16 TỈNH, THÀNH PHỐ TĂNG VIỆN PHÍ
Ngày 16/8, liên Bộ Y tế - Tài chính thông báo, việc điều chỉnh viện phí tính thêm chi phí tiền lương đã được áp dụng tại 16 tỉnh, thành phố từ 12/8.
Theo đó, 16 địa phương này hầu hết là các tỉnh vùng núi, có tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt trên 85% do được nhà nước hỗ trợ mua như: Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Sơn La... Riêng Đà Nẵng là thành phố duy nhất nằm trong top này. Cụ thể, viện phí tại 16 tỉnh nói trên đã được tính thêm chi phí tiền lương từ ngày 12/8, tăng thêm khoảng 18% so với trước và chỉ áp dụng cho các bệnh nhân có thẻ BHYT. Những bệnh nhân chưa có thẻ vẫn áp dụng theo mức giá cũ.
Bộ Y tế cho biết thêm, riêng 9 bệnh viện tuyến trung ương đã thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn gồm: Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Phụ sản T.Ư, Nội tiết T.Ư, Mắt T.Ư, Tai mũi họng T.Ư, Răng hàm mặt T.Ư, Răng hàm mặt TP.HCM đã được Bộ Y tế cho phép tính tiền lương vào viện phí từ 1/3/2016.
Theo Bộ Y tế, đúng lộ trình viện phí tính thêm chi phí tiền lương đã được áp dụng từ 1/7 trên toàn quốc nhưng sau cuộc họp với Ban chỉ đạo điều hành giá, liên Bộ Y tế - Tài Chính đã thống nhất chia nhỏ thành 4 đợt để bảo đảm tác động vào CPI dưới 0,6% mỗi đợt. Văn bản Bộ Y tế nói rõ: “Liên Bộ lựa chọn tăng viện phí thời điểm này vì giá xăng dầu đang tiếp tục giảm, lại chưa vào năm học mới nên tránh được tác động cộng hưởng đến CPI của giá dịch vụ giáo dục, hơn nữa CPI hiện đang ở mức thấp (có khả năng âm) nên tăng viện phí chỉ tác động CPI khoảng 0,3%, đảm bảo giữ được lạm phát trong mức cho phép”.
Dự kiến, 3 đợt điều chỉnh còn lại, Bộ Y tế sẽ đề xuất trình Chính phủ và có thông báo sau. Bộ Y tế khẳng định, việc tính thêm lương vào giá gần 1.900 dịch vụ y tế về cơ bản không làm ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ Y tế cho biết, khi tăng viện phí, quỹ BHXH vẫn có khả năng cân đối được đến năm 2017. Sau đó từ 2018 sẽ xem xét việc cân đối quỹ để điều chỉnh mức đóng cho phù hợp. Luật pháp quy định tối đa 6%, nhưng hiện nay mới đóng 4,5% lương. (Tiền phong (trang ), Sài gòn giải phóng (trang 1).
QUY TRÌNH QUẢN LÝ LẠC HẬU TẠO KẼ HỞ CHO TRỤC LỢI BẢO HIỂM Y TẾ
Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) ở 37 tỉnh, thành phố đã bội chi hơn 3.400 tỷ đồng chỉ trong vòng 8 tháng đầu năm 2016. Vì sao lại có thực trạng này và giải pháp nào bảo đảm an toàn Quỹ?
Theo TS. Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2016, tổng quỹ khám chữa bệnh (KCB) BHYT thu được 28.220 tỷ đồng, trong khi tổng chi KCB tại tỉnh là 30.372 tỷ đồng, vượt quỹ KCB được giao gần 3.404 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 42% dự toán Chính phủ giao.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
TS. Phạm Lương Sơn cho biết những hành vi trục lợi quỹ BHYT xảy ra ở cả người tham gia BHYT lẫn cơ sở KCB, ở tất cả các tuyến, cả cơ sở y tế công và tư với những hình thức và mức độ khác nhau.
Người không mua BHYT mượn thẻ BHYT đi KCB, tẩy xóa thẻ BHYT đã hết hạn; sử dụng giấy chuyển tuyến giả, KCB tại nhiều nơi trong thời gian ngắn để lấy thuốc về bán, thậm chí lấy thuốc bổ, kháng sinh về để cho… cá ăn.
Nhiều cơ sở y tế lập hồ sơ bệnh án khống để thanh toán BHYT, bệnh nhân đã ra viện nhưng vẫn chỉ định để lĩnh thuốc cho cá nhân; xã hội hóa trang thiết bị không đúng quy định…
Gần đây, tình trạng chỉ định sử dụng dịch vụ quá mức, thống kê sai tên, chủng loại, số lượng dịch vụ kỹ thuật được diễn ra phổ biến. Trong năm 2016, một hình thức trục lợi quỹ là thu gom người có thẻ BHYT đến các cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe.
Trước tình hình trên, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc bội chi quỹ BHYT sẽ làm ảnh hưởng đến cân đối quỹ BHYT, mất công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân thông qua KCB BHYT.
Đặc biệt, theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên nhân của tình trạng lạm dụng quỹ BHYT là do nhận thức của người dân về trách nhiệm xã hội; do y đức của nhân viên y tế; vai trò của chính quyền các cấp còn hời hợt.
Vì thế, phải nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề BHYT là vì cộng đồng, cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ y tế, của chính quyền. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xủ lý sai phạm.
Quản lý dữ liệu chặt chẽ, kịp thời theo dõi biến động chuyển đi, chuyển đến của bệnh nhân, tăng cường kiểm soát tại các cơ sở y tế, nhất là bệnh nhân điều trị nội trú nhưng vắng mặt không lý do... là một trong nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn hành vi trục lợi quỹ BHXH - ông Lợi cho biết. (Công an Nhân dân (trang 4), An ninh Thủ đô (trang 4).
XỬ LÝ CHẤT THẢI – VẤN ĐỀ CẤP THIẾT NHẤT TẠI CÁC BỆNH VIỆN CẦN THƠ
Ngày 11/10, UBND TP Cần Thơ làm việc với đoàn khảo sát của Bộ Y tế về tình hình quản lý chất thải y tế và thực hiện cơ sở y tế xanh – sạch – đẹp.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố hiện có 129 cơ sở y tế, gồm có 25 bệnh viện, trong đó có 18 bệnh viện trực thuộc Sở , 4 bệnh viện thuộc Bộ, ngành, 3 bệnh viện ngoài công lập, 02 Trung tâm Y tế quận, huyện, 15 cơ sở thuộc hệ dự phòng, 01 cơ sở đào tạo y dược và 85 trạm y tế.
Trong 9 tháng đầu năm, ngành đã thực hiện tập huấn/đào tạo được 58 lớp về công tác quản lý chất thải y tế cho cán bộ công nhân viên; Tập huấn/đào tạo được 51 lớp về công tác quản lý chất thải y tế cho cán bộ công nhân viên với 1.569 người tham dự…
Hiện nay, trên địa bàn Cần Thơ có 7 lò đốt chất thải rắn y tế 02 buồng tại các bệnh viện. Tuyến xã phường có 65 trạm y tế được trang bị lò đốt chất thải rắn 1 buồng, còn lại hợp đồng thu gom vận chuyển đến các bệnh viện để xử lý theo quy định. 100% các bệnh viện (BV) thực hiện phân loại, thu gom và vận chuyển rác theo đúng quy định.
Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch TP Cần Thơ cho biết: Vấn đề xử lí chất thải y tế là một trong những yêu cầu cấp thiết nhất hiện nay. Hiện nay TP Cần Thơ đã phối hợp với một đơn vị trong việc xử lí chất thải rắn ở quận Ô Môn nhưng không đạt kết quả cao. Bãi rác chôn lấp tại huyện Cờ Đỏ cũng đang quá tải, thành phố đã cho xây dựng một bãi rác mới ở Thới Lai.
Ông Tâm cũng yêu cầu Sở Y tế làm tham mưu để sớm xử lí, chấn chỉnh các cơ sở chưa đảm bảo tốt việc xử lí chất thải y tế. Đồng thời, đề nghị các sở, ban, ngành của TP Cần Thơ phối hợp bảo trì, bảo quản, tu sữa các thiết bị, máy móc trong việc vận hành xử lí chất thải y tế, tránh tình trạng hư thay mới, nhằm tiết kiệm nguồn ngân sách. Đặc biệt, đề ra các tiêu chí hướng tới giải quyết chất thải y tế lỏng.
Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế 9 đánh giá TP Cần Thơ cũng đã linh hoạt đã phối hợp xử lí với các đơn vị ngoài hoặc xử lí tập trung cụm. Nhưng vẫn còn tồn tại vấn đề xử lí chất thải rắn đối với các trạm y tế xã phường, các phòng khám tư nhân.
Ông Long cũng đề nghị phải dừng hoạt động các lò đốt 1 buồng tại trạm y tế xã, phường và đưa ra kế hoạch thu gom để xử lí. Theo quy chuẩn Việt Nam tối thiểu phải có hai buồng đốt, một buồng đốt sơ cấp và một buồng đốt thứ cấp mới đảm về môi trường… (Công an nhân dân (trang 7), Nhân dân (trang 5).
KỶ LUẬT CÁN BỘ Y TẾ TỪ CHỐI SƠ CỨU NẠN NHÂN
Cho rằng cơ sở y tế xã thiếu vật dụng y tế bà Hà Thị Vân điều dưỡng viên Trạm Y tế xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn không thăm khám và cứu chữa cho một người vừa bị tai nạn giao thông (chi tiết xem báo). (Thanh niên (trang 15):
KHÓ KHĂN TRONG TRIỂN KHAI KHÁM, CHỮA BỆNH BHYT VÀO NGÀY NGHỈ
Chưa như mong đợi của nhiều người, sau một năm quy định khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) vào ngày nghỉ, ngày lễ có hiệu lực, vẫn có ít cơ sở y tế triển khai hình thức KCB này. Nguyên nhân do các cơ sở y tế băn khoăn về nhân lực, quy mô tổ chức, mức thu viện phí… để hài hòa quyền lợi của người bệnh và nhân viên y tế. |
Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BYT-BTC (có hiệu lực từ 1-9-2015) cho phép các cơ sở y tế được tổ chức KCB BHYT vào ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, thay thế cho quy định chỉ được giới hạn triển khai tại những bệnh viện bị quá tải trước đó. Theo đó, cơ sở y tế có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn để KCB và công khai những khoản chi phí ngoài phạm vi được hưởng BHYT, người bệnh phải tự chi trả phần chi phí vượt trội này. Người có thẻ BHYT được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT như ngày thường. Có thể nói, người tham gia BHYT, nhất là những người lao động làm việc theo ca, giờ hành chính, học sinh, sinh viên đã rất vui mừng khi quy định trên được ban hành bởi yếu tố thuận lợi về thời gian và giảm bớt tiền phải tự chi trả trong KCB. Đó cũng là bước tiến trong chính sách y tế vì quyền lợi của người tham gia BHYT. Sau hơn một năm triển khai, đến nay không nhiều cơ sở y tế công lập triển khai KCB BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ, một số cơ sở chỉ tổ chức nửa ngày hoặc cả ngày thứ bảy. Số lượng cơ sở KCB tư nhân triển khai nhiều hơn. Tại những bệnh viện triển khai, người dân đã cảm nhận được sự thuận lợi trong KCB. Ông Hoàng Văn Lộc ở Lạng Sơn cho biết, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Lạng Sơn mới triển khai KCB BHYT vào ngày nghỉ trong mấy tháng gần đây. Khi đến khám, ông được cấp phát thuốc BHYT như ngày thường và không bị ngắt quãng việc châm cứu, xoa bóp… trong liệu trình điều trị như trước đây. Từ thực tế triển khai khám BHYT vào thứ bảy tại Bệnh viện Hữu Nghị, Phó Giám đốc Nghiêm Trần Dũng cho biết, đối tượng đến khám BHYT ngày thứ bảy tại bệnh viện rất nhiều người là cán bộ đương chức vì ngày thường bận đi làm. Người bệnh được rút ngắn thời gian chờ đợi, bác sĩ cũng đỡ áp lực đông người bệnh hơn so với ngày thường. Trưởng khoa Khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai Viên Văn Đoan cho rằng, không chỉ thuận tiện cho người bệnh mà KCB BHYT ngày thứ bảy đã tăng thêm thu nhập cho bác sĩ, y tá, nhân viên phục vụ của bệnh viện; đồng thời, hạn chế được tình trạng bác sĩ “tuồn” người bệnh ra phòng khám tư, bệnh viện tư. Ngành bảo hiểm xã hội cũng dễ dàng mở rộng đối tượng tham gia BHYT vì người dân nhận thấy ngày càng có nhiều quyền lợi trong KCB… Tuy nhiên, khó khăn trong triển khai khám BHYT ngày nghỉ là vấn đề nhân lực và mức tiền viện phí. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, đại diện Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, bệnh viện có thể đáp ứng được trang thiết bị, cơ sở vật chất nhưng không thể đủ nhân lực để trực thêm vào hai ngày thứ bảy, chủ nhật. Nhân viên y tế cần phải đi học thêm hoặc nghỉ ngơi tái tạo sức lao động. Cũng với lý do này, lãnh đạo Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho biết, bệnh viện không thể KCB BHYT đại trà vào ngày nghỉ vì bác sĩ đã quá mệt sau năm ngày làm việc. Với nhân lực hiện nay, bệnh viện chỉ duy trì được kíp trực vào ngày nghỉ. Việc huy động cán bộ y tế đi làm vào ngày nghỉ còn trái Luật Lao động vì theo quy định của Bộ luật Lao động, người lao động có quyền làm việc không quá 8 giờ trong ngày và không quá 48 giờ trong một tuần. Do đó, ở những bệnh viện triển khai KCB BHYT ngày nghỉ, ngày lễ không thể bắt buộc cán bộ, nhân viên y tế đi làm, mà chỉ vận động, thỏa thuận giữa lãnh đạo bệnh viện và cán bộ, nhân viên y tế. Một vướng mắc khác là chế độ thu viện phí vào ngày nghỉ, ngày lễ. Làm thêm vào thứ bảy, chủ nhật thì cán bộ, nhân viên y tế phải được hưởng chế độ làm thêm giờ. Vì vậy, phải có một mức giá viện phí phù hợp để không chỉ bảo đảm quyền lợi người bệnh mà còn đủ để chi trả chế độ làm ngoài giờ của nhân viên y tế. Một số bệnh viện đề nghị Bộ Y tế cần có hướng dẫn bệnh viện thu theo giá dịch vụ hay giá BHYT như ngày thường. Thông tư 16/2015/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn chung chung là bệnh viện phải công khai giá để người bệnh biết phải chi trả ngoài mức chi trả của BHYT nhưng lại không biết thu mức giá nào, cho nên không biết người bệnh phải chi trả thêm bao nhiêu. Nhân viên y tế sẽ không mặn mà đi làm vào ngày nghỉ nếu họ không biết chế độ của mình trong những ngày làm thêm như thế nào. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay các bệnh viện tổ chức KCB BHYT ngày nghỉ có mức thu khác nhau, có bệnh viện không thu thêm bất cứ khoản nào mà duy trì giá viện phí như ngày thường nhưng các cơ sở y tế tự chủ về tài chính thì thu mức giá dịch vụ, người bệnh phải trả tiền chênh lệch giữa giá dịch vụ và giá BHYT. Việc duy trì mức thu như ngày thường có lợi cho người bệnh nhưng các bệnh viện khó duy trì lâu dài vì không có nguồn thu để trả chế độ làm ngoài giờ cho bác sĩ, y tá. Việc tổ chức KCB BHYT ngày thứ bảy, chủ nhật nơi có, nơi không đã phát sinh những băn khoăn cho người bệnh. Chị Phạm Thu Hằng ở quận Ba Đình cho biết, khi khám BHYT ở phòng khám tư nhân chị được bác sĩ hẹn nếu có bất thường đến khám lại nhưng khi đến khám lại (không phải là khám cấp cứu) đúng ngày thứ bảy thì người bệnh lại không được hưởng chế độ BHYT do phòng khám này chưa đăng ký khám BHYT vào những ngày nghỉ. Hoặc có trường hợp chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên vào ngày nghỉ, người bệnh cũng không được hưởng BHYT nếu bệnh viện không tổ chức KCB BHYT vào ngày nghỉ đó. Do nhân lực có hạn, phần lớn các bệnh viện chỉ bố trí được một vài bộ phận đi làm như phòng khám, phòng phát thuốc… cho nên, chất lượng KCB không được như ngày thường, trong khi BHYT vẫn thanh toán như ngày thường. Trong khi mức đóng BHYT của người bệnh như nhau nhưng rõ ràng quyền lợi hưởng của người bệnh không bằng nhau do phụ thuộc vào cơ sở y tế có KCB BHYT vào ngày nghỉ hay không. Để có thêm nhiều cơ sở y tế tổ chức khám BHYT ngày lễ, ngày nghỉ, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tham gia BHYT, Bộ Y tế cần có hướng dẫn về mức trần giá viện phí đối với KCB ngày nghỉ và vấn đề bố trí nhân lực, khoa phòng để bảo đảm sự đồng bộ và chất lượng KCB ngày nghỉ như ngày thường. Từ đó, các bệnh viện có cơ sở thực hiện thống nhất và người bệnh hiểu quy định để không thắc mắc. |
Việc tổ chức KCB BHYT vào ngày lễ, ngày nghỉ là không bắt buộc đối với tất cả các cơ sở KCB. Khi tổ chức KCB vào ngày nghỉ theo hình thức làm thêm giờ thì phải trả thêm tiền phụ cấp làm thêm giờ cho nhân viên y tế, mà phụ cấp này chưa có trong cơ cấu giá thì người bệnh phải trả khoản chi phí này, cơ quan BHXH chỉ thanh toán theo mức giá đã quy định. Cơ sở KCB hoàn toàn chủ động trong việc tổ chức KCB BHYT vào ngày nghỉ. Khi đã tổ chức thì phải bảo đảm các điều kiện để đáp ứng việc KCB của người có thẻ BHYT trong phạm vi chuyên môn của bệnh viện. Điều này có nghĩa là phải có cán bộ để làm việc tại khoa khám bệnh, phòng xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, cấp phát thuốc... (Nhân dân (trang 5).
VN CÒN 2 TRIỆU TRẺ EM SUY DINH DƯỠNG
Đại diện Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết VN còn khoảng 2 triệu bé dưới 5 tuổi không đạt cao chuẩn theo tuổi và có nguy cơ sẽ tiếp tục thấp còi khi trưởng thành. Hiện VN cùng là một trong số 5 quốc gia có chiều cao bình quân người trưởng thành ở mức thấp nhất của thế giới (chi tiết xem báo). (Tuổi trẻ (trang 14).
ĐIẾC ĐỘT NGỘT TĂNG CAO
Ba tháng gần đây, số người bị điếc đột ngột đến điều trị tại BV Tai mũi họng TP. HCM tăng cao với gần 100 ca/tháng, trong khi những tháng trước đó chỉ có vài chục ca/tháng (chi tiết xem báo). (Tuổi trẻ (trang 14).