Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 11/5/2023

  • |
T5g.org.vn - Kết thúc tình trạng khẩn cấp không đồng nghĩa kết thúc dịch Covid-19; Quỹ Toàn cầu đã tài trợ hơn 650 triệu USD cho Việt Nam; Tất cả trẻ nghi ngộ độc thực phẩm ở Nghệ An đã được xuất viện; Thêm 3 bệnh nhân Covid-19 tử vong

 

Kết thúc tình trạng khẩn cấp không đồng nghĩa kết thúc dịch Covid-19

Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố dịch Covid-19 không còn được coi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. Tuy nhiên, hiện Covid-19 vẫn tiếp tục là một đại dịch và vi-rút SARS-CoV-2 vẫn đang tiếp tục biến đổi.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra công bố dịch Covid-19 không còn được coi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế hôm 5/5/2023 dựa trên các chỉ số quan trọng như số lượng người bệnh tử vong và tỷ lệ tử vong do Covid-19 đã giảm nhanh và ổn định trong thời gian gần đây. Đồng thời, số lượng người bệnh phải nhập viện và trường hợp nặng, đòi hỏi điều trị tích cực đã giảm đáng kể. Điều này cho thấy những biện pháp kiểm soát dịch bệnh mà thế giới triển khai đạt được kết quả tích cực.

Tuy nhiên, việc kết thúc tình trạng khẩn cấp toàn cầu không đồng nghĩa với việc dịch bệnh đã hoàn toàn kết thúc. Covid-19 vẫn tiếp tục là một đại dịch và vi-rút vẫn đang tiếp tục biến đổi. Mỗi tuần, hàng trăm nghìn người mắc bệnh và hàng nghìn người tử vong vẫn được ghi nhận trên toàn thế giới. Ngoài ra, một người nhiễm trong số mười người có thể phải đối mặt với tình trạng hậu Covid-19, ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống.

Do đó, việc kết thúc tình trạng khẩn cấp toàn cầu chỉ là một bước chuyển để giảm các biện pháp hạn chế di chuyển, trong khi các quốc gia vẫn cần duy trì biện pháp phòng, chống dịch bệnh và không được lơ là.

Đã có một số quốc gia hiểu sai thông điệp từ WHO và không áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Các nước cần áp dụng một chiến lược ứng phó với Covid-19 một cách phù hợp hơn. Thay vì duy trì trạng thái khẩn cấp, cần chuyển sang quản lý bệnh Covid-19 giống như các bệnh truyền nhiễm khác, đồng thời đánh giá nguy cơ một cách thường xuyên.

Việt Nam đạt được kết quả tốt trong việc kiềm chế sự gia tăng các ca nặng, nhập viện và tử vong nhờ tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao. Nhưng hiệu quả bảo vệ của vắc-xin có thể giảm dần theo thời gian, do đó, WHO đã khuyến nghị tích hợp vắc-xin phòng Covid-19 vào chương trình tiêm chủng quốc gia cho nhóm nguy cơ cao.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần duy trì tinh thần cảnh giác và không chủ quan trong việc kiểm soát Covid-19. Các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách xã hội, rửa tay thường xuyên và hạn chế các hoạt động tập trung vẫn là cách hiệu quả để giảm sự lây lan của vi-rút. Đồng thời, cần tăng cường năng lực xét nghiệm và theo dõi tiếp xúc để phát hiện sớm và cách ly các trường hợp nhiễm bệnh.

Việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng của Covid-19 là một tin tức gây quan ngại quốc tế, nhưng đáng để ăn mừng. Tại nhiều nơi, người dân đang tổ chức các sự kiện ăn mừng, tin rằng dịch bệnh đã kết thúc. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm để xem xét lại các biện pháp ứng phó toàn diện đã triển khai đối với đại dịch này.

Chúng ta cần nhìn vào những thành tựu của quốc gia trong cuộc chiến này. Cần nhận định đúng, Covid-19 vẫn tiếp tục là một mối đe dọa và việc công bố kết thúc tình trạng khẩn cấp chỉ đơn giản là khẳng định rằng chúng ta cần phải tăng tốc và lập kế hoạch cho quản lý dài hạn đối với vi-rút này.

Qua quá trình ứng phó với Covid-19, Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và bài học quý. Chúng ta cần xem xét cách cải thiện hệ thống y tế và năng lực xét nghiệm, bảo đảm sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống khẩn cấp nào trong tương lai. Ngoài ra, nâng cao nhận thức và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cũng là điều rất quan trọng. Việc tăng cường nghiên cứu và phát triển

vắc-xin, cùng với việc tích hợp vắc-xin Covid-19 vào chương trình tiêm chủng quốc gia, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm sự lây lan của vi-rút. Ngoài ra, duy trì một hệ thống theo dõi tiếp xúc hiệu quả và khả năng phản ứng nhanh chóng cũng sẽ đóng góp ngăn chặn sự lan truyền của dịch bệnh.

Trong bài phát biểu, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh, đại dịch này đã và đang để lại những vết sẹo sâu đậm trên toàn cầu và tác động mạnh mẽ đến sức khỏe, kinh tế và xã hội của mọi quốc gia. Để tránh lặp lại những sai lầm trong quá trình ứng phó với đại dịch Covid-19, cần cam kết với các thế hệ tương lai rằng chúng ta sẽ không quay trở lại chu kỳ hoảng loạn và bỏ bê, làm tổn thương thế giới của chúng ta.

Thay vào đó, phải tiến về phía trước với một cam kết chung để đối mặt với những mối đe dọa chung thông qua một phản ứng chung. Để thực hiện cam kết này, cần tăng cường sự hợp tác và đoàn kết quốc tế; chia sẻ thông tin, tài nguyên và kinh nghiệm sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vi-rút và cách ứng phó hiệu quả với nó. Ngoài ra, cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để phát triển các phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị mới.

Một khía cạnh quan trọng khác là tăng cường hệ thống y tế và phòng, chống dịch bệnh, nâng cao khả năng phát hiện, giám sát và phản ứng nhanh chóng đối với các dịch bệnh mới nổi, đồng thời tăng cường hệ thống chăm sóc y tế cơ bản và cung cấp đủ tài nguyên cho việc chữa trị và bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.

Trong cuộc họp khẩn giữa Bộ Y tế Việt Nam với đại diện WHO tại Việt Nam, Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, chiến lược của Việt Nam đối với Covid-19 được nêu rõ là: duy trì năng lực quốc gia và xây dựng kế hoạch hành động quốc gia, bảo đảm sẵn có các nguồn lực như vắc-xin, phương tiện chẩn đoán và điều trị để ứng phó với các tình huống bùng phát dịch; tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng, chống lây nhiễm trong bệnh viện, chú trọng bảo vệ người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền và phụ nữ mang thai; lồng ghép tiêm vắc-xin phòng Covid-19 vào chương trình tiêm chủng quốc gia, tăng cường tiêm chủng cho nhóm nguy cơ cao và lưu ý về việc tiêm nhắc lại, đặc biệt là đối với nhóm di biến động, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch và phụ nữ mang thai; huy động sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể.

Triển khai lồng ghép giám sát bệnh Covid-19 vào giám sát bệnh viêm phổi và duy trì báo cáo số liệu; theo dõi sự biến đổi của vi-rút thông qua giải trình tự gen và nghiên cứu sâu hơn về tình trạng hậu Covid-19.

Phát triển chiến lược quản lý dài hạn đối với Covid-19 dựa trên bối cảnh và đánh giá nguy cơ. Tiếp tục duy trì truyền thông về các hoạt động phục hồi sau đại dịch và hiểu đúng về dịch Covid-19; truyền thông các vấn đề liên quan đến mức độ nghiêm trọng của dịch và cân nhắc chuyển đổi phân loại bệnh từ nhóm A sang nhóm B.

Tiếp tục dỡ bỏ các biện pháp về giới hạn y tế liên quan đến di chuyển dựa trên đánh giá nguy cơ của quốc gia. Covid-19 vẫn chưa thành bệnh theo mùa vì các nước vẫn xảy ra ca bệnh vào nhiều thời điểm khác nhau và khó dự đoán. Bệnh vẫn còn khá mới và chưa có quy luật rõ ràng, khó dự báo và còn nhiều điều chưa biết về nó vì vậy cần áp dụng cách tiếp cận theo thời điểm tùy theo tình hình dịch một cách thận trọng.

Với cách tiếp cận này, Bộ Y tế cần sớm đưa ra một chiến lược quản lý dài hạn đối với Covid-19, trong đó điều chỉnh các kịch bản ứng phó với dịch, đồng thời xây dựng một khung hành động với các biện pháp cụ thể để đối phó với các tình huống dịch bùng phát, thực hiện giám sát thường xuyên đối với Covid-19.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền cần tập trung vào tình hình dịch bệnh, tiếp tục thực hiện tốt nguyên tắc “2K” (khẩu trang và khử khuẩn) kèm theo vắc-xin, điều trị và sử dụng công nghệ, cũng như nâng cao ý thức của người dân đặc biệt tại các cơ sở y tế, trên phương tiện công cộng, nhà ga, bến xe và các địa điểm, sự kiện tập trung đông người. Phối kết hợp các biện pháp một cách tổng thể mới có thể giúp bảo đảm khả năng kiểm soát dịch, giảm nguy cơ bùng phát và quá tải hệ thống y tế xuống mức thấp nhất trong thời gian tới (Nhân dân, trang 4).

 

Quỹ Toàn cầu đã tài trợ hơn 650 triệu USD cho Việt Nam

Hội nghị cấp cao lần thứ 49 của Hội đồng điều hành Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét (gọi tắt: Quỹ Toàn cầu) do Bộ Y tế Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội từ ngày 8 - 12.5.

Hội nghị chính thức khai mạc sáng 10.5 với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, ông Donald Kaberuka - Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ Toàn cầu, cùng các thành viên điều hành và các đối tác quốc tế.

Tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Năm 2002, thế giới đã cùng thành lập Quỹ Toàn cầu để chống lại dịch bệnh HIV/AIDS, lao và sốt rét. Trong hơn 20 năm qua, Quỹ Toàn cầu đã tài trợ hơn 55 tỉ USD, cứu sống 50 triệu người và giảm được hơn một nửa tỷ lệ tử vong do 3 căn bệnh này ở các quốc gia được tài trợ. Việt Nam là một trong những quốc gia nhận được sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu từ vòng đầu tiên vào năm 2003. Đến nay, quỹ đã tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam hơn 650 triệu USD.

Trong 20 năm qua, với sự đóng góp của Quỹ Toàn cầu, chương trình phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam đã dự phòng lây nhiễm HIV cho gần 1 triệu người, cứu được gần 200.000 người không bị tử vong do AIDS. Mỗi năm, ngân sách của quỹ đã hỗ trợ hơn 120.000 khách hàng tiếp cận các dịch vụ dự phòng HIV; hơn 300.000 khách hàng được tiếp cận xét nghiệm HIV; cung cấp 100% thuốc cho trẻ em nhiễm HIV trên toàn quốc; hỗ trợ thuốc điều trị HIV cho khoảng 50.000 bệnh nhân HIV…

Về phòng chống lao, trong 20 năm trở lại đây, Việt Nam đã cứu sống khoảng 1 triệu người mắc lao. Chương trình chống lao quốc gia đã bao phủ đến 100% xã, phường trên toàn quốc. Nguồn kinh phí từ Quỹ Toàn cầu cùng các nguồn ngân sách của Việt Nam được sử dụng tối ưu để tăng cường chất lượng chẩn đoán, cung cấp thuốc điều trị cho nhóm bệnh nhân lao kháng thuốc.

Về phòng chống sốt rét, hiện Việt Nam đã có 42/63 tỉnh loại trừ được sốt rét. Từ nguồn hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu và ngân sách đầu tư, công tác phát hiện, chẩn đoán sốt rét sớm, điều trị kịp thời triển khai trên toàn quốc và đến hết năm 2022, không còn ca tử vong do sốt rét.

Ngay khi dịch Covid-19 xảy ra tại Việt Nam, Quỹ Toàn cầu đã cung cấp máy móc, thiết bị y tế phục vụ chẩn đoán và điều trị Covid-19, trang bị phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế, kiểm soát lây nhiễm, đảm bảo duy trì các dịch vụ dự phòng, chăm sóc điều trị trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát (Thanh niên, trang 3).

 

Tất cả trẻ nghi ngộ độc thực phẩm ở Nghệ An đã được xuất viện

Đến thời điểm hiện tại, tất cả trẻ mầm non cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Đô Lương, Nghệ An nghi ngộ độc thực phẩm ngày 9/5, sức khỏe đã ổn định và được xuất viện.
Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, bác sĩ Lê Đức Hải, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đô Lương cho biết, vào lúc 21 giờ ngày 09/05, đơn vị tiếp nhận 55 trường hợp trẻ Trường mầm non xã Thuận Sơn, Đô Lương được chẩn đoán nghi bị ngộ độc thực phẩm. Sau đó đến 3h sáng ngày 10/5, bệnh viện tiếp nhận tiếp 2 trẻ đến cấp cứu.

Tất cả 57 trẻ đến viện đều có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn, ỉa chảy, một số trường hợp có sốt, biểu hiện mất nước.

Ngay lập tức bệnh viện Đa khoa Đô Lương đã huy động 50 y bác sĩ, điều dưỡng với trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, tổ chức cấp cứu điều trị tích cực cho các bệnh nhân trong vụ ngộ độc thực phẩm.

Đồng thời bệnh viện đã tổ chức hội chẩn với Trung tâm hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Tỉnh Nghệ An, xin ý kiến chỉ đạo và hướng xử trí.

Đến 06 giờ 30 phút ngày 10/5, sức khỏe 57 trẻ đã ổn định, hiện tại đã được xuất viện về nhà.

Theo báo cáo nhanh của Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Nghệ An, tất cả các trường hợp trẻ nghi bị ngộ độc thực phẩm tại huyện Đô lương đều ăn món sữa chua do nhà trường tự ủ vào bữa ăn giữa chiều ngày 9/5.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về việc trẻ Trường Mầm non xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương phải nhập viện cấp cứu vì nghi ngộ độc thực phẩm, Chi cục đã có mặt tại huyện Đô Lương để phối hợp với địa phương tiến hành điều tra nguyên nhân gây ngộ độc.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An đã tiến hành lấy 05 mẫu (Gồm 01 mẫu sữa chua (mẫu thực phẩm) và 04 mẫu bệnh phẩm) gửi Viện kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm xác định nguyên nhân. Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, Bác sĩ CKII Phạm Ngọc Quy, Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Nghệ An đề nghị các huyện, thành thị tăng cường đảm bảo công tác an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục có bếp ăn bán trú trên địa bàn; Đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền đến tất cả các thôn, xóm và đến tận người dân, người lao động về việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn.

Giám sát các yếu tố nguy cơ ngộ độc để phát hiện sớm và triển khai kịp thời các biện pháp dự phòng ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng; Chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8).

 

Thêm 3 bệnh nhân Covid-19  tử vong

Chiều 10-5, theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 2.507 ca mắc Covid-19 (tăng 385 ca so với ngày trước đó). Ngoài ra, hiện có 132 bệnh nhân đang thở ô xy. Đáng lưu ý, có thêm 3 bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong tại Điện Biên (2 ca) và Nam Định (1 ca).

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.582.567 ca nhiễm, đứng thứ 13/231quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.051 ca nhiễm). Về tình hình điều trị, có thêm 657 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 10.629.335 ca. Ngoài ra, hiện có 132 bệnh nhân đang thở ô xy.

Về số bệnh nhân tử vong, có thêm 3 ca tử vong do Covid-19, trong đó có 2 ca tại Điện Biên và 1 ca tại Nam Định.

Về tình hình tiêm chủng, theo Bộ Y tế, đến nay, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 266.296.051 liều, trong đó tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.657.701 liều; tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.965.543 liều và tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.672.807 liều (Hà Nội mới, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang