Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 13/5/2022

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế đề xuất tạm dừng yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh; 81 quốc gia, vùng lãnh thổ công nhận hộ chiếu vắc xin của Việt Nam; Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo xem xét vụ thông thầu, nâng giá vật tư phòng, chống dịch; TP. HCM đối mặt với dịch sốt xuất huyết; Cựu Chủ tịch VN Pharma tiếp tục nhận sai, mong nhận khoan hồng…

 

Bộ Y tế đề xuất tạm dừng yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh

Bộ Y tế đã lấy ý kiến các đơn vị liên quan về việc tạm dừng yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người nhập cảnh theo đường hàng không.

Trao đổi với phóng viên báo Sức khoẻ&Đời sống, GS.TS Phan Trọng Lân- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, thời gian qua Bộ Y tế đã lấy ý kiến Hiệp Hội vận tải hàng không quốc tế, Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị liên quan về việc tạm dừng yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người nhập cảnh theo đường hàng không. Đến nay đề xuất này cơ bản nhận được sự đồng thuận của các đơn vị đã lấy ý kiến. Theo Cục trưởng Phan Trọng Lân, đề xuất này được đưa ra dựa trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" cũng như căn cứ bối cảnh tình hình dịch bệnh, kết quả tiêm chủng phòng chống COVID-19 và khả năng đáp ứng với dịch bệnh của nước ta.

Đến nay có khoảng 50% quốc gia, vùng lãnh thổ đã tạm dừng, dừng thực hiện yêu cầu xét nghiệm trước khi nhập cảnh.

"Việc đề xuất tạm dừng yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh theo đường hàng không cũng là để hài hòa với các nước trên thế giới, tổ chức quốc tế và nhằm thống nhất giữa các đơn vị chuyên môn, kỹ thuật liên quan về áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 với người nhập cảnh. Đồng thời việc này cũng được áp dụng triển khai một cách linh hoạt phù hợp từng giai đoạn dịch bệnh"- Cục trưởng Phan Trọng Lân nói.

Cũng liên quan đến người nhập cảnh, để phù hợp với thực tiễn và căn cứ tình hình dịch COVID-19 và Nghị định số 89/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế với COVID-19 tại tất cả các cửa khẩu của Việt Nam đối với người nhập cảnh kể từ 00 giờ 00 phút ngày 27/4/2022.

Duy trì giám sát hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu theo quy định tại Nghị định số 89/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới...

Trước đó, yêu cầu xét nghiệm sau khi nhập cảnh cũng đã được tạm dừng.

Cùng đó, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế nội địa (di chuyển nội địa, nơi công cộng, nhà hàng,...) kể từ 00 giờ 00 phút ngày 30/4/2022. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

81 quốc gia, vùng lãnh thổ công nhận hộ chiếu vắc xin của Việt Nam

Theo thông tin được phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cung cấp tại họp báo thường kỳ chiều 12-5, tính đến nay Việt Nam đã ký được với 20 nước về công nhận lẫn nhau đối với hộ chiến vắc xin, bao gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Úc, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc, Iran, Malaysia và Cộng hòa Dominica.

Bên cạnh đó, ngày 11-5, Ủy ban châu Âu (EC) bắt đầu thi hành quyết định công nhận hộ chiếu vắc xin điện tử của Việt Nam. Theo đó, hộ chiếu vắc xin của Việt Nam sẽ được 27 nước trong Liên minh châu Âu công nhận. Đồng thời, mã QR của hộ chiếu này cũng có thể được xác thực, kiểm tra trên lãnh thổ của 39 đối tác tham gia hệ thống hộ chiếu vắc xin điện tử của EU.

Như vậy, đến nay, hộ chiếu vắc xin của Việt Nam có thể được sử dụng tại 81 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

"Đây là kết quả nỗ lực phối hợp trao đổi giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông, cũng như việc đàm phán với các nước đối tác", phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh. 

Trước đó, theo Thông tấn xã Việt Nam, đến ngày 10-5, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết đã có hơn 10 triệu người Việt Nam có xác nhận hộ chiếu vắc xin điện tử - chứng nhận tiêm chủng COVID-19 điện tử do các cơ sở tiêm chủng và Bộ Y tế ký số xác nhận dựa trên thông tin tiêm chủng COVID-19 của người dân. (Nhân dân, trang 8; Sài gòn giải phóng, trang 7; Tuổi trẻ, trang 14; Hà Nội mới, trang 7).

 

Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo xem xét vụ thông thầu, nâng giá vật tư phòng, chống dịch

Ngày 12/5, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết đã có công văn số 5324/UBND-VP về việc thực hiện Kết luận thanh tra (KLTT) của Chánh Thanh tra tỉnh này liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Công văn do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tuấn ký ngày 11/5.

Xét kiến nghị của Chánh Thanh tra tỉnh tại KLTT, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo giao Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) làm việc trực tiếp với đơn vị tư vấn để chấn chỉnh các sai phạm tại kết luận; phối hợp với CDC tỉnh và các cơ sở y tế thực hiện việc điều phối sử dụng các trang thiết bị y tế đảm bảo hiệu quả. Sở Y tế cũng có trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành các danh mục hàng hóa mua sắm tập trung liên quan phòng, chống dịch bệnh.

UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giao CDC tỉnh khẩn trương có giải pháp đối với hàng hóa đã mượn nhưng nay chưa trả cho nhà cung cấp; lập phương án xử lý lượng hàng hóa vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, trang phục hiện nay còn tồn đọng cho phù hợp, đặc biệt là lượng hàng hóa tài trợ, viện trợ. CDC tỉnh cần báo cáo UBND tỉnh, Sở Y tế về việc xử lý số tiền thu từ xét nghiệm nhanh kháng nguyên và test RT-PCR; thực hiện đối chiếu số lượng hàng hóa đã cấp phát, bàn giao giữa CDC với các đơn vị.

Nội dung KLTT  cũng đề nghị Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ra văn bản phê bình Giám đốc Sở Y tế đối với các thiếu sót trong KLTT; xem xét trách nhiệm của các Tổ thẩm định của Sở Y tế; trách nhiệm của CDC tỉnh và trách nhiệm các cơ sở y tế đối với các thiếu sót trong KLTT. Giao Giám đốc Sở Tài chính chấn chỉnh trong công tác thẩm định dự toán và thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong KLTT có nêu.  

Như Báo CAND đã thông tin, ngày 10/5, Thanh tra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã công bố KLTT về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2021.

Trong giai đoạn này, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 với tổng giá trị mua sắm đã thanh toán là hơn 206 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.

KLTT nêu rõ mặc dù thiết bị được thẩm định là hàng nhập khẩu nhưng tại nhiều gói thầu các đơn vị tư vấn không khảo sát thực tế, không thu thập báo giá từ các nhà nhập khẩu trực tiếp hoặc phân phối độc quyền... Các hợp đồng thu thập là tài liệu photocopy, hầu như không có hóa đơn, biên bản nghiệm thu bàn giao và thanh lý hợp đồng.

Kết quả kiểm tra xác định tờ khai hàng hóa nhập khẩu trong hồ sơ đấu thầu của nhiều gói thầu đều bị tẩy xóa thông tin giá nhập khẩu, mặt khác việc thực hiện các thủ tục bàn giao, hợp đồng mua bán và nghiệm thu chưa được chặt chẽ; chênh lệch giữa giá trúng thầu với với giá nhập khẩu là rất lớn, có mặt hàng chênh lệch đến 230%, có dấu hiệu vi phạm quy định về luật đấu thầu.

Mặc dù chưa biết kết quả đấu thầu nhưng tại gói thầu mua sắm test kháng nguyên SARS-CoV-2 (đợt 5) nhà thầu đã bàn giao hàng cho đơn vị sử dụng trước, chứng tỏ nhà thầu đã biết chắc chắn về kết quả đấu thầu tại gói thầu này hoặc đã có sự thỏa thuận giữa bên mời thầu và nhà thầu.

Đáng chú ý là ngoài các gói thầu mua sắm, Sở Y tế và CDC tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã mượn của 6 công ty, trong đó mượn của Công ty CP Công nghệ Việt Á hơn 28.000 bộ kit xét nghiệm và 3 máy xét nghiệm PCR.

Hơn nữa, việc “mượn” này chưa có sự đồng ý bằng văn bản của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và quá trình tiếp nhận sử dụng cũng chưa thể hiện có văn bản báo cáo UBND tỉnh. Ngoài ra, toàn bộ hàng hóa mượn này dù chưa xác định được giá trị nhưng CDC tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã cấp phát cho 22 cơ sở y tế… (Công an nhân dân, trang 5).

 

TP. HCM đối mặt với dịch sốt xuất huyết

Tính đến giữa tháng 4, TP Hồ Chí Minh ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Đây là số liệu báo động vì so sánh với năm 2019, sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca mắc thì số ca bệnh nặng cũng chỉ là 38 ca. Bên cạnh đó, số ca mắc của năm 2022 đang gia tăng và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, 2021.

Với số ca mắc sốt xuất huyết nặng gia tăng trong thời gian gần đây, các chuyên gia nhận định khả năng cao là số mắc bệnh trong cộng đồng có thể nhiều hơn được số ca ghi nhận. (Chi tiết xem báo Công an nhân dân, trang 4; Tiền phong 9, trang 4; Lao động, trang 4; Sức khỏe & Đời sống, trang 8).

 

Chính phủ yêu cầu chủ động phòng ngừa căn bệnh viêm gan cấp ở trẻ em

Ngày 12-5, Văn phòng Chính phủ có văn bản 2956/VPCP-KGVX gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh thành về dịch bệnh viêm gan cấp ở trẻ em.

Cụ thể, theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thời gian qua một số nước đã phát hiện bệnh viêm gan cấp ở trẻ em, chưa xác định được nguyên nhân, với tỷ lệ chuyển nặng cao. Để chủ động phòng ngừa căn bệnh này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế trao đổi, cập nhật thông tin với WHO về căn bệnh này để chủ động có kế hoạch ứng phó, chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị phòng ngừa, điều trị; chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn phòng, chống căn bệnh này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi bệnh có diễn biến phức tạp.

Bộ TT-TT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch, các biện pháp phòng, chống để người dân chủ động, tích cực phòng, chống dịch bệnh. UBND các tỉnh thành, nhất là các tỉnh biên giới có cửa khẩu quốc tế tăng cường giám sát tại các cửa khẩu, cảng hàng không, cảng biển để phát hiện những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ, kịp thời báo cáo Bộ Y tế để có hướng dẫn, quản lý phù hợp.

Ngày 11-5, trước việc số trẻ em bị viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tiếp tục tăng cao tại nhiều nước trên thế giới, Bộ Y tế cho biết, đến nay, qua giám sát, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân.

Bộ Y tế và nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên quá hoang mang mà cần bình tĩnh và lưu ý các triệu chứng sớm liên quan đến bệnh gan ở trẻ. Các chuyên gia y tế cho rằng không chủ quan với căn bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân nhưng cũng không nên lo lắng thái quá mà vội vã cho trẻ xét nghiệm men gan vì có thể không phản ánh chính xác tình trạng sức khỏe, thậm chí bỏ sót các bệnh nguy hiểm khác. (Sài gòn giải phóng, trang 3).

 

Cựu Chủ tịch VN Pharma tiếp tục nhận sai, mong nhận khoan hồng

Ngày 12.5, TAND TP.Hà Nội đã mở phiên xét xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh liên quan đến Công ty VN Pharma giai đoạn 2. Phiên tòa do thẩm phán Đào Bá Sơn làm chủ tọa. Có 28 luật sư bào chữa cho các bị cáo, trong đó riêng bị cáo Trương Quốc Cường có 6 luật sư.

Tại phiên tòa này, bị cáo Trương Quốc Cường (61 tuổi, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Việt Hùng (cựu Cục phó Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế) bị xét xử về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, có khung hình phạt 3 - 12 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty VN Pharma, và 11 bị can khác bị xét xử về các tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”.

Trước đó, năm 2020, bị cáo Nguyễn Minh Hùng đã bị TAND Cấp cao tại TP.HCM phạt 17 năm tù về tội “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” liên quan đến thuốc chữa ung thư giả H-Capita 500 mg nhưng chưa thi hành án. Theo cáo trạng, thông qua mối quan hệ với Nguyễn Xuân Khang (đang bỏ trốn) và Võ Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH thương mại hàng hải quốc tế H&C (Công ty H&C), Hùng đặt mua 4 loại thuốc do Helix Canada sản xuất, có cùng hoạt chất, công dụng và tên thương mại giống như các thuốc Health 2000 Canada đã được Cục Quản lý dược cấp visa.

Tuy nhiên, do Helix Canada chưa được cấp phép hoạt động tại VN nên không thể nhập khẩu thuốc. Do đó, Nguyễn Minh Hùng và các bị cáo đã làm giả hồ sơ các thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada và thông qua các pháp nhân để xin cấp đăng ký số thuốc. Bị cáo Hùng cũng thừa nhận là chủ mưu lập các hợp đồng khống, nâng khống giá thuốc và chuyển tiền lòng vòng cho “sân sau” nhằm thanh toán giả với Austin Hồng Kông để hợp thức thủ tục nhập khẩu, thông quan, thanh toán tiền mua thuốc. Hùng khai do một số hoạt động của VN Pharma không có chứng từ nên nâng giá thuốc để “bù” và tiêu cá nhân; đồng thời cho biết “đã nhận ra sai phạm, mong được nhận khoan hồng”.

Cáo trạng thể hiện để nhập khẩu các loại thuốc vào VN, các bị cáo đã làm giả 15 hợp đồng mua bán và 26 phụ lục hợp đồng giữa Công ty VN Pharma với Công ty Austin Hồng Kông, đã được Bộ Y tế cấp phép. Thực tế, giữa Công ty VN Pharma với Công ty Austin Hồng Kông không có việc mua bán các thuốc nhãn mác Health 2000 Canada.

Các cựu lãnh đạo, cán bộ của VN Pharma cùng một số bị cáo đã nâng giá hơn gấp đôi để nhập 838.100 hộp tân dược giả, gắn nhãn mác Health 2000 Canada, từ 1,2 triệu USD lên hơn 2,57 triệu USD (khoảng 54 tỉ đồng). Trong số này, 623.819 hộp được VN Pharma bán cho khách hàng, thu lợi bất chính hơn 31,5 tỉ đồng.

Trong khi đó, bị cáo Trương Quốc Cường và nhiều quan chức thuộc Cục Quản lý dược Bộ Y tế bị cáo buộc thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao, dẫn đến hậu quả 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 được nhập khẩu và tiêu thụ, với trị giá hơn 148 tỉ đồng.

Phiên tòa sẽ tiếp tục phần xét hỏi trong ngày 13.5.

Đề nghị triệu tập cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang

Trong phần làm thủ tục xét hỏi, luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Thu Thủy, cựu Phó trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý dược, đề nghị HĐXX di lý bị can Cao Minh Quang, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, vì cho rằng lời khai của ông Quang mâu thuẫn, ảnh hưởng đến quyền lợi của thân chủ. Ông Quang đang bị khởi tố, bắt giam trong một vụ án khác. Luật sư Chu Đức Hảo, bào chữa cho bị cáo Phạm Anh Kiệt, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn, đề nghị triệu tập điều tra viên để đối chất làm rõ việc thân chủ liên tục kêu oan, nói “bị mớm cung trong quá trình điều tra”. HĐXX sau đó cho rằng, phiên tòa diễn ra trong nhiều ngày nên có thể triệu tập các cá nhân theo đề nghị, nếu thấy cần thiết. (Thanh niên, trang 4; An ninh Thủ đô, trang 9; Sài gòn giải phóng, trang 7; Tiền phong, trang 15; Tuổi trẻ, trang 5; Hà Nội mới, trang 7).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang