Giảm tải cho bệnh viện bằng công nghệ mới
Dự án “Nền tảng phòng xếp hàng ảo cho bệnh viện” của bốn bạn trẻ đã xuất sắc giành ngôi vị quán quân tại cuộc thi phát triển ứng dụng “AIoT Developer InnoWorks” năm 2021, xuất phát từ ý tưởng được đưa ra bởi QQUEUE của nhóm sinh viên Trường đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh).
“AIoT Developer InnoWorks” là cuộc thi do Cục Công tác phía nam - Bộ Khoa học và Công nghệ, Trường đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh) và Tập đoàn Advantech Việt Nam phối hợp tổ chức. Không chỉ thuyết phục ban giám khảo cuộc thi bằng việc ứng dụng hàng loạt công nghệ mới mà dự án “Nền tảng phòng xếp hàng ảo cho bệnh viện” của QQUEUE còn được đánh giá cao về tính khả thi. Đại diện nhóm cho biết, thay vì đến bệnh viện đăng ký và mất nhiều thời gian chờ đợi, xếp hàng, giờ đây, chỉ cần cài ứng dụng vào điện thoại thông minh, người bệnh có thể biết đăng ký khám bệnh và chủ động thu xếp thời gian theo lịch hẹn đã chốt ngay tại nhà.
Nền tảng phòng xếp hàng ảo cho bệnh viện (QQUEUE App) gồm hai phần chính thiết kế dành cho bệnh nhân và hệ thống quản lý máy chủ dành cho các cán bộ, nhân viên y tế tại bệnh viện, phòng khám. Khi sử dụng ứng dụng này, bệnh nhân có thể đặt lịch khám từ xa và theo dõi liên tục trạng thái của phòng chờ ảo ngay trên điện thoại. Các thuật toán được đưa vào nhằm ước lượng thời gian chờ, thời gian di chuyển, kéo giảm tối đa thời gian “trống” của bệnh nhân tại các cơ sở y tế. Điều này mở ra tín hiệu vui, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và nhiều bệnh viện thường xuyên trong tình trạng quá tải như hiện nay. Thông qua ứng dụng xếp hàng ảo, người bệnh không cần đứng tại khu vực chờ quá lâu, giảm tiếp xúc trực tiếp với người lạ.
Sau khi đăng ký lịch khám trên ứng dụng, người bệnh sẽ nhận về một mã QR làm căn cứ xác định nội dung hẹn khi đến cơ sở y tế mà không cần phải chờ đợi. Mọi khâu đều được tự động hóa và xử lý bằng công nghệ hiện đại giúp quá trình đăng ký, khám, chữa bệnh diễn ra nhanh chóng, giảm gánh nặng cho đội ngũ chăm sóc y tế tại các bệnh viện, phòng khám. Thông qua ứng dụng, mỗi người dễ dàng theo dõi tình trạng xếp hàng đợi và nhận được thông báo khi đến lượt khám để chủ động đến gặp bác sĩ. Theo thành viên của QQUEUE Phạm Thanh Nghị, ưu điểm nổi bật của ứng dụng mà nhóm tạo ra chính là sự đơn giản, nhanh chóng nhưng có tính bảo mật cao. Trong suốt quá trình đồng bộ, đặt lịch, máy chủ của QQUEUE chỉ nhận thông tin liên quan đến hẹn giờ, còn lại không sử dụng bất kỳ dữ liệu cá nhân hay bệnh án của bệnh nhân. Khi bác sĩ hay nhân viên bấm gọi người tiếp theo thì hệ thống QQUEUE App sẽ ngay lập tức nhận được thông báo này và gửi cho bệnh nhân. Như vậy, người bệnh không cần phải túc trực tại phòng chờ mà vẫn có thể trực tiếp tham gia quá trình xếp hàng và được nhắc nhở sắp đến lượt khám để quay trở lại đúng giờ hẹn. Với ba nhóm công nghệ chính là Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI) và Máy học (Machine learning) cùng các thuật toán có chọn lọc, QQUEUE App nhanh chóng đồng bộ thông tin cần thiết của người khám bệnh trực tiếp và người sử dụng ứng dụng, giúp các lịch hẹn không chồng chéo.
Sự công bằng trong việc xếp hàng luôn được bảo đảm thông qua giải pháp công nghệ. Nếu người bệnh đặt lịch qua ứng dụng nhưng không đến khám, ngay lập tức thông tin sẽ gửi về máy chủ và các nhân viên phụ trách việc tiếp nhận người đăng ký khám trực tiếp tại cơ sở y tế sẽ nhường lượt khám đó cho bệnh nhân đang có mặt. Mỗi người dùng một mã QR sẽ hạn chế được sự nhầm lẫn thông tin. “Chỉ cần những thao tác đơn giản trên ứng dụng, bệnh nhân có thể dễ dàng đặt lịch khám từ xa và theo dõi liên tục trạng thái của phòng chờ ảo ngay trên điện thoại thông minh mà không cần phải đi đâu. Thông qua ứng dụng này, các bệnh viện, phòng khám có thể kiểm soát các hàng có bệnh nhân đang đợi, chủ động gọi bệnh nhân tiếp theo căn cứ vào lịch hẹn để có thể dễ dàng phục vụ”, thành viên Phạm Thanh Nghị cho biết thêm.
Về phía các cơ sở y tế, việc đưa vào sử dụng QQUEUE App sẽ giúp họ quản lý bệnh nhân tốt hơn, góp phần giảm tải tại các khu vực chờ. Việc tự động hóa quá trình đặt và nhận lịch khám, chữa bệnh của người dân sẽ giúp các bệnh viện, phòng khám chủ động trong việc bố trí nhân lực, nhất là vào giờ cao điểm. Việc cho phép mỗi bệnh viện, phòng khám có thể sử dụng một hệ thống độc lập giúp việc quản lý lịch hẹn được khoa học, nhanh chóng hơn. Sau giảm tải cho bệnh viện, điều mà nhóm QQUEUE muốn hướng đến trong quá trình hoàn thiện, đưa ứng dụng này vào cuộc sống chính là mở rộng phạm vi hoạt động, từng bước hình thành văn hóa xếp hàng nơi công cộng cho nhiều người. Đại diện nhóm cho biết, ứng dụng có khả năng hỗ trợ việc xếp hàng ảo cho các sự kiện lớn ngoài trời hoặc tại các trung tâm thương mại, siêu thị, công viên giải trí… với những thao tác rất đơn giản. (Nhân dân, trang TPHCM)
Phát huy thế mạnh y học cổ truyền để phòng, chống dịch
Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, trên cơ sở thực tiễn khám, chữa bệnh Covid-19, góp ý của các chuyên gia đầu ngành về y dược cổ truyền và tham khảo các tài liệu thế giới, Bộ Y tế đã đưa ra các bài thuốc cổ phương và phương pháp y học cổ truyền để các cơ sở y tế áp dụng điều trị cho bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng hay bệnh mức độ nhẹ.
Huy động thuốc và sản phẩm y học cổ truyền hỗ trợ người bệnh Covid-19 tại Bắc Ninh, Bắc Giang.
Thí dụ, điều trị cho bệnh nhân F0 không có triệu chứng, thầy thuốc căn cứ vào tình trạng, diễn biến bệnh có thể tham khảo bốn bài thuốc: Ngọc bình phong tán; Nhân sâm bại độc tán; Sâm tô ẩm; Đạt nguyên ẩm. Bệnh nhân F0 mức độ nhẹ có sáu bài thuốc để thầy thuốc tham khảo. Khi bệnh nhân xuất viện, cần tiếp tục điều trị bằng y học cổ truyền cũng có 12 bài thuốc hỗ trợ phục hồi chức năng…
Đây là lần thứ hai các bài thuốc, phương pháp y học cổ truyền phòng, chống Covid-19 được Bộ Y tế ban hành. Trước đó, tháng 3/2020, khi dịch mới xuất hiện ở nước ta, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 1306/BYT-YDCT hướng dẫn các cơ sở y tế tăng cường phòng, chống dịch bằng các bài thuốc và phương pháp y học cổ truyền.
Thực tế, những sản phẩm của đông y, những bài tập thể dục nhằm nâng cao sức đề kháng cho người bệnh đã và đang được áp dụng hỗ trợ điều trị cho người bệnh Covid-19 tại Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác.
Theo Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), tuy hướng dẫn cho các cơ sở y tế, nhưng người dân có thể áp dụng các biện pháp phòng bệnh như tập thở, xông phòng bằng tinh dầu, súc họng, xịt mũi bằng dung dịch từ dược liệu; tham khảo các món ăn từ dược liệu để nâng cao thể trạng cho người bệnh giai đoạn sau điều trị Covid-19. Đây là các phương pháp khoa học đã được Hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia đầu ngành về y, dược cổ truyền thẩm định, trình lãnh đạo Bộ Y tế ký ban hành. Người dân có thể tham khảo để phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe, tránh tin vào những công thức điều trị Covid-19 chưa được kiểm chứng, lượm lặt trên mạng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc ứng dụng y học cổ truyền trong phòng, chống Covid-19 có những đặc thù riêng, và sẽ có những khó khăn nhất định. Để các bài thuốc, phương pháp y học cổ truyền được sử dụng, phát huy hiệu quả cần có đội ngũ chuyên gia hỗ trợ, tư vấn cho các bác sĩ trong quá trình điều trị. Cần khuyến khích các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền đưa vào ứng dụng các bài thuốc để điều trị giai đoạn hồi phục Covid-19. Giai đoạn này nhằm tiếp nối các giai đoạn điều trị trước để phục hồi toàn diện cho người bệnh, do đó, cần bảo đảm chi trả bảo hiểm y tế để các cơ sở khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền chăm sóc tốt hơn cho người bệnh.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần khuyến khích các đơn vị nghiên cứu lựa chọn dược liệu, phương thuốc phù hợp để nghiên cứu, đánh giá tác dụng điều trị Covid-19 bằng công nghệ hiện đại.
Ngân sách Nhà nước cần đầu tư, hỗ trợ các nghiên cứu để khai thác được các tiềm lực y dược cổ truyền như nguồn tài nguyên dược liệu, các nghiên cứu, quy trình công nghệ liên quan đã có trước đây, từ đó từng bước khẳng định thế mạnh của y học cổ truyền trong khám, chữa bệnh, nhất là đối với các bệnh mới nổi. (Nhân dân, trang 1)
Giáo viên kiêm “tuyên truyền viên” chống dịch
Là một trong những địa phương xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên, người dân ở huyện Mường Nhé đa phần là người dân tộc thiểu số, nhiều bản chưa có điện nên việc nắm thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 còn hạn chế. Hiểu được điều này, ngoài nhiệm vụ giảng dạy, chăm sóc học sinh, giáo viên huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên còn kiêm nhiệm tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đến học sinh, phụ huynh, nhân dân với nội dung ngắn gọn, dễ nghe, dễ hiểu và dễ thực hành.
Thầy giáo Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết: Với kinh nghiệm phòng, chống dịch có được từ thực tiễn thời gian qua, hầu hết ban giám hiệu các trường đều đánh giá cao sự chủ động của giáo viên cắm bản trong tuyên truyền phòng, chống dịch. Ngoài chương trình giảng dạy, chăm sóc học sinh thì mỗi thầy, cô giáo dạy học ở điểm bản còn kiêm vai trò người cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh; hướng dẫn học sinh, phụ huynh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, như: đeo khẩu trang, khai báo y tế khi có biểu hiện sốt, ho và khai báo lịch trình di chuyển khi đi từ địa phương khác về địa bàn. Năm học 2021 - 2022, toàn huyện có 312 giáo viên đảm nhiệm dạy 312 lớp tại 105 điểm bản. Trong đó, có 173 lớp mầm non với hơn bốn nghìn trẻ; 139 lớp tiểu học (chủ yếu lớp 1 và lớp 2) với 2.526 học sinh. Như vậy, tính trung bình mỗi giáo viên điểm bản hằng ngày sẽ kiêm “tuyên truyền viên” phòng dịch đến 23 học sinh. Đấy là chưa tính số phụ huynh, bà con nhân dân tại các điểm bản thường được giáo viên hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch. Giáo viên cắm bản cũng là người thường xuyên cập nhật thông tin người nơi khác đến bản để cung cấp cho ban chỉ đạo phòng, chống dịch xã những khi trưởng bản bận mải việc đồi nương.
Theo lời giới thiệu của thầy Chùy, chúng tôi đến thăm điểm trường Huổi Đá thuộc xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé. Cách trung tâm xã Nậm Kè gần 20 km và cách trung tâm huyện Mường Nhé 45 km, điểm trường Huổi Đá tọa lạc trên khuôn viên khá bằng phẳng giữa bản Huổi Đá. Đây là điểm trường ghép gồm hai lớp tiểu học (lớp 1, lớp 2) và hai lớp mầm non. Đảm nhiệm việc dạy học, chăm sóc bữa ăn giấc ngủ cho 73 học sinh ở điểm bản Huổi Đá có bốn thầy, cô giáo kiêm các việc: đón trẻ, dạy học, nấu ăn, dọn dẹp, rửa bát đĩa, chăm sóc bồn hoa, lớp học… và các thầy, cô kiêm cả việc của “tuyên truyền viên” phòng dịch.
Thầy giáo Bàn Văn Đức, giáo viên mầm non cắm bản Huổi Đá cho biết: Phần vì xa trung tâm, phần vì nhiều người không biết tiếng phổ thông cho nên cuộc sống của bà con dân tộc H’Mông nơi đây như một “ốc đảo” tách biệt bên ngoài. Năm trước, khi dịch Covid-19 bùng phát ở một số địa phương và trong tỉnh mới có ba trường hợp mắc thì gần như 100% người dân bản Huổi Đá chẳng biết Covid-19 là gì. Một số người có điện thoại Smartphone nghe thông tin xuyên tạc về bệnh từ các trang mạng xấu lại lo lắng thái quá… Hiểu được tâm trạng đó của bà con, tôi đã bàn với các thầy, cô giáo ở điểm bản Huổi Đá chủ động cập nhật thông tin từ trang báo chính thống, thông tin từ Ban chỉ đạo phòng, chống Covid tỉnh rồi trao đổi với phụ huynh trước mỗi buổi đón trẻ hoặc cuối ngày khi phụ huynh đón trẻ về nhà. Với học sinh, hằng ngày giáo viên ở đây đều dạy các cháu cách rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, nhắc các cháu không tiếp xúc người lạ, người từ nơi khác về. Mỗi ngày dạy một điều, mỗi ngày đều nhắc lại điều hôm trước để học sinh nhớ lại kiểu “ôn bài”. Cũng cách đó, chúng tôi thường xuyên trao đổi với phụ huynh dần dần họ đã hiểu sự nguy hiểm của dịch bệnh cho nên họ rất hạn chế tiếp xúc người ngoài bản; có việc cần lắm phải đi trung tâm xã mua sắm thực phẩm thì ngay khi về bản bà con đều khai báo lịch trình tiếp xúc với trưởng bản để trưởng bản cập nhật thông tin hằng ngày. “Làm việc, ăn nghỉ tại bản và biết tiếng của bà con dân bản nên khi chúng em nói bà con hiểu ngay. Cùng với đó là cách nói, cách làm; mỗi ngày đều cung cấp thông tin, mỗi ngày hướng dẫn bà con một biện pháp phòng, chống để bà con dễ nhớ, dễ thực hiện”, thầy Đức chia sẻ.
Đánh giá cao cách làm, đóng góp của đội ngũ giáo viên cắm bản đã âm thầm góp sức phòng, chống dịch, thầy giáo Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết: Nhờ sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các đội ngũ giáo viên cắm bản, năm học 2020 - 2021 huyện Mường Nhé đã hoàn thành “mục tiêu kép” là hoàn thành các nhiệm vụ năm học và hoàn thành các biện pháp phòng, chống dịch trong trường học. Dù ở vùng biên, dân cư thưa thớt, thiếu thốn trang thiết bị phòng dịch nhưng 100% học sinh, giáo viên và nhân dân trên địa bàn không ai nhiễm bệnh. Đáng mừng hơn cả là hiểu biết của học sinh, nhân dân trên địa bàn về tầm quan trọng các biện pháp phòng dịch được nâng lên rõ rệt, cho nên tại mỗi điểm bản bà con đã lập một “pháo đài” phòng dịch an toàn, linh hoạt. (Nhân dân, trang 5)
Quy trình xử lý khi phát hiện F0 đi khám bệnh tại TP.HCM
Sở Y tế TP.HCM đã ban hành quy trình 4 bước xử lý khi phát hiện F0 đi khám bệnh.
Ngày 11.10, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành quy trình 4 bước xử lý khi phát hiện F0 đi khám bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB).
Theo đó, khi phát hiện F0 đến khám bệnh, cơ sở KCB phải thực hiện quy trình 4 bước. Bước 1 là cách ly, lấy mẫu xét nghiệm PCR (nếu trước đó chỉ làm test nhanh). Bước 2, đánh giá tình trạng sức khỏe của F0. Bước 3, nhập thông tin F0 vào ứng dụng Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19. Bước 4 là chăm sóc F0.
Sở Y tế lưu ý khi đánh giá tình trạng F0 (bước 2), với F0 nặng phải cấp cứu điều trị tại đơn vị Covid-19; các bệnh chuyên khoa khác thì cơ sở KCB xử lý (nếu có), hoặc chuyển đến bệnh viện điều trị Covid-19 gần nhất. Trường hợp F0 nhẹ, nhà đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất thì cho về nhà cách ly, nếu không thì cách ly tập trung. Cấp túi thuốc A, B và C (nếu có triệu chứng nhẹ); địa phương thực hiện chăm sóc và quản lý theo quy định.
Sở Y tế yêu cầu tất cả cơ sở KCB phải thực hiện khai báo y tế, phân luồng, sàng lọc cho tất cả mọi người khi đến KCB. Thực hiện xét nghiệm tầm soát cho người bệnh khi phát hiện có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 và thực hiện xét nghiệm tầm soát định kỳ cho nhân viên, người lao động của đơn vị theo quy định. Đồng thời, xử lý đúng quy trình 4 bước này, nhằm đảm bảo tất cả các F0 khi phát hiện phải được chăm sóc và quản lý. (Thanh niên, trang 3)
Bắt 4 đối tượng làm giả, mua bán giấy xét nghiệm Covid-19
Nắm bắt nhu cầu của một số người cần có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 để đi đường, nhóm đối tượng ở Bình Thuận đã câu kết với nhau làm giả giấy xét nghiệm để bán cho nhiều người khác với giá 70.000 đồng/tờ.
Theo thông tin ban đầu, từ giữa tháng 9-2021 đến nay, lực lượng chức năng TP Phan Thiết liên tục phát hiện nhiều giấy xét nghiệm giả được sử dụng để xuất trình qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19 nên đã theo dõi.
Sau khi thu thập được các chứng cứ, ngày 10-10, Công an TP Phan Thiết đã bắt các đối tượng, gồm: Trần Xuân Đạt (SN 1987), Diệp Từ Hiếu (SN 1977), Phùng Thành Tài (SN 1993, cùng ngụ TP Phan Thiết) và Nguyễn Minh Tiến (SN 1987, ngụ huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận).
Qua khám xét nơi ở của các đối tượng, Công an TP Phan Thiết thu giữ 15 phiếu xét nghiệm test nhanh có kết quả âm tính Covid-19 giả mang tên nhiều cơ sở y tế trên địa bàn, 1 máy vi tính chứa nhiều dữ liệu liên quan và 1 máy photocopy in màu phục vụ việc in phiếu xét nghiệm giả.
Qua đấu tranh, bước đầu ngành chức năng xác định, từ giữa tháng 9-2021 đến nay, do có nhu cầu làm phiếu xét nghiệm test nhanh Covid-19 có kết quả âm tính giả để cung cấp cho một số người quen để sử dụng đi qua các chốt kiểm soát dịch, Đạt đã đặt Hiếu là chủ tiệm photocopy làm khoảng 100 phiếu xét nghiệm Covid-19 giả với kết quả âm tính, mỗi phiếu có giá 15.000 đồng.
Sau đó, Đạt mang đi bán cho Tài, Tiến và một số người quen với giá 70.000 đồng mỗi phiếu. Những phiếu này được sử dụng để đi qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19.
Hiện vụ việc đang được Công an TP Phan Thiết mở rộng điều tra và xử lý theo quy định. (Sài Gòn giải phóng, trang 6)
Cùng chủ đề Báo sức khỏe & Đời sống, trang 6: “Phát hiện đường dây làm giả phiếu xét nghiệm COVID-19”
Cả nước thêm 2.549 người mắc Covid-19 khỏi bệnh
Chiều tối 11-10, Bộ Y tế cho biết, trong ngày, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.619 ca nhiễm mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 3.617 ca ghi nhận trong nước (tăng 104 ca so với ngày trước đó) tại 44 tỉnh, thành phố. Trong đó có 1.726 ca trong cộng đồng. Đồng thời có thêm 2.549 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh và 115 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 128.114 xét nghiệm cho 205.382 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27-4 đến nay đã thực hiện hơn 20,2 triệu mẫu cho trên 56,1 triệu lượt người.
Trong ngày 10-10 có 879.949 liều vaccine Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là hơn 54,2 triệu liều, trong đó trên 38,6 triệu người đã được tiêm 1 mũi vaccine. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)
Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 7: “Thêm 2.549 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 11-10”
Hà Nội ghi nhận 440 ca mắc sốt xuất huyết trong tuần qua
Sở Y tế Hà Nội, ngày 11-10, thông tin, trong tuần qua (tính từ ngày 4 đến 10-10), trên địa bàn thành phố ghi nhận 440 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 82 ca so với tuần trước đó). Bệnh nhân ghi nhận rải rác tại 28 quận, huyện và 166 xã, phường.
Những quận, huyện có số mắc sốt xuất huyết nhiều trong tuần qua, là: Đống Đa (84 ca), Thanh Trì (43 ca), Hai Bà Trưng (29 ca), Hoàng Mai (27 ca), Thường Tín (24 ca), Nam Từ Liêm (24 ca).
Như vậy, từ đầu năm 2021 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.831 ca mắc sốt xuất huyết tại 28/30 quận, huyện, thị xã; 307/579 xã, phường, thị trấn (giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái) và chưa ghi nhận ca tử vong.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, hiện thời tiết đang vào mùa mưa, nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh sốt xuất huyết phát triển, nên dịch vẫn có thể diễn biến phức tạp, nếu không chủ động phòng, chống. (Hà Nội mới, trang 1)
Đổi mới tư duy và biện pháp phòng, chống dịch Covid-19
Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 264/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19 tại cuộc họp Ban Chỉ đạo diễn ra vào ngày 9-10.
Thông báo nêu rõ, Ban Chỉ đạo ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là tại các tỉnh, thành phố trong 2 tuần vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại các khó khăn, chưa dự báo hết tình huống. Do đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thời gian tới, cần đổi mới tư duy và biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ tích cực tham mưu để ban hành ngay quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...
Xác định vắc xin là yếu tố cốt lõi trong phòng, chống dịch để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải tăng cường hoạt động của Tổ ngoại giao vắc xin; đôn đốc việc thực hiện các hợp đồng đã ký kết và xem xét kỹ lưỡng, khoa học việc nhập khẩu tiếp theo... Ngoài ra, cần có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh; triển khai tích cực hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội... (Hà Nội mới, trang 2)
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Phải tỉnh táo, sáng suốt trước dịch bệnh, tuyệt đối không lơ là, mất bình tĩnh.
Thủ tướng yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương, lãnh đạo các cấp tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất bình tĩnh; phải tỉnh táo, sáng suốt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch có hiệu quả.
Các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch bệnh
Sáng 9/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo với các địa phương. Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch trong 2 tuần qua (từ cuộc họp ngày 25/9 của Ban Chỉ đạo quốc gia tới nay); vấn đề tổ chức cho người dân về quê theo nguyện vọng; hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; công tác bảo đảm an sinh xã hội, tổ chức giao thông, lưu thông hàng hóa trong những ngày tới...
Theo Báo cáo của Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Tại TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt. Trong 2 tuần qua, số ca mắc trong cộng đồng giảm 44,7% so với 2 tuần trước, giảm 47,3% so với 1 tuần trước đó. Tuy nhiên, một số địa phương ghi nhận số ca mắc cộng đồng tăng so với tuần trước, gồm: An Giang 495 ca (tăng 177 ca), Bà Rịa-Vũng Tàu 72 ca (tăng 53), Bình Thuận 148 ca (tăng 45 ca), Quảng Ngãi 39 ca (tăng 32 ca), Hà Nam 25 ca (tăng 17 ca).
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và lãnh đạo các địa phương, số ca mắc tăng tại các tỉnh này chủ yếu là do xét nghiệm tầm soát những người trở về địa phương. Theo báo cáo sơ bộ, từ ngày 1/10 đến nay, tại 43 tỉnh, thành phố đã ghi nhận khoảng 180.000 người trở về địa phương, trong đó có 1.031 người có kết quả xét nghiệm dương tính.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phân tích thêm, tỷ lệ nhiễm tại TP.HCM đã giảm rất sâu. Hiện tỷ lệ xét nghiệm dương tính tại TP. HCM khoảng 0,2% (tức là giảm 20 lần so với tỷ lệ 3,7-4% lúc đỉnh dịch). Theo các tính toán của các chuyên gia, các quyết sách phòng chống dịch đúng hướng và hiệu quả thời gian qua đã giúp tránh được hàng triệu ca lây nhiễm và khoảng 50.000 ca tử vong tại TP. HCM.
Nhiều bệnh viện dã chiến tại TP. HCM đã có giường trống, số lượng bệnh nhân tại các trung tâm hồi sức tích cực của Bộ Y tế cũng giảm 60%. Đây là những hình ảnh rất xúc động", Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, tốc độ bao phủ vaccine của Việt Nam đang tăng rất nhanh, hiện tốc độ tiêm có thể đạt trung bình 1,5 triệu mũi mỗi ngày. Bộ trưởng cho biết với tất cả các nước, các đối tác có khả năng cung cấp vaccine, Thủ tướng Chính phủ đều điện đàm, gửi thư, trao đổi. Tính đến ngày 8/10, cả nước đã tiêm được khoảng 51,4 triệu liều, trong đó khoảng 23,8 triệu người đã tiêm 1 liều và 13,8 triệu người tiêm đủ 2 liều. Tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều là 52,3% dân số từ 18 tuổi trở lên. Các số liệu mới nhất cũng cho thấy, đã có 74 triệu liều vaccine về tới Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, tình hình dịch bệnh trong nước vẫn diễn biến khó lường; nguy cơ dịch bệnh gia tăng và bùng phát trở lại có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào, nhất là thời gian qua đã có số lượng lớn người dân di chuyển về quê từ các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đợt dịch tiếp theo nếu chủ quan, lơ là.
Đón người dân về quê an toàn, tránh bị động, lúng túng
Tại cuộc họp, Thủ tướng biểu dương An Giang đã thực hiện công tác này linh hoạt, sáng tạo trên cơ sở chỉ đạo chung của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia, đón tiếp bà con trở về với những hình ảnh rất xúc động. Tỉnh đã thực hiện các biện pháp y tế, điều trị các ca F0, đưa bà con về tận xã, phường, thị trấn theo đúng tinh thần lấy xã phường là pháo đài, quản lý người trở về ngay tại cơ sở. Điều này giúp việc trở về của bà con vừa có trật tự, vừa bảo đảm về y tế, vừa bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy cho biết số ca F0 những ngày qua chủ yếu xuất hiện trong các gia đình và phân xưởng sản xuất đã được cách ly, phong tỏa. Đợt dịch này tại Hà Nam xuất hiện chủ yếu ở khu công nghiệp và trường học, nhưng trong 7 khu công nghiệp của tỉnh đến nay chỉ có 1 khu có F0, tại khu này cũng chỉ có 3 trong số 144 nhà máy có ca nhiễm.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương bám sát chủ trương chuyển hướng chiến lược đã được thống nhất là từ "zero COVID" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế đang được khẩn trương xây dựng với các nhóm giải pháp lớn về phát triển du lịch, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp, khơi thông nguồn lực xã hội và đầu tư công, phục hồi thị trường lao động, cắt giảm thủ tục hành chính...
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng, trong thời gian qua, đã có những quyết định mang tính bước ngoặt trong công tác phòng chống dịch. Báo cáo của MTTQ tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV nhận định việc thực hiện kế hoạch vaccine là rất khó khăn, nhưng đến nay, chúng ta đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đưa lượng lớn vaccine về nước và tiêm miễn phí cho người dân. Điều này không chỉ có ý nghĩa với phòng chống dịch mà còn an dân, tạo niềm tin cho người dân.
Thứ hai, việc kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia đã đáp ứng được tình hình, bối cảnh rất cấp bách khi đó. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và các đại biểu nhắc lại hàng loạt quyết định rất khó khăn nhưng đúng đắn, đầy bản lĩnh của Ban Chỉ đạo quốc gia, của Thủ tướng Chính phủ trong những thời khắc cam go, khi còn có nhiều ý kiến khác nhau, như việc điều động gần 300 nghìn nhân lực trong thời gian rất ngắn chi viện cho các địa phương phòng chống dịch, xây dựng hàng chục bệnh viện dã chiến, hàng trăm trạm y tế lưu động, xét nghiệm thần tốc, nhiều vòng tại TP. Hà Nội, xuất cấp gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương... Thực tiễn đã chứng minh hiệu quả và sự cần thiết của các quyết định này.
Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất bình tĩnh
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các ý kiến cơ bản thống nhất với báo cáo của Bộ Y tế, đánh giá tình hình dịch bệnh trong 2 tuần qua đã từng bước được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các ổ dịch lớn như TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, một số tỉnh bùng phát dịch như Kiên Giang cũng đã từng bước kiểm soát rất tốt.
Để đạt được những kết quả này, những nguyên nhân chính là chúng ta đã kiên trì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch dựa vào 3 trụ cột là cách ly (hẹp nhất và chặt nhất có thể), xét nghiệm (thần tốc nhưng an toàn, khoa học, hợp lý và hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế) và điều trị (từ xa, từ sớm, từ ngay tại cơ sở, góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong). Cùng với đó, chúng ta có nhiều kinh nghiệm hơn, tự tin hơn, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tốt hơn. Nguyên nhân thứ ba là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, MTTQ và các đoàn thể, sự đồng tình, hưởng ứng của đại đa số nhân dân.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Thủ tướng yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương, lãnh đạo các cấp tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất bình tĩnh; phải tỉnh táo, sáng suốt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch có hiệu quả.
Thủ tướng nêu rõ một số việc nổi lên trong hai tuần qua: Người dân trở về quê và từ quê quay trở lại; vận tải, lưu thông hàng hóa còn ách tắc; ứng dụng công nghệ còn trục trặc. Việc chăm lo đời sống nhân dân vẫn còn sót lọt một số đối tượng. Chúng ta cũng bắt đầu phục hồi sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng nhấn mạnh, từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế được đúc rút thời gian qua, trong thời gian tới, phải có tư duy, nhận thức và tổ chức thực hiện đổi mới hơn, sát tình hình thực tế hơn, phù hợp diễn biến tình hình dịch bệnh và yêu cầu khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ một số nhiệm vụ cụ thể cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thời gian tới.
- Thứ nhất, ban hành hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh một cách phù hợp, hiệu quả và tổ chức thực hiện thống nhất trên toàn quốc;
- Thứ hai, các địa phương phải nắm chắc tình hình, chia sẻ, phối hợp tổ chức thật tốt việc đưa đón người về quê và từ quê trở lại, bảo đảm kiểm soát dịch bệnh và an toàn, an ninh cho nhân dân;
- Thứ ba, tiếp tục quyết liệt thực hiện, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chiến lược vaccine;
- Thứ tư, việc khôi phục sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất.
Lưu thông và GTVT thống nhất trên toàn quốc
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành quyết liệt chỉ đạo để việc lưu thông và giao thông vận tải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, cả hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ. Các địa phương theo điều tiết chung, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, không chia cắt. "Thận trọng, không chủ quan nhưng phải làm, có bước đi, có lộ trình, trước hết thí điểm 1 tuần, sau đó sơ kết, cái gì tốt thì tiếp tục làm, không tốt thì dừng", Thủ tướng nêu rõ. Bộ GTVT tham khảo ý kiến các địa phương nhưng người quyết định phải là Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Bộ GTVT, đồng thời tăng cường kiểm tra, không để mỗi địa phương làm một kiểu.
Tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo đảm an sinh xã hội, không để sót, để lọt các đối tượng được hưởng thụ chính sách, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp chặt chẽ trong việc tích hợp các nền tảng, chia sẻ các dữ liệu để ứng dụng công nghệ thông tin thật hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác thông tin – tuyên truyền theo hướng chủ động, tích cực, có kế hoạch bài bản, phản ánh đúng tình hình, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.
Bộ Ngoại giao nghiên cứu, tính toán lộ trình thực hiện "hộ chiếu vaccine", Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo cho học sinh đi học bình thường trở lại ở những nơi an toàn, nhất là những nơi xa xôi, miền núi, hải đảo…
Các địa phương, bộ ngành phối hợp chặt chẽ hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Bộ Y tế tiến hành sơ kết, đánh giá đợt dịch lần thứ 4, rút các kinh nghiệm, bài học và động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân. Thủ tướng lưu ý tiếp tục bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội. Các tiểu ban tiếp tục theo dõi, nắm tình hình, báo cáo theo quy định. Thủ tướng đề nghị các lực lượng chi viện tiếp tục kiên trì ở lại các tỉnh, thành phố phía Nam tới khoảng cuối tháng 10, khi việc bao phủ vaccine cho người dân đã đạt mức tương đối an toàn.
Thủ tướng giao các bộ ngành nắm chắc tình hình, xử lý các đề xuất của địa phương theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ xem xét, giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền cao hơn quyết định. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1)
Để không còn những cuộc ra quân!
Sau những ngày kiên cường ứng phó với dịch bệnh. Đến thời điểm này, đợt bùng phát dịch lần thứ tư khốc liệt do biến chủng Delta gây ra đã cơ bản được khống chế. Các “chiến sĩ áo trắng” trong đoàn quân “Nam tiến” đang thu xếp công việc, bàn giao lại cho các đồng nghiệp sở tại để trở về với gia đình và công việc thường nhật.
“Nam tiến”
Trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát khốc liệt tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hàng vạn y bác sĩ, nhân viên y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng quân đội, công an đã gác lại việc riêng, xung phong lên đường chống dịch.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, để ngăn chặn và đẩy lùi đợt dịch này, cả nước đã huy động, điều động một lực lượng lớn nhân lực của y tế, quân đội, công an với gần 300.000 lượt cán bộ của Trung ương và các địa phương hỗ trợ cho TPHCM, Hà Nội và nhiều địa phương khác. Trong đó, ngành y tế đã huy động 19.787 cán bộ y tế (3.183 bác sĩ, 6.340 điều dưỡng, 227 nhân viên kỹ thuật y tế, 847 giảng viên, 7.841 sinh viên và 1.349 cán bộ y tế khác). Lực lượng quân đội huy động 133.114 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ, lực lượng quân y. Lực lượng công an cũng đã huy động 126.000 lượt cán bộ, chiến sĩ.
Hòa trong “đoàn quân Nam tiến”, điều dưỡng viên Nguyễn Văn Mạnh cùng các y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô đã lên đường tình nguyện vào chống dịch tại tỉnh Tiền Giang. Tại đây đoàn công tác trực tiếp vận hành Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 (Trung tâm ICU) đặt tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Tiền Giang, thu dung, điều trị cho các bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch. Đây là cơ sở điều trị tuyến cuối thuộc “tháp điều trị 3 tầng” của Bộ Y tế. Trung tâm được chia làm 3 tầng, tương ứng với khu điều trị bệnh nhân nguy kịch, nặng đến nhẹ và đủ điều kiện xuất viện.
"Chiến trường khốc liệt"
Có lẽ ký ức không thể nào quên trong những ngày trực chiến tại Trung tâm ICU Tiền Giang của điều dưỡng Nguyễn Văn Mạnh là lần anh cùng đồng nghiệp cõng bệnh nhân, ôm bình ô xy từ tầng 3 xuống tầng 1, giành lại sự sống trong gang tấc.
Hơn 10 giờ đêm tại tầng 3 khu hồi sức - nơi theo dõi, điều trị bệnh nhân nhẹ và trung bình. Một bệnh nhân 66 tuổi, lúc tỉnh, lúc mê, có biểu hiện suy hô hấp, nồng độ ô xy trong máu (SPO2) chỉ đạt 71%. Dù kíp trực đã tiến hành các thủ thuật sơ cứu tại chỗ, nhưng tình hình vẫn không cải thiện, buộc phải di chuyển bệnh nhân thật nhanh xuống tầng 1 (khu vực điều trị cho các ca bệnh nặng, nguy kịch) để cấp cứu. Tuy nhiên, lúc này cả kíp trực chỉ có 3 người (1 nam và 2 nữ), người bệnh lại đang diễn biến xấu rất nhanh. Đưa bệnh nhân bằng cáng xuống 3 tầng lầu vừa tốn thời gian và vừa có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
“Để em cõng cho nhanh”, Nguyễn Văn Mạnh dứt khoát rồi cùng các đồng nghiệp, người thì cõng bệnh nhân, người đỡ lưng, người thì ôm bình oxy nặng gần 20kg nhanh chóng di chuyển xuống tầng một. Vào đến phòng cấp cứu, chỉ số SPO2 của bệnh nhân chỉ còn 43%, rồi 39%....
Trong tình thế khẩn cấp đó, cả kíp trực nhanh chóng tiến hành các thủ thuật cấp cứu, đặt máy thở, đường truyền, mắc monitor theo dõi các chỉ số sinh tồn,… “May quá, SPO2 lên rồi lên rồi, cố lên cố lên, không phải đặt nội khí quản nữa rồi”, kíp trực vui mừng... cứ thế, chỉ số SPO2 nhích lên dần ở mức 60, 65,... rồi 91%. Người bệnh đã vượt qua cơn nguy kịch, từ cõi chết trở về.
Điều dưỡng Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ: Khi nhận thấy người bệnh có những biểu hiện diễn biến xấu nhanh, trong đầu tôi chỉ nghĩ phải khẩn trương cấp cứu, cố gắng cứu sống được người bệnh. Bệnh viện lại không có thang máy, cơ sở vật chất hạn chế, mà chỉ có 3 chị em, việc vận chuyển bằng cáng là không khả thi, vì thế tôi cùng mọi người đã ngay lập tức cõng bệnh nhân xuống phòng cấp cứu. Thật may, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
“Đêm trắng”
Trên đây chỉ là một ví dụ, trong vô số những tình huống thực tiễn các thầy thuốc làm việc trong khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch hằng giờ, hằng phút phải đối mặt. Bởi với biến chủng Delta quái ác, tất cả các bệnh nhân đều có nguy cơ diễn biến nặng lên và chuyển biến xấu rất nhanh, các nhân viên y tế phải luôn trong tâm thế sẵn sàng.
Không khó để tìm thấy những hình ảnh, clip, thông tin về cuộc chiến với COVID-19 trong mỗi phòng ICU trên các cơ quan truyền thông, báo chí,… Có thể ví nơi đây như một chiến trường ác liệt. Nơi chiến tuyến được phân đôi rõ rệt. Một bên là người bệnh và các thầy thuốc. Bên kia là kẻ hủy diệt vô hình virus SARS-CoV-2. Người bệnh cùng các thầy thuốc từng giây, từng phút đối mặt ‘chiến đấu” với tử thần.
Cuộc chiến trong phòng ICU tuy là cuộc chiến không tiếng súng, nhưng thương vong là có thật. Ở nơi này sự sống thật mong manh. Ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ trong một gang tấc. Trong phòng ICU, mọi biến cố đều có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Không ít bệnh nhân hôm trước còn tỉnh táo, nói chuyện với các y bác sĩ, còn gọi điện, nhắn tin về cho người thân, nhưng chỉ ngay ngày hôm sau thôi, bỗng trở nặng rất nhanh và ra đi mãi mãi. Mỗi khi trong phòng xuất hiện 1 chiếc giường trống. Có thể một bệnh nhân đã chiến thắng dịch bệnh. Nhưng cũng có thể là một trái tim đã ngừng đập, một người vừa trút hơi thở cuối cùng. Họ đã bước qua lằn ranh sinh tử.
Mỗi ca trực đêm của nhân viên y tế trong phòng ICU thường kéo dài từ 21.00’ hôm trước tới 7.00’ hôm sau. Trong "đêm trắng", họ không thể uống nước, đi vệ sinh hay thậm chí là lau nước mắt mỗi khi phải “bất lực" chứng kiến người bệnh qua đời. Chính vì vậy, với mỗi người “chiến sĩ áo trắng”, khi đã mặc trên người bộ đồ bảo hộ bước vào phòng ICU, họ đều xác định tâm thế, vất vả, mệt mỏi, thậm chí kiệt sức vì lao lực nhưng vẫn phải cố gắng, làm được gì, chăm sóc được cho bệnh nhân thì cũng phải làm tối đa, không ngại ngần gì hết, miễn sao có ít bệnh nhân chuyển nặng và ít người tử vong nhất. Đã vào đến mặt trận này rồi thì phải như vậy! Bởi giành lại sự sống cho bệnh nhân, giành lại môi trường y tế công cộng an toàn cho nhân dân chính là tâm nguyện và lẽ sống của của những người thầy thuốc.
Như chia sẻ của một thành viên trong đoàn công tác của Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô: Mỗi kíp trực, chúng tôi phải liên tục theo dõi và chăm sóc cho 18 bệnh nhân diễn biến nặng. Trực ca đêm, ai cũng đều mệt mỏi, nhưng vì tính mạng của người bệnh cũng như trách nhiệm của một nhân viên y tế, chúng tôi luôn cố gắng, nỗ lực từng giây, từng phút, chỉ mong sao người bệnh được khỏe mạnh, đó cũng là niềm vui, động lực để chúng tôi tiếp tục chiến đấu trong cuộc chiến cam go này.
Trở về và những ưu tư
Sau những chuỗi ngày dài cả nước chung sức đồng lòng, cùng nhân dân TPHCM và các tỉnh phía Nam kiên cường ứng phó đại dịch COVID-19, đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh đã được đẩy lùi, cơ bản chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh. Tại những địa bàn vốn trước đây được coi là “điểm nóng, tuyến lửa”, cuộc sống bình thường mới đang dần trở lại ngày càng đậm đà hơn những sắc thái của sự hồi sinh.
Ngày 6/10, Bộ Y tế đã ban hành văn bản về việc rút nhân lực y tế chi viện chống dịch COVID-19 trở về các địa phương công tác. Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, điều dưỡng Nguyễn Văn Mạnh cho biết, đến hôm nay (7/10), qua gần 2 tháng anh cùng đoàn cán bộ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô bám trụ tại Trung tâm ICU Tiền Giang, hiện tình hình dịch bệnh ở Tiền Giang đã tạm ổn, anh cùng đoàn công tác đang làm thủ tục bàn giao lại cho địa phương để “rút quân”.
Đẩy lùi được dịch bệnh, các “chiến sĩ áo trắng” trở về với gia đình, người thân và công việc thường nhật. Tuy nhiên, chia sẻ với báo chí, nhiều người vẫn nặng những ưu tư, bởi dịch bệnh tuy đã được khống chế trên phạm vi cả nước những vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại, độ bao phủ vaccine của cả nước vẫn chưa đủ để tạo ra miễn dịch cộng đồng; khả năng xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với độc lực cao hơn vẫn từng ngày, từng phút đe dọa cuộc sống bình yên của nhân dân; công cuộc phòng chống dịch bệnh, gắn với khôi phục và phát triển KT-XH trên cả nước vẫn còn không ít ngổn ngang, thử thách phải đối mặt…
Vì lẽ đó, khi cả nước trở lại với cuộc sống bình thường mới, hơn lúc nào hết, từ mỗi người dân, đến các cơ quan, doanh nghiệp và các cấp chính quyền đều cần phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh” và các khuyến cáo của cơ quan y tế, “để không còn những cuộc ra quân”, như tâm nguyện của những “chiến sĩ áo trắng” trên tuyến đầu chống dịch chia sẻ./. (Gia đình & Xã hội, trang 1)
Hà Nội bỏ quy định cách ly tập trung 7 ngày đối với người về từ TP Hồ Chí Minh
Sau khi lên tiếng lý giải vì sao phải cách ly tập trung 7 ngày đối với người từ TP Hồ Chí Minh về Hà Nội bằng đường hàng không, chiều tối nay (11/10), UBND TP Hà Nội bất ngờ ra văn bản bỏ quy định trên.
Chiều tối ngày 11/10, UBND TP Hà Nội đã có văn bản về việc triển khai thí điểm mở đường bay nội địa thường lệ đi và đến TP. Theo đó, UBND TP Hà Nội thống nhất với Bộ Giao thông vận tải thực hiện Quy định tạm thời triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, từ ngày 10/10 đến ngày 20/10 tổ chức khai thác đường bay giữa Hà Nội – TP Hồ Chí Minh và Hà Nội - Đà Nẵng với tần suất 1 chuyến/ngày (chở khách 2 chiều), ngồi giãn cách 50% công suất.
Theo đó, đối với hành khách đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế thì thực hiện theo dõi sức khoẻ tại nhà hoặc nơi lưu trú và thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 theo quy định của trung ương và TP.
UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành TP Hà Nội và các tỉnh, TP có liên quan (nơi có hành khách đi đến sân bay quốc tế Nội Bài) trong quá trình chức bán vé, đưa đón hành khách, người đưa đón đến sân bay quốc tế Nội Bài, đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19.
Lãnh đạo TP giao Sở Y tế là cơ quan chủ trì, đầu mối phối hợp tiếp nhận thông tin hành khách để phối hợp quản lý, kiểm soát dịch COVID-19, theo dõi sức khoẻ hành khách tại nhà, nơi lưu trú theo quy định của Trung ương và TP; phối hợp với Cảng vụ hàng không, các hãng hàng không kiểm soát dịch tễ đối với hành khách tại sân bay quốc tế Nội Bài đề sàng lọc, phân loại và thông báo cho UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn được biết để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định.
Hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn quản lý, giám sát hành khách tại nơi cư trú, lưu trú đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp y tế về phòng, chống dịch COVID-19 theo các quy định của trung ương và TP đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. (Công an Nhân dân, trang 1)
Sơ kết công tác Công an trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19
“Đây là mất mát to lớn đối với gia đình, người thân và lực lượng CAND. Song sự mất mát đó càng thắp sáng niềm tin cho chúng ta về tinh thần đồng lòng, quyết tâm cao độ, sự nỗ lực, ý chí lớn lao để chiến thắng đại dịch COVID-19” – Bộ trưởng Tô Lâm xúc động, gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các đồng chí đã hy sinh trong cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19.
Lãnh đạo Bộ Công an gửi Thư khen Công an Đồng Nai triệt phá thành công chuyên án ma túy
Chiều 11/10, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị sơ kết công tác Công an trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Tham dự hội nghị có Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy tiền phương Bộ Công an; Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy tiền phương Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế… Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đến các điểm cầu truyền hình tại Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác Công an trong phòng, chống dịch COVID-19 là Hội nghị rất quan trọng để đánh giá toàn diện những kết quả đã đạt được trong triển khai các mặt công tác Công an gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch thời gian qua, đặc biệt trong đợt dịch lần thứ 4; thẳng thắn nhìn nhận, phân tích rõ những vấn đề còn tồn tại, bất cập, nguyên nhân; rút ra những bài học kinh nghiệm trong chỉ huy, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện tại cơ sở; thống nhất quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác Công an trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đồng thời, nhằm đưa công tác đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội, an dân, yên ổn lòng dân là nhiệm vụ thường xuyên, xuyên suốt và là một trong những trụ cột cơ bản, cốt lõi trong phòng, chống dịch thời gian tới và lâu dài.
Tại Hội nghị, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an trình bày báo cáo kết quả công tác Công an trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nêu rõ: Từ đầu năm 2021 đến nay, đặc biệt là trong đợt dịch thứ 4, lực lượng CAND đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt, quan trọng trên tuyến đầu phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Những kết quả đạt được của lực lượng CAND đã góp phần quan trọng cùng cả hệ thống chính trị cơ bản đến nay kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, Bộ Công an đã ban hành nhiều kế hoạch, phương án về đảm bảo an ninh, trật tự. Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường chủ động dự báo tình hình, trao đổi, phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện thống nhất, hiệu quả, toàn diện các mặt công tác Công an kết hợp các giải pháp phòng, chống dịch.
Bộ Công an đã sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước giao và các nguồn lực sẵn có, tại chỗ, tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch; chủ động công tác hậu cần, trang cấp kịp thời phương tiện, thiết bị cho Công an các đơn vị, địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và sẵn sàng chiến đấu của lực lượng CAND.
Bộ Công an là một trong các cơ quan đầu tiên thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương phòng, chống dịch tại phía Nam do một đồng chí Thứ trưởng làm Chỉ huy trưởng, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch của Công an các đơn vị, địa phương phía Nam; qua đó, đã thiết lập được cơ chế chỉ đạo, chỉ huy thống nhất; huy động và điều phối có hiệu quả các lực lượng, các nguồn lực của Bộ và Công an địa phương trong phòng, chống dịch bệnh; nhất là tại các địa bàn dịch diễn biến đặc biệt phức tạp.
Trong đợt dịch thứ 4, Bộ Công an đã xây dựng hơn 150 báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước về nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Công an các đơn vị, địa phương đã tham mưu hiệu quả cho Đảng ủy, chính quyền địa phương ban hành nhiều chính sách về phòng, chống dịch, đảm bảo an ninh, trật tự, an dân, an sinh; đặc biệt là tại các tỉnh có dịch diễn biến phức tạp. Nhiều đề xuất về chính sách của Công an đơn vị, địa phương đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch.
Trong công tác đảm bảo ANTT, phòng, chống tội phạm, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường nắm, kiểm soát tốt tình hình trên không gian mạng; xử phạt hành chính trên 150 đối tượng đăng tải tin giả, sai sự thật; ngăn chặn, yêu cầu gỡ bỏ 10.944 tin, bài viết, video chứa thông tin xấu độc.
Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm 2021, lực lượng CAND đã tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh, hàng giả, hàng kém chất lượng; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan các mặt hàng thiết yếu, y tế, lương thực, thực phẩm, gây bất ổn thị trường, lừa đảo chiếm đoạt tài sản...; triệt phá nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia, tụ điểm ma túy phức tạp. Đã điều tra, làm rõ 26.587 vụ phạm tội về trật tự xã hội, bắt 56.382 đối tượng; triệt phá 1.225 băng, nhóm tội phạm.
Lực lượng CSGT đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải, lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch và đời sống nhân dân; kiểm soát phương tiện vận tải có mã nhận diện “luồng xanh” qua các chốt kiểm soát dịch. Đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi lợi dụng việc cấp giấy nhận diện QR Code cho các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu để vi phạm. Công an các đơn vị, địa phương đã triển khai hơn 29.000 lượt CBCS tại gần 15.000 tổ, chốt và khu vực phong tỏa, cách ly tập trung; kiểm soát người, phương tiện đi lại giữa các vùng dịch; xử phạt vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đã thông báo nội dung cơ bản kết luận Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII); chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về công tác phòng, chống dịch COVID-19…
“Về tình trạng người dân về quê, tính từ tháng 7 cho đến nay, người dân qua các đợt rải rác về quê khoảng 300.000 lượt. Từ 30/9 cho đến nay khoảng gần 200.000 người. Qua kiểm soát, có trên 1.000 người dương tính với COVID-19, chiếm tỉ lệ 0,02% người dân về quê. Hiện nay, các tỉnh đã có tiếp nhận, cách ly cũng như thực hiện công tác phòng, chống dịch, không để lây lan vượt ra tầm kiểm soát…” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng thông tin thêm về tình hình người dân về quê trong thời gian qua.
Chia sẻ tại hội nghị về tình hình tội phạm, các giải pháp đảm bảo ANTT, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các đơn vị Công an nơi tuyến đầu, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết: Theo dõi về các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, từ ngày 21/9 cho đến nay, khi các tỉnh, thành phố có các Quyết định nới lỏng giãn cách, tình hình tội phạm như giết người thân, cướp tài sản, lừa đảo, trộm cắp, tín dụng đen, thậm chí cờ bạc, mại dâm ngoài các địa bàn công cộng đã xuất hiện.
Đề nghị Công an các đơn vị, địa phương, người đứng đầu triển khai nghiêm túc các Chỉ thị của Bộ, chịu trách nhiệm kiểm tra cho tới cấp xã, chỉ đạo sát; các đồng chí nhận nhiệm vụ tại địa bàn, có chế độ thông tin kịp thời. Bên cạnh đó, nhằm tạo thuận lợi cho nhân dân đủ điều kiện đi lại, các đơn vị cần tiếp tục huy động lực lượng Công an xã, Công an khu vực trên nền tảng các dữ liệu thông tin của mỗi người, đối sánh với cơ sở, chuyển lại Trung tâm dữ liệu quốc gia quản lý, phối hợp với Bộ Y tế, thực hiện nhiệm vụ xác thực đối với tất cả các công dân về dữ liệu tiêm vaccine, xét nghiệm trong thực hiện tiêu chuẩn của Bộ Y tế…
Tại hội nghị, các đại biểu đại diện các đơn vị tuyến đầu đã thảo luận thẳng thắn, đánh giá khách quan, toàn diện và cụ thể về công tác, nhiệm vụ của lực lượng CAND trên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội, an dân, hỗ trợ đồng bào lúc khó khăn dịch bệnh. Đặc biệt tập trung về kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua, phương hướng, mục tiêu, yêu cầu công tác Công an trong nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh thời gian tới cũng như lâu dài, nhằm quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với mục tiêu phục hồi nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, làm mới đời sống văn hóa của mọi tầng lớp Nhân dân trong điều kiện bình thường mới…
“Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện cho đến nay, sự đánh giá của cấp ủy, chính quyền các cấp về lực lượng CAND rất cao, đó là trong công tác tham mưu hết sức kịp thời, hoạt động rất hiệu quả của Công an các cấp, đặc biệt là Công an các đơn vị, địa phương. Niềm tin của Nhân dân vào lực lượng Công an ngày càng được khẳng định. Trong quá trình, đóng góp to lớn đó, lực lượng CAND cũng có những mất mát, hàng nghìn CBCS bị lây nhiễm, 11 đồng chí đã hy sinh và không may qua đời. Trong đó, có những đồng chí, những em tuổi đời, tuổi Ngành còn rất trẻ…” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn chia sẻ; đồng thời đề nghị các đơn vị, địa phương, Cục Tổ chức cán bộ và các đơn vị liên quan rà soát hoàn cảnh gia đình của các đồng chí không may hy sinh trong làm nhiệm vụ để có chính sách phù hợp; khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch COVID-19…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, qua các báo cáo, có thể đánh giá, do tác động của dịch bệnh, công tác đảm bảo an ninh, trật tự có nhiều thách thức rất lớn, rất mới, nổi lên là hoạt động xuyên tạc chủ trương điều hành, chỉ đạo phòng, chống dịch để chống phá Đảng, Nhà nước. Tình hình an ninh kinh tế, an ninh tôn giáo, an ninh công nhân, an ninh trong các khu dân cư…; hoạt động của các loại tội phạm hình sự, kinh tế, gian lận thương mại, tham nhũng, tiêu cực, tội phạm mạng, tội phạm về ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trong bối cảnh tình hình đó, lực lượng CAND đã quán triệt, triển khai nghiêm túc lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Chỉ đạo của Chủ tịch nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia; thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua đặc biệt “Lực lượng CAND – Lá chắn, phòng, chống dịch COVID-19 – Thanh bảo kiếm đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội” thể hiện bản lĩnh, chính trị, kiên định, vững vàng, gương mẫu, trách nhiệm tuyệt đối, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng phát huy tốt vai trò là lực lượng xung kích, nòng cốt trên tuyến đầu phòng, chống dịch và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, an dân, phục vụ và bảo vệ cuộc sống an toàn của mọi người dân.
Trong đợt dịch thứ 4, lực lượng Công an đã huy động hơn 100 nghìn CBCS, học viên CAND tham gia ở hầu hết các hoạt động phòng, chống dịch. Từ truy vết, khoanh vùng đến chốt chặn, bảo đảm ANTT tại các địa bàn, địa điểm cách ly, phong tỏa. Tại các địa phương phía Nam, ngoài lực lượng tại chỗ, Bộ Công an đã điều động tăng cường hơn 8.000 CBCS các đơn vị trực thuộc Bộ và học viên các trường CAND, cử 1.163 cán bộ y tế tăng cường cho các địa phương có diễn biến dịch phức tạp, đảm bảo ANTT trên địa bàn, đảm bảo hoạt động cơ bản của mọi người dân, các chuỗi cung ứng sản xuất, lưu thông hàng hóa, phục vụ tưng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh từ quy mô nhỏ cho đến các hoạt động sản xuất đại trà lớn tại các khu công nghiệp, các vùng kinh tế trọng điểm. Mặt khác, đã rất linh hoạt và chủ động xử lý những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong hoạt động của các phương tiện vận tải luồng xanh giúp lưu thông hàng hóa, hỗ trợ người dân về quê. Qua công tác, làm nhiệm vụ, xuất hiện nhiều hình ảnh rất đẹp, rất cảm động về thái độ phục vụ Nhân dân của các CBCS Công an như tận tình hỗ trợ, khám chữa bệnh, giúp đỡ, thân thiện, chia sẻ khó khăn với người dân, được Nhân dân, dư luận đánh giá cao…
Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm gửi lời cảm ơn sự chỉ đạo, phối hợp, ủng hộ của các Ngành, các cấp ủy cơ quan các địa phương và các tầng lớp Nhân dân đã đồng hành, hưởng ứng, giúp đỡ lực lượng Công an hoàn thành nhiệm vụ; đồng thời ghi nhận, biểu dương những kết quả, nỗ lực, cố gắng của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của Bộ, Bộ Chỉ huy tiền phương, tập thể lãnh đạo, CBCS Công an các đơn vị, địa phương và các lực lượng chi viện trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua.
Bộ trưởng Tô Lâm gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các đồng chí đã hy sinh, tử vong và chia sẻ với các đồng chí đã bị thương, nhiệm bệnh, thiệt hại một phần sức khỏe trong cuộc chiến với dịch bệnh. “Đây là mất mát to lớn đối với gia đình, người thân và lực lượng CAND. Song sự mất mát đó càng thắp sáng niềm tin cho chúng ta về tinh thần đồng lòng, quyết tâm cao độ, sự nỗ lực, ý chí lớn lao để chiến thắng đại dịch COVID-19” – Bộ trưởng Tô Lâm xúc động cho biết.
Trước những diễn biến phức tạp, chưa từng có tiền lệ của dịch bệnh; một số tồn tại, hạn chế có thể phải cần thời gian để đúc rút, chia sẻ kinh nghiệm, phổ biến cách làm hay, việc làm sáng tạo. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ và các địa phương phải đồng lòng, thống nhất, quyết tâm rút ngắn nhất thời gian “học việc phòng, chống dịch”. Lực lượng Công an phải “đi trước một bước”; thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa từ cấp ủy, lãnh đạo chỉ huy đến từng cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là khi triển khai Chiến lược mới phòng, chống dịch nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”…
Dự báo từ nay đến cuối năm 2021 và trong năm 2022, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ đã quyết định công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ thực hiện theo chiến lược “thích ứng an toàn, hiệu quả, có kiểm soát”, đây là bước ngoặt trong cuộc chiến phòng, chống dịch, sẽ đặt ra nhiều yêu cầu rất mới đối với công tác Công an trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ANTT và phòng, chống dịch bệnh.
Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu nhiệm vụ Công an trong thời gian tới, phải quán triệt 3 phương châm: “Phòng, chống dịch COVID-19 là trọng tâm”, “Bảo đảm ANTT, giữ vững ổn định xã hội là trọng yếu, xuyên suốt”, “Thực hiện an dân, an sinh xã hội, phục vụ phát triển kinh tế xã hội là thường xuyên, then chốt”…
Bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, trong những ngày tới, tình hình mưa bão, thiên tai tác động, ảnh hưởng đến các địa phương khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; đặc biệt là diễn biến trong những ngày tới của Cơn bão số 8 sẽ nguy cơ ngập lụt tại các tuyến Quốc lộ, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Công an các địa phương thông báo cho người dân, đặc biệt là số người từ các tỉnh phía Nam về quê tại các tỉnh phía Bắc đang di chuyển ngang qua địa bàn. Đồng thời chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo kịp thời dừng toàn bộ hoạt động di chuyển của người dân khi bão vào, có phương án tiếp đón, hỗ trợ người dân tạm thời tránh bão; đồng thời, có sự trao đổi giữa các địa phương để thông tin kịp thời, tạo thuận lợi cho người dân tiếp tục di chuyển khi hết bão…
Tại hội nghị, Ban Tổ chức đã trao Bằng khen của Bộ Công an cho một số tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. (Công an Nhân dân, trang 2).