Đã có trẻ mắc tay chân miệng nặng: 6 khuyến cáo phòng chống bệnh người dân cần biết
Số ca nhiễm bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng trong khoảng từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, số ca nhiễm bệnh Tay Chân Miệng có xu hướng tăng trong khoảng từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12. Bệnh có nguy cơ lây nhiễm mạnh nhất trong tuần đầu tiên sau khi một bệnh nhân nhiễm bệnh và có thể kéo dài vài tuần do vi rút khu trú trong phân.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh. Khi bị bệnh người bệnh nên uống nhiều nước và có thể dùng thuốc để điều trị triệu chứng như hạ sốt hay giảm đau do các vết loét. Có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bằng các biện pháp vệ sinh thường xuyên và can thiệp y tế kịp thời khi người bệnh có các triệu chứng nghiêm trọng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).
Bộ Y tế ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Kế hoạch nhằm kịp thời triển khai thực hiện Luật ngay khi Luật có hiệu lực thi hành, bảo đảm thi hành có hiệu lực và hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa ký Quyết định 1701/QĐ-BYT về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 (Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi).
Kế hoạch nhằm kịp thời triển khai thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngay khi Luật có hiệu lực thi hành, bảo đảm thi hành có hiệu lực và hiệu quả.
Yêu cầu đặt ra của kế hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người hành nghề, người dân để bảo đảm thực hiện nghiêm quy định của Luật; Ban hành đầy đủ văn bản quy định chi tiết để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật;
Xác định nội dung công việc gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của các cơ quan, tổ chức thuộc trách nhiệm được giao trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), bảo đảm chất lượng và tiến độ hoàn thành công việc;
Bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi);
Có kế hoạch thực hiện chi tiết, cụ thể của từng cơ quan, tổ chức để bảo đảm Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được triển khai đầy đủ, thống nhất và đồng bộ trên phạm vi cả nước;
Thường xuyên kịp thời, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để đảm bảo tiến độ, hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Theo đó, tại kế hoạch này, Bộ trưởng Bộ Y tế phân công, phân nhiệm cụ thể việc thực hiện đến các Cục/Vụ/ Tổng Cục/ Văn phòng Bộ/ Thanh tra Bộ.
Đối với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế giao biên soạn tài liệu chung để phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật;
Tổ chức các hội nghị triển khai Luật cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ và Y tế các ngành, hoàn thành trong Quý II/2023.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng phân công Cục Quản lý Khám chữa bệnh xây dựng một số nội dung, là đầu mối tổng hợp và trình một số văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung được giao trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Đây cũng là đơn vị được giao Làm đầu mối giúp Bộ trưởng tổ chức thực hiện Luật và theo dõi, đôn đốc các Vụ, Cục, các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Luật;
Ngoài ra, các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, được giao biên soạn tài liệu phổ biến chuyên đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao; là đầu mối tổng hợp và trình một số bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung được giao trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.
Đối với Sở Y tế các tỉnh, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người hành nghề tại địa phương và các đối tượng khác thuộc phạm vi quản lý.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế, các bộ, ngành, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật cho người hành nghề, người bệnh, thân nhân của người bệnh và các đối tượng khác thuộc phạm vi quản lý.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo quy định chi tiết thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường thứ 2.
Chính phủ phân công Bộ Y tế chủ trì xây dựng: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Các văn bản trên trình ban hành trước ngày 15/9/2023. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Thực hành nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật để thay đổi cuộc sống
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, chương trình hưởng ứng Ngày Sức khỏe Thế giới năm nay được Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị tổ chức với mong muốn truyền tải thông điệp về thực hành nâng cao sức khỏe để phòng, chống bệnh tật, để thay đổi cuộc sống và vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn...
Sáng 8/4, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2023, với chủ đề "Health for all - Sức khỏe cho mọi người".
Tham dự có: Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy; Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam Angela Prat; Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn; Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam Hà Anh Đức...
Bộ Y tế triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân
Ngày Sức khỏe Thế giới (Ngày Y tế Thế giới), viết tắt là WHD (World Health Day) được tổ chức vào ngày 7/4 hàng năm dưới sự bảo trợ của WHO. Ngày Sức khỏe Thế giới ra đời để kỷ niệm việc thành lập WHO và được tổ chức này xem như một cơ hội để thu hút toàn thế giới hằng năm quan tâm đến sức khỏe toàn cầu.
Phát biểu tại sự kiện này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn coi công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu; coi việc đầu tư cho chăm sóc sức khỏe Nhân dân là đầu tư cho phát triển, góp phần quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân đã đạt được nhiều kết quả cơ bản, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước; được các cấp chính quyền, Nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Theo Bộ trưởng, thực tế cho thấy, thế giới hiện vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn về y tế, nhất là khi đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi thường xuyên xuất hiện, nguồn lực đầu tư cho y tế trước các mối đe dọa khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia, những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu…
Những thách thức này chỉ có thể được giải quyết thông qua cam kết chính trị vững chắc và hợp tác toàn diện về y tế của các quốc gia trên toàn cầu, cùng với đó là sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể và của mỗi người dân ở mỗi quốc gia.
"Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của WHO và các tổ chức quốc tế, Bộ Y tế Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về xây dựng hành lang pháp lý, triển khai các giải pháp chuyên môn kỹ thuật để từng bước khắc phục khó khăn, thách thức, nâng cao năng lực y tế các cấp, các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương nhằm đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong sự nghiệp bảo vệ, nâng cao và chăm sóc sức khỏe Nhân dân" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Đồng thời Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Chương trình hưởng ứng Ngày Sức khỏe Thế giới năm nay được Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị tổ chức với mong muốn truyền tải thông điệp về thực hành nâng cao sức khỏe để phòng, chống bệnh tật, để thay đổi cuộc sống và vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn. Đây cũng là cơ hội quý báu để nhìn lại thành công trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống trong hơn 7 thập niên qua, các thách thức đang diễn ra để thúc đẩy hành động để giải quyết trong thời gian tới...
Khi sức khỏe bị ảnh hưởng, mọi thứ đều bị ảnh hưởng
Bày tỏ tự hào khi WHO là một đối tác tin cậy của Bộ Y tế và Chính phủ, đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong hành trình hướng tới sức khỏe tốt hơn cho mọi người, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam Angela Pratt đánh giá, trong những năm qua, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn cũng như đạt nhiều bước tiến vượt bậc trong cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Theo bà Angela Pratt, trong vài thập kỷ qua, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn và đạt được những bước tiến vượt bậc trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống. Vào đầu những năm 1960, tuổi thọ trung bình chỉ là 60 tuổi. Trong khi đó, một em bé sinh ra ở Việt Nam ngày nay có thể sống đến 75 tuổi nhờ những tiến bộ về sức khỏe bà mẹ và trẻ em, vaccine, những cải tiến về dịch vụ y tế và những thành công của Việt Nam trong việc giảm nghèo. Bảo hiểm y tế cũng được mở rộng đáng kể, thúc đẩy quá trình hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân của Việt Nam.
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng nêu rõ, trong ba năm qua, đại dịch COVID-19 đã chứng minh tầm quan trọng của sức khỏe tốt – và khi sức khỏe bị ảnh hưởng, mọi thứ đều bị ảnh hưởng – bao gồm sức khỏe tâm thần, phúc lợi xã hội và phát triển kinh tế.
"Việt Nam cũng giống như mọi quốc gia khác trên thế giới, hiện phải đối mặt với một số thách thức nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng. Đó là nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ y tế; dân số già; bệnh truyền nhiễm; biến đổi khí hậu tác động đến sức khỏe con người; các bệnh không lây nhiễm như ung thư, bệnh tim mạch, bệnh lý do hút thuốc, uống nhiều rượu, chế độ ăn uống không lành mạnh và thiếu vận động thể chất... "- bà Angela Pratt nêu rõ.
Do đó, để góp phần giải quyết các thách thức, bà Angela Pratt nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đa phương, phát huy sức trẻ trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, góp phần hướng đến mục tiêu sức khỏe cho mọi người.
Tại Lễ mít tinh, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam Hà Anh Đức cho biết, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, những năm qua Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng đại diện WHO tại Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động với mục tiêu nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe của cộng đồng; thúc đẩy, tạo niềm tin, khí thế cho thế hệ trẻ trong việc tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội, nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần cho người dân.
Có thể kể đến các hoạt động như: Hằng năm tổ chức Chương trình Ngày hội vì cộng đồng, Ngày Sức khỏe Thế giới, Cuộc vận động đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày, xây dựng bộ tài liệu phòng, chống các chất có hại, tổ chức tập huấn ở cả ba miền về nâng cao năng lực phòng, chống dịch cho hội viên và thanh niên…
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19, lực lượng thầy thuốc trẻ là những chiến sĩ xông pha tuyến đầu, đóng góp công sức trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Hàng trăm tỷ đồng trang thiết bị y tế đã được Hội huy động, hàng vạn thầy thuốc trẻ đã tham gia mô hình Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành để hỗ trợ tư vấn, chăm sóc, điều trị cho hàng triệu lượt người mắc..., góp phần vào công cuộc phục hồi, phát triển bền vững kinh tế đất nước, bảo đảm an sinh xã hội...
Trong khuôn khổ chương trình, hưởng ứng "Năm chuyển đổi số" của Đoàn thanh niên, chương trình Tăng cường y tế cơ sở của Bộ Y tế cũng như tăng cường công tác đoàn kết tập hợp thanh niên, hướng hoạt động tình nguyện theo hướng chuyên sâu, hiệu quả, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam công bố thành lập 6 đơn vị trực thuộc, bao gồm: Mạng lưới Thầy thuốc trẻ 585, Hệ sinh thái tình nguyện Y khoa, Liên chi hội Thầy thuốc trẻ chuyên ngành Ung bướu Việt Nam, Liên chi hội dược sĩ trẻ Việt Nam, Mạng lưới các nhà khoa học trẻ ngành Y tế toàn cầu, Liên chi hội da liễu trẻ Việt Nam. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Củng cố, nâng chất mạng lưới y tế cơ sở
Sau 20 năm thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở (YTCS), đến nay, dù hệ thống YTCS tại TPHCM cơ bản đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân nhưng cũng gặp nhiều khó khăn về tổ chức, nhân lực, khả năng cung ứng dịch vụ... Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, về những giải pháp nâng chất mạng lưới YTCS trên địa bàn thành phố.
Tình trạng thiếu bác sĩ đã được cải thiện
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, tại hội thảo “Định hướng phát triển YTCS trong tình hình mới” do Bộ Y tế tổ chức mới đây, ông nêu ý kiến là cần có chính sách luân phiên bác sĩ đến công tác tại YTCS có thời hạn. Ông có thể giải thích rõ hơn quan điểm này?
PGS-TS-BS TĂNG CHÍ THƯỢNG: Chủ trương luân phiên có thời hạn các bác sĩ đang thực hành ở các bệnh viện về công tác ở các trạm y tế (TYT) đã được ngành y tế thành phố triển khai từ lâu. Cụ thể, cách đây hơn 10 năm, Thủ tướng đã có Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20-2-2013 về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh, và Bộ Y tế đã ra thông tư hướng dẫn quyết định trên. Hiện nay, ngành y tế TPHCM vẫn tiếp tục thực hiện chương trình này: nguồn nhân lực của trung tâm y tế quận, huyện và bệnh viện quận, huyện lần lượt luân phiên đến các TYT thiếu bác sĩ. Mới đây, Sở Y tế TPHCM cũng hướng dẫn về các chế độ cho bác sĩ đi công tác luân phiên. Ngoài ra, năm 2023, Sở Y tế TPHCM đẩy mạnh mô hình “luân phiên các bác sĩ tình nguyện” của Đoàn Thanh niên xuống xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) và đến công tác tại TYT chăm sóc sức khỏe cho người dân xã đảo.
Hiện nay, việc thiếu bác sĩ ở TPHCM đã cải thiện chưa? Ông đánh giá việc bổ sung nhân lực cho TYT thời điểm hiện nay có cần thiết?
10 năm trước, số lượng bác sĩ/10.000 dân còn thiếu rất nhiều, ưu tiên bác sĩ cho các bệnh viện bởi người bệnh là ưu tiên số 1. Nhưng nay, TPHCM có một hệ thống các trường đào tạo bác sĩ y khoa phát triển rất mạnh, ước tính hàng năm đào tạo hơn 1.000 bác sĩ; và nhiều tỉnh, thành cũng có trường đào tạo bác sĩ. Do đó, tình trạng thiếu bác sĩ đã được cải thiện rất nhiều. Hiện nay, TPHCM đã đạt 21 bác sĩ/10.000 dân (cao nhất so với cả nước). Việc bổ sung số lượng bác sĩ công tác tại TYT là vấn đề rất cần thiết và cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Bởi vì chức năng của TYT không đơn thuần là khám chữa bệnh giống như ở bệnh viện mà còn phòng bệnh, quản lý sức khỏe. Nghĩa là, làm thế nào để người dân ở nơi cư trú ít mắc bệnh, hạn chế đến bệnh viện điều trị. Còn công tác khám chữa bệnh ở TYT vẫn có, nhưng đó là khám chữa bệnh ban đầu. Công tác khám chữa bệnh ban đầu còn áp dụng ở cả hệ thống các phòng khám tư nhân. Muốn vậy, loại hình phù hợp nhất là bác sĩ thực hành tổng quát (bác sĩ đa khoa). Qua thống kê, tỷ lệ bác sĩ đa khoa chỉ khoảng 0,25 bác sĩ/10.000 dân, so với các nước phát triển là rất thấp. Do đó, chúng tôi đang kiến nghị Bộ Y tế sớm có cơ chế chính sách để tăng tỷ lệ này tại YTCS.
Thêm nhân sự, danh mục thuốc
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa bác sĩ về YTCS thời điểm này chưa phù hợp, có thể dẫn đến lãng phí. Ông nhận định sao về vấn đề này?
Nói đến TYT, nếu chỉ nghĩ đến công tác khám bệnh là sai lầm. TYT là một tổ chức điển hình của YTCS, hoạt động khám chữa bệnh chỉ là một phần nhỏ, trong khi các hoạt động hướng đến phòng bệnh mới là chính. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai một cơ chế hoạt động cho TYT, nghĩa là không cào bằng các TYT như nhau. TPHCM có đặc điểm các TYT rất khác nhau. Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chúng tôi sẽ xây dựng chức năng của các TYT khác nhau và phân bổ bác sĩ về TYT cũng khác nhau. Tuy nhiên, ngoài chức năng khám chữa bệnh thì TYT còn nhiều hoạt động rất cần nhân lực khác. Chúng tôi đang làm đề án trình HĐND TPHCM, UBND TPHCM về củng cố và phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đông. Ước tính mỗi khu phố cần ít nhất 3 cộng tác viên sức khỏe cộng đồng mới đủ phục vụ.
Thời gian tới, ngành y tế cần phải làm gì để củng cố và phát triển mạng lưới YTCS bền vững?
Việc nâng cao chất lượng hoạt động của TYT là hoạt động xuyên suốt thời gian qua của ngành, trong đó củng cố cơ sở hạ tầng rất được quan tâm. Hiện nay, bằng ngân sách hàng năm, ngành y tế vẫn ưu tiên cho TYT, nâng cấp, sửa chữa theo mô hình trạm có đủ cơ sở hạ tầng hoạt động theo nguyên lý y học gia đình (đã được 50 trạm). Năm nay, ngành sẽ triển khai 146 trạm từ nguồn ngân sách của Chính phủ. Ngoài cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thích hợp cho TYT cũng rất cần thiết. Chúng tôi đã thí điểm thành công đưa một máy X-quang có trí tuệ nhân tạo về xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ), hoạt động rất hiệu quả; và sẽ tham mưu UBND TPHCM tiếp tục cho thực hiện ở những TYT xa trung tâm thành phố. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì, phát triển kết nối từ xa giữa các bác sĩ công tác ở TYT với bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện để được hội chẩn, tư vấn chuyên môn từ xa.
Một hoạt động không thể thiếu là mở rộng danh mục thuốc cho TYT, ưu tiên quản lý các bệnh mạn tính không lây nhiễm như: đái tháo đường, tim mạch, phổi mạn tính, ung thư (giai đoạn chăm sóc giảm nhẹ); mở rộng danh mục thuốc BHYT tại TYT. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động và dự kiến phát triển của đơn vị, có thể bổ sung các loại thuốc khác cần thiết theo mô hình hoạt động, theo cơ cấu bệnh tật của người dân trên địa bàn quản lý, phù hợp phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế.
Bác sĩ đa khoa phù hợp với TYT
Lực lượng bác sĩ hoạt động tại TYT lý tưởng nhất là bác sĩ gia đình. Tuy nhiên, thực chất bác sĩ gia đình là một chuyên ngành, chuyên khoa; và nếu trông chờ vào đào tạo chuyên bác sĩ gia đình thì không biết bao giờ mới đủ lực lượng. Ngay cả hầu hết các nước có ngành y tế phát triển trên thế giới thì lực lượng bác sĩ gia đình cũng không đủ. Lực lượng chính của họ tham gia hoạt động khám chữa bệnh ban đầu chính là bác sĩ đa khoa, bác sĩ thực hành tổng quát. Đây là lực lượng có thể quản lý được nhiều loại bệnh tật cho người dân địa phương. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).
Dự thảo thông tư hướng dẫn xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế: Gỡ khó cho bệnh viện trong tháng này
Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. Dự kiến sau khi được ban hành, thông tư có hiệu lực ngay trong tháng 4 này (Chi tiết xem báo Tiền phong, trang 14).
Hà Nội đã có 5 người mắc uốn ván, trong đó 1 người tử vong
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội ngày 10-4 cho biết, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận hai nam bệnh nhân 50 tuổi và 63 tuổi mắc uốn ván.
Như vậy, từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố đã có 5 trường hợp mắc uốn ván, trong đó 1 người tử vong. Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani phát triển tại vết thương gây ra.
Triệu chứng là những cơn co cứng cơ kèm theo đau. Nếu không được điều trị kịp thời, uốn ván sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như gãy xương, gây khó thở, ngạt thở, suy hô hấp, động kinh, viêm phổi, thuyên tắc phổi, suy thận… Nhiều trường hợp bị uốn ván nguy kịch chỉ từ vết thương nhỏ như gà mổ, gai đâm…
Hầu hết người bệnh đều không nghĩ mình sẽ mắc uốn ván nên chủ quan trong điều trị, không đi tiêm phòng kịp thời và phải nhập viện khi tình trạng bệnh đã tiến triển nặng. Để tránh bị uốn ván, theo khuyến cáo của các bác sĩ, sau khi bị vết thương nên đến các cơ sở y tế để tiêm phòng uốn ván kịp thời. (Hà Nội mới, trang 5).