Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 12/1/2023

  • |
T5g.org.vn - Phòng chống biến thể mới của COVID-19: Không nên phát sinh bất kỳ thủ tục gì khác!; TP.HCM sẽ kích hoạt bệnh viện dã chiến nếu dịch Covid-19 phức tạp; TP.HCM muốn xây thêm nhiều bệnh viện tư; Phấn đấu đến năm 2030 chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực; Hà Nội lên kế hoạch tiếp nhận một số bệnh viện của bộ, ngành Trung ương để quản lý; Quy định mới về việc hưởng chính sách BHXH khi bị ốm đau, mắc COVID-19…

 

Phòng chống biến thể mới của COVID-19: Không nên phát sinh bất kỳ thủ tục gì khác!

Ngày 11/1, Bộ Y tế đề nghị các địa phương, các viện, bệnh viện tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cửa khẩu, phát hiện trường hợp nghi ngờ, mắc COVID-19 để xử lí kịp thời, đặc biệt là với các đối tượng nhập cảnh từ khu vực đang bùng phát dịch, nơi xuất hiện các biến thể mới, nguy hiểm của virus SARS-CoV-2.

Biến thể phụ liên tục biến đổi

Bộ Y tế cho biết, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp, nhất là sự xuất hiện và lây lan nhanh chóng của XBB.1.5, một dòng phụ của biến thể Omicron. Tại Việt Nam, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, biến thể phụ XBB đã xuất hiện tại TPHCM và Tây Ninh nên Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới, tình hình dịch COVID-19 sẽ diễn biến phức tạp.

Cụ thể, các biến chủng, biến thể phụ của virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi; miễn dịch do tiêm vắc xin giảm dần theo thời gian cùng với việc mở cửa, nới lỏng các chính sách phòng, chống dịch của một số nước trong khu vực sẽ dẫn đến nguy cơ số trường hợp mắc COVID-19 gia tăng.
Hiện biến chủng phụ XBB, XBB 1.5 của Omicron lây lan rất nhanh trên toàn thế giới với hơn 60 quốc gia đã ghi nhận chủng này. Ông Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương), đánh giá các ca bệnh xâm nhập là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, Việt Nam từ ghi nhận 1,5 triệu ca COVID-19 một tuần xuống còn dưới 1.000 ca cho thấy hiệu quả của việc bao phủ tiêm vắc xin cho người dân.

“Nền tảng miễn dịch trong nước tăng, ca bệnh nặng giảm, tuy nhiên chúng ta vẫn cần chủ động ứng phó khi các biến chủng virus thay đổi liên tục. Việc lấy mẫu xét nghiệm có mục đích cao nhất là theo dõi các biến chủng mới”, ông Nghĩa nói.

Liên quan vấn đề tiêm chủng vắc xin COVID-19, trong văn bản mới đây nhất gửi UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát đối tượng từ 18 tuổi trở lên đã đến lúc tiêm mũi 3, mũi 4 vắc xin phòng COVID-19 nhưng chưa được tiêm; tuyên truyền, vận động để người dân tiêm chủng.

Trước đó, Bộ Y tế thường xuyên yêu cầu các đơn vị chuyên môn, các địa phương tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương chuẩn bị, sẵn sàng thực hiện phân luồng, thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19; đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch; có các phương án đáp ứng với các tình huống dịch bệnh, trong đó các địa phương chỉ đạo các cơ sở nhận khách lưu trú bố trí nơi cách ly cho trường hợp khách du lịch nhập cảnh bị mắc COVID-19 thể nhẹ và vừa, không cần nhập viện.

Test các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu

Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng test nhanh các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu là việc cần thiết để có biện pháp chống dịch trong thời gian sắp tới. Theo đó, nhân viên y tế lấy mẫu người sốt, ho, khó thở để test nhanh tại chỗ. Nếu kết quả dương tính sẽ tiếp tục lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương giải trình tự gene virus nhằm phát hiện sớm các biến chủng phụ mới. Các ca nhiễm được phân loại kịp thời để điều trị hợp lý.

“Trong bối cảnh mới, các biện pháp phòng chống dịch phải linh hoạt và an toàn chứ không nên phát sinh thêm bất kỳ thủ tục gì khác”, ông Nguyễn Lương Tâm nói.

TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Quản lí Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, quan điểm của Bộ Y tế là không xét nghiệm PCR nhưng “xét nghiệm bất kì” và giải trình tự gene virus, có phương án ứng phó. Cùng với đó phải chuẩn bị các tình huống xử trí khi phát hiện ca bệnh nặng, suy hô hấp, vận chuyển từ cửa khẩu về cơ sở y tế.

Ông Đặng Viết Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế tỉnh Lạng Sơn, cho biết, lực lượng chức năng đã chuẩn bị vật tư y tế, nhân lực, máy đo thân nhiệt từ xa để phát hiện ca nhiễm nhằm cách li và xử lý kịp thời.

Đánh giá về chủng Omicron XBB vừa được TPHCM ghi nhận, ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Y tế dự phòng nói các biến chủng phụ có khả năng lây lan nhanh hơn nhưng vắc xin hiện tại vẫn có thể phòng chuyển bệnh nặng, tử vong. Do dó, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân như đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, tiêm chủng vắc xin đủ liều, đúng lịch. (Tiền phong, trang 6).

 

TP.HCM sẽ kích hoạt bệnh viện dã chiến nếu dịch Covid-19 phức tạp

Ngày 11.1, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM có văn bản gửi UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), bệnh viện (BV) công và tư về việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023.
Theo người đứng đầu ngành y tế TP.HCM, mặc dù hiện ở VN chưa xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5 của chủng vi rút Omicron như các nước trên thế giới nhưng sự giao lưu, đi lại, thương mại qua biên giới sẽ tăng cao trong dịp nghỉ lễ tết sắp đến, nên nguy cơ xâm nhập của các biến thể phụ là rất lớn.
Do đó, ngành y tế TP.HCM sẵn sàng các kịch bản trong tình huống xuất hiện biến thể phụ mới lây lan nhanh, gây bệnh nặng để chủ động ứng phó hiệu quả từ cửa khẩu đến cộng đồng. Song song đó, ngành y tế tiếp tục duy trì BV dã chiến số 13, sẵn sàng kích hoạt trong vòng 24 giờ khi tình hình dịch bệnh có diễn tiến xấu.

Người đứng đầu ngành y tế TP.HCM cũng chỉ đạo tất cả BV đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn (trừ BV thẩm mỹ) sẵn sàng tiếp nhận và điều trị người bệnh Covid-19 tại khoa, đơn vị Covid-19. Đồng thời rà soát, chấn chỉnh, tăng cường công tác tiếp nhận, quản lý, điều trị ca bệnh Covid-19 nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng, hạn chế tối đa tử vong và bảo vệ các đối tượng nguy cơ trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Ngành y tế TP.HCM luôn sẵn sàng kế hoạch triển khai 10.000 giường, trong đó có 1.000 giường hồi sức dành cho người bệnh Covid-19.

Sở Y tế giao BV Bệnh Nhiệt đới là tuyến cuối điều trị người bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch. Các BV đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của TP.HCM tiếp nhận, cấp cứu và điều trị các trường hợp người bệnh có bệnh lý đi kèm hoặc bệnh lý nền nặng có nhiễm Covid-19 theo chuyên khoa do BV tuyến dưới chuyển đến.

Ngoài ra, tất cả BV trên địa bàn TP.HCM sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc điều trị, phương tiện, đảm bảo trực 24/24 để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh và cấp cứu của người dân. Giao Phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế) xây dựng chi tiết các kịch bản, phổ biến và tổ chức diễn tập để đáp ứng tình huống khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. (Thanh niên, trang 5).

 

TP.HCM muốn xây thêm nhiều bệnh viện tư

Sở Y tế TP.HCM cho biết nếu so với nhu cầu khám, chữa bệnh trong khu vực và so sánh với các nước phát triển thì chỉ số giường bệnh của TP còn thấp, chỉ 42 giường/10.000 dân.
Ngày 10-1, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc đề xuất cơ chế chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP trong lĩnh vực y tế.

Theo đó, hiện trên địa bàn TP có 128 bệnh viện đang hoạt động, với chỉ số giường bệnh là 42 giường/10.000 dân.

Nếu so với nhu cầu khám chữa bệnh cho khu vực và so sánh với các nước phát triển thì chỉ số giường bệnh của TP vẫn còn thấp. (Chi tiết xem báo) (Tuổi trẻ, trang 1).

Phấn đấu đến năm 2030 chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực
 "Giai đoạn 2021-2030 phấn đấu nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Phát triển mạng lưới cơ sở y tế quốc gia đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân".
Tại Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 có nêu rõ, về kinh tế phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.

Về xã hội, duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con); quy mô dân số đạt khoảng 105 triệu người. Chỉ số HDI duy trì ở mức trên 0,7. Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm.

Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Phát triển mạng lưới cơ sở y tế quốc gia đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân, hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Đến năm 2030, đạt 35 giường bệnh và 19 bác sĩ trên 1 vạn dân; tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%.

Tại Điều 8, định hướng phát triển hạ tầng xã hội, Nghị quyết nêu rõ, phát triển đồng bộ mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển bền vững của đất nước… Phát triển các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia; nâng cấp, xây dựng một số đại học, trường đại học lớn và trường đại học sư phạm, đào tạo y khoa trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao, có uy tín trong khu vực và thế giới.

Xây dựng, nâng cấp và sắp xếp, phân bố không gian mạng lưới cơ sở y tế phù hợp, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận thuận lợi đối với các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.

Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập; y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng; y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng; gắn kết y học cổ truyền với y học hiện đại, quân y và dân y. Phát triển dược liệu, công nghiệp dược và thiết bị y tế. 

Bảo đảm mỗi vùng có cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu. Xây dựng một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngang tầm khu vực và quốc tế; hình thành, phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu hiện đại.

Xây dựng trung tâm kiểm soát bệnh tật quốc gia; xây dựng một số cơ sở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine quốc gia. Phát triển các trung tâm kiểm nghiệm cấp vùng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn về thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, trang thiết bị y tế…

Nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công. Nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng phương pháp chuyên môn, kỹ thuật sâu tích hợp giữa điều dưỡng và nuôi dưỡng với chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc xã hội khác cho người có công. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Hà Nội lên kế hoạch tiếp nhận một số bệnh viện của bộ, ngành Trung ương để quản lý

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBND về tiếp nhận một số bệnh viện bộ, ngành trung ương đóng trên địa bàn về thành phố Hà Nội quản lý.
Kế hoạch nêu rõ mục tiêu, rà soát, chủ động xây dựng phương án và tiếp nhận các bệnh viện trực thuộc các bộ, ngành trung ương về thành phố quản lý theo quy định; sắp xếp các bệnh viện sau khi tiếp nhận phù hợp với quy hoạch chung của thành phố; đồng thời kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện để bảo đảm tiến độ và hiệu quả.

Theo đó, Thành phố sẽ thành lập Ban Chỉ đạo về tiếp nhận các bệnh viện thuộc bộ, ngành đóng trên địa bàn về thành phố quản lý; Thống nhất chủ trương giữa các bộ, ngành với UBND thành phố về việc tiếp nhận, bàn giao các bệnh viện thuộc các bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương đóng trên địa bàn về thành phố quản lý (trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; một số bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện của các trường đại học).

Cùng với đó, khảo sát hiện trạng các bệnh viện về cơ sở vật chất, nhân lực, quy mô và mô hình tổ chức hoạt động của các bệnh viện, trên cơ sở đó xây dựng phương án bàn giao phù hợp với từng bệnh viện. Thực hiện các thủ tục tiếp nhận, bàn giao các bệnh viện của bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn về thành phố quản lý theo quy định.

UBND thành phố phân Sở Nội vụ Hà Nội phối hợp với Sở Y tế Hà Nội khảo sát hiện trạng các bệnh viện về tổ chức bộ máy, nhân lực, quy mô và mô hình tổ chức hoạt động của các bệnh viện, trên cơ sở đó xây dựng phương án bàn giao phù hợp.

Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành làm việc với các bệnh viện thuộc bộ, ngành để thống nhất số liệu về nhân lực, quy mô và mô hình tổ chức hoạt động, thống kê, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền làm căn cứ xây dựng phương án tiếp nhận bàn giao...

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tham mưu cho UBND thành phố, sau khi các bệnh viện bàn giao về thành phố, tham mưu UBND thành phố bàn giao Sở Y tế tiếp nhận, quản lý các nội dung liên quan đến quyền sử dụng đất, chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định... (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Quy định mới về việc hưởng chính sách BHXH khi bị ốm đau, mắc COVID-19

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 18/2022/TT-BYT nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động hưởng chính sách BHXH khi bị ốm đau, mắc COVID-19 điều trị tại cơ sở y tế, bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp.
Theo đó, Thông tư 18/2022/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 56/2017/TT-BYT về quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.

Thông tư 18/2022/TT-BYT ra đời nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động hưởng chính sách BHXH khi bị ốm đau, mắc COVID-19 điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh, bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp. Cụ thể, tại Thông tư 18 có một số điểm thay đổi nổi bật như:

Với các trường hợp mắc bệnh được hưởng BHXH một lần,Thông tư 18 quy định các trường hợp đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS chỉ cần căn cứ vào bản chính hoặc bản sao hợp lệ giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án để xem xét, giải quyết chế độ. Các trường hợp này không cần giám định y khoa. Chỉ các đối tượng người mắc các bệnh, tật khác và có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn cần giám định y khoa để làm cơ sở được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Trong khi Thông tư 56 quy định các trường hợp trên đều phải khám giám định xác định không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

Với các trường hợp giám định lại, Thông tư 18 quy định: Đối với các trường hợp giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp người lao động được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Thông tư 18 không quy định thời hạn giám định lại ít nhất sau 2 năm (đủ 24 tháng); còn Thông tư 56 trước đó quy định thời hạn giám định lại của các trường hợp trên là ít nhất sau 2 năm (đủ 24 tháng), kể từ ngày người lao động được Hội đồng Giám định y khoa kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gần nhất trước đó,

Về các trường hợp người bệnh được lưu tại trạm y tế xã, Thông tư 18 quy định rõ số ngày nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội nhưng không quá 30 ngày; trong khi Thông tư 56 trước đó chưa quy định số ngày nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội cụ thể.

Về việc cấp giấy ra viện và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người nhiễm COVID-19 điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Thông tư 18 có bổ sung một số quy định cụ thể như:

Về đối tượng cấp, là người nhiễm COVID-19 điều trị nội trú hoặc ngoại trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cụ thể, ngoài những người điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; còn có người nhiễm COVID-19 điều trị nội trú hoặc ngoại trú tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 được thành lập theo quy định như: Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19; Bệnh viện điều trị COVID-19; Bệnh viện hồi sức cấp cứu COVID-19; Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19.

Về thẩm quyền cấp, người đứng đầu các cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm cấp giấy ra viện và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người bệnh sau khi kết thúc điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Trong đó có quy định, với những trường hợp giấy đã cấp trước ngày Thông tư 18 có hiệu lực không đúng mẫu theo quy định Thông tư số 56, cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm cấp lại theo quy định tại Thông tư 18. Đối với giấy ra viện ghi ngày vào viện, ngày ra viện theo hồ sơ bệnh án điều trị nội trú; ngày, tháng, năm trên phần chữ ký của người hành nghề theo ngày cấp.

Trường hợp người lao động đã điều trị COVID-19 nhưng chưa được cấp giấy ra viện hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người lao động đã điều trị COVID-19 căn cứ đề nghị của người đó và hồ sơ bệnh án để cấp giấy ra viện hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Đối với giấy ra viện ghi ngày vào viện và ngày ra viện ghi theo hồ sơ bệnh án điều trị nội trú; ngày, tháng, năm trên phần chữ ký của người hành nghề theo ngày cấp;

Trường hợp người bệnh sau khi ra viện và trong giấy ra viện có ghi thông tin về thời gian tiếp tục điều trị ngoại trú hoặc thời gian cách ly thì thời gian nghỉ việc được xác định theo thời gian ghi trong giấy ra viện;

Trường hợp người bệnh sau khi ra viện và trong giấy ra viện không ghi thông tin về thời gian tiếp tục điều trị ngoại trú nhưng người bệnh phải cách ly theo quy định thì thời gian nghỉ việc được xác định theo thời gian cách ly quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này;

Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 đã giải thể, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được giao phụ trách quản lý, điều hành cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo quy chịu trách nhiệm cấp hoặc cấp lại hoặc cấp mới giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người bệnh… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Việc nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là nhiệm vụ quan trọng, đích hướng tới của các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Theo hướng này, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế được bảo đảm tốt hơn. Để nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, trước hết, người dân cần dễ dàng tiếp cận với các cơ sở y tế và được sử dụng nhiều loại dịch vụ khám, chữa bệnh. Hiểu rõ điều này, ngành Bảo hiểm xã hội và ngành Y tế đã thiết lập hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế rộng khắp.

“Hiện cả nước có gần 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thông suốt từ tuyến trung ương đến các xã, phường, thị trấn nên người dân tham gia chính sách có thể đến bất kỳ cơ sở nào gần nơi cư trú, học tập, làm việc để thực hiện khám, chữa bệnh”, Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Lê Văn Phúc cho hay.

Cùng với việc mở rộng mạng lưới cơ sở y tế, các cơ quan chức năng còn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân.

Hơn 94% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã áp dụng quy trình tiếp đón bệnh nhân dùng thẻ bảo hiểm y tế điện tử (bằng căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VssID) làm thủ tục khám, chữa bệnh, qua đó hạn chế nhầm lẫn, sai sót thông tin, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên.

Trong quá trình khám, chữa bệnh, bệnh nhân bảo hiểm y tế được sử dụng hàng nghìn dịch vụ, kỹ thuật và được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả phần lớn chi phí. Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, năm 2022, hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên cả nước tiến hành điều trị nội trú và ngoại trú cho hơn 151,4 triệu lượt người với số tiền chi trả hàng trăm nghìn tỷ đồng. Một số tỉnh, thành phố tập trung nhiều cơ sở y tế tuyến trung ương, đón tiếp nhiều bệnh nhân ngoại tuyến có số chi bảo hiểm y tế vượt dự toán Chính phủ giao.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến cho biết, năm 2022, số lượng bệnh nhân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố tăng 24,9%, chi phí tăng 20,8% so với năm 2021. Số tiền chi bảo hiểm y tế cả năm vừa qua là hơn 19.169 tỷ đồng, bằng 101,78% so với dự toán. Mức chi bình quân 8,1 triệu đồng/lượt nội trú, gần 600.000 đồng/lượt ngoại trú.

Là một trong những cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế có số lượng bệnh nhân đông hàng đầu (trung bình mỗi ngày từ 8.000 đến 10.000 lượt người), Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ khẳng định, nhờ có bảo hiểm y tế, các bệnh viện có điều kiện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhiều bệnh nhân thoát khỏi lằn ranh sinh, tử, nhiều gia đình không bị rơi vào cảnh suy kiệt kinh tế.

Chị Trương Thị Hằng, đến từ tỉnh Vĩnh Phúc, đang chăm sóc chồng tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108 bày tỏ: “Nếu không có bảo hiểm y tế hỗ trợ chi trả, không biết cuộc sống của gia đình tôi sẽ đi về đâu”.

Tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, ngoài những giải pháp đã triển khai, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ động phối hợp với ngành Y tế đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở một số nơi; đồng thời tháo gỡ vướng mắc trong thanh, quyết toán bảo hiểm y tế.

Từ đề xuất của 2 ngành, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 5-11-2022 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho biết, từ ngày 1-1-2023, ngành Bảo hiểm xã hội phối hợp với các cơ quan chức năng áp dụng hiệu quả quy trình giám định bảo hiểm y tế mới; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm hoặc trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế.

Tin vui đến với bệnh nhân và các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 9-1-2023.

Với nhiều nội dung được điều chỉnh, bổ sung phù hợp thực tiễn, luật mới được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi, chặt chẽ, linh hoạt để các cơ quan nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh nói chung, khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nói riêng. (Hà Nội mới, trang 5).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang