Cả nước có gần 3.000 cô đỡ thôn bản
Ngày 28/2, 66 cô đỡ thôn bản tiêu biểu đã được Bộ Y tế biểu dương tại Hội nghị biểu dương cô đỡ thôn bản tiêu biểu diễn ra tại Hà Nội. Đây là sự ghi nhận những đóng góp hiệu quả của các cô đỡ thôn bản trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cho đồng bào dân tộc ở các vùng đặc biệt khó khăn.
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), tính đến nay, cả nước đã có gần 3.000 cô đỡ thôn bản đang hoạt động tại hơn 8.000 thôn bản khó khăn trên cả nước.Các cô đỡ thôn bản được lựa chọn từ chính cộng đồng dân tộc thiểu số, họ được tham gia khóa đào tạo về y tế để có thể thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền, tư vấn, phát hiện và chuyển tuyến kịp thời cho các bà mẹ mang thai có nguy cơ tai biến sản khoa; đặc biệt có khả năng can thiệp các ca đẻ, đỡ đẻ bằng "gói đẻ sạch" đối với những vùng còn tồn tại tục lệ đẻ tại nhà, nhằm hạn chế các trường hợp tử vong mẹ và tử vong sơ sinh…. (Nhân dân, trang 5)
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 2: “Biểu dương 66 cô đỡ thôn bản tiêu biểu toàn quốc”; Báo Tiền phong, trang 6: “Cô đỡ thôn bản giúp giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh”
Cách tra cứu quá trình tham gia BHXH, BHYT trên internet
Theo BHXH Việt Nam, mã số BHXH là mã số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia BHXH, giúp đơn vị quản lý xuyên suốt quá trình tham gia đóng, hưởng chế độ, chống lạm dụng quỹ BHXH, BHYT; làm căn cứ cấp sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử.
Người tham gia BHXH, BHYT khi cần giải quyết các chế độ BHXH, BHYT có thể đến các cơ sở KCB và cơ quan BHXH nơi thường trú hoặc tạm trú trên phạm vi toàn quốc. Trong khi đó, việc kê khai, cập nhật thông tin về người tham gia BHXH, BHYT đối với đơn vị quản lý người lao động cũng sẽ giảm thời gian.
Về phía cơ quan BHXH, sẽ có điều kiện quản lý chặt chẽ quá trình đóng, hưởng chế độ bảo hiểm của người tham gia thông qua 1 mã số duy nhất; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử theo 1 mẫu thống nhất và có thể thực hiện cấp lại sổ, thẻ tại bất kỳ cơ quan BHXH nào trên toàn quốc. Việc thống nhất mã số sổ BHXH và mã thẻ BHYT thành 1 mã số định danh nhằm hạn chế tình trạng trùng lắp mã số sổ và thẻ tồn tại song song như hiện nay.
Theo đó cách tra cứu quá trình tham gia BHXH như sau:
Bước 1: Truy cập trang web https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/pages/tra-cuu-dong-bao-hiem.aspx.
Bước 2: Chọn tỉnh thành nơi hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú; chọn Cơ quan BHXH (nơi tham gia BHXH); nhập từ tháng và đến tháng muốn tra cứu; nhập số chứng minh thư hoặc căn cước công dân; nhập họ tên (tiếng Việt có dấu); nhập số sổ BHXH; nhập mã xác thực. Bước 3: Bấm Tra cứu.
Cách tra cứu giá trị sử dụng thẻ BHYT:
Bước 1: Truy cập trang web https:// baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/pages/tra-cuu-thoi-han-su- dung-the-bhyt.aspx.
Bước 2: Nhập mã thẻ BHYT (đầy đủ các ký tự và số ghi trên thẻ BHYT); nhập họ tên (tiếng Việt có dấu); nhập ngày sinh hoặc năm sinh; nhập mã xác thực.
Bước 3: Bấm tra cứu. (Lao động, trang 4)
Yêu cầu làm rõ việc cổ phần hóa, thoái vốn, sát nhập một số doanh nghiệp y tế
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vừa giao Thanh tra Chính phủ thanh tra làm rõ quá trình cổ phần hóa Tổng Công ty thiết bị Y tế Việt Nam (Vinamed).
Xét báo cáo của Bộ Y tế về việc phản ánh, kiến nghị của bà Lê Thị Minh Châu, cổ đông Công ty cổ phần Nhựa Y tế Mediplast, Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ thanh tra làm rõ quá trình cổ phần hóa Vinamed; việc thoái vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần Nhựa Y tế (Mediplast), Tổng Công ty cổ phần Y tế (Danameco); việc sáp nhập Công ty cổ phần Nhựa Y tế vào Tổng Công ty thiết bị Y tế.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Thanh tra Chính phủ phải hoàn thành để báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thanh tra trong quý II/2018. (Lao động, trang 8)
Hà Nam nỗ lực giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh: Giải pháp cốt lõi là chính sách an sinh xã hội
Hiện nay, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) đang diễn ra ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Tại một số địa phương, tình trạng này đã lên đến mức "báo động đỏ" và dự báo những hệ lụy khôn lường, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội trong tương lai. Để ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng này, hệ thống cơ quan dân số tỉnh Hà Nam đã và đang tăng cường các giải pháp giảm thiểu MCBGTKS. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Hà Nam vẫn là tỉnh có tỷ lệ MCBGTKS cao với tỷ số giới tính 112,8 bé trai/100 bé gái.
Triển khai đồng bộ các hoạt động
Theo số liệu thống kê của Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh Hà Nam cho thấy: Năm 2007 tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nam ở mức 108 bé trai/100 bé gái, đến năm 2017 đã tăng lên là 112,8 bé trai/100 bé gái trong khi đó mức sinh học tự nhiên là từ 103 đến 107 bé trai/100 bé gái, Tình trạng MCBGTSK xảy ra ở cả 6 huyện/thành phố, đáng chú ý là huyện Kim Bảng (120,9 bé trai/100 bé gái), huyện Duy Tiên (113,5 bé trai/100 bé gái)…
Trước tình trạng MCBGTKS diễn ra quá nhanh như hiện nay và xu hướng còn tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo, việc giải quyết tình trạng MCBGTSK ở Hà Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Vì thế, ngành Dân số tỉnh Hà Nam nỗ lực triển khai đồng bộ Đề án Kiểm soát MCBGTSK giai đoạn 2016-2025.
Theo kế hoạch Đề án được thực hiện thành hai giai đoạn, giai đoạn I (2016-2020) thực hiện tại 66 xã/phường/thị trấn, giai đoạn II (2021-2025) thực hiện ở 50 xã/phường/thị trấn còn lại. Hoạt động chính của Đề án là mỗi phường, xã thành lập một câu lạc bộ (CLB) phụ nữ không sinh con thứ 3 giúp nhau phát triển kinh tế. CLB do chủ tịch UBND phường, xã ký quyết định thành lập, chủ tịch hội phụ nữ làm chủ nhiệm, cán bộ chuyên trách dân số làm phó chủ nhiệm. Trên cơ sở đó, các CLB duy trì sinh hoạt thường xuyên, nội dung tập trung vào tư vấn, cung cấp thông tin, tổ chức hội thảo, nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản, quy định của pháp luật liên quan đến bình đẳng giới, lựa chọn giới tính thai nhi, những hệ lụy của MCBGTSK… Bên cạnh đó, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cũng tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh… đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức, thái độ của người dân về giới và giới tính khi sinh; đồng thời đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về các dịch vụ y tế, chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho mọi đối tượng trên địa bàn.
Song song với các hoạt động trên, hàng năm Chi cục cũng tổ chức 2 đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Mỗi đợt truyền thông kéo dài khoảng 3 tháng. Theo đó, đoàn cán bộ dân số đến từng đơn vị xã, phường tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn về các vấn đề liên quan đến sức khỏe, bình đẳng giới, MCBGTKS, đồng thời cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ…Với các biện pháp trên, giúp mỗi người dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện chính sách dân số, đồng thời thay đổi nhận thức của đối tượng sinh con một bề là gái đang có ý định sinh tiếp để có con trai.
Cần thực hiện tốt an sinh xã hội
Mặc dù các đề án, chiến dịch, hoạt động tuyên truyền được triển khai tích cực, nhưng việc kiểm soát MCBGTKS thực sự vẫn rất khó khăn. Nguyên nhân chính của thực trạng này xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ, tâm lý mong đợi sự khác biệt về vai trò của con trai và con gái trong gia đình. Hơn nữa, xu hướng và áp lực giảm sinh với khuyến cáo “Mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1 đến 2 con”, cộng thêm tác động của yếu tố kinh tế, phúc lợi xã hội cũng là nguyên nhân gián tiếp tác động đến thực trạng này.
Mặt khác, cuộc sống hiện đại nhiều rủi ro như: Tai nạn, bệnh tật, nghiện hút… nên có gia đình đã có đủ "nếp, tẻ" vẫn muốn sinh thêm con. Trong khi đó, với sự "tiếp sức" của những dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi hiện đại để can thiệp và chẩn đoán ngày càng phố biến ở khắp các vùng, miền nên nhiều cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp lựa chọn giới tính thai nhi, nhất là ở những gia đình có điều kiện kinh tế. Ngoài ra, thực trạng MCBGTKS không những không cải thiện được vị thế của người phụ nữ mà còn làm tăng thêm vấn đề về bất bình đẳng giới. Hệ lụy của vấn đề còn là khan hiếm phụ nữ trong tương lai, gây thêm áp lực về kết hôn ở độ tuổi trẻ hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, mua bán phụ nữ gia tăng…
Trao đổi về vấn đề này, bà Tạ Thị Hoa, Chi Cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh cho biết: "Để từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại quy luật tự nhiên, thời gian tới Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, chú trọng công tác truyền thông có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, Đề án Kiểm soát MCBGTSK sẽ được tiếp tục triển khai ở các xã, thị trấn có tỷ lệ giới tính khi sinh cao. Đồng thời, đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền cần siết chặt quản lý các dịch vụ y tế liên quan đến chọn lọc giới tính; có những chính sách ưu tiên hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ, trẻ em gái và gia đình sinh con một bề là gái"… Bà Hoa cũng cho biết, giải pháp lâu dài là phải thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội đối với người cao tuổi, giúp giảm bớt gánh nặng của con cháu trong việc phụng dưỡng các cụ và sự lo lắng khi về già của những người cao tuổi không có con trai.
Hy vọng với những hoạt động cụ thể được thực hiện phù hợp với tình hình của địa phương sẽ góp phần hiệu quả vào việc giảm thiểu thực trạng MCBGTKS trên địa bàn. Qua đó, giúp Hà Nam vừa phấn đấu duy trì vững chắc mức sinh thay thế, vừa nâng cao chất lượng dân số cũng như giải quyết tốt các vấn đề về cơ cấu dân số trong thời gian tới. (Gia đình & Xã hội, trang 6).