Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 11/6/2016

  • |
T5g.org.vn - Hội nghị cấp cao LHQ về phòng, chống HIV/AIDS; Trao giải cuộc thi sáng tác tranh cổ động về BHXH, BHYT; Công ty cổ phần dược phẩm Euvipharm sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc làm thuốc...

Hội nghị cấp cao LHQ về phòng, chống HIV/AIDS

Từ ngày 8 đến 10-6, Hội nghị cấp cao LHQ về phòng, chống HIV/AIDS diễn ra tại trụ sở LHQ ở Niu Oóc (Mỹ), với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao các nước thành viên LHQ, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, Tổng Thư ký LHQ, Giám đốc điều hành Chương trình phối hợp chung của LHQ về HIV/AIDS, cùng đông đảo đại diện các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ. Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn đầu dự hội nghị.

Trong bối cảnh thế giới hiện có gần 37 triệu người nhiễm HIV và mỗi năm có thêm khoảng hai triệu người nhiễm HIV, hội nghị lần này được tổ chức nhằm thúc đẩy cam kết chính trị và các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030. Hội nghị thông qua Tuyên bố chính trị khẳng định quyết tâm và cam kết của cộng đồng quốc tế đẩy nhanh nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS, đề ra mục tiêu cụ thể tới năm 2020, đáng chú ý là cam kết thực hiện Mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng HIV của mình; 90% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng vi-rút HIV (ARV) và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp).

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, công tác phòng, chống HIV/AIDS là một trong những ưu tiên cao nhất của Chính phủ Việt Nam; nhờ nỗ lực chung, đến nay dịch HIV/AIDS ở Việt Nam từng bước được kiểm soát. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam là nước châu Á - Thái Bình Dương đầu tiên hưởng ứng thực hiện Mục tiêu 90-90-90 của LHQ; cam kết mạnh mẽ chung tay cùng cộng đồng quốc tế phòng, chống HIV và loại bỏ AIDS. Tại hội nghị, một phụ nữ Việt Nam nhiễm HIV đã lên bục phát biểu cùng Phó Thủ tướng, nói lên tiếng nói của những người đang sống chung HIV, kêu gọi cộng đồng quốc tế không quên những người nhiễm HIV/AIDS.

* Bên lề hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có các cuộc tiếp xúc Giám đốc điều hành Chương trình phối hợp chung của LHQ về HIV/AIDS; Giám đốc điều hành Quỹ toàn cầu về phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét; Đại sứ, Điều phối viên toàn cầu về AIDS của Mỹ kiêm Giám đốc Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Mỹ về phòng, chống HIV (PEPFAR) và Giám đốc chấp hành UNICEF. Các đối tác quốc tế đánh giá cao những nỗ lực và hoan nghênh những kết quả mà Việt Nam đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; khẳng định tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam nhằm đạt Mục tiêu 90-90-90, hướng tới kết thúc đại dịch AIDS.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng làm việc với Trung tâm dự phòng và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và trung tâm trong thời gian tới. (* Nhân dân (trang 1)

 

Trao giải cuộc thi sáng tác tranh cổ động về BHXH, BHYT

Ngày 10/6, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam và Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) đã tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi “Sáng tác tranh cổ động tuyên truyền về BHXH, BHYT”.

Dự Lễ trao giải có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Thị Thu Hà cùng đại diện lãnh đạo các Vụ, Ban, đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và các họa sĩ đoạt giải…

Theo đánh giá của BTC, sau gần 3 tháng diễn ra (phát động từ ngày 12/1/2016), cuộc thi đã thu hút sự tham gia của đông đảo họa sĩ trên mọi miền tổ quốc. Các tác phẩm dự thi đã thể hiện rõ chủ đề, đa dạng về hình thức thể hiện, phong phú về chất liệu, phản ánh rõ sự tìm tòi sáng tạo phong cách mỹ thuật mới trong sáng tác tranh cổ động.

Nội dung các tác phẩm đã phản ánh được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thể hiện rõ bản chất tốt đẹp, nhân văn, nhân đạo của chính sách BHXH, BHYT. Các mảng đề tài về việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho các đối tượng đã được các tác giả thể hiện đậm nét trong các tác phẩm dự thi.

Trong 401 tranh gửi về dự thi, Ban Giám khảo đã lựa chọn được 32 tranh xuất sắc lọt vào vòng chung khảo. Từ đó chọn ra 12 tranh có chất lượng tốt để trao giải.

Tại Lễ Tổng kết, BTC đã trao 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích (không có giải đặc biệt) cho các tác phẩm đoạt giải. Trong đó, 2 tác phẩm đoạt giải Nhất là: “Tham gia BHXH, BHYT là chỗ dựa vững chắc cho tuổi già”- tác giả Minh Thi; “BHXH- Người bạn tin cậy của NLĐ”- tác giả Lê Anh. (* Nhân dân (trang 3))

 

Đình chỉ công tác Trưởng trạm y tế xã Kim Thành (Yên Thành, Nghệ An)

Trung tâm y tế huyện Yên Thành, Nghệ An vừa có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với bà Hoàng Thị Đường, Trưởng trạm y tế xã Kim Thành, huyện Yên Thành do liên quan đến việc khám và điều trị khiến bệnh nhân tử vong vào ngày 4-6.

Trước đó, vào khoảng 8 giờ 40 phút ngày 4-6, ông Nguyễn Văn Sơn (SN 1962) chở vợ là Trần Thị Huệ (SN 1971, trú tại xóm Đồng Bản, xã Kim Thành) đến trạm y tế xã Kim Thành. Người nhà cho biết, ông Sơn bị mệt trong quá trình làm việc ngoài ruộng dưới trời nắng nóng nên nhờ bà Đường truyền dịch. Sau khi kiểm tra nhiệt độ cơ thể cho ông Sơn, bà Đường đã truyền cho bệnh nhân một chai nước Natrichorid chín phần nghìn.

Khi truyền được khoảng 1/3 chai thì ông Sơn bảo bà Đường tiêm cefotaxim. Lúc này tại trạm y tế xã không có loại thuốc trên, nhưng bà Đường nhớ rằng ở nhà riêng của mình có nên đã về lấy rồi trở lại trạm tiêm cho ông Sơn. Sau khi tiêm loại thuốc kháng sinh trên được khoảng ba phút, ông Sơn thấy khó thở. Lúc này bà Đường bảo không sao rồi rút kim ra đồng thời tiến hành cấp cứu tại chỗ. Tuy nhiên diễn biến của bệnh nhân ngày một xấu đi. Khi được chuyển đến Bệnh viện đa khoa huyện Yên Thành cấp cứu ông Sơn đã trong tình trạng chết lâm sàng nên dù được cấp cứu tích cực nhưng ông Sơn vẫn không thể qua khỏi. Loại thuốc kháng sinh mà Trưởng trạm sử dụng để điều trị cho bệnh nhân là thuốc kháng sinh cefotaxim đã được Bộ Y tế cấm dùng ở tuyến cấp xã. Trong bản tường trình bà Đường cũng thừa nhận sai sót khi điều trị theo yêu cầu của bệnh nhân.

Sau khi sự việc xảy ra, bà Đường cũng đã đến gia đình ông Sơn thăm hỏi động viên, bước đầu bà Đường đã chi trả toàn bộ số tiền mai táng phí đồng thời hỗ trợ tiền ăn học cho con của ông Sơn cho đến khi cháu học xong. Tại đây bà Đường cũng đã thừa nhận sai sót với gia đình nạn nhân. (* Nhân dân (trang 5))

 

Công ty cổ phần dược phẩm Euvipharm sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc làm thuốc

TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược đã ký Quyết định số 242/QĐ-QLD ngày 9-6-2016 về việc tạm đình chỉ hoạt động sản xuất thuốc đối với Công ty cổ phần dược phẩm Euvipharm (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) vì những vi phạm liên quan tới sản xuất thuốc. Thời gian bị tạm đình chỉ là 3 tháng kể từ ngày ký ban hành quyết định.

Lý do bị tạm đình chỉ hoạt động là Công ty cổ phần dược phẩm Euvipharm đã sử dụng nguyên liệu làm thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ để sản xuất thuốc; Kiểm nghiệm nguyên liệu làm thuốc không đúng theo tiêu chuẩn đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều đáng nói, mặc dù đã biết rõ nguyên liệu không rõ nguồn gốc sau khi đã thẩm tra từ các nhà cung cấp ở nước ngoài nhưng Công ty cổ phần dược phẩm Euvipharm vẫn dùng nguyên liệu này để sản xuất thuốc thành phẩm và bán ra thị trường.

Trao đổi với PV báo SGGP, TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, cho biết đã yêu cầu Công ty cổ phần dược phẩm Euvipharm nghiêm túc khắc phục các vi phạm, chấn chỉnh và nghiêm túc rút kinh nghiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc. Trong trường hợp công ty không khắc phục đúng yêu cầu sẽ gia hạn thời gian đình chỉ tiếp. Đồng thời sẽ nghiêm túc xem xét số đăng ký thuốc đã cấp cho các sản phẩm thuốc sản xuất bằng nguyên liệu không rõ ràng.

Công ty Cổ phần dược phẩm Euvipharm được thành lập năm 2005. Nhà máy đã được đầu tư gần 20 triệu USD với đầy đủ các dây duyền trên diện tích hơn 3ha được đưa vào hoạt động tháng 7-2009. Ngay khi hoàn thành, nhà máy được Cục Quản lý dược thẩm định đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc (GLP) và Thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP). Tuy nhiên, tháng 7-2013, Công ty Cổ phần dược phẩm Euvipharm đã nhượng phần lớn cổ phần  cho Tập đoàn Dược phẩm Quốc tế Valeant (Canada). Hiện đại diện của Tập đoàn Dược phẩm Quốc tế Valeant nắm quyền điều hành hoạt động.  (* Sài Gòn giải phóng, Nhân dân (trang 5))

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới trang 7: “Tạm đình chỉ công ty dược sử dụng nguyên liệu sản xuất thuốc không rõ nguồn gốc”

 

Chiến sỹ trẻ 27 lần hiến máu

Thiếu úy Phạm Văn Chung (SN 1988) là một trong những gương sáng điển hình trong hoạt động hiến máu tình nguyện mới được nhận bằng khen của Bộ Công an. Anh Chung đã 27 lần hiến máu và tích cực trong các hoạt động vận động, tuyên truyền hiến máu.

Một năm hiến máu 5 lần

Anh Phạm Văn Chung hiện là cán bộ Phòng Công tác chính trị, Cục Tham mưu, Tổng cục Chính trị CAND. Trong chương trình hiến máu, Chủ Nhật Đỏ, gặp anh rắn rỏi trong bộ cảnh phục màu cỏ úa và nụ cười tươi rói. Lúc thấy anh đang nằm trên ghế cho máu, lúc lại thấy vận động, hướng dẫn đồng đội tham gia các hoạt động, hiến máu.

Mới đây, gặp Chung trong chương trình tuyên dương điển hình hiến máu của Tổng cục Chính trị CAND, anh chia sẻ đang ấp ủ vận động vợ tương lai cùng hiến máu tại Chủ nhật Đỏ 2016 và chụp ảnh kỷ niệm lồng vào album cưới.

“Trước tình cảnh éo le và bản thân muốn giúp lại không phù hợp nhóm máu khiến tôi luôn nghĩ, có cơ hội sẽ hiến máu liên tục để cứu một ai đó, nhất là khi nghĩ tới hình ảnh của các bác sỹ và tình nguyện viên hiến máu cứu người”.

Phạm Văn Chung

Anh Phạm Văn Chung bắt đầu hiến máu từ đầu năm 2011. “Năm hiến máu nhiều nhất 5 lần, trong đó có ca cấp cứu”, anh Chung cho biết. Chung kể, thời gian công tác ở Điện Biên, tình cờ chứng kiến ca cứu một bệnh nhi bị tai nạn và cần phải truyền máu gấp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, do thiếu nhóm máu cần truyền cho bệnh nhi này, các bác sỹ đã trực tiếp cho máu và nhiều tình nguyện viên Cao đẳng Y Điện Biên sẵn sàng cho máu. 

“Trước tình cảnh éo le và bản thân muốn giúp lại không phù hợp nhóm máu khiến tôi luôn nghĩ, có cơ hội sẽ hiến máu liên tục để cứu một ai đó, nhất là khi nghĩ tới hình ảnh các bác sỹ và tình nguyện viên hiến máu cứu người”, anh Chung kể.

Với anh Chung, hiến máu không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn sẻ chia khó khăn và tiếp nguồn sống cho người bệnh, đồng đội bị thương trong những lần trấn áp tội phạm nguy hiểm. Tham gia Hội Thanh niên Vận động hiến máu của Viện Huyết học Truyền máu T.Ư, anh Chung gặp không ít gia đình có hoàn cảnh éo le. Trong đó, có một gia đình quê Thanh Hóa bán nước chè ở cổng Viện lấy tiền nuôi hai con bệnh thiếu máu.

“Cậu con trai lớn của đình này 20 tuổi nhưng bé choắt như đứa bé 10 tuổi; còn cậu em 16 tuổi thì nhỏ quá mức. Hai anh em bưng nước cho khách mà trên tay vẫn còn băng ống chờ truyền máu khiến ai cũng cảm thương”. Anh Chung cũng cho hay, sau khi chứng kiến hoàn cảnh của gia đình này, đã kết nối với Hội Đại Bi Tâm (Bát Tràng, Gia Lâm) thăm hỏi, động viên, tặng quà. Để có thể cho máu mà vẫn đảm bảo sức khỏe và nhiệm vụ công tác tại đơn vị, anh Chung luôn ý thức việc rèn luyện.

Tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện 

Phạm Văn Chung không chỉ hiến máu nhiều mà còn tích cực tham gia các hoạt động vận động tuyên truyền và tổ chức hiến máu. Từ năm 2015, anh làm Trưởng điều phối viên Hội Thanh niên vận động hiến máu nhân đạo Hà Nội trực tiếp tại Viện Huyết học Truyền máu T.Ư. Công việc chính của anh là điều phối tình nguyện viên và trực tiếp tuyên truyền công tác hiến máu nhân đạo trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ngoài ra, trong các chương trình hiến máu, anh Chung còn hỗ trợ, trực tiếp phát tờ rơi, nói chuyện, giải thích một số câu hỏi của tình nguyện viên, nhất là tư vấn những người lần đầu hiến máu, giúp họ vững tâm lý.

Năng nổ với phong trào hiến máu, anh Chung còn được biết đến khi tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện của Đoàn Thanh niên Tổng cục Chính trị CAND. Anh đã kết nối thành công và tham gia hoạt động từ thiện tại huyện Nậm Nhùn và Phong Thổ (Lai Châu); tặng sách vở, báo, đồ dùng học tập cho các em học sinh địa bàn huyện Đồng Văn (Hà Giang); phát cơm từ thiện cùng nhóm tình nguyện Đại Bi Tâm (Bát Tràng) tại Bệnh viện K...

Đặc biệt, cuối năm 2015, anh Chung còn khởi xướng và thực hiện chương trình phát cháo miễn phí tại Viện Huyết học Truyền máu T.Ư. anh Chung cho biết: “Chương trình phát 200 suất cháo miễn phí/lần/tháng tại Khoa Nhi, Viện Huyết học Truyền máu T.Ư”. Để đảm bảo chương trình diễn ra đảm bảo an toàn, hiệu quả, Đoàn Thanh niên Tổng cục Tham mưu tổ chức và Khoa Dinh dưỡng của Viện Huyết học Truyền máu T.Ư nấu. (*Tiền phong (trang 7))

 

Về bệnh viện 3 khoa nhập một

Được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất cùng trang thiết bị y tế hiện đại, thế nhưng, Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang (Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang - Đà Nẵng) đang thiếu nhân lực trầm trọng dù rằng lãnh đạo bệnh viện này đã làm đủ mọi cách để thu hút bác sĩ. Nhiều bệnh viện tuyến quận huyện khác của Đà Nẵng cũng đang trong hoàn cảnh tương tự.

Đa khoa = 3 khoa làm một

Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang được đầu tư xây dựng từ năm 2013 với quy mô 150 giường, 8 khoa khám chữa bệnh. Tháng 5/2016, dãy nhà 5 tầng (thuộc giai đoạn 2) được khánh thành và đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, với đầy đủ trang thiết bị cùng 4 phòng mổ hiện đại.

Với quy mô và trang thiết bị, bệnh viện huyện Hòa Vang được xem là bệnh viện tuyến quận huyện quy mô của Đà Nẵng. Thế nhưng, vì thiếu bác sĩ nên đến nay bệnh viện này không phát huy hết công năng khám chữa bệnh và phục vụ người dân.

Y sĩ Trần Thị Hà, Trưởng phòng tổ chức - hành chính Bệnh viện Hòa Vang cho biết: hiện tại bệnh viện có 31 bác sĩ trong tổng số 237 cán bộ. Trong đó 8 bác sĩ ở tuyến xã, 4 bác sĩ là lãnh đạo, số còn lại đảm nhận khám chữa bệnh 5 khoang và 3 phòng chức năng, với khoảng 600 lượt bệnh nhân/ngày. Từ nay đến năm 2020 bệnh viện đang thiếu 35 bác sĩ. Bệnh viện làm mọi cách để thu hút, mời gọi bác sĩ nhưng 5 năm qua chỉ có 5 bác sĩ về bệnh viện công tác, trong đó có 2 bác sĩ về theo diện thu hút, 3 người còn lại xin về vì lý do gia đình.

“Chúng tôi đã làm mọi cách nhưng xem ra mọi việc không như mong đợi. Nhiều trang thiết bị hiện đại thừa sức xử lý những ca bệnh thông thường nhưng phải đưa xuống Đà Nẵng”, bà Hà cho biết.

BS Trần Sỹ, Phó giám đốc bệnh viện thông tin: Vì thiếu bác sĩ nên 4 phòng mổ hiện đại không phát huy hết công năng. Nhiều ca bệnh có thể mổ tại bệnh viện, nhưng không có người nên phải chuyển xuống Đà Nẵng. Việc thiếu bác sĩ đã ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân 11 xã thị trấn của huyện. Trong đó, các khoa như cấp cứu, ngoại, sản, nhi đang thiếu bác sĩ trầm trọng.

Cũng vì thiếu bác sĩ nên bệnh viện phải gộp 3 khoa  Nội - Nhi - Đông y làm một. Vì thiếu bác sĩ nên tình trạng một bác sĩ đảm trách và luân phiên nhiều bệnh nhân ở các khoa khác nhau. BS Huỳnh Ngọc Linh (26 tuổi) làm việc tại khoa này tâm tư: Thiếu người nên có những ngày cao điểm một bác sĩ có lúc đảm trách hơn 50 bệnh nhân nằm ở các khoa khác nhau. Vì không đủ số lượng bác sĩ nên hàng tuần anh em phải trực liên tục, lắm bữa chạy toát mồ hôi vẫn không khám kịp.

“Việc cùng một lúc phải đảm đương nhiều bệnh nhân và khám bệnh tại các khoa khác nhau ngoài việc ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh còn ảnh hưởng đến chuyên môn, khả năng nâng cao tay nghề của bác sĩ”, BS Linh nói.

Để chữa cháy, những năm qua, bệnh viện này phải hợp đồng với người ngoài. Tại khu vực chẩn đoán hình ảnh với hệ thống máy được đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng không có bác sĩ chẩn đoán, đọc phim nên bệnh viện đang phải hợp đồng với người bên ngoài. Trong khi đó, tại khoa Sản cũng phải hợp đồng với bác sĩ khác, cả hai bác sĩ này đều lớn tuổi và đã nghỉ hưu.

Tìm mọi cách để thu hút  bác sĩ 

BS Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc bệnh viện, trước công tác tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, được Sở điều động lên làm lãnh đạo bệnh viện mấy năm nay. Quãng đường từ nhà đến bệnh viện sáng đi chiều về, hơn 30km, xe cộ đông đúc, nguy hiểm, BS Vĩnh tâm sự: Phải tâm huyết và yêu nghề mới bám trụ được. Ngày đầu lên đây nhận nhiệm vụ cũng thấy nản, nhưng rồi cơ sở vật chất được đầu tư, tương lai của bệnh viện được mở ra thấy có động lực. Nhưng, theo BS Vĩnh đau đầu nhất vẫn là chuyện nhân lực, bác sĩ chuyên môn, đào tạo bài bản để làm chủ trang thiết bị.

Lý giải về nguyên nhân thiếu nhân lực, BS Vĩnh cho biết: Dù bệnh viện nỗ lực rất nhiều trong việc quảng bá, thu hút nhân lực có trình độ, chuyên môn về công tác tại bệnh viện, nhưng thực tế, hiện nay tuyến bệnh viện huyện không thể cạnh tranh nổi với các bệnh viện tư về đãi ngộ và thu nhập. Ngoài ra, chính sách thu hút nhân lực theo đề án của thành phố chưa đủ mạnh, trong khi chính sách thu hút của huyện không có. Thu nhập không đảm bảo cuộc sống gia đình thì không thể kéo họ về để họ gắn bó lâu dài được.

BS Vĩnh đưa ra ví dụ: Một sinh viên ra trường loại giỏi, nếu về bệnh viện huyện công tác lương theo bằng cấp, ngạch 2,34 thì khoảng 3 triệu đồng/tháng. Trong khi các bệnh viện tư nhân ở thành phố lớn thu nhập gấp 3 - 4 lần. Do đó, việc các bác sĩ và sinh viên mới ra trường không chọn tuyến huyện là điều dễ hiểu. Ngoài ra, do bệnh viện nằm xa trung tâm thành phố, đường sá đi lại nguy hiểm nên nhiều người cũng ngại về, dù rất tâm đắc. Thậm chí có người đã nộp hồ sơ, ban giám đốc phê duyệt hợp đồng nhưng sau đó rút lui vào phút chót.

Trong thời gian qua, Trung tâm y tế huyện Hòa Vang cố gắng triển khai một số chính sách thu hút nhân lực, từ nguồn tiết kiệm chi của trung tâm theo kết quả học tập hỗ trợ từ 5 - 15 triệu đồng/người về bệnh viện công tác nhưng vẫn chẳng mấy ai mặn mà. “Với kinh phí hạn hẹp của bệnh viện, đây là một nỗ lực hết mình”, BS Vĩnh chia sẻ.

Mới đây theo đề án thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố bệnh viện được phân bổ 6 suất. Lãnh đạo bệnh viện trực tiếp ra Đại học Y dược Huế để kêu gọi 6 sinh viên năm cuối đã đăng ký với thành phố để mời gọi với những ưu ái có phần “chiều chuộng”. 

“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên UBND thành phố, UBND huyện Hòa Vang, có chính sách đặc thù để bệnh viện thu hút nhân lực thế nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt”, BS Vĩnh cho biết. (*Tiền phong (trang 9))

 

Phát hiện chất cực độc trong 30 tấn cá nục đông lạnh

Cơ quan chức năng phát hiện mẫu cá nục trong lô thu mua ngay thời điểm cá chết ở vùng biển miền Trung có chứa chất Phenol với hàm lượng 0,037mg/kg, đây là chất cực độc, tuyệt đối cấm, không được sử dụng trong thực phẩm.

Chiều 10/6, Sở Y tế Quảng Trị đã có báo cáo với UBND tỉnh Quảng Trị về lô cá đông lạnh thu được tại kho của bà T (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh).

Trước đó, ngày 7/6, cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện trong kho đông lạnh của bà T có 110 tấn cá gồm, 70 tấn cá nục, 10 tấn cá ngừ, 20 tấn cá trích, cá sòng và 10 tấn cá lộn xộn.

Trong buổi kiểm tra, cơ quan chức năng lấy 6 mẫu cá tại kho đông lạnh này đi kiểm tra. Trong đó, có 3 mẫu cá nục, 1 mẫu cá ngừ, 1 mẫu cá trích và 1 mẫu cá sòng. Riêng cá nục, có 1 mẫu trong lô 20 tấn thu sau thời điểm xảy ra sự cố cá chết trên vùng miền ở miền Trung 10 ngày, 1 mẫu trong lô 20 tấn thu mua trước thời điểm cá chết tại vùng biển miền Trung và mẫu còn lại trong lô 30 tấn thu mua tại thời điểm cá chết ở vùng biển miền Trung.

Theo kết quả kiểm nghiệm, 5 trong số 6 mẫu cá, tất cả các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép. Riêng mẫu cá nục trong lô thu mua ngay thời điểm cá chết ở vùng biển miền Trung có chứa chất Phenol với hàm lượng 0,037mg/kg. Được biết, đây là chất cực độc, tuyệt đối cấm, không được sử dụng trong thực phẩm.

Ông Trần Văn Thành (Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị) cho biết, đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị cho chỉ đạo cho phép tiêu thụ 5 lô cá có các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép. Riêng lô cá nục 30 tấn có chứa chất Phenol đề nghị tiêu hủy.

Ngoài ra, ông Thành chia sẻ thêm, đã chỉ đạo tiếp tục lấy mẫu cá ở các kho đông lạnh trong các kho khác trên địa bàn để kiểm nghiệm. Đối với các lô cá an toàn thì cho tiêu thụ, còn các lô cá không an toàn sẽ bắt buộc tiêu hủy. (*Thanh niên (trang 2))

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ trang 2: “Phát hiện cá nục đông lạnh có chất cực độc”; Báo Sài Gòn Giải phóng trang 1: “Phát hiện chất cực độc trong 30 tấn cá nục đông lạnh”; Báo Phát luật TPHCM trang 2: “Phát hiện 30 tấn cá nục đông lạnh có chất cực độc”; Báo Nông thôn Ngày nay trang 4: “Phát hiện chất độc trong cá nục đông lạnh”

 

Bệnh viện Răng hàm mặt T.Ư (TP.HCM) chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới

Từ ngày 6 - 10.6, đoàn công tác của Bệnh viện (BV) Răng hàm mặt T.Ư (TP.HCM) do bác sĩ Lê Trung Chánh, Giám đốc BV làm trưởng đoàn, đã làm việc, chuyển giao chuyên môn cho các bác sĩ, đơn vị y tế miền Trung.

Các địa phương miền Trung được chuyển giao chuyên môn gồm: Gia Lai, Quảng Ngãi, Quảng Nam và TP.Đà Nẵng.

Theo bác sĩ Lê Trung Chánh, trong chuyến công tác này, BV đã trao tặng ghế máy nha khoa và các trang thiết bị, vật liệu nha khoa cho Trung tâm y tế H.Hiệp Đức (Quảng Nam - ảnh); ký kết chuyển giao kỹ thuật và đào tạo liên tục cho các cán bộ y tế H.Hiệp Đức và BV đa khoa tỉnh Gia Lai, giúp nâng cao kiến thức kỹ năng chuyên ngành răng hàm mặt cho tuyến dưới, góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe răng miệng cho người dân.

Bác sĩ Lê Trung Chánh cho biết thêm, chuyến đi này nằm trong hoạt động thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế về công tác chỉ đạo tuyến khám, chữa bệnh và chuyển giao kỹ thuật cho các BV tuyến dưới và cũng là công việc thường kỳ của BV Răng hàm mặt T.Ư (TP.HCM). (*Thanh niên (trang 5))

 

Ăn Tết Đoan ngọ, hơn 60 người ngộ độc

Sau khi ăn Tết Đoan ngọ, hơn 60 người dân tại Vĩnh Linh và Gio Linh tỉnh Quảng Trị đều có triệu chứng ngộ độc thực phẩm, phải nhập viện.

Ngày 10-6, bà Nguyễn Thị Khởi - phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết vừa đến thăm hỏi các trường hợp bị ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh Quảng Trị (đóng tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh).

Mỗi trường hợp được UBND huyện hỗ trợ 200 ngàn đồng.

Theo những bệnh nhân này, họ nhập viện với các triệu chứng nôn ói, đau bụng dữ dội và sốt cao từ ngày 9 đến 10-6.

Một gia đình có đến 8 người cùng nhập viện. Hiện còn 27 người đang điều trị tại đây. Các bác sĩ cho biết đã có nhiều bệnh nhân ra viện sau khi điều trị.

Những bệnh nhân này cho biết đều có ăn bánh ướt mua tại chợ Do (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Linh) về ăn Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5). Sau đó xuất hiện các triệu chứng như trên và phải nhập viện. (*Tuổi trẻ (trang 3))

 

Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi - Gây khó trong điều trị bệnh ở người

Kháng sinh đang bị lạm dụng tràn lan trong chăn nuôi. Những tồn dư kháng sinh trong thịt, cá, tôm mà con người sử dụng lâu ngày tích tụ và đến khi con người bệnh thì khả năng đáp ứng thuốc điều trị thấp hoặc bị kháng hoàn toàn. Hơn nữa, kháng sinh cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Tràn lan sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi

Tại hội thảo “Vấn đề ATVSTP từ việc lạm dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp” do Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức, Giáo sư Đậu Ngọc Hào, Hội Thú y Việt Nam, cho biết trên thế giới không nước nào bán kháng sinh tự do như ở Việt Nam. Trong năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai dự án điều tra tình hình sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi tại 5 tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Thái Bình và Nam Định. Kết quả triển khai cho thấy 100% cơ sở chăn nuôi có sử dụng kháng sinh trong phòng và điều trị bệnh cho heo; 68% cơ sở có sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng; 24,4% cơ sở tự trộn kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng, trong đó 1,23% số hộ trộn bằng kháng sinh dạng nguyên liệu.

Không chỉ trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, tình hình này cũng tương tự đối với thủy sản, khi nhiều loại kháng sinh bị cấm hoặc hạn chế sử dụng được phát hiện lạm dụng tại công đoạn nuôi trồng thủy sản đối với cá nuôi (cá tra, cá rô phi, cá lóc), tôm nuôi (tôm sú, tôm thẻ chân trắng)… Trong đó, kháng sinh cấm Chloramphenicol (CAP) bị phát hiện lạm dụng trong cả nuôi trồng lẫn bảo quản khi lưu thông trên thị trường đối với thủy sản nuôi (tôm, cá), hải sản (cua, mực, bạch tuộc, ghẹ) và thủy sản khô các loại trên phạm vi cả nước.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Kim Vân, Hội Khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật (BVTV) Việt Nam, hầu hết thuốc BVTV sử dụng ở Việt Nam đều phải nhập khẩu. Từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu trên 70.000 tấn thành phẩm/năm, với giá trị từ 210 _ 774 triệu USD. Trên 90% thuốc BVTV được nhập khẩu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, chưa kể một lượng lớn thuốc BVTV nhập lậu qua đường biên không kiểm soát được.

Các chuyên gia nông học nhìn nhận, nhiều chủ chăn nuôi chưa đợi heo, cá đào thải hết kháng sinh đã xuất bán, khiến tồn dư kháng sinh trong thực phẩm rất lớn. Từ đó, người dân ăn thực phẩm mỗi ngày cũng là “ăn” cả kháng sinh, lâu dần cũng dẫn đến đề kháng thuốc mà không hiểu tại sao! Theo các chuyên gia y tế, trong chăn nuôi, để hạn chế rủi ro với các nguy cơ dịch bệnh, người dân có thói quen dùng nhiều loại kháng sinh, thuốc kích thích, bao gồm cả các hoạt chất và thuốc thú y ngoài danh mục lưu hành nhằm kích thích tăng trưởng và điều trị cho vật nuôi.

Nguy hại cho sức khỏe

Tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang trở thành vấn đề quan ngại hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trong đó, Việt Nam được xếp vào một trong những nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất. Không chỉ lao, sốt rét, viêm phổi mà các thuốc dự phòng HIV/AIDS, các loại thuốc kháng sinh thế hệ mới cũng đang bị kháng. Nguyên nhân không chỉ do thói quen sử dụng thuốc bừa bãi của người dân, của bác sĩ điều trị, mà ngay cả trong thực phẩm người dân ăn mỗi ngày cũng có nhiều kháng sinh tồn dư trong thịt, cá, tôm, cua….

Theo TS Nguyễn Quốc Bình, Trưởng khoa Dược - Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, người dân vẫn có thói quen mua thuốc kháng sinh không cần kê toa (trong khi quy định bắt buộc phải có toa bác sĩ) dẫn đến sử dụng không đúng. Kết quả khảo sát của Bộ Y tế về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp. Phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn (88% ở thành thị và 91% ở nông thôn); người dân thường yêu cầu được bán kháng sinh mà không có đơn, chiếm 49% (thành thị) và 28,2% (nông thôn).

Theo các chuyên gia y tế, ngay cả trong điều trị, có những loại kháng sinh thế hệ mới vừa đưa vào sử dụng tại Việt Nam chưa được 10 năm nhưng cũng bị kháng. Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nhiều loại vi khuẩn, trực khuẩn đã đề kháng với kháng sinh thế hệ thứ 3, thứ 4 lên tới 50% - 60%, như Klebsiella spp, Pseudomonas spp, Acinetobacter spp… Theo số liệu báo cáo của 15 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện đa khoa tỉnh ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TPHCM về sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh, 30% - 70% vi khuẩn gram âm đã kháng với Cephalosporin thế hệ 3 và 4; 40% - 60% kháng với Aminoglycosid và Fluoroquinolon…

“Thực trạng kháng thuốc ngày càng trầm trọng này khiến hiệu quả điều trị thấp, kéo dài ngày nằm viện, tăng chi phí điều trị”, PGS- TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, lo lắng. Ông kiến nghị các cơ quan chức năng cần sớm có chế tài nghiêm khắc đối với các cơ sở chăn nuôi lạm dụng kháng sinh, xử lý các nhà thuốc bán kháng sinh mà không có đơn. Trong điều trị, PGS Khuê đề nghị các bệnh viện phải tuân thủ làm kháng sinh đồ, thường xuyên bình đơn thuốc để xử lý những bác sĩ sử dụng kháng sinh bừa bãi. (*Sài Gòn giải phóng (trang 3))

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang