Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 12/7/2021

  • |
T5g.org.vn - Cảnh giác với viêm não Nhật Bản khi nắng nóng; Biến thể Delta Plus của virus SARS-CoV-2 “đáng lo ngại” đến mức nào?; Đồng lòng, chung sức với TP.HCM dập dịch…

 

Cảnh giác với viêm não Nhật Bản khi nắng nóng

Viêm não Nhật Bản là bệnh hay gặp vào các tháng hè, đặc biệt là ở những người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ vắc xin. Không những gây tỷ lệ tử vong cao, viêm não Nhật Bản còn để lại những di chứng nặng nề đối với người bệnh. Do đó, người dân cần cảnh giác với viêm não Nhật Bản khi nắng nóng, trong đó tiêm chủng đầy đủ là biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Nhiều di chứng nặng nề…

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 2 ca mắc viêm não Nhật Bản và chưa có trường hợp tử vong. Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, số ca mắc viêm não Nhật Bản trong năm nay giảm hơn so với năm ngoái, nhưng không vì thế mà được phép chủ quan. Bởi, bệnh thường gia tăng vào mùa hè nắng nóng, cao điểm từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm.

Tính từ đầu tháng 5-2021 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho gần 20 trường hợp trẻ bị viêm não Nhật Bản, đa phần ở các tỉnh phía Bắc. Điều đáng nói, có khoảng 70% số trẻ nhập viện điều trị căn bệnh này phải gánh chịu nhiều di chứng nặng nề. Đơn cử như trường hợp của bé T.T.T. (5 tuổi, ở thành phố Hải Phòng) nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới hơn 3 tuần, nhưng tình trạng bệnh vẫn rất nặng, liệt tứ chi. Trước đó, bé bị sốt cao từng cơn, kèm theo đau đầu, nôn nên gia đình đưa đến Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng (thành phố Hải Phòng) và được chẩn đoán mắc viêm não Nhật Bản. Sau đó, bệnh nhi xuất hiện giảm ý thức, suy hô hấp và được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương. Khai thác bệnh sử, T. được tiêm phòng 3 mũi viêm não Nhật Bản khi 2 tuổi, nhưng từ đó đến nay chưa tiêm nhắc lại.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (chiếm tỷ lệ từ 25 đến 35%). Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. “Hiện tại vẫn còn nhiều trường hợp mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm phòng vắc xin hoặc tiêm không đủ số mũi. Nhiều bà mẹ cho rằng, con chỉ cần tiêm phòng 3 mũi vắc xin đến khi 2 tuổi là đủ. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm khiến gia tăng trẻ lớn mắc bệnh”, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm cảnh báo.

Đề cập đến nguyên nhân gia tăng viêm não Nhật Bản trong mùa hè, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, vi rút gây bệnh truyền từ động vật sang người thông qua vết muỗi đốt. Do mùa này muỗi truyền bệnh phát triển, chim di cư về ăn quả chín... là những yếu tố thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh, trong đó có viêm não Nhật Bản. Đối tượng hay gặp là trẻ em và kể cả người lớn, nếu chưa được tiêm phòng và chưa từng nhiễm vi rút.

Thực hiện tiêm phòng, tuân thủ ăn, ở sạch

Triệu chứng đầu tiên của viêm não Nhật Bản là sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, có thể kéo theo mệt mỏi, ớn lạnh. Khi bệnh nặng có thể có các biểu hiện: Co giật, giảm khả năng nhận thức, la hét, nói nhảm, hôn mê... Trước đây, hằng năm, Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận từ 500 đến 600 trẻ mắc viêm não, trong đó hơn 50% là viêm não Nhật Bản. Thế nhưng, nhờ hiệu quả của tiêm chủng, tỷ lệ này giảm còn khoảng 30-50 ca mỗi năm. “Cách phòng tránh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh. Tiêm mũi 1 khi trẻ đủ 12 tháng; mũi 2 cách 1-2 tuần sau mũi 1; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó, tiêm nhắc lại 3-5 năm một lần đến khi trẻ đủ 15 tuổi”, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, với vắc xin phòng viêm não Nhật Bản, nếu không tiêm đủ liều, hiệu quả bảo vệ rất thấp. Nếu chỉ tiêm 1 mũi đầu tiên, thì gần như không có hiệu lực bảo vệ; tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%; tiêm đủ 3 mũi, hiệu lực bảo vệ đạt 90-95% trong khoảng 3 năm.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng Văn phòng Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho rằng, các phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm các mũi còn sót, các mũi chưa tiêm. Ngoài ra, các gia đình cho trẻ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, bảo đảm an toàn thực phẩm để nâng cao thể trạng, đồng thời nằm màn khi ngủ nhằm tránh muỗi đốt, giữ vệ sinh môi trường, nơi ở thông thoáng, sạch sẽ.

Thời điểm này, Hà Nội cùng với cả nước đang tập trung phòng, chống dịch Covid-19, nhưng không vì thế mà bỏ qua việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn lưu ý, khi đưa trẻ đến các điểm tiêm phòng, các bậc phụ huynh cần tuân thủ thực hiện khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay tại cửa phòng tiêm, bảo đảm giãn cách... (Hà Nội mới, trang 5).

 

Biến thể Delta Plus của virus SARS-CoV-2 “đáng lo ngại” đến mức nào?

Một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, biến thể Delta Plus, đã được ghi nhận ở hơn 10 quốc gia trên thế giới. Các cơ quan y tế lo ngại rằng biến thể này có thể là nguyên nhân gây ra nhiều đợt bùng phát dịch mới bởi nó có khả năng lây truyền cao hơn, hoặc ít nhất ngang bằng biến thể Delta vốn được xem là biến thể siêu lây nhiễm trước đó. Ca nhiễm biến thể Delta Plus đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ ngày 11-6 vừa qua khiến quốc gia này trước nguy cơ bùng phát làn sóng Covid-19 thứ ba.

Thế hệ tiếp theo của biến thể “siêu lây nhiễm” Delta

Khi ngày càng có nhiều biến thể SARS-CoV-2 xuất hiện, các chính phủ và các chuyên gia y tế công cộng không ngừng xem xét các chiến lược tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của chúng. Hiện có 11 biến thể của virus SARS-CoV-2 mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công nhận. Một trong những biến thể này, biến thể Delta - còn được gọi là dòng B.1.617.2 - lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ vào tháng 12-2020 và nhanh chóng trở thành biến thể phổ biến nhất ở nước này. Biến thể này đã chứng minh khả năng lây truyền tăng 40-60%, so với biến thể Alpha chiếm ưu thế trước đây và là biến thể SARS-CoV-2 chiếm nhiều nhất ở Anh.

Trong khi đó, các chuyên gia gần đây đã xác định được một biến thể khác - biến thể Delta Plus, còn được gọi là B.1.617.2.1 hoặc AY.1. Ban đầu, biến thể Delta Plus được Bộ Y tế Ấn Độ xếp vào danh sách “đáng quan tâm”, sau đó nâng lên thành “đáng lo ngại”. Cơ quan y tế công cộng của Anh cũng lần đầu tiên tuyên bố biến thể Delta Plus là một “biến thể đáng lo ngại” hồi tháng 6 vừa qua. Kể từ đó, 11 quốc gia đã báo cáo ít nhất 197 trường hợp nhiễm Covid-19 do biến thể Delta Plus của virus SARS-COV-2 gây ra.

Biến thể Delta Plus là thế hệ tiếp theo của biến thể Delta, vốn được phát hiện lần đầu tại bang Maharastra của Ấn Độ hồi tháng 10-2020 và giờ đã có mặt tại ít nhất 96 quốc gia trên thế giới, với sự khác biệt duy nhất được biết đến là một đột biến bổ sung K417N trong protein đột biến của virus, loại protein cho phép nó lây nhiễm sang các tế bào khỏe mạnh.

Biến thể này gây ra những rủi ro gì?

Vì biến thể này được xem là “Biến thể đáng lo ngại” ở Ấn Độ, Hiệp hội SARS-CoV-2 về gene (INSACOG) của nước này, bao gồm 28 phòng thí nghiệm dành riêng cho việc giải trình tự toàn bộ bộ gene của virus SARS-CoV-2 và các biến thể đang phát triển của nó, tiếp tục theo dõi sự tiến hóa của Delta Plus. Theo INSACOG, biến thể Delta Plus có một số đặc điểm: dễ lây truyền hơn, gắn kết mạnh hơn với các thụ thể của tế bào phổi và giảm khả năng đáp ứng kháng thể đơn dòng, một liệu pháp truyền kháng thể mạnh qua đường tĩnh mạch để vô hiệu hóa virus, từ đó giảm hiệu quả của điều trị và vaccine.

Ông Shahid Jameel, nhà virus học hàng đầu của Ấn Độ cũng bày tỏ lo ngại về biến thể Delta Plus, nhấn mạnh rằng đột biến mới có khả năng né tránh miễn dịch, cả từ vaccine cũng như từ các kháng thể sinh ra ở người đã mắc Covid-19 trước đó. Nhà virus học, Tiến sĩ Jeremy Kamil thuộc Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Bang Louisiana, cho biết: “Biến thể Delta Plus có thể có lợi thế trong việc lây nhiễm và lây lan giữa những người đã bị nhiễm bệnh trong các đợt dịch trước đó, hoặc những người có sức khỏe yếu, có bệnh nền…”. Nhưng ông cũng lưu ý rằng những điều này không khác nhiều so với biến thể Delta. Ngoài ra, các chuyên gia khác cũng đã nêu ra điểm thứ ba, về khả năng làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng của biến thể. Chúng bao gồm các liệu pháp vốn được các nhà nghiên cứu chứng minh là có lợi trong việc điều trị Covid-19 từ nhẹ đến trung bình khi được sử dụng sớm trong suốt quá trình điều trị.

Hiệu quả của vaccine

Hiện vẫn chưa đủ dữ liệu về hiệu quả của vaccine đối với biến thể Delta Plus, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy biến thể này lây nhiễm cho những người đã tiêm chủng. Theo các nhà khoa học, cần có thêm nghiên cứu và dữ liệu từ những người bị nhiễm biến thể Delta Plus để xem xét các đặc điểm của biến thể này và khả năng gây tăng lây truyền hoặc mức độ nghiêm trọng của Covid-19.

Tại Ấn Độ, biến thể Delta được cho là tác nhân chính của đợt bùng phát thứ hai tại nước này, biến thể Delta Plus đe dọa có thể tiếp tục là nguyên nhân gây ra làn sóng lây nhiễm thứ ba. Quốc gia đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến thể Detal cách đây không lâu, hồi tuần trước đã xác nhận hàng chục trường hợp nhiễm biến thể Delta Plus. Tiến sĩ Arora, người đứng đầu Nhóm Tư vấn Kỹ thuật Quốc gia về Tiêm chủng (NTAGI) cho biết, còn quá sớm để đánh giá liệu biến thể Delta Plus có thể kích hoạt làn sóng thứ ba của Covid-19 hay không, tuy nhiên, số ca mắc vẫn không ngừng tăng.

Theo Tiến sĩ Arora, làn sóng Covid-19 thứ ba sẽ phụ thuộc vào số lượng người dân đã bị nhiễm trong làn sóng thứ hai. Do đó, theo ông Arora, việc tiêm phòng là cần thiết để vô hiệu hóa những thiệt hại mà đợt thứ ba có thể xảy ra. Ông cho biết nếu có thể tiêm phòng cùng với việc sử dụng khẩu trang phù hợp và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa Covid-19 thì thiệt hại có thể được ngăn chặn một cách hiệu quả.

Theo ông Randeep Guleria, Giám đốc Viện khoa học y tế toàn Ấn (AIIM) cho biết, biến thể Delta Plus mới của Covid-19 cực kỳ dễ lây lan, và thậm chí đi bên cạnh một bệnh nhân mắc Covid-19 biến thể này mà không đeo khẩu trang cũng có thể bị lây nhiễm. Ông Guleria cho biết, mặc dù việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 sẽ giúp chống lại biển thể mới ở mức độ lớn, tuy nhiên chính phủ lo ngại về cơ chế thoát miễn dịch của biến thể Delta Plus và khả năng chống lại các kháng thể đơn dòng của nó. Ông Guleria cho biết: “Điều này đang được INSACOG nghiên cứu và chúng tôi sẽ biết liệu vaccine có hiệu quả chống lại biến thể này hay không”. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các biến thể mới bao gồm Delta Plus, cả hai lại vaccine Covaxin và Covishield đều giúp giảm số ca nhập viện ngay cả trong biến thể Delta, vốn chiếm ưu thế tại Ấn Độ. (An ninh Thủ đô, trang 16).

 

Đồng lòng, chung sức với TP.HCM dập dịch

Những ngày này, TP.HCM đang nỗ lực đẩy mạnh chiến lược “2 mũi giáp công, trong đánh ra, ngoài đánh vào”, tận dụng tối đa thời gian giãn cách xã hội để nhanh chóng dập dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Cùng nỗ lực với TP.HCM là sự đồng lòng, chung sức của cả nước.

Nhanh chóng “bóc ngay” các ca F0 ra khỏi cộng đồng

Sở chỉ huy phòng, chống dịch của TP.HCM đã được thành lập, trực 24/24 giờ để nhanh chóng xử lý diễn biến dịch bệnh trên địa bàn. Phong trào thi đua thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn thành phố có tên “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ Covid-19” được phát động, vận động toàn thể hệ thống chính trị, nhân dân thành phố đồng lòng, chung sức, nỗ lực tham gia đẩy lùi dịch bệnh.

Mục tiêu của TP.HCM là nhanh chóng “bóc ngay” các ca F0 ra khỏi cộng đồng, “giữ chặt vùng xanh” - vùng an toàn chưa có ca F0; cắt đứt chuỗi lây nhiễm “vùng đỏ” - vùng có ca F0; làm sạch địa bàn, từng bước đưa “vùng đỏ” dần xuống thành “vùng cam”, tiếp tục xuống “vùng vàng” và nhanh chóng trở về trạng thái an toàn. Để sớm phát hiện và “bóc ngay” các ca F0 ra khỏi cộng đồng, giữ vững “vùng xanh”, biện pháp quan trọng nhất mà thành phố tập trung thực hiện là tăng công suất lấy mẫu và xét nghiệm.

Công tác xét nghiệm được thực hiện định kỳ cho các khu phong tỏa với tần suất 2-3 ngày/lần; khu vực có nguy cơ cao 5-7 ngày/lần; các ổ dịch có nguy cơ rất cao thực hiện test nhanh kháng nguyên, đồng thời thực hiện mẫu gộp 5 trên phạm vi tổ dân phố, mở rộng các khu phố đến từng gia đình. Nếu test nhanh dương tính thì các lực lượng sẽ xét nghiệm mẫu đơn bằng phương pháp Realtime RT-PCR, điều tra các trường hợp F1 để chuyển cách ly, điều trị sớm. Tuy nhiên, chiến thuật chống dịch lần này có những thay đổi với việc đến từng nhà lấy mẫu xét nghiệm. Người dân có biểu hiện ho, sốt chỉ cần gọi điện lên cơ sở y tế địa phương để được hướng dẫn, trong vòng 30 phút đến 1 tiếng sẽ có đội lưu động tới lấy mẫu, tránh tối đa di chuyển dẫn đến nguy cơ lây nhiễm.

Với số ca mắc Covid-19 tại thành phố đã tăng cao tới trên 1.000 ca/ngày nên Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM đã lên kịch bản trong trường hợp có 1.600 ca mắc/ngày để có phương án đối phó. Bộ Y tế đã yêu cầu TP.HCM chuẩn bị 50.000 giường thu dung, điều trị Covid-19. Đến hiện tại, ngành y tế thành phố đã chuẩn bị 36.500 giường, trong đó 4 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị có 30.000 giường; 6.500 giường ở các bệnh viện còn lại, bao gồm 1.000 giường điều trị tích cực ở 4 bệnh viện điều trị tuyến cuối là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện 115.

Nhiều bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện của TP.HCM đã được chuyển đổi công năng để thu dung điều trị các bệnh nhân nhiễm nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, với chủng virus Delta, có nhiều bệnh nhân từ không có triệu chứng chuyển biến nặng khá nhanh, do đó, các bệnh viện thu dung cũng sẵn sàng phương án để chuyển các trường hợp này lên tuyến trên một cách kịp thời. Cùng với số ca nhiễm tăng kéo theo số người F1 cần cách ly tập trung cũng tăng theo. Hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, TP.HCM đang thí điểm việc cách ly F1 tại nhà. Sở Y tế thành phố đã phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ giám sát tại nhà để triển khai cách ly tại nhà với các trường hợp đủ điều kiện trong thời gian tới nhằm giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung.

Triển khai nhanh công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho các đối tượng yếu thế

Cùng với nỗ lực khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả dập dịch của TP.HCM có sự đồng lòng, chung sức của cả nước. Tại cuộc họp trực tuyến với TP.HCM về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định sẽ dành những gì tốt nhất cho TP.HCM chống dịch. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thì cam kết: “TP.HCM thiếu bao nhiêu nhân lực, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ bấy nhiêu”.

Ngoài việc đã điều 25 lãnh đạo các cục, vụ vào trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch tại các quận, huyện của TP.HCM, Bộ Y tế còn có 4 phương án và kế hoạch sẵn sàng nguồn nhân lực cho thành phố. Trong đó, bộ sẽ điều khoảng 200 bác sĩ chuyên ngành hồi sức và truyền nhiễm cho bệnh viện chuyên hồi sức với công suất 1.000 giường; điều khoảng 800 điều dưỡng theo yêu cầu của thành phố. Với các bệnh viện dã chiến thu dung các F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, Bộ Y tế dự kiến huy động 472 bác sĩ và 875 điều dưỡng; điều động 500 người truy vết, lấy mẫu theo thành phố yêu cầu.

Để bảo đảm sinh hoạt của người dân, TP.HCM đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương phối hợp cùng thành phố thực hiện “luồng xanh” nhằm phục vụ các phương tiện vận chuyển thiết yếu. Trước đó, TP.HCM đã có công văn gửi các tỉnh Đông Nam bộ tạo “luồng xanh” cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, công nhân, chuyên gia trong thời gian giãn cách xã hội; đề nghị các địa phương tổng hợp, cung cấp danh sách xe vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng thiết yếu, xe chở người lao động… để cấp giấy nhận diện phương tiện.

Song song với công tác phòng, chống dịch, TP.HCM cũng triển khai nhanh công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho các đối tượng yếu thế, người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp từ các đợt giãn cách. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đã công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội của hệ thống mặt trận thành phố các số điện thoại tiếp nhận phản ánh của nhân dân về đề nghị hỗ trợ đối với các trường hợp khó khăn do dịch Covid-19, nhằm đảm bảo không để sót, lọt bất cứ người dân nào phải chịu cảnh khó khăn, đói khổ. Theo đó, mọi người dân trên địa bàn thành phố phát hiện những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt cần hỗ trợ; người dân gặp khó khăn nằm ngoài 6 nhóm đối tượng chịu tác động do Covid-19 được hỗ trợ trong gói hỗ trợ 886 tỷ đồng của thành phố, có thể thông tin đến các số điện thường trực của mặt trận thành phố.

Đồng thời, thành phố chủ động nắm bắt khó khăn của người dân trên địa bàn, nhất là các hộ gia đình không thể tự nấu ăn trong thời gian giãn cách xã hội để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời. Người dân có thể mua nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm thiết yếu bằng các hình thức phù hợp như nhờ sự hỗ trợ từ lực lượng tình nguyện viên (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, các hội, nhóm tình nguyện); trực tiếp đặt hàng qua điện thoại. Người già, người neo đơn, người bệnh... được cung cấp thức ăn miễn phí.

Để đảm bảo nhu cầu mua thực phẩm chế biến sẵn, thành phố yêu cầu hệ thống phân phối (SaiGon Co.op, Satra, MM.Mega Market, Bách hóa xanh, VinMart, Family Mart…) tăng lượng cung ứng thực phẩm chế biến sẵn, đầy đủ số lượng, đa đạng chủng loại, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; đồng thời phối hợp với hệ thống giao hàng online cùng các hình thức phân phối trực tiếp đến tay người dân khi có yêu cầu. Đến nay, nguồn thực phẩm dồi dào, không có tình trạng khan hiếm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, rau củ quả luôn được ưu tiên.

Những câu “không ai bị lãng quên”, “không ai bị bỏ lại phía sau” hay “không để ai bị đói trong những ngày dịch bệnh” không chỉ là những câu khẩu hiệu, mà đã được từng người TP.HCM tâm niệm, cùng chung sức thực hiện. Kết quả sau 2 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg cho thấy TP.HCM đang đi đúng hướng. (An ninh Thủ đô, trang 16).

 

Đăng ký tiêm vắc xin qua mạng

Trong chiến dịch tiêm vắc xin lớn nhất lịch sử, ứng dụng công nghệ trong quản lý tiêm chủng, từ đăng ký tiêm đến thiết lập “hộ chiếu vắc xin” cho từng người dân đã được triển khai. Chiến dịch tiêm chủng vắc xin miễn phí lớn nhất lịch sử đã được Chính phủ chính thức khởi động. Có rất nhiều điểm đặc biệt trong chiến dịch lịch sử này, từ việc thiết lập hệ thống bảo quản, vận chuyển vắc xin nhanh nhất, huy động tổng lực hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng trong cả nước cho tới việc triển khai ứng dụng công nghệ trong quản lý tiêm chủng, tiến tới thiết lập “hộ chiếu vắc xin” cho từng người dân.

Minh bạch nguồn vắc xin

Dự kiến sẽ có hơn 100 triệu liều vắc xin cung cấp cho người dân trong năm 2021, hướng tới đạt 150 triệu liều vắc xin để tạo miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, để công khai, minh bạch thông tin và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19, tất cả thông tin về số lượng vắc xin, các liều đã tiêm và chưa tiêm... đều được cập nhật trên nền tảng quản lý tiêm chủng.

Theo đó, các đơn vị tiêm chủng phải cập nhật thông tin về kế hoạch tiêm chủng, lịch tiêm chủng, số lượng liều vắc xin được nhập, thông tin vị trí, số bàn tiêm, kết quả số lượng người dân được tiêm, số lượng hoãn tiêm và số lượng được cấp chứng nhận tiêm chủng (lần 1 và lần 2)... tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn. Trong trường hợp nguồn vắc xin phân bổ hạn chế, việc lập danh sách đối tượng tiêm chủng, xếp lịch tiêm chủng theo giờ phải được thực hiện trước khi thông báo cho người dân đăng ký tiêm.

Đăng ký tiêm online, nhận lịch tiêm qua tin nhắn

Đại diện Tập đoàn Viettel, đơn vị được giao xây dựng nền tảng quản lý tiêm chủng vắc xin Covid-19 quốc gia, cho biết nền tảng gồm 4 hệ thống: ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử (SKĐT), Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, hệ thống hỗ trợ công tác Tiêm chủng quốc gia, Trung tâm đáp ứng (MCC). Trong đó, người dân/tổ chức có thể đăng ký tiêm vắc xin trực tuyến cho tới tra cứu lịch sử, kết quả tiêm chủng trên app Sổ SKĐT hoặc website Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19. Nền tảng cũng giúp các cơ quan quản lý nắm bắt thông tin thời gian thực về khu vực, đối tượng tiêm... để đưa ra chỉ đạo nhanh chóng và phù hợp nhất.

Cụ thể, người dân sau khi đăng ký tiêm sẽ nhận được lịch tiêm qua tin nhắn tự động, địa điểm tiêm (thứ tự tiêm sẽ do địa phương sắp xếp và thông báo), không mất thời gian chờ đợi lâu hay phải khai báo lại thông tin cá nhân khi đến điểm tiêm. Người dân sẽ được nhận kết quả tiêm là chứng nhận tiêm chủng điện tử trong Sổ SKĐT, đây là nền tảng cho việc thực hiện “hộ chiếu vắc xin”, thuận lợi cho di chuyển trong nước cũng như nước ngoài trong tương lai.

Ngoài ra, Trung tâm đáp ứng MCC (gồm Chính phủ, Bộ Y tế, Quốc phòng, Bộ TT-TT, các Sở Y tế địa phương...) sẽ nắm bắt điều hành danh sách đối tượng đăng ký tiêm, lập kế hoạch phân bổ (đối tượng, điểm tiêm, vắc xin, số lượng, thời gian), quản lý điểm tiêm chủng, tiến độ tiêm chủng cũng như phân bổ vắc xin.

Thứ tự tiêm do địa phương sắp xếp

Ông Nguyễn Trường Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), cho biết để đăng ký tiêm, người dân sẽ cung cấp thông tin cá nhân trên bảng đăng ký, gồm các thông tin cá nhân, đối tượng tiêm...

Tuy nhiên, ông Nam lưu ý: “Không phải cứ đăng ký trước là được tiêm trước. Trên hệ thống sẽ không thể hiện việc đăng ký trước sẽ được tiêm trước. Việc đăng ký trực tuyến giúp các thông tin khai báo được tiếp nhận nhanh nhất, tránh thất lạc, trùng lặp thông tin, người dân không phải đến cơ sở tiêm chủng”.

Lý do, việc triển khai tiêm chủng trên địa bàn căn cứ theo lượng vắc xin địa phương được tiếp nhận. Các thông tin cá nhân đăng ký trực tuyến được chuyển đến các điểm tiêm chủng mà người dân đã đăng ký. Các điểm tiêm sẽ sàng lọc, đánh giá tính chính xác của thông tin, lên danh sách. Khi có vắc xin, sẽ có tin nhắn báo cho người dân, hẹn thời gian đến khám sàng lọc và thông báo lịch tiêm cụ thể.

“Thời điểm tiêm chủng phụ thuộc vào số lượng và thời điểm vắc xin mà địa phương đó được tiếp nhận. Hiện nay, vắc xin được ưu tiên cho TP.HCM và các điểm nóng của dịch, nên việc tiêm chủng vắc xin ở các địa bàn khác có thể chậm hơn. Và ngay tại địa phương, tiêm chủng sẽ theo lịch cụ thể, do địa phương thông báo”, ông Nam cho biết. Tới đây, Bộ Y tế sẽ tăng cường công tác truyền thông để người dân biết được kế hoạch phân bổ vắc xin Covid-19 sẽ được ưu tiên cho khu vực nào và nhóm đối tượng nào, qua đó chủ động đăng ký cho phù hợp.

Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, về nguyên tắc chung, việc bao phủ vắc xin sẽ lựa chọn các vùng dân cư, địa bàn có yếu tố nguy cơ cao về lây nhiễm để triển khai tiêm. Ví dụ: nơi có các ca bệnh trong cộng đồng, mật độ dân cư cao, giao lưu đi lại lớn; trong khu công nghiệp/chế xuất là nơi có nhiều yếu tố thuận lợi khiến dịch lây lan nhanh, cần được kiểm soát dịch hiệu quả để tránh đứt gãy sản xuất...

Một chuyên gia về dịch tễ cho hay với đối tượng được tiêm là người ngoại tỉnh, người lao động tự do, chính quyền, y tế địa phương sẽ có phương án triển khai phù hợp như: lập danh sách người tiêm trên địa bàn, thông qua tổ dân phố, cụm dân cư, các chủ nhà trọ... Đặc biệt, theo chuyên gia, việc tổ chức các điểm tiêm lưu động, các xe tiêm chủng tiếp cận với người dân tại các địa bàn, sẽ thuận lợi cho nhiều người dân. Cùng với việc thông báo hẹn tiêm theo khung giờ, việc tiêm chủng hiệu quả và kiểm soát các yếu tố nguy cơ do tập trung đông người.

Tháng 7 có “hộ chiếu vắc xin” với EU

Theo ông Nguyễn Trường Nam, sau khi đăng ký thông tin cá nhân trên Sổ SKĐT, trên hệ thống sẽ cung cấp mã QR code (mã có 2 màu đen, trắng). Khi người đăng ký đã tiêm 1 mũi vắc xin, mã này sẽ chuyển sang màu vàng và sẽ chuyển sang màu xanh khi tiêm đủ 2 mũi. Bảng màu của mã QR thể hiện tình trạng tiêm vắc xin của cá nhân.

Với những người tiêm vắc xin trước thời điểm ngày 10.7, cần tải app Sổ SKĐT và cập nhật thông tin cá nhân. Khi thông tin cá nhân trùng khớp với thông tin điểm tiêm chủng nhập lên hệ thống, mã QR cũng sẽ thể hiện màu tương tự với tình trạng tiêm chủng của họ. Mã QR sẽ thay thế cho các giấy chứng nhận trước đó, xác định cá nhân đó đã tiêm vắc xin Covid-19.

Ông Nam cho biết thêm, dữ liệu tiêm chủng cá nhân được lưu trên hệ thống (số mũi vắc xin, chủng loại vắc xin). Khi di chuyển trong nước, qua các điểm kiểm dịch có thể quét mã QR để biết được tình trạng tiêm chủng của cá nhân đó.

Khi ra nước ngoài, sẽ cần có thêm chứng nhận đã tiêm vắc xin và chứng nhận này phải được chuẩn hóa với dữ liệu của quốc tế. Theo ông Nam, tới đây hệ thống này sẽ liên thông kết quả với dữ liệu đã tiêm trên hệ thống tiêm chủng Covid-19 quốc gia. Cơ quan y tế sẽ xác nhận, kiểm tra tính chính xác của người đã tiêm, sau đó cấp giấy chứng nhận điện tử được ký số bằng chữ ký số quốc gia trên hệ thống. Chữ ký số quốc gia này được liên thông với các nước và các nước công nhận như một “hộ chiếu vắc xin”.

“VN đang xây dựng dữ liệu liên thông và dự kiến hệ thống này sẽ chạy thử nghiệm trong tháng 7, trước mắt sẽ liên thông với Liên minh Châu Âu - EU. Về cơ bản, nếu các nước khác cũng liên thông trên hệ thống này, thì cũng sẽ cùng thực hiện “hộ chiếu vắc xin”. Hoặc, chúng ta sẽ có thêm các đàm phán, trao đổi để kết nối, liên thông kỹ thuật thực hiện “hộ chiếu vắc xin”, ông Nam cho biết. (Thanh niên, trang 2).

 

TP.HCM chuẩn bị tiêm 1,1 triệu liều vắc xin

TP.HCM được phân bổ vắc xin Covid-19 để tiêm đợt 5 là 1,1 triệu liều (1 triệu liều Moderna và 100.000 liều AstraZeneca) và đang chuẩn bị kế hoạch tiêm.

Ngày 11.7, theo thông tin mà Thanh Niên có được, TP.HCM được phân bổ vắc xin Covid-19 để tiêm đợt 5 là 1,1 triệu liều (1 triệu liều Moderna và 100.000 liều AstraZeneca) và đang chuẩn bị kế hoạch tiêm.

Đợt tiêm này, Sở Y tế giao về cho TP.Thủ Đức và quận, huyện phụ trách, ngành y tế hỗ trợ kỹ thuật và nhân lực.

Theo kế hoạch dự kiến, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức tại mỗi phường, xã, thị trấn ít nhất 2 điểm tiêm (2 bàn tiêm) gồm 1 điểm tiêm tại trạm y tế và 1 điểm tiêm lưu động. Nếu trạm y tế đủ diện tích có thể bố trí 2 điểm tiêm tại chỗ. Tổng cộng thiết lập 624 điểm tiêm của 312 phường, xã, thị trấn trên toàn TP.HCM; đảm bản an toàn, giãn cách.

Mỗi bàn tiêm thực hiện tiêm cho 120 người/10 giờ/ngày (trung bình tiêm cho 12 người/giờ); dự kiến từ 2 - 3 tuần thì TP.HCM tổ chức tiêm xong hơn 1,1 triệu liều. Nhưng cũng có thể kéo dài hơn tùy tình hình thực tế, không để ảnh hưởng đến việc tập trung nguồn lực cho công tác chống dịch của TP. (Thanh niên, trang 2).

 

Tập trung chữa trị bệnh nhân Covid-19

Thủ tướng đặc biệt lưu ý TP.HCM cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, tập trung, tăng cường chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 với điều kiện tốt nhất, hạn chế tối đa các ca tử vong; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc...

Chiều 11.7, tiếp tục chuyến công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch và duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh phía nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với TP.HCM. Đây là cuộc làm việc có ý nghĩa hết sức quan trọng sau 3 ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng trên toàn TP.HCM.

TP.HCM xác định 5 nhóm giải pháp trọng tâm

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết tình hình dịch bệnh trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ 6 giờ ngày 10.7 tới 6 giờ ngày 11.7, TP.HCM ghi nhận 1.403 ca nhiễm, phần lớn tại các khu cách ly, phong tỏa. TP đang điều trị 11.308 ca dương tính mới (trong đợt dịch từ 27.4).

TP.HCM xác định 5 nhóm giải pháp trọng tâm thời gian tới: tổ chức xét nghiệm; điều trị; tiêm vắc xin; bảo đảm vừa cách ly, vừa sản xuất; hỗ trợ người dân gặp khó khăn. TP.HCM đã xây dựng và thành lập 8 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị với gần 30.000 giường; chuẩn bị phương án 50.000 giường. Gần 1 triệu người đã được tiêm chủng. Chiến dịch tiêm chủng sắp tới với hơn 1,1 triệu liều dự kiến được thực hiện trong 2 - 3 tuần tới.

TP.HCM tiếp tục tăng số lượng các doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa cách ly; tăng cường kiểm tra giám sát, nếu cơ sở sản xuất không an toàn thì dừng hoạt động ngay. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chăm lo cho người gặp khó khăn, người nghèo, người yếu thế theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.

Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm tới TP.HCM. Đến giờ này, tình hình thực tế tiếp tục khẳng định việc TP áp dụng Chỉ thị 16 là quyết định khó khăn nhưng đúng đắn, cần thiết, được thực hiện từng bước có hiệu quả, nhận được sự đồng tình. Mục tiêu cao nhất là để bảo đảm sk cho người dân và vì sự phát triển lâu dài của TP.

Bảo vệ chặt khu công nghiệp để sản xuất an toàn

Trước đó, trong chiều tối ngày 10.7 và sáng 11.7, Thủ tướng đã đi kiểm tra, động viên, đôn đốc công tác phòng chống dịch, duy trì sản xuất kinh doanh tại Long An, Tây Ninh. Tại 2 địa phương này, Thủ tướng đặt ra yêu cầu chống dịch phải thành công và không để lây nhiễm ra cộng đồng, không để dịch bệnh xâm nhập sâu vào nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp; đảm bảo an toàn cho sản xuất; quan tâm, thực hiện ngay việc hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, người mất việc làm, người yếu thế, lao động tự do...    (Thanh niên, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Bộ Y tế điều bác sĩ từ Huế và Cần Thơ đến Đồng Tháp

Ngày 11.7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đến khảo sát xử lý tình hình dịch Covid-19 tại Đồng Tháp. Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp, tính từ ngày 24.6 đến chiều 10.7, trên địa bàn tỉnh đã có 529 ca mắc Covid-19, trong đó 519 ca trong cộng đồng, 17 ca tử vong do mắc bệnh lý nền. Phức tạp nhất là các ổ dịch liên quan Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Sa Đéc, đến nay đã có 307 ca mắc liên quan BV này. Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho biết tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, trên địa bàn đã bắt đầu xuất hiện dịch trong các công ty, xí nghiệp có nhiều công nhân. Hiện nay, cùng với việc khẩn trương xử lý các ổ dịch mới để tránh lây lan rộng trong cộng đồng, tỉnh đặc biệt quan tâm đến hoạt động điều trị các F0 tại khu phong tỏa BVĐK Sa Đéc. Bởi tại BV này, theo Sở Y tế Đồng Tháp thông tin còn đến 16 F0 trong tình trạng nặng cần được sự hỗ trợ của Bộ Y tế về trang thiết bị y tế, y bác sĩ giỏi để nâng cao năng lực điều trị, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp mắc Covid-19 tử vong.

Các chuyên gia của đoàn công tác đề xuất tỉnh Đồng Tháp cần xem xét dự báo số ca bệnh Covid-19 tăng trong thời gian tới để bố trí thêm cơ sở cách ly, điều trị bệnh nhân; trang bị gấp các thiết bị y tế chuyên dùng cho việc hồi sức, cấp cứu bệnh nhân; đầu tư để chuyển đổi nhanh BV Quân dân y và BV Phục hồi chức năng Đồng Tháp thành BV điều trị Covid-19. Song song đó, phải phòng ngừa nghiêm ngặt, tránh lây nhiễm Covid-19 trong các BV; đề nghị các BV, trạm y tế, nhà thuốc khi có trường hợp đến khám hoặc mua thuốc điều trị bệnh về cảm sốt, thì nắm thông tin để làm test nhanh, sớm phát hiện trường hợp dương tính Covid-19 để tiến hành truy vết, khoanh vùng xử lý…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết trong tuần này Bộ Y tế sẽ điều động khẩn cấp các y, bác sĩ từ BVĐK T.Ư Cần Thơ và BV T.Ư Huế đến Đồng Tháp hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19. Bộ sẽ hỗ trợ tỉnh thêm 50 giường bệnh hồi sức tích cực cho BVĐK Sa Đéc điều trị bệnh nhân Covid-19... (Thanh niên, trang 2).

 

Đảm bảo an toàn, đạt mục tiêu 70% dân số được tiêm vaccine Covid-19

Chiến dịch tiêm chủng (CDTC) vaccine Covid-19 toàn quốc kéo dài từ tháng 7-2021 tới tháng 4-2022, thực hiện trên phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, “không bỏ phí bất cứ một liều vaccine nào” và “không lãng phí bất cứ đồng nào từ Quỹ vaccine phòng Covid-19 của Việt Nam”. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong cuộc trao đổi với báo chí về CDTC lớn nhất trong lịch sử cho 75 triệu người dân. PHÓNG VIÊN: Thưa Bộ trưởng, xin ông cho biết mục tiêu lớn nhất của CDTC vaccine Covid-19 toàn quốc?

Bộ trưởng NGUYỄN THANH LONG: Mục tiêu lớn nhất của chiến dịch là tổ chức tiêm chủng cho người dân trong độ tuổi tiêm chủng nhiều nhất (từ 18 tuổi trở lên) và nhanh nhất để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Đợt tiêm chủng lần này cho người dân là miễn phí. Từ trước đến nay, nước ta đã tổ chức nhiều chiến dịch tiêm chủng, trong đó gần nhất là chiến dịch tiêm 23 triệu liều vaccine sởi - Rubela cho trẻ em. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 lần này triển khai trên quy mô lớn hơn, đảm bảo tiêm 150 triệu liều vaccine (số lượng vaccine Việt Nam đã và đang đàm phán đặt mua từ nay đến tháng 4-2022) cho người dân đủ để đạt miễn dịch cộng đồng.

Để có thể tiếp cận được nguồn vaccine Covid-19 trong bối cảnh khan hiếm trên quy mô toàn cầu, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã hết sức nỗ lực, cố gắng đưa vaccine về Việt Nam. Hàng trăm cuộc trao đổi, làm việc, đàm phán với các tổ chức, nhà sản xuất vaccine được Bộ Y tế thực hiện từ giữa năm 2020 đến nay đã giúp Việt Nam sẽ có được hơn 100 triệu liều vaccine. Riêng trong tháng 7, hơn 9 triệu liều vaccine Covid-19 được chuyển cho Việt Nam, đúng vào thời điểm dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp tại TPHCM và một số tỉnh, thành phố phía Nam.

Để thực hiện thành công CDTC vaccine Covid-19, chúng ta có những thay đổi gì so với trước đây?

Chiến dịch lần này có nhiều điểm thay đổi so với Chương trình tiêm chủng quốc gia lâu nay của Việt Nam thực hiện. Thứ nhất, chúng ta đã thiết lập một hệ thống bảo quản hoàn toàn mới là dựa vào lực lượng quân đội. Vaccine Covid-19 sẽ bảo quản tại các kho của các quân khu do Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế đã phối hợp thiết lập, đạt tiêu chuẩn bảo quản GSP. Vaccine từ đó chuyển tới tất cả điểm tiêm ở quận, huyện các địa phương một cách nhanh nhất, đảm bảo chất lượng vaccine. Thứ hai, chúng ta huy động một lực lượng lớn tổ chức tiêm chủng tại tất cả điểm tiêm di động, cố định. Chúng ta dựa vào mạng lưới hệ thống y tế cơ sở của dân sự và y tế của quân đội, công an để triển khai đồng loạt công tác tiêm chủng, từ đó tăng tiến độ bao phủ vaccine cho nhân dân.

Đối với công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng, ngành y tế đặt mục tiêu là an toàn tối đa cho người tiêm chủng, “tiêm đến đâu an toàn đến đó”. Công tác khám sàng lọc, theo dõi, giám sát chặt chẽ sức khỏe sau tiêm được triển khai trên toàn tuyến. Cùng với đó, các chuyên gia đầu ngành về nhiều lĩnh vực của điều trị, dự phòng sẵn sàng hỗ trợ tất cả các điểm tiêm để có thể xử lý các sự cố sau tiêm. Do đó, Bộ Y tế đã sửa tất cả hướng dẫn chuyên môn trên nguyên tắc đảm bảo an toàn cho người tiêm và có tập huấn, hướng dẫn chuyên môn cho tất cả các tuyến. Đặc biệt, để thiết lập giám sát chất lượng vaccine, Ban chỉ đạo CDTC đã thành lập tiểu ban giám sát chất lượng tiêm chủng, hoạt động mang tính chất độc lập tương đối để giám sát mọi hoạt động của quy trình tiêm chủng từ vận chuyển, bảo quản, phân bổ và tiêm chủng.

Trong việc triển khai CDTC lần này, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ được thực hiện như thế nào để nâng cao hiệu quả, thưa Bộ trưởng?

Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chức năng đẩy mạnh ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng. Đáng lưu ý nhất là ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” với các thông tin về tiêm chủng như: đăng ký tiêm chủng, nhật ký tiêm chủng, theo dõi sau tiêm. Từ đó hình thành nên mã số cho mỗi người dân đã tiêm để cấp QR Code. Mã QR Code chính là căn cứ để đảm bảo “hộ chiếu vaccine” sau này. Đồng thời, với sự chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ TT-TT, Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ để xây dựng một nền tảng ứng dụng trong tiêm chủng và xét nghiệm Covid-19 để giúp người dân và các đơn vị y tế dễ dàng nắm bắt được các thông tin về tiêm chủng, xét nghiệm.

Tất cả người dân rất mong được tiêm vaccine Covid-19, song chúng ta chỉ đặt mục tiêu 70% dân số được bao phủ vaccine. Xin Bộ trưởng giải thích thêm?

Mục tiêu này ngay từ đầu đã được đặt ra đối với tất cả những người trên 18 tuổi. Sau khi tính toán, Bộ Y tế đã trình Bộ Chính trị, Chính phủ nghị quyết về vấn đề tiêm vaccine. Việt Nam đang cố gắng để mua 150 triệu liều vaccine tiêm cho người dân. Tuy nhiên, do mức độ khan hiếm của vaccine toàn cầu, nên dù đã có những hợp đồng mua từ tháng 11-2020, có những cam kết thỏa thuận từ tháng 9-2020, nhưng đến nay chúng ta mới có vaccine. Đến 9-2021, lượng vaccine về Việt Nam sẽ nhiều nên chúng ta đã đặt ra mục tiêu là tăng độ bao phủ tiêm vaccine với người dân cao hơn nữa. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang