Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 11/5/2017

  • |
T5g.org.vn - Vụ tiêu hủy 20.000 viên thuốc, lúng túng trong tiếp nhận viện trợ; Nguy cơ virus H7N9 biển đổi độc lực xâm nhập Việt Nam; Thái bình tuyên truyền cách phòng tránh xâm hại cho trẻ em; Sắp có 2,5 triệu liều vaccine sởi – rubella sản xuất tại Việt Nam; Phát sinh thêm 3 ổ dịch cúm A/H5N1


Vụ tiêu hủy 20.000 viên thuốc, lúng túng trong tiếp nhận viện trợ

Theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, vụ tiêu hủy 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư hết hạn dùng là sự cố không mong muốn bởi nhiều lý do từ thủ tục nhập thuốc quá nhiêu khê,...

Sáng 10-5, Sở Y tế TPHCM cho biết, Sở đã có văn bản gửi Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) về việc tiêu hủy thuốc Tasigna hết hạn sử dụng tại Bệnh viện (BV) Truyền máu Huyết học  mà dư luận đang bức xúc trong những ngày vừa qua. Trước đó Sở Y tế đã tổ chức họp kiểm điểm các đơn vị liên quan đến vấn đề này.

Chậm vì… đúng quy trình

Như báo SGGP đã đưa tin, số thuốc Tasigna 200mg được Công ty Novartis cung cấp điều trị cho số người mắc bệnh Bạch cầu mạn dòng tủy (CML) kháng Glive đã về trễ so với dự kiến và lúc đó hạn dùng còn 10 tháng là do phụ thuộc vào thủ tục xin tiếp nhận thuốc của các đơn vị chức năng. Tổng thời gian từ lúc BV bắt đầu tiếp nhận thư đồng ý hiến tặng thuốc Tasigna của Công ty Novartis đến khi hoàn tất thủ tục của chương trình hiến tặng thuốc là 13 tháng 8 ngày (kể cả ngày lễ, tết, thứ bảy và chủ nhật), trong đó thủ tục qua lại giữa BV và công ty ở giai đoạn đầu mất trên 4 tháng 11 ngày; giai đoạn BV bổ sung giấy tờ theo yêu cầu Cục Quản lý Dược mất 25 ngày và bổ sung giấy tờ cho Sở Y tế mất 1 tháng 7 ngày; thời gian Sở Y tế xử lý hồ sơ mất 21 ngày, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị TP xử lý hồ sơ mất 3 tháng, UBND TP xử lý hết 10 ngày làm việc, thời gian còn lại là thời gian BV và công ty làm thủ tục tiếp nhận thuốc về kho.

Như vậy, quá trình từ lúc tiếp nhận thư đồng ý hiến tặng thuốc cho đến khi hoàn tất các thủ tục đưa về sử dụng của BV bị kéo dài, trong khi thuốc Tasgna 200mg có hạn sử dụng chỉ 23 tháng. Tại thời điểm Cục Quản lý Dược cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc (tháng 14-7-2014), thì thuốc Tasigna chỉ còn hạn dùng còn 10 tháng. Nhưng trước đó, để hoàn tất thủ tục hồ sơ trình Cục Dược thì BV đã mất 21 ngày làm việc với Sở Y tế để Sở hoàn tất hồ sơ gửi UBND TP và Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị xem xét chấp thuận cho BV tiếp nhận lô thuốc viện trợ. Mặc dù, theo quy định trên phần mềm xử lý hồ sơ công việc, các thủ tục hành chính không thường xuyên, Sở Y tế cho phép được xử lý không quá 18 ngày. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, do đây là lần đầu tiên Sở giải quyết hồ sơ tiếp nhận thuốc viện trợ có điều kiện nên các chuyên viên của các phòng chức năng thuộc Sở còn lúng túng trong việc trao đổi ý kiến qua lại giữa các phòng và tham mưu cho lãnh đạo Sở, dẫn đến việc chậm xử lý hồ sơ nhận thuốc viện trợ mất 3 ngày.

Bài học kinh nghiệm sâu sắc

Theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, vụ tiêu hủy 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư hết hạn dùng là sự cố không mong muốn bởi nhiều lý do từ thủ tục nhập thuốc quá nhiêu khê, đến việc đơn vị đối tác là Công ty Novartis không đồng ý chuyển số thuốc đến đơn vị khác hay mở rộng đối tượng thụ hưởng (bởi đây là chương trình viện trợ có điều kiện, bệnh nhân không được miễn phí thuốc hoàn toàn và BV không có quyền tự ý sử dụng khi chưa có sự đồng ý và chấp thuận của công ty) khiến lô thuốc hết hạn buộc phải tiêu hủy.

Trước thực trạng này, Sở Y tế cũng đã thừa nhận trách nhiệm về mình và yêu cầu giám đốc BV kiểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc nhất là trong vấn đề lập kế hoạch dự trù số thuốc đề nghị hiến tặng của BV không sát với thực tế sử dụng, dự trù số lượng thuốc dùng cho 6 tháng nhưng ngay cả 10 tháng BV vẫn không sử dụng được 1/2 số thuốc đã nhận do số lượng người tham gia chương trình Tasigna Copay (chương trình thuốc viện trợ nhân đạo) chỉ bằng 1/2 so với dự trù. Ngoài ra, khi ký hợp đồng tham gia chương trình này, bệnh viện không xác định rõ chủ sở hữu của lô hàng Tasigna 200mg là của bệnh viện hay của Công ty Novartis nên bệnh viện không thể tự quyết định khi biết số thuốc tồn kho khá lớn nhưng không được sử dụng cho những người bệnh không tham gia chương trình cho dù biết sẽ hủy khi hết hạn dùng và BV cũng không thông báo cho Sở Y tế để hỗ trợ can thiệp.

Thông qua bài học này, ông Bỉnh chỉ đạo BV Truyền máu Huyết học nói chung và các BV khác nói riêng phải nghiêm túc thực hiện trong việc thực hiện các hồ sơ, thủ tục xin thuốc phải nhanh chóng, không nhận thuốc có viện trợ ngắn, BV cần phải nghiêm túc thực hiện tiêu hủy thuốc hết hạn dùng sau khi được cơ quan chức năng cho phép phải thực hiện theo đúng Thông tư của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quản lý chất lượng thuốc. Cùng với đó, Sở Y tế cũng đã có công văn gửi toàn ngành y tế TP trong việc hướng dẫn tiếp nhận, quản lý tiền, hàng viện trợ, quà biếu tặng… cho các đơn vị trực thuộc Sở Y tế và công văn về việc xử lý kinh phí kết dư nguồn tài trợ, viện trợ theo kết luận của Thanh tra TP. (Sài Gòn giải phóng, trang 11; Gia đình & Xã hội, trang 6; An ninh Thủ đô, trang 4).


Nguy cơ virus H7N9 biển đổi độc lực xâm nhập Việt Nam

Ngày 10/5, Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) thông báo, đã ghi nhận sự thay đổi của virus cúm A(H7N9) từ độc lực thấp sang độc lực cao khi phân tích gene virus cúm ở người cũng như ở gia cầm tại Trung Quốc.

Bộ Y tế nhận định, gần đây dịch có xu hướng bùng phát mạnh tại một số tỉnh phía Nam, Đông Nam của Trung Quốc, trong đó có hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây giáp biên giới với Việt Nam cũng đã ghi nhận trường hợp bệnh. Tại tỉnh Quảng Tây, riêng trong tuần từ 8/2 – 9/3/2017 ghi nhận sự gia tăng đột biến các trường hợp mắc cúm A(H7N9) trên người với 14 trường hợp trong khi năm 2015 -1016 tỉnh này không ghi nhận trường hợp mắc.

Theo WHO, sự gia tăng này có thể là do gia cầm đã được vận chuyển từ tỉnh Quảng Đông sang Quảng Tây sau khi tỉnh Quảng Đông công bố đóng cửa chợ gia cầm. Các chuyên gia khuyến cáo nguy cơ dịch cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam trong giai đoạn này là cao nhất kể từ năm 2013 do lo ngại Quảng Tây cũng sẽ áp dụng biện pháp đóng cửa chợ gia cầm nên gia cầm sẽ được vận chuyển vào Việt Nam nếu không có các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy virus cúm A(H7N9) độc lực cao có khả năng gây chết 100% gà mắc (trong thí nghiệm) và có khả năng lây truyền nhanh hơn gấp khoảng 100 -1000 lần so với virus có độc lực thấp. Hiện nay, chưa có bằng chứng về sự thay đổi của virus cúm A(H7N9) làm lây truyền dễ dàng từ người sang người và WHO cũng chưa khuyến cáo về các thay đổi quản lý lâm sàng đối với trường hợp nhiễm virus cúm A (H7N9) ở người.

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc và những biến đổi độc lực của virus, Bộ Y tế đánh giá nguy cơ rất cao virus cúm A(H7N9) có thể xâm nhập vào Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có các công điện, công văn chỉ đạo tập trung việc ngăn chặn nhập lậu gia cầm và các sản phẩm gia cầm từ biên giới vào nước ta đồng thời kiểm soát chặt chẽ, nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán gia và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch trên thị trường. Công tác giám sát phát hiện sớm dịch bệnh cũng đã được triển khai mạnh mẽ tại các khu vực có nguy cơ cao, khu vực buôn bán gia cầm sống, các cơ sở y tế và tại các cửa khẩu.

Bộ Y tế cũng đã thành lập 5 đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra việc triển khai hoạt động phòng chống dịch tại các địa phương. Tiếp tục phối hợp với WHO, FAO và các tổ chức quốc tế theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong nước và kịp thời thông báo cho người dân để áp dụng các biện pháp phòng chống phù hợp.

Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của virus cúm gia cầm A(H7N9) xâm nhập, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:  Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. (Tiền phong, trang 2).


Thái bình tuyên truyền cách phòng tránh xâm hại cho trẻ em

Để giúp các em học sinh nhận biết các kiến thức về sức khỏe sinh sản phòng tránh không bị xâm hại, thời gian qua Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Kiến Xương – tỉnh Thái Bình đã tích cực phối hợp với ban dân số các xã, thị trấn tổ chức truyền thông về phòng chống xâm hại trẻ em. Tứ tháng 3 đến nay, Trung tâm đã tổ chức được 17 buổi truyền thông tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện… (Gia đình & Xã hội, trang 6).


Sắp có 2,5 triệu liều vaccine sởi – rubella sản xuất tại Việt Nam

Theo Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế), vào tháng 6-2017, Trung tâm sẽ cung cấp khoảng 2,5 triệu liều vaccine sởi – rubella cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng để tiêm cho trẻ em, thay thế vaccine nhập khẩu của Ấn Độ đang sử dụng hiện nay… (Gia đình & Xã hội, trang 6).


Phát sinh thêm 3 ổ dịch cúm A/H5N1

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước vừa ghi nhận thêm 3 ổ dịch cúm gia cầm mới tại tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Tại tỉnh Đắk Lắk, p hát sinh 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 2 hộ chăn nuôi vịt thuộc 2 xã Ea Rốp và xã Ea Tmốt của huyện Ea Súp. Ngày 3/5/2017 phát sinh 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 4 hộ chăn nuôi thuộc Xã Đức Xuyên, Huyện Krông Nô. Tổng số gia cầm mắc bệnh và chết là 250 con, số tiêu hủy là 1.800 con vịt.

Hiện cả nước có 7 ổ dịch cúm A/H5N1 xảy ra tại 11 hộ chăn nuôi trên địa bàn 5 tỉnh ( Cao Bằng, Vĩnh Long, Quảng Ninh, Đắk Lắk và Đắk Nông ) chưa qua 21 ngày… (Lao động, trang 3).


Triển lãm quốc tế chuyên ngành y dược Việt Nam lần thứ 24

Sáng 10-5, tại Hà Nội đã khai mạc Triển lãm Quốc tế chuyên ngành y dược Việt Nam thường niên lần thứ 24 (Vietnam Medi-Pharm 2017). Vietnam Medi-Pharm 2017 thu hút 500 gian hàng của 410 tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia trưng bày, giới thiệu các nhóm ngành hàng: dược phẩm, thực phẩm chức năng; trang thiết bị y tế; bệnh viện, phòng khám; thiết bị hỗ trợ kỹ thuật, sản phẩm chăm sóc sức khỏe; thiết bị và sản phẩm làm đẹp; du lịch y tế… (Lao động, trang 3).


Nghèo hóa do chi phí y tế

Ngày 10-5, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo kỹ thuật xây dựng kế hoạch tổng thể các phương thức chi trẻ dịch vụ y tế. Theo Bộ Y tế, tỷ lệ chi trả cho viện phí từ tiền túi của người dân đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, hiện chiếm hơn 40% tổng chi cho y tế quốc gia, khiến nhiều gia đình bị nghèo hóa. Hiện tỷ lệ người tham gia BHYT cả nước đạt 81,7%... (Thanh niên, trang 8).


Bệnh viện phải là nơi an toàn

Nhắc tới bệnh viện (BV), mọi người thường nghĩ ngay tới sự yên tĩnh, an bình! Chỉ một lời nói, hành động thiếu ý thức như hút thuốc, to tiếng, cãi vã... là lập tức bị phê bình, lên án, bởi lẽ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe bệnh nhân.
Không những vậy, những hành vi đó còn có thể khiến các y, bác sĩ mất tập trung trong hoạt động thăm khám, chữa bệnh cứu người. Chẳng phải vô cớ, các BV đều có những khu cách ly, quy định giờ giấc vào thăm bệnh nhân, thuê nhân viên bảo vệ thực hiện quy định nghiêm ngặt... Tất cả đều nhằm mục đích chăm sóc tốt nhất cho người bệnh!
Thế nhưng, một số vụ việc gây mất trật tự, an ninh BV, thậm chí tấn công, hành hung các nhân viên y tế và cả bệnh nhân xảy ra khiến nhiều người bất an. Có thể kể ra một vài vụ việc gần đây: Tại BV Đại học Y Hà Nội, một nhóm côn đồ dùng hung khí xông vào khống chế nhân viên y tế để tiếp tục hành hung nạn nhân vừa được đưa tới cấp cứu; tại BV Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), các đối tượng côn đồ còn mang theo vũ khí tấn công nhân viên; tại BV Đa khoa Thạch Thất, người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ chữa trị cho con mình... Khi xảy ra những vụ việc đáng tiếc trên, bệnh nhân bị tác động, thiệt thòi nhiều nhất bởi các y, bác sĩ còn phải lo bảo vệ bản thân thì sao có thể cứu chữa kịp thời, hiệu quả... Chưa kể, ngay khi vụ việc mất an ninh đã được xử lý, liệu các bác sĩ có thể lập tức bình tâm để đưa ra quyết định, thực hiện động tác kỹ thuật chuyên môn chính xác, hiệu quả nhất?
Ngăn chặn không để tái diễn các vụ việc gây mất trật tự, an ninh BV là đòi hỏi cấp thiết!
Và, để đưa giải pháp hữu hiệu phải trả lời được câu hỏi: Đâu là nguyên nhân?
Trả lời cho câu hỏi này cần nhìn nhận thực tế, đa chiều. Về phía các BV, thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn một số cán bộ, y, bác sĩ chưa có kỹ năng giao tiếp với người bệnh và người nhà bệnh nhân, thậm chí còn hách dịch, chậm trễ cấp cứu gây ra bức xúc cho người bệnh. Ở phía ngược lại, người bệnh và người nhà nhiều khi không hiểu được tính chất bệnh tình, không thông cảm với hạn chế về cơ sở hạ tầng và sự quá tải của BV, muốn được ưu tiên khám trước hoặc thấy y, bác sĩ chậm giải thích… là manh động, gây sự, có hành vi uy hiếp. Tuy vậy, để xảy ra những vụ côn đồ lộng hành ở cơ sở y tế là công tác bảo đảm an ninh tại không ít BV còn hạn chế, đội ngũ bảo vệ còn mỏng, thiếu kỹ năng chuyên môn xử lý tình huống phát sinh; sự phối hợp với chính quyền, công an sở tại cũng chưa chặt chẽ...
Để bảo đảm an ninh BV, việc quan trọng đầu tiên là phải tăng cường phổ biến, giáo dục nhân viên y tế nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người bệnh, người nhà bệnh nhân và kỹ năng phát hiện, xử lý trước các tình huống bất trắc xảy ra… Các cơ sở y tế cũng cần hoàn thiện, củng cố nhân lực, trang, thiết bị bảo đảm an ninh, thực hiện nghiêm quy định ra vào, thăm khám,... Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với chính quyền, công an sở tại để có sự hỗ trợ kịp thời nhằm giải quyết, xử lý các vụ việc mất an ninh, trật tự.
Ngành Y tế cũng cần đưa nội dung bảo đảm an ninh làm tiêu chí đánh giá chất lượng BV. Khoản 11, Điều 6, Chương I, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định rõ cấm "Gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người hành nghề". Quy định này cần phải thực hiện nghiêm túc để bảo đảm an ninh không chỉ cho nhân viên y tế mà cho cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.
Từng cơ sở y tế, mỗi người dân đều phải nâng cao ý thức trách nhiệm bảo đảm an ninh để BV thực sự là nơi an toàn! (Hà Nội mới, trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang