Cứu kịp thời ngư dân bị thương trên biển nhờ “Ngân hàng máu sống”
Chiều 11-8, bác sĩ Nguyễn Đức Quân, Giám đốc Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) cho biết, một ngư dân quê Quảng Ngãi nhập viện lúc rạng sáng 11-8 với vết thương nặng ở vùng cổ gáy đã được cấp cứu kịp thời và qua cơn nguy kịch nhờ “Ngân hàng máu sống” được thiết lập trên đảo trước đó.
Hồi 2 giờ 30 phút, rạng ngày 11- 8, Trung tâm Y tế quân dân y huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) tiếp nhận ngư dân Nguyễn Thành Chung, 33 tuổi ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) vào cấp cứu trong tình trạng bị mất máu cấp do vết thương sâu vùng cổ gáy.
Khi đó, bệnh nhân đang bị sốc do mất máu, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, vết thương ngang gần đốt sống cổ số bảy, dài 15cm, sâu 7cm, máu chảy thành tia với ước tính lượng máu mất khoảng 1.500ml, nứt gai sau đốt sống cổ…
Các y, bác sĩ Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ đã tiến hành hồi sức chống sốc, gây mê, đặt nội khí quản, xử lý vết thương, thắt mạch máu đồng thời khâu bảo tồn vết thương…
Trước nguy cơ bệnh nhân tử vong do mấy nhiều máu, luôn trong tình trạng huyết áp tụt, Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ đã huy động “Ngân hàng máu sống” ngay tại đảo để kịp truyền máu cấp cứu bệnh nhân.
Sau 15 phút, anh Bùi Văn Thành ở Liên đội TNXP Bạch Long Vĩ có nhóm máu O đã đủ điều kiện an toàn đã lấy và truyền 250 ml máu trực tiếp cho bệnh nhân, giúp anh Chung thoát cơn nguy kịch.
Hiện, mạch và huyết áp của ngư dân Nguyễn Thành Chung đã ổn định, vết thương tại chỗ đã cầm máu. Các y, bác sĩ của Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ vẫn theo dõi sát và điều trị tích cực. (* Nhân dân (trang 5))
Mở đăng ký tiêm 1.000 liều vắc xin Pentaxim
Từ 9h hôm nay (12-8), Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội (số 35, Trần Bình, Hà Nội) sẽ mở đăng ký tiêm vắc xin Pentaxim “5 trong 1” trực tuyến tại website: kiemdichytehanoi.vn với số lượng 1.000 liều. Thời gian tiêm sẽ được triển khai theo từng ngày.
Cụ thể, ngày 13 và 14-8 (thứ bảy và chủ nhật) chỉ tiêm buổi sáng, mỗi ngày 100 liều tiêm. Ngày 15 đến 18-8 (từ thứ hai đến thứ năm), mỗi ngày 200 liều tiêm. Độ tuổi tiêm phòng là những trẻ từ đủ 2 tháng đến đủ 24 tháng tuổi, tức là trẻ phải có ngày sinh trong khoảng từ 13-8-2014 đến 13-8-2016. Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội chỉ tiêm vắc xin cho những trẻ đã đăng ký thành công và đúng ngày giờ trên phiếu đăng ký tiêm hợp lệ.
Khi đưa trẻ đến tiêm vắc xin Pentaxim, cha mẹ cần mang theo: Bản in phiếu đăng ký tiêm hợp lệ; bản photocopy giấy khai sinh, chứng minh thư, sổ tiêm chủng của trẻ đúng với thông tin đăng ký qua mạng; trẻ phải có tình trạng sức khỏe tốt (không sốt hoặc đang điều trị các bệnh cấp tính…); có ngày tiêm vắc xin tổng hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà… mũi gần nhất cách mũi tiêm đăng ký lớn hơn 30 ngày. (* Hà Nội mới (trang 1))
Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống trang 2: “9h ngày 12/8 có thêm 1.000 liều vắc xin dịch vụ đăng ký trực tuyến”
Đầu tư 900 triệu USD cho trang thiết bị y tế tại bệnh viện khu vực TP Hồ Chí Minh
Nhu cầu đầu tư thiết bị y tế tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng và tập trung vào các thiết bị chẩn đoán hình ảnh, phòng mổ, hồi sức cấp cứu, xét nghiệm chuyên sâu,...
Việc đầu tư trang thiết bị y tế công nghệ cao sẽ tập trung chủ yếu ở các bệnh viện lớn tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ,... Riêng TP.HCM, trong 3 năm tới ước tính sẽ đầu tư khoảng 900 triệu USD để nâng cấp thiết bị y tế cho các bệnh viện.
Thông tin trên được đưa ra tại Lễ khai mạc Triển lãm quốc tế thường niên chuyên ngành Y dược lần thứ 16 diễn ra tại Trung tâm triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (Q.7, TP.HCM) sáng 11-8.
Theo ông Hứa Phú Doãn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hội thiết bị Y tế TP.HCM, theo thống kê, doanh thu của thị trường trang thiết bị y tế Việt Nam ước tính khoảng 800 triệu USD/năm, con số này có thể đạt tới 1,2 tỷ USD vào năm 2016 và nâng lên 1,8 tỷ USD vào năm 2018. Mức tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 sẽ đạt khoảng 18-20%/năm.
Ông Doãn nhận định, ngành dược - thiết bị y tế thuộc nhóm các ngành đầu tư hấp dẫn nhất hiện nay. (* Công an Nhân dân (trang 2))
Sức khỏe nạn nhân vụ sập nhà 43 Cửa Bắc tốt dần lên
Chiều 11-8, bác sĩ Nguyễn Thế Cường, Phó trưởng Khoa Thận lọc máu - Bệnh viện Việt Đức cho biết, sức khỏe của bệnh nhân Bùi Thị Thoa (18 tuổi, quê Phú Thọ), nạn nhân trong vụ sập nhà ở 43 Cửa Bắc (quận Ba Đình, Hà Nội) ngày 4-8 vừa qua đang tốt dần.
Bệnh nhân đã tự đi tiểu được, không còn phải lọc máu như những ngày trước đó. Trước đó, các bác sĩ tiên lượng có thể bệnh nhân sẽ bị cắt cụt chân. Tuy nhiên, hiện nay, hai cẳng chân bị dập đang hồi phục, chân ấm dần và bệnh nhân sẽ không phải đối mặt với nguy cơ bị cắt chân nữa.
Theo bác sĩ Cường, sau khi được mổ hai cẳng chân, hàng ngày, bệnh nhân được xử lý vết thương và điều trị tích cực nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử vùng chấn thương. Việc điều trị này sẽ còn kéo dài. (* An ninh Thủ đô (trang 2))
Chuẩn bị Trung thu cho bệnh nhi
Ngày 11/8, anh Vũ Minh Lý, Giám đốc Trung tâm tình nguyện Quốc gia đã có buổi chia sẻ với 500 thủ lĩnh tình nguyện thuộc Chi hội thanh niên vận động hiến máu 24.1 và Ban tổ chức chương trình Trung Thu Cho Em 2016.
Với chủ đề “Người thủ lĩnh”, anh Vũ Minh Lý đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm kỹ năng làm tình nguyện, kỹ năng làm thủ lĩnh để trang bị cho các thủ lĩnh tình nguyện, chuẩn bị cho chương trình Tết Trung thu cho các em nhỏ sắp tới.
Tiếp nối thành công của Trung Thu Cho Em 3 năm trước, chương trình năm nay với thông điệp “Thắp sáng tuổi thơ Việt” sẽ là một “Ngày hội tình nguyện” thực sự. Chương trình đang trong thời gian tuyển tình nguyện viên và dự kiến thu hút gần 5.000 tình nguyện viên tham gia.
Nội dung chính của chương trình là vận động mọi người tham gia hiến máu, đây là một món quà quý giá nhất tặng các em bệnh nhi nhân dịp Tết Trung thu. (* Tiền phong (trang 7))
TP. Hồ Chí Minh sẽ có chợ an toàn thực phẩm
Sở Công thương vừa có tờ trình UBND TP về dự án thí điểm chợ đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, chợ Bến Thành (Q.1) và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn được chọn và triển khai trong năm 2016 là hai chợ đảm bảo an toàn thực phẩm về rau, củ, quả, thịt... Thực phẩm buôn bán tại chợ có đầy đủ hóa đơn, chứng từ đầu vào, có giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm...
Người kinh doanh tại chợ có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh phù hợp với lĩnh vực hoạt động thực tế, có giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận sức khỏe hằng năm theo quy định của Bộ Y tế, có trang bị thiết bị bảo hộ lao động, phục vụ sản xuất, chế biến, kinh doanh. Đối với chợ đảm bảo hạ tầng hoàn chỉnh, khoa học, vệ sinh...
Theo Sở Công thương, sau khi thực hiện sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm hai chợ trên sẽ triển khai tiếp đối với 12 chợ khác từ năm 2017-2020, sau đó triển khai trên toàn địa bàn TP. (* Tuổi trẻ (trang 6))
Doanh thu trang thiết bị y tế ước đạt 1,2 tỷ USD
Đầu tư ngành dược và trang thiết bị y tế thuộc nhóm ngành hấp dẫn nhất hiện nay. Doanh thu của thị trường trang thiết bị y tế Việt Nam ước tính đạt 1,2 tỷ USD năm 2016 và có thể đạt 1,8 tỉ USD vào năm 2018
Ông Hứa Phú Doãn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thiết bị Y tế TPHCM – cho biết như vậy tại khai mạc triển lãm quốc tế thường niên chuyên ngành dược phẩm và trang thiết bị y tế (từ ngày 1 đến ngày 13-8, tại Trung tâm triển lãm & Hội nghị Sài Gòn, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) sáng 11-8. Triển lãm có sự góp mặt của 280 doanh nghiệp là các tập đoàn lớn, các công ty uy tín đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 350 gian hàng.
Theo ban tổ chức, nhu cầu đầu tư thiết bị y tế tại Việt Nam sẽ tăng và tập chung vào các thiết bị chẩn đoán hình ảnh, phòng mổ, hồi sức cấp cứu, xét nghiệm chuyên sâu. (* Tuổi trẻ (trang 14))
100% dân cư được dùng nước sạch vào năm 2025
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dân cư được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 95 - 100%.
Theo quyết định của Thủ tướng, chương trình trên được triển khai thực hiện tại các đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên phạm vi cả nước từ năm 2016 đến năm 2025.
Mục tiêu tổng quát của chương trình là thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn nhằm quản lý rủi ro và khắc phục sự cố có thể xảy ra từ nguồn nước, cơ sở xử lý nước và hệ thống truyền dẫn, phân phối nước đến khách hàng sử dụng; bảo đảm cung cấp nước liên tục, đủ lượng nước, duy trì đủ áp lực, chất lượng nước đạt quy định góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe con người.
Chương trình phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ dân cư được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 90 - 95%; tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực đô thị được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 45%; tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực nông thôn được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 35%; giảm thiểu lượng nước thải sinh hoạt đô thị chưa qua xử lý trước khi xả ra môi trường xuống còn 80 - 85%.
Đến năm 2025, tỷ lệ dân cư được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 95 - 100%; tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực nông thôn được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 50%; giảm thiểu lượng nước thải sinh hoạt đô thị chưa qua xử lý trước khi xả ra môi trường xuống còn 70%. (* Nông thông Ngày nay, Gia đình & Xã hội (trang 2))
Tư nhân được thành lập ngân hàng mô
Ngoài trực thuộc cơ sở y tế công lập, tư nhân cũng có thể thành lập ngân hàng mô nếu đáp ứng đủ các điều kiện về giấy phép hoạt động, cơ sở vật chất và nhân lực của Bộ Y tế.
Đây là một trong những nội dung được nêu rõ tại Nghị định 118/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 56/2008/NĐ-CP ngày 29-4-2008 về tổ chức hoạt động của ngân hàng mô.
Cụ thể tại Nghị định mới này nêu rõ, ngân hàng mô được cấp giấy phép hoạt động khi đáp ứng một số điều kiện như: có quyết định thành lập ngân hàng mô; hoặc ngân hàng mô có tên trong văn bản của cơ quan có thẩm quyền quy định cơ cấu tổ chức của cơ sở y tế đối với ngân hàng mô của nhà nước; giấy chứng nhận doanh nghiệp đối với ngân hàng mô tư nhân.
Bên cạnh đó, ngân hàng mô tư nhân cũng cần đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất tối thiểu, như phải có buồng kỹ thuật có diện tích tối thiểu 12 m2 để tiếp nhận, xử lý, bảo quản và cung ứng mô; phòng xét nghiệm có diện tích tối thiểu là 12 m2. Riêng ngân hàng mô thuộc cơ sở y tế thì việc xét nghiệm có thể sử dụng chung với bộ phận xét nghiệm của cơ sở y tế.
Khu vực hành chính tổng hợp, quản lý hồ sơ, tư vấn phải có diện tích tối thiểu là 12 m2. Cơ sở phải được xây dựng chắc chắn, đủ ánh sáng, có trần chống bụi, tường và nền nhà phải sử dụng các chất liệu dễ làm vệ sinh; bảo đảm xử lý rác thải y tế, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống cháy nổ theo quy định của pháp luật; bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ chuyên môn.
Về nhân lực tối thiểu, Nghị định yêu cầu người quản lý chuyên môn ngân hàng mô phải đủ điều kiện theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; một bác sĩ hoặc cử nhân xét nghiệm có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; hai kỹ thuật viên y hoặc điều dưỡng tốt nghiệp trung cấp trở lên về chuyên ngành y, có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; một nhân viên hành chính.
Đối với ngân hàng mô thuộc cơ sở y tế thì nhân lực có thể kiêm nhiệm, riêng kỹ thuật viên y hoặc điều dưỡng phải làm việc chuyên trách. Đồng thời, ngân hàng mô phải có đủ trang thiết bị theo danh mục quy định.
Nghị định cũng quy định điều kiện riêng để cấp giấy phép hoạt động đối với ngân hàng giác mạc (ngân hàng mô chỉ hoạt động về giác mạc).
Cụ thể, về cơ sở vật chất, ngoài điều kiện như đối với cơ sở vật chất ngân hàng mô nêu trên, thì ngân hàng giác mạc phải có đủ trang thiết bị quy định; người lấy giác mạc phải có trình độ từ trung cấp trở lên, được đào tạo về lấy và bảo quản, vận chuyển giác mạc.
Theo Nghị định mới, nếu ngân hàng mô đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của Nghị định 56/2008/NĐ-CP ngày 29-4-2008 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của ngân hàng mô và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người thì được tiếp tục hoạt động đến hết ngày 30-6-2017.
Từ 1-7-2017, ngân hàng mô phải được cấp giấy phép hoạt động theo các điều kiện, thủ tục quy định tại nghị định này
Có thể nói việc cho phép tư nhân thành lập ngân hàng mô nhằm thể hiện tinh thần xã hội hóa lĩnh vực y tế và khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học của cá nhân, tổ chức. Vấn đề này cũng phù hợp với nội dung trong nghị định là khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư, hợp tác trong việc nghiên cứu, hiến, lấy, ghép, lưu trữ, bảo quản mô, bộ phận cơ thể người. (* Sức khỏe & Đời sống (trang 3))
Cùng chủ đề Báo Thanh niên trang 2: “Cá nhân được thành lập ngân hàng mô”
Bộ trưởng Bộ Y tế là thành viên BCĐ phòng, chống khủng bố quốc gia
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia (Ban Chỉ đạo). Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban. Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an làm Phó Trưởng ban.
Các thành viên gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng; Trung tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách công tác an ninh (thành viên thường trực).
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động phòng, chống khủng bố trong phạm vi cả nước; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức, triển khai, phối hợp liên ngành thực hiện công tác phòng, chống khủng bố.
Bên cạnh đó, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện công tác phòng, chống khủng bố; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành phương án xử lý các tình huống, cơ chế chỉ đạo, chỉ huy xử lý các tình huống khủng bố.
Đồng thời, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết các vụ khủng bố trong trường hợp phải ban bố tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội hoặc có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp.
Bộ Công an là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia và có cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách gọi là Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia. (* Sức khỏe & Đời sống (trang 2))
Nghệ An: Cứu sống cụ bà 102 tuổi sau khi cắt khối u nặng 6kg
Cụ Tích nhập viện trong tình trạng đau chướng bụng dưới, khó thở. Qua thăm khám, các bác sỹ đã phát hiện trong bụng cụ có một khối u rất lớn. Bệnh viện sau đó đã tiến hành ca mổ cắt bỏ khối u dài 25cm, rộng 20cm nặng 6kg và có khoảng 1,5 lít dịch.
Ngày 11-8, bác sỹ Hồ Văn Thăng – Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết, sau ca mổ lấy khối u lớn, đến nay sức khỏe của cụ Phạm Thị Tích (102 tuổi) trú ở khối Hòa Tây, TT. Hòa Bình, huyện Tương Dương, Nghệ An đã ổn định và tiến triển tốt.
Theo đó, cụ Tích nhập viện vào chiều ngày 6-8 trong tình trạng căng chướng bụng, khó thở. Qua thăm khám, các bác sỹ đã phát hiện trong bụng cụ Tích có một khối u nang buồng trứng rất lớn ước chừng khoảng 5kg. Sau khi làm các thủ tục cần thiết các bác sỹ tiến hành mổ lấy khối u cho cụ Tích vào ngày 10-8.
Ca mổ kéo dài hơn 1 tiếng, các bác sỹ đã lấy thành công khối u có chiều dài 25cm, chiều rộng 20cm nặng 6kg và có khoảng 1,5 lít dịch ra khỏi bụng cụ Tích. Sau ca mổ, cụ Tích đang phục hồi rất tốt.
Hiện tại, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, có thể nói chuyện cùng con cháu. Bệnh nhân không sốt, tiếp xúc tốt, vết mổ khô. Được biết, cụ Tích là mẹ liệt sỹ có 6 người con. Người con lớn hiện đã 77 tuổi.
Ông Nguyễn Xuân Tý (54 tuổi) con trai thứ 3 của cụ Tích chia sẻ: “Mẹ tôi bị thường xuyên bị đau bụng nhưng bà sợ phải đi bệnh viện nên giấu con cháu. Gần 1 năm lại đây, bụng mẹ có biểu hiện to bất thường, khi con cháu hỏi thì bà cứ bảo không bị làm sao cả. Đến lúc đau quá chịu không nổi bà mới nói cho chúng tôi biết và đưa đi bệnh viện”.
Bác sỹ Thăng cho biết: “Trước đây, bệnh viện đã mổ lấy các khối u khá nhiều lần nhưng đây là lần mổ khối u lớn nhất. Khối u này lại nằm trong cơ thể một cụ bà đã lớn tuổi nên có nhiều rủi ro khi mổ. Rất may, ca mổ đã thành công tốt đẹp. Dự kiến 1 tuần nữa cụ Tích có thể xuất viện”. (* An ninh Thủ đô (trang 2))