Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 11/2/2022

  • |
T5g.org.vn - Cần tạo cơ chế gì cho ngành y tế phát triển?: Phải triệt lợi ích nhóm trong mua sắm, đấu thầu; TPHCM: Số ca tử vong duy trì ở một con số; Khôi phục các hoạt động khám chữa bệnh thông thường; TPHCM sắp tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 – 11 tuổi; Tử vong do Covid-19 ở TP.HCM về 0

 

Cần tạo cơ chế gì cho ngành y tế phát triển?: Phải triệt lợi ích nhóm trong mua sắm, đấu thầu

Bộ Y tế đánh giá chính sách xã hội hóa trong các bệnh viện công lập bên cạnh mặt tích cực, còn khiếm khuyết, thiếu minh bạch, một số nơi phát sinh tiêu cực.

Đáng chú ý, việc thực hiện các quy định về cơ chế giá thị trường, mua sắm còn vướng mắc, xảy ra một số vụ việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế vi phạm pháp luật về đấu thầu; thực hiện cơ chế tự chủ của một số bệnh viện gặp nhiều khó khăn do chưa hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập y tế…

Sửa đổi 4 luật

Đối với các vấn đề thuộc Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý và điều hành, BT BYT Nguyễn Thanh Long khẳng định, trong năm 2022 Bộ đẩy mạnh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác y tế. Đồng thời, tăng cường kỷ cương, siết chặt quản lý về cấp phép, quản lý chất lượng, mua sắm đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế, đảm bảo công khai minh bạch, đúng theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm lợi ích nhóm, tiêu cực trong mua sắm đấu thầu…

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thêm tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn cũng như tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý của ngành, năm 2022 ngành y tế tập trung xây dựng luật pháp, trình Quốc hội các dự thảo sửa đổi luật như: luật Khám bệnh, chữa bệnh; luật Bảo hiểm y tế; luật Dược và luật Trang thiết bị y tế.

Tăng phụ cấp, đãi ngộ cho nhân viên y tế

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, một trong những hạn chế, tồn tại của ngành y tế cần được tiếp tục khắc phục, đó là hệ thống y tế còn bộc lộ hạn chế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng, chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch xảy ra.

Bên cạnh đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật của nhiều tỉnh, thành không có đủ diện tích làm việc, thiếu trang thiết bị, nhân lực; chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút những thầy thuốc có trình độ chuyên môn, tay nghề, làm việc lâu dài tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn...

Đáng lưu ý, theo Bộ Y tế, công nghiệp dược, thiết bị y tế chưa phát triển đáp ứng yêu cầu, phụ thuộc vào nguyên liệu ở nước ngoài; tồn tại nhiều bất cập trong công tác thẩm định đăng ký lưu hành thuốc như chuyên gia thẩm định, chất lượng hồ sơ tham gia thẩm định và mức thu phí trong lĩnh vực dược và mỹ phẩm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong năm 2022 toàn ngành vẫn phải tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện tất cả các biện pháp phòng chống dịch Covid- 19. Cùng với đó, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cải cách và đổi mới cơ chế tài chính, tăng cường nhiều hơn cho y tế cơ sở, y tế dự phòng... “Có thể nói, những tác động của đại dịch Covid-19 với ngành y tế rất sâu rộng, ảnh hưởng cả về thu nhập, chế độ chính sách đối với cán bộ y tế”, ông Long đánh giá.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp các bộ, ngành, cơ quan liên quan trình Chính phủ để có thể tăng chế độ phụ cấp, đãi ngộ đối với cán bộ y tế khi đi vào vùng dịch một cách thỏa đáng. Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ lâu dài là vấn đề hết sức quan trọng. Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền, từ đó có chính sách hỗ trợ, đãi ngộ, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Theo Bộ trưởng, về cơ bản, các cấp thẩm quyền đồng thuận hướng nâng cao phụ cấp cho nhân viên y tế dự phòng và y tế cơ sở lên tới 100% mức lương. Mục tiêu là nhằm đảm bảo hoạt động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, qua đó nâng cao thu nhập của nhân viên y tế để họ yên tâm công tác (Thanh niên, trang 13).

 

TPHCM: Số ca tử vong duy trì ở một con số

Chiều 10-2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình dịch bệnh và các vấn đề liên quan tới Tết nguyên đán Nhâm Dần, dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, kiêm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM. Tại buổi họp báo, đồng chí Phạm Đức Hải cho biết, sau những tháng dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong năm 2021, người dân TPHCM đã hưởng một cái tết cổ truyền trọn vẹn. Đó là nhờ sự chuẩn bị chu đáo của các cấp chính quyền và tuân thủ quy định phòng chống dịch của người dân. Đáng mừng nhất, qua biểu đồ theo dõi tình hình dịch của ngành y tế cho thấy, trước tết, số ca mắc mới luôn duy trì ở mức 3 con số. Nhưng từ ngày 4 đến 7-2, số ca mắc mới giảm chỉ còn 2 con số, đặc biệt, ngày 5-2 thành phố chỉ có 24 ca. Cùng với đó, số ca tử vong cũng giảm sâu khi thành phố duy trì dưới 10 trường hợp. Ngày có số ca tử vong cao nhất là 4-2 (mùng 4 tết) với 6 ca.

“Hiện ngành y tế thành phố đang điều trị cho 618 bệnh nhân, trong đó có 35 trẻ dưới 16 tuổi, 88 bệnh nhân nặng đang thở máy, 13 bệnh nhân phải can thiệp bằng ECMO, 92 ca mắc biến thể Omicron. Thành phố đã tiêm hơn 661.000 liều vaccine bổ sung và hơn 3,9 triệu mũi nhắc lại cho người dân”, đồng chí Phạm Đức Hải thông tin.

Nói thêm về số ca mắc Covid-19 mới đang có xu hướng tăng nhanh trở lại sau thời gian giảm sâu trong kỳ nghỉ tết, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, chỉ trong 3 ngày (8, 9 và 10-2), số ca mắc mới có xu hướng tăng với 242 ca. Nhưng qua theo dõi, các ca bệnh nặng, thở máy, số ca tử vong không tăng, thậm chí giảm do quá trình điều trị tốt. Theo Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, đây là cơ sở để ngành y tế thành phố sắp xếp lại các bệnh viện dã chiến, thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19, như: Trung tâm Hồi sức Covid-19 đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP Thủ Đức) sẽ giải thể, hoàn thành sứ mệnh; phục hồi công năng khám chữa bệnh thông thường cho các bệnh viện: Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện huyện Củ Chi… và chỉ thành lập Khoa điều trị Covid-19 trong các bệnh viện này.

Đồng thời, giải thể 3 bệnh viện dã chiến gồm: Bệnh viện dã chiến số 6, số 8 và số 12. Giải thích về việc Sở Y tế giải thể Bệnh viện dã chiến số 12, nơi được trưng dụng điều trị bệnh nhân mắc biến thể Omicron, Chánh Văn phòng Sở Y tế cho hay: “Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, việc quản lý các ca mắc Omicron không chỉ riêng một bệnh viện dã chiến, mà người dân có thể đến các cơ sở y tế tư nhân hoặc cách ly tại nhà nếu có nhu cầu và đủ điều kiện. Vì vậy, Sở Y tế nhận thấy Bệnh viện dã chiến số 12 xem như đã hoàn thành sứ mệnh và trong thời gian tới sẽ được giải thể, ngưng hoạt động”.   

Liên quan đến việc ngày 14-2, học sinh bậc mầm non và tiểu học của thành phố sẽ đi học trực tiếp trở lại, nhưng hiện đang thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM Trịnh Duy Trọng khẳng định, các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học hệ công lập không thiếu giáo viên. Chỉ có một số trường mầm non ngoài công lập do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên một số giáo viên, bảo mẫu về quê tránh dịch chưa trở lại thành phố. Tuy nhiên, với số phụ huynh đăng ký cho trẻ đến trường từ ngày 14-2 thì các cơ sở giáo dục này đáp ứng được và đảm bảo công tác phòng chống dịch an toàn cho học sinh (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Khôi phục các hoạt động khám chữa bệnh thông thường

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc SYT TP HCM, cho biết TP.HCM đang khôi phục các hoạt động khám, chữa bệnh và nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh.

Theo đó, TP.HCM tái cấu trúc các cơ sở khám, chữa bệnh, đảm bảo thực hiện 2 chức năng chăm sóc và điều trị cho người bệnh Covid- 199 và không Covid-19. Trong đó, xác định mô hình bệnh tật hậu Covid- 19 và cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tương ứng, đảm bảo quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, TP.HCM đẩy mạnh chuyển đổi mô hình hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế. Củng cố năng lực hồi sức cấp cứu tại các cơ sở khám chữa bệnh, sẵn sàng đáp ứng với mọi tình hình dịch bệnh, thảm họa. Triển khai chương trình quản lý và chăm sóc sức khỏe người mắc các bệnh mạn tính. Củng cố hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn, dược lâm sàng tại các bệnh viện.

TS-BS Trần Văn Sóng, Phó giám đốc Bệnh viện 115 (TP.HCM), cho biết hiện tại bệnh viện còn 15 ca Covid-19 trên tổng số 25 giường bệnh dự trù; nhưng luôn sẵn sàng giường bệnh, ô xy nếu dịch tăng trở lại. Hoạt động khám chữa bệnh thông thường sau tết tại Bệnh viện Nhân dân 115 cũng đã bắt đầu có xu hướng gia tăng, thỉnh thoảng có tiếp nhận bệnh nhân tổn thương phổi do hậu Covid-19. Những ngày qua, trung bình bệnh viện tiếp nhận khoảng 250 ca cấp cứu/ngày, khám ngoại trú các loại bệnh khoảng 900 ca/ngày.

“Hiện tất cả các chuyên khoa đều hoạt động như cũ, người khi có bệnh thì đi khám bệnh, chỉ cần khai báo y tế, và bệnh viện chỉ sàng lọc những ca cần thiết và test nhanh”, TS-BS Trần Văn Sóng khuyến cáo.

Trong khi đó, TS-BS Nguyễn Hoàng Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định (bệnh viện phụ trách BV dã chiến số 3 tầng số 16), cũng cho biết hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện đã trở lại bình thường. Hiện mỗi ngày có khoảng 3.300 ca khám, chữa bệnh. Mọi khoa phòng đều sẵn sàng đón tiếp, điều trị bệnh thông thường, đồng thời sẵn sàng chống dịch khi có tình huống phát sinh.

Bệnh viện Da liễu (TP.HCM) vừa phụ trách BV dã chiến số 2 điều trị, cách ly bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron, vừa điều trị các bệnh về da liễu. Ngày đầu tiên sau tết, Bệnh viện Da liễu đón tiếp hơn 2.500 bệnh nhân đến khám và làm thẩm mỹ da.

PGS-TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết hoạt động khám chữa bệnh thông thường của bệnh viện cũng đã hồi phục được 40 - 50% so với trước dịch (Thanh niên, trang 3).

 

TPHCM sắp tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 – 11 tuổi

Chiều 10/2, tại cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch với các sở, ban ngành và 21 quận huyện, TP Thủ Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã yêu cầu các cơ quan chức năng và địa phương sớm triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Theo Phó Chủ tịch Dương Anh Đức, đến nay, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 chưa đạt được mục tiêu 80% người tiêm mũi 3. Các quận huyện, TP Thủ Đức cần chủ động, khẩn trương bằng mọi cách tìm ra những người chưa tiêm đủ để tiêm ngay càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM khẩn trương phối hợp với các quận huyện, có kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin cho các em đến thời hạn phải tiêm và sớm triển khai tiêm chủng cho các em từ 5-11 tuổi theo tinh thần của Chính phủ là tự nguyện, không bắt buộc. Ông yêu cầu vận động các phụ huynh, gia đình để đạt được tỷ lệ tiêm cao nhất, đặc biệt là đối với nhóm trẻ béo phì, có bệnh nền…

Theo ông Dương Anh Đức, bắt đầu từ ngày 14/2, học sinh trên địa bàn thành phố sẽ trở lại trường học trực tiếp. Sở GD-ĐT cần phối hợp với Sở Y tế và các quận huyện làm tốt công tác chuẩn bị đảm bảo sức khỏe cho các em học sinh, thầy cô giáo để đảm bảo quy trình tốt cho công tác dạy và học. “Phải có cơ chế cập nhật thông tin thường xuyên, trao đổi thống nhất với ngành y tế để phối hợp nhịp nhàng, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc, đảm bảo môi trường học tập cho các em học sinh an toàn nhất. Các trường mầm non phải được quan tâm đặc biệt, tạo sự yên tâm cho cha mẹ các cháu làm việc, sản xuất” - ông Đức yêu cầu.

Lãnh đạo UBND TPHCM cũng lưu ý các cơ quan, đơn vị và địa phương chủ động phát hiện sớm các ổ dịch có nguy cơ cao, đặc biệt là những hộ gia đình vừa đi du lịch dài ngày trong đợt nghỉ Tết từ những địa phương khác trở về TPHCM để rà soát, vận động khai báo trung thực, khi có triệu chứng cần xét nghiệm để xử lý sớm. Theo Phó Chủ tịch Dương Anh Đức, những ngày gần đây, số ca tử vong chủ yếu là những người nguy cơ cao. Đa số các ca tử vong là từ các tỉnh, thành phố khác chuyển về TPHCM điều trị, trong đó người chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều chiếm tỷ lệ cao. Do đó, ngành Y tế TPHCM cùng các quận huyện cần tiếp tục chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ cao để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh.

Theo Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng, tính đến 11 giờ ngày 10/2, TPHCM đã tiêm được gần 20 triệu mũi vắc xin, trong đó có 8.106.421 trường hợp tiêm mũi 1, 7.294.716 trường hợp tiêm mũi 2, 661.269 trường hợp tiêm mũi bổ sung và 3.919.001 trường hợp tiêm mũi nhắc lại (Tiền phong, trang 3; Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Cả nước thêm 26.032 ca mắc Covid- 19

Chiều tối 10-2, Bộ Y tế cho biết, trong 24 giờ qua, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 26.032 ca mắc mới, trong đó 9 ca nhập cảnh và 26.023 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.070 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 8.264 ca trong cộng đồng). Đồng thời, cả nước có thêm 9.992 ca khỏi bệnh và 74 ca tử vong.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.430.683 ca mắc Covid-19, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 24.616 ca nhiễm).

Về điều trị, trong ngày, cả nước có thêm 9.992 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số điều trị khỏi lên hơn 2,2 triệu người. Đồng thời ghi nhận thêm 74 ca tử vong tại 29 tỉnh thành. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.688 ca, chiếm tỷ lệ 1,6% so với tổng số ca nhiễm.

Số lượng xét nghiệm từ 27-4 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được hơn 32,4 triệu mẫu cho trên 77,5 triệu lượt người.

Trong ngày 9-2 có 416.336 liều vaccine Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là trên 184,1 triệu mũi (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Nhiều trẻ bất ngờ chuyển nặng do di chứng COVID-19

Thời gian vừa qua số lượng trẻ em mắc COVID-19 ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, có không ít trẻ mắc COVID-19 với triệu chứng nhẹ nhưng chỉ 2 tuần sau khi âm tính, một số trẻ bỗng nhiên diễn biến nặng, sốt cao, chi mát, huyết áp tụt mạnh... Các bác sĩ đưa ra một số khuyến cáo cho cha mẹ trong chăm sóc, điều trị trẻ mắc COVID-19.

Không chủ quan khi trẻ mắc bệnh

Bác sĩ Nguyễn Đình Tỉnh, Bộ môn Nhi, Trường ĐH Y tế Công Cộng cho biết với những trẻ không có bệnh lý nền, không có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, các triệu chứng ở mức độ nhẹ thì có thể theo dõi và điều trị tại nhà. Phần lớn trẻ mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc chủ yếu là các triệu chứng ở mức độ nhẹ: sốt, ho, sổ mũi, ngạt mũi, đau họng, trẻ lớn có thể đau đầu, đau mỏi người, mất vị giác, khứu giác, trẻ nhỏ thì quấy, ít chơi hơn. Một số trẻ có các biểu hiện ở đường tiêu hóa như: đau bụng, buồn nôn, nôn.

Theo bác sĩ Tỉnh, hầu hết viêm đường hô hấp trên tự hồi phục sau 1 - 2 tuần. Thường ngày thứ 7 - 10, nếu không có các biến chứng nặng, trẻ sẽ dần hết các triệu chứng lâm sàng và khỏi bệnh. Số ít diễn tiến nặng trong khoảng thời gian từ ngày thứ 5 - 8 của bệnh. Bác sĩ lưu ý, thuốc kháng sinh, chống viêm không có chỉ định với COVID-19 mức độ nhẹ, không bội nhiễm, chỉ sử dụng khi có hướng dẫn của các bác sĩ. “Tuyệt đối không tự ý sử dụng. Hiện tại, chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu với COVID-19 dùng cho trẻ dưới 12 tuổi tại nhà. Do đó, vấn đề chăm sóc, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh”, bác sĩ Tỉnh cho hay.

Các bác sĩ khuyến cáo, người lớn không được chủ quan với các dấu hiệu bất thường của bệnh. Việc theo dõi sát sao hằng ngày và thông tin đến các bác sĩ giúp phát hiện sớm những trường hợp chuyển nặng. “Với các thuốc xách tay, các thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc chưa được cấp phép, thuốc không có trong khuyến cáo điều trị của Bộ Y tế Việt Nam thì không sử dụng”, bác sĩ Tỉnh nói. Theo dõi sát sau khi khỏi bệnh

Bác sĩ Đinh Thế Tiến, khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội), một trong 12 nhân viên y tế tham gia phòng khám hậu COVID-19 của bệnh viện này cho biết, những ngày sau kỳ nghỉ Tết, lượng F0 khỏi bệnh trong đó có trẻ em đến khám khá nhiều. Hầu hết các bé được bố mẹ cho đi khám cùng dù không có dấu hiệu triệu chứng. Với trẻ mắc ở mức độ rất nhẹ, thời gian mắc ngắn, khám lâm sàng không thấy dấu hiệu khó thở, ho trong khi năng lượng hoạt động các em vẫn rất tốt, bác sĩ không chỉ định lấy máu xét nghiệm hay chụp chiếu sau khi cân nhắc lợi ích - nguy cơ. Bố mẹ cần theo dõi sát, nếu trẻ có triệu chứng sẽ tái khám và làm xét nghiệm liên quan triệu chứng.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho biết thời gian qua bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị hậu COVID-19 cho khoảng 50 bệnh nhi. Phần lớn đều có biểu hiện nhẹ, tuy nhiên có 4 bệnh nhi diễn biến rất nặng phải thở máy, lọc máu.

Bệnh viện từng điều trị cho bé T.N.K (6 tuổi, ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Gia đình cho bác sĩ biết, 3 ngày trước khi vào viện bé bị sốt nhẹ, tiêu lỏng 2 lần/ngày. Trẻ nhập viện khi sốt cao, tiêu lỏng tới 5 lần/ngày. Một ngày sau, bé mệt nhiều hơn, chi lạnh, môi tái, mạch nhanh, huyết áp chỉ còn 80/50, SpO2 90%. Bệnh nhi được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực chống độc. Bác sĩ chẩn đoán bị hội chứng viêm đa hệ thống liên quan COVID-19 ở trẻ em (MIS-C), sốc tim. Cùng ngày, bệnh nhi phải đặt ống nội khí quản, thở máy, truyền vận mạch, sử dụng kháng sinh để điều trị. Kết quả xét nghiệm COVID-19 của trẻ là âm tính khi vào viện nhưng 2 ngày sau, kết quả xét nghiệm nồng độ kháng thể IgG của trẻ rất cao trong khi tiền sử gia đình dương tính với COVID-19 khoảng 2 tuần trước đó.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: “Với những trường hợp mắc MIS-C này tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, trung bình tổng thời gian điều trị tại viện mất khoảng 2 tuần. Đến nay chưa có trường hợp nào tử vong. Tuy nhiên, kinh phí điều trị cho các bé rất tốn kém, lên đến hàng trăm triệu đồng do phải lọc máu, thở máy, sử dụng thuốc đắt tiền. Bác sĩ Nghĩa lưu ý: Trẻ mắc hội chứng MIS-C nếu không chẩn đoán chính xác, kịp thời điều trị đúng hướng thì nguy cơ tử vong rất cao, chi phí lớn. Nếu trong gia đình có trẻ mắc COVID-19, gia đình không được chủ quan. Sau khi trẻ âm tính ít nhất 2-3 tuần, trẻ cần được theo dõi sát, được đi khám, thậm chí phải được theo dõi tới 2-3 tháng sau. Nếu có dấu hiệu hậu COVID-19 phải cho trẻ đi khám ngay.

“Khi đang là F0 dương tính, các bé đều ở thể nhẹ nhưng khoảng 2-3 tuần sau khi âm tính, trẻ có thể có nhiều triệu chứng hậu COVID-19. Đến khi kiểm tra thì phát hiện bệnh ở tình trạng nặng mà người nhà không hề biết. Thậm chí lúc chụp chiếu, xét nghiệm mới phát hiện bé đã tổn thương phổi, tim, thận, bị sốc tim, suy tim, viêm cơ tim...”, bác sĩ Nghĩa nói (Tiền phong, trang 13).

 

Tử vong do Covid-19 ở TP.HCM về 0

Kể từ ca tử vong đầu tiên vào ngày 2.6.2021 (BN5463) đến nay, TP.HCM đã nhận tín hiệu đáng mừng, đó là số ca mắc tử vong trên địa bàn đã được kéo giảm về 0 sau 9 tháng trường kỳ “chiến đấu” trong đợt dịch thứ 4.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, ngày 9.2, tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM có 3 ca mắc Covid-19 tử vong, nhưng cả 3 đều do các tỉnh chuyển lên (Long An 2 ca, Bình Phước 1 ca).

Đến ngày 10.2, số ca Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, tầng 3 tại TP.HCM cũng chỉ còn trên 618 ca. Trong đó, số ca nặng có hỗ trợ hô hấp là 258 ca (đang thở máy xâm lấn 88 ca, giảm thấp nhất trong 5 tháng qua). TP.HCM cũng chỉ có 19 người cách ly tập trung và 2.053 ca đang cách ly tại nhà. Tuy số mắc sau Tết Nguyên đán có xu hướng tăng nhẹ, nhưng số ca nặng và tử vong tiếp tục được kéo giảm sâu.

Vượt qua “bão dịch”

Ca tử vong đầu tiên tại TP.HCM (ngày 2.6.2021) kèm bị sốc nhiễm trùng, suy tim trên cơ địa tăng huyết áp, bệnh thận mạn giai đoạn cuối. Số ca tử vong sau đó tăng dần từ vài ca lên vài chục ca/ngày, rồi lên 200 - 300 ca ngày; số mắc mới 7.000 - 8.000 ca/ngày. Cao điểm là ngày 23.8, TP.HCM có 340 ca tử vong, mắc mới lên trên 10.000 ca/ngày. Trong “cơn lốc” cao điểm dịch, những tưởng con số tử vong sẽ không dừng lại đó, nhưng chính nhờ những chính sách về chống dịch được điều chỉnh kịp thời mà số ca mắc, tử vong tại TP.HCM đã dần hạ nhiệt và đạt kết quả như mong đợi.

“Tất cả nhân viên ngành y tế TP.HCM đều vui mừng khi thành phố tiếp tục kiểm soát dịch Covid-19 ổn định trong nhiều tuần qua. Số ca mắc mới, số ca nặng và số ca tử vong tiếp tục được kéo giảm sâu. Cụ thể là thành phố liên tục có tuần lễ thứ năm liên tiếp là “vùng xanh” với số ca mắc mới liên tục giảm thấp dưới 100/ngày. Số trường hợp tử vong liên tục được kéo giảm từ 123 trường hợp/ngày vào ngày 2.10.2021, nay xuống còn dưới 10 ca trong một ngày, và mới đây ngày 6.2 chỉ còn 2 ca/ngày, đến ngày 9.2 có 3 ca tử vong nhưng đều là các ca nặng kèm bệnh nền ở các tỉnh chuyển lên”, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết.

Chiến lược mới

Từ đầu tháng 12.2021, UBND TP.HCM đã phê duyệt chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn, nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân và mang ý nghĩa quyết định cho sự thành công khi mở cửa pt kt.

“Nhưng TP.HCM cũng nhận định, khi nới lỏng các biện pháp giãn cách xh, các hoạt động sản xuất và giao tiếp xã hội gia tăng, khả năng lây nhiễm Covid-19 cũng gia tăng, số ca mắc gia tăng, kéo theo sự gia tăng trở lại các trường hợp nặng và tử vong”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nói, và cho biết thêm, phân tích các trường hợp tử vong do Covid-19 trên địa bàn TP.HCM trong thời gian này cho thấy phần lớn các trường hợp tử vong tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm chủng, chưa được sử dụng thuốc kháng vi rút trước đó.

Sau khi thích ứng an toàn với dịch Covid-19, TP.HCM thực hiện “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ” trên phạm vi toàn địa bàn. Theo đó, tập trung triển khai các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sk (gắn liền điều trị nếu nhiễm Covid-19) cho người trên 65 tuổi và người có bệnh nền, với phương châm: Đi từng ngõ, gõ từng nhà để cập nhật danh sách người dân thuộc nhóm nguy cơ (đã cập nhật hơn 640.000 người); xét nghiệm tầm soát phát hiện F0 đối với người thuộc nhóm nguy cơ; đẩy mạnh tiêm vắc xin Covid-19 đảm bảo không bỏ sót đối với những người thuộc nhóm nguy cơ…

Nhờ vậy, kết quả rất khả quan sau 6 tuần triển khai chiến dịch, số ca bệnh nặng phải thở máy và số ca tử vong đã giảm đáng kể, từ 75 ca/ngày (ngày 8.12.2021) xuống còn 6 ca ngày (ngày 23.1.2022, trong đó có 2 ca từ tỉnh lân cận chuyển về).

“Năm 2022, 6 chiến lược mới trong công tác phòng chống Covid-19 tại TP.HCM nhằm giảm thiểu số ca mắc và tử vong, gồm: Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tiêm vắc xin Covid-19 đến từng người dân. Triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Nâng cao chất lượng quản lý, chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19. Sẵn sàng nguồn nhân lực tuyến đầu và nhân lực chuyên sâu ứng phó với mọi tình huống diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Tiếp tục triển khai hiệu quả chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ và các giải pháp làm giảm thấp tử vong do Covid-19. Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng chống dịch Covid-19”, PGS-TS Tăng Chí Thượng thông tin (Thanh niên, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang