Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 12/9/2015

  • |
T5g.org.vn - Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết; Hướng dẫn để phụ huynh hiểu quy định mới của BHYT…

Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, 8 tháng đầu năm cả nước ghi nhận 29.000 trường hợp mắc, trong đó 18 người đã tử vong do sốt xuất huyết. Nếu không được khống chế, Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát thành dịch trên diện rộng.

Hiện sốt xuất huyết đã lưu hành ở hầu hết các tỉnh thành phố trong cả nước, trọng điểm là tại 10 tỉnh, thành phố đồng bằng Sông Cửu Long.

Dịch bệnh năm nay bùng phát sớm và diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là đã xuất hiện ổ dịch tại 29/30 quận huyện tại Hà Nội.

Bộ Y tế khuyến cáo, kêu gọi người dân nếu bị đột ngột sốt cao liên tục không nên chủ quan điều trị ở nhà mà hãy đến cơ sở y tế khám để được bác sĩ tư vấn, theo dõi.

Để phòng bệnh, điều cốt lõi là không tạo nơi đẻ trứng cho muỗi vằn, các gia đình cần hợp tác với cán bộ y tế dự phòng trong công tác phun thuốc diệt muỗi. (Công an nhân dân (trang 4), Tiền phong (trang 10), Hà Nội mới (trang 7), Nông thôn ngày nay (trang 5).

Hướng dẫn để phụ huynh hiểu quy định mới của BHYT

Sáng 11-9, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM đã có buổi đánh giá kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm y tế trên địa bàn TP.HCM. Ông Cao Văn Sang - giám đốc BHXH TP.HCM - cho biết xung quanh những ý kiến gần đây về bảo hiểm y tế học đường, có nhiều vấn đề cần phải làm rõ thêm để người dân hiểu và ủng hộ.

Trước hết là vấn đề nâng mức đóng bảo hiểm y tế từ 3% lên 4,5% lương cơ sở cho tất cả đối tượng bao gồm cả học sinh, sinh viên.

Đối với yêu cầu đóng 15 tháng gây nhiều bức xúc, ông Sang cho biết đây là năm đầu tiên thực hiện thay đổi thời hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế theo năm tài chính (từ tháng 1 đến tháng 12) thay vì theo năm học (từ tháng 10 năm trước đến cuối tháng 9 năm sau).

Năm nay còn ba tháng nhưng theo quy định BHXH thì thời hạn thẻ ít nhất là sáu tháng, không có thời hạn thẻ ba tháng. Do đó để thuận tiện thì thu luôn 3 tháng năm nay cộng với 12 tháng năm sau là 15 tháng.

Theo ông Sang, khi triển khai quy định này BHXH TP.HCM lường trước nhiều phụ huynh không chịu, nên trong thông báo liên tịch ngày 3-8-2015 của BHXH TP.HCM và Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM đã đưa hai phương án để phụ huynh lựa chọn: đóng một lần 15 tháng hoặc chia ra đóng hai lần (lần đầu sáu tháng 217.500 đồng, lần hai chín tháng khoảng 326.000 đồng).

BHXH đã dành khoảng 2 triệu tờ rơi cho học sinh tại các trường học, thông tin cụ thể về những thay đổi cũng như hai lựa chọn này. Tuy nhiên nhiều trường muốn làm gọn, thu luôn 15 tháng và không giải thích khiến phụ huynh bức xúc.

Ngoài ra, nhiều phụ huynh cũng phản ứng tại sao trường lại ép đăng ký nơi khám chữa bệnh ở bệnh viện này, phòng khám kia mà không cho chọn lựa. Theo BHXH TP, người dân được chọn một trong số 91 bệnh viện, phòng khám đa khoa của Nhà nước và tư nhân cùng với 127 trạm y tế phường xã trên địa bàn TP. Tại mỗi trường, BHXH đã niêm yết ba tờ danh sách về các cơ sở y tế để học sinh, phụ huynh lựa chọn.

Trước mắt, BHXH sẽ nhanh chóng có công văn gửi Sở Giáo dục - đào tạo TP yêu cầu các trường học không được lựa chọn sẵn cơ sở y tế. Đồng thời trường hợp nào đã bị ép thì BHXH sẽ tạo điều kiện để khắc phục.

Ngày 1 đến ngày 10 đầu mỗi quý người dân có thể trực tiếp mang thẻ đến BHXH TP thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh. (Tuổi trẻ (trang 13).

Những điều rút ra từ thành công của ca ghép tạng xuyên Việt

Từ nguồn tạng hiến tặng của một người bị chết não tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công ca ghép tim cho người bệnh bị giãn cơ tim; ghép gan cho người bệnh bị xơ gan, ung thư gan giai đoạn cuối. Thành công của ca ghép tạng một lần nữa khẳng định trình độ của các thầy thuốc Việt Nam. Nhưng vẫn còn khoảng trống lớn trong vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người…

Trình độ ghép tạng ngang tầm quốc tế

Mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi, khi nói về thành công của ca ghép, GS, TS Nguyễn Tiến Quyết, người trực tiếp tham gia ca ghép tạng khẳng định: Hai con người sống như ngọn đèn dầu trước gió đã vượt qua cửa tử, có một cuộc sống mới, nhờ trái tim, lá gan của người không may mắn mất đi vì chết não. Nhưng để có cú “vượt qua cửa tử” đó là nhờ trái tim nhân hậu của gia đình người hiến tạng vượt qua nỗi đau mất người thân; sự vào cuộc, phối hợp nhịp nhàng của hơn 100 cán bộ y tế của hai bệnh viện: Việt Đức, Chợ Rẫy cũng như sự hỗ trợ kịp thời của nhiều cơ quan hữu quan.

Dù đã thực hiện nhiều ca ghép tim, gan, thận từ người cho chết não, nhưng đây là ca ghép đặc biệt vì giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cách nhau hơn 1.700 km thì việc thực hiện lấy, ghép tạng thế nào; phương tiện đi lại và thiết bị bảo quản tạng chuyên dụng chưa có... Nhưng xác định đây là cơ hội vô cùng quý giá cho người bệnh, những người thầy thuốc đã không ngại khó khăn, quyết tâm thực hiện ca ghép. Các phương án, tình huống được chuẩn bị chi tiết; từng người, từng kíp được phân công rõ ràng và liên tục liên lạc để điều chỉnh phù hợp. Một kíp chuyên gia lên máy bay vào TP Hồ Chí Minh để lấy và bảo quản tạng theo đúng quy trình để mang ra Hà Nội. Khi tạng mang về đến Bệnh viện Việt Đức thì kíp phẫu thuật tại đây cũng đã hoàn thành việc cắt bỏ tạng đã hỏng, tạng mới được ghép ngay cho người nhận. GS, TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Tim mạch - Lồng ngực (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) người trực tiếp tham gia mổ lấy tạng của người cho và ghép cho người nhận đánh giá: Nhờ sự phối hợp ăn ý, nhuần nhuyễn này mà thời gian tính từ lúc tạng được lấy của người cho đến khi được ghép cho người nhận là hơn sáu tiếng đối với tim và hơn bảy tiếng đối với gan, nằm trong giới hạn cho phép là khoảng tám đến mười tiếng. Cả hai ca ghép đều diễn ra tương đối thuận lợi. Tình huống xấu nhất (gan bị hoại tử không thể ghép được) đã không xảy ra. Sau trọn một đêm không ngủ để thực hiện ca ghép, niềm vui như vỡ òa khi chỉ trong thời gian ngắn sau ghép, quả tim đã đập trở lại và gan đã tiết ra mật.

Thành công của hai ca ghép gan và tim tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức một lần nữa khẳng định tay nghề và trình độ ghép tạng của các thầy thuốc Việt Nam không thua kém các nước trong khu vực. Như khẳng định của GS Nguyễn Tiến Quyết: Các bệnh viện trong nước có thể thua kém các bệnh viện của nước ngoài về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chứ kinh nghiệm lâm sàng thì không. Trong ca ghép này thể hiện vai trò rõ nét của Trung tâm điều phối quốc gia ghép mô và bộ phận cơ thể người trong việc kết nối giữa người cho và người nhận. Đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa các bệnh viện, các thầy thuốc trong quá trình thực hiện. Và trên hết, đó là tinh thần không ngại khó khăn, hết lòng vì người bệnh của những người thầy thuốc Việt Nam.

Vẫn còn hàng nghìn người cần ghép tạng

Đến nay, kỹ thuật ghép tạng đã trở thành thường quy tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và nhiều trung tâm ghép tạng trên cả nước. Nhưng thực tế số lượng người được ghép chưa nhiều, chủ yếu là do không có nguồn tạng để ghép. GS, TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: cả nước hiện có hàng nghìn người chờ ghép tạng. Trong khi đó, mỗi năm cả nước có hơn 10 nghìn ca chết não do những nguyên nhân khác nhau (chủ yếu do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt…), chỉ cần một phần tư số người không may chết não đó hiến tạng sẽ cơ bản có nguồn tạng để ghép cho những người không may mắc các bệnh hiểm nghèo: ung thư gan, suy tim, suy thận. Hiện phần lớn những người mắc bệnh hiểm nghèo đó còn rất ít cơ hội để chờ đợi thêm vì bệnh đã ở giai đoạn cuối.

Kỹ thuật ghép tạng ngày càng phát triển cho nên một người chết não hiến tạng có thể cứu sống được bốn người (tim, gan, thận) và sẽ còn tăng. Giá trị của hiến tạng lớn là vậy, nhưng trong vòng năm năm qua, cả nước mới chỉ có 26 trường hợp hiến tạng sau chết não, cứu 11 người bệnh suy tim, 22 người suy gan và 50 người suy thận. Con số này quá ít so với nhu cầu.

Theo các bác sĩ, nỗi đau của một gia đình không may mất đi người thân vì tai nạn lao động, tai nạn giao thông… là một nỗi đau rất lớn. Nỗi đau của những người suy tạng mòn mỏi chờ chết cũng như dao cứa vào trái tim người bệnh, thân nhân người bệnh khi nhìn thấy cái chết được báo trước và sống trong cảnh mỏi mòn chờ chết. Do vậy các bác sĩ mong muốn, tất cả mọi người hãy biến đau thương thành hành động, tham gia hiến tạng. Một người thân không may mất đi, nhưng trái tim họ, lá gan của họ vẫn sống trong một cơ thể khác, mang lại một cuộc sống mới hồi sinh cho những người còn cơ hội sống. Sau ca ghép thành công này, PGS,TS Trịnh Hồng Sơn hy vọng sẽ có nhiều người đăng ký hiến tạng, để có thể cứu được nhiều người khác. (Nhân dân (trang 5).

Nguy cơ phụ huynh chọn “nhầm” diện bảo hiểm y tế cho học sinh

Việc tăng 1,5 lần mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) của đối tượng học sinh vừa qua dẫn đến nguy cơ phụ huynh “lách luật”, chọn mua BHYT cho con em mình theo diện hộ gia đình để hưởng mức đóng thấp hơn. Việc này là không đúng luật nhưng cũng cần xem lại tính hợp lý của quy định.

Một cán bộ bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Phú Xuyên (Hà Nội) cho biết, trên địa bàn huyện đã có phụ huynh không tham gia BHYT cho con theo diện học sinh mà mua theo hộ gia đình. Một cán bộ BHXH tỉnh Cao Bằng cũng cho biết, ngay những ngày đầu năm học, sau khi triển khai quy định về BHYT học sinh, sinh viên, có rất nhiều phụ huynh đã hỏi mua BHYT cho học sinh theo diện hộ gia đình có được không? Thật ra, việc phát sinh vướng mắc này không phải là điều quá bất ngờ với cán bộ BHXH ở địa phương, ngay từ khi luật BHYT sửa đổi có hiệu lực, đã có nhiều ý kiến nêu ra những bất hợp lý trong số tiền đóng giữa hai đối tượng học sinh và hộ gia đình.

Luật BHYT sửa đổi quy định thứ tự năm nhóm đối tượng tham gia BHYT gồm: Thứ nhất, nhóm do người lao động và sử dụng lao động đóng, nhóm do tổ chức BHXH đóng, nhóm do ngân sách nhà nước đóng, nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, nhóm theo hộ gia đình. Việc phân nhóm liên quan đến mức đóng, phạm vi được hưởng, mức ngân sách hỗ trợ, phương thức đóng, trách nhiệm lập danh sách tham gia BHYT của riêng từng đối tượng… Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện Luật BHYT cũng không cho phép chuyển đổi giữa các nhóm khi tham gia BHYT. Nếu một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia thì bắt buộc đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự nhóm đối tượng trên. Học sinh thuộc nhóm thứ tư cho nên không thể “nhảy” sang nhóm thứ năm của hộ gia đình. Học sinh được Nhà nước hỗ trợ ngân sách 30% (tự đóng 70%) của 4,5% mức lương cơ sở. Hộ gia đình không được ngân sách hỗ trợ nhưng lại được hưởng cơ chế tài chính giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi: người thứ nhất bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất, từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Như vậy, mức đóng BHYT của học sinh bằng mức đóng của người thứ hai trong hộ gia đình và cao hơn so với người thứ ba trở đi của hộ gia đình. Giả sử, một gia đình có bốn người, trong đó có hai con đi học, nếu theo diện BHYT học sinh thì hai người con nộp 869.400 đồng/năm nhưng nếu tính theo hộ gia đình thì hai người con chỉ nộp 683.100 đồng/năm. Chênh nhau gần 200 nghìn đồng là lý do khiến một số phụ huynh có ý định tham gia BHYT cho học sinh theo hộ gia đình. Nếu gia đình càng đông con đi học thì mức đóng càng giảm. Chị Nguyễn Thúy Nga (xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) băn khoăn, đối tượng học sinh được Nhà nước hỗ trợ nhưng lại phải đóng nhiều tiền hơn đối tượng hộ gia đình tự bỏ tiền túi là bất hợp lý. Tiền đóng khác nhau nhưng cả hai đối tượng đều được thanh toán 80% chi phí khám, chữa bệnh cũng chưa thỏa đáng.

Trước những băn khoăn nêu trên, một cán bộ BHXH thành phố Hà Nội thừa nhận quy định hiện nay về mức đóng BHYT của học sinh đang bất cập so với nhóm hộ gia đình, nếu không điều chỉnh sẽ dẫn đến tình trạng người dân so sánh thiệt hơn và “lách luật”, gây khó khăn cho ngành BHXH trong việc tuyên truyền thực hiện luật. Trao đổi ý kiến với Phó Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) Phan Văn Toàn, chúng tôi được biết, hiện, các bộ: Y tế, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo và BHXH Việt Nam đang nghiên cứu nội dung chưa phù hợp này. Trong đó, BHXH Việt Nam đề nghị tăng mức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên từ 30% hiện nay lên 50% để vừa giảm mức đóng, vừa tránh việc không thống nhất giữa các đối tượng. Học sinh bắt buộc tham gia theo hình thức BHYT học sinh nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các em như được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường, được tuyên truyền các biện pháp chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh truyền nhiễm, các tật về mắt, cong vẹo cột sống…

BHYT là một lĩnh vực quản lý mới và phức tạp, khó đòi hỏi sự ổn định ngay, cho nên việc sửa đổi các quy định mới ban hành nhưng chưa phù hợp là điều không tránh khỏi. Năm học này có thể chưa có nhiều trường hợp phụ huynh lách luật, mua “nhầm” đối tượng BHYT cho con, nhưng sẽ rất khó quản lý khi BHYT theo hộ gia đình bắt buộc thực hiện vào năm 2016. Do đó, sửa đổi nâng mức hỗ trợ BHYT cho học sinh được quy định tại Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC hiện nay không chỉ tạo công bằng giữa các đối tượng tham gia BHYT mà còn thuận lợi cho áp dụng thống nhất trong cả nước.

Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện Luật BHYT không cho phép chuyển đổi giữa các nhóm khi tham gia BHYT. Nếu một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia thì bắt buộc đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự nhóm đối tượng quy định trong Luật BHYT. (Nhân dân (trang 7).

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: Không thu tiền bảo hiểm y tế vào đầu năm học

Xung quanh việc học sinh, sinh viên năm nay phải tham gia mức bảo hiểm y tế cao hơn các năm trước, trong khi các trường được trích hoa hồng 4%, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, sắp tới sẽ có cuộc họp giữa Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế cũng như Bảo hiểm xã hội để bàn về những bất cập hiện nay khi thực hiện BHYT cho HSSV.

 Cần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu

Dư luận cho rằng, trích 7% số tiền bảo hiểm y tế cho các trường chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với học sinh, sinh viên là lớn, trong khi phòng y tế ở các trường hiện nay chưa được trang bị đầy đủ trang thiết bị. Liệu số tiền này có được sử dụng đúng mục đích không, thưa bà?

Theo tôi, việc trích 5% tiền bảo hiểm đối với các cơ sở giáo dục mầm non và 7% đối với các cơ sở giáo dục khác để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên là hết sức cần thiết. Việc quản lý, sử dụng nguồn quỹ này đã được quy định tại Thông tư liên tịch số  412014/TTLT/BYT-BTC, số tiền này được chi vào việc mua thuốc, vật tư y tế phục vụ sơ cấp cứu, xử trí ban đầu cho trẻ em, học sinh, sinh viên khi bị tai nạn thương tích và các bệnh thông thường trong thời gian học tại cơ sở giáo dục; mua sắm, sửa chữa trang thiết bị y tế thông thường phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nguồn này không dùng trả lương cho cán bộ y tế tại trường...

Phụ huynh phàn nàn chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh chưa đáp ứng thực tiễn, trong khi đó lại tiếp tục tăng mức đóng bảo hiểm khiến họ rất lo lắng. Quan điểm của bà về việc này ra sao?

Việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là mong muốn của tất cả mọi người. Việc nâng mức đóng BHYT ở một số đối tượng, trong đó có HSSV cũng là một yếu tố quan trọng nhằm tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích ý nghĩa, chính sách pháp luật về BHYT, vận động cha mẹ học sinh, sinh viên tham gia BHYT, tiến tới 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế (hiện nay đã có gần 80% sinh viên và 95% học sinh tham gia BHYT).

Các trường chỉ được thu bảo hiểm y tế

Ngành bảo hiểm trích 4% hoa hồng cho các trường nhằm mục đích gì? Liệu có vì khoản hoa hồng này mà các trường gây áp lực thu đủ 100% lên vai giáo viên hay không?

Việc cơ quan BHXH trích lại 4% để chi trả tiền thù lao thu BHYT cho các cơ sở giáo dục (được quy định tại Thông tư số 134/2011/BTC của Bộ Tài chính) cũng là sự động viên các cơ sở giáo dục, các thầy cô giáo. Tuy nhiên, theo tôi, không phải vì thế mà các trường gây áp lực thu đủ 100% lên vai giáo viên. Vì BHYT là bắt buộc, các nhà trường có trách nhiệm tuyên truyền vận động học sinh tham gia BHYT và thu BHYT từ học sinh, sinh viên của mình. Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục đã yêu cầu học sinh, sinh viên phải đóng 12 tháng trong một lần, vào đầu năm học gây khó khăn cho học sinh và gia đình người học, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Trước nhiều ý kiến trái chiều như hiện nay, Bộ GD&ĐT có kế hoạch gì để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, sinh viên?

Trước một số khó khăn vướng mắc khi triển khai thực hiện BHYT đối với đối tượng học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở GD&ĐT, các cơ sở đào tạo phối hợp với cơ quan BHXH của địa phương thực hiện việc thu tiền. Học sinh, sinh viên nộp vào quỹ BHYT 6 tháng một lần và không thu vào đầu năm học để giảm áp lực về tài chính cho cha mẹ học sinh, sinh viên.  Sử dụng nguồn trích lại của Qũy bảo hiểm y tế cho cơ sở giáo dục để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và sơ cứu theo đúng quy định.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính nghiên cứu và điều chỉnh về phương thức đóng BHYT cho đối tượng học sinh sinh viên quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC, cụ thể là: Định kỳ đóng bảo hiểm y tế là 3 tháng đối với nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên. Thời gian thu BHYT đối với các cơ sở giáo dục vào khoảng đầu tháng 12 của năm dương lịch.. (Tiền phong (trang 14).

Phun hóa chất phòng sốt xuất huyết ít ảnh hưởng sức khỏe

Ngày 11-9, Bộ Y tế đã họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh với trọng tâm là dịch sốt xuất huyết đang lan rộng trên cả nước. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, tính đến nay cả nước đã ghi nhận gần 30.000 ca mắc sốt xuất huyết tại 50/63 tỉnh, thành phố, gần bằng số mắc của cả năm 2014. Dịch tập trung chủ yếu ở các tỉnh khu vực miền Nam, Hà Nội cũng đã ghi nhận hơn 1.500 ca mắc.

Theo Cục Y tế dự phòng, phun hóa chất diệt muỗi mang mầm bệnh, xử lý các ổ loăng quăng, bọ gậy là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống dịch sốt xuất huyết. Tuy nhiên, hiện nay do người dân còn chưa hiểu rõ về tác dụng của phun hóa chất cũng như e ngại ảnh hưởng của hóa chất đến sức khỏe.

Ông Trần Đắc Phu khẳng định, các loại hóa chất phun phòng bệnh  khả năng ảnh hưởng đến con người rất ít. Hơn nữa, trong một đợt phun chỉ phun 2 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần nên khả năng ảnh hưởng càng hạn chế.

Ông Trần Đắc Phu cũng đưa ra khuyến cáo, tuy không ảnh hưởng tới sức khỏe con người nhưng hóa chất phun sốt xuất huyết  lại nguy hiểm cho các loài cá nên những người trực tiếp đi phun tại các hộ gia đình cần chú ý.  (An ninh thủ đô (trang 2).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang