Bộ Y tế yêu cầu làm rõ trách nhiệm vụ tiêm vaccine hết hạn cho trẻ nhỏ ở Thanh Hóa
Ngày 11-5, liên quan đến vụ việc tiêm vaccine hết hạn cho trẻ em tại Trạm y tế Thăng Bình (ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) làm một số trẻ phải nhập viện, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công điện gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Thanh Hóa điều tra, họp hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vaccine để đánh giá, kết luận về trường hợp nêu trên, triển khai các hoạt động khắc phục sự cố và báo cáo theo quy định; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm và nghiêm túc chấn chỉnh việc thực hiện quy trình tiêm chủng tại địa phương, không để xảy ra các sai sót trong tiêm chủng; rà soát lại toàn bộ quy trình tiêm chủng để chấn chỉnh hoạt động tiêm chủng trên địa bàn... Về phía Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho địa phương trong việc điều tra, xác minh nguyên nhân sự cố sau tiêm chủng và đề xuất các hoạt động khắc phục sự cố trong thời gian tới.
Trước đó, sáng 9- 5, Trạm y tế Thăng Bình tổ chức tiêm chủng vaccine dịch vụ cho 15 trẻ em trên địa bàn, trong đó có 6 liều vaccine Hexaxim “6 trong 1” do Pháp sản xuất; 9 liều vaccine phế cầu của Bỉ và 1 liều vaccine Rotavirus của Việt Nam.
Sau khi tiêm, gia đình một số trẻ phát hiện có 4/6 trẻ từ 2 tháng đến 4 tháng tuổi đã bị tiêm vaccine Hexaxim hết hạn tháng 3. Trước sự việc này, cán bộ trạm y tế đã phối hợp phụ huynh đưa những trẻ bị tiêm vaccine hết hạn đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa theo dõi sức khỏe và hiện sức khỏe của các trẻ này không có dấu hiệu bất thường, ngoài trừ bị sốt nhẹ.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng Nông Cống, 4 liều vaccine hết hạn nói trên nằm trong tổng số 165 liều vaccine được đơn vị mua từ Công ty Thiết bị y tế Hà Nội vào ngày 23-5-2022 để tiêm dịch vụ. Lô vaccine này được sản xuất tháng 4-2020 và hết hạn vào tháng 3-2023.
Sau khi xảy ra sự cố nói trên, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Nông Cống đã rà soát và khẳng định 4 lọ vaccine Hexaxim tiêm cho trẻ ngày 9-5 tại xã Thăng Bình là những liều cuối cùng của lô hàng trên (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Bệnh nhân ung thư bỏ cơ hội vàng vì chữa dân gian, truyền miệng
Trong cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư, phát hiện bệnh giai đoạn sớm là yếu tố quyết định khả năng chữa khỏi. Đáng tiếc là có không ít bệnh nhân tuy phát hiện bệnh sớm nhưng vì chủ quan, đặt niềm tin sai chỗ mà bỏ lỡ giai đoạn vàng trong điều trị bệnh, rút ngắn thời gian sống.
Chẩn đoán ung thư không điều trị, về nhà đắp thuốc lá
Trường hợp bệnh nhân C.T.X (52 tuổi) trú tại Hoàng Mai, Hà Nội là một điển hình. Một năm trước, bệnh nhân X phát hiện có khối u tại vú phải, đi khám tại Bệnh viện K được chẩn đoán Carcinoma tuyến vú thể tiểu thùy xâm nhập, bác sĩ chỉ định nhập viện phẫu thuật. Tuy nhiên bệnh nhân không điều trị, tự về uống thuốc nam, đắp thuốc lá.
Đến đầu năm 2023, khối u tăng kích thước, sùi loét, hoại tử, bệnh nhân mới đến khám tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội và được chỉ định nhập viện điều trị chăm sóc giảm nhẹ. Lúc này, u vú phải có kích thước lên đến 20-25cm, loét da, chảy dịch, thâm nhiễm tổ chức da và cơ ngực lớn, hạch hố nách phải nhiều hạch dính thành chùm, bác sĩ kết luận ung thư vú phải giai đoạn IIIC.
Bệnh nhân gầy mòn, suy kiệt phải truyền máu và kết hợp xạ trị, hóa chất điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng trước khi tiến hành phẫu thuật.
TS.BS Vũ Kiên - Trưởng khoa Ngoại vú - Phụ khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - quyết định hội chẩn phẫu thuật u vú và khối hạch nách cho bệnh nhân. Sau khi hội chẩn, êkip đã đưa ra phương án xoay vạt nhiều vị trí để có đủ da che phủ lỗ hổng mà vẫn đảm bảo cắt hết khối u và vét hạch nách.
Bỏ lỡ cơ hội điều trị, rút ngắn thời gian sống
Bà X là một trong số rất nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư bỏ lỡ giai đoạn vàng trong điều trị vì tin vào các phương pháp điều trị ung thư dân gian, truyền miệng, thậm chí là lời đồn không có căn cứ.
TS.BS Vũ Kiên - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Trưởng khoa Ngoại vú - Phụ khoa - cho biết, trên thực tế gặp khá nhiều những trường hợp dù đã phát hiện ra bệnh nhưng lại bỏ lỡ cơ hội điều trị, rút ngắn thời gian sống.
Việc mù quáng tin tưởng vào các phương pháp chưa được khoa học chứng minh không chỉ gây tốn kém, lãng phí tiền bạc mà còn có thể gây hại đến sức khỏe, làm bệnh tình thêm nguy hiểm và tiến triển xấu đi. Bác sĩ khuyến cáo người dân nên khám sức khỏe định kì để kịp thời phát hiện và điều trị ung thư giai đoạn sớm.
PGS.TS Lê Hồng Quang- Trưởng khoa Ngoại vú, Bệnh viện K - cho rằng, sử dụng thuốc nam để đắp hoặc sử dụng các phương pháp không chính thống là những phương pháp điều trị chưa được chứng minh về mặt khoa học.
"Chúng tôi có lời khuyên đối với bệnh nhân nên từ bỏ ngay suy nghĩ này, chỉ nên tin vào các phương pháp điều trị chính thống"- BS Quang nói. Theo BS Quang, thực tế điều trị trong hai, ba thập niên qua cho thấy những thành tựu về phẫu thuật, hóa chất, tia xạ, điều trị nội tiết, điều trị đích... trong ung thư vú cải thiện rõ rệt. Chúng ta coi đó là những phép màu của khoa học, mọi người nên tin vào khoa học để điều trị.
"Chúng ta nên có chế độ ăn lành mạnh, cân bằng, không phải quá kiêng khem loại thức ăn nào. Riêng với ung thư vú bệnh nhân có nội tiết dương tính nên có kiểm soát về cân nặng, tránh để béo phì, những chuyển hóa mỡ sẽ gây ra những yếu tố không có lợi trong việc điều trị bệnh"- BS Quang khuyên (Lao động, trang 7).
Ngã từ tầng 5 công trình, nam công nhân bị 3 cọc sắt đâm xuyên người
Chiều 11/5, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) thông tin về cấp cứu thành ca tai nạn lao động với tổn thương lớn, nguy kịch.
Bệnh nhân là nam, SN 2004, là công nhân xây dựng tại huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Khi đang lao động, bệnh nhân bị ngã từ nhà 5 tầng xuống cọc bê tông có để sắt chờ trong tư thế nằm sấp, có 3 cọc sắt xoắn phi 14 đâm xuyên từ bụng qua vùng hạ vị, mông và tới đùi cẳng chân trái.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân được chuyển đến sau 3 giờ bị tai nạn lao động trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc chậm, đau nhiều, tư thế nằm sấp do các thanh sắt đâm xuyên nhiều vị trị trên cơ thể làm bất động tuyệt đối, gây khó khăn trong suốt quá trình cấp cứu.
Toàn bộ kíp trực ngoại đã tổ chức hội chẩn cấp cứu và lập tức chuyển bệnh nhân đến phòng mổ. Các bác sĩ của nhiều chuyên khoa được huy động vào tiến hành phẫu thuật cấp cứu người bệnh.
Kíp mổ đã chủ động kiểm soát các mạch máu lớn trước, trong và sau khi rút các thanh kim loại, bởi nếu không thực hiện được việc này, các mạch máu lớn sẽ bị tổn thương khi rút thanh kim loại ra khỏi cơ thể, gây chảy máu lớn, có thể làm bệnh nhân tử vong.
Trong cuộc phẫu thuật, kíp gây mê đã đặt ống nội khí quản thành công trong hoàn cảnh bệnh nhân phải giữ nguyên tư thế nằm sấp trên cáng.
Sau khi xử trí rút các thanh sắt ra khỏi cơ thể, các bác sĩ phẫu thuật mở bụng kiểm tra toàn bộ các tạng trong ổ bụng và làm hậu môn nhân tạo đại tràng xuống. Đồng thời phẫu thuật lấy mảnh xương vỡ trần ổ cối bên trái, rạch rộng để ngỏ vết thương và sẽ tiếp tục xử trí tổn thương xương khớp trong thời gian tiếp theo.
Ca phẫu thuật thành công, nam công nhân đã được cứu sống và đang điều trị hồi sức sau phẫu thuật.
Thời gian qua, Bệnh viện 108 đã tiếp nhận nhiều trường hợp tai nạn lao động phức tạp, do đó việc đảm bảo an toàn lao động cần được thực hiện đầy đủ để tránh những hậu quả lớn, gây nguy hiểm đến tính mạng người lao động (Công an nhân dân, trang 5).
Cứu sống bé sinh non ở tuần thứ 27, chỉ nặng 900 gam
Ngày 11-5, bác sĩ Lương Văn Sinh, phó giám đốc Bệnh viện quận Tân Phú (TP.HCM), cho biết bệnh viện vừa cứu sống thành công sản phụ sinh non mới ở tuần thứ 27, bé chỉ nặng 900 gam.
Chị N.T.T.N. (21 tuổi, TP.HCM) thai kỳ mới 27 tuần tuổi, tuy nhiên đã có dấu hiệu chuyển dạ và sinh rớt tại nhà. Mẹ con chị N. được chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Em bé chỉ nặng 900 gam, người tím tái, thân nhiệt hạ nhanh, có nguy cơ nhiễm trùng và tử vong cao.
Ngay lập tức các bác sĩ đã khởi động báo động đỏ nội viện gồm khoa phụ sản, khoa nhi phối hợp, hồi sức cấp cứu, đặt nội khí quản, ổn định thân nhiệt cho bé ngay tại phòng sinh.
Sau hồi sức, bé ổn định về lâm sàng và được chuyển Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) để tiếp tục được theo dõi và điều trị. Hiện nay, sau 14 ngày sinh ra, bé đang được theo dõi tại khoa hồi sức sơ sinh.
Bác sĩ Sinh cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm trên toàn thế giới có xấp xỉ 15 triệu trẻ sinh non và con số vẫn không ngừng gia tăng.
Trẻ sinh non thường tím tái, không thở được, thân nhiệt hạ rất nhanh, nguy cơ nhiễm trùng rất cao, tất cả các chức năng đều chưa hoàn thiện nên rất dễ tử vong. Do đó nếu không hồi sức cấp cứu ngay tại phòng sinh thì khó giữ được tính mạng, hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề nếu may mắn sống sót.
Trẻ sinh ra càng sớm thì nguy cơ, biến chứng càng cao, cân nặng khi sinh cũng đóng một vai trò quan trọng.
Bác sĩ Sinh khuyến cáo đối với tất cả thai phụ (đặc biệt các thai phụ có nguy cơ sinh non) cần có sự chuẩn bị kỹ, khám thai định kỳ đầy đủ theo lịch hẹn bác sĩ, tìm hiểu lựa chọn nơi khám thai và nơi sinh cần có khoa hồi sức sơ sinh có kinh nghiệm để được chuẩn bị các điều kiện tốt nhất.
Trong quá trình theo dõi thai kỳ, mẹ bầu cần theo dõi mọi diễn biến bất thường của cơ thể, khám thai và siêu âm định kỳ để kịp thời phát hiện những biểu hiện dọa sinh non và có biện pháp ứng phó kịp thời.
Nếu có dấu hiệu bất thường ở mẹ hoặc bé, thai phụ và gia đình nên tham vấn ngay ý kiến chuyên môn của bác sĩ sản, nhi để chuẩn bị kế hoạch sinh tốt nhất cho cả mẹ lẫn con (Tuổi trẻ, trang 4).
Không để thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng
Ngày 11.5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe Bộ Y tế báo cáo về ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; vấn đề tự chủ bệnh viện; xử lý vấn đề thuốc, sinh phẩm y tế dự phòng và một số vấn đề liên quan.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đã nêu khó khăn, vướng mắc trong việc bảo đảm vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng, sau khi chuyển từ đặt hàng tập trung của Bộ Y tế để phân bổ cho các địa phương, sang các địa phương tự đấu thầu mua vắc xin. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, tổ chức việc đặt hàng hoặc đấu thầu tập trung, trên cơ sở cân đối nguồn vắc xin viện trợ, không để thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng.
Liên quan đến khó khăn, vướng mắc và phương án thúc đẩy hai dự án của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam, Phó thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cấp bách của việc hoàn thành hai dự án bệnh viện; đồng thời cho ý kiến về phương án tiếp tục thực hiện hai dự án; hoàn thiện thủ tục về đấu thầu, nghiệm thu, lập dự toán, điều chỉnh cục bộ theo đúng quy định (Thanh niên, trang 4).
Hoại tử tay vì đắp thuốc nam chữa rắn cắn
Ông Hà Văn L., 53 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Phúc, bị rắn cắn gần đây, nhưng thay vì đến cơ sở y tế thì ông lại đắp thuốc nam để chữa trị khiến cánh tay bị hoại tử.
Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhân bị rắn cắn nhập viện trong tình trạng sốt, cổ tay bị rắn cắn thâm đen và bắt đầu hoại tử.
Bệnh nhân cho biết gia đình làm nghề nuôi rắn, hiện đang là thời điểm để rắn giao hợp đẻ trứng. "Khi bắt rắn đực ra khỏi lồng rắn nuôi chung, không may tôi bị rắn cắn. Đáng ra tôi phải mặc bảo hộ, nhưng do chủ quan nên đã bị rắn tấn công. Sau đó tôi đến thầy lang để đắp thuốc "thải độc" nọc rắn, nhưng tình trạng không cải thiện", ông L. cho hay.
Sau khi thấy tình trạng không cải thiện, ông L. mới tới bệnh viện điều trị, khi đó vết cắn đã hoại tử. Bác sĩ cho biết sau khi xử lý vết thương, ông sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ phần da hoại tử, thời gian điều trị kéo dài.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, hiện nước ta đã ghi nhận khoảng 70 loài rắn độc. Thông thường từ tháng 5 đến tháng 10, trung tâm tiếp nhân bệnh nhân bị rắn cắn nhiều hơn do đây là thời gian sinh sôi của rắn.
"Người dân còn có thói quen khi phát hiện rắn sẽ bắt rắn với mục đích làm đồ ăn, ngâm rượu... dẫn đến bị rắn cắn. Vì vậy, để phòng tránh thì điều đầu tiên là không được bắt rắn, thay vào đó có thể dùng các biện pháp khác để xua đuổi rắn.
Ngoài ra, một số sai lầm trong sơ cứu khi bị rắn độc cắn là đắp thuốc nam, chích rạch vết rắn cắn, chích điện... Theo tôi, người dân tuyệt đối không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc ra vì gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc. Cũng không đắp thuốc bằng lá cây vì có thể gây nhiễm trùng vết thương và làm chậm trễ việc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.
Khi bị rắn cắn, cần nhanh chóng đưa nạn nhân lên cáng/băng ca, không để bệnh nhân tự di chuyển, đi bộ để tránh làm độc lây lan. Cơ sở y tế sẽ xác định loại rắn cắn và chích huyết thanh kháng nọc phù hợp", bác sĩ Nguyên khuyến cáo (Tuổi trẻ, trang 9).
Khẩu trang vẫn là công cụ quan trọng chống Covid-19
Cùng với việc tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra khuyến nghị tạm thời về công tác phòng chống Covid-19.
Theo đó, các nước cần duy trì năng lực quốc gia đã đạt được và chuẩn bị cho các sự kiện trong tương lai, xem xét cách nâng cao khả năng sẵn sàng của quốc gia đối với các đợt bùng phát trong tương lai. Các quốc gia cần cập nhật kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp trên cơ sở các bài học đánh giá sau hành động cấp quốc gia và cấp địa phương. Đáng lưu ý, các quốc gia cần tiếp tục khôi phục các chương trình y tế đã bị ảnh hưởng xấu bởi đại dịch Covid-19; khả năng sẵn sàng khi có các mối đe dọa mới nổi.
WHO cũng đề nghị các nước tiếp tục hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, các tổ chức để tăng khả năng tiếp cận vắc xin, đồng thời tập hợp thông tin từ các nguồn dữ liệu giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, từ đó cho phép đánh giá diễn biến các tình huống dịch, đồng thời duy trì báo cáo dữ liệu về tỷ lệ tử vong và bệnh tật cũng như thông tin giám sát biến thể cho WHO.
Đáng lưu ý, việc giám sát cần kết hợp thông tin từ các quần thể trọng điểm, giám sát dựa vào sự kiện, giám sát nước thải của con người, giám sát huyết thanh học và giám sát các quần thể động vật được lựa chọn có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2.
Các quốc gia thành viên cần tận dụng hệ thống giám sát và ứng phó bệnh cúm toàn cầu, cũng như hỗ trợ thành lập mạng lưới phòng xét nghiệm vi rút corona toàn cầu của WHO. Bên cạnh đó, giám sát sức khỏe cộng đồng đối với Covid-19; chuẩn bị các biện pháp đối phó y tế để đảm bảo khả năng sẵn có và cung cấp lâu dài cũng như cần có chính sách hỗ trợ quy trình cấp phép và sử dụng lâu dài vắc xin, công cụ chẩn đoán và điều trị.
Về cách ly điều trị ca bệnh Covid-19, WHO đã có khuyến nghị giảm thời gian cách ly đối với bệnh nhân Covid-19. Với bệnh nhân có triệu chứng, hướng dẫn mới của WHO là cách ly 10 ngày kể từ ngày xuất hiện triệu chứng (trước đây WHO khuyến nghị cách ly 10 ngày kể từ ngày xuất hiện triệu chứng và ít nhất 3 ngày kể từ khi hết triệu chứng). Đối với những người xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng gì, WHO khuyến cáo cách ly 5 ngày (khuyến cáo trước đây của WHO là 10 ngày). Bệnh nhân được kết thúc cách ly sớm hơn nếu có kết quả âm tính khi xét nghiệm nhanh dựa trên kháng nguyên.
Với phòng chống dịch, khẩu trang tiếp tục là công cụ quan trọng chống Covid-19. Trước đây, WHO khuyến nghị sử dụng khẩu trang dựa trên tình hình dịch bệnh tại chỗ. Theo khuyến nghị mới của WHO, nên sử dụng khẩu trang trong các tình huống cụ thể mà không phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh tại chỗ. Các tình huống cụ thể là: người mới bị nhiễm, có nguy cơ cao bị Covid-19 nặng, ở trong không gian kín, ít thông gió và đông người. Ngoài ra, như trước đây, WHO khuyến nghị sử dụng khẩu trang dựa trên đánh giá rủi ro liên quan tới chiều hướng của dịch bệnh, tình trạng nhập viện do Covid-19 gia tăng, độ bao phủ vắc xin, miễn dịch cộng đồng và môi trường xung quanh (Thanh niên, trang 15).