Nhiều bệnh viện tích cực cải tiến chất lượng
Đó là đánh giá của Bộ Y tế đưa ra tại Hội nghị triển khai công tác khám, chữa bệnh năm 2016 được tổ chức ngày 29-2. Theo đó, đến ngày 31-1 có 1.273 trong tổng số 1.361 bệnh viện hoàn thành việc tự đánh giá chất lượng (theo bộ tiêu chí quốc gia) và nhập báo cáo trực tuyến. So với kết quả năm 2013, 2014, điểm đánh giá chất lượng của bệnh viện các tuyến: trung ương; tỉnh, thành phố; quận, huyện và tư nhân đều tăng cao, phản ánh thực tế nhiều bệnh viện tích cực cải tiến chất lượng.
Trong năm 2015, hệ thống các bệnh viện khám và điều trị nội trú cho hơn 146 triệu lượt người bệnh, tăng 4,5% (khoảng 6,3 triệu lượt người) so với năm trước. Hiện, số giường bệnh thực kê là 32,1 giường bệnh/10 nghìn dân; 15 bệnh viện hạt nhân tham gia chuyển giao kỹ thuật cho 53 bệnh viện vệ tinh tại 37 tỉnh, thành phố. Có 35 trong tổng số 39 bệnh viện tuyến trung ương ký cam kết không để người bệnh nằm ghép. Nhân dân (trang 5)
Chưa phát hiện vi-rút Zika tại Việt Nam
Ngày 29-2, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Kết quả báo cáo từ các đơn vị kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, từ tháng 12-2015 đến nay, chưa ghi nhận trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do vi- rút Zika về từ vùng có dịch. Báo cáo của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy: Kết quả xét nghiệm 83 trường hợp có triệu chứng tương tự bệnh do vi-rút Zika đầu năm 2016, tại tám tỉnh có mật độ lưu hành muỗi Aedes cao khu vực phía nam, không có trường hợp nào dương tính với vi-rút Zika.
Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi-rút Zika nhưng Bộ Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo việc thu thập các mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp nghi ngờ để kịp thời phát hiện trường hợp bệnh xâm nhập, xử lý sớm, không để dịch lây lan. Nhân dân (trang 5)
Hưởng ứng Ngày Quốc tế Bệnh hiếm
Hưởng ứng Ngày Quốc tế Bệnh hiếm (28-2), Bệnh viện Nhi T.Ư phối hợp Công ty M.Nu-tri-ti-on Việt Nam và các nhà tài trợ vừa tổ chức “Ngày Bệnh hiếm 2016” tại Hà Nội. Hơn 70 gia đình có con mắc bệnh hiếm đến từ các tỉnh, thành phố và các y, bác sĩ, các đơn vị liên quan tham gia. PGS, TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, hiện thế giới có khoảng 7.000 loại bệnh hiếm khác nhau với các nhóm bệnh như: suy giáp bẩm sinh, tăng sản thượng thận bẩm sinh, thoái hóa cơ tủy, 25 bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh khác nhau của a-xít a-min, a-xít hữu cơ và a-xít béo… Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, có hơn 1.000 bệnh nhi mắc các bệnh hiếm đã và đang được theo dõi điều trị.
Đáng chú ý, tại “Ngày Bệnh hiếm 2016”, các gia đình tham gia đã được các y, bác sĩ cung cấp những thông tin cần thiết; giao lưu, chia sẻ, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm chăm sóc con, em khi bị mắc bệnh hiếm. Nhân dân (trang 5)
Viện phí tăng 30% từ 1.3: Cam kết tăng quyền lợi bệnh nhân
Chiều 29.2, tại cuộc họp giao ban công tác khám chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức, nhiều bệnh viện (BV) cho biết đã sẵn sàng cho việc tăng viện phí từ ngày 1.3. Theo đó, dịch vụ y tế sẽ tăng khoảng 30% so với hiện nay, và đồng giá trên toàn quốc.
Quyền lợi người bệnh là trên hết
Ông Nguyễn Thành Trung – Giám đốc BV Đa khoa T.Ư Thái Nguyên cho biết, khi đưa lương và phụ cấp vào viện phí, BV cần phải giữ bệnh nhân mới có tiền để tồn tại. Tuy nhiên, cho dù thế nào, quyền lợi bệnh nhân vẫn trên hết.
“Bệnh nhân nội trú có bảo hiểm y tế (BHYT) chiếm tới 90%, nên tăng viện phí không ảnh hưởng nhiều đến người bệnh. Còn bệnh nhân đến khám chỉ khoảng 50% có BHYT. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ khám tìm bệnh, nếu bệnh nhẹ chúng tôi sẽ tư vấn để bệnh nhân về tuyến dưới điều trị cho đúng tuyến, đỡ tốn viện phí” – ông Trung cho biết. Theo ông Trung, ngoài ra, BV bắt buộc cán bộ y tế phải thuộc Luật BHYT để tư vấn cho người dân để đảm bảo người dân có thể lựa chọn các gói dịch vụ phù hợp với túi tiền. “Đơn cử như nếu thay khớp háng loại xịn có giá 70 triệu đồng, có thể sử dụng 30-40 năm, nhưng nếu bệnh nhân đã già trên 70 tuổi, hoàn cảnh khó khăn thì bác sĩ sẽ tư vấn để bệnh nhân lựa chọn khớp háng khoảng 40 triệu, “chạy tốt” 15 năm, phù hợp với hoàn cảnh, túi tiền” - ông Trung phân tích thêm.
Ông Trung nêu quan điểm, việc tăng viện phí phải đi đôi với tăng chất lượng, quan trọng nhất vẫn là con người, đội ngũ cán bộ. Đồng thời đầu tư trang thiết bị, máy móc để thực hiện các kỹ thuật cao. Hiện nay, BV Đa khoa T.Ư Thái Nguyên đã đầu tư, chuyển giao nhiều kỹ thuật cao, thực hiện được nhiều dịch vụ chất lượng để “giữ” bệnh nhân như mổ tim hở, đặt stent mạch vành, thông mạch máu não, phổi mà không cần mổ... Hiện BV Đa khoa T.Ư Thái Nguyên có chỉ tiêu 1.100 giường bệnh nhưng lúc nào cũng kín bệnh nhân. Mỗi ngày, lượng bệnh nhân đến khám từ 1.200-1.500. Theo ông Trung, Thái Nguyên có thuận lợi là tới 88% dân số có BHYT nên người dân sẽ không bị “sốc” khi viện phí tăng.
Còn ông Trịnh Văn Mạnh – Giám đốc BV Đa khoa Quảng Ninh chia sẻ, sự ảnh hưởng an sinh đối với lần tăng viện phí này không nhiều do mới chỉ tăng giá viện phí ở đối tượng có BHYT. Theo ông Mạnh, để người dân yên tâm, đồng thuận với giá viện phí mới thì chất lượng phục vụ phải tăng theo, mà quan trọng nhất chính là khâu đón tiếp và khám chữa bệnh. Để tăng thời gian khám, tư vấn, BV đã tăng số bàn khám từ 18 lên 30, thực hiện nghiêm quy định mỗi buổi 1 bác sĩ chỉ khám không quá 20 bệnh nhân (tối đa 40 bệnh nhân/ngày).
Tăng giá trên toàn quốc
Điều đặc biệt trong đợt tăng giá viện phí lần này là các BV sẽ áp dụng cùng 1 giá chứ không mỗi tỉnh một giá, mỗi hạng BV một giá khác nhau nữa, trừ giá khám chữa bệnh và ngày giường. “Giá ngày giường và khám chữa bệnh sẽ quy định theo hạng BV vì tiền đầu tư cơ sở vật chất khác nhau. Còn tiền phẫu thuật, thủ thuật thì sẽ được quy định giống nhau vì dù ở BV nào tiêu hao vật tư và nhân lực cho mỗi ca phẫu thuật, thủ thuật là như nhau” – ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) lý giải.
Như vậy, nếu đợt tăng giá viện phí năm 2012 phải chờ đợi HĐND các tỉnh họp bàn, quy định mỗi nơi một giá thì đợt tăng giá từ 1.3.2016, các BV đồng loạt cùng tăng giá và áp dụng 1 giá viện phí giống nhau cho từng dịch vụ. “Cùng giá viện phí, lại được tự do thông tuyến khám BHYT ban đầu trong tỉnh nên người bệnh sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn nơi khám chữa bệnh. Đồng thời các BV không làm tốt sẽ không thu hút được bệnh nhân, sẽ tự “chết” - ông Liên cho biết thêm.
Ngày 19.2, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cũng đã có công văn yêu cầu BHXH các tỉnh chuẩn bị cho thanh toán viện phí theo giá mới. Đồng thời yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh cung cấp thông tin về việc sửa chữa, cải tạo, mở rộng khoa khám bệnh hoặc bổ sung giường bệnh, các trang thiết bị, máy móc và các điều kiện cơ sở vật chất khác.
“Nếu cơ sở y tế nào chỉ thu phí cao mà chất lượng khám chữa bệnh lại kém thì chúng tôi có thể tiến tới cắt thanh toán BHYT tại cơ sở đó, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh” – ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết. Nông thôn ngày nay (trang 3), An ninh thủ đô (trang 7)
Chất lượng bệnh viện chưa như mong đợi!
(HNM) - Chiều 29-2, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác khám chữa bệnh năm 2016 và tổng kết đề án bệnh viện (BV) vệ tinh. Theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), sau 3 năm triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, chất lượng BV từ tuyến trung ương đến tuyến địa phương đã có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn chưa như mong muốn của người dân.
Còn bệnh viện đạt điểm kém...
Sau 3 năm "chấm điểm" BV, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Tính đến hết tháng 1-2016, cả nước đã có 1.273 BV các tuyến hoàn thành việc tự đánh giá chất lượng theo Quyết định số 4858/QĐ-BYT ngày 3-12-2013 của Bộ Y tế về việc ban hành thí điểm "Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng BV". Qua đó cho thấy, nhiều cơ sở y tế đã có sự cải tiến rõ rệt.
Ở góc độ quản lý nhà nước về chất lượng hoạt động khám chữa bệnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho rằng, trước khi có Thông tư 19/2013/TT-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại BV, chất lượng khám chữa bệnh chưa thật sự được các nhà quản lý quan tâm. Ngành y tế TP Hồ Chí Minh nhận được không ít phản ánh của người dân về chất lượng phục vụ. Một cuộc khảo sát mức độ đáp ứng mong đợi của người dân khi đến khám chữa bệnh tại các BV ở thời điểm đó cho thấy: Mức độ hài lòng dao động từ 62 đến 87%, mức độ không hài lòng từ 13 đến 38%. Ông Tăng Chí Thượng dẫn chứng, tai biến điều trị vẫn còn xảy ra, giao tiếp, ứng xử với người bệnh của nhân viên y tế bị phản ánh khá nhiều, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, nhất là tại khoa khám bệnh chưa được triển khai hiệu quả... "Ngoài những nguyên nhân khách quan, ngoài khả năng giải quyết của BV như quá tải, cơ sở hạ tầng chậm phát triển, còn có nguyên nhân chủ quan là các BV chưa thật sự xem người bệnh là "khách hàng".
Trước thực tế trên, từ năm 2013, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chủ động thành lập Hội đồng quản lý chất lượng khám chữa bệnh, hằng năm có tổ chức kiểm tra, giám sát, chủ động xử lý những sai phạm… Các hoạt động như vậy đã thúc đẩy các BV chuyển mình theo định hướng của ngành "lấy người bệnh làm trung tâm". Số lượng cuộc gọi phản ánh những bức xúc của người bệnh qua đường dây nóng cũng giảm rõ rệt.
Tuy vậy, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, hiện nay vẫn có BV chỉ đạt tiêu chí ở mức 1 (mức thấp nhất) do bệnh nhân phải nằm ghép, chưa bảo đảm đầy đủ quyền lợi người bệnh. Kết quả chấm điểm BV cũng ghi nhận điểm trung bình của các tuyến trung ương là 3,5 trên tổng điểm 5; tuyến tỉnh, thành phố là 2,8 điểm và quận, huyện là 2,6 điểm.
...Giảm tải vẫn là vấn đề
Một trong những nhóm giải pháp được Bộ Y tế đề ra nhằm mục tiêu giảm quá tải BV là thành lập và phát triển mạng lưới BV vệ tinh. Sau 3 năm triển khai (từ năm 2013), đề án BV vệ tinh đã góp phần giảm tải cho tuyến trên, đồng thời, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế chuyên môn cao, ngay tại địa phương. Năm 2015, mạng lưới BV vệ tinh được nâng lên 15 BV hạt nhân và 53 BV vệ tinh phân bổ tại 37 tỉnh, thành phố trên cả nước, giúp đội ngũ bác sĩ của BV tuyến tỉnh tự tin, làm chủ nhiều kỹ thuật khó, phức tạp, nhiều ca bệnh được cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật của các BV vệ tinh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ nhân lực và khả năng tiếp nhận công nghệ kỹ thuật.
Có thể nói, từ đề án BV vệ tinh, một số kỹ thuật cao đã được thực hiện tại các BV tỉnh như mổ nội soi tiêu hóa, sản phụ khoa, thay khớp háng, kết hợp xương, mổ chấn thương sọ não… Được Bộ Y tế giao nhiệm vụ triển khai dự án BV vệ tinh (giai đoạn 2013-2015), BV Hữu nghị Việt - Đức cử được 196 lượt giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, điều dưỡng tham gia chuyển giao kỹ thuật tại 7 BV vệ tinh của các tỉnh gồm: Hà Giang, Điện Biên, Lào Cai, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Bắc Giang với 81 lượt kỹ thuật được chuyển giao. Tuy nhiên, đối với các BV tuyến dưới, trang thiết bị phục vụ công tác chuyển giao kỹ thuật chưa được UBND các tỉnh, Sở Y tế và các BV thụ hưởng đầu tư đồng bộ và thường thiếu tại thời điểm chuyển giao. Kế hoạch bổ sung nhân lực của các tỉnh, các BV còn hạn chế, thường không đủ cán bộ để tiếp nhận kỹ thuật...
Đến thời điểm hiện tại, không ai có thể phủ nhận những lợi ích mà đề án BV vệ tinh mang lại, nhưng để đề án này thực sự phát huy hiệu quả hơn nữa rất cần sự nỗ lực từ nhiều phía. Hà nội mới (trang 1)