Chênh lệch giới tính khi sinh ở Hà Nội tăng cao
Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, từ đầu năm đến nay, một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội có số sinh và tỷ lệ sinh con thứ ba tăng cao. Đặc biệt, tỷ số giới tính khi sinh của nhiều địa phương ở mức rất cao, lên tới trên 120 trẻ trai/100 trẻ gái như tại Hà Đông, Sơn Tây, Thạch Thất, Hoài Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mê Linh…
Đến hết quý 1, tổng số sinh của toàn thành phố là 22.502 trẻ, tăng 175 trẻ so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ số giới tính khi sinh của toàn thành phố là 114,5 trẻ trai/100 trẻ gái. (Tiền phong, trang 2).
Giám sát bệnh viện bằng phần mềm do người bệnh đánh giá
Ngày 14-5, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông báo mở đợt giám sát chuyên đề “Hoạt động quản lý chất lượng bệnh viện hướng đến sự hài lòng của người bệnh”. Việc giám sát thực hiện qua hệ thống ki-ốt đã được lắp đặt tại tất cả 53 bệnh viện công lập. Người bệnh chỉ cần đánh giá và bấm nút trả lời khảo sát, không cần nêu thông tin cá nhân. Phần mềm phân tích tổng hợp tình hình không hài lòng của người bệnh tại 53 bệnh viện sẽ kết nối dữ liệu thu thập được từ hệ thống ki-ốt về trung tâm. Với phần mềm này, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh dễ dàng giám sát từ xa hoạt động, kịp thời nắm bắt những bệnh viện nào được người bệnh phản ánh không hài lòng cao, tập trung vào khâu nào của quy trình khám, chữa bệnh tại khoa khám bệnh của các bệnh viện... (Nhân dân, trang 5).
Bóc gỡ 2 đường dây làm giấy khám sức khỏe giả
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện các vụ mua bán giấy khám sức khỏe (GKSK) giả với số lượng lớn, gây bức xúc trong dư luận.
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện các vụ mua bán giấy khám sức khỏe (GKSK) giả với số lượng lớn, gây bức xúc trong dư luận. Việc sử dụng GKSK giả đã và đang tiếp tay cho những kẻ xấu làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan tổ chức, đáng lo ngại hơn, GKSK giả để lại nhiều hệ lụy khôn lường mà chính những người mua chưa hề nghĩ đến.
Liên tiếp bóc gỡ các vụ việc mua bán GKSK giả
Mới đây nhất vào ngày 12/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành tạm giam đối với Đồng Minh Đủ (49 tuổi, trú tại tổ 10 khu 5, phường Mông Dương) và Lục Đức Hưng (27 tuổi, trú tại thôn 2, xã Bình Dân, huyện Kim Thành, Hải Dương) về tội danh “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Trước đó, ngày 8/5, tại tổ 10, khu 5, phường Mông Dương, Công an TP. Cẩm Phả phát hiện bắt quả tang Đồng Minh Đủ đang có hành vi bán GKSK cho 2 người là Phạm Anh Tuấn, trú tại phường Cẩm Sơn, Cẩm Phả và Bùi Văn Thương, trú tại xã Quảng Bạch, Chợ Đồn, Bắc Kạn. Cơ quan công an đã thu giữ 2 GKSK có dán ảnh, đóng dấu xác nhận của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Cẩm Phả; 43 phôi GKSK đã được đóng dấu của BVĐK Cẩm Phả nghi là giả. Mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT Công anTP. Cẩm Phả đã bắt khẩn cấp Lục Đức Hưng, là đối tượng do Đồng Minh Đủ thuê để in ấn các phôi GKSK giả. Khám xét nơi ở của đối tượng, Cơ quan CSĐT đã thu giữ vật chứng gồm 1 CPU máy tính, 1 máy tính, 1 máy in màu, 1 máy scan. Tại cơ quan công an, bước đầu 2 đối tượng khai nhận từ năm 2016 đến nay đã giao dịch, mua bán với nhau tổng cộng 4.180 phôi GKSK giả và thu lợi bất chính trên 100 triệu đồng.
Trước đó, vào cuối tháng 4/2017, Công an thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) vừa bóc gỡ thành công đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Cụ thể, Công an thị xã Phú Thọ đã phát hiện bắt giữ Nguyễn Thị Hải (trú tại xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ) cùng tang vật là 6 tờ mẫu GKSK. Căn cứ vào lời khai của Hải, Công an thị xã Phú Thọ đã tiến hành bắt giữ Nguyễn Thị Thủy. Khám xét khẩn cấp nhà ở của Thủy, thu giữ 43 tờ mẫu GKSK, 2 tờ giấy ra viện có đóng dấu của Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương... Thủy khai thấy việc kiếm tiền dễ dàng, đối tượng đã lôi kéo chị gái là Nguyễn Thị Thuyết và Lê Trần Tiến (ở Hà Nội), Nguyễn Văn Thắng (ở Thái Bình) cùng thực hiện hành vi phạm tội. Khám xét nơi ở của Thắng, lực lượng trinh sát thu giữ được một lượng lớn các loại giấy tờ giả, gồm 16 con dấu hình tròn có ghi các dòng chữ “Bệnh viện Nam Thăng Long”, “Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương” và các loại dấu chức danh; 312 mẫu GKSK, giấy chứng nhận sức khỏe, giấy ra viện, giấy xác nhận nằm viện có đóng dấu ghi dòng chữ của 2 bệnh viện trên cùng với 610 phôi mẫu. Vụ án hiện đang được Công an thị xã Phú Thọ tiếp tục điều tra, làm rõ.
Cần xử lý nghiêm cả người bán lẫn người mua
Theo Bộ Công an, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ mua bán GKSK giả tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước nhưng trên thực tế, “căn bệnh” này vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Nguyên nhân một phần do ý thức trách nhiệm của người dân chưa cao, chưa nhận thức được đầy đủ tác hại của việc sử dụng GKSK giả để xin việc, học lái xe... Với suy nghĩ chỉ cần bỏ ra khoảng 70.000-200.000 đồng và cũng không cần phải đến các cơ sở y tế, nhiều người vẫn có GKSK để xin việc, thi bằng lái xe... đã khiến thực trạng mua bán GKSK giả ngày càng gia tăng, để lại nhiều hậu quả cho cả người lao động lẫn người sử dụng lao động và xã hội. Nếu việc khám sức khỏe được làm gian dối, qua loa, không đúng quy trình sẽ gây nhiều cản trở cho nhà tuyển dụng khi họ phải nhận những nhân viên không đủ tiêu chuẩn về sức khỏe vào làm việc. Đặc biệt, thực trạng mua bán GKSK giả không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, mà còn khiến uy tín của các cơ sở khám, chữa bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều quan trọng hơn là những GKSK giả đã góp phần khiến tình trạng tai nạn giao thông tăng cao do những người không đủ điều kiện và sức khỏe gây ra khi tham gia giao thông.
Liên quan đến tình trạng mua bán GKSK giả tràn lan, theo ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), việc mua GKSK mà không cần đi khám là vi phạm pháp luật. Hành vi này vi phạm Điều 267, Bộ luật Hình sự “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Với các đối tượng phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2-5 năm: có tổ chức; phạm tội nhiều lần; gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm. Với trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, bị phạt tù từ 4-7 năm.
Từ thực trạng này cho thấy, về phía các BV, cơ sở y tế có chức năng khám và cấp GKSK, cần thay đổi phong cách phục vụ, rút ngắn thời gian thăm khám để người dân khi cần GKSK thì vào BV khám, tránh việc giao dịch với các đối tượng làm giả GKSK. Ngoài ra, đối với những cá nhân mua những loại GKSK giả, vô tình tiếp tay cho kẻ gian cũng cần phải bị xử lý nghiêm. (Sức khỏe & Đời sống, trang 11).
33 du khách bị ngộ độc thực phẩm ở Cát Bà
Tin từ Bệnh viện đa khoa Việt Tiệp (TP.Hải Phòng) cho biết trong ngày 14.5 đã tiếp nhận 33 bệnh nhân là công nhân Công ty cổ phần Anova Seed (KCN Vĩnh Niệm) có biểu hiện ngộ độc thực phẩm, từ đảo Cát Bà (H.Cát Hải) vào điều trị.
Theo ông Đoàn Văn Doan, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng H.Cát Hải, tối 12.5 hơn 100 người thuộc công ty nói trên đã ăn tiệc hải sản trên bãi biển Cát Bà. Sau khi ăn, nhiều người bị buồn nôn, đau bụng, đầu óc choáng váng, phải vào Bệnh viện đa khoa Cát Hải cấp cứu, đến sáng 14.5 thì chuyển vào Bệnh viện đa khoa Việt Tiệp điều trị.
Cơ quan chức năng bước đầu kết luận du khách bị ngộ độc khi ăn hải sản, nhưng chưa xác định cụ thể loại hải sản nào. (Thanh niên, trang 4).
Phạt 24 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, tính từ 1-10-2016 đến nay, Cục đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 24 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) với tổng số tiền phạt hơn 4 tỷ đồng… (Thanh niên, trang 4)
Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại lãnh đạo một số đơn vị của Bộ Y tế
Chiều ngày 12/5, tại Bộ Y tế, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế đã trao các quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cho các đồng chí lãnh đạo Tổng Cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình và Văn phòng Bộ Y tế.
Theo đó, tại Quyết định số 1668/QĐ-BYT, Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm BSCK II Võ Thành Đông-Phó Chánh văn phòng Bộ, Hàm vụ trưởng, Trưởng Văn phòng đại diện cơ quan Bộ Y tế phía Nam, giữ chức Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình từ ngày 27/4/2017
Tại Quyết định số 1666/QĐ-BYT, Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm ThS, BSCK I Nguyễn Thị Ngọc Lan- Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số, Tổng Cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình giữ chức Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình từ ngày 27/4/2017
Tại Quyết định số 1868/QĐ-BYT, Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm lại có thời hạn TS. BS Nguyễn Xuân Trường- Chánh Văn phòng Bộ Y tế giữ chức Chánh Văn phòng Bô Y tế từ ngày 1/6/2017
Tại Quyết định số 1869/QĐ-BYT, Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm lại PGS.TS. BS Phạm Thanh Bình- Phó Chánh Văn phòng Bộ Y tế giữ chức Phó Chánh Văn phòng Bộ Y tế từ ngày 10/5/2017
Tại Quyết định số 1866/QĐ-BYT, Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm lại ThS Lê Thành Trí- Phó Chánh Văn phòng Bộ Y tế giữ chức Phó Chánh Văn phòng Bộ Y tế từ ngày 24/4/2017
Phát biểu tại buổi lễ Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chúc mừng hai đồng chí vừa được bổ nhiệm nhiệm vụ mới và các đồng chí tái bổ nhiệm. Đối với hai đồng chí bổ nhiệm mới, Bộ trưởng nhấn mạnh công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình là một trong những lĩnh vực luôn được lãnh đạo Bộ Y tế quan tâm, mong muốn đẩy mạnh hơn nữa để nâng cao chất lượng dân số ở nước ta. Do đó, Bộ trưởng mong muốn ở cương vị mới hai đồng chí mơí bổ nhiệm sẽ phát huy hết khả năng công việc, phát huy đoàn kết trong tập thể để cùng tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vì sự nghiệp phát triển của ngành y tế;
Đối với các đồng chí tái bổ nhiệm thuộc Văn phòng Bộ Y tế, Bộ trưởng mong muốn tiếp tục phát huy năng lực chuyên môn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thay mặt các đồng chí được Bộ trưởng bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, TS. BS Nguyễn Xuân Trường- Chánh Văn phòng Bộ Y tế bày tỏ lòng cảm ơn sự quan tâm, tin tưởng giao nhiệm vụ của Bộ trưởng, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Y tế cũng như sự giúp đỡ của các vụ, cục, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và hứa sẽ tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao... (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Bất an bệnh viện
Người dân cả nước vẫn chưa hết bức xúc trước vụ việc một bác sĩ Phó khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, Hà Nội bị người nhà bệnh nhân ném ly vỡ đầu tới bất tỉnh, máu vương vãi khắp người, thì mới đây hàng chục đối tượng lại mang theo hung khí lao vào Khoa cấp cứu của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khống chế cán bộ y tế và bảo vệ, rồi chém tới tấp một nam bệnh nhân đang nằm trên cáng cấp cứu tới đứt cổ. Thậm chí, mới đây tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), một đối tượng sau khi đưa bạn vào cấp cứu đã không chỉ có lời lẽ xúc phạm nhân viên y tế, nhân viên an ninh của bệnh viện mà còn rút súng bắn loạn xạ trong bệnh viện khiến mọi người vô cùng hoảng sợ. Còn rất nhiều vụ việc gây mất an ninh trật tự xảy ra tại nhiều bệnh viện ở nhiều địa phương và không gì có thể biện minh cho những hành động côn đồ, hung hãn xảy ra trong môi trường bệnh viện, nhất là đối với y, bác sĩ khi đang thực hiện nhiệm vụ.
Thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, các vụ bạo lực, hành hung nhân viên y tế xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm tới 60%), tiếp đến là tuyến trung ương (chiếm 20%). Đối tượng bị tấn công, hành hung phần lớn là bác sĩ (chiếm 70%), tiếp đến là điều dưỡng (chiếm 15%).
Nghiêm trọng hơn, có đến 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc người bệnh… Mặc dù chưa có thông kê chính xác số vụ mất an ninh trật tự tại bệnh viện trong những năm qua nhưng chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước đã xảy ra trên 10 vụ gây rối, mất an ninh bệnh viện nghiêm trọng. Đáng báo động nữa, dù bạo lực đang có chiều hướng gia tăng và phức tạp hơn trong môi trường bệnh viện, nhưng trên thực tế, chúng ta lại chưa thực sự nhận thức đầy đủ về nguy cơ mất an toàn tại bệnh viện. Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, một trong những nguyên nhân cơ bản của vấn đề mất an ninh trật tự bệnh viện chính là thiếu sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền và lãnh đạo bệnh viện. Các biện pháp bảo đảm an ninh nhiều bệnh viện chưa được quan tâm đúng mức, thiếu tập huấn nâng cao kinh nghiệm cho cán bộ y tế nói chung và nhân viên bảo vệ về các tình huống dễ dẫn tới xung đột; chưa đề cao công tác tuyển dụng, huấn luyện và kiểm tra thường xuyên đối với nhân viên bảo vệ.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều vụ việc mất an ninh trật tự xảy ra tại bệnh viện còn bắt nguồn từ việc không ít người dân mất niềm tin vào một số y, bác sĩ do để xảy ra tai biến y khoa, hoặc do nhũng nhiễu, vòi vĩnh trong bệnh viện. Không ít vụ việc, tình huống lộn xộn xảy ra giữa bác sĩ và bệnh nhân được suy đoán là có liên quan tới... “phong bì”. Nhiều người cảm nhận rằng khi đến các bệnh viện, họ như là người đang phải cầu cứu, được ban phát từ y, bác sĩ, chứ không phải họ là người chi trả tiền để nhận được dịch vụ y tế tương xứng. Do vậy, từ những bất đồng nhỏ, hay từ câu nói, cử chỉ thiếu nhã nhặn, thành mâu thuẫn, khiến cho mối quan hệ giữa không ít điều dưỡng, bác sĩ với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trở nên căng thẳng, bức xúc và rất dễ dẫn tới xô xát, hành hung. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến từng thẳng thắn chia sẻ, tình trạng gây rối tại bệnh viện, hành hung bác sĩ, điều dưỡng, người bệnh đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, sức khỏe và công việc của nhân viên y tế và cản trở các hoạt động khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất an ninh trật tự trong bệnh viện, trong đó chủ yếu là tình trạng quá tải bệnh nhân, trong khi các biện pháp đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường bệnh viện chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, việc giải quyết các sự cố, tai biến về y khoa nhiều khi chưa được xử lý tốt, giải thích cặn kẽ thấu đáo cho người bệnh dẫn tới sự bức xúc của người nhà bệnh nhân. Bên cạnh đó, thái độ ứng xử của số ít cán bộ y tế, nhân viên bệnh viện đối với người bệnh cũng chưa đúng mức, dẫn tới mâu thuẫn và gây bức xúc cho người bệnh.
Để xảy ra những hành động côn đồ, hung hãn trong bệnh viện, ngoài sự thiếu kiềm chế của người nhà bệnh nhân, cũng có một phần nguyên nhân không nhỏ từ phía bệnh viện và cán bộ y tế khi làm nhiệm vụ. Rõ ràng, bảo đảm an ninh trật tự bệnh viện để nhân viên y tế yên tâm hành nghề, người bệnh an tâm chữa bệnh là việc làm cấp thiết, đòi hỏi Bộ Y tế và các bệnh viện cần phải có những giải pháp căn cơ. Trong đó, các bệnh viện cần không ngừng hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm an ninh, trật tự, công khai quy trình khám chữa bệnh, giá dịch vụ y tế. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với công an cơ sở, cũng như tuyển chọn lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp và thường xuyên tập huấn cho họ về kỹ năng xử lý các tình huống đặc thù. Bộ Y tế và các bệnh viện phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao y đức, thái độ ứng xử đúng mực, hòa nhã của cán bộ y tế đối với người bệnh; xử lý nghiêm mọi hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong môi trường bệnh viện. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).