Những điều cần biết về biến thể COVID-19 mới nhất XBB.1.16
WHO đang theo dõi biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron, đã được xác định ở khoảng 20 quốc gia. Biến thể mới XBB.1.16 khiến các ca nhiễm COVID-19 tăng ở Ấn Độ, có thể lây ở trẻ em, với triệu chứng bổ sung mới là viêm kết mạc.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện đang theo dõi biến thể mới của Omicron XBB.1.16.
Theo TS. Maria Van Kerkhove (trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19), các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chỉ ra, XBB.1.16 có thêm một đột biến khiến biến thể phụ này dễ lây nhiễm hơn và dễ mắc COVID-19 có triệu chứng hơn.
Theo chuyên gia WHO, biến thể XBB.1.16 đã lưu hành được vài tháng và dường như không gây ra các triệu chứng COVID-19 nặng hơn.
Hầu hết các mẫu xét nghiệm XBB.1.16 được lấy từ Ấn Độ, nơi biến thể phụ này đang chiếm chủ đạo các ca nhiễm COVID-19.
Hiện nay Omicron vẫn là biến thể quan ngại trên toàn thế giới và hàng trăm biến thể phụ của Omicron vẫn tiếp tục lưu hành.
Biến thể mới XBB.1.16, còn được gọi là Arcturus đang làm gia tăng đột ngột các ca nhiễm COVID-19 mới tại Ấn Độ.
Ấn Độ ghi nhận hơn 6.000 ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày, biến thể phụ XBB.1.16 đã làm hàng nghìn người mắc COVID-19. Hiện tại, biến thể phụ này chiếm 10% các ca nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ. Cho đến nay, biến thể phụ XBB.1.16 đã được phát hiện ở một số quốc gia.
Ngoài làm gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm mới, các chuyên gia dịch tễ học cũng nhận thấy các triệu chứng mới chưa từng thấy trong các đợt dịch trước đó. Đặc biệt là biến thể phụ mới này làm lây nhiễm COVID-19 ở trẻ em.
Các triệu chứng COVID-19 khi mắc biến thể XBB.1.16
Tại Ấn Độ, các bệnh viện lại bắt đầu tiếp nhận các ca nhiễm COVID-19 ở trẻ em sau 6 tháng hầu như không ghi nhận ca nhiễm, do biến thể mới XBB.1.16.
Theo bác sĩ nhi khoa Vipin M Vashishtha (Trung tâm nghiên cứu và Bệnh viện Mangla ở Bijnor, Ấn Độ), một số triệu chứng COVID-19 phổ biến nhất gồm sốt cao, cảm lạnh và ho không có đờm.
Nhiều người mắc COVID-19 bị viêm kết mạc (ngứa kết mạc và ra rỉ mắt khiến mi mắt dính vào nhau), triệu chứng không thấy trong các đợt dịch trước đó.
Các chuyên gia trước đó đã cảnh báo về XBB.1.16 khi tiết lộ rằng biến thể mới này có lợi thế tăng trưởng 140% so với XBB.1.5 nên dễ lây lan hơn.
Theo TS. Vaishali Solao, chuyên gia tư vấn cấp cao tại Bệnh viện Fortis Mulund (Maharashtra, Ấn Độ), biến thể phụ XBB.1.16 chứa 2 đột biến (gồm 1 đột biến ở protein và 1 đột biến khác nữa).
Theo TS. Jitendra Choudhary (Chuyên gia tư vấn - Chăm sóc tích cực và Chăm sóc đặc biệt, Bệnh viện Fortis Hiranandani Vashi, Mumbai), tương tự như biến thể XBB.1.15 trước đó, biến thể phụ XBB.1.16 có thêm đột biến trong protein làm cho COVID-19 dễ lây hơn. WHO đã phân loại XBB.1.16 là biến thể cần theo dõi.
Một số triệu chứng COVID-19 bạn nên lưu ý bao gồm:
- Sốt
- Ho
- Đau họng
- Sổ mũi
- Mệt mỏi
- Đau cơ
- Tiêu chảy
Mặc dù biến thể XBB.1.16 không gây ra các triệu chứng nặng, bạn cần lưu ý một số triệu chứng COVID-19 khi mắc biến thể XBB.1.16 không khác với các biến thể COVID-19 trước đây.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho rằng XBB.1.16 có thể gây ra nhiều ca nhiễm và tái nhiễm đột ngột hơn ở những người có miễn dịch nhờ tiêm vaccine hoặc từng nhiễm COVID-19 trước đó, TS. Choudhary cho biết thêm.
Biến thể XBB.1.16 lần đầu tiên được phát hiện ở Brazil vào tháng 3/2023. Biến thể XBB.1.16 có một số đột biến khiến nó trở thành các biến thể khác nhau, chẳng hạn như biến thể alpha, beta, gamma và delta. TS. Choudhary chỉ ra những khác biệt sau giữa biến thể này và những biến thể trước đó:
- Biến thể XBB.1.16 có tỷ lệ lây truyền cao hơn, nghĩa là COVID-19 có thể lây lan dễ dàng hơn từ người này sang người khác nếu bạn mắc biến thể này.
- Biến thể XBB.1.16 có tỷ lệ chuyển nặng thấp hơn, nghĩa là ít gây ra các triệu chứng COVID-19 nặng và ít phải nhập viện hơn so với các biến thể trước đó.
- Biến thể XBB.1.16 có thể lẩn tránh hệ miễn dịch cao hơn, nghĩa là tỷ lệ mắc ở người đã có miễn dịch nhờ tiêm vaccine và do từng mắc trước đó cao hơn so với các biến thể trước đó.
Để ngăn chặn sự lây lan của XBB.1.16, Ấn Độ khuyến nghị các biện pháp phòng ngừa sau đối với người dân để bảo vệ bản thân và ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan:
- Đeo khẩu trang che mũi và miệng ở nơi công cộng hoặc khi ở gần những người không cùng nhà.
- Duy trì khoảng cách xã hội ít nhất 2m với những người khác.
- Tránh những nơi đông đúc và kém thông thoáng.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn.
- Hãy tiêm phòng COVID-19 càng sớm càng tốt nếu bạn đủ điều kiện và chưa tiêm phòng, cân nhắc các mũi tiêm tăng cường và nhắc lại nếu bạn đủ điều kiện.
- Nếu bạn có các triệu chứng COVID-19, chẳng hạn như sốt, ho, khó thở, mất vị giác hoặc khứu giác, hãy tự cách ly tại nhà và tìm kiếm sự chăm sóc y tế.
- Tuân thủ các hướng dẫn và quy định của cơ quan y tế địa phương về xét nghiệm, kiểm dịch và cách ly. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 16).
Bệnh viện ở TP.HCM quá tải bệnh nhân chạy thận, chuyên gia kiến nghị đầu tư thêm các đơn vị chạy thận ở y tế cơ sở
Để đáp ứng nhu cầu chạy thận cho bệnh nhân, mỗi bệnh viện đều phải tổ chức nhiều ca chạy thận trong ngày. Tuy nhiên, hiện có những bệnh viện có tình trạng quá tải bệnh nhân chạy thận.
TP.HCM hiện có 47 đơn vị cơ sở y tế triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo (39 cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế và 8 đơn vị trực thuộc bộ, ngành). Để đáp ứng nhu cầu chạy thận cho bệnh nhân, mỗi bệnh viện đều phải tổ chức nhiều ca chạy thận trong ngày. Tuy nhiên, hiện có những bệnh viện có tình trạng quá tải bệnh nhân chạy thận.
Chia sẻ với phóng viên, anh L.H.Q, 39 tuổi, ngụ ở TP Thủ Đức cho biết, anh bị suy thận mạn tính và đã chạy thận tại Bệnh viện TP Thủ Đức được 4 lần. Tuy nhiên, do Bệnh viện TP Thủ Đức đông bệnh nhân lại không đủ dịch lọc thận, anh Quý được bác sĩ hướng dẫn chuyển sang Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức).
Không chỉ riêng anh Quý, Bệnh viện Lê Văn Thịnh còn tiếp nhận một số bệnh nhân chạy thận chuyển từ các bệnh viện lớn trên địa bàn TP.HCM về điều trị tại đây. Cụ thể như bệnh nhân N.T.D.H, 30 tuổi, ngụ Thành phố Thủ Đức. Anh H. cho biết, trước đó, anh H. chạy thận cấp cứu ở Bệnh viện Thống Nhất thì vẫn có máy đảm bảo lọc thận, tuy nhiên đến khi phải đăng ký chạy định kỳ thì bệnh viện chỉ còn dư 4 máy, kể cả máy dịch vụ cũng không còn nên các bác sĩ đã giới thiệu cho anh H. về Bệnh viện Lê Văn Thịnh chạy định kỳ.
Theo thống kê, Bệnh viện Thống Nhất hiện có 45 máy điều trị nhưng phải lọc máu cho khoảng 150 ca/ngày. Từ nhiều ngày trước, bệnh nhân phải nằm dọc hành lang chờ chạy thận. Ngoài ưu tiên các bệnh nhân cấp cứu, khoa Thận nhân tạo không thể tiếp nhận thêm các trường hợp chạy thận khác. Hiện khoa Thận nhân tạo đang có gần 200 bệnh nhân chạy thận nhân tạo, các y, bác sĩ tại khoa phải làm việc liên tục từ 5 giờ đến 18 giờ.
BS.CK 2 Từ Kim Thanh – Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cũng chia sẻ, gần đây, khoa do anh phụ trách tiếp nhận nhiều bệnh nhân từ các bệnh viện khác trên địa bàn thành phố và từ cả các tỉnh miền Tây và cả Tây Nguyên đến chạy thận. Hiện tại khoa có 31 máy lọc thận, có thể giải quyết cho gần 200 bệnh nhân (chạy 3 ca/ngày, bao gồm cả chạy thận nhân tạo chu kỳ, lọc máu liên tục, hồi sức....).
Theo bác sĩ Thanh, nếu chạy đủ 4 ca như nhiều bệnh viện khác, khoa có thể tiếp nhận thêm từ 60 - 70 bệnh nhân nữa. Tuy nhiên, điều đó có thể gây quá tải với các điều dưỡng ở đây bởi công việc của họ rất cực, chịu nhiều áp lực. Bệnh nhân chạy thận lọc máu kín tuần, kể cả ngày lễ, Tết nên điều dưỡng không được nghỉ ngơi, chưa kể họ cũng cần phải có thời gian đào tạo thêm. Trong khi đó, dự báo, số bệnh nhân chạy thận còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Giải thích về nguyên nhân nhiều bệnh viện quá tải chạy thận không chỉ riêng tại TP.HCM, bác sĩ Thanh cho hay, hiện nay vấn đề tầm soát bệnh đã phát triển, do vậy người mắc bệnh được phát hiện nhiều hơn. Các kỹ thuật điều trị suy thận mạn ngày càng tiến bộ, chi phí điều trị giảm đáng kể so với trước đây, vậy nên bệnh nhân tiếp cận sớm và được điều trị, tuổi thọ của người lọc thận kéo dài hơn. Do vậy lượng người chạy thận ngày càng gia tăng.
Trong khi đó, thực tế cho thấy, dù lượng bệnh nhân gia tăng nhưng việc xây dựng cơ sở vật chất chạy thận lại gặp nhiều trở ngại. Bác sĩ Thanh nêu ví dụ, với một khoa phòng khác, nếu quá tải sẽ kê thêm giường cho bệnh nhân nằm nhưng với bệnh nhân chạy thận sẽ liên quan đến máy móc, cơ sở vật chất. Cụ thể, một máy chạy thận chi phí khoảng 400 triệu đồng, rồi hệ thống RO, kho chứa dịch, phòng rửa màng, phòng trữ màng… Nghĩa là cơ sở vật chất để triển khai lọc máu có thể cần diện tích gấp 2 – 3 lần các khoa phòng bình thường, đầu tư tốn kém.
Điều đáng nói, cơ cấu giá mà bảo hiểm y tế chi trả cho việc chạy thận vẫn chưa tính đúng, tính đủ, nên không đủ để bệnh viện bù chi phí máy móc, dây truyền, vận hành…Cho nên bệnh viện càng làm càng bị lỗ. Còn nếu bệnh nhân chạy thận ở cơ sở tư nhân thì nhiều bệnh nhân không chi trả được.
Trước nguy cơ quá tải bệnh nhân chạy thận, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đã có buổi họp với các bệnh viện đầu ngành và các chuyên gia trong lĩnh vực chạy thận để thảo luận đánh giá nhanh giữa nhu cầu chạy thận cho người bệnh bị suy thận và khả năng cung ứng của các bệnh viện trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo từ các đơn vị trực thuộc Sở Y tế TP.HCM, tổng số bệnh nhân đang được lọc máu định kỳ là 4.254 người (tăng rõ so với cách đây 5 năm, thời điểm lúc bấy giờ chỉ hơn 3.000 người). Điều đáng lưu ý là người bệnh có địa chỉ ngoài TP.HCM chiếm tỷ lệ gần 20%.
Các chuyên gia dự báo nếu số bệnh viện có triển khai kỹ thuật chạy thận và số máy chạy thận không thay đổi thì nguy cơ quá tải chạy thận tại các bệnh viện là khó tránh khỏi.
Các chuyên gia về thận học của TP.HCM đã kiến nghị, sớm củng cố mạng lưới các cơ sở y tế tham gia chăm sóc người bệnh bị suy thận có chỉ định chạy thận. Trong đó, ưu tiên đầu tư nguồn lực (từ ngân sách hoặc có cơ chế chính sách huy động nguồn lực xã hội đầu tư thiết bị chạy thận cho các bệnh viện) giúp tất cả các bệnh viện tuyến huyện có đủ điều kiện để triển khai chạy thận cho người bệnh trên địa bàn. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8).
Số ca mắc Covid-19 tăng cao, nhiều bệnh nhân nặng
Chiều 11-4, Bộ Y tế cho biết, trong ngày, cả nước ghi nhận 183 ca mắc Covid-19 và là số ca mắc Covid-19 trong ngày được ghi nhận cao nhất kể từ cuối tháng 12-2022 tới nay.
Tính đến nay, tại Việt Nam đã có hơn 11,52 triệu người mắc Covid-19, trên 10,61 triệu người khỏi bệnh và 43.186 ca tử vong, chiếm tỷ lệ 0,4% số ca mắc. Toàn quốc đã tiêm chủng được hơn 266 triệu mũi vaccine Covid-19 các loại.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, từ đầu tháng 4 tới nay, số ca mắc Covid-19 trong cả nước có chiều hướng tăng mạnh, trong đó riêng 7 ngày qua tăng gấp 4 lần so với tuần trước đó, nhiều nhất là ở Hà Nội. Trong khi đó, chỉ riêng 2 ngày đầu tuần này, số mắc Covid-19 cả nước đã là 296 ca, trong khi vào tháng 2 và 3, số mắc Covid-19 hàng ngày chỉ ở mức trên dưới 10 ca ngày. Dù số ca mắc đang tăng nhanh nhưng chưa ghi nhận có sự biến đổi của chủng virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cùng với số ca mắc Covid-19 tăng rất cao gần đây thì số bệnh nhân nặng phải nhập viện điều trị cũng có xu hướng gia tăng. Hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị 75 bệnh nhân nặng, trong đó có 5 ca thở máy, 10 ca thở oxy. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội đang điều trị cho 75 bệnh nhân Covid-19 nặng phải thở oxy và phần lớn là người cao tuổi có bệnh nền, trong khi cả tháng 3 chỉ có 25 bệnh nhân.
Theo các chuyên gia, số ca mắc Covid-19 đang tăng cao là do thời gian qua nhiều người lơ là, bỏ qua tiêm vaccine Covid-19 nên đáp ứng miễn dịch trong cộng đồng giảm đi, khiến dịch có xu hướng lây lan mạnh trở lại. Đồng thời thời tiết chuyển mùa, nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, trong đó có SARS-CoV-2. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Nỗ lực bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh
Sáng 11/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra đột xuất một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội để tìm hiểu tình hình cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 30/NQ-CP và Nghị định 07/2023/NĐ-CP tháo gỡ khó khăn trong công tác này.
Đến thăm Khoa A9, Bệnh viện Bạch Mai, sau khi nghe lãnh đạo bệnh viện, khoa báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, bệnh viện có bề dày truyền thống lịch sử, do đó cần giáo dục truyền thống lịch sử của bệnh viện, ngành, đề cao tinh thần y đức "Thầy thuốc như mẹ hiền"; trong vấn đề đấu thầu, đấu giá phải không sợ trách nhiệm; chống tiêu cực, tham nhũng, không được tư lợi cá nhân, làm méo mó chính sách, cản trở công tác khám, chữa bệnh.
Theo Thủ tướng, bệnh viện phải mạnh dạn đấu thầu, đấu giá thuốc, mua sắm trang thiết bị vật tư, máy móc công khai, minh bạch thì Chính phủ ủng hộ, bảo vệ. Chính sách của Nhà nước là xây dựng chiến lược, cơ bản, lâu dài, chống là thường xuyên.
Thủ tướng đề nghị quy hoạch tổng thể lại Bệnh viện Bạch Mai; trước mắt, Chính phủ cố gắng dành cho bệnh viện khoản kinh phí nhất định để đầu tư; nhưng bệnh viện phải xem cái gì cần làm trước; quy hoạch lại toàn bộ khu vực bệnh viện xem cái gì giữ lại, cái gì phải xây mới, xây cao tầng, kể cả hợp tác công tư (PPP), đưa doanh nghiệp vào hợp tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất không chỉ là trang thiết bị vì đây là bệnh viện có thương hiệu; phải quy hoạch bài bản, tư vấn tốt, trên cơ sở đó hoàn thiện dần.
Theo Thủ tướng, việc hợp tác công tư sẽ thúc đẩy công tác khám, chữa bệnh trên tinh thần hài hòa lợi ích, minh bạch, không cài cắm lợi ích. Sau 1 thời gian hợp tác, khi thấy việc liên doanh, liên kết đặt máy bất cập phải điều chỉnh ngay. Thủ tướng cho rằng, cần bảo đảm thuốc men, ưu tiên số 1 là trang thiết bị, thuốc để tháo gỡ các ách tắc hiện nay.
Thủ tướng đề nghị là đơn vị đầu ngành thì Bệnh viện Bạch Mai cần tham gia xây dựng chỉ đạo về đầu tư, chính sách đối với đội ngũ y, bác sĩ, bệnh nhân; tham gia công tác an sinh xã hội.
Thăm phòng chụp cắt lớp của bệnh viện, Thủ tướng yêu cầu bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, không nên để máy móc, thiết bị hiện đại “đắp chiếu” nằm không vì đây cũng là nguồn lực của nhân dân. Từ thực tiễn này, bệnh viện cần tổng kết mô hình để nhân rộng, tinh thần là hài hòa lợi ích giữa các bên.
* Cùng ngày, Thủ tướng đi thăm Bệnh viện Nhi Trung ương, thăm Khoa hô hấp, tìm hiểu việc đáp ứng nhu cầu thuốc, trang thiết bị cho khám, chữa bệnh.
Sau khi nghe lãnh đạo bệnh viện báo cáo về việc khám chữa bệnh, bảo đảm thuốc, vật tư y tế, Thủ tướng đề nghị y, bác sĩ phải phản ánh kịp thời mọi khó khăn, vướng mắc lên Ban Giám đốc để tìm cách tháo gỡ.
Thủ tướng cũng tìm hiểu việc hợp tác lắp đặt máy móc phục vụ khám, chữa bệnh; bày tỏ vui mừng được biết bệnh viện có Quỹ sự nghiệp phát triển với hơn 1.000 tỷ đồng; trong năm nay dự kiến sử dụng 100 tỷ đồng cho chuyển đổi số từ quỹ này.
Thủ tướng yêu cầu phải giải phóng cơ chế để sử dụng hiệu quả Quỹ Phát triển sự nghiệp; yêu cầu sử dụng quỹ đúng mục đích, hiệu quả; mạnh dạn làm, không được tư lợi; bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Nếu mất cấu trúc hài hòa thì không thể phát triển được.
Thăm Trung tâm hô hấp-Hồi sức hô hấp của bệnh viện, Thủ tướng hỏi thăm người nhà các bệnh nhi, nhất là việc bệnh viện đáp ứng nhu cầu thuốc, thái độ chăm sóc của các y, bác sĩ; điều kiện sinh hoạt của người nhà khi ở bệnh viện chăm sóc bệnh nhi.
Thăm làm việc tại Khoa Dược của bệnh viện, Thủ tướng tìm hiểu việc cung ứng thuốc cho bệnh nhân.
Thủ tướng yêu cầu phải dự báo sớm để khi cần là có đủ thuốc ngay, đặc biệt trong thời điểm chuyển mùa, bệnh thông thường tăng lên, nhất là bệnh về hô hấp; lắng nghe các cháu bằng trái tim, chăm sóc các cháu bằng hành động.
Thủ tướng hoan nghênh Bệnh viện Nhi Trung ương với tinh thần "Thầy thuốc như mẹ hiền" đối với các bệnh nhi; nêu rõ, vừa qua liên quan mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, Quốc hội đã ban hành Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/2023/NQ-CP của Chính phủ, Nghị định số 07/2022/NĐ-CP… Những vướng mắc thực tiễn đang cơ bản được tháo gỡ. Bệnh viện Nhi Trung ương cũng có hoạt động mua sắm, đấu thầu…
Bên cạnh đó, còn một số việc như đấu thầu trên mạng là việc mới, cần phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, lắng nghe ý kiến những người làm trực tiếp.
Thủ tướng đề nghị các bệnh viện còn vướng mắc gì thì kiến nghị, Bộ Y tế tập hợp các ý kiến để tháo gỡ.
Đối với các Nghị định liên quan thì cần phải nhanh chóng ban hành, thí dụ giao Bộ Y tế ban hành các Nghị định để thực hiện ngay bằng quy trình rút gọn vì vấn đề sức khỏe của nhân dân bởi vấn đề khám, chữa bệnh, cấp cứu rất cấp thiết.
Việc điều trị cần nhân lực, trang thiết bị, thuốc, do đó phải cố gắng ban hành các Nghị định sát thực tế để thực hiện có hiệu quả. Khi đã có Nghị quyết, Nghị định rồi thì phải có Thông tư hướng dẫn để thực hiện phổ biến. Vì là đấu thầu trên mạng cho nên các bệnh viện, Bộ Y tế phải tăng cường nhân lực, nguồn lực tích cực phục vụ chuyển đổi số; việc này cũng góp phần thế giới công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực.
Thủ tướng yêu cầu phải tăng cường công nghệ số trong lĩnh vực y tế. Cổng thông tin điện tử phải được nâng cấp, bảo đảm thông suốt.
Vấn đề nữa mà Thủ tướng bày tỏ quan tâm là hợp tác công tư, do đó đề nghị Bộ Y tế cùng Bộ Tài chính hướng dẫn, bảo đảm hài hòa lợi ích cho Nhà nước, người dân và doanh nghiệp trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, nếu phá vỡ cấu trúc này thì không thể hợp tác công tư; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần y đức của những cán bộ tham gia đấu thầu, đấu giá, hết sức tránh tiêu cực, gửi giá… Chỉ có công khai, minh bạch thì chúng ta mới giảm được tiêu cực.
Thủ tướng nêu rõ, các bệnh nhi nằm tại Bệnh viện Nhi Trung ương tuổi nhỏ, do đó phải kết hợp giữa bệnh viện và gia đình trong chăm sóc các cháu. Vì thế, bệnh viện cần tổ chức bảo đảm cho người nhà ăn ở tại bệnh viện, các bệnh nhi cần có bố mẹ, người nhà theo sát; việc này phải bảo đảm khoa học, vệ sinh môi trường, giảm tối đa chi phí cho người nhà bệnh nhi ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng khó khăn, tránh phiền hà, ách tắc cho người dân.
Bệnh viện cần rút kinh nghiệm công việc này, nếu cần thì đấu thầu dịch vụ để cạnh tranh công khai, minh bạch. Thủ tướng cho rằng, cần quy hoạch bài bản lại bệnh viện theo tư duy mới, nâng cấp để bảo đảm khoa học, văn minh, sạch sẽ với khả năng tối đa có thể; giảm bớt sự lộn xộn; việc đầu tư có thể phân kỳ.
Việc quản trị cho bệnh viện phải khoa học, tiết kiệm, giảm chi phí cho người nhà bệnh nhân. Thủ tướng yêu cầu đội ngũ y, bác sĩ phải nâng cao tay nghề chuyên môn, tăng cường y đức, tính đúng tính đủ giá dịch vụ.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế trong quý này phải ban hành Thông tư để tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, qua đó huy động mọi nguồn lực cho công tác khám chữa bệnh.
* Tiếp đó, Thủ tướng đến thăm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2 ở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) và kiểm tra công tác đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, thuốc men, trang thiết bị y tế; những vấn đề vướng mắc trong công tác đấu thầu, đấu giá mua sắm thuốc, trang thiết bị; đồng thời kiểm tra công tác đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh, điều trị trong bối cảnh giao mùa, các bệnh có xu hướng tăng, kể cả dịch Covid-19.
Thủ tướng cho rằng, cần phải có cơ chế để khi cần (nhất là lúc dịch bùng phát) là có ngay thuốc, lúc đó đấu thầu thì không thể đáp ứng được; vướng nhất ở đây là dù bệnh viện lớn nhưng không được chủ động đấu thầu.
Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu chuyến đi là rà soát xem việc thực hiện các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ như thế nào, từ đó thống nhất cách lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trên toàn quốc.
Thủ tướng hoan nghênh Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đạt kết quả tích cực trong phòng, chống dịch hơn 2 năm qua. Bệnh viện là đơn vị chủ lực, là tuyến cuối cùng trong điều trị ca bệnh Covid-19, đóng góp vào kiểm soát dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế.
Thủ tướng hoan nghênh bệnh viện trong việc tự chủ trong điều kiện khó khăn tập trung chống dịch, các công việc đột xuất. Với đặc thù riêng trong chống dịch và các bệnh nhiệt đới, Thủ tướng biểu dương tập thể bệnh viện đoàn kết, thống nhất, chuyển từ bao cấp sang tự chủ, hoàn thành nhiệm vụ chống dịch; bệnh viện cũng đóng góp lớn vào nghiên cứu khoa học, tích lũy kinh nghiệm, góp phần xây dựng lý luận phòng, chống dịch.
Thủ tướng nêu rõ, tình hình sắp tới diễn biến phức tạp, bệnh tật không thể lường hết, do đó chúng ta phải luôn luôn chủ động, lúc bình thường phải nghĩ đến lúc không bình thường, lúc không bình thường phải chuẩn bị cho trạng thái bình thường, để có phương án linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; mong đội ngũ cán bộ, y bác sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết; khi chuyển đổi trạng thái phải phù hợp, không “giật cục”.
Thủ tướng đề nghị đối với những vướng mắc đang tồn tại ở bệnh viện, Bộ Y tế phải nỗ lực giải quyết. Ranh giới giữa sống và chết liên quan bệnh nhiệt đới, bệnh phổi là rất nhanh, với đặc thù này, các thuốc men, sinh phẩm, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh ở bệnh viện cũng phải mang tính đặc thù và phải đáp ứng. Bệnh viện phải lên kế hoạch lúc bình thường và không bình thường chuyển trạng thái không giật cục; Bộ Y tế phải đáp ứng yêu cầu này.
Về cơ chế, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ triệu tập Bộ Y tế, Bộ Tài chính xử lý 2 việc: Giao quyền tự chủ cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương theo đúng tiêu chuẩn, tiêu chí; chậm nhất đến 20/4 phải hoàn thành giao quyền tự chủ. Thứ hai là vấn đề sinh phẩm còn dư và sinh phẩm phục vụ còn nghiên cứu, phải tổ chức họp để quyết ngay. Văn phòng Chính phủ phải tham mưu với tinh thần là giải quyết nhanh để bệnh viện đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh.
Về cơ sở vật chất, Thủ tướng đề nghị bệnh viện triển khai ngay làm giai đoạn 2, thực hiện ngay việc đấu thầu, đấu giá; yêu cầu các cơ sở y tế được giao đầu tư công thì Bộ Y tế phải tích cực chỉ đạo triển khai nhanh.
Bộ Y tế phải tích cực rà soát, giải quyết nhanh thủ tục giải ngân, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc này. Bộ Y tế phối hợp Bộ Xây dựng triển khai nhanh các dự án liên quan của ngành y tế; phải tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công, mua sắm trang thiết bị.
Thủ tướng yêu cầu phải nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ; tổ chức quản trị bệnh viện hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường, xanh, sạch, đẹp; khi đấu thầu, đấu giá phải tránh 2 khuynh hướng hoặc là tiêu cực, hoặc là sợ trách nhiệm; phải phát huy tinh thần “Sâu y lý, giỏi y thuật, sáng y đức”. (Nhân dân, trang 3; Tiền phong, trang 3; Sài Gòn giải phóng, trang 1; Công an nhân dân, trang 1; An ninh thủ đô, trang 3; Hà Nội mới, trang 1; Thanh niên, trang 3).