Nhận diện bệnh não mô cầu
Viêm màng não do não mô cầu gây bệnh cảnh rất nặng, diễn biến nhanh khiến bệnh nhân có thể tử vong do sốc nhiễm khuẩn.
Tấn công người trẻ
Sau nhiều năm dài vắng bóng, vừa rồi tỉnh Hải Dương đã ghi nhận một bệnh nhân (nữ, 18 tuổi) tử vong do não mô cầu. “Đây là ca bệnh đầu tiên sau hơn 10 năm không ghi nhận viêm não mô cầu tại địa phương”, ông Bùi Huy Nhanh, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hải Dương, cho biết.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2016 tới nay, cả nước đã xuất hiện 6 ca nhiễm viêm não mô cầu. Mới đây nhất, tại hai huyện Đông Anh và Quốc Oai (Hà Nội) đã ghi nhận hai ca bệnh não mô cầu là nam giới (30 tuổi và 24 tuổi). Hàng chục người tiếp xúc gần với các bệnh nhân này đều đã được điều trị dự phòng, theo dõi sức khỏe. PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết não mô cầu nguy hiểm do diễn biến rất nhanh, chỉ sau vài tiếng nhiễm đã có thể gây sốc nhiễm khuẩn.
Số bệnh nhân mắc não mô cầu trong các năm gần đây ít hơn so với thời điểm 5 năm về trước. “Cũng do ít được biết đến trong cộng đồng và bệnh có thể bị nhầm với sốt xuất huyết, khiến người dân trì hoãn đến bệnh viện, làm tăng nguy cơ tử vong”, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết. Ông cũng lưu ý rằng bệnh não mô cầu lây chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh do hít phải dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra từ người mang vi khuẩn (người bệnh và người lành mang trùng). Mọi người đều có nguy cơ nhiễm và mắc bệnh, tuy nhiên thường gặp ở người trẻ (18 - 25 tuổi).
Theo dõi chặt chẽ khu vực có dịch
“Khi có biểu hiện nghi ngờ viêm não/màng não mô cầu như: sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, cổ cứng, nổi ban xuất huyết trên da cần đến ngay cơ sở y tế”, ông Phu khuyến cáo.
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh nhân mắc não mô cầu phải được cách ly tại phòng riêng và thực hiện các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế. Người tiếp xúc gần với ca bệnh (những người sống, làm việc cùng phòng, người trực tiếp chăm sóc, người có tiếp xúc mật thiết, trẻ học cùng trường mầm non/nhà trẻ, cùng nhóm học, cùng lớp học) cần được dùng kháng sinh dự phòng, theo dõi sức khỏe trong vòng 10 ngày. Tại gia đình bệnh nhân và cộng đồng khu vực ổ dịch, cần được giám sát, báo cáo dịch hằng ngày.
Theo ông Phu, viêm màng não do não mô cầu liên quan nhiều đến điều kiện vệ sinh cá nhân, môi trường sống, do đó cần thực hiện vệ sinh bằng cách mở cửa sổ, cửa chính để đảm bảo thông thoáng khí, có nhiều ánh nắng cho nhà/phòng ở, nơi làm việc, học tập hằng ngày.
Dịch viêm màng não do mô cầu thường gia tăng vào mùa đông - xuân. Đây là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Bệnh có thể phòng bằng tiêm vắc xin. (Thanh niên (trang 14).
Đắk Lắk phát hiện ca nhiễm não mô cầu ở trẻ
Chiều 11-3, bác sĩ Phạm Văn Lào - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk - cho biết lần đầu tiên ngành y tế tỉnh này phát hiện một ca bệnh nhiễm não mô cầu.
Đó là bé L.A.P. (5 tháng tuổi) ở xã Cư San, huyện M’Đrắk.
Bé L.A.P. nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk ngày 8-3 trong tình trạng sốt li bì, toàn thân xuất hiện nhiều nốt tử ban, khó thở và được các bác sĩ chẩn đoán nhiễm não mô cầu.
Xét nghiệm mẫu bệnh, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên kết luận cháu bé dương tính với vi khuẩn nhiễm não mô cầu.
Theo bác sĩ Lào, bé L.A.P. hiện đang được các bác sĩ cách ly và điều trị đặc biệt. Được biết, nhiễm não mô cầu (còn được gọi là màng não cầu) là bệnh trên người, do khuẩn não mô cầu nhóm C (Neisseria meningitidis) gây ra.
Đây là căn bệnh tuy ít gặp nhưng lây lan nhanh, có khả năng phát triển thành dịch vì dễ lây lan qua đường hô hấp, đặc biệt ở những nơi tập trung đông người. Tuổi dễ mắc bệnh nhất là trẻ em từ 36 tháng đến 3 tuổi và thanh thiếu niên 14-20 tuổi. (Tuổi trẻ (trang 2).
Đấu thầu thuốc thế nào là tốt nhất?
Nhiều lãnh đạo bệnh viện tiếp tục có ý kiến về vấn đề đấu thầu thuốc, thiết bị y tế.
Sau khi Tuổi Trẻ ngày 11-3 đăng bài “Đấu thầu thiết bị y tế: muốn rẻ có rẻ, muốn đắt có đắt” nêu ý kiến của người trong cuộc sau khi Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng chỉ đạo để các bệnh viện tự tổ chức đấu thầu thuốc, nhiều lãnh đạo bệnh viện tiếp tục có ý kiến về vấn đề này.
* Bác sĩ Võ Văn Tiến (giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi):
Chỉ nên áp giá thầu tập trung
Theo tôi, nếu cho các bệnh viện trở lại con đường cũ là tự đấu thầu thuốc thì bệnh viện sẽ mất rất nhiều thời gian, từ 3-4 tháng.
Trong quá trình đó, nhiều buổi chiều, các bác sĩ trưởng khoa của bệnh viện phải tham gia tổ chuyên gia để xem xét hồ sơ đấu thầu, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc bệnh nhân.
Chưa kể đấu thầu riêng lẻ còn dẫn đến tình trạng giá thuốc mỗi nơi mỗi khác.
Khi đó, dù cùng một loại thuốc bệnh nhân phải đồng chi trả ở mỗi bệnh viện mỗi khác, không có sự thống nhất giá trong chi phí điều trị. Tương tự, BHYT cũng khó thanh toán.
Tuy vậy, đấu thầu tập trung cũng có nhiều điểm không thuận lợi như cũng mất nhiều thời gian và có những công ty dược trúng thầu nhưng lại không có đủ thuốc để cung ứng...
Do vậy, theo tôi, tốt nhất là Sở Y tế TP chỉ nên đấu thầu tập trung về giá, còn công ty nào bán thuốc cũng được, để các bệnh viện áp giá thầu, tự mua.
* Bác sĩ Phan Thanh Hải (chủ tịch Hội hành nghề y tế tư nhân TP.HCM):
Không làm được là do cách tổ chức
Về nguyên tắc, đấu thầu tập trung vẫn là hệ thống tối ưu. Nếu đấu thầu tập trung được thì người dân sẽ được hưởng lợi vì đấu thầu tập trung có tính cạnh tranh cao, tránh sự mua chuộc riêng lẻ.
Với lại, khi mua sỉ giá sẽ thấp hơn nhiều so với mua lẻ, nhưng với điều kiện phải điều hành thật tốt, nhanh chóng, hữu hiệu để đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện.
Nếu tập trung việc đấu thầu thuốc lại mà làm không được là do cách tổ chức.
* Bác sĩ Phạm Hữu Quốc (giám đốc Bệnh viện Q.Gò Vấp):
Đấu thầu thuốc tập trung, đấu thầu thiết bị riêng lẻ
Theo tôi, nên đấu thầu thuốc tập trung tại trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công của ngành y tế, vì nếu đưa thuốc về đấu thầu tại các bệnh viện sẽ dẫn đến tình trạng mỗi bệnh viện giá mỗi khác. Khi đó, BHYT sẽ thanh toán giá thuốc như thế nào?
Còn việc mua sắm các trang thiết bị nên để cho các bệnh viện tự tổ chức đấu thầu vì lãnh đạo bệnh viện biết rõ cần những loại máy, kích cỡ như thế nào để điều trị tốt cho bệnh nhân. Khi tổ chức đấu thầu, giám đốc bệnh viện nào làm sai phải tự chịu trách nhiệm.
Hiện nay việc đấu thầu tập trung các trang thiết bị y tế làm nhiều bệnh viện phải chờ rất lâu vẫn chưa mua được trang thiết bị cần thiết.
Cụ thể, trong hai năm nay nhiều bệnh viện vẫn không mua được xe cấp cứu...
Đồng Nai ghi nhận 2 ca tử vong do sốt xuất huyết
Theo Sở Y tế Đồng Nai, từ đầu năm 2016 đến nay, tại Đồng Nai đã có 2 ca tử vong do sốt xuất huyết. Số người mắc sốt xuất huyết trong hơn 2 tháng đầu năm nay cũng tăng trên 50% so với cùng kỳ năm 2015 (trên 1.200 ca). Hai người tử vong do sốt xuất huyết nêu trên đều có điểm chung là được phát hiện chậm, sau nhiều ngày mắc bệnh người nhà mới đưa đến viện điều trị.
Ông Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết: Năm nay, bệnh sốt xuất huyết dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp ở Đồng Nai. Hiện mới là thời điểm đầu năm, nhưng sốt xuất huyết đã tăng mạnh, cả 11/11 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đều có người mắc bệnh. Bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết có cùng đường truyền giống nhau là từ muỗi Aedes; biểu hiện của 2 bệnh có nhiều điểm tương đồng như sốt, phát ban trên da, mệt mỏi, đau đầu. (Tuổi trẻ (trang 2). (An ninh thủ đô (trang 2):
Ghép nối cánh tay gần đứt lìa cho bé 8 tuổi
Ngày 11/3, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết các bác sĩ khoa Chỉnh hình Nhi - thực hiện thành công ca phẫu thuật cấp cứu ghép nối cánh tay gần bị đứt lìa.
Gia đình bệnh nhân cho biết, trong lúc đùa nghịch, cháu T.D.L (8 tuổi, ở Bắc Giang) không may bị người anh họ 14 tuổi dùng dao chém đứt gần lìa bàn tay. Bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Tại đây các bác sĩ đã tiến hành sơ cứu, băng ép cố định và chuyển cháu lên Bệnh viện Nhi T.Ư. Ths.Bác sĩ Lê Tuấn Anh, khoa Chỉnh hình Nhi (Bệnh viện Nhi T.Ư) là người trực tiếp tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi cho biết, cháu Lâm nhập viện trong tình trạng da xanh, niêm mạc nhợt, tổn thương rất phức tạp do vết thương ngang mặt trước cổ tay, đứt toàn bộ mạch máu, thần kinh, gân gấp các ngón tay, đứt xương.
Ngay lập tức, bác sĩ Tuấn Anh, bác sĩ Phùng Công Sáng cùng ê-kíp gây mê đã tiến hành vi phẫu nối các động mạch bị đứt, thần kinh, kết hợp xương… cứu bàn tay cho bé./. (Tiền phong (trang 10).