Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 11/7/2017

  • |
T5g.org.vn - Khan hiếm máu dự trữ trên toàn quốc; Kết nối dòng máu Việt; Ngăn ngừa sai sót trong bệnh viện: Bắt đầu từ đâu?; Tạm đình chỉ kíp trực thuộc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội; ...

 

Khan hiếm máu dự trữ trên toàn quốc

Tại buổi họp báo phát động “Hành trình đỏ” diễn ra ngày 10-7, GS.TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương lo ngại trước tình trạng thiếu máu đang diễn ra tại ngân hàng máu của cả nước, nhất là vào dịp hè.

Theo chu kỳ của năm, cứ vào các tháng 7, 8, 9 và dịp cận Tết là lượng máu lại vô cùng khan hiếm. Nguyên nhân vì thời gian này là dịp học sinh, sinh viên chuẩn bị thi cử và thời gian nghỉ hè nên tỉ lệ học sinh, sinh viên hiến máu giảm rõ rệt.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày Viện Huyết học truyền máu Trung ương cần 1.500-1.800 đơn vị máu phục vụ nhu cầu cấp cứu và điều trị tại hơn 170 bệnh viện phía Bắc. Để bảo đảm nhu cầu này, các đợt tiếp nhận máu được tổ chức liên tục khoảng 5-8 điểm mỗi ngày. Tuy nhiên, từ giữa tháng 6 tới nay, GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết, mỗi ngày chỉ tổ chức được 3-5 điểm. Số lượng máu tiếp nhận giảm đáng kể, chỉ khoảng 300-800 đơn vị, đáp ứng dưới 50% nhu cầu điều trị. Hiện lượng máu dự trữ tại Viện còn gần 7.000 đơn vị, đủ đáp ứng nhu cầu trong 5 ngày tới trước khi ngừng cung cấp máu cho các bệnh viện.

GS.TS Nguyễn Anh Trí lo ngại, ngân hàng máu cạn kiệt, đặc biệt là thiếu nhóm máu A những ngày vừa qua đã ảnh hưởng nhiều tới công tác điều trị, khám chữa bệnh cho bệnh nhân tại các bệnh viện. Đặc biệt, máu là nguồn sống của những bệnh nhân thiếu máu huyết tán bẩm sinh. Nếu không được truyền máu thì người bệnh sẽ khó qua khỏi. Tại cuộc họp báo, GS.TS Nguyễn Anh Trí đã phát động chương trình “Hành trình Đỏ” với thông điệp “Kết nối dòng máu Việt” do Viện Huyết học truyền máu Trung ương phối hợp với các đơn vị tổ chức từ ngày 1 đến 31-7 tại 28 tỉnh, thành phố. Chương trình dự kiến tiếp nhận được khoảng 45.000 đơn vị máu (An ninh Thủ đô, trang 2; Công an Nhân dân, trang 1).

 

Kết nối dòng máu Việt

Ngày 10/7, tại buổi họp báo giới thiệu Hành trình Đỏ 2017, GS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư cho biết, tình trạng thiếu máu điều trị, cấp cứu hè năm nay tăng hơn nên nguồn máu càng thiếu trầm trọng. Tại Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư mỗi ngày cần 1.500-1.800 đơn vị máu phục vụ nhu cầu cấp cứu, điều trị tại hơn 170 bệnh viện phía Bắc. Để đảm bảo nhu cầu này, các đợt tiếp nhận máu được tổ chức liên tục khoảng 5-8 điểm mỗi ngày.

Tuy nhiên, từ giữa tháng 6 tới nay, mỗi ngày chỉ tổ chức được 3-5 điểm. Số lượng máu tiếp nhận giảm đáng kể với khoảng 300-800 đơn vị, đáp ứng dưới 50% nhu cầu điều trị. GS Trí cho hay, có thời điểm, kho máu chỉ còn khoảng 7.000 đơn vị, đủ cung cấp cho các bệnh viện trong vòng 5 ngày.

Nguyên nhân của tình trạng này, do lực lượng hiến máu chủ đạo là học sinh, sinh viên tại các thành phố lớn nghỉ hè về quê; nhu cầu điều trị, mổ phiên cũng tăng cao hơn trong ngày hè. Hơn nữa, việc hiến máu tại Việt Nam vẫn theo phong trào, chưa thực sự bền vững như các nước, nên hay xảy ra tình trạng thiếu máu.

Hành trình Đỏ 2017 với thông điệp “Kết nối dòng máu Việt” tổ chức từ ngày 1 – 31/7 tại 28 tỉnh/thành phố, dự kiến tiếp nhận khoảng 45.000 đơn vị máu.

Hành trình Đỏ năm 2017 nhận được sự quan tâm, vào cuộc tích cực của 28 tỉnh/thành phố, trong đó Hành trình Đỏ cánh phía Nam xuất phát từ Đất Mũi (Cà Mau), đi qua 18 tỉnh/thành phố; Hành trình Đỏ phía Bắc xuất phát từ Phú Thọ, đi qua 9 tỉnh/thành phố vùng Đông Bắc.

Hai đoàn Hành trình Đỏ sẽ hội quân tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 27/7 và tổ chức một chuỗi các sự kiện trong đó có ngày hội hiến máu “Giọt hồng tri ân”. Ngày 1/7, Lễ xuất quân Hành trình Đỏ cánh phía Nam và ngày hội hiến máu Giọt hồng Đất Mũi đã được tổ chức tại Cà Mau, đoàn đã di chuyển qua Kiên Giang, Cần Thơ, Long An, TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu. Đến thời điểm hiện tại, hành trình đã tiếp nhận được hơn 5.600 đơn vị máu.

Sáng cùng ngày, tại Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư đã diễn ra lễ xuất quân đoàn Hành trình Đỏ phía Bắc, đây là đoàn hành trình xuyên Việt nhằm tuyên truyền và vận động hiến máu có quy mô lớn nhất trên thế giới (Tiền phong, trang 7; Sài Gòn giải phóng, trang 2; Tuổi trẻ, trang 14).

 

Ngăn ngừa sai sót trong bệnh viện: Bắt đầu từ đâu?

Dù xảy ra đã hơn một tháng nhưng đến nay, vụ tai biến y khoa nghiêm trọng khiến 8 bệnh nhân chạy thận ở tỉnh Hòa Bình tử vong vẫn là nỗi ám ảnh với cộng đồng. Sự việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo về lỗ hổng, bất cập liên quan đến việc thực hiện các kỹ thuật, thủ thuật, quy trình khám, chữa bệnh. Vấn đề đặt ra là để ngăn ngừa những sai sót thì cần bắt đầu từ đâu?
 "Lỗ hổng" dẫn đến tai biến y khoa

Ngày 29-5, sự kiện đau lòng xảy ra tại Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình), khi hàng loạt bệnh nhân đang lọc máu chu kỳ thì xảy ra hiện tượng bất thường khiến 8 người tử vong, 10 người nguy hiểm đến tính mạng. Một tháng sau, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã vào cuộc điều tra và kết luận ban đầu: Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh - đơn vị ký hợp đồng súc rửa hệ thống lọc nước RO - không tuân thủ đúng quy trình, khiến hàm lượng Florua còn tồn trong hệ thống cao gấp 245-260 lần so với mức cho phép… Dù chưa kiểm định mẫu nước nhưng công ty vẫn bàn giao cho bệnh viện sử dụng. Hàm lượng Florua quá mức an toàn là nguyên nhân gây ra sự cố nghiêm trọng.

Đề cập đến vụ việc này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, cần rút kinh nghiệm ở cả quy trình làm việc của nhân viên y tế và phía đơn vị bảo dưỡng trang thiết bị. Khi bảo dưỡng trang thiết bị, các cơ sở y tế cần phải chọn đơn vị có năng lực và giám sát, kiểm tra hoạt động của các đơn vị này. Nhìn rộng hơn, trong lĩnh vực y khoa, tai biến rất dễ xảy ra khi có sự cố liên quan đến chất lượng trang thiết bị, thuốc..., bởi vậy, các cơ sở y tế không được chủ quan ở bất kỳ khâu nào. “Trong phòng mổ có đường khí CO2 và đường khí oxy. Thế nhưng, từng có cơ sở y tế cho bệnh nhân thở CO2; khi phát hiện ra thì bệnh nhân đã tử vong. Quy trình rõ ràng, các bước kỹ thuật có đủ, nếu thực hiện đúng thì rất ít khi xảy ra tai biến”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến lưu ý.

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cả nước hiện có 1.336 bệnh viện và khoảng 12.000 trạm y tế phường, xã, thị trấn. Để hệ thống y tế hoạt động thường xuyên cần có số lượng lớn máy và thiết bị y tế. Điều này đòi hỏi công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng phải được thực hiện cẩn thận và chuẩn hóa, vì chỉ một sai sót nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng đến cả dây chuyền. Yêu cầu là vậy nhưng thực tế nhiều khi không như mong muốn. Phân tích về công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng trang thiết bị y tế hiện nay, GS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hồi sức - Cấp cứu và Chống độc Việt Nam thẳng thắn nói: "Để giúp các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên làm tốt công việc cần phải có hệ thống trang thiết bị y tế và có đội ngũ bảo dưỡng, bảo trì máy móc thường xuyên. Tôi đã đi nhiều nơi, trực tiếp “cầm tay chỉ việc” tại các tuyến y tế cơ sở, điều nhận thấy là công tác bảo trì, bảo dưỡng thiết bị y tế hiện nay chưa tốt, nguồn nhân lực phục vụ vừa thiếu, vừa yếu". 

Cần có đánh giá độc lập

Nhiều ý kiến cho rằng, 50% số ca tai biến có thể đã không xảy ra nếu việc quản lý chất lượng bệnh viện được thực hiện nghiêm túc, theo hướng chuẩn hóa. Bác sĩ Phan Thị Ngọc Linh, chuyên gia về lĩnh vực quản lý chất lượng bệnh viện phân tích: Quá trình chăm sóc bệnh nhân đòi hỏi sự tham gia của cả dây chuyền, chỉ một người không làm tốt phần việc của mình là người bệnh đã có thể gặp nguy hiểm. Đơn cử, một bác sĩ giỏi đề ra cách điều trị đúng, chỉ định đúng nhưng nếu điều dưỡng tiêm nhầm thuốc thì bệnh nhân vẫn có thể tử vong. Bởi vậy, nếu không có cơ chế quản lý chất lượng bệnh viện theo hướng chuẩn hóa, được thực hiện và giám sát chặt chẽ thì sẽ không gắn kết được các cá nhân trong dây chuyền, dẫn đến “mạnh ai người nấy làm”, để xảy ra tai biến.

Tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện là yêu cầu bắt buộc, góp phần mang lại niềm tin cho người dân sau những vụ tai biến y khoa. Nhưng trên thực tế, các chỉ tiêu để đánh giá công tác của bệnh viện dường như chỉ đề cập tới số giường bệnh điều trị, công tác cải cách thủ tục hành chính… Những sai sót chuyên môn hay tai biến y khoa gần như không xuất hiện trong các báo cáo kiểm tra định kỳ.

Nhìn ra một số nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia…, việc đánh giá chất lượng bệnh viện được giao cho những cơ quan độc lập. Cách đánh giá của những cơ quan này cũng khác, được thực hiện dựa vào việc phỏng vấn nhân viên bệnh viện, bệnh nhân và gia đình bệnh nhân, qua sự quan sát cách thức tổ chức dịch vụ hay việc chăm sóc bệnh nhân, xem xét hồ sơ bệnh án. Bởi thế, kết quả đánh giá bảo đảm chính xác, khách quan, minh bạch...

Để hạn chế tai biến y khoa, việc cần làm là bịt các lỗ hổng xuất hiện trong quy trình. Phương pháp chủ đạo là nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng bệnh viện, thực hiện đánh giá, giám sát, kiểm tra một cách khách quan, minh bạch, "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm" (Hà Nội mới, trang 7). 

 

Tạm đình chỉ kíp trực thuộc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới vào cuối giờ chiều 10-7, bác sĩ Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, khoảng 3h40 ngày 9-7, Trung tâm 115 nhận được cuộc gọi thông báo có người cần cấp cứu ở số nhà 181 (đường Hoàng Quốc Việt, quận Bắc Từ Liêm). Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm đã cử một kíp trực gồm 3 người đến địa chỉ trên. Tuy nhiên, theo phản ánh của gia đình người bệnh, họ không thấy kíp trực này đến. Còn phía kíp trực cấp cứu lý giải, do nhầm địa chỉ nên họ không thể đến đón được bệnh nhân. Theo quy định, khi không nhận được bệnh nhân cấp cứu thì kíp trực phải gọi điện về Trung tâm để xin hướng xử lý. Tuy nhiên, nhóm cấp cứu đã tự ý đi về mà không báo cáo. Vì vậy, ngay chiều 10-7, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đã ra quyết định tạm đình chỉ kíp trực cấp cứu nêu trên, đồng thời chuẩn bị họp Hội đồng kỷ luật để xác định trách nhiệm của những người liên quan. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thành, trung bình một ngày, Trung tâm 115 Hà Nội tiếp nhận từ 400 đến 500 cuộc gọi. Đây là lần đầu tiên để xảy ra sự cố đáng tiếc trên. Trong sự việc này, quan điểm của lãnh đạo trung tâm là không bao che, kiên quyết xử lý nếu phát hiện sai phạm (Hà Nội mới, trang 7).

 

Giò me xứ Nghệ: Quảng cáo thịt bê, bên trong... thịt lợn

100% nguyên liệu “giò me” (được làm từ thịt bò tơ, một số nơi gọi là bê), một trong những đặc sản nổi tiếng của xứ Nghệ, được làm bằng thịt lợn, là kết quả điều tra nhiều cơ sở sản xuất của chúng tôi. Được quảng cáo làm từ 100% thịt me (bê) nguyên chất, nhưng giá rẻ bất ngờ, giá sỉ chỉ từ 120.000 - 150.000đ/kg.

Nhiều người ăn tấm tắc khen ngon, quên rằng, giá thịt bê tươi đã trên 200.000đ/kg, làm sao khi chế biến thành giò, cùng với tỉ lệ hao hụt là nhiều chi phí khác, mà vẫn được bán với giá đó?

Giò me được làm từ thịt… lợn

Được một người từng buôn bán “giò me” (giò - có nơi gọi là chả) đã giải nghệ cho biết loại “đặc sản” này thực chất làm từ thịt lợn và phụ gia, chúng tôi bán tín bán nghi, nên quyết định tìm hiểu thực hư. Trong vai một người có nhu cầu nhập giò bò về bán buôn, chúng tôi được giới thiệu đến một cơ sở sản xuất nổi tiếng tại xã Nghi Phú (TP. Vinh, Nghệ An). Vào sân, đã thấy nhiều bó lá chuối to dùng để gói giò để ngổn ngang.

Chủ cơ sở cho biết: “Giò bò bán vào dịp này không nhiều, chủ yếu làm vào dịp tết, bọn em làm ngày làm đêm”. Hỏi giá, người này nói: Giá 1kg giò bò 120.000đ, dịp tết đắt nhất cũng 140.000đ”. Chúng tôi thắc mắc: “Giò bò sao rẻ vậy, thịt bò rẻ giá cũng đã trên 200.000đ/kg mà?”. Chị thật thà: “Nói là giò bò, nhưng được làm 100% từ thịt lợn. Lớp bì bên ngoài cũng là da lợn xay nhỏ. Thêm hương vị nữa là có mùi thịt bò”.

Chị còn nói thêm, do Nghi Phú có nhiều người làm nghề mổ lợn nên nguồn thịt lợn và da lợn rất sẵn. Thấy chúng tôi tròn mắt ngạc nhiên, chị dẫn xuống nhà xem các ổ giò còn để trong tủ đông, và nói thêm: “Nhiều nơi quảng cáo giò me do mình làm nhưng thực ra đều là giò từ Nghi Phú chuyển lên cả”. Chúng tôi ghi số điện thoại, hẹn chị sẽ làm việc cụ thể về số lượng hàng.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Phú (TP.Vinh) - cho biết, hiện trên địa bàn xã có 15 hộ làm nghề giò chả, trong đó có một số hộ làm lớn. Khi chúng tôi đề cập chuyện “giò bò” làm bằng thịt lợn, ông Toàn tỏ ra ngạc nhiên, và gọi điện cho một hộ làm giò khá lớn trong xã, rồi bật loa ngoài cho chúng tôi cùng nghe.

Ông Toàn hỏi: “Bên anh có làm giò bò không, giá bao nhiêu 1kg”, người kia đáp: “200.000đ; loại này có tỉ lệ 70% thịt bò, 30% thịt lợn”. “Vậy có loại giò nào làm bằng thịt lợn không?” - “Có một loại giò, làm bằng thịt lợn mạ (sề), giá 140.000đ/kg”. “Vậy anh có bỏ chất gì vào để ra mùi bò chứ?”, ông Toàn hỏi. “Không, vì thịt lợn mạ nó săn chắc, màu gần giống như thịt bò rồi”, người kia đáp. Tuy nhiên, ông Toàn vẫn tỏ ra băn khoăn, vì nếu không bỏ chất gì vào, thì sao ra mùi thịt bò được.

Cũng theo lời dân buôn giò giới thiệu, chúng tôi tiếp tục đến một cơ sở sản xuất giò lớn ở phường Quán Bàu (TP.Vinh). Cách vài chục mét đã thấy phảng phất mùi giò bê. Về giá cả, chủ cơ sở cho biết nếu đặt trước thì giá 130.000 - 140.000đ/kg; còn nếu gần tết mới đến lấy thì giá 170.000đ/kg, vì lúc này nhu cầu rất lớn. Khi được hỏi: “Có phải giò bò “xịn” không?”, chị chủ nhà thừa nhận, giò này không phải làm từ thịt bò, nếu làm bằng thịt bò thì giá cao hơn nhiều. Tìm hiểu thêm về “công nghệ” làm giò bò, chúng tôi gọi điện cho một người thân quen, sản xuất giò chả, bán ở chợ tại Hà Tĩnh. Anh cho biết có làm giò me, giá sỉ 130.000đ/kg. “Giò me gì mà rẻ vậy, có phải me “lợn” không?”, chúng tôi hỏi. Anh nói: “Có nhiều loại “giò me” lắm. Nếu muốn me thật giá phải 220.000đ/kg”.

Cơ quan chức năng nói gì?

Điều tra về “Giò me xứ Nghệ, sự thật sau những lời “có cánh””, PV phát hiện nhiều hành vi thiếu trung thực, lừa gạt người tiêu dùng của những người buôn bán “đặc sản giò me”.

Đến chợ Vinh, chúng tôi được giới thiệu gặp chị Ch, người chuyên buôn bán các phụ gia thực phẩm. Biết chúng tôi muốn mua phụ gia làm giò me, chị Ch đưa ra một lọ phụ gia, dán bằng chữ Trung Quốc, được chú thích bằng tiếng Việt: “Phụ gia thực phẩm: Chất tăng hương thịt”, công dụng: “Tạo hương thịt hài hòa tự nhiên, che mùi tạp, khắc chế vị chua và đắng”, sản xuất tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Chúng tôi ngửi thử và thấy mùi vị y như mùi “giò me” sản xuất từ thịt lợn được bán tràn lan trên thị trường. Chị Ch còn cho biết dân làm giò thường mua một chất bột màu trắng, để bảo quản.

Ông Dương Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản Nghệ An - cho biết, sau khi tiếp nhận phản ánh của nhóm phóng viên Lao Động, đã tổ chức kiểm tra 6 - 7 cơ sở sản xuất giò. Qua kiểm tra, các cơ sở này thừa nhận thứ “giò me”, hay “giò bò” mà họ sản xuất, đều được làm từ thịt lợn, cộng với hương liệu (ngũ vị hương, thảo quả, hoa hồi...) gia vị để tạo mùi bò.

“Cái này là do nhầm lẫn trong tên gọi, do người buôn bán lừa người tiêu dùng, có tính chất gian lận thương mại, chứ người sản xuất họ không nói là giò bò”, ông Dương Văn Hùng nói. Qua test tại chỗ, không phát hiện có hàn the, chất cấm. Tuy nhiên, sản phẩm giò chả của các cơ sở này đều không có nhãn mác ghi rõ thương hiệu, xuất xứ, thời gian sản xuất, thành phần...

Ông Dương Văn Hùng giải thích do các cơ sở này sản xuất nhỏ lẻ, nên chưa thực hiện được. “Chúng tôi đang hướng dẫn cho họ, trong tương lai là phải làm nhãn mác, ghi rõ các thành phần” - ông Dương Văn Hùng nói.

Còn ông Trần Đăng Ninh - Trưởng Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An - cho biết, theo quy định tại Nghị định 89/2006 về nhãn hàng hóa, thì nhóm hàng thực phẩm khi lưu thông trên thị trường bắt buộc phải có dán nhãn, ghi rõ các thông tin: Cơ sở sản xuất, định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Thành phần hoặc thành phần định lượng; Thông tin, cảnh báo vệ sinh, an toàn; Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản. Nếu cơ sở vi phạm thì bị xử phạt hành chính (Lao động, trang 7).

 

Viện phí mới, chất lượng có mới? 

Rời nhà trong đêm, đến sáng sớm 5-7 bà T.T.L., 51 tuổi, đã có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội để khám bệnh. Trong ngày 5-7, bà được siêu âm ổ bụng, chụp X- quang, xét nghiệm công thức máu... Tuy nhiên, kết quả chụp chiếu xét nghiệm được trả rải rác hôm sau. Riêng chụp CT, vì quá đông người bệnh nên bà L. đăng ký từ ngày 5-7 cho đến sáng 7-7 mới được thực hiện.

Nỗi khổ của người bệnh

Thời gian khám - chờ kết quả diễn ra trong nhiều ngày, nhưng vì không muốn thuê trọ nên bà L. lại đón xe về quê ở Phú Thọ rồi sau đó quay trở lại Hà Nội khám bệnh theo lịch hẹn. Nhiều trường hợp nhà quá xa đành ở lại thuê nhà trọ hoặc vạ vật trong bệnh viện rất bất tiện. Bà L. có bảo hiểm y tế, nhưng lần khám này của bà lại nằm ngoài diện bảo hiểm y tế chi trả do bà vượt tuyến khám ngoại trú. Tại Bệnh viện Bạch Mai, nơi lấy và trả kết quả xét nghiệm máu, các khoa phòng nội trú như Trung tâm ung bướu và y học hạt nhân, khoa thần kinh là những nơi quá tải “bùng nổ” nhất.

Ở Trung tâm ung bướu có những giường được xếp điều trị 7-10 người bệnh/giường, nhưng thực tế người bệnh thường nằm ghép 2-3 người/giường, phải ngồi truyền hóa chất...

Trong khi đó, tại nhiều khu vực của Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức, tình trạng quá tải khiến cho hàng loạt người bệnh phải nằm ở lối đi, dọc hành lang nối các phòng bệnh. Một số người bệnh cho biết người bệnh nằm hành lang bị phân biệt với bệnh nhân ở trong phòng khi không được mang đồ đạc và không có người nhà chăm sóc trong giờ hành chính.

Ảnh hưởng do viện phí tăng

Vào viện được một tuần, anh Q. ở Hải Dương bị biến chứng vẹo đinh đóng tại vết thương cũ mới được phẫu thuật lại. Anh Q. không có bảo hiểm y tế, phải chi trả 100% chi phí điều trị lần này.

Anh Q. cho biết ban đầu nhập viện anh đã đóng 6 triệu đồng viện phí, nhưng trong vòng một tuần đợi mổ chỉ được uống thuốc giảm đau, ngoài ra không được can thiệp gì.

Trước khi được phẫu thuật, anh Q. phải đóng tiếp gần 9 triệu đồng, bao gồm 4 triệu đồng tiền “mổ sớm”, chưa kể chi phí khác nếu như phải nằm viện kéo dài.

Anh Q. cho biết anh cảm thấy mức viện phí mình đã chi trả không thỏa đáng với chất lượng phục vụ tại đây, khi có nhiều người bệnh vào sau mình lại được mổ sớm. Anh thắc mắc điều này với cán bộ trong khoa thì bị mắng, rồi phải nằm ngoài hành lang, đồ đạc phải mang hết ra ngoài trong khi người thân không được ở lại chăm sóc trong giờ hành chính.

"Tôi không đi lại được, người nhà bị đuổi ra ngoài nên rất bức xúc, nhất là mỗi lần vệ sinh cá nhân. Trong khi người nhà của người bệnh ở giường dịch vụ được ở lại nên thuận tiện hơn nhiều" - anh Q. nói.

Đòi hỏi chất lượng

Về nguyên tắc, việc áp dụng viện phí theo thông tư 02 năm 2017 của Bộ Y tế đối với người bệnh không có bảo hiểm y tế, hoặc dịch vụ sử dụng không thuộc diện được bảo hiểm y tế chi trả (như khám ngoại trú vượt tuyến) có thể được 50 bệnh viện thuộc nhóm tự chủ hoàn toàn về tài chính bắt đầu áp dụng từ tháng 6.

Tuy nhiên, các bệnh viện đợi hướng dẫn của Bộ Y tế nên thời điểm áp dụng mức thu mới đối với người bệnh chưa có bảo hiểm y tế ở 50 bệnh viện đầu tiên này có khác nhau.

Song điểm chung ở những bệnh viện đầu tiên áp dụng là nhóm người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không được chi trả do vượt tuyến như bà L. rất phổ biến, họ là đối tượng bị tác động chính của việc áp dụng viện phí mới này. Tuy phải trả tiền cao hơn trước nhưng họ chưa nhận được tiện ích tương ứng như vẫn phải chờ đợi lâu, xếp hàng, chen chúc vạ vật ngoài hành lang hay vườn cây vì có khi hết ghế chờ.

Tại một diễn đàn gần đây được tổ chức ở Hà Nội về chất lượng dịch vụ y tế, đại diện Bảo hiểm xã hội VN cho rằng mức giá dịch vụ hiện được áp dụng là đủ để mỗi người bệnh được nằm một giường bệnh, giường có đủ các trang bị như nệm, drap, phòng bệnh có điều hòa nhiệt độ. Tuy nhiên, trên thực tế lại không như vậy.

Khảo sát thời gian qua tại Nghệ An có bác sĩ khám trên 100 người bệnh/ngày và chất lượng dịch vụ chắc chắn sẽ giảm sút (Tuổi trẻ, trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang