Bệnh tay chân miệng lại vào mùa
Tuy chưa đến thời điểm của đỉnh dịch nhưng tại TPHCM số trẻ mắc bệnh tay chân miệng bắt đầu tăng mạnh. Các bác sỹ dự báo nếu không có biện pháp phòng chống quyết liệt, số ca bệnh mắc sẽ tăng rất cao. Tại hai bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, ngày 10.9 có hàng trăm bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng đang nằm viện, nguy hiểm cho sức khỏe (Tuổi trẻ trang 14).
Hôn mê sau khi ăn món tiết xào giá đỗ
Ngày 10/9, bác sĩ Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc Người lớn, BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, nơi đây vừa tiếp nhận bệnh nhân B.V.N, 35 tuổi ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre do nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Trước đó, vào ngày 9/9 bệnh nhân nhập viện ở Bến Tre với tình trạng lơ mơ, sốt cao, đau đầu, chóng mặt, xuất huyết ngoài da... Sau khi chuyển lên BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM điều trị, qua các kết quả thăm khám, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân đã bị sốc, nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ, suy đa tạng.
Chị T.T.M.H, vợ bệnh nhân cho biết, ngày 7/9 chị đi chợ mua tiết lợn đã luộc sẵn về chế biến món tiết xào giá đỗ và lá hẹ. Theo chị H. nghĩ là tiết đã chín nên khi xào chỉ đảo qua rồi cho rau vào. Sau khi ăn bữa trưa và bữa tối, đến nửa đêm ngày 7/9 anh N. bắt đầu than mệt (Tiền phong trang 2).
Bộ GD-ĐT kiến nghị giãn thời gian đóng bảo hiểm y tế
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ kiến nghị với Bộ Y tế và Tài chính chỉnh sửa Thông tư số 41 giãn thời gian đóng BHYT của học sinh, sinh viên theo hướng có thể đóng 3 tháng/lần và thời gian đóng có thể lùi sang tháng 12 thay vì tháng 9 hàng năm. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng với mức trích lại 7% cho trường phổ thông và 5% cho cơ sở giáo dục mầm non để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh là cần thiết. Tuy nhiên, Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ GD-ĐT kiện toàn hệ thống y tế trường học, nâng cao năng lực của phòng y tế để sử dụng hiệu quả số tiền trích lại từ quỹ BHYT. Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo các trường học không tổ chức thu các loại hình bảo hiểm tự nguyện trong nhà trường (An ninh thủ đô trang 2).
Đến năm 2020, dân số Hà Nội không quá 8,5 triệu người
Ngày 10-9, Ban chỉ đạo công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Hà Nội đã tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia (DS-KHHGĐ) giai đoạn 2011-2015 và định hướng giai đoạn 2016-2020. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ Hà Nội, giai đoạn 2011-2015, công tác dân số của Thủ đô đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ như: số sinh con thứ ba có xu hướng giảm từ năm 2013 trở lại đây, chất lượng dân số từng bước được nâng cao, tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh ngày càng tăng… Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội vẫn đang ở mức cao: 114,5 trẻ trai/100 trẻ gái, cao hơn mức trung bình cả nước (112,7 nam/100 nữ); tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên có giảm nhưng chưa bền vững và còn ở mức cao. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế - Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ Hà Nội cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác DS-KHHGĐ của Hà Nội giai đoạn 2016-2020 vẫn là phải tập trung duy trì mức sinh thấp hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khoẻ sinh sản, ổn định cơ cấu dân số, giảm tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh (An ninh thủ đô trang 2, Hà Nội mới trang 1).
Lo lây nhiễm từ trung tâm phòng chống lao giữa khu dân cư
“Trung tâm Phòng chống lao và bệnh phổi Hà Đông (phường Quang Trung, quận Hà Đông) có khá nhiều bệnh nhân ra, vào khám bệnh hàng ngày nhưng lại nằm giữa khu dân cư khiến người dân lo lắng về nguy cơ lây nhiễm bệnh”. Đó là phản ánh của một số hộ dân hiện sống tại tổ 5, phường Quang Trung, quận Hà Đông tới Đường dây nóng Báo ANTĐ.
Có bệnh nhân khạc nhổ thiếu ý thức
Theo phản ánh, do lao là bệnh dễ lây nhiễm qua không khí nên mỗi khi có bệnh nhân đến đây khám, những gia đình chỉ cách phòng khám vài bước chân cứ lo nơm nớp, nhất là hộ có con nhỏ. Bên cạnh đó, một số người đến khám chữa bệnh ý thức kém, khạc nhổ bừa bãi ra vỉa hè, lòng đường càng làm tăng nguy cơ phát tán mầm bệnh. Do trung tâm nằm ngay mặt đường Nguyễn Viết Xuân, lòng đường lại nhỏ hẹp nên khi có đông bệnh nhân đến khám, khu vực này rất dễ xảy ra ùn tắc. “Thời gian gần đây, chúng tôi nghe nói Trung tâm Phòng chống lao và bệnh phổi Hà Đông còn được mở rộng thêm sang phần diện tích mà Bệnh viện Da liễu đang sử dụng. Điều đó có nghĩa là trung tâm này sẽ nằm sát vách nhà dân. Đến khi đó, chỉ cần sơ suất nhỏ trong công tác đảm bảo vệ sinh, hậu quả sẽ khó lường. Do vậy, mong muốn của người dân nơi đây là trung tâm này sớm chuyển ra khỏi khu dân cư càng sớm càng tốt” – ông N.V.H ở đường Nguyễn Viết Xuân, phường Quang Trung chia sẻ. Về nội dung trên, ông Đỗ Như Chinh - Giám đốc Trung tâm Phòng chống lao và bệnh phổi Hà Đông cho biết, lo lắng của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Tuy vậy, trung tâm này trước đây là Trạm chống lao Hà Tây, được đặt tại số 2D Nguyễn Viết Xuân từ những năm 70 của thế kỷ trước, khi dân cư tại khu vực này rất thưa thớt. Do hầu hết bệnh nhân lao được điều trị tại nhà, nên số người đến khám tại trung tâm không nhiều, chủ yếu là bệnh nhân đã hết giai đoạn lây, họ chỉ đến khám, lấy thuốc và nghe tư vấn.
Trung tâm không nhận điều trị bệnh nhân tại chỗ. Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại đây cũng được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy trình: Về chất thải rắn, trung tâm đã ký hợp đồng với công ty môi trường để thực hiện thu gom, phân loại, còn chất thải lỏng được đưa vào hệ thống xử lý nước thải hiện đại do Sở Y tế Hà Nội đầu tư xây dựng. Việc sắp xếp lại nơi làm việc của trung tâm là chủ trương của Sở Y tế Hà Nội - đơn vị chủ quản.
Cần phương án đảm bảo môi trường sống trong lành
Với vai trò quản lý địa bàn, ông Hoàng Văn Tám - Phó Bí thư Đảng ủy phường Quang Trung khẳng định, ngay sau khi nhận được đơn phản ánh của người dân về nguy cơ lây nhiễm bệnh từ Trung tâm Phòng chống lao và bệnh phổi Hà Đông, UBND phường đã cử cán bộ xuống địa bàn kiểm tra đồng thời UBND phường, UBND quận đã tổ chức cuộc họp giữa các hộ dân, đại diện Sở Y tế, trung tâm và các ban ngành liên quan để lắng nghe ý kiến các bên.
Tại các buổi họp này, UBND phường đã đề nghị Sở Y tế tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của người dân, xem xét kỹ việc sắp xếp lại Trung tâm Phòng chống lao và bệnh phổi Hà Đông, đồng thời đề nghị trung tâm trong quá trình thực hiện chức năng khám chữa bệnh phải thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm bệnh ra cộng đồng.
Được biết, trước kiến nghị của người dân, gần đây nhất, ngày 7-9, Sở Y tế Hà Nội đã có Văn bản số 4294 gửi UBND quận Hà Đông, trong đó nêu rõ: Ngày 24-8, Sở Y tế đã có công văn gửi các ban ngành liên quan xin phép tạm sắp xếp lại trụ sở làm việc của các đơn vị y tế tại số 2D Nguyễn Viết Xuân và số 88-90 Lê Lợi.
Tuy nhiên, sau buổi làm việc với lãnh đạo quận Hà Đông và các phường liên quan về sự không đồng thuận của người dân sống xung quanh các khu vực này đối với phương án sắp xếp của Sở Y tế nên Sở chính thức thông báo hiện chưa triển khai nội dung trên và công việc này chỉ được thực hiện khi có ý kiến chỉ đạo của UBND TP.
Mặc dù vậy, việc một cơ sở y tế khám chữa bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao nằm giữa khu dân cư đông đúc tuy là tồn tại lịch sử song hiện tại không còn phù hợp. Về lâu dài, người dân sống tại khu vực rất mong các cấp, các ngành có phương án di chuyển cơ sở y tế này đến địa điểm mới nhằm đảm bảo môi trường sống trong lành cho nhân dân (An ninh thủ đô trang 8).
Bệnh viện Mắt Hà Nội đón nhận bằng khen của UBND TP Hà Nội
Chiều 10-9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã trao tặng Bằng khen của UBND TP Hà Nội cho bệnh viện (BV) Mắt Hà Nội tại lễ kỷ niệm 60 năm ngành mắt Thủ đô và 20 năm thành lập BV. Được biết, BV Mắt Hà Nội tiền thân là Trung tâm phòng chống Mù lòa Hà Nội, chính thức đi vào hoạt động từ năm 1995. Sau 5 năm, năm 2000 được đổi tên, nâng cấp thành BV Mắt Hà Nội. Năm 2005, sau 10 năm hoạt động BV Mắt Hà Nội đã vinh dự được trao Huân chương Lao động Hạng Nhì. Hiện nay, BV Mắt Hà Nội là BV chuyên khoa hạng II đầu ngành mắt của thành phố. Với trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, BV đã đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân Thủ đô và các vùng miền lân cận, đáp ứng được các nhu cầu kỹ thuật cao trong điều trị và phẫu thuật mắt.
Hằng năm, BV đã tiến hành sửa chữa chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng tạo cho BV có diện mạo mới, tiện nghi và hiện đại hơn trước, mua sắm trang thiết bị hiện đại như: máy chụp cắt lớp võng mạc, máy chụp mạch huỳnh quang thế hệ mới, máy sinh hiển vi khám bệnh có gắn camera và chụp ảnh bán phần trước, máy laser CO2… phục vụ công tác khám chữa bệnh ngày một nhanh chóng, an toàn và hiệu quả hơn, phát triển dịch kính võng mạc. Đặc biệt, BV cũng đã tiến hành đổi mới phong cách, thái độ đón tiếp, thực hiện phong trào bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo (Hà Nội mới trang 7).
Làm thầy thuốc để cứu người
Sinh ra trong một gia đình 6 đời nghề Đông y, được truyền dạy nhiều bài thuốc hay, tấm lòng "như từ mẫu", mỗi năm, lương y Đặng Thị Lâm và những thầy thuốc trong phòng khám dành thời gian tư vấn, khám chữa bệnh miễn phí cho khoảng 2.500 bệnh nhân nghèo, bệnh nặng. Bà được mệnh danh là "Người thầy thuốc của bệnh nhân nghèo".
Truyền thống bốc thuốc cứu người
Từ lâu, lương y Đặng Thị Lâm (phường Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được nhiều người gọi là "Người thầy thuốc của bệnh nhân nghèo". Nối tiếp truyền thống 6 đời chữa bệnh cứu người của gia đình, vị lương y có nụ cười luôn rạng ngời trên gương mặt phúc hậu này cùng chuỗi phòng khám của gia đình mỗi năm tư vấn, khám và chữa bệnh miễn phí cho khoảng trên 2.500 bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn.
Lương y Đặng Thị Lâm cho biết, tôn chỉ của gia đình là chữa bệnh cứu người, giúp đời nên các thành viên đều phải tuân thủ di huấn đó. "Bố tôi là thầy thuốc Đặng Văn Đức, cũng dành cả đời mình, nghiên cứu thuốc Nam để chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Ông luôn nói làm thầy thuốc mục đích lớn nhất là cứu người. Ông là tấm gương lớn nhất và cũng là người có ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc đời của tôi" - bà Lâm trải lòng. Hiện nay, bốn người con của bà tiếp tục theo ngành Y và bà tiếp tục nhắc nhở các con lời dạy về đạo làm nghề của cha ông.
Nhấp ngụm trà thuốc, theo dòng hồi tưởng, trở lại ngày tháng thơ bé đắm mình trong hương vị thuốc Nam thơm nồng và căn nhà tấp nập người ra vào khám bệnh. Sinh năm 1954, ngay từ khi biết đọc, bà tỏ ra ham mê lạ thường với những quyển sách thuốc. Nhận ra thiên hướng của con gái, khi lên 10 tuổi bà đã được cha cho theo lên núi đi tìm lá thuốc và "vỡ lòng" về y học. Thấy con gái thích thú, hào hứng và tiếp thu nhanh, cha bà tỏ ra vừa ý và trong bảy anh chị em, bà là người được bố tâm huyết truyền thụ, nhất là những bí quyết, bài thuốc hay của người dân tộc Sán Dìu được ông tổ Đặng Văn Ngũ truyền lại nhiều đời trước.
Cứ như vậy, sau giờ học ở trường bà lại theo cha lên núi hái thuốc, phụ giúp chữa trị cho bệnh nhân với niềm đam mê kỳ lạ. Ngoài kiến thức được học từ ông nội và cha, bà còn theo học khóa I hệ đào tạo của Hội Đông y tỉnh Thái Nguyên trong ba năm. Sau khi tốt nghiệp bà lại về Hà Nội theo học các lớp nâng cao nghiệp vụ xoa bóp, bấm huyệt rồi theo học khóa đào tạo lương y đa khoa của Đại học Thái Nguyên. Kiến thức sách vở và thực tế đều vững, lý thuyết, thực hành đều thông, trong quá trình chữa bệnh, bà lại tiếp tục tìm tòi và phát triển thêm nhiều bài thuốc mới.
Hiện nay, ngoài thời gian khám bệnh, bà Đặng Thị Lâm còn tập trung phát triển vườn cây thuốc Nam trên Thái Nguyên với nhiều vị thuốc quý, bảo đảm được nguồn cung nguyên liệu sạch, an toàn. Chữa được nhiều loại bệnh khó, nhưng thế mạnh của bà là các bệnh về gan... Bà Lâm cho biết, bài thuốc chữa gan bí truyền đó bao gồm cây cà gai leo, diệp hạ ninh, bồ công anh... và một số vị, ai hỏi bà cũng cho biết cụ thể và hướng dẫn cách sử dụng, tỷ lệ, thành phần. "Nhưng không phải thầy thuốc nào có bài thuốc đó chữa cũng khỏi cho bệnh nhân đâu. Thuốc phải lấy ở từng thời điểm nhất định, cách chế biến cũng khác và người bệnh cũng phải tuyệt đối tuân thủ thì mới khỏi được bệnh" - bà Lâm nói.
Ân nhân của những người nghèo
Lương y Đặng Thị Lâm đã gặp nhiều trường hợp mà y học hiện đại bó tay, các bệnh viện lớn trả về nhưng nhờ sự chạy chữa của bà, bệnh nhân đã có nhiều tiến triển. Bà chữa trị nhiều chứng bệnh như xơ gan cổ trướng, gan, máu nhiễm mỡ, sỏi thận, tiểu đường, thống phong, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, ho hen, tai biến mạch máu, các bệnh về huyết áp, hiếm muộn, tiêu hóa... Đặc biệt, nhà thuốc Long Lâm của bà có bài thuốc chữa tắc tia sữa rất hiệu nghiệm. Bên cạnh đó, bà còn cung cấp cho sản phụ và trẻ sơ sinh thứ lá tắm gia truyền của dân tộc Sán Dìu, được lấy trong rừng nguyên sinh để phục hồi sức khỏe.
Trong chuỗi phòng khám của gia đình, bà luôn dành một phòng riêng cho các bệnh nhân nghèo, bệnh nặng ở lại lưu trú chữa miễn phí. Bà Lâm kể về trường hợp của anh Đỗ Xuân Hiền quê ở Ninh Giang - Hải Dương. Năm 2012, người nhà chở anh đến trước cửa nhà bà rồi bỏ về. Lúc đó, dù không quen biết, nhìn qua thấy anh ấy lả đi vì đói, lại mang bệnh rất nặng nên bà đưa anh Hiền vào nhà, mời cơm nước cho lại sức và ra sức điều trị. Sau này anh Hiền khỏi bệnh, bà lại động viên, giúp chút vốn liếng để làm ăn. Trường hợp nữa là anh Vũ Văn Thức ở thôn Hạ (Cửu Cao, Văn Giang, Hưng Yên) bị xơ gan cổ trướng giai đoạn phù nề, da vàng bủng, mắt vàng, người như không còn sức sống. Bệnh viện trả về, nhà nghèo không có tiền chạy chữa, anh nghĩ mình đã hết cơ hội sống. Nghe mách bảo, anh tìm đến với bà Lâm và được bà giúp đỡ tận tâm. Tuân thủ hết sức nghiêm ngặt yêu cầu của thầy thuốc, bệnh của anh tiến triển dần và hồi phục. Anh Thức cho biết, cô Lâm là thầy thuốc không chỉ có tài mà còn có tâm, từ lâu gia đình tôi vẫn coi cô như là ân nhân của mình.
Cuốn sổ khám bệnh ngày một dày lên, chữa khỏi cho hàng nghìn bệnh nhân, nhưng bà nhớ nhất là bệnh nhân Trần Đình Khứu (Tổ 8, Đường K2 Cầu Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Anh Khứu được đưa đến phòng khám trong tình trạng hôn mê, người bị phù nề. Mới đầu, thấy bệnh quá nặng bà cũng lo sức mình không kham nổi, nhưng còn nước còn tát, bà và người bệnh, gia đình bệnh nhân đồng lòng và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị. Bệnh tật của anh đã có tiến triển tốt. Khỏi bệnh, anh mang cả tiền, vàng đến cảm ơn nhưng bà từ chối, chỉ nhận một khoản nhỏ. Những bệnh nhân nghèo luôn luôn được bà miễn phí dù họ có ăn ở, chạy chữa bao lâu.
Ngoài việc khám chữa bệnh cứu người tại phòng khám Long Lâm, lương y Đặng Thị Lâm còn tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội. Bà từng đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Hội Đông y quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2009-2014. Bà đã nhận được nhiều giải thưởng như: Giải thưởng Thương hiệu nổi tiếng ASEAN, giải thưởng Doanh nhân Tâm Tài, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bằng khen của Hội Đông y Việt Nam… và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp chính quyền địa phương. Lương y Đặng Thị Lâm nói, chỉ mong mình… thất nghiệp, vì khi đó sẽ không có ai bị bệnh tật gì nữa. Nhưng sinh, lão, bệnh, tử là lẽ thường, đời người ai rồi cũng phải trải qua, với các gia đình nghèo, bệnh nhân càng thiệt thòi gấp bội. Phương châm của bà là còn sống, còn hành nghề ngày nào thì còn gắng sức chữa bệnh cứu người ngày đó (Hà Nội mới trang 8).
Bệnh viện Việt Đức quyết tâm đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh
Ngày 10/9, tại Hà Nội, BV Việt Đức đã tổ chức Lễ ký cam kết "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh". PGS.TS. Nguyễn Viết Tiến-Thứ trưởng Bộ Y tế; Lãnh đạo Công đoàn Y tế Việt Nam; Lãnh đạo một số cục, vụ trực thuộc Bộ Y tế; ban lãnh đạo và tập thể cán bộ, nhân viên BV Việt Đức cùng tham dự lễ ký kết. Đây là BV thứ 20 thực hiện ký cam kết.
PGS.TS. Trịnh Hồng Sơn- Phó, Giám đốc BV Việt Đức cho biết, Lễ ký kết là minh chứng cho thấy quyết tâm cao của cán bộ, nhân viên BV Việt Đức trong việc thực hiện chủ trương của Bộ Y tế - hướng tới sự hài lòng của người bệnh, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ y tế trong mắt nhân dân. Việc ký cam kết được thực hiện giữa Tổ trưởng Công đoàn, khoa, phòng, cá nhân với trưởng các khoa, phòng; giữa trưởng các khoa, phòng, Chủ tịch Công đoàn với Giám đốc BV.
Mục tiêu của cam kết nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, phong cách phục vụ người bệnh của cán bộ y tế BV Việt Đức, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh, cũng như tạo điều kiện tốt, thuận lợi để người dân trên cả nước tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao; xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ y tế BV Việt Đức luôn lấy người bệnh là trung tâm để phục vụ.
Phát biểu tại Lễ ký cam kết, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đánh giá cao những nỗ lực của BV Việt Đức trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Để triển khai tốt nội dung cam kết, Thứ trưởng đề nghị BV cần tăng cường tuyên truyền với nhiều hình thức để cán bộ y tế trong BV quán triệt sâu sắc nội dung cam kết; tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu được quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh; nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết (Sức khỏe & Đời sống trang 2).
Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành y tế lần thứ VI: Dấu ấn của những phong trào thi đua gắn với thực tiễn
Với chủ đề “Đổi mới, năng động, sáng tạo, hiệu quả vì sức khỏe nhân dân”, Đại hội Thi đua yêu nước ngành y tế lần thứ VI sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 17/9 với khoảng 1.200 đại biểu và khách mời tham dự. Đây là thông tin được ThS. Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Vụ Truyền thông, Thi đua và Khen thưởng, Bộ Y tế đưa ra tại cuộc họp báo do Bộ Y tế tổ chức ngày 9/9. Thi đua để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn
Có thể nói, trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước của ngành y tế đã có những dấu ấn rất đậm nét. Ngoài những chủ đề cụ thể cho phong trào thi đua của từng năm được phát động vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày truyền thống của ngành y - ngày 27/2 hàng năm, tổng kết công tác năm trước, triển khai nhiệm vụ năm mới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của thi đua và gắn chặt thi đua với nâng cao nhiệm vụ chuyên môn, đối với từng lĩnh vực, nhiệm vụ cụ thể, Bộ Y tế cũng đã phát động nhiều phong trào thi đua sâu rộng. Phải kể đến các phong trào tiêu biểu như: Tổ chức thành công phát động Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân; Phát động Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo”... Phong trào thi đua “Hướng về y tế cơ sở, cán bộ y tế làm theo lời dạy của Bác “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền”, cán bộ y tế quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu Đề án 1816 và Quy tắc ứng xử của cán bộ y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong toàn hệ thống”...
Với tình cảm và tấm lòng hướng về biển đảo quê hương và với khát vọng hướng đến một nền y tế nhân văn, mọi người dân đều được công bằng, tiếp cận nhanh các dịch vụ trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt giúp những ngư dân đang ngày đêm vươn khơi bám biển, trong những ngày đầu tháng 5/2014, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phát động phong trào “Cùng ngư dân bám biển” toàn ngành y tế. Đã có hàng trăm tủ thuốc được đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế trao tận tay các ngư dân của vùng biển Lý Sơn, Quảng Nam, Quảng Bình, Hà Tĩnh... rồi hàng trăm triệu tiền mặt, hàng trăm tủ thuốc cá nhân và nhiều đoàn bác sĩ của BV Mắt TW, BV Tim Hà Nội, Viện Y học biển,... ra thăm khám và điều trị miễn phí cho ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi...
Thực tiễn cho thấy, các phong trào thi đua yêu nước của ngành đã thực sự động viên, thu hút được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế cùng tham gia, tạo nên không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp trong ngành y tế trên cả nước. Từ đó toàn ngành đã nỗ lực không ngừng phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, bằng sự lao động tận tụy, bền bỉ và sáng tạo, thu được những thành tựu to lớn, làm biến đổi một cách sâu sắc từ nhận thức tư tưởng đến tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động; từ chuyên môn, khoa học kỹ thuật đến nâng cao y đức; hướng đến xây dựng mối quan hệ nhân văn giữa thầy thuốc và người bệnh.
Những ghi nhận dành cho sự nỗ lực vì sức khỏe nhân dân
Theo ông Nguyễn Đình Anh, Đại hội Thi đua yêu nước ngành y tế lần thứ VI là dịp để ngành y tế đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2011-2015; đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2016-2020.
Đây cũng là dịp để biểu dương kết quả của các phong trào thi đua yêu nước trong ngành y tế đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc ở các cấp, các lĩnh vực trong 5 năm qua; Biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân, các anh hùng, chiến sĩ thi đua và các gương điển hình tiên tiến, nhân tố tiêu biểu trong toàn ngành; tiếp tục khơi dậy truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng, lòng tự hào dân tộc, động viên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành y tế giữ gìn và phát huy truyền thống quý báu đó; củng cố và phát triển phong trào thi đua yêu nước ngày càng sâu, rộng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo động lực mới nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; Phát động phong trào thi đua trong toàn ngành, gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Luật Thi đua, khen thưởng (Sức khỏe & Đời sống trang 3, Gia đình & Xã hội trang 7).