Năm 2020, số lượt khám chữa bệnh giảm mạnh
Cụ thể, tổng số lượt khám và điều trị ngoại trú giảm hơn 4,2 triệu lượt, tương ứng giảm 20,8%. Giảm mạnh nhất là phòng khám đa khoa tư nhân giảm 29,4%, tiếp đến là khối trung tâm y tế và trạm y tế giảm 28,7%, khối các bệnh viện thành phố giảm 21,3%, khối các bệnh viện quận, huyện giảm 16,5%, bệnh viện thuộc bộ, ngành giảm 16,3%.
Đối với số lượt khám và điều trị nội trú giảm hơn 419.000 lượt, tương ứng giảm 16,3%, trong đó các bệnh viện thuộc bộ, ngành giảm nhiều nhất là 19%, các khối bệnh viện thành phố giảm 18,8%, bệnh viện quận, huyện giảm 14,8%, bệnh viện tư giảm 4,5%.
Dịch COVID-19 đã tác động rõ lên nhóm các bệnh viện quá tải, số lượt điều trị nội trú tại các bệnh viện thường xuyên quá tải của thành phố đều giảm trong năm 2020 như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2...
Sở Y tế đánh giá thêm dịch bệnh COVID-19 chắc chắn còn diễn biến phức tạp, chính sách liên thông khám chữa bệnh BHYT tuyến tỉnh đã bắt đầu có hiệu lực, chi phí khám chữa bệnh BHYT vượt định mức của các bệnh viện thành phố trong các năm 2018, 2019 chưa được giải quyết, giá viện phí chưa cấu thành đủ các yếu tố, các bệnh viện tiếp tục được giao tự chủ trong những năm tiếp theo... sẽ là những khó khăn và thách thức rất lớn cho ngành y tế thành phố. (Công an nhân dân, trang 4).
Tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax liều mạnh nhất
Chiều 11/1, đại diện Học viện Quân y cho biết, ngày mai (12/1), 20 tình nguyện viên tiếp tục được tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 Nanocovax ở liều cao nhất 75mcg.
20 tình nguyện viên này đều đảm bảo đầy đủ sức khỏe sau khi khám sàng lọc theo quy định của Bộ Y tế. Đây là nhóm tham gia tiêm thử nghiệm cuối cùng liều tối ưu của giai đoạn 1, vaccine Nanocovax do NANOGEN nghiên cứu, sản xuất.
Theo đó, kế hoạch tiêm thử nghiệm liều cao nhất 75mcg sẽ được tiến hành trong nhóm 20 tình nguyện viên, sẽ có 3 tình nguyện viện được lựa chọn ngẫu nhiên để tiêm trước. Sau khi tiêm, các tình nguyện viên sẽ ở lại Học viện Quân y để giám sát chặt sức khỏe trong vòng 72 giờ. Nếu ổn định, tình nguyện viên sẽ được trở về nhà và tiếp tục được giám sát sức khỏe tại địa phương.
Đồng thời 17 tình nguyện viên còn lại trong nhóm cũng sẽ tiếp tục được tiêm thử nghiệm. Theo kế hoạch, 28 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên, tình nguyện viên sẽ quay trở lại điểm nghiên cứu để khám sức khỏe.
Trước đó, ngày 17/12/2020, Học viện Quân y bắt đầu tiêm thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax liều thấp nhất 25mcg. Ngày 26/12/2020 tiêm tiếp liều 50mcg. Sau khi tiêm thử, khoảng 60-70% tình nguyện viên xuất hiện các phản ứng nhẹ như sốt nhẹ hoặc đau nhẹ chỗ tiêm.
Theo các chuyên gia đó là những phản ứng phụ hoàn toàn bình thường khi tiêm vaccine, do cơ thể sản sinh ra kháng thể để chống lại kháng nguyên có trong vaccine. Hầu hết những người có phản ứng phụ đều hết hoàn toàn sau 24h. Theo Học viện Quân y, đến nay sức khỏe của 40 tình nguyện viên tiêm thử nghiệm liều 25mcg và 50mcg đều ổn định.
Theo kế hoạch, sau khi hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, Hội đồng đạo đức của Bộ Y tế và các bên liên quan sẽ đánh giá các kết quả để đưa ra quyết định tiêm thử nghiệm giai đoạn 2, trên 400-600 người (12-75 tuổi). Và giai đoạn 3 sẽ thử nghiệm trên 10.000 - 30.000 người. Trong giai đoạn này, nếu Việt Nam không có dịch, có thể sẽ thử nghiệm ở một số nước dịch bùng phát mạnh như Indonesia, Bangladesh… (Công an nhân dân, trang 7; An ninh Thủ đô, trang 1; Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Bệnh rối loạn tâm thần tấn công người trẻ
“Bác sĩ cho con được khóc”!
Một ngày giữa tháng 12/2020, cậu học sinh lớp 10, tên A. (ngụ tại TPHCM) được cha mẹ đưa đến gặp BS CK2 Trần Minh Khuyên, Trưởng khoa Tâm thần kinh và Trị liệu tâm lý Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TPHCM. Theo lời người nhà, không hiểu vì sao A trở nên lầm lì, không nói chuyện, đêm thức rất khuya…
Quan sát A., cậu chỉ cúi đầu, tay vân vê tà áo với vẻ mặt u uất. Bác sĩ Khuyên ra hiệu với phụ huynh muốn nói chuyện riêng với cậu. Sau vài câu hỏi han, gợi mở, bỗng A nhìn bác sĩ rồi nghẹn ngào nói: “Bác sĩ ơi, xin bác sĩ cho con được khóc…”.
“Lúc này A mới kể do áp lực học tập, cha mẹ muốn cậu phải thực hiện những ước mơ mà họ chưa làm được. Vì vậy, điểm số 7, 8 vẫn bị ba đánh mắng, sỉ nhục. Vào lớp, A không chia sẻ được với bạn bè, ngược lại còn bị công kích nên càng bức bí. Đỉnh điểm, có lần A. còn xách dao rượt bạn học mà bản thân không hề hay biết… Sau này, cô giáo phát hiện, báo với phụ huynh và đưa đến gặp bác sĩ” - BS Khuyên cho biết.
Nữ sinh lớp 11 Lê Mỹ H (17 tuổi) ngoan hiền, học giỏi bỗng “giở chứng” khi tham gia hội nhóm thử thách bản thân trên mạng. Vén áo đưa cánh tay với đủ các sẹo lớn nhỏ, H. nói mình tự rạch tay rồi chụp hình khoe trên mạng.
Theo lời H, do quá bế tắc, chán nản, em tự rạch tay, làm mình bị thương khiến mình cảm thấy thoải mái hơn. “Đi học em thường xuyên bị các bạn trêu chọc. Về nhà lại chứng kiến cảnh bố mẹ mâu thuẫn, nhiều lần xô xát. Tình cờ em quen một nhóm trên mạng và tuy chưa gặp nhau ngoài đời nhưng đã cùng hẹn trải nghiệm cắt tay và đăng hình lên Facebook”, H kể.
Không chỉ tự hành xác, nhiều bạn trẻ còn nuôi ý định tự tử. Vốn là du học sinh ở Singapore, Lưu Thị T kể, trong đầu cô thường xuyên có tiếng thúc giục “chết đi, mình vô dụng lắm, mình làm xấu mặt cha mẹ, là gánh nặng của gia đình. Đi
chết đi…”.
Từ ngày về Việt Nam, T. tự giam mình trong phòng. Cha mẹ khuyên ép mãi mới ra ăn chung bữa sáng. Rồi một ngày nọ, gọi mãi không thấy con ra ăn, linh tính mách bảo, cha mẹ vội đến phòng, phá ổ khóa, phát hiện T. tự tử bằng cách đốt than tổ ong…
Mắc bệnh mà không biết
Theo các chuyên gia y tế, gần đây, tỷ lệ người có dấu hiệu stress, trầm cảm ngày càng nhiều; người bệnh có ý định tự sát cũng gia tăng. Trong tuần đầu tiên của tháng 12/2020 Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TPHCM tiếp nhận và chữa trị cho ba bệnh nhân trầm cảm nặng, rối loạn tâm thần và có dấu hiệu tự tử.
“Nhiều người bệnh đến khám, điều trị có biểu hiện của việc muốn chết hoặc tự gây thương tích cho bản thân như cắt cổ tay, cào xước cơ thể… Đáng nói, nếu trước đây bệnh nhân thường ở độ tuổi từ trên 20-30 thì nay, độ tuổi này đang được trẻ hóa, người bệnh chỉ 13-15 tuổi đã có dấu hiệu muốn tự tử”, BS Khuyên cho biết.
Theo một số chuyên gia tâm lý, điều đáng sợ nhất là bản thân người bệnh không nhận ra mình mắc bệnh. Người nhà cũng không phát hiện người thân của mình có bệnh. Rối loạn tâm thần ở thanh thiếu niên nguy hiểm ở chỗ dễ khiến người bệnh có các hành vi bột phát. Bệnh ở người trẻ thường có biểu hiện rất mãnh liệt, triệu chứng rõ ràng, gia tăng hành vi xung đột, kích động, thậm chí dẫn đến xu hướng muốn tự tử. Những em tỏ ra rất bất cần, kích động cũng có nguy cơ cao.
BS Khuyên cho rằng, đó là hậu quả của cả một quá trình. Khi gặp chuyện, bị stress, cơ thể thay đổi, nhịp tim, adrenaline (hoóc-môn có tác dụng lên thần kinh giao cảm) tăng. Nếu stress được giải tỏa, mọi thứ sẽ trở về mức bình thường nhưng nếu stress kéo dài, cộng dồn ngày này sang ngày khác thì dần dần nhịp tim, huyết áp sẽ luôn tăng, xuất hiện rối loạn chuyển hóa… Lúc đó, người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy hồi hộp, khó chịu, cáu gắt.
“Lâu ngày không được giải tỏa sẽ sinh trầm cảm, rối loạn lo âu và nhiều vấn đề tâm thần khác. Bệnh không được chữa, để lâu nặng dần sẽ sinh ra những hành động vượt ngoài tầm kiểm soát, trong đó có hành vi tự tử hay tự hủy hoại bản thân”, BS Khuyên cho hay.
Đâu là khởi điểm của trầm cảm?
Theo các chuyên gia tâm lý, nhiều trẻ cố tỏ ra bất cần, chống đối cha mẹ nhưng thật ra các em rất muốn có cha mẹ bên cạnh khi gặp những bất ổn trong cuộc sống. Nếu con bị điểm kém, chỉ một câu “không sao đâu” của cha mẹ cũng sẽ giúp trẻ lên tinh thần rất nhiều. Ngược lại, nếu trẻ bị cha mẹ la mắng thêm, áp lực sẽ trở nên quá nặng. Đừng so sánh trẻ với những trẻ khác bởi sẽ khiến các em bị tổn thương nhiều. Mặc cảm, tự ti có thể là khởi điểm của trầm cảm. (Tiền phong, trang 7).
Thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh: Thách thức lớn đối với cơ sở y tế
Từ ngày 1/1/2021, thực hiện chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với khám chữa bệnh BHYT, với việc thông tuyến BHYT này quyền lợi của người bệnh sẽ được nâng lên rõ rệt. Song chính sách này cũng đặt ra một bài toán nan giải cho việc tăng cường phát triển y tế cơ sở, giảm quá tải cho y tế tuyến trên...
Tăng quyền lợi cho người bệnh
Theo quy định tại Khoản 6, Điều 22, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT): Từ ngày 1/1/2021 sẽ thực hiện chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với khám chữa bệnh (KCB) BHYT. Theo đó, người có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc sẽ không cần giấy chuyển viện từ tuyến huyện và được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng (như đúng tuyến - 80%, 95% và 100%). Trước đây khi chưa thông tuyến tỉnh, bệnh nhân khám bệnh trái tuyến chỉ được BHYT thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú.
Các trường hợp KCB, điều trị nội trú tại tuyến TW nếu không có giấy chuyển viện vẫn được chi trả 40%, trừ trường hợp cấp cứu, bệnh nhân là người dân tộc thiểu số và thuộc hộ nghèo hoặc người dân sống tại xã đảo, huyện đảo.
Việc thực hiện thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh với người có thẻ BHYT sẽ tạo thuận lợi hơn rất nhiều. Người bệnh được quyền chọn lựa bệnh viện (BV) để KCB theo nhu cầu. Song, quy định mới này cũng sẽ là thách thức với các BV tuyến tỉnh. Các BV sẽ phải đối mặt với tình trạng "quá tải" khi bệnh nhân (BN) điều trị nội trú gia tăng.
Thách thức lớn đối với cơ sở y tế
Tại Nghệ An, khi triển khai thực hiện chính sách mới này có tình trạng “kẻ cười, người khóc”. Các BV tuyến tỉnh đang thực hiện cơ chế tự chủ rất “phấn khởi” trước viễn cảnh số lượng bệnh nhân đông hơn. Nhiều chuyên gia y tế Nghệ An nhận định: Với chính sách thông tuyến BHYT nội trú, sẽ diễn ra xu thế, người dân TP.Vinh sẽ dồn ra Hà Nội; người dân các huyện và tỉnh Hà Tĩnh đổ về BV tuyến tỉnh. Về phía BV tuyến tỉnh vốn đã quá tải nhưng sẽ không bỏ qua “cơ hội khai thác”. Và chính bản thân BV tuyến tỉnh muốn từ chối BN cũng sẽ không được bởi đây là quyền lợi chính đáng, yêu cầu của BN.
Giám đốc một BV tuyến tỉnh tại Nghệ An cho hay: Thời gian qua, BV đã và đang tích cực mua trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất, không ngừng đầu tư về con người, về quy trình, về kỹ thuật. Điều này đã khiến BV thu hút được người bệnh ở địa phương. Nguy cơ quá tải là có nhưng chúng tự tin đáp ứng được. Nếu muốn BN trở về BV tuyến dưới để điều trị thì thực hiện khám phân luồng. Còn muốn giữ BN ở lại thì chỉ định BN vào thẳng điều trị nội trú... Mặc dù đã có các quy định song việc tiếp nhận, giữ điều trị hay không đang phụ thuộc vào điều kiện của BN tuyến tỉnh.
Với chính sách mới, dẫu đang được “bao cấp” song các BV, trung tâm y tế (TTYT) huyện ở Nghệ An đều ý thức rõ: Quyền lợi của BN là tối thượng. Việc BN tuyến dưới sẽ đổ dồn về BV tuyến tỉnh là xu thế bất khả kháng. Để giữ BN ở lại điều trị ở cơ sở mình thì không còn cách nào khác bản thân lãnh đạo và đội ngũ y, bác sĩ phải không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ để có thể đón tiếp, điều trị BN một cách tốt nhất... Dẫu vậy, nỗi lo sụt giảm BN vẫn luôn thường trực.
BS. Nguyễn Đình Thanh, GĐ TTYT huyện Hưng Nguyên chia sẻ: Thời gian qua, trung tâm rất cố gắng để cải thiện về cơ sở vật chất, sửa sang các khoa phòng, lắp đặt thêm nhiều trang thiết bị như máy xét nghiệm, máy monitor, siêu âm, X-quang; cử 16 bác sĩ đi đào tạo, tiếp nhận 7 bác sĩ trẻ, 3 cử nhân. Ngoài ra, đơn vị cũng không ngừng đổi mới phong cách thái độ phục vụ, xây dựng cơ sở xanh sạch đẹp. Qua đó, BN đã đến với trung tâm nhiều hơn. Song quả thật với chính sách mới trung tâm cũng đang rất lo...
Theo BS. Vi Văn Chiến, Giám đốc TTYT huyện Tương Dương: Thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh đang thực sự là nỗ lo của cơ sở y tế tuyến dưới. BN đau đầu, chóng mặt, rối loạn tiền đình tuyến dưới điều trị được song tuyến tỉnh cũng nhận điều trị. Trong khi đó, thanh toán lại là nguồn phân quỹ BHYT của dưới. Để tránh tình trạng lợi dụng, thiếu công bằng, các cơ quan chức năng cần theo dõi, quản lý chặt điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực ở BV, tránh tình trạng 3 - 4 người nằm 1 giường; thực hiện nghiêm hình thức chuyển người bệnh về tuyến dưới khi tình trạng bệnh ổn định. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).