Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 13/07/2016

  • |
T5g.org.vn - Ổ bệnh bạch hầu ở Bình Phước, 3 người tử vong; Bệnh viện “mở cửa” cho taxi, xe cấp cứu cạnh tranh…

Ổ bệnh bạch hầu ở Bình Phước, 3 người tử vong

Chiều 12.7, Viện Pasteur, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM làm việc với Sở Y tế cùng lãnh đạo H.Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) tìm cách ngăn chặn dịch bệnh xảy ra tại 2 xã Thuận Lợi và Thuận Phú (H.Đồng Phú) khiến 3 người tử vong và 26 người có triệu chứng giống bệnh bạch hầu.

Sở Y tế Bình Phước cho biết 3 người tử vong gồm: Thị Lại (12 tuổi), Điểu Trích (18 tuổi, cùng ngụ xã Thuận Lợi) và Nguyễn Trường Hậu (24 tuổi, ngụ xã Thuận Phú). 3 bệnh nhân này vào BV đa khoa tỉnh Bình Phước ngày 24.6 trong tình trạng sốt, ho, khó thở.

 Đến ngày 29.6, bệnh nhân Thị Lại tử vong; ngày 30.6, bệnh nhân Điểu Trích tử vong; ngày 8.7 bệnh nhân Hậu tử vong. Cả 3 có diễn tiến bệnh rất nhanh và có các biểu hiện giống bệnh bạch hầu. Kết quả xét nghiệm cả 3 dương tính với bệnh bạch hầu. Sở Y tế Bình Phước đã đến hiện trường điều tra dịch bệnh, khoanh vùng dập dịch.

Tối qua, tin từ Viện Pasteur, cho biết ngoài 3 ca tử vong nói trên, tại Bình Phước hiện có 26 trường hợp mắc hội chứng amidan, trong đó có 4 mẫu xét nghiệm dương tính bệnh bạch hầu. Từ ngày 7 - 11.7, BV đa khoa tỉnh Bình Phước đã chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới 5 bệnh nhân, trong đó có 3 người cùng một gia đình gồm: Điểu Vinh (15 tuổi, xã Thuận Lợi) chơi với một người nghi mắc bệnh bạch hầu (đã tử vong) và bị lây bệnh.

Điểu Vinh được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới ngày 7.7 với chẩn đoán nghi mắc bạch hầu ác tính, biến chứng viêm cơ tim. Điểu Vinh đã lây bệnh cho cha là ông Điểu Huynh (36 tuổi). Ông Huynh được BV đa khoa tỉnh Bình Phước chẩn đoán nghi mắc bạch hầu ác tính, biến chứng viêm cơ tim, chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới, hiện sức khỏe đã ổn định, chưa tìm thấy vi khuẩn bạch hầu (do bệnh nhân đã uống kháng sinh trước đó).

Em Điểu Vinh là Lan cũng có triệu chứng mắc bệnh bạch hầu, sức khỏe đã ổn định. Hai bệnh nhân khác là Nguyễn Trường Hậu (24 tuổi) và Điểu Hồng (18 tuổi) sau khi chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới nghi mắc bạch hầu, biến chứng viêm cơ tim cấp đã được chuyển qua BV Chợ Rẫy. Tuy nhiên, bệnh nhân Hậu đã tử vong sau đó. Còn bệnh nhân Điểu Hồng được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm tìm vi khuẩn bạch hầu nhưng không tìm thấy. Tuy nhiên, BV Chợ Rẫy cũng gửi mẫu đến Viện Pasteur để xác định lại một lần nữa và dự kiến kết quả này sẽ có sau 2 - 3 ngày. Hiện, sức khỏe của Hồng tạm ổn.

Bệnh bạch hầu lây lan qua đường hô hấp. Do vậy, các bệnh nhân đều được điều trị cách ly. (Tuổi trẻ (trang 4), Thanh niên (trang 3).

Bệnh viện “mở cửa” cho taxi, xe cấp cứu cạnh tranh

Ngày 12/7, bà Khu Thị Khánh Dung, PGĐ Bệnh viện Nhi Trung ương – cam kết sẽ “mở cửa” cho 2-3 hãng taxi và xe cấp cứu vào cung cấp dịch vục vận chuyển, không để ABC độc quyền như hiện nay. Nhưng hai bệnh viện lớn khác ở Hà Nội là Bạch Mai và Việt Đức vẫn chỉ cho 1-2 công ty taxi vào đậu và đón khách trong BV (chi tiết xem báo). (Tuổi trẻ (trang 8).

Chấn chỉnh các dịch vụ thuê, khoán tại các cơ sở khám, chữa bệnh

Ngày 12-7, Bộ trưởng Y tế đã có văn bản yêu cầu thủ trưởng các cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước chấn chỉnh các dịch vụ thuê, khoán: bảo vệ, trông giữ xe, vận chuyển người bệnh cấp cứu, căng-tin, xử lý chất thải rắn y tế, bảo quản tử thi, dịch vụ tang lễ…

Theo đó, thủ trưởng các đơn vị y tế khẩn trương rà soát các hợp đồng đã ký kết về cung cấp dịch vụ tại bệnh viện, các cơ sở y tế để có biện pháp ngăn ngừa, phòng tránh sai phạm, xử lý nghiêm, thậm chí chấm dứt hợp đồng nếu xảy ra vi phạm hoặc có hành vi ứng xử không tốt, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Tổ chức đấu thầu rộng rãi, khách quan, minh bạch các dịch vụ thuê, khoán do tổ chức, cá nhân bên ngoài cung cấp theo quy định, lựa chọn những cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm chất lượng và giá cả hợp lý. Công khai, niêm yết giá các loại dịch vụ do các tổ chức, cá nhân cung ứng tại bệnh viện, các cơ sở y tế để người bệnh và người nhà người bệnh biết, tự do lựa chọn.

Các bệnh viện, cơ sở y tế xây dựng quy chế hoạt động trên nguyên tắc công khai, minh bạch đối với các dịch vụ do tổ chức, cá nhân cung cấp, nhất là các dịch vụ vận chuyển người bệnh, tuyệt đối nghiêm cấm các hành vi ép buộc người bệnh, người nhà người bệnh phải sử dụng dịch vụ do bệnh viện đã ký kết với các tổ chức, cá nhân từ bên ngoài. Tổ chức tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho các nhân viên đang thực hiện dịch vụ thuê khoán do tổ chức, cá nhân bên ngoài cung cấp. Thường xuyên giám sát, kiểm tra các hoạt động dịch vụ thuê khoán do tổ chức, cá nhân cung cấp. Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Bộ trưởng Y tế và các cơ quan có thẩm quyền, trước người bệnh nếu để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bệnh. (Nhân dân (trang 8), Sức khỏe & Đời sống (trang 2).

Khám bệnh từ 5 giờ sáng

Hàng ngày, từ tờ mờ sáng, tại Bệnh viện (BV) Ung bướu TPHCM đã có nhiều bệnh nhân từ các tỉnh lên TPHCM đến chờ khám chữa bệnh. Do vậy, BV này vừa triển khai việc khám bệnh từ 5 giờ để người bệnh ở xa đỡ mất nhiều thời gian chờ và cũng nhằm giảm tình trạng quá tải bệnh nhân khám bệnh giờ hành chính. Nhiều bạn đọc đã gọi đến Báo SGGP hoan nghênh cách làm này của bệnh viện.

Giúp người ở tỉnh về sớm

Trời chưa sáng, tại BV Ung bướu TPHCM đã có rất nhiều người đang ngồi chờ khám bệnh. Cứ vài phút lại có xe khách mang biển số tỉnh dừng lại thả khách xuống. Các nhân viên bảo vệ cũng bắt đầu thông báo về việc tổ chức ca khám bệnh từ 5 - 7 giờ và phát số thứ tự từ 4 giờ. Tay ôm một túi hành lý nặng, anh Hà Văn Huy (ở Cà Mau) cùng với vợ bước xuống taxi thì được nhân viên bảo vệ nhắc nhở không nghe lời “cò”, nếu định khám bệnh thì đăng ký ngay. Ngay lập tức, anh Huy đứng xếp hàng để bắt đầu lấy số thứ tự. Đến 7 giờ 20, sau khi đã được khám bệnh và lấy thuốc xong, anh Huy cùng với vợ gọi điện thoại đặt vé xe để về luôn trong ngày. Anh Huy vui vẻ nói: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi đi khám bệnh ở TPHCM nên không biết có dịch vụ khám bệnh sớm thế này. Nếu như các BV tuyến trên đều có dịch vụ khám bệnh sớm thì đỡ cho người bệnh ở dưới tỉnh biết mấy. Cứ nghe nói lên TPHCM khám bệnh phải ở lại 2 ngày mới xong, nên chúng tôi phải mang theo quần áo để ngủ lại, nào ngờ chỉ trong vòng 2 tiếng đã xong, bây giờ lên xe về quê luôn, đỡ phải tốn tiền khách sạn, ăn uống… Ở dưới quê, thông tin này vẫn chưa được nhiều người biết, tôi về sẽ báo  lại cho những người thân về việc bây giờ khám bệnh ở BV Ung bướu không còn phải mất nhiều thời gian chờ nữa”.

Chị Nguyễn Thị Tươi vừa từ tỉnh Ninh Thuận về BV Ung bướu TPHCM khám bệnh, cho hay: “Những lần trước tôi đi khám bệnh, thường phải đến chiều mới xong, có lần còn phải ở lại khách sạn ngủ để mai mới lấy thuốc. Nhưng bây giờ đến trưa đã xong rồi, cũng vừa kịp lên chuyến xe về quê. So với phí khám dịch vụ buổi trưa với buổi tối, thì khám buổi sớm rẻ hơn rất nhiều. Phí khám dịch vụ buổi trưa 150.000 đồng, buổi tối 200.000 đồng, khám trong giờ hành chính 20.000 đồng, nay phí khám buổi sớm chỉ 60.000 đồng và các dịch vụ khác đều được hưởng theo chế độ bảo hiểm y tế”.

Thiết thực giảm tải

Để cho kịp quy trình, người bệnh đến mua phiếu khám bệnh được các đoàn viên thanh niên của BV hướng dẫn điền thông tin và được sắp xếp chờ khám bệnh theo sự hướng dẫn của nhân viên bảo vệ. Chỉ trong vòng vài phút, các bệnh nhân được hướng dẫn đi siêu âm, chụp X-quang, xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ. Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Nguyễn Minh Huy, làm việc tại Khoa Khám bệnh, cho biết: “Chúng tôi tham gia việc khám bệnh từ 5 giờ với tinh thần tự nguyện. Bác sĩ được tự nguyện đăng ký trước để Ban Giám đốc sắp xếp. Ban đầu, việc thay đổi giờ giấc đi làm cũng rất khó khăn, nhưng nay đã quen. Sau khi khám xong ngoài giờ, từ bác sĩ cho đến điều dưỡng được nghỉ 15 phút để dùng bữa sáng rồi trở vào với công việc trong giờ hành chính. Nhờ khám bệnh ngay từ sớm, nên số lượng bệnh nhân từ trưa cho cho đến chiều giảm đi rất nhiều và bác sĩ cũng đỡ áp lực, căng thẳng”.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Thị Đỗ Quyên, Phó khoa Siêu âm, chia sẻ: “Bác sĩ chuẩn đoán hình ảnh rất quan trọng, bởi vì có nhiều căn bệnh ung thư phải phát hiện kịp thời. Nếu không rõ hình ảnh thì phải nhờ hội đồng xem lại, chứ không thể tùy tiện chuẩn đoán. Đối với bệnh ung thư, phát hiện từ giai đoạn đầu rất quan trọng, do vậy BV quan tâm tạo điều kiện để bệnh nhân không phải ngại mất thời giờ và e lưu lại TP tốn kém nhiều mà không đi khám bệnh. Nếu phát hiện có bệnh sẽ được làm thủ tục nhập viện ngay trong ngày”.

Bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, chia sẻ: “Trong thời gian đầu, khám ngoài giờ còn gặp trục trặc, đến nay đã trôi chảy, có hiệu quả cao và giảm tải cho giờ cao điểm rất nhiều. Trung bình mỗi ngày có khoảng 1.700 bệnh nhân, trong đó có 70% là từ các tỉnh đến khám vào lúc rạng sáng. Ban đầu, tổng cộng chỉ có 16 bàn với mỗi bàn 2 bác sĩ, nay có đến 40 bàn khám cho khoảng 300 - 400 bệnh nhân” (Sài Gòn giải phóng (trang 4).

Cần bỏ ngay các dịch vụ 'độc quyền' ở bệnh viện

Không chỉ tại Bệnh viện Nhi T.Ư, khảo sát của báo Tiền Phong cho thấy một số bệnh viện lớn khác cũng có dấu hiệu ưu ái cho một số đơn vị “độc quyền” kinh doanh dịch vụ taxi, trông giữ xe, khiến người nhà bệnh nhân hầu như không có lựa chọn khác.

Cắt hợp đồng với Cty có bảo vệ chặn xe cứu thương

Liên quan đến việc bảo vệ của Công ty CP Bảo vệ AZ chặn xe cứu thương tại Bệnh viện Nhi T.Ư vừa qua, theo giới thiệu trên website vị giám đốc của công ty này là ông Nguyễn Minh Thịnh.

Theo http://azsecurity.com, Cty CP Bảo vệ AZ được cố vấn nghiệp vụ của nguyên trưởng các ban ngành của Cục An ninh; cùng các giảng viên khác của Đại học An ninh; Đội PCCC; Hội Chữ Thập đỏ… Nhân viên công ty được tuyển chọn nghiêm ngặt, chặt chẽ qua nhiều vòng, dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức, sức khoẻ, thể lực tốt, phản ứng nhanh, ý thức tổ chức kỷ luật cao, chịu đựng được áp lực công việc, thời tiết, có ý trách nhiệm nghề nghiệp cao...

Ngày 11/7, PV Tiền Phong liên lạc với ông Nguyễn Minh Thịnh để tìm hiểu việc hợp tác và các điều khoản cam kết giữa Cty  CP Bảo vệ AZ với Bệnh viện Nhi T.Ư. Ông Thịnh đồng ý trả lời PV vào ngày 12/7, tuy nhiên sau đó ông Thịnh từ chối.

Được biết, Cty CP Bảo vệ AZ đã hợp tác với Bệnh viện Nhi từ năm 2012, hình thức ký kết 2 năm/lần. Tuy nhiên, sau đó 2 bên chuyển sang hợp đồng 6 tháng/lần. Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi, sau vụ việc xảy ra vừa qua, bệnh viện sẽ chấm dứt hợp đồng với Cty CP Bảo vệ AZ. Sau khi có thông tin này, nhiều đơn vị đã liên lạc tới bệnh viện đề nghị được hợp tác.

“Độc quyền” taxi và loạn giá vé gửi xe

Theo ghi nhận của PV, tại một số bệnh viện như: Bạch Mai; Đại học Y Hà Nội, Nhi T.Ư,... giá vé gửi xe máy mỗi nơi thu một kiểu. Theo đó, giá vé gửi xe máy tại Bạch Mai và Nhi T.Ư đồng loạt là 5.000 đồng/ lượt; Đại học Y Hà Nội 3.000 đồng/ lượt... Gửi xe qua đêm bị thu tăng lên gấp nhiều lần. Tại Bệnh viện Bạch Mai, vé xe được in trên giấy ghi rõ ngày tháng nhưng lại không hề in giá vé, còn một số bệnh viện khác dùng thẻ từ để thu phí nhưng cũng không có biển niêm yết giá vé theo quy định.

Không chỉ xe máy, tình trạng độc quyên về dịch vụ taxi tại bệnh viện khiến nhiều người bức xúc, nhất là bệnh nhân và người nhà. Khi gọi taxi, người nhà bệnh nhân phải đi bộ ra phía ngoài cổng bệnh viện vì những chiếc xe này không được vào trong bệnh viện đón khách. Trong khi đó, hãng taxi ký hợp đồng với bệnh viện được vào tận cửa khu vực khám bệnh để đón khách.

Môt người đàn ông giấu tên (quê Hà Tĩnh) đang chữa bệnh cho con ở Bệnh viện Nhi T.Ư khá bức xúc khi chỉ có duy nhất một hãng taxi mà nhu cầu đi lại của bệnh nhân và người nhà rất lớn. “Tôi đã 2 lần đi taxi hãng ABC tại đây, họ tính 10.000 đồng/km, trong khi những hãng khác có giá rẻ hơn. Nhưng muốn đi phải ra ngoài cổng chứ trong viện không có” - ông này nói.

Còn theo ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai, hãng taxi Mai Linh được “ưu ái” dừng, đỗ, đón, trả khách trong khuôn viên bệnh viện; những hãng taxi khác sau khi đón, trả khách phải đi ngay. Mặc dù, phía cổng bệnh viện có đặt biển cấm dừng đỗ và luôn có lực lượng bảo vệ túc trực. (Tiền phong (trang 10).

Bộ Y tế cấm ép người bệnh sử dụng xe cứu thương bệnh viện

Trong văn bản ngày 12/7 gửi lãnh đạo các cơ sở y tế, giám đốc Sở Y tế; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận các dịch vụ do đơn vị bên ngoài bệnh viện cung cấp như bảo vệ, vận chuyển người bệnh cấp cứu, trông giữ xe, dịch vụ tang lễ… còn tồn tại nhiều bất cập gây bức xúc trong dư luận xã hội. Điều này ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người thầy thuốc và các cơ sở y tế.

Vì thế, Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo các bệnh viện cần có biện pháp ngăn ngừa phòng tránh sai phạm; xử lý nghiêm, thậm chí chấm dứt hợp đồng nếu xảy ra vi phạm hoặc có hành vi ứng xử không tốt, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh. Các dịch vụ thuê, khoán này phải được đấu thầu công khai, bệnh viện chọn những cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm chất lượng và giá cả hợp lý.

Bệnh viện phải niêm yết giá các loại dịch vụ này để người bệnh và người nhà bệnh nhân biết, tự do lựa chọn; xây dựng quy chế hoạt động trên nguyên tắc công khai, minh bạch đặc biệt là các dịch vụ vận chuyển người bệnh. Bộ Y tế cấm hành vi ép buộc người bệnh, người nhà bệnh nhân phải sử dụng dịch vụ bệnh viện đã ký kết với bên ngoài.

Các đơn vị y tế cũng được yêu cầu báo nhanh số liệu các dịch vụ đang thuê, khoán ngoài gửi Sở Y tế, Y tế bộ, ngành để tổng hợp báo cáo Bộ. Hiện nay rất nhiều dịch vụ phụ thêm tại bệnh viện như trông xe, căng tin, xe cứu thương, taxi... được cơ sở y tế giao khoán hoặc thuê một đơn vị khác ngoài bệnh viện thực hiện. Trong quá trình thực hiện xảy ra nhiều sai sót gây phiền hà cho người bệnh, người nhà.

Sự việc bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương chặn xe cứu thương tư nhân chở bệnh nhi hấp hối về nhà ngày 2/7 gây bức xúc trong dư luận. Giám đốc bệnh viện đã xin lỗi gia đình người bệnh, người dân; 3 bảo vệ liên quan cũng bị đuổi việc. Nhiều người nghi vấn việc móc nối giữa bảo vệ bệnh viện với "cò" để ép người bệnh sử dụng xe cứu thương bên ngoài, xe cứu thương được bệnh viện ký hợp đồng.  (Tiền phong (trang 10), Hà Nội mới (trang 8).

Hệ thống y tế tư nhân: Bao giờ đi đúng “quỹ đạo”? Bài cuối: Không để "ném đá ao bèo"

Sự phát triển của hệ thống y tế tư nhân là tất yếu trong bối cảnh nhiều bệnh viện công lập đang quá tải. Thế nhưng, nếu cơ quan chức năng không thực hiện tốt trách nhiệm quản lý, giám sát, kiểm tra, thì việc xử lý vi phạm sẽ chỉ như “ném đá ao bèo”.

Tăng nhân lực cho thanh tra y tế

Trong 6 tháng đầu năm nay, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội và phòng y tế các quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 1.537 lượt nhà thuốc, quầy thuốc, công ty, cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm, kinh doanh thuốc đông y, chăm sóc da, nhà thuốc bệnh viện, phòng khám (PK) đa khoa, PK chuyên khoa, phòng chẩn trị y học dân tộc, cơ sở chăm sóc sắc đẹp… và phạt, đình chỉ hành nghề không có giấy phép 73 cơ sở, trong đó có 38 cơ sở kinh doanh thuốc, 35 cơ sở khám chữa bệnh (KCB). Những số liệu này đã cho thấy, muốn công tác quản lý cơ sở y tế ngoài công lập có hiệu quả thì phải tăng cường thanh, kiểm tra. uy nhiên, như phóng viên Báo Hànộimới đã đề cập, lực lượng thanh tra y tế nói chung, thanh tra KCB nói riêng còn quá mỏng so với khối lượng công việc yêu cầu, khiến hoạt động này chưa đạt mục tiêu đề ra.

Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép 5 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội được tăng cường thêm lực lượng thanh tra y tế. Sở Y tế Hà Nội đang làm đề án trình Bộ Y tế đề nghị tăng lực lượng thanh tra y tế lên 32 người, trong đó lĩnh vực thanh tra KCB là 8 người (hiện tại là 3 người). Từ nay đến cuối năm, ngành y tế Thủ đô sẽ tập trung kiểm tra trọng điểm, đột xuất các cơ sở hành nghề y, dược tại các khu vực gần bệnh viện công lập. “Bên cạnh hoạt động kiểm tra theo kế hoạch, ngành còn tập trung kiểm tra đột xuất đối với những cơ sở hành nghề khi có thông tin phản ánh của người dân, cơ sở có người phụ trách chuyên môn hộ khẩu ngoại tỉnh. Thanh tra Sở Y tế cũng tập trung vào công tác hậu kiểm tra, sau khi cấp phép” - ông Nguyễn Việt Cường cho biết thêm.

Cùng quan điểm, bà Trần Thị Nhị Hà, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) khẳng định, sau khi cấp phép cho các cơ sở hành nghề, Sở Y tế sẽ công khai danh sách cơ sở được cấp phép lên website: www.soyte.hanoi.gov.vn, đồng thời gửi danh sách cho chính quyền, phòng y tế, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã để giám sát hoạt động của các cơ sở trên địa bàn. Hoạt động quản lý các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập cũng đã phân cấp: Sở Y tế quản lý chung, chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các cơ sở; UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm giám sát, quản lý hoạt động của các cơ sở trên địa bàn.

Khuyến khích người dân tham gia giám sát

Bà Trần Thị Nhị Hà đề xuất: Bộ Y tế cần ban hành những chế tài đặc thù để xử lý hoạt động của các cơ sở vi phạm, nhất là các biện pháp xử phạt, tạo tính răn đe, giáo dục pháp luật như: Đình chỉ hoạt động có thời hạn, thu hồi giấy phép hoạt động đối với các cơ sở hành nghề y, dược khi tái phạm hành vi vắng mặt bác sĩ, dược sĩ phụ trách cơ sở khám bệnh hoặc nhà thuốc; đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép hoạt động của các cơ sở vi phạm quy định về quy chế chuyên môn trong KCB và kinh doanh thuốc. Định kỳ hằng tháng, Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe Hà Nội cập nhật lên website của Sở Y tế Hà Nội thông tin về các cơ sở hành nghề có sai phạm, bị phạt, bị đình chỉ hoạt động…, giúp người dân dễ dàng lựa chọn khi có nhu cầu.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, chính người dân - chủ thể quyết định sự tồn tại của các cơ sở KCB tư nhân, cần được khuyến khích tham gia giám sát, quản lý hoạt động KCB của các cơ sở này. Theo đó, người dân phát hiện và báo cơ quan có thẩm quyền các cơ sở hành nghề vi phạm thông qua nhiều kênh thông tin, giúp Sở Y tế có biện pháp xử lý kịp thời. “Khi đến các cơ sở y tế, PK tư nhân, chỉ cần người bệnh tự kiểm soát xem chi phí phải trả có đúng với giá niêm yết không; có bị chỉ định làm xét nghiệm không cần thiết không; bao bì, nhãn mác thuốc có rõ ràng không… và phản hồi với cơ quan quản lý những hành vi sai phạm” - ông Nguyễn Khắc Hiền đề xuất.

Sau hàng loạt các vi phạm ở PK tư nhân, Sở Y tế Hà Nội đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm lấp lỗ hổng trong công tác quản lý cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức cán bộ; đồng thời, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo điều hành. Hy vọng với những quyết tâm này, việc quản lý hoạt động KCB của các cơ sở y tế tư nhân sẽ mang lại hiệu quả, góp phần hạn chế những rủi ro, lấy lại niềm tin nơi người bệnh.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên: Phải niêm yết công khai thông tin của người hành nghề

Sở Y tế cũng vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã đề nghị tăng cường phối hợp trong quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập. Sở yêu cầu các cơ sở phải niêm yết công khai thông tin của người hành nghề. Cùng với bảng giá dịch vụ, danh sách nhân sự tham gia hành nghề tại cơ sở, trình độ chuyên môn, chứng chỉ và số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế (043.998.5765) phải được dán ở những vị trí thuận lợi, dễ quan sát, phục vụ công tác giám sát của các cơ quan chức năng và người dân. Sở cũng giao cho các trạm y tế có trách nhiệm giám sát việc chấp hành của các cơ sở y tế tư nhân. Sở cũng sẽ tiếp nhận báo cáo công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân từ phòng y tế các quận, huyện, thị xã trước ngày 20 hằng tháng để nắm bắt tình hình, đặc biệt là những cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập không phép, hoặc hành nghề quá phạm vi hoạt động chuyên môn. (Hà Nội mới (trang 5).

BV Nhi TƯ lên tiếng về thông tin giữ lại 5 triệu đồng của bệnh nhân Trần Công D

Bệnh viện giữ lại 5 triệu đồng của nhà tài trợ cho bệnh nhi để làm gì? Đây là câu hỏi được mọi người đặt ra suốt những ngày qua, cũng chính là câu hỏi của PV Báo CAND gửi đến lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương vào ngày 12-7 với mong muốn được làm rõ sự việc. Vụ việc một số nhân viên bảo vệ của Bệnh viện Nhi Trung ương ngăn xe cứu thương chở bệnh nhi ra khỏi cổng Bệnh viện đã gây bức xúc dư luận những ngày qua.

Đặc biệt, mọi người còn quan tâm và bức xúc hơn nữa trước thông tin mà một số báo đã đưa về việc đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương đã về tận nhà bệnh nhân để xin lỗi, đồng thời, trao cho gia đình bệnh nhi 35 triệu đồng trong tổng số 40 triệu do các nhà hảo tâm tài trợ cho bé trong quá trình nằm viện. 5 triệu đồng còn lại Bệnh viện đã dùng để thanh toán viện phí cho bệnh nhi.

Theo qui định, trẻ em dưới 6 tuổi được bảo hiểm y tế chi trả viện phí. Vì vậy, Bệnh viện giữ lại 5 triệu đồng đó để làm gì? Đây là câu hỏi được đặt ra suốt những ngày qua, cũng chính là câu hỏi của PV Báo điện tử CAND gửi đến lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương vào ngày 12-7 với mong muốn được làm rõ sự việc.

Theo một lãnh đạo BV Nhi TƯ, đúng là sau khi vụ việc ngăn xe cứu thương xảy ra, chiều 8-7, đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương cùng Công ty bảo vệ AZ đã trực tiếp về Tam Hợp, Quỳ Hợp, Nghệ An để thắp hương cho cháu Trần Công D. và xin lỗi gia đình cháu.

Đại diện Bệnh viện đã trao lại cho gia đình 35 triệu đồng, nhưng số tiền này không phải của đơn vị nào tài trợ, mà chính là của gia đình tạm ứng ngay khi bệnh nhi nhập viện, như qui định thông thường tại các bệnh viện. Vì thế, cũng không có 5 triệu nào được giữ lại, mà chỉ là một sự nhầm lẫn đáng tiếc trong xử lý thông tin.

Cũng theo một lãnh đạo của Bệnh viện Nhi Trung ương, bé Trần Công D. 9 tháng tuổi nặng 3,6kg nhập viện ngày 21-6-2016 với tình trạng nặng là bị tim bẩm sinh (thất phải hai đường ra, thể Falott), não úng thủy, suy dinh dưỡng nặng, vì thế bé đã được hội chẩn can thiệp ngoại khoa. Sau phẫu thuật, tình trạng suy đa tạng của bé không cải thiện, nên gia đình đã xin đưa cháu về nhà vào ngày 2-7-2016.

Theo hồ sơ còn lưu mà chúng tôi tiếp cận, thì ngay khi bệnh nhi Trần Công D. vào viện, từ ngày 21-6, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương đã chủ động làm hồ sơ xin tài trợ từ chương trình “Nhịp nối trái tim” cho cháu được 20 triệu đồng để điều trị.

Trong quá trình điều trị, do bệnh nặng khiến bệnh nhân phải lọc máu nên ngày 27-6-2016, Bệnh viện tiếp tục xin chương trình “Nhịp nối trái tim” tài trợ cho em bé thêm số tiền 20 triệu đồng nữa.

Đến ngày 7-7-2016, nhà tài trợ mới có quyết định chính thức về việc đồng thuận tài trợ cho cháu bé tổng số tiền 40 triệu đồng.

Toàn bộ chi phí điều trị của cháu bé trong những ngày nằm viện hết 162 triệu đồng (lấy tròn số) và ngày 8-7-2016, Bệnh viện Nhi Trung ương đã chủ động thanh toán viện phí cho cháu bé qua Bảo hiểm y tế và được Bảo hiểm y tế chi trả 129 triệu đồng.

Số tiền 33 triệu đồng còn lại là các loại thuốc, vật tư tiêu hao và dịch lọc máu mà Bảo hiểm y tế không thanh toán thì lẽ ra, gia đình bệnh nhi sẽ phải trả, song đã được nhà tài trợ chi trả nốt bằng số tiền đã đồng ý tài trợ, nên gia đình hoàn toàn không phải trả tiền viện phí cho em bé.

Nhưng nguyên tắc hoạt động của chương trình “Nhịp nối trái tim” là chỉ tài trợ cho chi phí điều trị thực tế của bệnh nhân. Vì thế, mặc dù đã đồng thuận tài trợ cho cháu bé số tiền 40 triệu đồng, nhưng chương trình chỉ thanh toán số tiền điều trị còn thiếu trong tổng chi phí khám, chữa bệnh của cháu bé là 33 triệu đồng, gồm các chi phí nằm nằm ngoài danh mục chi trả của Bảo hiểm y tế. Số tiền còn lại trong 40 triệu nói trên, gia đình bệnh nhi cũng không được lấy về.

Khi xảy ra sự cố khiến dư luận quan tâm, đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương đã vào tận nhà gia đình cháu bé để xin lỗi, đồng thời, trực tiếp trao lại số tiền 35 triệu mà gia đình đã tạm ứng khi cháu nhập viện và nhận lại các hóa đơn nộp tạm ứng của gia đình, để gia đình cháu không phải ra Hà Nội làm thủ tục thanh toán viện phí nữa. 

Đại diện lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định: Toàn bộ số tiền chi phí điều trị của cháu bé Trần Công D. là 162 triệu đồng đều do Bảo hiểm Y tế và chương trình “Nhịp nối trái tim” chi trả, gia đình không phải bỏ bất cứ đồng nào cho việc điều trị em bé. Cũng không có chuyện Bệnh viện giữ lại 5 triệu đồng để thanh toán viện phí như thông tin đã đưa. (Công an nhân dân (trang 7).

Cuối tháng 7/2016, BV Nhi TW sẽ dừng hợp đồng với công ty bảo vệ AZ

Trong thời gian sớm nhất, BV Nhi Trung ương sẽ công khai các tiêu chí cụ thể về tuyển đơn vị thực hiện dịch vụ đưa đón bệnh nhân trên website BV. Đơn vị nào có khả năng đáp ứng các yêu cầu của BV đề ra sẽ được tuyển.

Liên quan đến sự việc đáng tiếc “bảo vệ chặn xe cứu thương xảy ra tại BV Nhi Trung ương”, cùng với các chỉ đạo trước đó như điện thoại đường dây nóng trực tiếp cho lãnh đạo BV, ban hành văn bản yêu cầu BV Nhi TW khẩn trương làm rõ sự việc, trưa ngày 11/7, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, đoàn công tác của Cục Quản lý Khám chữa bệnh do PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm  trưởng đoàn đã làm việc với Ban giám đốc BV  Nhi Trung ương để làm rõ thêm những thông tin xung quanh vụ việc này cũng như các giải pháp khắc phục của bệnh viện…

Sẽ công khai tiêu chí tuyển đơn vị phục vụ vận chuyển bệnh nhân tại BV Nhi TW

Báo cáo tại buổi làm việc, PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết: Ngày 6/7, ngay sau khi nhận được thông tin về sự cố đáng tiếc này, BV đã triệu tập cuộc họp với sự tham gia của các bên liên quan như: Công ty bảo vệ AZ, Công an phường Láng Thượng, PC 45 (CA TP Hà Nội). Ngày 7/7, BV có công văn báo cáo Bộ Y tế và bày tỏ sự hối tiếc khi để xảy ra sự việc đáng tiếc này. Ngày 8/7, giám đốc BV đã chính thức gửi lời xin lỗi người bệnh/người nhà bệnh nhân; đồng thời BV đã cùng công ty bảo vệ AZ vào Nghệ An, thắp hương cho cháu bé Trần Công D., xin lỗi, chia sẻ mất mát và bức xúc với gia đình người bệnh, trao số tiền 35 triệu đồng cho gia đình bệnh nhi. Đồng thời BV cũng đã phê bình nghiêm khắc các phòng ban có liên quan trong các vụ việc này. Về phía công ty bảo vệ AZ cũng đã chấm dứt hợp đồng lao động với 3 bảo vệ sai phạm này.

Một lần nữa bày tỏ sự bức xúc khi xem lại các clip phản ánh vụ việc, PGS.TS Khu Thị Khánh Dung – Phó Giám đốc BV, phụ trách các vấn đề an ninh nội bộ BV cho biết, trong thời gian sớm nhất, BV sẽ công khai các tiêu chí cụ thể về tuyển đơn vị thực hiện dịch vụ đưa đón bệnh nhân trên website BV. Đơn vị nào có khả năng đáp ứng sẽ được tuyển.

Phó giám đốc Khu Thị Khánh Dung cũng chia sẻ, trước đây khi chưa có công ty bảo vệ AZ và chưa ký hợp đồng với công ty taxi, tại BV Nhi TW, tình trạng xe cấp cứu dù bên trong, bên ngoài BV rất “nhộn nhịp”, còn taxi thì nhốn nháo, đủ các loại taxi ra/vào BV rồi gây hỗn loạn, khiến người bệnh/người nhà bệnh nhân thiệt thòi. “Để ký hợp đồng với công ty AZ hay công ty taxi, BV phải căn cứ rất nhiều yếu tố và các đơn vị này đáp ứng được tiêu chí mà BV đưa ra. Trên thực tế, được biết đã có không ít bảo vệ, lái xe taxi bị công ty chủ quản phê bình, xử lý nghiêm khi BV phản hồi về việc người bệnh/người nhà bệnh nhân có phàn nàn về cách phục vụ”- PGS.TS Khu Thị Khánh Dung cho biết

Cử người của Bệnh viện giám sát hoạt động của đội ngũ bảo vệ, không để xảy ra những sự việc tương tự

Liên quan đến công ty bảo vệ AZ, PGS.TS Lê Thanh Hải cho biết, BV sẽ tiếp tục hợp đồng làm việc với Công ty AZ đến hết tháng 7/2016 và sẽ thông báo tìm đối tác bảo vệ mới cho BV. Việc thông báo rộng rãi này có nghĩa bất cứ công ty nào (kể cả công ty AZ) cũng có cơ hội nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà BV đưa ra.

Giám đốc BV Nhi Trung ương cũng cho biết, trong thời gian tới, dù có tiếp tục hợp đồng thuê bảo vệ với Công ty AZ tiếp tục hay ký hợp đồng với bất cứ công ty bảo vệ khác, BV cũng sẽ phải giám sát sát sao. “BV sẽ cắt cử nhân viên phòng hành chính quản trị của Bệnh viện để giám sát việc này, không để xảy ra những sự việc tương tự” – PGS.TS Lê Thanh Hải khẳng định.

Được biết, trong ngày 11/7, trước thực trạng hoạt động thiếu kiểm soát của dịch vụ vận chuyển người bệnh ra, vào tại cơ sở khám, chữa bệnh, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế, Ban Giám đốc BV Nhi Trung ương đã yêu cầu các phòng ban có liên quan soạn quy trình vào, ra BV (khỏi, nặng xin về, tử vong), chú ý lồng ghép các phương tiện vận chuyển ra viện cho cả 3 đối tượng trên; đồng thời soạn quy trình ra viện (tử vong thuộc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm). Ngoài ra, cần xác định nhóm phương tiện vận chuyển phù hợp với từng đối tượng trên.

BV cũng yêu cầu soạn thông báo tới các khoa, phòng trong trường hợp khi gia đình ký hồ sơ xin về, bổ sung thêm vấn đề vận chuyển bệnh nhân (tự túc hoặc 115 hoặc xe cứu thương ngoài), gia đình phải chịu trách nhiệm trong quá trình vận chuyển.

Bệnh viện yêu cầu mở lớp tập huấn về BV, giao tiếp trong BV cho 2 đối tượng là bảo vệ và nhân viên vệ sinh. BV cũng thành lập tổ giám sát hoạt động của bảo vệ, nhân viên vệ sinh…

Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nếu rõ: Việc để xảy ra sự cố đáng tiếc này trong khuôn viên của BV Nhi Trung ương là không mong muốn, tuy nhiên sự việc này cũng là bài học sâu sắc cho bệnh viện trong việc kiểm tra, giám sát các hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan. Do đó, một mặt BV cần có những động thái kiên quyết với các công ty cung cấp dịch vụ như công ty bảo vệ; công ty taxi… yêu cầu các đơn vị này phải làm đúng, có trách nhiệm và không được để xảy ra sai sót, tránh gây bức xúc cho người bệnh/người nhà bệnh nhân. Về phía BV, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cũng yêu cầu BV cần làm rõ trách nhiệm của các phòng, ban liên quan trong việc để xảy ra sự cố này, đặc biệt trong công tác giám sát. Qua đó có hình thức xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời việc triển khai các hình thức cung cấp dịch vụ trong BV như xe cấp cứu, xe taxi vận chuyển người bệnh phải công khai, minh bạch về giá cả…

“Để xảy ra sự cố đáng tiếc này, không chỉ BV Nhi TW xin lỗi người bệnh/người nhà bệnh nhân mà công ty bảo vệ AZ cũng phải chịu trách nhiệm, phải công khai xin lỗi người bệnh/người nhà bệnh nhân vì đã làm cho người dân búc xúc về bệnh viện/ về ngành y ”- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nói thêm (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).

Khẩn trương rà soát dịch vụ vận chuyển tại bệnh viện

Mấy ngày gần đây, vụ việc bảo vệ chặn xe cứu thương tại Bệnh viện (BV) Nhi TW đã khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Mấy ngày gần đây, vụ việc bảo vệ chặn xe cứu thương tại Bệnh viện (BV) Nhi TW đã khiến dư luận vô cùng bức xúc. Đồng thời qua đó, dư luận cũng đã đặt ra nhiều hoài nghi liên quan đến việc xã hội hóa, cổ phần dịch vụ vận chuyển bệnh nhân tại không ít BV. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên (PV) báo Sức khỏe & Đời sống đã trao đổi với PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh...

PV: Thưa ông, về vụ việc đáng tiếc xảy ra tại BV Nhi TW, mặc dù giám đốc BV đã công khai nhận lỗi, xin lỗi người bệnh/người nhà bệnh nhân và 3 bảo vệ sai phạm đã bị đuổi việc. Tuy nhiên, dư luận vẫn cho rằng không thể không có trách nhiệm của BV Nhi trong vụ việc này. Vậy, Bộ Y tế sẽ xử lý sai phạm này như thế nào?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Tôi cho rằng, dù là nhân viên bảo vệ thuộc công ty bảo vệ được ký hợp đồng với BV, nhưng đối với người bệnh và dư luận xã hội thì đây vẫn là nhân viên BV. Trên thực tế, hành vi ứng xử thiếu văn hóa của kíp bảo vệ này đã làm ảnh hưởng xấu tới uy tín đối với không chỉ BV Nhi TW mà cả ngành y tế, nhất là trong bối cảnh ngành y tế đang nỗ lực mọi mặt nhằm cải tiến chất lượng dịch vụ, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Sau khi vụ việc đáng tiếc này xảy ra, qua đường dây nóng, Bộ Y tế đã chỉ đạo trực tiếp đối với Giám đốc BV. Hành động nhận trách nhiệm và xin lỗi gia đình người bệnh của đồng chí Giám đốc BV tuy có muộn nhưng đã được dư luận ghi nhận tích cực. Ngày 11/7, Đoàn công tác của Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã xuống kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công văn số 737/KCB-QLCL ngày 7/7/2016. Tại cuộc làm việc này, Bộ Y tế đã trực tiếp chỉ đạo BV tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công văn số 737/KCB-QLCL, đồng thời giao trách nhiệm cho Giám đốc BV kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo phụ trách, các phòng ban liên quan, xử lý kỷ luật nếu phát hiện sai phạm. Tuy nhiên, tôi cho rằng về phía công ty bảo vệ cũng phải có trách nhiệm xin lỗi BV và gia đình người bệnh. PV: Vậy, từ  vụ việc này, trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ làm gì để chấn chỉnh hoạt động xe cấp cứu, dịch vụ xe taxi đỗ đón khách trong khuôn viên BV, thưa ông?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Phải khẳng định rằng trong thời gian qua, đội ngũ xe cứu thương BV, dịch vụ vận chuyển cấp cứu đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận chuyển cấp cứu người bệnh kịp thời. Để hoạt động này ngày càng phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ rà soát các hoạt động liên quan tới công tác vận chuyển người bệnh cấp cứu và dịch vụ taxi tại các BV.

Đối với các xe cấp cứu, xe cứu thương BV hoạt động theo quy chế BV và các quy định của ngành. Đối với các dịch vụ vận chuyển cấp cứu ngoài BV, do đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện thực hiện theo Quyết định của Bộ Y tế số 01/2008/QĐ-BYT ngày 21/01/2008 về việc ban hành quy chế cấp cứu, hồi sức và chống độc nên cần phải rà soát điều kiện cấp giấy phép hoạt động của từng xe, từng đơn vị nhằm hạn chế tối đa hiện tượng xe cứu thương dù, xe không bảo đảm chất lượng, an toàn cho người bệnh.

Đối với vận chuyển người bệnh ra vào BV nói chung, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các BV kiên quyết gỡ bỏ các quy định nội bộ dẫn đến việc hạn chế tự do lựa chọn dịch vụ vận chuyển người bệnh ra vào BV, nhưng vẫn phải đi kèm với các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự trong BV. Bên cạnh đó phải công khai minh bạch quá trình đấu thầu lựa chọn dịch vụ vận chuyển, công khai giá dịch vụ vận chuyển để người bệnh biết.

Đối với công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong BV, trên thực tế, đây là một công tác đặc thù vì đối tượng ra vào BV rất phức tạp. Chúng ta hẳn không ít lần nghe tin về tình trạng người nhà hành hung nhân viên y tế; rồi tình trạng kẻ gian trà trộn vào BV để thực hiện mục đích xấu... Qua những vụ việc này cho thấy, lực lượng an ninh BV đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh trật tự, tài sản của BV, của người bệnh trong quá trình KCB. Tuy nhiên, hành vi và ứng xử của đối tượng này cũng góp phần làm nên sự hài lòng của người bệnh đối với cơ sở KCB. Do vậy, chúng tôi kiên quyết loại bỏ ra khỏi cơ sở KCB các đối tượng có hành vi ứng xử với người bệnh, người nhà thiếu chuẩn mực; hay các đối tượng có hành vi tiêu cực, liên kết với hãng vận chuyển dịch vụ gây phiền hà cho người bệnh. Về phía các BV cũng phải chuẩn hóa công tác bảo vệ chuyên nghiệp hơn, thường xuyên đào tạo cấp chứng nhận về quy tắc ứng xử cho đội ngũ bảo vệ, đặc biệt bảo vệ từ các công ty hợp đồng, coi đây là điều khoản bắt buộc với  nhân viên bảo vệ làm việc tại các BV...

PV: Ông nghĩ sao khi mấy ngày gần đây, đã có dư luận đặt ra nghi vấn tại không ít BV, lãnh đạo, cán bộ BV tham gia vào việc xã hội hóa xe cứu thương, hãng taxi?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Liên quan đến vấn đề này, Bộ Y tế đang chỉ đạo các BV báo cáo việc tổ chức cung cấp và quản lý dịch vụ vận chuyển người bệnh nói chung và vận chuyển cấp cứu nói riêng. Đồng thời, Bộ thành lập đoàn công tác phối hợp với cơ quan công an kiểm tra quá trình đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, dịch vụ bảo vệ; tính công khai minh bạch trong quá trình quản lý, giám sát điều hành công tác vận chuyển và bảo đảm an ninh trật tự; vai trò trách nhiệm của các cá nhân và các phòng ban liên quan... Nếu phát hiện có sai phạm, tùy theo mức độ sẽ xử lý nghiêm theo Luật Cán bộ, công chức; Luật Phòng chống tham nhũng và các quy định Nhà nước hiện hành.

Trên cơ sở báo cáo của các BV và thực tế kiểm tra, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu sửa đổi và xây dựng các quy định hướng dẫn các BV tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ vận chuyển người bệnh. Phối hợp với cơ quan an ninh địa phương để chấn chỉnh hoạt động này tại các BV. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Sau vụ bảo vệ bệnh viện chặn xe cứu thương: Người bệnh được tự do chọn dịch vụ vận chuyển

Sau vụ “Bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương chặn xe cứu thương”, lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Bộ đã thành lập đoàn công tác phối hợp với cơ quan công an kiểm tra quá trình đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, dịch vụ bảo vệ; tính công khai minh bạch trong quá trình quản lý…

Sửa quy trình vận chuyển bệnh nhân

Ngày 11/7, một lần nữa bày tỏ sự bức xúc khi xem lại các clip phản ánh vụ việc “Bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương chặn xe cứu thương”, PGS.TS Khu Thị Khánh Dung, Phó Giám đốc Bệnh viện, phụ trách các vấn đề an ninh nội bộ Bệnh viện cho biết, trong thời gian sớm nhất, Bệnh viện sẽ công khai các tiêu chí cụ thể về tuyển đơn vị thực hiện dịch vụ đưa đón bệnh nhân và công ty bảo vệ trên website Bệnh viện. Đơn vị nào có khả năng đáp ứng sẽ được chọn.

Chia sẻ về thông tin hãng taxi “độc quyền” ra vào Bệnh viện, PGS.TS Khu Thị Khánh Dung cho biết, trước đây khi chưa có Công ty Bảo vệ AZ và chưa ký hợp đồng với công ty taxi, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tình trạng xe cấp cứu “dù” bên trong, bên ngoài Bệnh viện rất lộn xộn, hú còi ầm ĩ khiến bệnh nhân và người nhà bức xúc, còn taxi thì nhốn nháo. “Chúng tôi khẳng định không có chuyện “độc quyền”. Việc lựa chọn công ty taxi được thông báo công khai. Với hợp đồng đã ký với công ty taxi, chúng tôi cũng yêu cầu, dù bệnh nhân có nhu cầu đi 30m cũng phải chở, không có chuyện “xa thì đi, gần thì không”, PGS.TS Khu Thị Khánh Dung chia sẻ.

Liên quan đến Công ty Bảo vệ AZ, PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, Bệnh viện sẽ tiếp tục hợp đồng làm việc với công ty đến hết tháng 7/2016 và sẽ thông báo tìm đối tác bảo vệ mới cho Bệnh viện. Việc thông báo rộng rãi này có nghĩa bất cứ công ty nào (kể cả Công ty Bảo vệ AZ) cũng có cơ hội nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà Bệnh viện đưa ra. Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho biết, Bệnh viện sẽ thành lập tổ giám sát hoạt động của bảo vệ, nhân viên vệ sinh, không để xảy ra những sự việc tương tự. Còn theo PGS.TS Khu Thị Khánh Dung, việc giám sát có thể được thực hiện bằng camera theo dõi 24/7.

Được biết, trong ngày 11/7, Bệnh viện Nhi Trung ương đã yêu cầu các phòng, ban có liên quan soạn quy trình vào, ra Bệnh viện (khỏi, nặng xin về, tử vong), lồng ghép các phương tiện vận chuyển ra viện cho cả ba đối tượng trên; soạn quy trình ra viện (tử vong thuộc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm). Ngoài ra, cần xác định nhóm phương tiện vận chuyển phù hợp với từng đối tượng trên. Bệnh viện cũng yêu cầu soạn thông báo tới các khoa, phòng trong trường hợp khi gia đình ký hồ sơ xin về, bổ sung thêm vấn đề vận chuyển bệnh nhân (tự túc hoặc 115, hoặc xe cứu thương ngoài), gia đình phải chịu trách nhiệm trong quá trình vận chuyển.

Sẽ rà soát dịch vụ cứu thương, taxi tại các bệnh viện

Nhìn nhận vấn đề này trong bối cảnh toàn thể ngành Y tế đang nỗ lực mọi mặt nhằm cải tiến chất lượng dịch vụ, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho rằng, dù nhân viên bảo vệ thuộc công ty bảo vệ được ký hợp đồng với bệnh viện nhưng đối với người bệnh và dư luận xã hội, đây vẫn là nhân viên trong bệnh viện. “Hành vi ứng xử thiếu văn hóa của kíp bảo vệ này đã làm ảnh hưởng xấu tới uy tín đối với không chỉ Bệnh viện Nhi Trung ương mà cả ngành Y”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

Khẳng định đội ngũ xe cứu thương bệnh viện, dịch vụ vận chuyển cấp cứu đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển cấp cứu người bệnh kịp thời, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, để hoạt động này ngày càng phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ rà soát các hoạt động liên quan tới công tác vận chuyển người bệnh cấp cứu và dịch vụ taxi tại các bệnh viện.

Theo đó, đối với các xe cấp cứu, xe cứu thương bệnh viện, phải hoạt động theo quy chế bệnh viện và các quy định của ngành. Đối với các dịch vụ vận chuyển cấp cứu ngoài bệnh viện, đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện, thực hiện theo Quyết định số 01/2008/QĐ-BYT ngày 21/01/2008 của Bộ Y tế về việc ban hành quy chế cấp cứu, hồi sức và chống độc, nên cần phải rà soát điều kiện cấp giấy phép hoạt động của từng xe, từng đơn vị nhằm hạn chế tối đa hiện tượng xe cứu thương “dù”, xe không bảo đảm chất lượng, an toàn cho người bệnh.

Đối với việc vận chuyển người bệnh ra, vào viện nói chung, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo, kiên quyết gỡ bỏ các quy định nội bộ của bệnh viện dẫn đến việc hạn chế tự do lựa chọn dịch vụ vận chuyển người bệnh ra, vào bệnh viện nhưng vẫn phải đi kèm với các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự trong bệnh viện. Bên cạnh đó, phải công khai minh bạch quá trình đấu thầu lựa chọn dịch vụ vận chuyển, công khai giá dịch vụ vận chuyển tới từng khoa, phòng để người bệnh biết.

Đối với công tác bảo đảm an ninh bệnh viện, lực lượng này đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm an ninh trật tự, tài sản của bệnh viện, của người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Tuy nhiên, chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người bệnh không nằm ngoài ảnh hưởng từ hành vi và ứng xử của đối tượng này. “Do vậy trong thời gian tới, qua kênh phản hồi của người bệnh, chúng tôi kiên quyết loại bỏ ra khỏi cơ sở khám, chữa bệnh các đối tượng có hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực gây bức xúc cho người bệnh, các đối tượng có hành vi tiêu cực, liên kết với hãng vận chuyển gây phiền hà cho người bệnh. Đồng thời chuẩn hóa công tác bảo vệ chuyên nghiệp hơn, chỉ đạo bệnh viện đào tạo, cấp chứng nhận về quy tắc ứng xử cho đội ngũ bảo vệ, đặc biệt là bảo vệ từ các công ty hợp đồng, coi đây là điều khoản bắt buộc với các nhân viên bảo vệ làm việc tại bệnh viện. Yêu cầu các bệnh viện gắn camera tại cổng bệnh viện để giám sát quá trình điều hành ra, vào bệnh viện”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

"Việc Bệnh viện Nhi Trung ương ngừng hợp đồng với Công ty Bảo vệ AZ là để các đội bảo vệ khác ở các bệnh viện lấy đó làm gương, để làm thật nghiêm túc, có trách nhiệm. Quan điểm của Bộ Y tế, xe cấp cứu chở bệnh nhân có thể vào bất kỳ bệnh viện nào, ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Các bệnh viện phải có trách nhiệm tiếp đón xe cấp cứu. Trong những trường hợp không phải bệnh lý cấp cứu của mình, cũng phải tổ chức hội chẩn và hướng dẫn phối hợp với các bệnh viện khác để cứu bệnh nhân là số 1”

Nối thành công bàn tay bị chém đứt lìa

Ngày 12.7, bác sĩ Vũ Tuấn Anh, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu T.Ư Quy Hòa (TP.Quy Nhơn, Bình Định) cho biết bệnh viện đã cấp cứu, phẫu thuật thành công cho anh Huỳnh Minh Sang (27 tuổi, H.Sơn Hòa, Phú Yên). Vào trưa 8.7, anh Sang nhập viện trong tình trạng bị choáng nặng do mất nhiều máu, bàn tay phải bị một vết chém đứt phăng các ngón, gần đứt lìa bàn tay, chỉ còn dính lại chút da, cẳng tay cũng bị mẻ xương trụ, đứt gân cơ. Sau khoảng 2 giờ di chuyển từ Phú Yên tới Bệnh viện Da liễu T.Ư Quy Hòa, nạn nhân mất thêm một lượng máu lớn. Ca mổ kéo dài 6 giờ, nạn nhân phải truyền đến 1,25 lít máu. 4 ngày sau mổ, anh Sang đã hết cảm giác chóng mặt, bàn tay không còn tím tái mà chuyển sang hồng ấm; các ngón tay đều đã cử động được nhẹ nhàng. (Thanh niên (trang 2).

 

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang