Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 12/5/2016

  • |
T5g.org.vn - Thực phẩm bẩn bị bêu tên ở đâu?; 139 mẫu hải sản ở miền trung đều an toàn; Bệnh nhân Hàn Quốc mắc Zika đã ở Việt Nam 6 tháng

Thực phẩm bẩn bị bêu tên ở đâu?

(PL)- Tên cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn tại TP.HCM được công khai trên trang web http://atvstp.org.vn.

“Tại TP.HCM, nếu phát hiện cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn thì hãy gọi ngay đường dây nóng của Chi cục ATVSTP TP.HCM qua số (08) 39301714” - ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, nhấn mạnh.

Công khai tên cơ sở sai phạm

. Nếu xác định cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm bẩn, Chi cục ATVSTP TP.HCM sẽ “xử” như thế nào, thưa ông?

+ Ông Huỳnh Lê Thái Hòa: Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, tất cả cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo các điều kiện ATVSTP còn bị công khai tên, địa chỉ, hành vi sai phạm, số tiền phạt… trên website http://atvstp.org.vn của Chi cục ATVSTP TP.HCM (chi cục). Việc công bố cơ sở sai phạm trên website của chi cục đã được thực hiện từ tháng 8-2015.

Không chỉ vậy, đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm để xảy ra ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người thì chi cục sẽ công bố ngay sau khi có kết luận chính thức.

. Chi cục ATVSTP TP.HCM cũng thường lấy mẫu thực phẩm trên địa bàn giám sát và xét nghiệm để kịp thời cảnh báo người tiêu dùng. Vậy kết quả xét nghiệm có được công bố trên website của chi cục không?

+ Kết quả giám sát các mẫu thực phẩm cũng được công bố trên website của chi cục. Chẳng hạn, ngày 21-4, chi cục đã thông tin cảnh báo chất vàng ô trên măng tươi, măng khô.

Kết nối với quận, huyện

. Các quận/huyện cũng có chức năng kiểm tra, thanh tra ATVSTP trên địa bàn. Vậy quận/huyện có công bố cơ sở vi phạm không?

+ Việc công bố cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm ATVSTP là điều cần thiết. Tuy nhiên, hầu như các quận/huyện TP.HCM chưa thực hiện việc công bố cơ sở sai phạm.

Để khắc phục tình trạng trên, chi cục đang xây dựng phần mềm chương trình kiểm tra, thanh tra và xử lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Hệ thống chương trình sẽ kết nối giữa chi cục và 24 quận/huyện. Sau khi có kết quả xử lý cơ sở sai phạm, các quận/huyện sẽ chuyển thông tin về chi cục và chi cục sẽ công bố trên website.

. Không riêng cơ sở có quy mô lớn bị công bố, người dân cũng muốn “bêu tên” những điểm kinh doanh nhỏ lẻ bán thực phẩm ngoài chợ, bán thức ăn đường phố sai phạm lên bản tin của chợ, của khu phố, phường/xã, thậm chí trên hệ thống phát thanh địa phương. Ông nghĩ sao?

+ Tôi đồng tình với đề xuất của bà con. Đa phần điểm kinh doanh thực phẩm ngoài chợ, kinh doanh thức ăn đường phố vốn liếng không nhiều. Do vậy, nếu phạt tiền ở mức cao thì có thể người sai phạm không thể đóng. Hình thức răn đe hiệu quả nhất là nêu rõ tên người vi phạm, bán thực phẩm gì… lên bản tin của chợ, của địa phương, kể cả trên hệ thống phát thanh…

Tuy nhiên, áp dụng bất cứ hình thức nào thì cũng phải đúng pháp luật. Chi cục sẽ xem xét các quy định liên quan để sớm đề xuất hình thức “bêu tên” người vi phạm sao cho người dân có thể nắm bắt được những thông tin thiết thực nhất ở chợ, ở khu phố, phường/xã…

. Xin cám ơn ông. Pháp luật TP.HCM (trang 7)

139 mẫu hải sản ở miền trung đều an toàn

ANTĐ -Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, từ ngày 28-4 đến ngày 6-5, có khoảng 139 mẫu hải sản tươi sống, mẫu nước sử dụng và rau ăn tại các khu vực có hiện tượng cá chết thuộc 4 tỉnh miền trung đã được xét nghiệm.

Ông Nguyễn Hùng Long cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ khi sự cố này xảy ra, Bộ Y tế đã cho thành lập 4 tổ công tác thường trực thuộc 4 tỉnh miền Trung có xảy ra vụ việc gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, để kiểm tra các hoạt động giám sát việc sử dụng thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt là hải sản, nhằm ngăn ngừa việc sử dụng, kinh doanh hải sản chết không rõ nguyên nhân.

Cũng theo ông Nguyễn Hùng Long, hiện mỗi ngày Cục vẫn lấy các mẫu thủy hải sản tươi sống 2 lần vào các thời điểm sáng và chiều, rồi gửi ra Viện kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia để xét nghiệm xác định độc tố. Kết quả xét nghiệm sẽ có ngay trong ngày hôm sau để kịp thời tuyên truyền cho người dân trong việc sử dụng thực phẩm, đồng thời báo cáo Chính phủ cùng các Bộ liên quan. An ninh thủ đô (trang 2)

Bệnh nhân Hàn Quốc mắc Zika đã ở Việt Nam 6 tháng

Ngày 11/5, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng quận 7 tiến hành điều tra dịch tễ và môi trường tại nơi ở và nơi làm việc trước đây của nữ bệnh nhân người Hàn Quốc.

Thông tin mới nhất xác định bệnh nhân nữ 26 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc, sống và làm việc tại Việt Nam từ ngày 13/10/2015 đến 30/4/2016.

Qua điều tra, chưa phát hiện những trường hợp nào có dấu hiệu nghi ngờ mắc Zika trong vòng 1 tháng qua tại nơi ở và nơi làm việc của bệnh nhân. Môi trường tại 2 địa điểm này thoáng đãng, sạch sẽ, không phát hiện lăng quăng trong các vật chứa nước, cũng như chưa phát hiện muỗi.

Trung tâm Y tế dự phòng thành phố sẽ tiếp tục điều tra dịch tễ tại những nơi bệnh nhân hay lui tới và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại những nơi này.

Triển lãm quốc tế chuyên ngành y dược Việt Nam lần thứ 23

Sáng 11-5, tại Hà Nội đã diễn ra khai mạc Triển lãm quốc tế chuyên ngành y dược Việt Nam lần thứ 23.

Diễn ra từ 11 đến 14- 5, triển lãm năm nay có 450 gian hàng của 30 tập đoàn, doanh nghiệp đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ: Ấn Độ, Bangladesh, Bỉ, CHLB Đức, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Việt Nam…

            Ban Tổ chức cho biết, sản phẩm trung bày tại triển lãm gồm: Dược phẩm; máy móc, trang thiết bị và đồ dùng y tế; trang thiết bị, nội thất bệnh viện, phòng khám; thiết bị nha khoa; thiết bị ngoại khoa; thiết bị phòng thí nghiệm; nguyên liệu hóa dược; dây truyền, thiết bị bào chế, sản xuất đóng gói bao bì dược phẩm; thiết bị xử lý chất thải…

Bên cạnh đó, triển lãm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như: tư vấn, hỏi đáp thông tin về pháp luật, thị trường dược phẩm, trang thiết bị y tế; hội thảo, tọa đàm chuyên đề; tiếp xúc giao thương…

Cùng với đó là các hoạt động giới thiệu những tiến bộ, thành tựu mới của ngành y- dược Việt Nam và thế giới; tuyên truyền các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác y tế; phòng chống dịch bệnh; khám, chữa bệnh, mỹ phẩm, an toàn thực phẩm, môi trường y tế, trang thiết bị y tế, các sản phẩm dịch vụ nâng cao chất lượng cuộc sống.

Triển lãm quốc tế chuyên ngành y dược Việt Nam được tổ chức thường niên từ năm 1994 trở thành triển lãm chuyên ngành uy tín hàng đầu tại Việt Nam. Nhân dân (trang 5)

Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại Việt Nam đang giảm

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động ở nước ta đang có xu hướng giảm. Kết quả điều tra về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành mới đây cho thấy, trong 5 năm qua, tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nhà giảm từ 73,1% xuống còn 60%; tại nơi làm việc giảm từ 56% xuống còn 42%; tại trường học giảm từ 22,3% xuống còn 16,15%; trên các phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống còn 19,4%. Điều này cho thấy, nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá và ý thức tuân thủ các quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã có những chuyển biến tích cực.

Cả nước hiện có sáu bệnh viện triển khai hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá, trong đó Bệnh viện Bạch Mai thành lập được Trung tâm tư vấn cai nghiện. Năm 2015, Trung tâm này tiếp nhận hơn 10 nghìn cuộc gọi tới tổng đài để được tư vấn cai nghiện thuốc lá. Nhân dân (trang 5)

Gần 12 nghìn trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng

Ngày 11- 5, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 12 nghìn trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng (TCM) tại 61 tỉnh, thành phố; không ghi nhận trường hợp tử vong. So cùng kỳ năm 2015, số ca mắc giảm 23,2%; số ca tử vong giảm hai trường hợp. Số ca mắc tích lũy tăng cao tập trung tại một số tỉnh miền nam và miền trung.

Để chủ động phòng, chống bệnh TCM, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như rửa tay bằng xà-phòng (nhất là trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh); thức ăn cho trẻ cần bảo đảm đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới sáu tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện bệnh và đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất điều trị… Nhân dân (trang 5)

"Cánh tay nối dài" chăm sóc sức khỏe người dân vùng khó

Sự ra đời và phát triển của mô hình kết hợp quân dân y (KHQDY) là một đặc thù của y tế Việt Nam. Qua hàng chục năm phát triển, đây là một trong những biện pháp quan trọng, là "cánh tay nối dài" trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và bộ đội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo.

Những năm gần đây, công tác KHQDY ngày càng được tăng cường với mục tiêu hướng đến là xây dựng nền quốc phòng toàn dân và phục vụ sức khỏe nhân dân. Chương trình lấy việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và lực lượng vũ trang ở các vùng trọng điểm, chú trọng đến vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế chậm phát triển, biên giới, biển, đảo làm nhiệm vụ trọng tâm. Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Trưởng Ban quân dân y cấp bộ, mười năm qua, Chương trình KHQDY đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân, bộ đội; thực hiện tốt công tác dân vận của Đảng; xây dựng tiềm lực y tế; góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh gây ra và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2005 - 2015 của chương trình KHQDY là tham gia củng cố y tế cơ sở ở các địa bàn vùng khó khăn. Các hoạt động cụ thể được triển khai như thành lập các phòng khám, bệnh xá quân dân y, hỗ trợ nâng cấp các trạm y tế quân dân y, thành lập và đầu tư cho các bệnh viện quân dân y tuyến tỉnh... Đến nay, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cùng các địa phương đã thành lập, đầu tư xây dựng được một hệ thống 152 phòng khám quân dân y tại các đồn biên phòng đóng quân dọc tuyến biên giới. Các phòng khám quân dân y thật sự là “cánh tay nối dài” của các trạm y tế xã đến tận thôn, buôn, bản của đồng bào và tại đây, các “chiến sĩ áo trắng” quân y, quân dân y đang hằng ngày, hằng giờ chăm sóc sức khỏe cho đồng bào và giúp người dân phát triển kinh tế. Ngoài công tác khám, chữa bệnh, quân y Bộ đội Biên phòng còn tham gia triển khai các chương trình y tế quốc gia (tiêm chủng mở rộng, phòng, chống sốt rét, phòng, chống lao, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, sức khỏe sinh sản...); tham gia vận động bà con xây dựng nếp sống vệ sinh khoa học, bài trừ hủ tục lạc hậu, tổ chức cai nghiện ma túy, tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, Dân số - Kế hoạch hóa gia đình... Tại biên giới biển, trên các đảo quy mô dưới xã, các xã đảo, các phòng khám của quân y biên phòng thật sự là chỗ dựa cho bà con ngư dân trên biển mỗi khi bị bệnh, không chỉ đơn giản là cấp thuốc chữa bệnh và hơn thế là cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân về các cơ sở y tế trên đất liền.

Bảo đảm y tế cho nhân dân vùng biển, đảo là một vấn đề hết sức đặc thù, khó khăn, nhưng lại có tính chiến lược trong phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ban quân dân y cấp bộ đã nghiên cứu, trình Thủ tướng phê duyệt Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020”. Đề án đã và đang trang bị nhiều thiết bị y tế hiện đại cho các bệnh viện, trung tâm y tế trên các huyện đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cô Tô; triển khai hệ thống Telemedicine cho các phòng mổ trên huyện đảo: Bạch Long Vỹ, Phú Quý, Thổ Chu... Hiện, các đơn vị chức năng cũng đang chuẩn bị các bước đầu tư xây dựng sáu trung tâm tiếp nhận cấp cứu và điều trị đặc thù cho biển, đảo.

Quá trình triển khai cũng cho thấy KHQDY cũng là giải pháp hiệu quả, đáp ứng kịp thời cho các tình huống đột xuất về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; tham gia khắc phục hậu quả về mặt y tế trong thiên tai, thảm họa. Đến nay, các quân khu, địa phương đều xây dựng kế hoạch KHQDY trong phòng, chống dịch bệnh; từ đó, việc huy động nhân lực, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất và phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận, từng đơn vị để tham gia phòng, chống dịch được chủ động hơn và có thể hỗ trợ, kêu gọi hỗ trợ từ các địa phương lân cận. Để chủ động ứng phó đại dịch, bảy bệnh viện dã chiến truyền nhiễm cũng đã được thành lập. Đây là các bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm được thành lập trên cơ sở điều động nhân lực, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất, thuốc... từ các bệnh viện quân y và các đơn vị quân đội sẵn sàng thu dung, điều trị cho bộ đội và nhân dân bị nhiễm dịch bệnh nguy hiểm hoặc dịch bệnh lạ. Ở tuyến dưới, các địa phương cũng thành lập nhiều tổ, đội cơ động phòng, chống dịch bệnh để sẵn sàng ứng phó các tình huống.

Đáng chú ý, những năm qua, tình hình thiên tai, thảm họa liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương và quân dân y là lực lượng tiên phong trong cấp cứu, vận chuyển làm giảm tỷ lệ thương vong cho nhân dân. Hàng trăm tổ quân y có mặt kịp thời tại các khu vực trọng điểm, phối hợp y tế các địa phương cấp cứu, điều trị cho nhân dân và làm vệ sinh môi trường; giúp dân sớm ổn định cuộc sống.

Không chỉ dừng lại ở việc tham gia xây dựng, củng cố cơ sở y tế, chương trình KHQDY cũng tập trung đào tạo và nghiên cứu khoa học, đã góp phần quan trọng vào việc bổ sung nhân lực cho ngành y tế, nhất là tuyến y tế cơ sở; đồng thời, đã xây dựng được nhiều mô hình chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và bộ đội, các giải pháp phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, phù hợp tình hình hiện nay. Học viện Quân y, các trường đại học y, dược trên toàn quốc đã đào tạo hàng trăm bác sĩ theo địa chỉ, tạo nguồn bác sĩ bổ sung cho tuyến y tế cơ sở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Nhiều trạm y tế quân dân y tại khu vực biên giới như: Phòng khám quân dân y khu vực cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), Phòng khám quân dân y Ba Thu (Long An), Dinh Bà, Thường Phước (Đồng Tháp)... không chỉ bảo đảm chăm sóc sức khỏe nhân dân và lực lượng vũ trang trên địa bàn mà còn tham gia khám, chữa bệnh cho người dân nước bạn Lào, Cam-pu-chia...

Trong 10 năm qua, các cơ sở quân y trên tuyến biển, đảo đã tổ chức cấp cứu 6.641 người; khám bệnh, cấp thuốc cho 84.072 lượt người; thu dung điều trị 16.018 trường hợp; phẫu thuật 12.550 ca. Lực lượng quân y trên tuyến biển, đảo đã tổ chức cấp cứu, vận chuyển kịp thời, an toàn, hiệu quả nhiều trường hợp bệnh nhân rất nặng như: đa chấn thương, viêm ruột thừa cấp, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa, viêm túi mật cấp, tai biến do lặn sâu, tai biến mạch máu não... Bộ Quốc phòng đã điều động 62 chuyến máy bay trực thăng vận chuyển người bị thương, bị bệnh trên tuyến biển, đảo về đất liền. Nhân dân (trang 5)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang