Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 12/12/2017

  • |
T5g.org.vn - Chữa bệnh kiểu mê tín dị đoan: Tiền mất, tật mang; Phòng xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế Westgard chính thức vận hành; Ăn sáng ở cổng trường, 12 em học sinh bị ngộ độc; …

 

Phòng xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế Westgard chính thức vận hành

Ngày 11-12, tại Bệnh viện( BV) Chợ Rẫy, ông Sten Wesrgard-Giám đốc Công nghệ và Dịch vụ khách hàng Trung tâm Quản lý chất lượng Westrgard ( Hoa Kì) đã trao chứng nhận đạt chuẩn Six Sigma của Wesrgard VP cho Đơn vị xét nghiệm thuộc Trung tâm Ung bướu-BV Chợ Rẫy.

Triển khai ứng dụng phẫu thuật nội soi bằng Robot tại Bệnh viện Chợ Rẫy/ Bệnh viện Chợ Rẫy triển khai thường quy phẫu thuật nội soi 3D/ Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển giao kỹ thuật cao cho 19 vệ tinh

Đây là chứng nhận đạt chuẩn Quốc tế có uy tín về chất lượng xét nghiệm mà BV Chợ Rẫy là BV công đầu tiên trên cả nước đạt chứng nhận này.

Chia sẻ tại buổi trao nhận, ông Sten Wesrgard cũng cho hay: "Hiện, có gần 200 trung tâm xét nghiệm trên toàn thế giới đạt được chứng nhận six sigma của chương trình Westgard VP. Ngay tại Mỹ hiện mới chỉ có một vài phòng Lab đạt được các tiêu chí kĩ thuật six sigma như hệ thống vừa trang bị tại Trung tâm Ung bướu BV Chợ Rẫy.

Đơn vị xét nghiệm thuộc trung tâm ung bướu- bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện công lập đầu tiên đạt được chứng nhận này với 75% xét nghiệm tham gia đạt trên 6 sigma. Điều đó có nghĩa là hệ thống xét nghiệm tại Trung tâm ung bướu BV Chợ Rẫy đã có thiết bị phân tích tốt, sử dụng phương pháp đúng, đúng nhân viên, đào tạo đúng, quan trọng nhất là trả kết quả xét nghiệm đúng cho bệnh nhân, góp phần không nhỏ vào kết quả của quá trình chẩn đoán và điều trị".

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết, việc đưa vào hoạt động hệ thống xét nghiệm tự động tại Trung tâm ung bướu vào giữa năm 2016 đã giúp rút ngắn quy trình làm việc hơn 55%, tăng năng suất, giảm thời gian trả kết quả cho bệnh nhân và chia sẻ gánh nặng với các khoa phòng khác.

Để mang lại hiệu quả tối ưu, Đơn vị xét nghiệm của Trung tâm ung bướu - bệnh viện Chợ Rẫy đã tiên phong ứng dụng tiêu chuẩn Six Sigma để kiểm soát chất lượng xét nghiệm - một trong những tiêu chuẩn chất lượng quốc tế quan trọng đang được ứng dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. (Công an Nhân dân, trang 7)

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 2: “Bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam đạt chuẩn xét nghiệm quốc tế”; Báo Nhân dân, trang 5: “Bệnh viện Chợ Rẫy đạt chuẩn xét nghiệm quốc tế”; Báo Sài Gòn giải phóng, trang 3: “Bệnh viện Chợ Rẫy nhận chứng chi xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế Westgard VP”.

 

Ăn sáng ở cổng trường, 12 em học sinh bị ngộ độc

Sáng nay, 11-12, sau khi ăn xôi với xúc xích, ruốc tại một quán ở cổng trường, 12 em học sinh Trường THCS xã Tiến Bộ (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) đã phải nhập viện với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nghi do ngộ độc thực phẩm..

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang chiều 11-12, bệnh viện này vừa tiếp nhận 12 học sinh Trường THCS xã Tiến bộ (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm.

BSCKII Phạm Thị Tuyến, Phó trưởng khoa Da Liễu của Bệnh viện - thường trực cấp cứu ngày 11-12 cho biết, cả 12 bệnh nhi đã được kíp trực phòng khám kịp thời thăm khám và cấp cứu.

Các bệnh nhân đều có tình trạng đau bụng, buồn nôn và những biểu hiện triệu chứng nghi do ngộ độc thực phẩm. Qua khai thác từ bệnh nhân và giáo viên chủ nhiệm của các em được biết, khoảng 7h sáng cùng ngày, các cháu đều ăn xôi mặn với hành, ruốc, đu đủ, tương ớt và xúc xích tại quán xôi ở cổng trường.

Đến khoảng 10h, các cháu bắt đầu bị đau bụng, buồn nôn nên báo cáo tới cô giáo. Nhà trường đã cho các cháu được nghỉ học và đưa các cháu đến cấp cứu tại Trạm y tế xã Tiến Bộ, sau đó 12 cháu được chuyển tuyến đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang để điều trị.

Hiện tại, 6 học sinh đã được chuyển đến khoa Nhi và 6 cháu được chuyển đến khoa Cấp cứu - Bệnh viện đa khoa tỉnh để tiếp tục được điều trị và theo dõi. (An ninh Thủ đô, trang 2)

 

Khởi tố hai nhân viên bệnh viện Xanh-Pôn

Ngày 11-12, Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Trần Thanh Vân, 38 tuổi, điều dưỡng viên Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Saint Paul (Xanh-Pôn, Hà Nội) và Nguyễn Thị Thu Thủy, 42 tuổi, kỹ thuật viên xét nghiệm Bệnh viện Xanh-Pôn về hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, đồng thời ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 bị can này.

Theo đó, khoảng trung tuần tháng 7-2017, Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội nhận được thông tin từ Bệnh viện Xanh-Pôn trình báo về việc một đối tượng nữ đã đến gặp lãnh đạo Bệnh viện này để tống tiền, vì có nhân viên đã làm giả "Giấy chuyển tuyến" khám bệnh lên tuyến trên cho nhiều bệnh nhân.

Đối tượng này đã đe dọa và yêu cầu nhân viên, lãnh đạo Bệnh viện Xanh-Pôn phải chi 150 triệu đồng, nếu không đáp ứng đối tượng sẽ đưa mọi thông tin giấy tờ giả lên mạng internet, báo chí, nhằm hạ uy tín của bệnh viện.

Tại cơ quan Công an, Thảo khai nhận do nắm được thông tin ở một số bệnh viện ở Hà Nội có nhiều bệnh nhân muốn được chuyển lên tuyến trên để được hưởng chế độ thuốc men cao, do vậy Thảo đã tìm hiểu và móc nối với số nhân viên của Bệnh viện Xanh-Pôn và nhờ người này làm 20 tờ "Giấy chuyển tuyến" giả, để bán cho bệnh nhân có nhu cầu.

Sau khi làm xong giấy tờ giả này, Thảo đã sao các tài liệu và sử dụng để tống tiền lãnh đạo Bệnh viện Xanh-Pôn và những người có liên quan. Các giấy tờ do Thảo và một số đối tượng liên quan làm giả đã được sử dụng để chuyển tuyến khám chữa bệnh cho bệnh nhân từ Bệnh viện Xanh-Pôn sang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bạch Mai, Hà Nội. Mỗi giấy tờ giả Thảo bán từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng/giấy.

Từ những lời khai của Thảo, đến nay, Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội đã ra Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự "Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức" và khởi tố 2 bị can gồm Trần Thanh Vân và Nguyễn Thị Thu Thủy.

Theo tài liệu điều tra, vào cuối năm 2016, một nhân viên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) có nhờ Thủy, kỹ thuật viên xét nghiệm Bệnh viện Xanh-Pôn làm thủ tục chuyển tuyến điều trị cho mẹ đẻ và 10 trường hợp có bảo hiểm khám chữa bệnh tại Bệnh viện Xanh-Pôn sang khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Đổi lại, Thủy sẽ nhận được từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng mỗi Giấy chuyển tuyến. Tổng cộng, Thủy đã nhận khoảng 40 triệu đồng từ giấy giả chuyển tuyến cho 15 bệnh nhân.

Để làm được Giấy chuyển tuyến cho những bệnh nhân này, Thủy cùng với Trần Thanh Vân, Điều dưỡng viên Khoa Khám bệnh thuộc Bệnh viện Xanh-Pôn đã câu kết, móc nối với nhau.

Sau khi Thủy đưa thông tin bệnh nhân cho Vân, Vân sẽ nhập vào máy tính thuộc Khoa Khám bệnh và in Giấy chuyển tuyến. Tuy nhiên, Vân chỉ xin được chữ ký của bác sỹ còn dấu vuông của Khoa Khám bệnh Bệnh viện Xanh-Pôn, Vân hướng dẫn Thủy mang mẫu dấu đến cửa hàng khắc dấu nằm trên đường Kim Mã (Ba Đình, TP Hà Nội) để đặt làm dấu vuông, loại dấu hộp liền mực với giá 200.000đ.

Còn chữ ký của Giám đốc Bệnh viện và dấu tròn của Bệnh viện Xanh-Pôn thì Vân không xin được, nên đã hướng dẫn Thủy tìm chỗ làm con dấu giả để đóng vào Giấy chuyển viện.

Qua sự giới thiệu của Trần Thị Thảo (đối tượng đã tống tiền lãnh đạo và nhân viên Bệnh viện Xanh-Pôn), Thủy đã tìm được nơi scan mầu con dấu tròn của Bệnh viện Xanh-Pôn, với giá 200.000đ/giấy. Tổng cộng, Thủy và Vân đã đưa cho người này 4 triệu đồng để đóng 20 con dấu đỏ giả của Bệnh viện Xanh-Pôn vào giấy chuyển tuyến.

Cơ quan điều tra đã gửi yêu cầu trưng cầu giám định đối với hình dấu tròn "Bệnh viện đa khoa Xanh-Pôn" trên 18 Giấy chuyển tuyến và các chữ ký trên giấy này.

Ngày 29-9, kết quả trưng cầu giám định đã khẳng định hình dấu tròn trên 18 tờ giấy chuyển tuyến đều là dấu giả, được tạo ra bằng phương pháp in màu kỹ thuật số; chữ ký đứng tên trên Giấy chuyển tuyến là chữ ký giả, được tạo ra bằng phương pháp in màu kỹ thuật số và có chữ ký ở mục bác sỹ với cùng một tên nhưng không phải do một người ký ra.

Các bệnh nhân có Giấy chuyển tuyến khám, chữa bệnh nói trên cho biết, đều khai nhận không đi khám chữa bệnh ban đầu ở Bệnh viện Xanh-Pôn. Tuy nhiên, do muốn hưởng chế độ khám, chữa bệnh tốt hơn tại Bệnh viện Bạch Mai nên qua một số quan hệ đã nhờ làm các giấy chuyển tuyến giả, với giá 2,5 triệu đồng/giấy.

Về đối tượng Trần Thị Thảo đã tống tiền lãnh đạo và nhân viên Bệnh viện Xanh-Pôn, tại Cơ quan ANĐT, Thảo khai nhận đã làm scan dấu tròn đỏ của Bệnh viện Xanh-Pôn trên 36 giấy chuyển tuyến, chia làm 3 lần khác nhau, với 1,5 triệu đồng tiền công.

Trong lần scan thứ 3, Thảo đã nhờ người scan thêm số giấy chuyển tuyến nhằm mục đích khống chế Nguyễn Thị Thu Thủy và y bác sỹ Bệnh viện Xanh-Pôn để tống tiền. Đến tháng 7-2017, Thảo muốn có một số tiền lớn nên đã nảy sinh ý định dùng những tờ giấy chuyển tuyến để tống tiền lãnh đạo Bệnh viện.

Vụ án đang được cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội đang phối hợp với một số đơn vị nghiệp vụ khác mở rộng điều tra, truy bắt các đối tượng liên quan. (Công an Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 7: “Khởi tố 2 nhân viên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn làm giả giấy chuyển viện” 

 

Giảm gần 500 tỷ nhờ đấu thầu thuốc tập trung

Ngày 11/12, Bộ Y tế tổ chức công bố kết quả lựa chọn nhà thầu mua thuốc thuộc danh mục đấu thầu thuốc lần đầu tiên được thực hiện theo hình thức tập trung. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, trong lần đầu tiên triển khai hình thức mới này giúp giảm được trên 477 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia cho biết, đầu tháng 8/2017 đã mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật của các nhà thầu tham dự 5 gói thầu của gói thầu thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Đây là gói thầu mua sắm tập trung đầu tiên của Bộ Y tế được mở thầu sau khi Trung tâm đi vào hoạt động cách đây ít lâu. Gói thầu mua sắm lần đầu này gồm 22 loại thuốc (5 biệt dược và 17 thuốc generic) thuộc 5 hoạt chất điều trị. Đây là các loại thuốc được sử dụng thường xuyên, với số lượng lớn. Số lượng thuốc đã được tổng hợp từ nhu cầu điều trị của tất cả các tỉnh, thành và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cũng như y tế các bộ, ngành. Gói thầu tập trung đầu tiên kể trên có giá trị trong vòng 2 năm (từ ngày 1/1/2018 đến hết năm 2019), nhưng ngay sau khi công bố chính thức, các bệnh viện có thể áp dụng ngay giá trúng thầu mới, bằng cách Trung tâm ký hợp đồng với nhà thầu và bệnh viện gọi hàng, thanh toán tiền trên cơ sở giá trúng thầu.

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, trong quá trình triển khai, Bộ Y tế sẽ tiếp tục mở rộng danh mục thuốc, tập trung vào các nhóm thuốc trị bệnh không lây nhiễm, tần suất cơ sở y tế sử dụng nhiều, có chi phí cao. Với mục tiêu giảm giá thuốc đấu thầu khoảng 10-15% theo chỉ đạo của Chính phủ. Việc mở rộng danh mục này sẽ theo lộ trình để đảm bảo ổn định trong cung ứng và khám chữa bệnh cho nhân dân.

Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho hay, vì quy mô gói thầu lớn nên sẽ giảm được giá thuốc trúng thầu; giảm đầu mối tổ chức, số lượng người tham gia, thời gian… Sau khi trúng thầu, Trung tâm có thể ký hợp đồng đặt hàng trước mua thêm 120-130% so với gói thầu. Doanh nghiệp cũng phải cam kết có thể cung cấp hơn 30% so với gói thầu để tránh tình trạng thiếu thuốc. Trên thực tế, thời gian qua, việc xác định nhu cầu thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh khó sát với tình hình thực tế do nhu cầu biến động. Chính vì vậy, bước đầu, Bộ Y tế tính toán chỉ đấu thầu tập trung cấp quốc gia 5 hoạt chất theo quy định của Thông tư 09. Trường hợp xảy ra tình trạng thiếu do cơ sở y tế lập kế hoạch chưa sát thực tế thì có thể mua bổ sung thêm theo quy định của luật đấu thầu không vượt quá 120%.

Cùng ngày, tại Hội nghị triển khai kết quả lựa chọn nhà thầu mua thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2017, Thứ trưởng Bộ Y Tế Phạm Lê Tuấn cho biết thêm, trong lần đầu tiên triển khai hình thức mới này giúp tiết kiệm được trên 477 tỷ đồng (giảm được khoảng 17% so với giá kế hoạch).

Phát biểu tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm mua sắm thuốc tập trung quốc gia cho biết, trong số 447 tỷ đồng tiết kiệm được nhờ đấu thầu thuốc tập trung có 114,3 tỷ đồng tiết kiệm được ở thuốc biệt dược (giảm 6,9% so với giá kế hoạch gói thầu); thuốc Generic tiết kiệm được 362, 7 tỷ đồng (giảm khoảng 33% so với giá kế hoạch).

TS Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhận định: “Công tác đấu thầu thuốc còn khá nhiều vướng mắc, lo lắng phía trước. Kết quả đấu thầu đã tốt, vấn đề là đưa vào thực tiễn khám, điều trị cho người bệnh. Đấu thầu tập trung quốc gia được kỳ vọng là một trong những giải pháp hữu hiệu đảm bảo đủ thuốc cung ứng cho người bệnh, hướng tới giá hợp lý, tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn tài chính trên cơ sở vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho người bệnh”. (Tiền phong, trang 11)

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 14: “Giá thuốc ung thư giảm 477 tỷ đồng nhờ đấu thầu tập chung”; Báo Lao động, trang 2: “Đấu thầu thuốc tập chung: Giảm giá thuốc, tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng”; Báo Sài Gòn giải phóng, trang 3: “Giá biệt dược giảm mạnh khi đấu thầu tập chung”

 

9 tháng khám bảo hiểm … 125 lần

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, trong 9 tháng đầu năm 2017, số bệnh nhân đi khám chữa bệnh nhiều lần như: Lê Thị Phương (huyện Thọ Xuân) 125 lượt, Đỗ Văn Giá (huyện Nông Cống) 61 lượt, Lê Viết Bay (huyện Như Xuân) 61 lượt, Chu Thị Lượng (huyện Hoằng Hóa) 51 lượt…

Ngày 11/12, Thông tin từ Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, lợi dụng thông tuyến, nhiều người có thẻ bảo hiểm y tế đã đến khám chữa bệnh nhiều lần tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh trong tháng để lấy thuốc.

Việc lấy thuốc theo hình thức trên để sử dụng nhiều mục đích khác nhau, hoặc để so sánh chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn. Cụ thể, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh thì trong 9 tháng đầu năm 2017, số bệnh nhân đi khám chữa bệnh nhiều lần như: Lê Thị Phương (huyện Thọ Xuân) 125 lượt, Đỗ Văn Giá (huyện Nông Cống) 61 lượt, Lê Viết Bay (huyện Như Xuân) 61 lượt, Chu Thị Lượng (huyện Hoằng Hóa) 51 lượt…

Theo đó, ngành chức năng Thanh Hóa đã đề nghị bảo hiểm xã hội tỉnh thường xuyên kiểm tra, tiếp tục tổ chức thẩm định lại đối với các đơn vị có tình trạng gia tăng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bất thường để kịp thời chấn chỉnh và thu hồi những khoản chi từ quỹ bảo hiểm y tế không đúng quy định. Từ đó, sẽ phát hiện người tham gia bảo hiểm y tế thật sự có biểu hiện lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế trong việc đi khám chữa bệnh nhiều cơ sở trong cùng một thời gian hay không. (Tiền phong, trang 11)

 

Dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội đã được khống chế

Chiều 11-12, theo báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 4 đến 10-12), toàn thành phố chỉ ghi nhận 92 trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Như vậy, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục giảm mạnh do thời tiết chuyển sang mùa đông. Hiện nay, dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội đã được khống chế, số mắc chỉ xuất hiện rải rác tại một số xã, phường, thị trấn, không có ổ dịch lớn và phức tạp.

Trong tuần qua chỉ ghi nhận thêm 8 trường hợp sốt phát ban dạng sởi và tay chân miệng, không ghi nhận thêm trường hợp mắc sởi, ho gà. Tuy nhiên, Sở Y tế Hà Nội vẫn khuyến cáo người dân thực hiện tốt công tác tiêm chủng, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, nâng cao sức đề kháng để phòng, chống bệnh sởi. Các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai việc vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết tại khu vực phát sinh ổ dịch mới theo quy định. (Hà Nội mới, trang 1)

 

Nhiều sai phạm tại các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ

Sở Y tế TP.HCM vừa hoàn tất thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về y tế tại 146 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ (PK PTTM) ở TP.

Trong đó có 53 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính gần 465 triệu đồng, 43 PK PTTM bị nhắc nhở, chấn chỉnh.

Các cuộc thanh, kiểm tra được Sở Y tế TP tiến hành từ tháng 8 đến nay. Các PK PTTM sai phạm nhiều nhất về lỗi không lập hồ sơ bệnh án, bệnh án không ghi chép đầy đủ. Sai phạm tiếp theo là PK không có biển hiệu hoặc có nhưng ghi không đúng nội dung được cấp phép - thường ghi cho oách, hay gặp là: viện thẩm mỹ; thẩm mỹ viện; trung tâm thẩm mỹ.

Sở Y tế phát hiện 3 cơ sở thẩm mỹ không có chức năng PTTM nhưng hoạt động PTTM, Sở đã trình UBND TP ra quyết định xử phạt, gồm: ông Nguyễn Hữu Hoạt (đường Ngô Gia Tự, P.3, Q.10) bị phạt hơn 112 triệu đồng; cơ sở của ông Phan Đức Hồng (đường Tân Kỳ - Tân Quý, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân) và cơ sở bà Phan Thị Hồng Vinh (ở đường 3 Tháng 2, P.14, Q.10) mỗi nơi bị xử phạt 60 triệu đồng.

* Ngày 11.12, Phòng Y tế Q.6 đã có báo cáo gửi cho Sở về vụ chị Nguyễn Thị Loan (23 tuổi, tạm trú Q.7, quê Đắk Lắk) kiện thẩm mỹ viện Hà Anh (số 110/20/1 Bà Hom, P.13, Q.6, địa chỉ cũ 84 Đặng Nguyên Cẩn, P.13, Q.6) do bà Tô Thị Ngân Hà làm chủ tiêm chất làm đầy mũi - filler, gây mù mắt. Phòng Y tế Q.6 đã kiểm tra và Q.6 đã xử lý vi phạm hành chính đối với thẩm mỹ viện Hà Anh 12 triệu đồng vì kinh doanh không có giấy phép.

Như Thanh Niên đã thông tin hôm 10.12, chị Loan khởi kiện thẩm mỹ viện Hà Anh tại TAND Q.6 đòi bồi thường 360 triệu đồng. (Thanh niên, trang 5)

 

Giảm kháng sinh trong chăn nuôi

Buổi Tọa đàm kết nối xuất khẩu theo chuỗi các sản phẩm chăn nuôi công nghệ cao khu vực Đông Nam bộ do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước tổ chức đã diễn ra ngày 11.12.

Theo ông Frank De Laat, Phó lãnh sự quán Hà Lan tại TP.HCM, việc quan tâm đến phúc lợi động vật, giảm kháng sinh trong chăn nuôi là xu hướng của ngành chăn nuôi các nước phát triển. Phúc lợi động vật hay quyền lợi động vật là một thuật ngữ đảm bảo trạng thái tốt về thể chất và tinh thần của con vật, đó là việc đối xử tốt với động vật để con vật có trạng thái tốt… Phúc lợi động vật cũng có nghĩa là mối quan tâm của con người đối với đạo đức đối xử với động vật và các quyền động vật. Chúng được đo bằng thái độ đối xử với động vật thông qua 5 tiêu chí: Không bị đói khát; không bị khó chịu cả về thể chất và tinh thần; không bị đau đớn, thương tật, bệnh tật; không bị sợ hãi; tự do thể hiện các hành vi bản năng.

Ông Frank De Laat cũng nhấn mạnh đến việc thiết lập chuỗi liên kết thực sự trong chăn nuôi, xem người chăn nuôi như những doanh nhân thực sự và mối tương tác chặt chẽ theo mô hình kim cương (chính phủ, doanh nghiệp, khối trí thức và người tiêu dùng).

Tại buổi tọa đàm, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi, cho biết, phát triển chăn nuôi của địa phương hiện còn nhiều hạn chế về chất lượng an toàn vệ sinh thực  phẩm, tỷ lệ chế biến còn thấp và hầu như chưa xuất khẩu được. Nguyên nhân sản phẩm của ngành chăn nuôi chưa có lối ra là các doanh nghiệp chỉ mới làm được khâu đầu là tổ chức sản xuất, còn khâu chế biến và thị trường thì làm chưa bài bản. Từ đó dẫn đến tình trạng tiêu thụ khó khăn, chật vật ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

“Việc tổ chức lại ngành chăn nuôi theo mô hình liên kết chuỗi với các cấp độ, trong đó quy mô sản xuất lớn của doanh nghiệp, hợp tác xã phải tập trung cao để xuất khẩu, quy mô vừa và nhỏ sản xuất cung cấp cho thị trường trong nước. Phát triển chăn nuôi với các loại vật nuôi đặc sản gắn với chăn nuôi hữu cơ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng… là xu hướng cần đẩy mạnh trong thời gian tới”, ông Lợi nhấn mạnh.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, Bộ đang triển khai một số nghị định về liên kết sản xuất chăn nuôi, nông nghiệp hữu cơ và đề án nâng cao năng lực chế biến ngành nông nghiệp để gia tăng giá trị cho sản phẩm xuất khẩu. (Thanh niên, trang 5)

 

Chữa bệnh kiểu mê tín dị đoan: Tiền mất, tật mang

Với tâm lý có bệnh thì vái tứ phương, hiện có không ít người bệnh vẫn tin tưởng trông chờ vào phép màu, nên làm theo những phương pháp chữa bệnh quái gở, phản khoa học, sặc mùi mê tín dị đoan. Nhiều trường hợp không chỉ gánh thêm nỗi đau về thể xác, mà bệnh tình cũng ngày một nặng thêm.

Nhập viện vì… mê tín

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á phẫu thuật thoát mủ khoang xương cho bệnh nhi M.T. (9 tuổi, ngụ huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh). T. được người nhà đưa đến cấp cứu trong tình trạng sốt cao, chân trái sưng to, căng cứng, tấy đỏ, đau nhức dữ dội, khiến em không thể đi lại được.

Người nhà cho biết trước khi nhập viện một tuần, chân trái của em T. đột nhiên sưng to, đau nhức kèm sốt cao nên người nhà đã đưa đi cắt lể nặn máu độc ra ngoài để điều trị đau chân.

Nhưng sau cắt lể, tình trạng của bệnh nhân ngày càng nặng, chân trái ngày càng sưng to, không giảm sốt, đau nhức nhiều. Lúc này người nhà mới hốt hoảng đưa con đến cơ sở y tế gần nhà khám và uống thuốc, sau đó đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á.

Tại đây, sau thăm khám và kiểm tra lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm tấy cẳng chân trái, theo dõi nhiễm trùng huyết, cần nhanh chóng phẫu thuật để tránh nguy cơ hoại tử chi. Sau gây mê, các bác sĩ rạch da trên xương chày nơi tụ mủ nhiều, thấy mủ trắng đục trào ra kèm nhiều mô hoại tử. Các bác sĩ phải cắt lọc, nạo viêm, tháo mủ, dẫn lưu liên tục để thoát mủ và giảm áp lực trong tủy xương.

Một trường hợp bị “thầy pháp” đánh đến mức phải nhập viện

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Văn Tiếp, nguyên Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình nhi - Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, hiện nay ở một số địa phương, người dân vẫn còn áp dụng phương pháp cắt lể (véo lên chỗ da cần lể rồi dùng dao hoặc kim, mảnh thủy tinh để rạch một vết nhỏ và nặn máu vài lần) hoặc đắp thuốc tùy tiện để chữa bệnh.

Đây là việc làm hết sức nguy hiểm, luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các bệnh viêm gan, HIV và còn gây chảy máu không cầm, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử chi, xuất huyết não… gây nguy cơ tử vong cao nếu không được cứu chữa kịp thời.

Trước đó, các bác sĩ Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã tiếp nhận hai chị em ruột là bà N.T.T. (47 tuổi) và bà N.T.N. (44 tuổi, đều ngụ tại tỉnh Bình Dương) bị “thầy pháp” dùng roi dâu đánh vào người, khiến cơ thể bị tổn thương nặng. Theo người nhà bệnh nhân, chị T. có biểu hiện giống như ma nhập, thường xuyên lên cơn nói nhảm, xưng hô tên ông bà…

Người nhà nghe giới thiệu một “pháp sư” ở Đắk Lắk nên mời đến nhà để chữa cho chị T. Trong quá trình làm lễ trừ tà, “thầy” mời tất cả mọi người ra ngoài hết và dùng roi dâu đánh liên tục vào người chị T., rồi đánh sang cả chị N.

Đến chiều cùng ngày, cả hai người đều khó thở và ngất xỉu, gia đình vội chở vào Bệnh viện Bình Dương cấp cứu. Thấy tình trạng bệnh nhân quá nặng, các bác sĩ đã chuyển cả hai lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Kết quả thăm khám cho thấy bà N. thận bị dập nát và chuyển sang suy thận cấp, còn bà T. bị đa chấn thương, máu tụ lớn ở phần cổ, suy hô hấp, hôn mê sâu.

Tỉnh táo trước lời đồn

Mặc dù nền y học trong nước đã rất phát triển nhưng ở một số vùng miền, người dân vẫn tin vào những phương pháp chữa bệnh bằng mê tín dị đoan. Hiệu quả chưa thấy đâu mà hậu quả thì đã nhãn tiền.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, không chỉ ở nông thôn, mà ngay tại các đô thị, không ít người vẫn chữa bệnh theo tin đồn, mua thuốc và tự điều trị theo các bài thuốc dân gian truyền miệng, để rồi nhiều người phải cấp cứu trong nguy kịch, phải thở máy, thậm chí tử vong vì ngộ độc, vì sự chủ quan.

“Đa số người bệnh đi khám các thầy lang là do truyền miệng, người đi trước thổi phồng sự việc. Có khi người nào đó vô tình khỏi bệnh, nhưng lại kể cho người khác về bệnh tình của mình được chữa khỏi một cách ly kỳ bởi những thầy lang thần thánh, hoặc “tam sao thất bản” những bài thuốc bí truyền rồi người này đồn người kia tạo nên hiệu ứng. Đến khi người bệnh gặp hậu quả nghiêm trọng thì đã muộn”, bác sĩ Nguyễn Khắc Vui cho hay.

Theo luật sư Phạm Hoài Nam, điều hành Hãng Luật Bến Nghé Sài Gòn, khoản 8, Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định nghiêm cấm hành vi sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh. Căn cứ điểm g, khoản 3, Điều 28 Nghị định 176/2013, trường hợp sử dụng hình thức mê tín khi hành nghề sẽ bị phạt tiền 5 - 10 triệu đồng.

Người sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 247 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009, phạt tiền 5 - 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù 3 - 10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 3 - 30 triệu đồng.

Cũng theo luật sư Phạm Hoài Nam, hiện còn tồn tại khá nhiều điểm mê tín dị đoan núp bóng cơ sở khám chữa bệnh trái phép, lợi dụng sự cả tin để trục lợi. Người dân nên tỉnh táo nhận biết, không nghe theo những lời đồn đại vô căn cứ, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền thì mất mà bệnh thì ngày càng xấu đi. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang