Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 12/12/2022

  • |
T5g.org.vn - Người cao tuổi nhập viện tăng cao do rét đậm; Cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ nhận ‘6 bó, mỗi bó gồm 10 cọc tiền mệnh giá 500 ngàn đồng’; Rước họa vì làm đẹp cấp tốc; Thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM: Vì lợi ích của người dân

 

Người cao tuổi nhập viện tăng cao do rét đậm

Các tỉnh thành miền Bắc đang bước vào giai đoạn giữa mùa đông, không khí lạnh có cường độ mạnh liên tục tăng cường khiến nền nhiệt độ xuống khá thấp. Tại vùng núi nhiệt độ chủ yếu từ 11-14°C, ở đồng bằng 16-18°C, rét đậm kéo dài nhiều ngày đang gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, đặc biệt là người cao tuổi.

Tại Bệnh viện Phổi Trung ương, 1 tuần trở lại đây, số lượng bệnh nhân điều trị nội trú do các bệnh phổi mạn tính tăng mạnh, có thời điểm tăng đến 120-130% so với trước. Tại Khoa Bệnh phổi mạn tính, nếu bình thường chỉ khoảng 200 lượt bệnh nhân điều trị/tháng thì hiện con số này tăng lên rất cao. Bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng Khoa Bệnh phổi mạn tính, cho biết, hiện 55 giường bệnh của khoa đều kín bệnh nhân với nhiều bệnh nhân nặng, trong đó không ít trường hợp phải thở oxy, thở máy, thậm chí có trường hợp rất nặng phải thở máy xâm nhập, đặt ống nội khí quản. Đặc biệt, với những người có bệnh nền phổi tắc nghẽn mạn tính, nhiệt độ giảm đột ngột còn gây co thắt thanh quản, tạo ra các đợt cấp tính nguy hiểm. Trong khi đó, tại Khoa Cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, số người nhập viện do đột quỵ tăng tới 70-80%. Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng Khoa Cấp cứu và đột quỵ, nhận định, thời tiết giá lạnh là mối nguy hiểm hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ rất cao nếu không xử trí kịp thời. Còn tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, số bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên đến khám gia tăng. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 trường hợp bị liệt dây thần kinh số 7 có nguyên nhân chủ yếu là do tiếp xúc đột ngột với không khí lạnh. Để phòng bệnh cho người cao tuổi trong giai đoạn thời tiết giá rét, các bác sĩ khuyến cáo, điều quan trọng là cần giữ ấm cơ thể, không ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc tối muộn; nên uống nhiều nước ấm vào sáng sớm lúc ngủ dậy, cũng như có chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng. Riêng với người bị tăng huyết áp cần kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, tim mạch. Khi thấy người có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế chuyên sâu trong vòng ít nhất 4-5 giờ đầu để được cấp cứu kịp thời (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ nhận ‘6 bó, mỗi bó gồm 10 cọc tiền mệnh giá 500 ngàn đồng’

Viện KSND Tối cao đã ban hành cáo trạng vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế TP Cần Thơ, Công ty NSJ và các đơn vị liên quan. Theo đó, cơ quan tố tụng truy tố: Bùi Thị Lệ Phi và Cao Minh Chu, 2 cựu Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3, Điều 222 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Tại thời điểm bị bắt, ông Cao Minh Chu đương chức Giám đốc sở này. Viện KSND Tối cao cũng truy tố Hoàng Thị Thúy Nga, nguyên Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn Hành trình thành công mới (NSJ Group); Lê Huy Bình - nguyên Phó Tổng Giám đốc NSJ Group và 16 bị can khác.

Cơ quan tố tụng xác định Hoàng Thị Thúy Nga có vai trò chủ mưu, cầm đầu trong việc thao túng các gói thầu thiết bị y tế tại Cần Thơ. Đáng chú ý, Hoàng Thị Thúy Nga làm cùng công ty và là cấp dưới của cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Sau đó, Hoàng Thị Thúy Nga tách ra mở công ty riêng và cũng hoạt động trong lĩnh vực như Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Cáo trạng xác định: Trong giai đoạn năm 2016 - 2017, thông qua mối quan hệ với lãnh đạo TP. Cần Thơ, bị can Thúy Nga biết địa phương có 4 gói thầu mua sắm cần thực hiện tại Bệnh viện Nhi và Bệnh viện Tim.

Hoàng Thị Thúy Nga đã chủ động gặp lãnh đạo Sở Y tế để đặt vấn đề, được tạo điều kiện trúng các gói thầu theo… giá do mình đưa ra. Khi được Bùi Thị Lệ Phi và Cao Minh Chu “bật đèn xanh”, Hoàng Thị Thúy Nga đã cho nhân viên cung cấp cấu hình, thông số kỹ thuật, báo giá khống để Sở Y tế Cần Thơ lập hồ sơ theo tiêu chuẩn, mức giá đã thống nhất. Các công ty của bị can Nga còn đàm phán ký trước hợp đồng mua hàng để đáp ứng tiêu chí hồ sơ mời thầu và điều chỉnh một số nội dung hồ sơ theo hướng có lợi, đồng thời, bố trí công ty "quân xanh" tham gia đấu thầu.

Thậm chí do biết trước sẽ trúng thầu, Hoàng Thị Thúy Nga chỉ đạo cấp dưới tiến hành thương thảo mua hàng hóa gói thầu để độc quyền về hàng hóa, cản trở các đơn vị khác không mua được hàng hóa, không đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư.

Viện KSND Tối cao kết luận hành vi thao túng các gói thầu y tế trên của Hoàng Thị Thúy Nga gây thiệt hại tài sản nhà nước 32,6 tỷ đồng.

Đối với bị can Bùi Thị Lệ Phi; từ tháng 5-2011 đến tháng 12-2019, bà Phi làm Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, đã đại diện chủ đầu tư ký trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, bố trí vốn cho 4 gói thầu. Trong quá trình đấu thầu, bà Phi đã trao đổi với Hoàng Thị Thúy Nga thống nhất về danh mục hàng hóa, giá trị thiết bị để tạo điều kiện cho Công ty NSJ trúng 4 gói thầu.

Bà Phi bị cáo buộc đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chỉ đạo cấp dưới trao đổi, tiếp nhận hồ sơ kỹ thuật, báo giá do công ty phía Hoàng Thị Thúy Nga cung cấp; chỉ đạo chỉ định đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu theo giới thiệu của nhà đầu tư. Mục đích hành vi của bà Phi để tạo mọi điều kiện đảm bảo cho các công ty của Nga tham gia và trúng 4 gói thầu với giá thiết bị đã thỏa thuận trước đó.

Viện KSND tối cao xác định, dù không hứa hẹn trước nhưng sau khi tổ chức đấu thầu, bà Phi đã nhận 3 tỷ đồng cho cá nhân mình và 200 triệu đồng cho Sở Y tế từ Hoàng Thị Thúy Nga.

Đối với cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Cao Minh Chu; giai đoạn từ tháng 11-2011 đến tháng 1-2020, có vai trò là Phó giám đốc, Trưởng Ban quản lý dự án. Ông Chu chịu trách nhiệm lập hồ sơ dự án, hồ sơ mời thầu… Tuy nhiên, ông Chu cùng với bà Phi đã có hành vi bàn bạc với Hoàng Thị Thúy Nga để đạo điều kiện cho công ty của bà Nga trúng thầu.

Ngoài ra, kết quả điều tra đủ căn cứ xác định, ông Chu đã nhận 200 triệu đồng của Công ty NSJ nhưng không chứng minh được việc sử dụng số tiền này nên ông phải chịu trách nhiệm.

Hành vi nhận 3,2 tỷ đồng của bà Phi và nhận 200 triệu đồng của ông Chu "là yếu tố vụ lợi" trong vụ án. Hai người này không bị điều tra về hành vi nhận hối lộ.

Về số tiền 3 tỷ đồng; cáo trạng thể hiện cựu Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Bùi Thị Lệ Phi nhận của Nga và Linh (thư ký của Nga) ngay tại nhà bà Phi hôm 3-12-2019, gồm: 6 bó, mỗi bó gồm 10 cọc tiền mệnh giá 500 ngàn đồng (An ninh thủ đô, trang 8).

 

Rước họa vì làm đẹp cấp tốc

Cận Tết, nhu cầu làm đẹp gia tăng. Không chỉ phụ nữ mà nhiều nam giới cũng tìm đến các dịch vụ làm đẹp để tân trang nhan sắc. Tuy nhiên thay vì đến các bệnh viện uy tín họ lại chọn spa hoặc cơ sở thẩm mĩ chưa được cấp phép vì tin lời quảng cáo để rồi gánh hậu quả nặng nề. Mới đây, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận nam bệnh nhân (34 tuổi, Hà Nội) bị hoại tử toàn bộ vùng da mũi, trán và bị tắc một phần động mạch cánh mũi sau khi tiêm filler để nâng mũi tại một spa gần nhà. Khoảng 7 ngày sau khi tiêm filler gặp biến chứng, bệnh nhân mới đến bệnh viện. Do đến khám và điều trị quá muộn nên mũi của nam bệnh nhân không thể phục hồi lại như trước.

Sau khi tiêm botox để chống nhăn đuôi mắt, vùng da xung quanh mắt của chị H.Th.Tr (32 tuổi ở Hà Nội) nổi sẩn đỏ và dần tạo thành mủ. Tự điều trị 1 tuần không đỡ, chị Tr. đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám. Tại đây, bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh. Nhưng khi thấy tình trạng bệnh ổn định, bệnh nhân dừng sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ. Hậu quả là biến chứng vùng da ngày càng nặng nề hơn và bệnh nhân phải quay trở lại bệnh viện để tiếp tục liệu trình điều trị.

Bác sĩ TS. Vũ Thái Hà, Trưởng khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết thời gian gần đây bệnh viện liên tục tiếp nhận những bệnh nhân đến trong tình trạng bị biến chứng sau quá trình làm đẹp tại các cơ sở thẩm mĩ, spa. “Do thời gian từ nay đến Tết không còn nhiều nên đa phần khách hàng lựa chọn các phương pháp làm đẹp cấp tốc, tạo sự thay đổi nhanh chóng như căng chỉ, tiêm botox, filler (chất làm đầy), mesotherapy (tiêm vi điểm trẻ hoá da)… Biến chứng thường gặp trong thời điểm này là tắc mạch hay hoại tử da sau tiêm filler, phản ứng viêm nổi u hạt sau khi tiêm mesotherapy”, bác sĩ Thái Hà nói.

Bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mĩ và hàm mặt (Bệnh viện E) cho hay thường xuyên tiếp nhận nạn nhân của dịch vụ làm đẹp tại những cơ sở không đảm bảo tiêu chuẩn. Các dịch vụ làm đẹp ít xâm lấn như tiêm filler, botox… có điểm chung là thời gian hồi phục nhanh, sau khoảng 1-2 tuần, các chị em đã có thể ra phố đón Tết và khoe nhan sắc. Bác sĩ Nguyễn Đình Minh khuyến cáo để bảo đảm an toàn, trước khi đi làm đẹp, chị em cần tìm hiểu thông tin thật kĩ về cơ sở mình chọn lựa, tránh tâm lí vội vàng, gấp gáp làm đẹp kịp đón Tết, dễ xảy ra nguy cơ biến chứng.

Không nên chạy theo quảng cáo

“Hiện có nhiều kênh thông tin, trong đó thông tin quảng cáo trực tuyến rất mạnh, nhưng đây chỉ là kênh thông tin có tính chất tham khảo. Mọi người cần kiểm tra thông tin của bác sĩ, phòng khám trên cơ sở dữ liệu của Sở Y tế. Tuyệt đối không phó thác sức khỏe và nhan sắc cho các cơ sở thẩm mĩ “chui”, không có giấy phép; các nhân viên thẩm mĩ không có bằng cấp”, bác sĩ Nguyễn Đình Minh khuyến cáo.

Vài năm trở lại đây, dịch vụ tiêm mesotherapy (tiêm vi điểm trẻ hóa da) nở rộ. Đây là liệu pháp tiêm tinh chất trực tiếp vào da và được quảng cáo sẽ giúp da chống lão hóa, săn chắc, trắng sáng nhanh và trẻ trung hơn. Tuy nhiên bác sĩ Vũ Thái Hà, cho hay năm nay, biến chứng gặp nhiều hơn các năm trước là phản ứng viêm nổi u hạt sau khi tiêm mesotherapy. Việc điều trị biến chứng này cũng rất khó khăn. “Qua tìm hiểu của chúng tôi, ở một số spa, cơ sở thẩm mĩ nhập về những sản phẩm không được cấp phép tiêm nhưng họ vẫn cố tình tiêm cho khách hàng nên dẫn đến biến chứng. Thêm vào đó, có một số trung tâm thẩm mĩ, spa… có đội ngũ nhân viên không phải là bác sĩ. Thậm chí, họ không được đào tạo chuyên môn và không đủ kinh nghiệm để làm các thủ thuật, phẫu thuật thẩm mĩ, do đó khi tiêm không đúng kĩ thuật đã dẫn đến biến chứng”, bác sĩ Vũ Thái Hà thông tin.

Bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mĩ và hàm mặt (Bệnh viện E) phân tích thêm, nếu người không có chuyên môn và không được đào tạo bài bản, không nắm được kiến thức về giải phẫu, khi tiêm filler cho khách hàng có thể tiêm vào đường đi của mạch máu, gây tắc mạch, từ đó gây hoại tử, có thể dẫn đến mù lòa. Mặt khác, với người không được đào tạo bài bản về liều thuốc gây tê, gây mê, có thể tiêm thuốc gây tê quá mức, cao gấp nhiều lần ngưỡng ngộ độc; hay không nhận thức được thuốc sử dụng có được Bộ Y tế cho phép, có bị cấm hay không, từ đó gây ra những hậu quả đáng tiếc (Tiền phong, trang 11).

 

Thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM: Vì lợi ích của người dân

UBND TP.HCM đã trình Chính phủ đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm trực thuộc UBND TP.HCM.

Sau 6 năm thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, kết quả cho thấy có nhiều điểm tích cực, trong đó việc tập trung vào một đầu mối đã không còn gây chồng chéo, không còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa 3 sở: Y tế, Công thương và NN-PTNT; các vụ ngộ độc thực phẩm giảm…

Từ kết quả đó, UBND TP.HCM đã trình Chính phủ đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm trực thuộc UBND TP.HCM.

PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM liên quan đến vấn đề trên.

“Đã hết sức nỗ lực”

Thưa PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, bà có thể chia sẻ Ban Quản lý ATTP TP.HCM hiện nay hoạt động với mô hình, chức năng, nhiệm vụ như thế nào?

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan: Ban Quản lý ATTP TP.HCM được thành lập theo Quyết định số 2349 ngày 5.12.2016 của Thủ tướng, là mô hình thí điểm tập hợp lực lượng quản lý ATTP từ 3 sở: Y tế, Công thương và NN-PTNT, với nhiệm vụ làm đầu mối thống nhất tham mưu cho UBND TP.HCM trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ATTP, xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động bảo đảm ATTP cho cộng đồng. Cho đến nay, ban đã trải qua gần 6 năm thí điểm thực hiện mô hình.

Thời gian qua, ban phát huy vai trò, hiệu quả ở mức nào trong việc kiểm soát ATTP trên địa bàn TP.HCM?

Tập thể ban đã hết sức nỗ lực, chạy đua với thời gian để hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm ATTP cho người dân TP.HCM. Kết quả cụ thể thể hiện ở các chỉ tiêu đánh giá trong báo cáo tổng kết 6 năm thí điểm thành lập ban: tăng cường đội ngũ thanh tra và hoạt động thanh kiểm tra phát hiện và xử lý vi phạm, kết quả kiểm nghiệm ATTP cải thiện hằng năm, tăng sản lượng thực phẩm sạch, giảm số lượng và quy mô ngộ độc thực phẩm, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng, cải cách hành chính giảm phiền hà cho doanh nghiệp khi thống nhất một đầu mối quản lý. Có thể nói việc kiểm soát ATTP trên địa bàn TP.HCM đã hiệu quả hơn so với thời gian trước.

Theo bà, có những bất cập nào về mô hình, tổ chức bộ máy của ban hiện nay cần điều chỉnh, nâng cấp?

Vì là mô hình mới, chưa có trong hệ thống văn bản pháp luật, lại đang trong thời gian thí điểm nên ban đã gặp một số vướng mắc về pháp lý (thẩm quyền thanh tra, ra quyết định xử phạt) cũng như tổ chức nhân sự (tuyển dụng, chuyển đổi công chức, viên chức). Tất cả các khó khăn đã được TP.HCM tạm tháo gỡ để bảo đảm hoạt động của ban, nhưng nếu được chính thức hóa thành mô hình sở thì sẽ giải quyết được tận gốc.

Có mô hình hợp lý để hóa giải các thách thức

Qua 6 năm, bà nhận thấy những nguy cơ nào về ATTP mà TP.HCM đang đối mặt?

Có thể phân loại thành 2 nguy cơ: nguy cơ trước mắt đến từ việc lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm không đúng. Với khí hậu nóng ẩm và môi trường ít nhiều bị ô nhiễm thì nguy cơ thực phẩm nhiễm khuẩn là rất cao, có thể gây ngộ độc thực phẩm cho các bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng.

Nguy cơ lâu dài chính là sự tồn dư của các hóa chất độc hại đến từ thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chất cấm trong chăn nuôi, các chất phụ gia cấm..., với các biểu hiện không dễ phát hiện ngay mà có thể kéo dài hàng chục năm sau. Với thực trạng hệ thống sản xuất kinh doanh thực phẩm còn manh mún và thói quen ăn uống còn chủ quan tùy tiện, nguy cơ mất ATTP vẫn luôn hiện hữu ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Đô thị TP.HCM có 13 triệu dân, cần phải có cơ chế, mô hình, tổ chức bộ máy như thế nào, để đảm bảo giải quyết được vấn đề quản lý ATTP hiệu lực, hiệu quả?

Trách nhiệm kiểm soát ATTP cho một đô thị lớn 13 triệu dân là rất nặng nề, đòi hỏi phải có một cơ chế, mô hình, tổ chức bộ máy thích hợp.

Trước mắt không thể đòi hỏi tăng biên chế, vậy phải tổ chức sao cho hoạt động hiệu quả hơn, thống nhất đầu mối quản lý để tăng sức mạnh, đề cao vai trò và trách nhiệm, phân công hợp lý hơn. Chúng ta đã có các thí dụ về quản lý ATTP ở các đô thị lớn trên thế giới luôn phải tập trung một đầu mối có trách nhiệm và thẩm quyền quản lý.

Thực tế hiện nay quản lý ATTP ở VN được phân công cho 3 bộ ở T.Ư (Y tế, Công thương và NN-PTNT), xuống các tỉnh, thành là một phần lực lượng của 3 sở tương ứng; việc phối hợp còn nhiều lúng túng, ai lo lĩnh vực người nấy, khó xác định kịp thời trách nhiệm để ứng phó. Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP từ T.Ư đến tỉnh, thành, quận, huyện còn mang tính mặt trận, cũng không thể làm thay cho một cơ quan quản lý chính.

“Sở ATTP không phải chiếc đũa thần”

Nếu được thành lập Sở ATTP thì sở này vận hành, hoạt động ra sao để tránh chồng chéo, cha chung không ai khóc, giải quyết được những nguy cơ mất ATTP?

Như kinh nghiệm qua 6 năm hoạt động thí điểm của ban, khi tập trung nhiệm vụ quản lý ATTP từ 3 sở về ban, đã không có chồng chéo nhiệm vụ giữa 3 sở, mà là nhiệm vụ nội bộ trong ban, được phân công, xây dựng và triển khai kế hoạch từ đầu, chủ động giải quyết công việc.

Nếu đối với 3 sở trước đây, nhiệm vụ bảo đảm ATTP không phải là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cho từng sở vì còn nhiều nhiệm vụ khác, thì với ban và hy vọng là với Sở ATTP, nhiệm vụ kiểm soát ATTP là nhiệm vụ duy nhất, hàng đầu, cần tập trung thực hiện, cũng không thể trốn tránh trách nhiệm, đổ thừa đổ lỗi... Sở ATTP có nhiệm vụ tham mưu cho UBND TP.HCM, xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình hành động bảo đảm ATTP, giải quyết từng bước các nguy cơ mất ATTP, làm đầu mối phát hiện, phân tích, xử lý các sự cố về ATTP...

Nếu được thành lập sở, liệu có cam kết được là sẽ quản lý triệt để, hiệu quả, khắc phục được những bất cập, hạn chế trong vấn đề quản lý ATTP không?

Chúng tôi đánh giá có 3 nguyên nhân ảnh hưởng đến việc bảo đảm ATTP. Thứ nhất là thực trạng sản xuất kinh doanh manh mún và ý thức người dân. Thứ hai là hệ thống quy định pháp luật về ATTP chưa đồng bộ. Thứ ba là hệ thống quản lý chưa hiệu quả. Việc thành lập sở chỉ có thể giải quyết phần nào nguyên nhân thứ ba, từ đó có các tác động tích cực hơn đến 2 nguyên nhân đầu, để cải thiện hiệu quả bảo đảm ATTP.

Kết quả thí điểm 6 năm cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng, cho nên việc thành lập sở chắc chắn sẽ quản lý hiệu quả hơn, nhưng chưa đủ để quản lý triệt để. Chúng ta cần đầu tư hơn nữa cho công tác ATTP trong nhiều mặt, như tinh thần Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21.10.2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới.

Theo bà, người dân có thể sẽ yên tâm, được lợi gì về ATTP khi có sở này?

Xin đánh giá quá trình thí điểm Ban Quản lý ATTP và thành lập Sở ATTP như một nỗ lực tháo gỡ, tìm giải pháp của Thành ủy và UBND TP.HCM trước yêu cầu cấp thiết bảo đảm ATTP cho người dân TP. Vì vậy, hoạt động hiệu quả của mô hình mới - Sở ATTP, chính là vì lợi ích của người dân, để cộng đồng chúng ta được an tâm và an toàn sử dụng thực phẩm.

Nếu chưa cho lập sở hoặc không lập sở, thì có hệ quả gì không?

Bản thân tình hình ATTP luôn ẩn chứa nhiều nguy cơ, người dân rất bức xúc và lo lắng. Phải quyết liệt giải quyết, đến Ban Bí thư còn phải ra Chỉ thị 17. Việc thành lập sở không phải là chiếc đũa thần, không bảo đảm tất cả, nhưng phải tận dụng mọi giải pháp, và phải khẩn trương vì thời gian không đợi. Bởi qua thí điểm 6 năm cho thấy hiệu quả, ban không tăng biên chế, lại hợp lý khi tăng sức mạnh nhờ thống nhất một đầu mối như mô hình các nước.

Tại sao chần chừ? Nếu do quy định hiện hành thì làm sao đổi mới sáng tạo? Cứ nói quy định pháp luật bất cập, nhưng sửa rất lâu (Thanh niên, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang