Ung thư, không chỉ là gánh nặng y tế
Không chỉ có tỉ lệ mắc ung thư cao nhất thế giới, tỉ lệ gia tăng chóng mặt (50% trong vòng 10 năm), Việt Nam còn là nước có tỉ lệ tử vong sau chẩn đoán ung thư rất cao (75%).
Nguyên nhân là do đa phần bệnh nhân ung thư ở Việt Nam đều được phát hiện ở giai đoạn muộn, vì vậy chi phí điều trị tăng cao trong khi khả năng cứu chữa rất ít dù các bác sĩ đã tích cực điều trị. Vì vậy, ở Việt Nam, ung thư không chỉ là gánh nặng y tế mà còn là gánh nặng rất lớn về kinh tế - xã hội.
Theo số liệu của Bộ Y tế thì sau 10 năm (2000-2010) số ca mắc ung thư ở Việt Nam đã tăng khoảng 50% (từ 68.810 ca lên 126.307 ca) và dự báo sẽ tăng thêm 50% vào năm 2020 với 190.000 ca mắc. Thống kê từ Nghiên cứu chi phí điều trị ung thư tại các quốc gia Đông Nam Á (ACTION), được tiến hành tại 8 quốc gia với 9.513 bệnh nhân (Việt Nam chiếm 20% bệnh nhân) trong giai đoạn 2012-2014, cho thấy bệnh nhân ung thư Việt Nam hiện đang phải gánh chịu những hệ lụy tài chính nghiêm trọng và tỉ lệ tử vong cao lên đến 55% trong vòng 1 năm sau khi được chẩn đoán.
Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất được chỉ ra là do chẩn đoán muộn. Theo nghiên cứu gần 2.000 bệnh nhân ung thư tại 3 bệnh viện là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM thì chỉ 5% bệnh nhân được phát hiện bệnh ở giai đoạn 1, 19% ở giai đoạn 2, đây là những giai đoạn điều trị bệnh có hiệu quả, nhưng đáng tiếc tới 76% bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn 3 và 4. Nghiên cứu cũng cho thấy 41% bệnh nhân sống sót sau 1 năm chẩn đoán phải đối mặt với hệ lụy tài chính từ chi phí điều trị.
Để phát hiện ung thư sớm, theo các chuyên gia y tế, người dân cần có ý thức khám sàng lọc, tối thiểu là 1-2 lần khám sàng lọc/năm ngay từ khi chưa có biểu hiện bệnh. Bởi khi đã có các biểu hiện như sờ thấy u, u đã di căn thì chi phí điều trị tăng cao mà bệnh vẫn
không khỏi.
Thu nhập thấp và trình độ học vấn thấp có liên quan mật thiết đến việc gia tăng tỉ lệ tử vong và thảm họa tài chính do ung thư. Ngoài ra, bệnh nhân thuộc diện không có Bảo hiểm y tế cũng có nguy cơ đối mặt với hệ lụy tài chính cao hơn so với những người có bảo hiểm. Bệnh nhân có Bảo hiểm y tế được chẩn đoán sớm sẽ có cơ hội sống còn cao và tỉ lệ gặp phải hệ lụy tài chính thấp do được miễn giảm một phần chi phí điều trị. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia y tế, việc giảm tỉ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam còn rất nan giải.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phòng chống ung thư Trần Văn Thuấn cho rằng Việt Nam chỉ có thể giảm tình trạng này nếu Bảo hiểm y tế chi trả phí sàng lọc, phát hiện bệnh sớm. Tuy nhiên, theo PGS. TS. Mai Trọng Khoa, PGĐ Bệnh viện Bạch Mai, Chủ nhiệm khoa Y học hạt nhân và điều trị u bướu cho rằng sẽ rất khó để chi trả đại trà vì Quỹ bảo hiểm không chịu nổi. Nhưng có thể học tập mô hình một số quốc gia xung quanh, người có cha mẹ, anh chị em ruột bị bệnh ung thư; người làm việc trong môi trường có nguy cơ ung thư cao... sẽ được bảo hiểm chi trả.
Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng sắp công bố một chương trình đặc biệt: có thể cung cấp miễn phí thuốc điều trị ung thư gan, thận thế hệ mới (thuốc nhắm đích) Nexavar cho người nghèo có chỉ định điều trị bằng thuốc này. Đây là thuốc điều trị có hiệu quả cho người bị ung thư gan, thận, nhưng giá thuốc quá cao nên rất ít bệnh nhân có thể tiếp cận được (trung bình mỗi bệnh nhân phải uống 4 viên/ngày và mỗi viên có giá trên 600.000 đồng, bệnh nhân có bảo hiểm được Bảo hiểm y tế tế chi trả 50%
chi phí).
Toàn bộ gói hỗ trợ này kéo dài trong 2 năm và trị giá 160 tỉ đồng. Ngoài Nexavar, hiện còn 1.500 người ung thư máu được dùng thuốc nhắm đích Glivec miễn phí và sắp tới sẽ có một số chương trình tương tự để cung cấp thuốc cho người nghèo. (An ninh thủ đô trang 8)
Gần Tết, cẩn thận vào viện vì liên cầu lợn
Mùa cưới hỏi, Tết Nguyên đán, lễ hội đầu năm đang đến với những bữa tiệc dồn dập, kéo theo đó là nguy cơ hàng loạt dịch bệnh do gia súc, gia cầm không an toàn gây nên. Trong đó, một bệnh vô cùng nguy hiểm xuất phát từ thói quen ăn tiết canh và thịt sống của nhiều người, đó là bệnh liên cầu khuẩn luôn có xu hướng tăng mạnh vào cuối năm.
Giữa tháng 11-2015, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 2 bệnh nhân ở Ba Vì mắc liên cầu khuẩn lợn, nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, toàn thân nổi ban hoại tử. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng huyết có sốc nhiễm trùng nặng, suy gan, suy thận và chảy máu dạ dày, phải đặt máy thở, dùng thuốc vận mạch, trợ tim và lọc máu. Bệnh nhân T. (32 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) dù đã được điều trị tích cực nhưng đến nay tình trạng bệnh nhân vẫn hết sức nguy kịch, chưa thể tiên lượng được tình hình. Người nhà cho biết, trước đó anh T. cùng một nhóm bạn đã ăn thịt một con lợn sữa chết bởi cho rằng có thể lợn con chết do lợn mẹ đè phải.
Thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thì tính đến tháng 11-2015, cả nước đã có 82 ca mắc mới bệnh liên cầu khuẩn lợn, trong đó có 10 ca tử vong. Riêng từ tháng 8 đến tháng 10-2015, cả nước đã có 5 ca tử vong, trong tổng số 32 ca mắc mới bệnh liên cầu khuẩn lợn. Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, đã có 17 trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn, 2 trong số đó đã tử vong là bệnh nhân ở Mỹ Đức và Hà Đông. Khoảng 70% trong số bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh. Các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, do tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh.
Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh liên cầu khuẩn lây từ lợn bệnh sang người, không thành dịch nhưng bệnh này chủ yếu xảy ra vào mùa đông - xuân vì cuối năm, rất nhiều đám cưới hỏi, Tết, lễ hội. Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ lợn. Người bị bệnh có biểu hiện đa dạng nhưng hay gặp nhất là 2 thể viêm màng não và sốc nhiễm khuẩn.
Bệnh thường để lại biến chứng nặng và có thể tiến triển nhanh thành suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong (7% bệnh nhân tử vong). Trong trường hợp bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, khoảng 40% bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn có biểu hiện giảm thính lực, thậm chí điếc vĩnh viễn. Người mắc liên cầu khuẩn thường có thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Khi sốt cao (40-41 độ C), bệnh nhân xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ... có thể khó thở.
Bác sĩ Ngô Văn Tuyến, Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế Dự phòng) cho biết: Nhiều người quan niệm lợn gia đình nuôi, không ăn chất tăng trọng là thịt lợn sạch, có thể ăn tiết canh. Nhưng thực tế, bất kể giống lợn nào, nuôi nấng ra sao thì vẫn có một tỷ lệ nhất định mang vi khuẩn liên cầu. Bởi thông thường, vi khuẩn liên cầu thường cư trú ở vùng họng con lợn mà không gây bệnh (lợn lành mang trùng) và chỉ gây bệnh ở những con lợn yếu. Với lợn nhiễm liên cầu khuẩn, trong máu và thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn.
Vì vậy, cách tốt nhất để phòng tránh bệnh liên cầu khuẩn là tránh xa các món tiết canh, thức ăn chế biến từ thịt lợn chưa nấu chín. Trong chăn nuôi, giết mổ cũng cần bảo hộ đặc biệt cẩn trọng vì vi khuẩn liên cầu rất dễ lây nếu tiếp xúc với vùng da bị thương.( An ninh thủ đô trang 8)
Chất lượng khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh
Năm 2015 để lại dấu ấn quan trọng trong đổi mới từ quan điểm đến hành động của ngành y tế, đó là việc xác định “lấy người bệnh làm trung tâm” trong điều trị và chăm sóc. Nhiều giải pháp cụ thể được triển khai, nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB), đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Giảm quá tải và cam kết không nằm ghép
Ngay đầu năm 2015, 13 bệnh viện tuyến trung ương ký cam kết không để người bệnh phải nằm ghép. Nhiều ý kiến hoài nghi về tính khả thi, nhưng thực tế, sau một năm triển khai, những cam kết đó dần trở thành hiện thực. Nhưng để có sự cam kết đó, các bệnh viện đã phải nỗ lực rất nhiều, từ tổ chức lại quy trình KCB, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh đến kết hợp các bệnh viện trên địa bàn. Bên cạnh đó, các bệnh viện tăng cường kiểm tra giám sát, đưa nội dung báo cáo tình trạng nằm ghép vào trong giao ban hằng ngày của từng khoa và toàn bệnh viện; rút ngắn ngày điều trị nội trú trung bình một cách hợp lý; linh hoạt điều động, bố trí thêm giường bệnh giữa các khoa, giường bệnh tạm; chia sẻ dùng chung giường đối với những khoa cùng tầng hoặc cùng khu vực… PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý KCB (Bộ Y tế) cho rằng: Giảm tải bệnh viện và thực hiện cam kết không nằm ghép là nhiệm vụ khó khăn và thách thức. Ở đó, sự quyết tâm của Đảng ủy, lãnh đạo, các khoa phòng và từng cán bộ nhân viên bệnh viện là yếu tố quyết định sự thành công trong việc giảm tải, nâng cao chất lượng KCB. Để thực hiện mục tiêu giảm quá tải bệnh viện, Bộ Y tế thường xuyên hỗ trợ, đồng thời giám sát, kiểm tra thường quy và đột xuất; áp dụng chế độ khen thưởng, khiển trách kịp thời đối với các tập thể thực hiện tốt cũng như chưa tốt… Bộ yêu cầu các bệnh viện chưa thực hiện cam kết cần có kế hoạch, lộ trình giảm nằm ghép, từ giảm số khoa nằm ghép đến giảm nằm ghép toàn bệnh viện.
Kết quả khảo sát cho thấy, tình trạng quá tải khu vực khám bệnh của các bệnh viện đã được cải thiện đáng kể. Quy trình khám bệnh giảm từ 12 đến 14 bước xuống còn 4 đến 8 bước (tùy theo loại hình khám bệnh); giảm trung bình gần 50 phút trên một lượt khám bệnh. Tại khu vực nội trú, tình trạng quá tải đang từng bước được khống chế, 58% số bệnh viện tuyến trung ương trước đây có tình trạng nằm ghép, hiện đã và đang giảm số khoa nằm ghép; 47% số bệnh viện tuyến tỉnh trước đây có tình trạng nằm ghép, cũng đã và đang giảm tỷ lệ. Có 90% số bệnh viện tuyến T.Ư đã ký cam kết không để người bệnh nằm ghép. Tại TP Hồ Chí Minh, 29 trong số 31 bệnh viện tuyến cuối cam kết không để người bệnh nằm ghép. Đáng chú ý, 63% số bệnh viện tuyến trung ương đang có xu hướng giảm công suất sử dụng giường bệnh, trong khi đó, 25% số bệnh viện tuyến huyện có xu hướng tăng công suất sử dụng giường bệnh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có một số bệnh viện tuyến cuối còn tình trạng nằm ghép cao, như: Chợ Rẫy, Bạch Mai, K, Phụ sản T.Ư, Phổi T.Ư... Thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh việc thực hiện ký cam kết không để người bệnh nằm ghép, Bộ Y tế sẽ giao trách nhiệm giải quyết tình trạng nằm ghép cho giám đốc mỗi bệnh viện.
Cùng với ký cam kết không để người bệnh nằm ghép, ngành y tế quyết liệt triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh (BVVT) với ba mục tiêu cụ thể: nâng cao trình độ, chuyên môn cho bệnh viện tuyến dưới; giúp người dân được sử dụng kỹ thuật cao ngay tại địa phương; đẩy mạnh giảm tải cho tuyến trên. Đến nay, mạng lưới BVVT đã được thiết lập chặt chẽ giữa 15 BV tuyến trên là hạt nhân và 53 BV tuyến dưới tại gần 40 tỉnh, thành phố là vệ tinh, đối với năm chuyên khoa: ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Ngoài các tài liệu hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, các BV hạt nhân đã tổ chức hàng trăm lớp đào tạo cho 3.891 lượt cán bộ BVVT; chuyển giao cho bệnh viện tuyến dưới 293 lượt kỹ thuật... Bên cạnh đó, các BV đầu ngành, như Việt Đức, Bạch Mai cũng tiến hành các loại hình đào tạo, hội chẩn từ xa, phản hồi, giúp nâng cao năng lực cho các BVVT. Nhờ được chuyển giao kỹ thuật, nhiều BVVT đã thực hiện tốt các kỹ thuật khó, người bệnh được điều trị ở tuyến dưới mà tỷ lệ chuyển tuyến của các BVVT giảm khoảng 37,5%. Kết quả đó góp phần giúp giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên và làm tăng uy tín của bệnh viện tuyến dưới.
Từ cách làm và hiệu quả mà đề án BVVT mang lại, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế nhân rộng mô hình này. Theo đó, đến tháng 12-2016, các tỉnh, thành phố phải triển khai BVVT. Việc đẩy mạnh thực hiện BVVT, được coi là một trong những giải pháp căn bản để đào tạo đội ngũ cán bộ y tế chất lượng cao cho tuyến dưới, đồng thời phát huy hết hiệu quả, hiệu suất của các bệnh viện hiện có. Bộ Y tế sẽ tiếp tục lựa chọn, bổ sung các bệnh viện tuyến trung ương, BV tuyến cuối có trình độ chuyên môn giỏi, kỹ thuật cao, đủ năng lực làm bệnh viện hạt nhân. Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất đơn vị đào tạo thực hành của bệnh viện hạt nhân, bố trí đủ chuyên gia, cán bộ y tế có năng lực để thực hiện tốt việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới... Bộ cũng đang nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào Đề án BVVT giai đoạn 2016-2020 các chuyên khoa quá tải trầm trọng như: Nội tiết, Thần kinh, Hồi sức cấp cứu chống độc...
Củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh
Ngành y tế đang tích cực triển khai kế hoạch “đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, để mỗi cá nhân, nhân viên y tế xây dựng chân dung, hình ảnh người thầy thuốc tận tâm vì công việc. Đổi mới lần này trước hết là đổi mới về kỹ năng giao tiếp, theo hướng “người bệnh đến đón tiếp niềm nở; người bệnh ở thì chăm sóc tận tình; người bệnh về phải dặn dò chu đáo”. Việc đổi mới được ngành y tế xác định là một trong những đột phá, để củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh, sau khi ngành triển khai một loạt chính sách đồng bộ về đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới cơ chế tài chính, bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng KCB.
Đến nay, việc ký cam kết và triển khai “đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” được thực hiện tại tất cả bệnh viện ở các vùng, miền cả nước, đem lại những hiệu quả tích cực đáng khích lệ, phản ánh bức xúc của người dân khi đi KCB giảm dần. Có thể nói, việc ký cam kết là áp lực, nhưng cũng là động lực để mỗi cán bộ y tế phải sáng tạo, thay đổi tư duy, hướng tới sự hài lòng của người bệnh nhiều hơn.
Vụ trưởng Tổ chức - Cán bộ (Bộ Y tế) Phạm Văn Tác cho rằng, cán bộ y tế cần có sự thay đổi nhận thức, chuyển từ “ban ơn” trước đây sang phục vụ theo cơ chế dịch vụ, phải tôn trọng người bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần thay đổi nhận thức, vì họ là khách hàng, có quyền yêu cầu cán bộ y tế một cách hợp lý để nhận được sự chăm sóc, điều trị tốt nhất. Khi cán bộ y tế thực hiện tốt nhiệm vụ và người bệnh hợp tác tốt, tiến tới cả hai bên đều hài lòng lẫn nhau, chắc chắn sẽ không còn khoảng cách giữa người bệnh với thầy thuốc khi giao tiếp, ứng xử.
Đến nay, đã có hơn 80 bệnh viện trong cả nước ký cam kết “đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; 31 tỉnh, thành phố thành lập ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch để triển khai đổi mới phong cách, thái độ cán bộ y tế trên địa bàn. Bộ Y tế cho biết, trong nửa đầu năm 2016 sẽ hoàn thành việc ký cam kết ở tất cả bệnh viện trong cả nước. Nhằm tạo sự chuyển biến và đi vào thực chất, Bộ trưởng Y tế vừa quyết định thành lập tám đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế. Ngoài ra, tới đây các nội dung đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế sẽ được đưa vào chương trình học tập của sinh viên các trường đào tạo cán bộ y, dược.
Ngày nay, tất cả các ngành dịch vụ đều tuân theo quy luật khách hàng và người cung cấp dịch vụ cho khách hàng, khách hàng có quyền quyết định sử dụng dịch vụ mà người cung cấp đưa đến. Với ngành y tế, người thầy thuốc phục vụ người bệnh cũng phải tuân thủ theo nguyên tắc làm sao để hai bên cùng hài lòng. Cho nên, mỗi cán bộ y tế phải xem việc đổi mới phong cách, thái độ vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ và cũng là quyền lợi. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị, các cấp ủy đảng chính quyền và mỗi người dân, người bệnh cùng vào cuộc, giám sát, giúp cán bộ y tế, để cả hai bên đều hài lòng lẫn nhau. Mục tiêu cuối cùng là sức khỏe người bệnh được chăm sóc, người bệnh hài lòng, bác sĩ cũng hài lòng.
Trong nghiên cứu độc lập cho thấy, có từ 30 đến 60% số người bệnh điều trị ở tuyến cuối tại các bệnh viện tuyến trung ương và TP Hồ Chí Minh có thể điều trị ở tuyến dưới. Vì vậy, người dân cần tạo thói quen KCB ở tuyến gần nhất. Bộ Y tế sẽ chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ để chất lượng ở các bệnh viện tuyến dưới ngày càng cao.( Nhân dân trang 5)
Chậm đóng Bảo hiểm xã hội, y tế bị phạt lãi gấp đôi
Từ ngày 15-1-2016, doanh nghiệp, tổ chức chậm đóng Bảo hiểm Xã hội (BHXH), Bảo hiểm Y tế (BHYT) sẽ bị phạt lãi gấp đôi. Đây là nội dung trong Quyết định 60/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính về BHXH, BHYT, Bảo hiểm Thất nghiệp (BHTN).
Theo Quyết định này: Trường hợp chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 2 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố năm trước liền kề tính trên số tiền và thời gian chậm đóng. Trường hợp lãi suất liên ngân hàng năm trước liền kề không có kỳ hạn 9 tháng thì áp dụng theo mức lãi suất của kỳ hạn liền trước kỳ hạn 9 tháng. Trường hợp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng, tiền hưởng BHXH, BHTN từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư Quỹ BHXH, BHTN bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng… Trong thời hạn 15 ngày đầu của tháng 1 hằng năm, BHXH Việt Nam có văn bản thông báo mức lãi suất bình quân theo tháng trên cơ sở mức lãi suất bình quân, quy định gửi cơ quan BHXH trực thuộc, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an để thống nhất thực hiện.( Hà Nội mới trang 5)
Phòng chống ung thư: Cuộc chiến của cộng đồng
Bệnh ung thư đang là vấn đề quốc gia có ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của xã hội khi người mắc bệnh tiếp tục gia tăng, việc điều trị khó khăn, tốn kém... Tại hội thảo phối hợp đa ngành trong phòng chống ung thư vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện Bộ Y tế nhận định: Nếu không hành động ngay từ bây giờ, ung thư thực sự sẽ trở thành gánh nặng không chỉ cho bệnh nhân mà còn cho toàn xã hội và nền kinh tế Việt Nam.
Cơ sở điều trị quá tải
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, nếu như năm 2000, cả nước mới có 3 bệnh viện (BV) ung bướu, 14 khoa ung bướu thì đến năm 2015 đã có 6 BV ung bướu và 50 trung tâm, khoa và đơn vị ung bướu, nhưng chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu điều trị. 2 BV đầu ngành về ung bướu là BV K trung ương và BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh dù được mở rộng, tăng số giường bệnh nhưng vẫn luôn trong tình trạng quá tải.
Không chỉ cơ sở điều trị, cán bộ y tế chuyên ngành ung thư hiện nay cũng thiếu trầm trọng. Giám đốc BV K trung ương Bùi Diệu cho biết, nhân lực trong mạng lưới phòng chống ung thư mới đáp ứng được 60% nhu cầu. Theo nhu cầu tối thiểu cần 1,1 cán bộ/giường bệnh nhưng hiện BV đầu ngành về ung bướu như BV K chỉ mới đạt 0,5-0,6 cán bộ/giường bệnh. Như vậy, BV K còn thiếu 50% cán bộ mới đáp ứng đủ nhu cầu điều trị của người bệnh.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê thừa nhận, việc chẩn đoán và điều trị ung thư ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế do nguồn kinh phí dành cho công tác phòng, chống căn bệnh này không nhiều. Bên cạnh đó, việc chẩn đoán sai về ung thư vẫn còn khá phổ biến. Đặc biệt là các cơ sở y tế chuyên khoa luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân...
Tử vong vì... thiếu hiểu biết
PGS.TS Trần Văn Thuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư quốc gia, Phó Giám đốc BV K cho biết, tỷ lệ mắc ung thư đang gia tăng ở cả thế giới và Việt Nam. Trong đó, thuốc lá là nguyên nhân gây nên 30% bệnh ung thư, điển hình là ung thư phổi và ung thư vòm họng; 30% bệnh nhân bị ung thư do ăn thực phẩm có chứa chất bảo quản và 5-10% các bệnh ung thư liên quan đến yếu tố di truyền. Bên cạnh đó, các loại virus, thuốc trừ sâu cũng là nguyên nhân gây bệnh và người làm việc trong môi trường độc hại có nguy cơ mắc ung thư cao. Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế, năm 2000, số ca mắc ung thư là 68.810, năm 2010 lên tới 126.307 ca và ước tính vào năm 2020, số mắc ung thư sẽ là 189.000.
Kết quả nghiên cứu chi phí điều trị ung thư tại các quốc gia Đông Nam Á (được tiến hành tại 8 quốc gia) cho thấy, bệnh nhân ung thư Việt Nam hiện đang phải gánh chịu những hệ lụy tài chính nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong lên đến 55% trong vòng một năm sau khi được chẩn đoán. Trong đó, việc sử dụng chi phí hộ gia đình cho điều trị dẫn đến 41% bệnh nhân sau 1 năm chẩn đoán phải đối mặt với tình trạng thâm hụt tài chính nặng nề. Thêm nữa, hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán ung thư ở giai đoạn muộn dẫn đến tỷ lệ tử vong cao, chỉ có 14% bệnh nhân ung thư phát hiện ở giai đoạn sớm. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có số tử vong do ung thư lớn nhất trên thế giới.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh và không thể không lo ngại khi biết rằng kiến thức của người dân về các dấu hiệu cảnh báo ung thư còn rất thấp. Qua nghiên cứu, tỷ lệ người dân biết được từ 4 dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư chỉ chiếm 22,3%; 19,7% không kể được bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo nguy cơ ung thư…
Chẩn đoán là số 1
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhận định: Ung thư không phải là bệnh vô phương cứu chữa như người dân thường nghĩ. Bằng các biện pháp phòng bệnh, hiện chúng ta có thể phòng được trên 30% bệnh ung thư. Đơn giản như việc không hút thuốc lá, thuốc lào đã loại trừ được tới trên 90% ung thư phổi, 80% ung thư hạ họng thanh quản và nhiều loại ung thư khác. Ngoài ra, với chế độ dinh dưỡng hợp lý, an toàn kết hợp với việc tập luyện, tiêm vắc xin phòng viêm gan B, vắc xin phòng virus gây u như ở người (HPV) có thể loại bỏ được phần lớn ung thư gan, cổ tử cung, đại trực tràng, vú…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cũng cho rằng, ở nước ta, tỷ lệ chữa khỏi bệnh này chưa cao do phần nhiều (trên 70%) tới khám và điều trị ở giai đoạn muộn. Mặc dù, nhiều thiết bị hiện đại đã được trang bị phục vụ cho người bệnh nhưng công tác sàng lọc phát hiện sớm mới dừng lại ở bước thí điểm, chưa được tiến hành thường quy. "Cuộc chiến chống ung thư không phải của ngành Y tế mà của cả cộng đồng. Do đó, Bộ Y tế kêu gọi tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành và sự tích cực tham gia, hỗ trợ của các đoàn thể, tổ chức, công ty, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước", Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên nói.
Theo Cục trưởng Lương Ngọc Khuê, trong chiến lược quốc gia về phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025, bệnh ung thư được đề cập đến hàng đầu. Điều quan trọng cần làm trong việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong là không chỉ tăng cường công tác điều trị mà đồng thời phải phòng chống bệnh. Tiêu chuẩn chẩn đoán là điều kiện số 1, do đó phải kiện toàn hệ thống này, không để xảy ra tình trạng, người không bị u lại chẩn đoán bị u và ngược lại. Tiếp đến là hệ thống chăm sóc giảm nhẹ, rồi đến điều trị nội khoa, quy hoạch mạng lưới xạ trị...( Hà Nội mới trang 7)
Báo động học sinh rối loạn tâm lý
Theo điều tra quốc gia do Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê, WHO, UNICEF thực hiện mới đây trên 3.000 học sinh tại Hà Nội và tỉnh Hải Dương, khoảng 9% em nói từng có ý định tự tử, 6% đã có kế hoạch quyên sinh vì gặp nhiều vấn đề trong học tập, cuộc sống. Gần 19,5% học sinh trong độ tuổi 10-16 có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Bị kỳ thị
Mới đây, tại diễn đàn “Đoàn Thị Điểm Confession” trên Facebook, một học sinh viết: “Con cảm thấy vô cùng ngột ngạt khi đi học, thầy cô đối xử với con rất tốt nhưng các bạn thì sao? Cầu xin các bạn đấy, tớ rất muốn hòa nhập nhưng làm gì cũng bị soi mói, cười cợt. Mỗi khi đến lớp như nhà tù vậy… Các cậu là con nhà giàu tớ không phủ nhận, nhưng các cậu cứ thấy tớ là dân tỉnh lẻ lên thì dè bỉu à…”.
Anh Lê Đăng Thuận, cố vấn Đoàn Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), nói rằng, tài khoản Facebook trên có thể do học sinh lập ra, là diễn đàn của hầu hết học sinh trong trường và được gần 4.000 người theo dõi. Theo anh, việc tạo ra tài khoản chung cho học sinh trong trường hiện khá phổ biến. “Qua đó, trường nắm được nhiều thông tin của học sinh, nhưng nếu không có giải pháp hạn chế chuyện nói xấu, bôi nhọ hay gây hiềm khích lẫn nhau sẽ để lại hậu quả lớn”, anh Thuận nói. Anh Thuận kể, trước đó, từng có hai học sinh chỉ vì khiêu khích nhau trên Facebook mà đã dùng nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn. Giải pháp của trường là thường xuyên nhắn tin định hướng người quản lý không đẩy lên Facebook những thông tin ảnh hưởng cá nhân.
Cách đây không lâu, một học sinh lớp 11 của một trường chuyên khá nổi tiếng đã gieo mình từ nhà cao tầng xuống đất tự tử. Một nguồn tin nói: “Trước đó, học sinh này nhiều lần quay trở về trường cũ kể chuyện bị các bạn ở trường mới tẩy chay, kỳ thị. Học sinh này từng muốn xin chuyển khỏi lớp học đó, nhưng không được bố mẹ đồng ý”.
Cô Nguyễn Kim Anh, phụ trách Phòng tâm lý học đường Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), nói: “Học sinh ngày nay được nuông chiều nhiều hơn, nên dễ bị tổn thương; gia đình, giáo viên muốn trách mắng cũng phải lựa lời”. Cô Kim Anh cho biết đang điều trị cho hai học sinh có biểu hiện trầm cảm. Một em tính khí thất thường, lúc nổi nóng, lúc lại thu mình một góc. Một em có mẹ là tiến sĩ, bố là công chức, nhưng em này nói rằng, thường xuyên bị bố mẹ đánh đập, chửi mắng, nên chán nản, luôn ngồi gục đầu trong lớp, không muốn học. Khi còn học THCS, học sinh này hay trốn học, giáo viên nhiều lần phải ngược xuôi đi tìm. “Với trường hợp này, trường phải mời bố mẹ lên nói chuyện nhiều lần để cùng tìm giải pháp tránh để chuyện đáng tiếc xảy ra”, cô Kim Anh nói.
Trách nhiệm của gia đình
Nhà giàu nhưng bố mẹ không có thời gian quan tâm, chăm sóc hoặc trục trặc hôn nhân dễ khiến con cái rơi vào tình trạng khủng hoảng, trầm cảm. Nhiều năm làm chủ nhiệm, thầy Bùi Quốc Hoàn, giáo viên Trường THPT Đoàn Thị Điểm, không ít lần phải sắm vai chuyên gia tâm lý giải quyết nhiều ca khó. Ngay khi tiếp nhận lứa học sinh mới, thầy thường xin hết tài khoản Facebook để kết bạn, trò chuyện riêng với từng em, từ đó hiểu hoàn cảnh, suy nghĩ của học sinh. Nếu phát hiện học sinh nào “có vấn đề”, thầy trao đổi lại với gia đình để cùng giải quyết. Theo thầy Hoàn, trong giờ học, trong ứng xử với bạn bè, học sinh có thể có những biểu hiện bất thường nho nhỏ, nếu giáo viên không phát hiện sớm thì sẽ rất nguy hiểm.
Thầy Hoàn kể, T.A, một học sinh giỏi, năng động, hay trêu chọc bạn bè bỗng trở nên ít nói, cáu gắt, thường xuyên nổi nóng với mọi người. Âm thầm tìm hiểu, thầy Hoàn biết nhà T.A thuộc dạng giàu có, bố mẹ kinh doanh bất động sản, sở hữu nhiều biệt thự. Bỗng dưng bố mẹ T.A ly hôn, người bố được giao quyền nuôi con, nhanh chóng cưới vợ mới, ít lâu sau, mẹ T.A cũng đi bước nữa. Ít được quan tâm, T.A rơi vào trạng thái cô đơn, trầm cảm. “Khỏi phải nói, thời gian đó, tâm trạng T.A rất tệ, mình phải dành nhiều thời gian để an ủi, định hướng cho em không buông xuôi”, thầy Hoàn chia sẻ.
Mới đây, một nam sinh lớp 11 (cũng là học sinh của thầy Hoàn) có giọng nói nghe giống con gái được gia đình đưa sang Mỹ xác định giới tính. Bác sĩ kết luận không có vấn đề gì, nhưng lên lớp, nam sinh này bị bạn bè trêu là pê-đê, nên em luôn tỏ ra hằn học với những người xung quanh. Ban đầu, giáo viên cũng chỉ nghĩ những trò trêu đùa rồi sẽ qua, nhưng một hôm, trong giờ ngủ trưa, thầy Hoàng phát hiện học sinh này thủ dao bấm trong người để phản ứng việc bị trêu.
Áp lực học hành
Mới học lớp 1, Trường Marie Curie Hà Nội, nhưng Hà My nhà ở huyện Gia Lâm, cách trường hơn chục cây số, phải thức dậy từ 6 giờ kém 15 để chuẩn bị cho một ngày tới trường. 4 giờ 30 chiều, mẹ Hà My chờ ở cổng trường đưa con đi học đàn, học múa, học tiếng Anh ở các trung tâm. Một ngày học của Hà My chỉ kết thúc lúc 22 giờ đêm. Không phải làm bài tập buổi tối, chỉ soạn sách vở cho hôm sau, nhưng ngày nào Hà My cũng đi ngủ sau 23 giờ.
Mới đây, một học sinh lớp 9 ký tên “bụng to, mắt cận” viết thư xin cha mẹ hãy hiểu em đang chịu áp lực học tập nặng nề. Học sinh này kể, một ngày em chỉ có khoảng 4-5 giờ để ngủ. Có hôm chưa kịp ngủ đã thấy trời gần sáng. Lịch học của em kín mít từ trường đến các trung tâm luyện thi. 22 giờ đêm về đến nhà, mọi người được lên giường nghỉ ngơi thì những học sinh như em lại phải cặm cụi với đống bài tập.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), nói: “Đã nhiều lần, tôi đứng trước phụ huynh toàn trường đề nghị họ đừng ép học sinh đi học thêm nữa, vì chương trình học cả ngày ở trường chất lượng cao đã quá đủ rồi”. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên, Sở GD&ĐT Hà Nội, cho rằng, chương trình học đổi mới chú trọng nhiều kỹ năng, phụ huynh không nên gây áp lực học tập lên con cái.
Mỗi trường có một phòng tư vấn, khi nào?
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, ngoài việc các trường tạo sân chơi cho học sinh, việc đưa phòng tư vấn tâm lý vào trường học là điều cần thiết để hạn chế các vấn đề tâm lý ở trẻ. Hiện nay, nhờ sự tài trợ của một tổ chức phi chính phủ, Hà Nội có 20 trường được thí điểm. Sau hơn một năm hoạt động, các phòng tư vấn tâm lý cho thấy, học sinh ở thành thị hay nông thôn đều đang gặp những vấn đề mà chỉ khi có chuyên gia tâm lý, các em mới dễ chia sẻ, như trầm cảm, bị kỳ thị, bị lạm dụng tình dục… “Nhiều gia đình hiện nay có tâm lý giao phó con cho nhà trường là không được. Trường học giáo dục kiến thức, kỹ năng, nhưng khi con có biểu hiện khác thường, cha mẹ phải là người đầu tiên phát hiện để tìm hiểu nguyên nhân”, ông Tuấn nói.
GS. TS Trần Kim Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về gia đình, khi đưa trẻ đến lớp, câu đầu tiên phụ huynh nói là “trăm sự nhờ thầy”, về nhà lại không có kỹ năng dạy con giao tiếp, quan hệ xã hội, có gia đình giao hết cho người giúp việc. Trách nhiệm tiếp theo thuộc về nhà trường, nhưng nhiều trường hiện nay mới chỉ dạy tốt chuyên môn. Ông Long cho biết, trường đã kiến nghị Cục Nhà giáo - Bộ GD&ĐT quy định, thời gian tới, mỗi trường phải có một phòng tư vấn tâm lý. Mới đây, Bộ GD&ĐT ra văn bản chỉ đạo các Sở GD&ĐT hướng dẫn các trường THCS, THPT tiến tới thành lập mỗi trường một phòng tư vấn tâm lý. Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số trường công lập, chỉ đạo này có nguy cơ nằm trên giấy, do đến nay chưa có cơ chế cụ thể, nên trường không có kinh phí để thành lập phòng tâm lý.
Những ngôi trường “lồng chim”
Hằng ngày, đi qua Trường Tiểu học Bà Triệu (Hà Nội), chúng tôi thường bắt gặp cảnh học sinh trường này xếp hàng dài tập thể dục trên vỉa hè, bên cạnh là dòng người và xe bấm còi inh ỏi. Khoảng sân tại đây chỉ rộng chừng vài chục mét vuông. Dạo quanh các trường mầm non, tiểu học và THCS khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa (Hà Nội), chúng tôi chứng kiến hàng chục ngôi trường mà bản chất chỉ là một căn nhà rộng vài trăm mét vuông, cao 3-5 tầng, bám theo mặt phố ồn ào, không có sân. Giờ ra chơi, nhiều học sinh chỉ biết đứng túm năm tụm ba chuyện trò.
Hiệu trưởng một trường THPT ở quận Đống Đa, cho biết, trường lớp quá chật hẹp, thiếu không gian để thư giãn nên ảnh hưởng khá lớn đến môi trường giáo dục, đến tâm lý cả thầy và trò. Nhiều hoạt động ngoại khóa, thể chất, thể thao, thể dục không thể tổ chức được hoặc phải đưa học trò ra công viên, vườn hoa.
Những trường nổi tiếng bởi sự chật chội phải kể đến Trường THCS Ngô Sĩ Liên, THCS Lê Lợi, THCS Trưng Vương, Trường THCS Thanh Quan (quận Hoàn Kiếm). Nhiều trường trong khu phố cổ từ lâu đã bị liệt vào danh sách trường khổ nhất Hà Nội bởi quá chật hẹp, thiếu phòng chức năng. “Chúng tôi lo đủ phòng học đã khó nói gì đến phòng chức năng”, hiệu trưởng một trường tiểu học kiểu “lồng chim” khu vực Hoàn Kiếm nói.
Tình trạng thiếu phòng học chức năng, thiếu sân chơi còn nghiêm trọng hơn tại nhiều trường mầm non, nhóm lớp tư thục. Các chủ trường thường quây trẻ vào một vài căn phòng trong một căn nhà thuê 3-5 tầng. Mọi hoạt động ăn, ngủ, học tập đều diễn ra trong các căn phòng nhỏ. Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (quận Hoàn Kiếm), từng ví học sinh trường mình như chim cánh cụt vì không có cả chỗ… vẫy tay. Theo bà Hồng, trường có hơn 400 học sinh, ngoài phòng học thì chỉ còn nhà thể chất khoảng chừng 100m2 phải kiêm luôn nhà ăn. Nhà thể chất luôn nồng nặc mùi thức ăn dù đã được lau dọn.
Theo Thông tư số 47/2012 của Bộ GD&ĐT, trường học đạt chuẩn ở nội thành, nội thị phải có diện tích sử dụng ít nhất 6 mét vuông/học sinh. Phải có khu sân chơi sạch, đảm bảo vệ sinh và có cây bóng mát.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bích Thủy, chuyên gia về giới và gia đình, cho rằng, tỷ lệ học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần như hiện nay là quá cao. Theo bà Thủy, học sinh ngày nay bị ép học quá nhiều, trong khi lại thiếu kỹ năng để ứng xử khi mâu thuẫn với gia đình, bạn bè, giáo viên. Bà Thủy cho rằng, hơn ai hết, gia đình, nhà trường phải luôn gần gũi, quan tâm, chia sẻ và phát hiện những trạng thái, cảm xúc lạ của con em mình. “Nếu trẻ cứ âm thầm chịu đựng hay bất mãn một vấn đề quá lâu ngày sẽ nảy sinh hành vi tiêu cực”, bà cảnh báo.( Tiền phong trang 4)
Bộ Y tế yêu cầu báo cáo vụ 15 bệnh viện nợ lương
Lãnh đạo Sở Tài chính ĐắK LắK cho biết đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh ĐắK LắK cấp bù kinh phí cho 14 bệnh viện trong tỉnh đang thiếu lương của hàng ngàn cán bộ, bác sĩ, nhân viên... Một diễn biến khác, Bộ Y tế cũng vừa có công văn yêu cầu Sở Y tế ĐắK LắK báo cáo rõ tình hình việc nợ lương tại 15 bệnh viện và gửi ra bộ trước ngày 19-12 để có hướng xử lý.( Tuổi trẻ trang 4)