Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 13/12/2022

  • |
T5g.org.vn - Rối loạn tâm lý ở thanh thiếu niên: Hiểu đúng để cùng vượt qua; Cả nước có thêm 383 ca Covid-19; Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi: Tạo hành lang pháp lý cho bệnh viện công phát triển

 

Rối loạn tâm lý ở thanh thiếu niên: Hiểu đúng để cùng vượt qua

Khi con mắc bệnh thể chất, phụ huynh luôn vội vàng đưa con đến bệnh viện, làm theo mọi yêu cầu của bác sĩ với mục đích duy nhất là trẻ mạnh khỏe. Nhưng khi con gặp khủng hoảng tinh thần, nhiều phụ huynh cho rằng trẻ tưởng tượng ra, trẻ “sướng quá sinh tệ” và không đưa con đi khám, điều trị kịp thời. Các chuyên gia khuyến cáo, quan niệm này là sai lầm và dẫn đến nhiều hệ lụy; phụ huynh cần đồng hành và chia sẻ cùng con. 

Xóa bỏ rào cản

Lan Anh (14 tuổi, ngụ TPHCM) đến phòng khám tâm lý trong tình trạng “cảm giác như mình đang ở tù, chỉ muốn tự tử”. Nguyên nhân là do cha mẹ kiểm soát, bảo bọc Lan Anh quá mức từ nhỏ tới lớn: sẽ đón đưa cho tới khi Lan Anh học xong đại học, bắt buộc con phải chọn ngành học theo ý cha mẹ, không cho con đi chơi riêng, không cho con đi làm sau khi tốt nghiệp đại học, can thiệp mọi mặt từ quần áo đến tóc tai của con…

Sau khi trao đổi với Lan Anh, bác sĩ gặp riêng gia đình để đề nghị phối hợp nhưng gia đình không chấp nhận con mình có vấn đề, cho rằng gia đình đang “định hướng” tốt cho con, họ hàng dòng tộc nhiều thế hệ đều làm thế… Một trường hợp khác là Minh Hằng (15 tuổi, ngụ TPHCM) bị bạn bè bạo hành trên mạng, đặt điều nói xấu, bị cả lớp tẩy chay. Gia đình đưa em đến Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TPHCM trong tình trạng khủng hoảng, không dám đến trường, trầm cảm. Được bác sĩ kê toa thuốc, khuyên hạn chế dùng mạng xã hội, thay đổi lối sống, chia sẻ với gia đình… Sau vài tháng, tình hình của Minh Hằng đã tốt hơn.

Theo BSCK2 Trần Minh Khuyên, Trưởng khoa Tâm thể, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TPHCM, những năm gần đây, độ tuổi các bệnh nhân bị mắc vấn đề rối loạn tâm lý ngày càng trẻ hóa, số lượng thanh thiếu niên có biểu hiện căng thẳng, lo âu, trầm cảm… tăng lên rất nhiều. Xã hội phát triển, các khủng hoảng tâm lý cũng tăng lên theo nhịp độ cuộc sống. Thế nhưng, nhiều phụ huynh và chính bản thân trẻ coi việc thừa nhận mình có vấn đề tâm lý, phải đến các phòng khám là điều đáng xấu hổ.

Rất ít phụ huynh hiểu biết về bệnh tâm lý; đa số phụ huynh không tin, không hiểu con đang gặp vấn đề. Các em không nói chuyện được với phụ huynh chủ yếu do khoảng cách gây nên bởi áp lực gia đình. “Nhiều em rạch cổ tay đầy sẹo; thế nhưng dù bác sĩ kê đơn, phụ huynh vẫn không chấp nhận, cho rằng trẻ đang ở tuổi dậy thì, thích thể hiện, làm quá lên. Hoặc có khi phụ huynh sẵn sàng hỗ trợ nhưng trẻ lại không hiểu tình trạng của mình. Thường bác sĩ phải dặn phụ huynh nói với con đây chỉ là buổi tư vấn, trò chuyện bình thường, vì nếu nói đi khám tâm lý thì các em không hợp tác”, bác sĩ Trần Minh Khuyên cho biết.

Gia đình phải là điểm tựa

Theo Th.S Phan Thị Cẩm Giang, giảng viên Tâm lý học, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, trẻ có vấn đề tâm lý là điều bình thường, và việc hỗ trợ con vượt qua các khó khăn tâm lý là điều phụ huynh phải làm. Mỗi cá nhân là một chỉnh thể thống nhất về 3 mặt (thể chất, tâm lý và xã hội). Tâm lý không tốt sẽ ảnh hưởng đến hai mặt còn lại. 

Việc các bậc phụ huynh không biết cách làm bạn với con, áp đặt góc nhìn từ trên xuống, la mắng, cấm đoán, hỏi những câu tiêu cực về điểm số… là những nguyên nhân phổ biến ảnh hưởng lớn đến tâm lý của trẻ và khiến trẻ dần xa cách với cha mẹ hơn. Th.S Phan Thị Cẩm Giang thông tin: “Phụ huynh không chấp nhận vấn đề của con, để trẻ loay hoay một mình sẽ khiến các em tự làm hại bản thân, sụt giảm các mối quan hệ, tự sát… Với trẻ đã thực hiện hành vi tự sát mà được cứu sống thì khả năng lặp lại hành vi này vẫn rất cao”.

Th.S Phan Thị Cẩm Giang cũng cho biết, môi trường giáo dục đặt nặng thành tích có thể xảy ra bạo lực như tẩy chay, bạn bè bắt nạt, giáo viên “đì”, bạo lực mạng… Những tác nhân rất cũ nhưng chưa được người lớn quyết tâm loại bỏ khiến trẻ luôn sống trong áp lực, sợ đến trường và cũng sợ về nhà.

Khi trẻ mới gặp vấn đề, thường các em không tâm sự với thầy cô, phụ huynh mà hay vào các hội nhóm trên mạng xã hội của những người có bệnh giống mình chia sẻ, xin lời khuyên để một mình chịu đựng, vượt qua. Những hội nhóm này thường mang rất nhiều năng lượng tiêu cực, dễ khuyên các em theo những cách chữa trị không chính quy, hoặc lôi kéo nhau làm những hành động tổn hại thân thể. Ngoài ra, các em không biết khi nào cần gặp các chuyên gia tâm lý, khi nào cần gặp bác sĩ. Nhiều người học qua tâm lý, không có bằng cấp y khoa nhưng cứ tự nhận mình là bác sĩ và chữa trị, vì thế nhiều em dù có can thiệp vẫn không hết bệnh, mất rất nhiều thời gian và tiền bạc. 

Còn theo bác sĩ Trần Minh Khuyên, đối với các rối loạn tâm lý ở lứa tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường, sự giúp đỡ của gia đình là cực kỳ quan trọng. Gia đình phải được hướng dẫn để tìm hiểu bệnh của trẻ có diễn biến, hậu quả như thế nào. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ giúp trẻ tìm ra gốc rễ của bệnh. Đặc biệt, nếu các nguyên nhân từ gia đình thì bác sĩ càng phải gặp người nhà để tìm được tiếng nói chung (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Cả nước có thêm 383 ca Covid-19

Chiều 12-12, theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 383 ca mắc Covid-19 (tăng 189 ca so với ngày trước đó). Ngoài ra, có thêm 56 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh và còn 59 bệnh nhân nặng đang phải thở ôxy (tăng 12 ca so với ngày hôm qua).

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.521.022 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.429 ca nhiễm).

Về tình hình điều trị, có thêm 56 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 10.609.677 ca. Ngoài ra, hiện có 59 bệnh nhân đang thở ôxy, trong đó có 51 ca thở ôxy qua mặt nạ, 1 ca thở ôxy dòng cao HFNC và 7 ca thở máy xâm lấn.

Về số bệnh nhân tử vong, hiện chưa ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 tử vong. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.178 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 quốc gia, vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 quốc gia, vùng lãnh thổ (xếp thứ 3 ASEAN); tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ (xếp thứ 3 ASEAN).

Về tình hình tiêm chủng, theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, đã tiêm 264.921.803 liều vắc xin, trong đó tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.129.893 liều; tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.847.485 liều và tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 17.944.425 liều (Hà Nội mới, trang 7).

 

Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi: Tạo hành lang pháp lý cho bệnh viện công phát triển

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan vừa có ý kiến gửi Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) về dự án luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi. Trong đó, bà nêu nhiều đề xuất để ngành y tế, các bệnh viện công lập phát triển.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM) vừa có ý kiến gửi Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) về dự án luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi. Trong đó, bà nêu nhiều đề xuất để ngành y tế, các bệnh viện (BV) công lập phát triển trong tình hình mới.

Phải đánh giá tự chủ bệnh viện quy mô quốc gia

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, trong dự thảo 29.11 (đã qua nhiều lần chỉnh sửa), cơ chế tài chính và tự chủ BV, xã hội hóa được quy định trong chương X (các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh - KCB). Nói về các điều kiện bảo đảm về tài chính từ điều 106 - 111, theo bà là chưa đủ căn cứ và chưa đáp ứng thực tế, dù đã có nhiều quy định thông thoáng hơn.

“Để xây dựng các quy định trong luật KCB sửa đổi lần này, cần phải có đầy đủ các căn cứ đánh giá hoạt động xã hội hóa (XHH) y tế, tự chủ BV mà chúng ta đã tiến hành những năm gần đây. Muốn vậy, theo tôi, bắt buộc phải tiến hành tổng kết đánh giá hoạt động trên quy mô quốc gia, và so sánh tham khảo cơ chế hoạt động của các BV trong khu vực và trên thế giới. Vì mục tiêu cao nhất của việc XHH y tế là giúp cho y tế phát triển hơn, nâng cao chất lượng BV thông qua việc đa dạng hóa các nguồn thu, giao quyền cho BV được tự chủ để phát huy năng lực. Nhưng chúng ta đã làm được những gì?”, PGS-TS Phong Lan đặt vấn đề.

PGS-TS Phong Lan cho rằng, thành tựu nổi bật nhất trong triển khai chính sách XHH là sự ra đời và phát triển của hệ thống y tế tư nhân, hoạt động gần như theo cơ chế thị trường và khá tự chủ. Nhưng do đặc thù chi phí KCB tư nhân chênh lệch lớn với chi phí KCB bảo hiểm y tế (BHYT) nên y tế tư nhân không thể phục vụ cho số đông có thu nhập thấp.

Trong khi hệ thống BV công lập đang hết sức lúng túng khi thực hiện tự chủ (một phần lẫn toàn diện), đặc biệt là các BV đa khoa, và một số BV chuyên khoa đặc thù (lao phổi, bệnh nhiễm...). Vì sao? Vì chính sách này chỉ thể hiện chủ yếu là ngân sách nhà nước cắt chi phí (từ chi phí thường xuyên lương bổng, đến chi phí đầu tư trang thiết bị), BV phải tự xoay xở các nguồn thu, trong đó chủ yếu đến từ nguồn KCB dịch vụ. Nhưng BV lại không thể tự định giá thu dịch vụ, trong khi vẫn phải đảm nhận KCB BHYT cho số đông bệnh nhân (BN) với giá rất thấp phi thực tế (đa số BN có khả năng chi trả sẽ chọn BV tư nhân).

Rộng hơn nữa, tuy được mang tiếng là tự chủ, nhưng BV vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào các quy định về tổ chức nhân sự cũng như tài chính - mua sắm (thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị chứ không hề được tự chủ đúng nghĩa). Như vậy, thất bại của chính sách là có thể thấy trước. Chưa kể việc một BV công lập có 2 hệ thống giá là rất phản cảm và không công bằng.

4 vấn đề cần có trong luật KCB sửa đổi

Từ các phân tích trên, PGS-TS Phong Lan đề xuất 4 vấn đề.

Thứ nhất, cụ thể hóa vấn đề tự chủ nhân sự để BV có thể tự quyết: nhân sự lãnh đạo, mức đãi ngộ chuyên gia, mức lương thưởng, số lượng biên chế, tiêu chí tuyển dụng...

Thứ 2, đa dạng hóa các nguồn thu, trong đó ngân sách nhà nước vẫn phải bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, không những giữ nguyên mà còn phải tăng dần hằng năm để thể hiện sự quan tâm với y tế.

Thứ 3, xây dựng mức giá BHYT sát với thực tế để bảo đảm chất lượng, tiến tới ngang bằng giữa giá dịch vụ và BHYT. Như vậy sẽ phải tính toán lại mức thu và mức chi trả BHYT cho hợp lý (ở đây sẽ kéo theo việc tăng chi ngân sách để mua BHYT cho người thuộc diện chính sách, người nghèo).

Cuối cùng, cung ứng thuốc, vật tư y tế cần những quy định đặc thù, đa dạng về hình thức lựa chọn sản phẩm chứ không thể máy móc áp dụng đấu thầu rộng rãi như các mặt hàng khác (sẽ đồng bộ hóa trong luật Đấu thầu). Có thể cho BV tự mua trọn gói theo định suất, BHYT sẽ quy định giá trần thanh toán. Phải có tiêu chuẩn đánh giá là ý kiến của các bác sĩ trong Hội đồng thuốc và điều trị BV.

Đa dạng hóa hình thức trang thiết bị trong BV như mua bán, cho tặng, cho thuê, cho mượn... để phát huy tính tự chủ của BV, cập nhật kỹ thuật mới, kịp thời đáp ứng yêu cầu của BN.

“Hãy tạo hành lang pháp lý cho các BV công lập được hoạt động bình thường như các quốc gia trên thế giới, nhưng công - tư không thể lẫn lộn. Đừng cho rằng phải rào hết lại như chúng ta thì mới bảo đảm công bằng, thực tế cho thấy vừa ảnh hưởng chất lượng, ngành y tế mai một, bị trói tay trói chân không phát triển, mà vẫn không công bằng khi y tế kỹ thuật cao chỉ dành cho người giàu, và hoạt động dịch vụ diễn ra tự phát”,PGS-TS Phong Lan phân tích.

"Đầu tư cho y tế là nghĩa vụ của Nhà nước"
Cũng theo PGS-TS Phong Lan, trong mọi tình huống, ngân sách nhà nước vẫn phải bảo đảm chi và phải tăng chi hằng năm cho các BV, việc huy động thêm các nguồn lực XHH là để BV mạnh thêm. Tự chủ BV là để nâng cao chất lượng, chứ không phải để tiết kiệm ngân sách hoặc chỉ tập trung chăm sóc cho người có điều kiện. Vì đầu tư cho y tế là nghĩa vụ của Nhà nước, cũng là sử dụng tiền thuế của người dân một cách nhân văn nhất, khi tập trung cho người yếu thế, thu nhập thấp. Bản chất của vấn đề tự chủ BV và XHH y tế khác biệt nhiều so với việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước vì chúng ta vẫn phải luôn giữ nghĩa vụ của Nhà nước trong việc đầu tư cho y tế. Chỉ giống là để các đơn vị hoạt động hiệu quả hơn, chứ không thể phó mặc cho BV tự làm dịch vụ, lấy tiền trực tiếp từ người dân (Thanh niên, trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang