tố cáo “muốn bằng khá phải 5 chai trở lên”, rồi mới bị buộc thôi việc.

Tháng 10/2015, anh trai của một học viên đang theo học ngành dược sĩ của phân hiệu II YDHN gửi đơn đến Sở, phản ánh chất lượng đào tạo của trường này quá kém, giảng viên thường xuyên không lên lớp, toàn bắt HV tự chép giáo án cho qua giờ.

Đã vậy, phân hiệu II YDHN tại Đắk Lắk lại còn tiếp nhận 130 học viên trung cấp Y, Dược không có hồ sơ liên kết từ Gia Lai sang Đắk Lắk, thuê phòng trọ cho các em này ở tạm để được học, lý do vì phân hiệu Gia Lai của YDHN bị phát hiện chưa được tỉnh Gia Lai cấp phép hoạt động đã tự ý tuyển sinh chui, hứa hẹn sẽ hỗ trợ tiền thuê trọ nhưng không thực hiện. Số phận long đong của 130 học viên này tới nay vẫn chưa tới hồi kết. Riêng trong năm 2015, phân hiệu II YDHN tại Đắk Lắk đã tổ chức 2 kỳ thi tốt nghiệp và không có sự giám sát của Sở GD-ĐT và Sở Y tế. 

Còn tại Ninh Thuận, sau đợt kiểm tra tháng 3/2015 của Sở Y tế Ninh Thuận đối với phân hiệu của YDHN đặt tại tỉnh này, phát hiện đủ thứ sai phạm, Sở GD-ĐT Ninh Thuận đã quyết định buộc YDHN tạm ngừng tuyển sinh từ năm 2015-2016.

Vừa trung cấp lên ĐH, tuyển sinh ngay… bác sĩ đa khoa!

Việc cấp phép mở ngành dễ dàng đối với nhiều trường trung cấp, đại học mới được thành lập, còn thiếu rất nhiều điều kiện để hoạt động, khiến các trường công lập có bề dày thành tích đào tạo từ lâu trên địa bàn trở nên khó tuyển sinh.

Vừa được “lên đời” từ một trường trung cấp hình thành chưa lâu, Đại học Buôn Ma Thuột đã được cấp phép tuyển sinh nhiều ngành khó, trong đó có cả bác sĩ đa khoa và đại học Dược. Nhiều bác sĩ, dược sĩ tâm huyết trên địa bàn tỉnh đã phản ánh với Tiền Phong là họ hết sức lo ngại trước hiện tượng này. Một dược sĩ thâm niên hơn 30 năm trong nghề chia sẻ : Đại học Buôn Ma Thuột vốn chỉ là một trường trung cấp non trẻ vừa “lên đời”, lập tức đã được tuyển sinh đào tạo đại học cả ngành bác sĩ đa khoa lẫn dược sĩ,  dư luận sao không khỏi nhức nhối?!

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vui, Hiệu trưởng Đại học Tây Nguyên (ĐHTN) cho biết: Giai đoạn từ năm 2005-2009 ĐHTN có liên kết với trường đại học Y Dược TPHCM  đào tạo dược sĩ đại học được 5 khóa, tổng cộng chưa tới 100 dược sĩ được cấp bằng, để phục vụ nguồn lực cho địa phương.

Sau đó, trường thôi không liên kết kiểu này nữa vì thấy hiệu quả đào tạo không cao, chất lượng dạy và học không bảo đảm. Nguyên nhân chủ yếu vì ĐHTN chưa đủ đội ngũ giảng viên cơ hữu cho khoa Dược, các thầy cô thỉnh giảng phải bay đi bay về liên tục mà học phí không tăng được, lịch dạy và học liên tục bị xáo trộn. Khi nào trường xây dựng xong đội ngũ giảng dạy và chuẩn bị chu tất thêm cơ sở vật chất, mới tiến tới việc đó.  

iáo sư Hoàng Tử Hùng, nguyên Phó Hiệu trưởng, trưởng khoa Răng Hàm Mặt trường Đại học Y Dược TPHCM mới đây đã chia sẻ nỗi buồn với PV Tiền Phong về việc ông được mời lên Tây Nguyên mở khoa Răng-Hàm-Mặt cho một trường đại học mới thành lập, với lời đề nghị: Thầy bận quá, nếu không tiện lên xuống thường xuyên, chỉ cần cho trường mượn tên cũng được ! Ông đau xót nhờ Tiền Phong đặt câu hỏi: Cho phép mở ngành Y, Dược tràn lan, lỏng lẻo theo kiểu này, thì tính mạng bệnh nhân sẽ ra sao?

 

Nỗi lo chất lượng đào tạo khi đại học ngoài công lập mở ngành y,dược

Những ngày gần đây, việc Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (ĐH KD và CN HN) được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) cho phép đào tạo ngành Y đa khoa và Dược học trình độ đại học (ĐH) hệ chính quy thu hút sự chú ý của dư luận xã hội. Đây không phải trường ngoài công lập đầu tiên được đào tạo ngành y, dược trình độ ĐH và câu chuyện này khiến nhiều chuyên gia, nhà quản lý lo ngại về chất lượng đào tạo.

Tuyển đầu vào thấp

Lý giải việc cho phép mở ngành, Bộ GD và ĐT cho biết, trong nhiều năm qua nhà nước hầu như không mở thêm cơ sở đào tạo y dược nào, trong khi nhu cầu nhân lực ngành y, dược lớn cho nên cần đa dạng hóa từ nhiều nguồn, trong đó có tư nhân, đầu tư nước ngoài. Đối với Trường ĐH KD và CN HN đã có đề nghị mở ngành y, dược từ hơn hai năm trước. Đến nay, nhà trường đã chuẩn bị đủ các điều kiện về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên theo quy định để mở ngành. Bộ Y tế cũng phối hợp kiểm tra và có công văn ủng hộ Trường ĐH KD và CN HN mở ngành sau khi hoàn thiện các nội dung theo góp ý của đoàn thẩm định. Vì vậy, lãnh đạo Bộ GD và ĐT quyết định cho trường mở ngành y, dược.

Đại diện Trường ĐH KD và CN HN cho biết, việc mở ngành y, dược của trường là phù hợp quy hoạch phát triển cơ sở đào tạo ngành y tế tại Quyết định số 816/QĐ-BYT ngày 16-3-2012 của Bộ Y tế phê duyệt “Quy hoạch phát triển nhân lực y tế giai đoạn 2012-2020", trong đó Bộ Y tế nêu: Vùng đồng bằng sông Hồng, khuyến khích thành lập trường hoặc khoa y, dược ngoài công lập đào tạo bậc ĐH. Theo GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH KD và CN HN, trường đã đầu tư 65 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất gồm 37 phòng học, phòng làm việc và trang, thiết bị. Về đội ngũ, nhà trường đã có 47 giảng viên cơ hữu có trình độ GS, PGS, TS hoặc bác sĩ chuyên khoa… GS, TSKH Lê Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm chủ nhiệm khoa Y; PGS, TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế làm chủ nhiệm khoa Dược; Trung tướng Chu Tiến Cường, nguyên Cục trưởng Quân y (Bộ Quốc phòng) phụ trách phòng khám đa khoa. Ngoài ra, trường ký hợp đồng thực hành với bốn bệnh viện, hai công ty dược. Dự kiến, trường tuyển sinh theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia với tổng ba môn xét tuyển từ 20 điểm trở lên.

Đáng chú ý, Trường ĐH KD và CN HN không phải là cơ sở đào tạo ngoài công lập duy nhất được Bộ GD và ĐT cho phép đào tạo khối ngành y, dược. Hiện nay, cả nước có 21 cơ sở đào tạo y khoa, trong đó có năm trường ngoài công lập; 21 cơ sở đào tạo dược, trong đó có 14 trường ngoài công lập. Nhiều trường ngoài công lập đã được Bộ GD và ĐT cho phép mở khối ngành y, dược từ những năm trước đây như: Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang), Trường ĐH Tân Tạo (Long An), Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), Trường ĐH Thành Tây và Trường ĐH Thành Đô (Hà Nội)… Trên trang thông tin điện tử của nhiều trường ngoài công lập, điểm trúng tuyển năm 2015 ngành y, dược chỉ 15 điểm, bằng điểm sàn như: ngành Dược của Trường ĐH Thành Tây; ngành Điều dưỡng, Dược của Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng (TP Hồ Chí Minh). Thậm chí, một số trường ĐH ngoài công lập tuyển sinh ĐH khối ngành y, dược chỉ thông qua xét tuyển học bạ THPT như: Trường ĐH Công nghệ Miền Đông (Đồng Nai), Trường ĐH Thành Tây, Trường ĐH Thành Đô, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Đại Nam (Hà Nội)... Việc các trường xét tuyển học bạ THPT có thể dẫn đến tình trạng thí sinh có điểm thi dưới điểm sàn của Bộ GD và ĐT đều có thể đăng ký xét tuyển.

Băn khoăn về chất lượng đầu ra

Thực trạng đào tạo khối ngành y, dược của các trường ngoài công lập khiến nhiều chuyên gia, nhất là các chuyên gia y tế lo ngại. GS, TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, khi đào tạo đội ngũ thầy thuốc trong đó có bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh… điều quan trọng nhất là ngay từ ngày đầu sinh viên phải gắn bó với nghề nghiệp của mình. Môi trường tốt nhất để gắn bó chính là bệnh viện, nơi người bệnh đang chịu đau đớn, cần sự thương yêu của cán bộ y tế. Cho nên trong đào tạo cán bộ y tế phải có bệnh viện. Nghề y rất đặc biệt, gắn với sức khỏe, tính mạng người bệnh cho nên cơ sở vật chất để đào tạo đòi hỏi những điều đặc biệt.

Nhiều chuyên gia giáo dục và y tế cũng nhìn nhận: Trong đào tạo y, dược, không phải có giảng đường, giảng viên là xong mà nó phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở thực hành. Ngoài cơ sở thực hành trong trường, sinh viên phải được thực hành trong môi trường bệnh viện và tiếp xúc với người bệnh. Một giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng: Đào tạo một bác sĩ đa khoa tại ĐH Y Hà Nội mất sáu năm, ngày học hai buổi, sáng thực hành, chiều lý thuyết, đêm còn đi trực, gấp ba lần thời gian học so với các trường khác. Dù được đào tạo bài bản trong một ngôi trường có lịch sử đào tạo hơn 100 năm nhưng với sáu năm học bác sĩ đa khoa, thêm ba năm bác sĩ nội trú thì sau khi ra trường sinh viên cũng chỉ làm được một số công việc chứ chưa thể chịu trách nhiệm hoàn toàn việc khám, điều trị. “Việc cấp phép cho các trường ngoài công lập đào tạo y, dược là vấn đề đáng lo ngại về chất lượng đầu ra” - giảng viên này chia sẻ.

Trong khi đó, từ thực tiễn quản lý đơn vị điều trị hàng đầu của cả nước, PGS, TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho rằng: “Y, dược là ngành đặc thù gắn với tính mạng và sức khỏe con người, cho nên nếu dễ dãi trong đào tạo có thể phải trả giá bằng sinh mạng con người. Với ngành y, điểm số đầu vào đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Nếu tuyển sinh với mức đầu vào thấp, khoảng 20 điểm cho ba môn học, thì rất khó để đào tạo chất lượng”. Thực tế, từ trước đến nay Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chủ yếu chỉ nhận bác sĩ nội trú của Trường ĐH Y Hà Nội vào làm việc.

Chia sẻ với báo chí, Phó Cục trưởng Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Lợi cho rằng: Bộ GD và ĐT cần chỉnh sửa thông tư xác định tiêu chí mở ngành tuyển sinh theo hướng bổ sung những quy định cụ thể về các điều kiện chuyên môn theo đề xuất chính thức của Bộ Y tế. Quá trình thẩm định cho mở ngành y, dược cần bổ sung các chuyên gia độc lập có nhiều kinh nghiệm về đào tạo nhân lực y tế theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể… Khi nào cả Bộ GD và ĐT lẫn Bộ Y tế bảo đảm chắc chắn cơ sở đào tạo đã đáp ứng đủ điều kiện mới cho phép mở ngành. Trong khi đó, Bộ GD và ĐT cho biết, đến nay chưa có sinh viên y của các trường ngoài công lập tốt nghiệp cho nên cũng chưa có đánh giá cụ thể chất lượng đầu ra. Hằng năm, Bộ GD và ĐT đều yêu cầu tất cả các trường báo cáo để làm điều kiện cho quản lý và mở ngành. Năm 2014, Bộ GD và ĐT rà soát tổng thể việc đào tạo trình độ ĐH và đã dừng tuyển sinh đối với 207 ngành của 71 trường, trong đó có sáu trường thuộc lĩnh vực y dược bị dừng tuyển sinh. Hiện nay, Bộ GD và ĐT đang sửa đổi Thông tư 08/TT-BGDĐT về việc mở ngành đào tạo, trong đó đề nghị Bộ Y tế đưa ra các tiêu chí về đội ngũ giảng viên cũng như cơ sở thực hành thực tập. Năm học 2015-2016, Bộ GD và ĐT cùng Bộ Y tế đã họp và ra biên bản thống nhất về việc kiểm tra liên ngành đối với một số trường để đánh giá công tác đào tạo các ngành y dược. (Nhân dân (trang 8).

 

Gia tăng bệnh nhân sốt xuất huyết biến chứng nặng

Thông thường thời điểm từ tháng 11-12 là giai đoạn cuối của dịch sốt xuất huyết (SXH) trong năm với số ca mắc bắt đầu giảm nhanh và kết thúc, nhưng đây cũng là thời điểm dễ xảy ra nhiều ca biến chứng nặng, tử vong nhất. Thực tế trong tháng 11 vừa qua, số ca mắc SXH biến chứng phải điều trị tại các bệnh viện ở Hà Nội tăng đáng kể.

 Nhiều ca biến chứng nguy hiểm

Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ đầu vụ dịch SXH (tháng 5-2015) đến giữa tháng 11 vừa qua, Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị nội trú cho khoảng 412 ca SXH Dengue biến chứng (tăng gấp 10 lần so với cả năm 2014). Đặc biệt, số ca biến chứng nặng có xu hướng gia tăng ở giai đoạn gần đây. Chỉ tính riêng trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11, số bệnh nhân SXH Dengue được điều trị là 310 ca (chiếm 75% tổng số các ca), trong đó dù chưa ghi nhận ca tử vong song khá nhiều ca có biến chứng nặng, nguy kịch. Cao điểm vào ngày 19-11 vừa qua, Khoa Truyền nhiễm đã quá tải với số lượng bệnh nhân tăng vọt lên tới 184 ca, chủ yếu là mắc SXH Dengue nặng có dấu hiệu cảnh báo.

TS.BS Đỗ Duy Cường, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai dẫn chứng, có 2 trường hợp là 2 anh em trong một gia đình ở Hà Nội bị SXH Dengue cùng phải nhập viện đêm 18 và sáng 19-11 trong tình trạng sốt cao liên tục 4-5 ngày, đau đầu, đau người, chân tay lạnh, chảy máu chân răng, chấm xuất huyết dưới da. Một trường hợp khác là thai phụ N.T.S. (23 tuổi ở Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội), đang mang thai tháng thứ 8, phải nhập viện vì sốt cao liên tục 3 ngày và được xác định SXH Dengue. Theo các chuyên gia, SXH Dengue ở người mẹ mang thai có thể gây suy thai hoặc đẻ non, thai chết lưu, còn với người mẹ thì rất có thể bị chảy máu khó cầm, tiền sản giật, làm tổn thương đến chức năng gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ. 

Tương tự, tại các bệnh viện khác trên địa bàn Hà Nội thời gian gần đây cũng tiếp nhận một số trường hợp SXH Dengue biến chứng nặng. Theo bác sĩ Phạm Bá Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, biến chứng thường gặp nhất khi bị SXH và cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các trường hợp tử vong là thoát huyết tương, tức hiện tượng huyết tương bị thoát qua thành mạch, kéo theo nước dẫn đến mất một lượng nước lớn trong tuần hoàn gây trụy mạch. Loại biến chứng SXH khác gây nguy hiểm là xuất huyết bất thường do rối loạn nguyên tố đông máu, xuất huyết não, tràn dịch màng phổi, máu đọng trong thận, xuất huyết võng mạc gây mù lòa...

Không chủ quan với diễn biến dịch

Đại diện Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, dịch SXH có 2 đỉnh đáng lưu ý là tháng 4-5 và tháng 9-10 trong năm. Ở miền Bắc, thông thường từ tháng 11 trở đi dịch bắt đầu có xu hướng giảm và đi vào cuối vụ. 

Năm nay, do tác động của hiện tượng El Nino (được đánh giá là mạnh nhất trong lịch sử) sẽ kéo dài khí hậu nóng ấm đến cuối năm, dẫn đến nguy cơ bùng phát và kéo dài dịch bệnh SXH so với các năm trước, bởi đây là điều kiện cho muỗi gây bệnh phát triển mạnh, đời sống và tuổi thọ của muỗi có xu hướng kéo dài hơn. Dù đã bước vào mùa đông nhưng diễn biến dịch SXH tại nhiều địa phương vẫn chưa có dấu hiệu giảm rõ rệt. Cục Y tế dự phòng  khuyến cáo người dân không được chủ quan mà phải chủ động, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch SXH đã được khuyến cáo.

Về công tác điều trị, để hạn chế các trường hợp SXH biến chứng nặng, tử vong ở giai đoạn cuối vụ dịch hiện nay, bác sĩ cao cấp Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, người dân khi có biểu hiện của bệnh phải nhanh chóng đến cơ sở y tế khám, điều trị. Theo bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn, do SXH Dengue có biểu hiện ban đầu giống hệt các triệu chứng sốt virus khác nên nhiều người chủ quan tự điều trị tại nhà.

Thậm chí nhiều người tự ý truyền dịch và dùng kháng sinh, điều này có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh, dù SXH Dengue là bệnh tự khỏi trong vòng 7 ngày, nhưng khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong. (An ninh thủ đô (trang 8):

 

Bệnh viện Bạch Long Vỹ cấp cứu kịp thời 1 ngư dân bị tai nạn

Bác sĩ Nguyễn Đức Quân, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) cho biết: Vào lúc 2 giờ 40 phút ngày 30-11, Bệnh viện đã cấp cứu kịp thời cho ngư dân bị vết thương phức tạp bàn tay phải, do tai nạn trên biển.

Ngư dân Nguyễn Tấn Cung, sinh năm 1995, ở xã Mỹ Thành, huyện Phú Mỹ (tỉnh Bình Định) đang đánh cá trên ngư trường Vịnh Bắc bộ, bất ngờ bị dây tời cuốn chặt tay vào máy, bệnh nhân choáng tại chỗ, vết thương chảy máu nhiều, tàu chạy nhanh xin vào đảo cấp cứu.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng choáng, mất máu, vùng bàn tay phải các ngón 2, ngón 3, ngón 4 bị dập đốt 1 hoàn toàn; ngón 2, 3 có gãy xương lộ rời các liên đốt 1, 2; rách bao khớp; đứt toàn bộ dây thần kinh và mạch máu. Bệnh nhân được chẩn đoán: Vết thương phức tạp bàn tay phải do tai nạn lao động.

Bệnh viện đa khoa Bạch Long Vỹ đã tiến hành hồi sức cấp cứu kịp thời, quyết định mổ ngay để khâu cầm máu, phẫu thuật tạo hình giữ các ngón và bàn tay cho bệnh nhân. Sau 1 giờ 30 phút, bệnh nhân đã được nắn chỉnh xương, nối lại các ngón tay, các ngón đã hồng hào trở lại, tiến hành nẹp cố định tạm thời các ngón gẫy. Vào lúc 11 giờ cùng ngày, bệnh nhân đã được chuyển xuống phòng hồi sức theo dõi và thoát mê an toàn.

Dự kiến bệnh nhân Nguyễn Tấn Cung sẽ hồi phục, xuất viện trong 10 - 15 ngày tới. (Công an nhân dân (trang 1):

 

Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh: Cứu sống người phụ nữ bị bướu giáp nhân thùy phải

Bị bướu giáp nhân thùy phải, nữ Việt kiều tại Campuchia được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh lần đầu mổ nội soi tuyến giáp thành công. Cách đây 6 tháng, nữ bệnh nhân sinh năm 1969 phát hiện thấy phía cổ bên phải to hơn bên trái. Càng ngày cổ càng to nên bà đến bệnh viện khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy bướu giáo nhân thùy phải, chỉ định mổ nội soi. Bác sĩ chuyên khoa ngoại Bùi Công Thành cho biết bệnh nhân được phẫu thuật nội soi tuyến giáp bằng kỹ thuật ít xâm lấn qua vùng quầng vú. Ưu điểm lớn nhất của kỹ thuật nội soi ít xâm lấn này là tính thẩm mỹ cao, sẹo để lại nhỏ 1,5-2 cm (ngắn hơn so với mổ mở 5-6 cm). Bệnh nhân không đau đớn và trong quá trình phẫu thuật bác sĩ dùng dao siêu âm nên cầm máu rất tốt, hạn chế biến chứng. Sau mổ bệnh nhân có thể xuất viện sau 3-4 ngày, giảm chi phí điều trị.

Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Chợ Rẫy Phom Penh thực hiện kỹ thuật này. Trước đây đối với bệnh nhân có bướu giáp, cường giáp sẽ được chỉ định mổ mở, có thể gây ra nhiều biến chứng như bệnh nhân có thể bị co rút chân tay, mất tiếng...

Không ít bệnh nhân do lo ngại về vết sẹo ở cổ mà không dám đi mổ ngay, khi bướu đã phát triển quá to, ung thư di căn ở giai đoạn muộn mới đi mổ dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Bệnh viện đang nghiên cứu mở rộng chỉ định phẫu thuật nội soi tuyến giáp cho bệnh nhân có bướu to hơn 5 cm, bệnh nhân ung thư…(Công an nhân dân (trang 2).

 

Cứu sống một người nuốt 59 mảnh sứ vào bụng

Bệnh viện Bạch Mai vừa phẫu thuật, gắp 59 mảnh chén vỡ trong bụng và ruột của bệnh nhân Nguyễn Văn V., 53 tuổi, ở Bảo Thắng, Lào CaiTrước đó, chiều tối ngày 15.11, bệnh nhân Nguyễn Văn V. được gia đình đưa đến bệnh viện sau khi tự đập vỡ khoảng 3 - 4 cái chén rồi ngồi nhặt từng mảnh vỡ cho vào miệng nuốt.

Nội soi thực quản, dạ dày bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện nhiều mảnh dị vật sắc nhọn, kích thước to nhỏ khác nhau.

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Ngoại của Bệnh viện Bạch Mai, người trực tiếp mổ cho bệnh nhân Nguyễn Văn V., cho biết đã gắp ra được 59 mảnh chén vỡ trong dạ dày và ruột bệnh nhân. Trong đó, mảnh to nhất có kích thước 2 cm x 4 cm. "Đây là 1 trường hợp rất hiếm gặp. Sau phẫu thuật mở ống tiêu hoá, lấy dị vật, bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ tại khoa Ngoại. Đến nay, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định”, bác sĩ Hùng cho biết. (Thanh niên (trang 4), Tiền phong (trang 2), Hà Nội mới (trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang