Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 12/9/2023

  • |
T5g.org.vn - Cảnh báo tình trạng dùng kháng sinh chữa đau mắt đỏ; Cảnh báo an toàn vệ sinh thực phẩm nơi cổng trường; Làm rõ nguyên nhân bé sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccine; Bệnh đau mắt đỏ không lây lan qua đường nước uống

 

Cảnh báo tình trạng dùng kháng sinh chữa đau mắt đỏ

Trước tình trạng số ca mắc đau mắt đỏ tăng cao, nhiều người dân có tâm lý ngại đến bệnh viện thăm khám và tự ý mua thuốc nhỏ mắt để điều trị bệnh, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng thị lực, thậm chí gây ra tình trạng kháng thuốc.

Qua khảo sát thực tế một số nhà thuốc tư nhân trên địa bàn quận 7 (TPHCM), hầu hết các nhà thuốc này cho biết, hiện nay số lượng người tìm đến hỏi mua thuốc nhỏ mắt và kháng sinh để chữa đau mắt đỏ tăng cao. Một số nhà thuốc không có hàng để bán, nhất là đối với một số loại thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh tobramycyn. Trong khi đó, nước muối sinh lý chủ yếu được mua để rửa mắt và phòng bệnh. Nhiều nhà thuốc đều khuyến cáo người bệnh cần kết hợp cả việc nhỏ mắt và uống kháng sinh để mau khỏi bệnh.

Theo BSCKII Trần Đình Tùng, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM, đau mắt đỏ là bệnh lý nhanh khỏi, nên việc tự ý mua thuốc nhỏ mắt hay kháng sinh điều trị bệnh là không cần thiết, gây hao tốn về mặt kinh tế. Việc nhỏ thuốc kháng sinh cho mắt lâu dài sẽ gây nấm mắt, uống kháng sinh dễ dẫn tới hiện tượng kháng thuốc. Hiện phần lớn các trường hợp đau mắt đỏ là do virus gây ra. Trong đó, 2 loại virus gần đây được Sở Y tế TPHCM xác định là tác nhân chủ yếu gây bệnh đau mắt đỏ gồm enterovirus và adenovirus.

Đau mắt đỏ thường xuất hiện các triệu chứng như chảy nước mắt, sưng phù mi, đổ ghèn, cộm… Ngoài ra, bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của mắt người nhiễm bệnh, hay lây qua tay của người mắc bệnh. Bệnh thường khởi phát vài giờ đến vài ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Dễ lây lan, nhưng đa phần bệnh nhanh khỏi trong trường hợp người bệnh thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Cảnh báo an toàn vệ sinh thực phẩm nơi cổng trường

Sau khi ăn các loại kẹo sữa, nước đóng gói bán ở cổng trường, 25 học sinh Trường Tiểu học Việt Chu (xã Thống Nhất, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng) bị đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi, nghi bị ngộ độc; trong đó có 6 trẻ phải nhập viện.

Vụ việc này xảy ra khi năm học mới vừa bắt đầu lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn, vệ sinh thực phẩm từ những hàng quán bán rong xung quanh khu vực cổng trường.

Phụ huynh lo lắng

Trong lúc giờ ra chơi vào sáng 7-9, một số học sinh Trường Tiểu học Việt Chu đã ra ngoài cổng trường mua kẹo, thạch si rô dừa, kẹo ngậm hương vị sữa chua và dâu tây để ăn. Ngay sau đó, 25 em học sinh đã có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi. Nhận được thông tin, cán bộ y tế nhà trường và phụ huynh học sinh nhanh chóng đưa các em đến Trung tâm Y tế huyện Hạ Lang. Tại đây, 6 trẻ có biểu hiện nặng được truyền dịch, thải độc; 19 trẻ còn lại sức khỏe ổn định nên được cho về nhà theo dõi.

Trước đó, vào cuối tháng 4-2023, 8 học sinh Trường Tiểu học Tân Thành (thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) chia nhau ăn gói kẹo mua ở cổng trường. Khoảng 1 giờ sau, các học sinh này đều có biểu hiện mệt mỏi, nôn, đau bụng và được đưa đến Trung tâm Y tế thành phố Đồng Xoài cấp cứu.

Cũng trong tháng 4-2023, tại Trường Tiểu học Quế Hiệp (xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), vào giờ ra chơi, 16 học sinh lớp 2 ra trước cổng trường để mua kem ống ăn. Sau đó, nhóm học sinh này có triệu chứng nôn, mệt…

Còn tại Hà Nội hiện nay, quanh khu vực các cổng trường học, không khó để bắt gặp những gánh hàng rong, xe đẩy, điểm bán hàng cố định có bày bán đủ các món ăn vặt, đồ chơi… Các món ăn vặt rất đa dạng từ thịt xiên nướng, xúc xích, viên tôm, viên bò, viên gà, viên cá, viên phô mai, bánh tráng, bánh ngô, khoai chiên… đến các loại đồ uống đóng chai, kem, kẹo mút, kẹo viên có màu xanh, đỏ, hình các con thú hay nhân vật trong phim hoạt hình...

Các loại thực phẩm này có giá rất rẻ chỉ từ 2.000 đồng đến 10.000 đồng/hộp, chiếc hoặc cốc. Đặc điểm dễ nhận thấy của các thực phẩm ăn nhanh này là được chế biến ngay bên lề đường trong điều kiện nắng nóng, khói bụi và nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thế nhưng, những món ăn vặt “3 không” (không nguồn gốc, không xuất xứ, không hạn sử dụng) này vẫn cuốn hút được học sinh và trở thành mối lo của những bậc phụ huynh.

Chị Nguyễn Thu Hà, phụ huynh có con học lớp 5 một trường tiểu học trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ: “Có lúc thấy trong cặp con có những chiếc kẹo mút xanh đỏ, tôi hỏi thì bé nói được bạn cho. Sau đó, tôi mang vứt đi thì bé bảo, các bạn con thường xuyên mua ở cổng trường và ăn có sao đâu. Quà vặt trước cổng trường giá thường rất rẻ nên sợ nhất là các loại kẹo, bánh không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay các loại thịt, bánh rán được chiên đi chiên lại nhiều lần trong các loại dầu ăn không bảo đảm... Thế nhưng, khi ở trường, nếu con có ăn những món ăn này thì cha mẹ khó có thể kiểm soát được. Đây là điều khiến tôi cảm thấy lo lắng”.

Chung mối lo này, chị Trần Nam Trang, phụ huynh có con học lớp 3 một trường tiểu học trên địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin, lực lượng công an, quản lý thị trường đã bắt nhiều vụ vận chuyển, tàng trữ hàng lậu bánh, kẹo. Các loại bánh, kẹo này thường không bảo đảm yêu cầu về an toàn, vệ sinh thực phẩm, sử dụng phẩm màu công nghiệp, đường hóa học, chất bảo quản không được phép sử dụng... Vì thế, những loại bánh, kẹo “3 không” này bán ở trường học sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ.

Cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội

Để hạn chế tình trạng học sinh mua thực phẩm từ các quán hàng không bảo đảm an toàn, một số trường học trên địa bàn Hà Nội đã có quy định cấm ăn quà trước cổng trường, phổ biến đến học sinh và các bậc phụ huynh ngay từ đầu năm học, đồng thời thực hiện việc đóng cổng trường giờ ra chơi. Cùng với đó, các nhà trường cũng đã tăng cường tuyên truyền cho học sinh kiến thức về an toàn thực phẩm, nói không với các thực phẩm “bẩn”.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng đã phối hợp kiểm tra, xử lý các điểm bán đồ ăn vặt tại cổng trường trên địa bàn. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, dẹp bỏ những hàng quán ăn vặt trước cổng trường vẫn là vấn đề nan giải.

Theo các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng quốc gia, những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến theo tiêu chuẩn dễ gây ra các vấn đề ngộ độc tức thời như: Đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa... Điều lo ngại hơn, những thực phẩm “3 không” này còn tác động âm thầm khi trẻ ăn, uống, tiếp xúc trong một thời gian dài và ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa trong cơ thể, dễ gây ra các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì…

Đặc biệt, các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng… còn tồn dư trong các loại thực phẩm không nguồn gốc sẽ từ từ ngấm vào cơ thể, sau đó tích tụ lại gây bệnh ung thư.

Đề cập đến giải pháp của vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, để giải quyết triệt để các quán hàng rong tại cổng các trường học cần sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng xã hội. Trước hết, ban giám hiệu nhà trường, hội phụ huynh học sinh cần phải tìm ra biện pháp để ngăn chặn những thực phẩm “3 không” không thể tiếp cận được đến tay học sinh.

“Trong gia đình, cha mẹ cần quan tâm giáo dục con em mình về những tác hại của thực phẩm “3 không” đối với sức khỏe. Tại các nhà trường nên kiểm soát, tạo cuộc vận động và xây dựng phong trào vệ sinh, an toàn thực phẩm, học sinh toàn trường không ăn quà vặt không rõ nguồn gốc. Còn cơ quan chức năng cần tiếp tục vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các loại thực phẩm mất an toàn bày bán trước cổng trường”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh (Hà Nội mới, trang 5).

 

Làm rõ nguyên nhân bé sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccine

Sau khi tiêm vaccine viêm gan B, 2 bé song sinh ở Vĩnh Phúc tím tái, 1 trong 2 bé đã tử vong. Từ kết quả xét nghiệm gene của trẻ, Bệnh viện Nhi Trung ương kết luận, nguyên nhân tử vong do cháu bé bị rối loạn chuyển hoá axit béo. Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 8/9, sản phụ Đ.T.Y. (SN 1991, xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) mang song thai 38 tuần lần 3 trên IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) vào nhập viện tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc.

Sản phụ được mổ lấy thai lúc 7h30 ngày 9/9. Hai bé trai chào đời cân nặng lần lượt là 2,9kg và 3kg.

Sau sinh, sản phụ và 2 bé khỏe mạnh. Đến khoảng 10h ngày 10/9, 2 bé được tiêm vaccine viêm gan B.

Đến 11h45, 1 trong 2 bé đột ngột tím tái, xuất hiện tình trạng khó thở, suy hô hấp và được các bác sĩ cấp cứu. Tuy nhiên, bé đã tử vong.

Đến 15h, bé còn lại cũng xuất hiện triệu chứng tương tự và được các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc cấp cứu, sau đó chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị. 

Vaccine được sử dụng để tiêm cho 2 bé sơ sinh là vaccine viêm gan B trong chương trình tiêm chủng mở rộng, được khuyến cáo tiêm trong 24h sau sinh. 

Sau khi một trẻ được chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ kết quả xét nghiệm gene của trẻ, các bác sĩ xác định, nguyên nhân là do trẻ rối loạn chuyển hóa axít béo. Đây là 1 trong 2 phổ của rối loạn chuyển hoán bẩm sinh ở trẻ. 

Rối loạn chuyển hóa acid béo ở trẻ sơ sinh là một trong những bệnh lý bẩm sinh hiếm gặp chỉ có thể phát hiện khi xét nghiệm bằng gen chuyên sâu.

Như vậy, cháu bé tử vong bất thường không phải do tiêm vaccine viêm gan B. 

Vài năm trở lại đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương đã gặp 10 trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B, nhưng nguyên nhân không phải do tiêm phòng vaccine mà thời gian tiêm viêm gan B sau 1 ngày trẻ sinh, trùng với thời gian triệu chứng của của rối loạn chuyển hóa bẩm sinh thường nặng lên sau 1 ngày trẻ sinh. Hiện bé sơ sinh còn lại đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Công an nhân dân, trang 7).

 

Bệnh đau mắt đỏ không lây lan qua đường nước uống

Sở Y tế TP.HCM nhận định số lượt người bị đau mắt đỏ tăng nhanh từ sau 2.9, chủ yếu là trẻ em, nguyên nhân do trẻ bắt đầu đi học.
Tăng 96,5% so với 10 ngày trước
Ngày 11.9, Sở Y tế TP.HCM họp bàn về tình hình bệnh đau mắt đỏ. Theo báo cáo của Sở, từ đầu năm 2023 đến ngày 5.9 tại các bệnh viện (BV) trên địa bàn TP có 71.740 lượt khám chữa bệnh do viêm kết mạc (đau mắt đỏ), tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2022 (58.853 ca). Trong số này có hơn 1.011 ca đau mắt đỏ có biến chứng, chiếm 1,41% (cùng kỳ năm 2022 có 892 ca biến chứng, chiếm 1,52%). Các biến chứng của bệnh thường gặp gồm: viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc, bội nhiễm, suy giảm thị lực…

Số trẻ em dưới 16 tuổi bị mắc bệnh đau mắt đỏ trong 8 tháng năm 2023 là 23.873 ca, chiếm 33,3% (cùng kỳ năm 2022 có 10.467 ca, chiếm 19,5%). Trong đó có 298 ca biến chứng, chiếm 1,65%.

Riêng từ ngày 1 - 10.9, số lượt khám chữa bệnh đau mắt đỏ tại các BV ở TP.HCM là 5.039 ca, tăng 96,5% so với 10 ngày trước đó (21 - 31.8 có 2.565 ca). Trong số đó 232 ca có biến chứng (4,6%), tăng 33% so với 10 ngày trước (174 ca). Số trẻ dưới 16 tuổi bị đau mắt đỏ trong 10 ngày qua là 3.708 ca, chiếm 73,6%, tăng 2,8 lần so với 10 ngày trước; trong đó 116 ca có biến chứng.

Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ gia tăng, nhóm nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi BV Bệnh nhiệt đới - Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford (OUCRU) phối hợp BV Mắt TP.HCM và Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) khảo sát nhanh tìm tác nhân đối với những bệnh nhân (BN) đến khám tại BV Mắt TP.HCM vì đau mắt đỏ vào ngày 7.9. Có 39 BN đau mắt đỏ được lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có 37 mẫu phát hiện nguyên nhân do vi rút entero và vi rút adeno. Đây là 2 tác nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ hiện nay ở TP.HCM. Trong đó, chiếm ưu thế là vi rút entero với 86% (32 mẫu), vi rút adeno chiếm 14% (5 mẫu). Nhóm nghiên cứu tiếp tục phân tích giải mã gien nhằm định danh chính xác kiểu huyết thanh và kiểu gien của các vi rút entero và adeno gây bệnh.

Hiểu đúng về đường lây bệnh

Trước thông tin "bệnh đau mắt đỏ do vi rút entero có khả năng lây lan qua đường nước nên nếu chất lượng nước uống không tốt thì có thể cả gia đình đều bị bệnh", Sở Y tế khẳng định đây là thông tin hoàn toàn không đúng.

Theo các chuyên gia của BV Mắt TP.HCM và các tài liệu khoa học hiện nay trên thế giới, bệnh đau mắt đỏ thường do các tác nhân vi rút gây ra (adeno, entero, coxsackie…), lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với nước mắt và các chất tiết của mắt có mang vi rút gây bệnh từ người bệnh. Việc cho rằng bệnh lây lan qua đường nước uống là hoàn toàn không chính xác.

Về thông tin "viêm kết mạc do vi rút entero thường nhẹ hơn so với viêm kết mạc do vi rút adeno và thường ít có khả năng gây dịch lớn so với viêm kết mạc do adeno", Sở Y tế cũng khẳng định đây là thông tin thiếu cơ sở khoa học. Bởi tác nhân vi rút entero gây viêm kết mạc mắt vẫn có thể gây ra bệnh cảnh nặng nhưng thường là cấp tính, khác với tác nhân vi rút adeno có thể gây ra viêm giác mạc mạn tính.

Tác nhân vi rút entero đã được ghi nhận gây ra những đợt dịch viêm kết mạc tại nhiều nước trên thế giới. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố năm 1973, vi rút entero type 70 đã gây đại dịch tại các nước châu Phi (Algeria, Ghana, Morocco, Nigeria, Tunisia), châu Á (Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan) và Anh trong giai đoạn 1969 - 1971. Gần đây, năm 2014, nhóm vi rút này gây viêm kết mạc mắt xuất huyết tại Thái Lan với hơn 300.000 trường hợp nhiễm trong vòng 3 tháng.

Khuyến cáo của bác sĩ nhãn khoa

Về thuốc nhỏ mắt sử dụng trong bệnh đau mắt đỏ, BN có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng…), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh chứ không phải chỉ có một loại.

Theo Sở Y tế, các thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh hiện có nhiều loại khác nhau, đều có thể sử dụng cho bệnh đau mắt đỏ. Hiện nay, nguồn thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh trên thị trường là rất lớn và không thể xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa mắt, người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Việc tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng (Thanh niên, trang 15). 

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang