Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 12/6/2016

  • |
T5g.org.vn - Trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng liên tục; Đi hái rau, bị ong vò vẽ đốt hơn 100 vết; Niêm phong 30 tấn cá nục nhiễm chất cực độc phenol tại Quảng Trị; "Phong bì bệnh viện", căn bệnh nan y?

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng liên tục

Theo Trung tâm Truyền thông sức khỏe TP.HCM (thuộc Sở Y tế TP), TP.HCM đang vào thời kỳ cao điểm của dịch bệnh tay chân miệng (từ tháng 3 đến tháng 6), do đó số ca mắc bệnh tăng liên tục trong tháng 5-2016. Hiện chưa ghi nhận ca tử vong nào.

Trung tâm này khuyến cáo trước nguy cơ dịch chồng dịch, các đơn vị y tế cần tăng cường giám sát chặt chẽ, phối hợp ngành giáo dục giám sát và báo cáo bệnh truyền nhiễm tại trường học, phát hiện sớm chùm ca bệnh tại cộng đồng cũng như tại trường học, các nhóm trẻ gia đình để kịp thời hỗ trợ, phối hợp với trường học xử lý vệ sinh khử khuẩn, không để dịch bùng phát và lây lan. Trong khi đó, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết trong tuần 22 (từ ngày 23 đến 29-5) toàn TP có 153 ca tay chân miệng nhập viện.

Số ca bệnh tăng 11% so với trung bình bốn tuần trước (138 ca). Đáng lưu ý có 12 quận huyện có số ca mắc tay chân miệng nhập viện tăng so với trung bình bốn tuần trước. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay toàn TP có 2.008 ca tay chân miệng, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2015 (2.788 ca) (Tuổi trẻ trang 9).

 

Đi hái rau, bị ong vò vẽ đốt hơn 100 vết

Ngày 11/6, bác sỹ Quách Văn Lực, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu cho biết, bệnh viện vừa cứu sống một bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch do bị ong vò vẽ đốt hơn 100 vết. Bệnh nhân là ông Trần Xol (68 tuổi, ngụ ấp Kos Thum, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) bị ong vò vẽ đốt tổng cộng 110 vết trong lúc đang đi hái rau vào chiều 8/6. Sau 2 ngày được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu, bệnh nhân đã tỉnh táo, giao tiếp tốt. Ông Xol cho biết, khoảng 16 giờ ngày 8/6, khi đang trên đường vào nhà sau khi hái rau thì ông giẫm phải tổ ong vò vẽ đóng trong lùm cây gần sát mặt đất. Bị đàn ong túa ra vây đốt, ông bỏ chạy nhưng bị vấp ngã nên bị ong đốt rất nhiều. "Tôi phải nhảy xuống ao, lặn một hơi hơn 50m mới thoát khỏi bầy ong. Cố gắng lết về đến nhà thì gần như ngất xỉu. Cũng may vợ tôi lúc đó vừa đi làm về đã hô hoán hàng xóm đưa tôi đi cấp cứu", ông Xol nhớ lại.

Theo bác sỹ Quách Văn Lực, bệnh nhân Trần Xol được chuyển từ bệnh viện huyện Phước Long lên bệnh viện Bạc Liêu vào 10 giờ ngày 9/6 trong tình trạng nguy kịch do ong đốt. Khi nhập viện thì bệnh nhân đã có dấu hiệu suy gan, suy thận cấp và tổn thương đa cơ quan. Sau khi hội chẩn, các bác sỹ đã cho tiến hành lọc máu để cứu sống bệnh nhân. Cũng theo bác sỹ Lực, nếu không tiến hành lọc máu kịp thời thì bệnh nhân có thể tử vong do hoại tử các cơ và viêm gan, suy thận cấp. Sau hai ngày lọc máu và điều trị tích cực bằng các biện pháp cơ bản như bù dịch, giảm đau, chống dị ứng... hiện bệnh nhân Trần Xol đã tỉnh táo. Các chức năng gan, thận đã trở về gần như bình thường. Dự kiến trong khoảng 5 ngày nữa bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn và xuất viện (baotintuc.vn, Thanh niên trang 4).

 

Niêm phong 30 tấn cá nục nhiễm chất cực độc phenol tại Quảng Trị

Chiều 11.6, đoàn liên ngành của tỉnh Quảng Trị gồm Sở NN-PTNT, Sở Y tế, Công an tỉnh đã làm việc với gia đình bà Lê Thị Thuộc (thị trấn Cửa Tùng, H.Vĩnh Linh) để tìm hiểu thêm về lô hàng có mẫu phẩm đại diện cho 30 tấn cá nục đông lạnh bị nhiễm Phenol. Sau quá trình làm việc, đoàn liên ngành đã đưa ra quyết định niêm phong lô hàng nói trên để tiếp tục bàn phương án xử lý.

Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết, cơ quan chức năng tỉnh này đang lên phương án tiêu hủy và hỗ trợ không quá 70% giá trị thị trường cho 30 tấn cá nục nói trên. Trong khi đó, bà Thuộc cho biết, 30 tấn cá nục đó bà mua của một số tàu tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình sau thời điểm cá chết khoảng 15 ngày (tức là đầu tháng 5.2016) và đã được cấp giấy chứng nhận cá đánh bắt xa bờ.

Theo bà Thuộc và cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị, 30 tấn cá đó được mua của nhiều tàu nên có thể chỉ một bộ phận nhỏ cá bị nhiễm Phenol (Thanh niên trang 4).

 

"Phong bì bệnh viện", căn bệnh nan y?

 Suốt tuần qua, đoạn video ghi hình ảnh nữ nhân viên y tế Bệnh viện K cơ sở 3 (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) nhận một xấp phong bì của người nhà bệnh nhân được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, gây bức xúc trong dư luận. Một lần nữa, câu chuyện về “phong bì bệnh viện” lại được nhắc đến, bàn luận như một căn bệnh nan y khó chữa của ngành y.

“Luật bất thành văn” tại bệnh viện

Năm 2011, Bộ Y tế đã phát động phong trào đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ và quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức đối với bệnh nhân, trong đó có nội dung yêu cầu nhân viên y tế “Nói không với phong bì”. Đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng rất nhiều lần lên tiếng, yêu cầu y, bác sĩ và kêu gọi bệnh nhân, người nhà bệnh nhân dứt khoát không đưa phong bì, thậm chí còn đưa ra thông điệp mạnh mẽ đến nhân dân: “Nếu thấy bác sĩ, điều dưỡng nào nhận phong bì thì chụp ảnh và gửi lại cho chúng tôi”.

Thực tế là mấy năm gần đây, qua đường dây nóng, Bộ Y tế đã mạnh tay xử lý không ít cán bộ y tế vi phạm y đức, chấn chỉnh nạn phong bì trong bệnh viện. Nhiều bệnh viện cũng đã chủ động lắp camera theo dõi tại các khoa Khám bệnh, hành lang để phát hiện hành vi vi phạm. Dù vậy, tình trạng đưa phong bì ở bệnh viện vẫn diễn ra khá phổ biến.

Vụ việc mà chúng tôi đề cập đến ở trên có thể xem là một ví dụ điển hình. Ngày 2-6, trên mạng xã hội lan truyền đoạn video clip ghi lại cảnh một nữ cán bộ y tế của Bệnh viện K cơ sở 3 nhận cả xấp phong bì dày từ người nhà bệnh nhân ngay trong phòng làm việc, nói “sẽ chuyển hộ”, đồng thời còn hướng dẫn người nhà bệnh nhân đưa phong bì đến các thành viên khác trong kíp mổ cho người bệnh…

Nữ cán bộ y tế trong video clip sau đó được xác định là bác sĩ T., công tác tại khoa Ngoại vú của bệnh viện. Hiện Hội đồng kỷ luật của Bệnh viện K đã ra quyết định áp dụng mức kỷ luật cảnh cáo đối với bác sĩ này. Trước đó chỉ 2 tháng (tháng 4-2016), cũng tại Bệnh viện K nhưng ở cơ sở 1 xảy ra vụ việc tương tự khi bác sĩ Đ.T. L., khoa Chẩn đoán hình ảnh bị “tố” đã nhận số tiền 3,2 triệu đồng trái quy định của một bệnh nhân. Bác sĩ này đã bị bệnh viện kỷ luật, điều chuyển sang công việc không tiếp xúc trực tiếp người bệnh, cắt thưởng, lương tăng thêm trong 3 tháng liên tục… 

Tình trạng phong bì “lót tay” cho các bác sĩ tại bệnh viện gần như đã trở thành  một thứ “luật bất thành văn” mà dù không nói ra thì bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ai cũng hiểu. Chỉ cần đến các bệnh viện, hỏi bất cứ người nhà có bệnh nhân phải vào viện mổ hay sinh đẻ, đều có thể dễ dàng nhận được câu trả lời chung là phải “phong bì” cho kíp mổ thì mới yên tâm được.

Hạn chế nhưng khó loại trừ?

Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thẳng thắn cho rằng, có thể hạn chế tối đa tình trạng “phong bì bệnh viện” song không lãnh đạo nào dám khẳng định bệnh viện mình không có “phong bì” hay bao giờ thì câu chuyện này sẽ đến hồi kết thúc. Dù vậy, nếu chúng ta triệt tiêu được các nguyên nhân nảy sinh tình trạng “phong bì bệnh viện” và quyết tâm triển khai đồng loạt các giải pháp đã đề ra thì dần dần tình trạng đưa, biếu phong bì cho y, bác sĩ cũng sẽ tự triệt tiêu.

Chỉ cần nhìn sang các bệnh viện tư hay thậm chí ngay tại khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, khám chữa bệnh chất lượng cao trong bệnh viện sẽ thấy, câu chuyện đưa - nhận phong bì giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân với y, bác sĩ gần như không bao giờ được nhắc đến.

“Từ thời Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã đưa ra một cách phân tích mà tôi cho là rất đúng, rằng nguyên nhân của nạn phong bì trong bệnh viện là do chênh lệch giá viện phí giữa bệnh viện công với bệnh viện tư. Những năm gần đây, Bệnh viện Bạch Mai nói riêng, các bệnh viện trên cả nước nói chung đã thực hiện quyết liệt chủ trương của Bộ Y tế về nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm thủ tục hành chính khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân, giảm quá tải bệnh viện, loại bỏ tư duy phân biệt giữa người bệnh khám bảo hiểm y tế với người khám dịch vụ… để hướng đến đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Cùng đó, khi viện phí từng bước được điều chỉnh tăng lên, đến năm 2020 sẽ tính đúng tính đủ, cộng thêm chính sách thông tuyến bảo hiểm y tế và độ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân nâng lên, chắc chắn vấn đề phong bì bệnh viện sẽ giảm”, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nêu quan điểm.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, muốn giảm tình trạng “phong bì bệnh viện” cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó ngoài nâng cao thu nhập, đời sống cho y, bác sĩ thì phải giáo dục y đức, siết chặt quản lý, tăng cường giám sát. Thực tế ở những bệnh viện mà lãnh đạo bệnh viện quán triệt nghiêm túc tới toàn thể cán bộ nhân viên, quản lý tốt, giám sát chặt và khi phát hiện trường hợp nào sai phạm kiên quyết xử lý thật nghiêm thì chắc chắn tình trạng đưa - nhận phong bì giữa bệnh nhân với y bác sĩ trong bệnh viện đó sẽ được hạn chế tối đa. 

Chia sẻ và khách quan hơn với ngành Y

Ở một góc nhìn khác, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, việc lên án những vụ việc nhân viên y tế nhận phong bì của người bệnh như trường hợp cụ thể diễn ra mới đây tại Bệnh viện K là đáng hoan nghênh, là cần thiết để góp phần giáo dục cán bộ ngành Y. Tuy nhiên, cần phải xem xét các vụ việc một cách khách quan, đúng mực.

“Chúng ta đều thấy ngành Y đã rất quyết liệt trong việc xử lý các tiêu cực trong thời gian qua. Hiện vào bệnh viện có thể thấy thái độ của y, bác sĩ, công tác khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh đã tốt hơn, dù những hạn chế, tiêu cực vẫn còn. Hơn nữa, không phải chỉ ngành Y mới có nạn “phong bì” mà đây là vấn nạn của cả xã hội, nên đừng gắn ngành Y với “phong bì” như một nét đặc trưng”, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng nói. 

Theo GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, khi xem xét vụ việc y, bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân, cần phải thấy động cơ của việc đưa và nhận phong bì đó. “Anh là thầy thuốc nhưng lại gây khó dễ cho bệnh nhân, đáng nhẽ có thể khám được ngay, xếp lịch mổ luôn nhưng cứ bảo bệnh nhân chờ thêm, đợi bệnh nhân đút lót phong bì mới khám, mới mổ… thì đó là hành vi sai phạm. Và đương nhiên sai phạm này cần phải xử lý nghiêm”, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh (An ninh thủ đô trang 4).

 Khuyến khích sử dụng các thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng (VCDD) vẫn ở mức ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Điều đó ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương và mỗi người dân để có những giải pháp cụ thể giúp tăng trưởng, phát triển trí tuệ, tầm vóc, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

VCDD bao gồm các vitamin: A, B,C D, E, K và các khoáng chất như sắt, kẽm, iốt, selen... là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng không thể thiếu. Việc thiếu một số VCDD quan trọng như iốt, vitamin A, sắt, kẽm… lại đưa đến những hậu quả to lớn. Thiếu VCDD có thể dẫn đến mù lòa, tổn thương não, thai chết lưu, tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và tử vong ở phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, giảm năng suất lao động ở người trưởng thành… Thiếu VCDD ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ.

Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng do Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) công bố năm 2015 cho thấy tỷ lệ thiếu VCDD có xu hướng giảm so với điều tra quốc gia năm 2010, nhưng tốc độ giảm chậm và vẫn còn ở mức ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, nhất là đối với trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ về một số VCDD như thiếu vitamin A tiền lâm sàng, thiếu máu, thiếu kẽm, thiếu iốt, khẩu phần canxi thấp và có sự khác biệt lớn giữa các vùng.

Tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới năm tuổi là 27,8%, tỷ lệ này cao nhất ở miền núi (31,2%) và thấp hơn ở thành thị (22,2%); tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8% và tỷ lệ này ở phụ nữ không có thai là 25,5%; tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới năm tuổi là 13%; tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em dưới năm tuổi là 69,4%; tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai trên toàn quốc ở mức 80,3%...

Các số liệu nêu trên cho thấy ở trẻ em dưới năm tuổi hiện nay có gần một phần ba bị thiếu máu và hơn hai phần ba bị thiếu kẽm. Ước tính Việt Nam có khoảng 7,5 triệu trẻ em dưới năm tuổi, thì số trẻ em bị thiếu vitamin A tiền lâm sàng là gần một triệu. Thiếu vi chất dinh dưỡng được gọi là “nạn đói tiềm ẩn” do khó phát hiện, khi các triệu chứng biểu hiện thành bệnh đặc trưng như bệnh thiếu máu, khô mắt do thiếu vitamin A thì dễ phát hiện nhưng sự tăng trưởng và phát triển cả về thể chất và trí tuệ đã bị ảnh hưởng trong thời gian dài và đôi khi thiếu VCDD để lại những hậu quả nghiêm trọng, không thể hồi phục được.

Phòng, chống thiếu VCDD là một cuộc chiến bền bỉ để nâng cao năng lực lao động, phát triển trí tuệ, tầm vóc, chất lượng cuộc sống và nâng cao sức khỏe của người dân. Phòng, chống thiếu VCDD là một trong sáu mục tiêu quan trọng của Chiến lược quốc gia dinh dưỡng 2011-2020. Chiến lược đưa ra đồng thời nhiều giải pháp, trong đó bổ sung VCDD cho các đối tượng có nguy cơ cao là một giải pháp ngắn hạn quan trọng, cần thiết để khắc phục nhanh chóng, kịp thời tình trạng thiếu VCDD. Tăng cường VCDD vào thực phẩm là giải pháp trung hạn. Đa dạng hoá bữa ăn là biện pháp cải thiện tình trạng thiếu VCDD một cách lâu dài và bền vững.

Không giải pháp đơn lẻ nào có thể phòng, chống thiếu VCDD một cách hữu hiệu và bền vững. Nhưng việc tăng cường VCDD vào các thực phẩm thiết yếu là biện pháp đơn giản, hiệu qủa và dễ đạt độ bao phủ cao và có tính bền vững để giảm thiểu sự thiếu hụt các VCDD trong bữa ăn hằng ngày. Nghị định số 09/2016/NĐ-CP đã quy định bắt buộc tăng cường VCDD (bao gồm iốt, sắt, kẽm và vitamin A) vào thực phẩm. Những thực phẩm bắt buộc tăng cường VCDD gồm: Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iốt; bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm; dầu thực vật có chứa một trong các thành phần dầu đậu nành, dầu cọ, dầu hạt cải và dầu lạc phải tăng cường vitamin A (trừ dầu thực vật dùng trong chế biến thực phẩm theo phương pháp công nghiệp).

Hiện các đơn vị chức năng đang tích cực triển khai các biện pháp để cụ thể hóa quy định này. Tuy nhiên, cần cung cấp cho người tiêu dùng đầy đủ thông tin, kiến thức về vai trò của VCDD đối với sức khỏe, từ đó có ý thức hơn trong việc chủ động lựa chọn, tiêu thụ các thực phẩm tăng cường vi chất là điều kiện quan trọng để bảo đảm thực hiện có kết quả chương trình phòng chống thiếu VCDD.

Ngày vi chất dinh dưỡng (1 và 2-6) năm nay, ngoài bổ sung vitamin A liều cao cho 5,1 triệu trẻ và 800 nghìn bà mẹ sau đẻ trong vòng một tháng, ngành y tế các địa phương cũng tăng cường công tác truyền thông để nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng cho người dân. Đồng thời khuyến khích sử dụng đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, sử dụng thường xuyên các thực phẩm giàu VCDD, lựa chọn các thực phẩm tăng cường VCDD; thực hiện cho trẻ bú sớm trong vòng một giờ đầu sau khi sinh, nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu… Chủ đề của ngày vi chất dinh dưỡng năm nay là “Hãy sử dụng các thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng hằng ngày” (Nhân dân trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang